Friday, July 26, 2019

Đối sách nào cho Việt Nam trong vụ bãi Tư Chính



Đối sách nào cho Việt Nam trong vụ bãi Tư Chính

27/07/2019

“Trong những ngày qua, nhóm tàu khảo sát Hải Dương 8 của Trung Quốc đã có hành vi vi phạm vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam ở khu vực phía Nam Biển Đông..."


  •  


  •  

Thiện Ý

Chúng tôi lần lượt trình bày tóm lược diễn biến vụ việc Bãi Tư Chính và đưa ra nhận định về đối sách của nhà đương quyền Việt Nam, sẽ là nội dung bài viết này.
I - DIỄN BIẾN VỤ VIỆC BÃI TƯ CHÍNH
Vụ việc khởi sự khi vào ngày 3-7-2019 và trước đó, tàu thăm dò "Hải Dương Địa Chất 8" và các tàu hộ tống cảnh sát biển của Trung quốc đã xuất hiện gần Bãi Tư Chính thuộc quần đảo Trường Sa, trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam.
Sự thể này đã dẫn đến một cuộc đối đầu căng thẳng giữa các tàu của lực lượng hải cảnh Việt Nam và Trung Quốc trong mấy tuần qua vẫn đang tiếp diễn, ở nơi mà một công ty của Nga đang thực hiện hoạt động thăm dò dầu khí tại Lô 06.1 của Việt Nam ở Biển Đông theo hợp đồng ký với Việt Nam. Đó là công ty Rosneft của Nga thuê giàn khoan Hakuryu-5 của Công ty Khoan thăm dò Nhật Bản (JDC). Điều này làm người ta nhớ lại một vụ đối đầu căng thẳng khác vào năm 2014 liên quan đến một giàn khoan của Trung Quốc (Hải Dương 981 ) xâm phạm chủ quyền lãnh hải phía tây bắc Hoàng Sa của Viêt Nam, gây nên biểu tình bạo động của dân chúng lan rộng khắp Việt Nam.
Thông tin về vụ “đối đầu” căng thẳng giữa các lực lượng hải cảnh của Việt Nam và Trung Quốc bắt đầu xuất hiện trên truyền thông quốc tế và mạng xã hội từ ngày 12/7, sau khi tờ the South China Morning Post dẫn nguồn tin từ nhà nghiên cứu về hải quân Trung Quốc của Mỹ, Ryan Martinson, dựa trên các dữ liệu theo dõi hàng hải. Theo nguồn tin này, 6 tàu hải cảnh, gồm 2 tàu của Trung Quốc và 4 tàu của Việt Nam, được trang bị kỹ càng đã “vờn nhau” trong suốt một tuần qua khi Bắc Kinh đưa tàu Hải Dương Địa Chất 8 vào khảo sát địa chất gần Bãi Tư Chính, thuộc đặc quyền kinh tế và do Việt Nam kiểm soát ở Biển Đông.
Theo Ông Ryan Martinson, chuyên gia về hải quân Trung Quốc của Trường Hải Chiến Hoa Kỳ cho biết, rằng tính tới ngày 23/7, các tàu hải cảnh của Trung Quốc “vẫn hoạt động gần giàn khoan dầu của Nhật ở phía tây Bãi Tư Chính”, trong khi tàu Haiyang Dizhi 8 “tiếp tục tiến hành khảo sát địa chấn tại Vùng Đặc quyền Kinh tế của Việt Nam ở phía tây quần đảo Trường Sa”.
Tình trạng tiếp tục căng thẳng hiện nay, là vì Trung Quốc tiếp tục khẳng định chủ quyền nơi đang có tranh chấp, căn cứ trên “bản đồ 9 đoạn” tự vẽ, dù đã bị Tòa án Quốc tế phủ nhận giá trị pháp lý cũng như thực tế trong bản án Philippine kiện Trung Quốc mấy năm trước đây (2013-2016). Vì thế, theo cách “vừa ăn cướp vừa la làng”, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Cảnh Sảng, tại cuộc họp báo hôm 17/7, yêu cầu Việt Nam “nghiêm túc tôn trọng chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của Trung Quốc đối với các vùng lãnh hải liên quan và không có bất kỳ hành động nào làm phức tạp tình hình”.
Trong khi Việt Nam vẫn luôn xác nhận có đủ bằng chứng lịch sử, pháp lý và thực tiễn về chủ quyền của Việt Nam tại Bãi Tư Chính cũng như trên các vùng biển đảo thuộc hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa là của Việt Nam. Vì thế, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng đã mạnh mẽ cáo buộc nhóm tàu khảo sát Hải Dương 8 của Trung quốc đã vi phạm vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam ở khu vực phía nam Biển Đông. Hà Nội cũng nói đã trao công hàm phản đối cho Bắc Kinh và khẳng định lực lượng chấp pháp sẽ tiếp tục “triển khai nhiều biện pháp phù hợp” nhằm bảo vệ vùng biển Việt Nam. Trả lời báo chí trong cuộc họp báo ngày 19/7, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam nói: “Trong những ngày qua, nhóm tàu khảo sát Hải Dương 8 của Trung Quốc đã có hành vi vi phạm vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam ở khu vực phía Nam Biển Đông. Đây là vùng biển hoàn toàn của Việt Nam, được xác định theo đúng các quy định của Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển 1982 mà Việt Nam và Trung Quốc đều là thành viên”.
II - ĐỐI SÁCH CỦA VIỆT NAM?
Theo nhận định của chúng tôi, đối sách của Việt Nam đi từ dè dặt lúc đầu, đến thái độ và lời nói mạnh bạo sau đó, nhưng vẫn tỏ ra mềm dẻo trong hành động đối ứng thực tế để tránh một cuộc đụng độ quân sư không cân sức, bất lợi cho Việt Nam.
1 - Vì dè dặt lúc đầu, vốn là cách ứng xử bao lâu nay của nhà cầm quyền Việt Nam, nên người phát ngôn Bộ Ngoại Giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng khi lên tiếng tố cáo hành động xâm phạm chủ Việt Nam gần Bãi Tư Chính, đã không giám chỉ đích danh Trung Quốc, (như trước đây từng tránh né không giám tố cáo đich danh tàu Trung quốc đâm chìm tàu đánh bắt cá và sát hại ngư dân Việt Nam, mà chỉ gọi là “Tàu lạ”). Trả lời câu hỏi của truyền thông hôm 16/7, người phát ngôn của Bộ Ngoại giao Việt Nam chỉ nói chung chung có tính nguyên tắc, rằng "Như đã nhiều lần khẳng định, Việt Nam có chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán đối với các vùng biển ở Biển Đông được xác định theo đúng các quy định của Công ước của LHQ về Luật Biển 1982 mà Việt Nam và các nước ở Biển Đông đều là thành viên. Do đó, mọi hoạt động của nước ngoài trên các vùng biển Việt Nam phải tuân thủ các quy định có liên quan của UNCLOS, pháp luật Việt Nam.”
2 - Thế nhưng chỉ ba ngày sau, Việt Nam đã có thái độ và lời nói mạnh bạo và cứng rắn. Qua cuộc họp báo ngày 19-7-2019, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam đã đưa ra chỉ trích sắc bén hơn bằng cách nêu đích danh Trung Quốcđã có hành vi vi phạm vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam” trong khu vực Biển Đông. Trả lời báo chí trong cuộc họp báo này, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam, Lê Thị Thu Hằng nói: “Trong những ngày qua, nhóm tàu khảo sát Hải Dương 8 của Trung Quốc đã có hành vi vi phạm vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam ở khu vực phía Nam Biển Đông. Đây là vùng biển hoàn toàn của Việt Nam, được xác định theo đúng các quy định của Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển 1982 mà Việt Nam và Trung Quốc đều là thành viên…”.
Những động thái trên được đánh giá là hiếm hoi trong những phản ứng chính thức của Việt Nam đối với những hành động được cho là “khiêu khích” của Trung Quốc trong những năm gần đây. Theo nhận định của chúng tôi, động thái hiếm hoi này có lẽ là do Việt Nam đã đo lường trước được một sự hậu thuẫn mạnh mẽ của Hoa Kỳ, do chính sách “Xoay trục đối ngoại” tịnh tiến về phía Hoa Kỳ mà thực tế đã có những dấu hiệu trao đổi song phương về ngoại giao và quân sự khả tín, nhất là các hoạt động cụ thể trong những tháng gần đây trong nỗ lực đi từ hợp tác toàn diện đến hợp tác chiến lược toàn diện(như chúng tôi đã trình bày chi tiết trong bài viết mới đây trên diễn đàn này).
Chẳng thế mà, chỉ một ngay sau tuyên bố cứng rắn của Việt Nam, Hoa Kỳ đã mau chóng lên tiếng bảo vệ Việt Nam. Ngày 20-7-2019 Bộ Ngoại giao Mỹ đã ra một Thông báo khá dài cho thấy một sự ủng hộ gần như rõ ràng đối với Việt Nam trong một tranh cãi gay gắt với nước láng giềng và thể hiện lập trường mạnh mẽ của Mỹ về vụ việc được nói là tàu Trung Quốc cản trở hoạt động dầu khí của các nước có tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông. Nội dung Thông báo này, đã lên án Trung Quốc bằng những lời lẽ đanh thép, cáo buộc nước này có “hành vi bắt nạt” và “làm suy yếu hòa bình và an ninh khu vực” giữa lúc tàu khảo sát địa chất của Trung Quốc tiếp tục hoạt động trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam ở phía nam Biển Đông.
Thông báo của Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ có đoạn viết “Việc Trung Quốc cải tạo và quân sự hóa các tiền đồn đang tranh chấp ở Biển Nam Trung Hoa, cùng với những nỗ lực khác để khẳng định các yêu sách hàng hải bất hợp pháp ở Biển Nam Trung Hoa, bao gồm việc sử dụng dân quân hàng hải để hăm dọa, cưỡng ép và đe dọa các quốc gia khác, làm suy yếu hòa bình và an ninh của khu vực…”
Và rằng “Mỹ kiên quyết phản đối sự cưỡng ép và đe dọa của bất kì nước tuyên bố chủ quyền nào nhằm khẳng định các yêu sách lãnh thổ hoặc hàng hải của mình.
“Trung Quốc nên chấm dứt hành vi bắt nạt và kiềm chế thực hiện loại hoạt động khiêu khích và gây bất ổn này…”
Cố vấn An ninh Quốc gia Nhà Trắng John Bosten hôm thứ Sáu 18-7 cũng viết trên Twitter với ý tương tự nhắm vào Trung Quốc dù không nhắc cụ thể tới vụ tranh chấp với Việt Nam, rằng “Hành vi cưỡng ép của Trung Quốc đối với các nước láng giềng Đông Nam Á là phản tác dụng và đe dọa hòa bình & ổn định trong khu vực…”. Đồng thời trên thực tế, Tư lệnh Tuần duyên Mỹ Karl L. Schultz cũng nhấn mạnh với báo chí hôm 23/7 rằng Tuần duyên Mỹ (USCG) tiếp tục quan hệ hợp tác với Cảnh sát biển Việt Nam và tái khẳng định cam kết lâu dài đối với an ninh khu vực trong bối cảnh tình hình Biển Đông tiếp tục phức tạp. Ông nói “Chúng tôi đang hợp tác rất chặt chẽ với Việt Nam và Hà Nội đã tăng cường sức mạnh của lực lượng cảnh sát biển lên rất nhiều.
Mặt khác, phản ứng mạnh bạo bất thường của Việt Nam còn là do đánh giá được phản ứng của Trung Quốc bị hạn chế bởi vùng tranh chấp lần này ở một vị trí đang có một công ty khai thác dầu khí của Nga với kỹ thuật khai thác dầu khí của một công ty Nhật. Vì thế, Trung Quốc không dám hung hăng ra tối hậu thư như vài năm trước đây, đã ép buộc Việt Nam không được để cho công ty Epson của Tây Ban Nha tiếp tục hợp đồng khai thác dầu khí ở một lô nằm trong thềm lục địa và đặc quyền kinh tế của Việt Nam. Mặc dầu cho đến lúc này, chính phủ Nga vẫn giữ im lặng. Nhưng theo nhận định của Tiến sĩ Hà Hoàng Hợp, nhà nghiên cứu kỳ cựu tại Viện Nghiên cứu Đông Nam Á ISEAS-Yusof Ishak có trụ sở ở Singapore, Nga không lên tiếng, nhưng sẽ không bao giờ rút giàn khoan như công ty khai tháp dầu khí của Tây ban Nha, mà sẽ khai thác cho đến khi hết cạn túi dầu. Ông nói với VOA, rằng “Có thể khẳng định rằng người Nga có nói gì hay không nói gì thì doanh nghiệp Nga đó chỉ rút về khi hết dầu, hết khí thôi. Tức là họ sẽ không rút. Người Nga khai thác ở vùng biển Việt Nam từ năm 1978. Người Nga người ta rất hiểu luật. Họ có tuyên bố, có nói gì hay không, cũng không thay đổi hiện trạng là công ty Rosneft và công ty khác của Nga không bao giờ người ta rút cả”.
Chính vì những yếu tố có được trong quan hệ với Hoa Kỳ và sự có mặt của hai công ty Nga, Nhật nơi vùng đang tranh chấp, cũng như biết được hành động ngang ngược của Trung Quốc mang tính thăm dò phản ứng các bên có liên quan, Việt Nam đã quốc tế hóa được việc giải quyết tranh chấp đa phương, đo lường được mức độ phản ứng của Trung Quốc nên mới dám tỏ thái độ cương quyết, mạnh bạo như thế. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam trong cuộc họp báo ngày 19-7 nói “Duy trì trật tự, hòa bình, an ninh ở khu vực Biển Đông là lợi ích chung của các nước trong và ngoài khu vực cũng như cộng đồng quốc tế,” Và “Do đó, Việt Nam mong muốn các nước liên quan và cộng đồng quốc tế cùng nỗ lực đóng góp nhằm bảo vệ và duy trì lợi ích chung này."
3 - Tuy nhiên Việt Nam vẫn tỏ ra mềm dẻo trong hành động đối ứng thực tế để tránh một cuộc đụng độ quân sự không cân sức với Trung Quốc, bất lợi cho Việt Nam.
Cung cách đối ứng mềm dẻo này, đã được người phát ngôn của Bộ Ngoại giao Việt Nam lặp lại chủ trương của Việt Nam từ trước tới giờ là giải quyết tranh chấp, bất đồng, bằng các biện pháp hòa bình, phù hợp với luật pháp quốc tế và Công ước quốc tế về Luật Biển (UNCLOS). Trong vụ giai quyết tranh chấp hiện hiện nay trên thực tế, người phát ngôn nói là Việt Nam đang theo đuổi các kênh ngoại giao, vận động quốc tế. Nhưng không rõ có nối tiếp hành đồng pháp lý là kiện Trung Quốc trước Tòa Trọng tài Thường trực (PCA) như Philippine đã khởi kiện năm 2013 và thắng kiện Trung Quốc năm 2016. Mặc dầu phán quyết này không buộc được Trung Quốc thi hành và cơ quan tài phán này cũng không thể có biện pháp cưỡng hành. Thế nhưng ít ra cũng có thêm bằng chứng pháp lý trong hồ sơ bảo vệ chủ quyền biển đảo thuộc hai quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa của Việt Nam để trong tương lai, khi có thời cơ thuận lợi, sẽ đòi lại các đảo bị Trung Quốc cưỡng đoạt bằng giải pháp pháp lý.
Bên lề Hội nghị Biển Đông thường niên lần thứ 9 do Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế (CSIS) tổ chức ở Washington D.C. hôm 24/7 bà Bonnie Glaser, Giám đốc Chương trình Sức mạnh Trung Quốc tại CSIS, đã trả lời VOA về làm sao Việt Nam có thể ngăn ngừa những vụ xâm phạm tương tự như thế trong tương lai, bà nói ‘khởi sự kiện Trung Quốc sẽ là một bước đi rất hay’. Và rằng “Đó sẽ là một bước đi rất quan trọng và tôi sẽ không đánh giá thấp tác động của nó (đối với Trung Quốc) ”.
III - KẾT LUẬN
Trước hành động ngang nhiên đưa tàu thăm dò "Hải Dương Địa Chất 8" và các tàu hộ tống cảnh sát biển của Trung quốc vào gần Bãi Tư Chính thuộc quần đảo Trường Sa,trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam.Đối sách của Việt Nam đi từ dè dặt lúc đầu, đến thái độ và lời nói mạnh bạo sau đó, nhưng vẫn tỏ ra mềm dẻo trong hành động đối phó thực tế để tránh một cuộc đụng độ quân sư không cân sức, bất lợi cho Việt Nam.
Nhưng hiệu quả của đối sách này thế nào: liệu Trung Quốc có rút êm các tàu của họ vô điều kiện hay có điều kiện gì? Hay trong tình thế căng thẳng hiện nay liệu có dẫn đến nguy cơ nổ súng như Ts Hà Hoàng Hợp lo ngại“Sẽ đến lúc mà không kiềm chế được là sẽ có bắn nhau. Nó sẽ xảy ra như thế nếu như người Trung Quốc trong thời gian tới không rút…”. Tất cả đều ở phía trước, chúng ta hãy chờ xem, hiệu quả thực tế không lâu lắm đâu.
Thiện Ý
Houston, ngày 25-7-2019

Giải quyết vụ Vườn Rau Lộc Hưng, có dấu hiệu đáng mừng?



Giải quyết vụ Vườn Rau Lộc Hưng, có dấu hiệu đáng mừng?

Thiện Ý.

Dấu hiệu đáng mừng cho người dân Vườn Rau Lộc Hưng (VRLH) được tìm thấy trong bản tường trình của LS Trần Hồng Phong Eco Law, do một luật sư hổ trợ pháp lý cho VRLH gửi cho, cũng đã được phổ biến rộng rãi trên FB. Nội dung bản tường trình ghi lại diễn tiến cuộc họp sáng ngày 27/6/2019 tại phòng họp Bộ Tài nguyên Môi trường  (TNMT), Hà Nội; để xem xét và giải quyết khiếu tố của người dân VRLH bị cưỡng chế trái pháp luật.

Đáng mừng vì theo lời một luật sư thiện nguyện hổ trợ pháp lý cho người dân VRLH cho biết, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã yêu yêu cầu Ủy Ban Nhân dân TP.HCM phải giải trình về VRLH và Bộ TNMT có trách nhiệm tham mưu cho Chính Phủ.....Vì vậy, cuộc họp giữa “Nhóm luật sư Vườn Rau Lộc Hưng và bà con Vườn Rau Lộc Hưng làm việc với Bộ Tài nguyên Môi trường” đã diễn ra dưới sự chủ trì của Thứ trưởng và sự hiện diện của Chánh Thanh tra Bộ TNMT.

Nội dung bản tường trình thế nào và người dân VRLH đánh giá dấu hiệu đáng mừng ra sao? Người dân VRLH thực sự muốn gì?

I/- NỘI DUNG BẢN TƯỜNG TRÌNH THẾ NÀO?

Để bạn đọc biết diễn tiến cuộc họp sáng ngày 27/6/2019 tại phòng họp Bộ Tài nguyên Môi trường  (TNMT), Hà Nội…như thế nào, chúng tôi mạn phép tác giả đăng lai toàn văn bản tường trình như sau:

     Sáng nay 27/6/2019, đại diện bà con #VRLH gồm anh Cao Hà Chánh, anh Cao Hà Trực, chị Trần Minh Thi cùng LS Trần Hồng Phong và LS Đặng Dũng làm việc với Lãnh đạo Bộ TNMT.
      Phía lãnh đạo Bộ TNMT có Thứ trưởng Nguyễn Thị Phương Hoa, ông Lê Quốc Trung - Chánh thanh tra, cùng lãnh đạo Tổng cục địa chính và các ban, tổng cộng 7 người.
     Ông Trung cho biết theo kế hoạch Bộ trưởng sẽ tiếp đoàn nhưng do bận tham dự G20 nên không có mặt. Tuy nhiên Bộ cử đầy đủ thành phần tham dự buổi làm việc tiếp đoàn bà con VRLH và nhóm luật sư.
     Chúng tôi khá bất ngờ khi thấy thành phần dự họp của Bộ khá đông với sự tham gia của nhiều cục nghiệp vụ. Quá trình làm việc thể hiện sự trọng thị, lịch sự, lắng nghe ý kiến trình bày của đoàn.
Mục đích chính của buổi làm việc này, về phía người dân là yêu cầu Bộ TNMT làm rõ giá trị pháp lý của văn bản do Thứ trưởng Bộ TNMT Đặng Hùng Võ ký năm 2006. Vì chính do văn bản này mà chính quyền địa phương đã không cấp GCNQSDĐ cho người dân.
     Mở đầu, Chánh thanh tra Lê Quốc Trung cho biết vụ việc VRLH đã được Thủ tướng quan tâm, trực tiếp chỉ đạo giải quyết. Vừa qua Thủ tướng tổ chức cuộc họp về vụ việc, Bộ TNMT có tham gia. UBND TPHCM đã có báo cáo mới nhất, tuy nhiên là văn bản mật nên không thể công bố. Bộ TNMT trong chức năng của mình sẽ có ý kiến giúp Thủ tướng về mặt chuyên môn.
     Bộ TNMT cho biết đã xem đơn và hồ sơ do bà con gửi, liên quan đến việc làm rõ giá trị pháp lý của văn bản số 5201 năm 2006 do Thứ trưởng Đặng Hùng Võ ký. Bộ đề nghị bà con cho biết có bổ sung thêm vấn đề nào không?
    Anh Chánh đại diện bà con trình bày về nguồn gốc, quá trình sử dụng đất, nỗi thống khổ, khó khăn của người dân do hậu quả của đợt cưỡng chế kinh hoàng ngày 4,8/1/2019, huỷ hoại 503 căn nhà, người dân bị đuổi ra khỏi mảnh đất của mình. Anh cho biết chính quyền không cho đăng ký sử dụng đất, không giải quyết khiếu nại của người dân suốt hơn 20 năm qua.
     Anh Trực trình bày thêm, tự tay đưa bản vẽ tờ bản đồ khổ lớn khu đất VRLH cho Bộ. Anh nêu rõ cùng nguồn gốc đất như nhau, năm 2002 những căn nhà khu rìa Vườn rau đã được cấp giấy chứng nhận sở hữu nhà, khu vực do Bưu điện chiếm làm nhà cho cán bộ nhân viên cũng đã được rào riêng, cấp giấy - thì tại sao phần đất VRLH không được cấp?!
     Anh Trực còn cung cấp thông tin gây choáng là năm 2006, khi ông Phó chủ tịch UBND TPHCM xuống làm việc có đưa ra quyết định thu hồi khu đất C30 không phải là VRLH nhưng lại nói là quyết định thu hồi VRLH. Việc này là do TPHCM nhầm lẫn, hay cố tình đánh lận để cướp đất của người dân? Trong lúc trình bày anh Trực bật khóc vì uất ức, tủi phận cho người dân vườn rau.
     Chị Thi tấm tức cho rằng việc Đoàn cưỡng chế chính quyền tàn phá nhà cửa của người dân ngay ngày tết là vô nhân đạo, tàn ác. Tại sao họ nói không cưỡng chế thu hồi đất, mà đến nay vẫn ngăn cản không cho người dân vào đất của mình? Hãy để chúng tôi nói, chúng tôi có nhu cầu và nguyện vọng nói vì lâu nay không ai nghe người dân nói, chính quyền thì né tránh đối thoại...
     Nghe các anh chị trình bày, có những lúc chúng tôi cảm thấy nhói lòng, xúc động.
     LS Đặng Dũng cho biết chiều hôm qua đã làm việc với Thanh tra Bộ giáo dục đào tạo, khiếu nại chính quyền TPHCM vẽ ra dự án "cụm trường công lập đạt chuẩn quốc gia" trên khu đất VRLH, thực chất là việc lợi dụng nhóm từ tốt đẹp để lừa dối dư luận, vì dự án này là mơ hồ, trái quy định. Ngoài ra, trên cùng một khu đất thì lại cấp cho cán bộ bưu điện.
     LS Phong đề nghị Bộ lưu ý giải quyết đúng kiến nghị của người dân: giá trị pháp lý của văn bản ông Đặng Hùng Võ ký. Ngoài ra, hiện nay chính quyền TPHCM nói rằng đất VRLH là "đất công" và TP đã thu hồi theo Quyết định 111/CP ngày 14/4/1977. Vậy đất công là gì? Điều khoản nào trong QĐ 111/CP được TP áp dụng, trong khi đây là chính sách cải tạo XHCN, đánh vào giới nhà giàu?
     Chánh thanh tra Bộ cho biết văn bản của Bộ năm 2006 chỉ là giải thích nghiệp vụ trên cơ sở thông tin và hỏi của địa phương, không phải là văn bản quy phạm pháp luật. Việc hướng dẫn người dân đăng ký, xem xét cấp GCNQSDĐ là thuộc thẩm quyền, trách nhiệm của địa phương. Bộ không thể làm thay. Về khái niệm "đất công" luật không có quy định. Về QĐ 111/CP trong văn bản của Bộ năm 2006 không đề cập đến. Bộ khẳng định sẽ có văn bản trả lời bà con.
     Kết thúc, Thứ trưởng Bộ TNMT cho biết đã lắng nghe, ghi nhận và sẽ có ý kiến về vụ việc theo chỉ đạo của Thủ tướng. Bà con hãy yên tâm.
     Đoàn ra về, với niềm mong mỏi công lý và sự thật sẽ được sáng tỏ, quyền lợi hợp pháp của người dân sẽ được giải quyết. Cuộc họp dù sao cũng mở ra một tia hy vọng. Tuy nhiên, mọi người đều xác định con đường đấu tranh sẽ còn dài và khó khăn. Dù vậy, việc công bố Kết luận thanh tra vụ Thủ Thiêm trong cùng buổi sáng nay đã phần nào  cho thấy sai phạm trong quản lý đất tại TPHCM trước sau gì cũng sẽ bị phơi bày.”

(Tường thuật của LS Trần Hồng Phong Eco Law từ cuộc họp sáng ngay 27/6/2019 tại phòng họp Bộ TNMT, Hà Nội).

II/- NGƯỜI DÂN VRLH ĐÁNH GIÁ DẤU HIỆU ĐÁNG MỪNG RA SAO?

Câu trả lời tổng quát có thể trích ra từ phần cuối của bản tường thuật trên, rằng “Đoàn ra về, với niềm mong mỏi công lý và sự thật sẽ được sáng tỏ, quyền lợi hợp pháp của người dân sẽ được giải quyết. Cuộc họp dù sao cũng mở ra một tia hy vọng. Tuy nhiên, mọi người đều xác định con đường đấu tranh sẽ còn dài và khó khăn…”. Điều này có nghĩa là dấu hiệu đáng vui mừng mới “mở ra một tia hy vọng”trong sự hoài nghi về kết quả sau cùng liệu có giải quyết được thỏa đáng những yêu cầu hợp pháp và chính đáng của người dân VRLH khiếu kiện hay không. Vì nghi ngờ nên “mọi người đều xác định con đường đấu tranh sẽ còn dài và khó khăn…”.Vì sao?

Có thể là vì kinh nghiệm thưc tế cho thấy đã có nhiều vụ khiếu kiện đất đai giải tỏa của người dân ở các địa phương kéo dài nhiều năm, đến các cơ quan chức năng trung ương từng được Thủ tướng Chính phủ hay các lãnh đạo cơ quan chức năng Trung ương chỉ đạo phải giải quyết đúng theo đúng chủ trương, chính sách và pháp luật. Thế nhưng, kết quả sau cùng vẫn như điều mà người dân thường nói “huyện bênh huyện, phủ bênh phủ”. Nghĩa là, các cơ quan điều tra trung ương thường đồng tình với những sai phạm của địa phương.

Tỷ như người dân xã Đồng Tâm gần Hà Nội, khiếu kiện nhiều năm về diện tích đất đai thuộc quyền sử dụng của người dân địa phương, không phải là đất sử dụng cho quốc phòng. Nhưng chính quyền địa phương đã cưỡng chế khiến người dân xã Đồng Tâm buộc phải có phản ứng quyết liệt vi phạm pháp luật, là bắt giam những nhân viên đến cưỡng chế làm con tin. Để giải thoát con tin, đích thân Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung đã phải ký giấy cam kết không truy tố trách nhiệm hình sự và giải quyết thỏa đáng nguyện vọng của người dân xã Đồng tâm theo đúng pháp luật. Thế nhưng sau đó một số người cầm đầu vẫn bị truy tố và cho đến nay kết quả điều tra của cơ quan Thanh tra Chính phủ trung ương vẫn kết luận diện tích đất mà người dân khiếu kiện bao lâu nay, không thuộc quyền sử dụng của họ, vì là “đất trưng dụng cho quốc phòng”, trong khi thực tế được sử dụng vào một đề án kinh doanh của quân đội; để chỉ “yểm trợ” những cư dân mất đất theo quy định đơn phương áp đặt, không chịu “bồi thường” theo thỏa thuận song phương. Vì giá đất “bồi thường” trên một mét vuông cao hơn nhiều so với tiền gọi là “hổ trợ”. Vì vậy người dân Xã Đồng Tâm như bị dồn vào chân tường đã thề quyết tâm liều mạng đấu tranh đến cùng…

Tương tự như hoàn cảnh của người dân VRLH, bị chính quyền địa phương Phường 6 Quận Tân Bình, TPHCM giải tỏa và cưỡng chế trái pháp luật  và cũng chỉ “hổ trợ” chứ không chịu “bồi thường” thỏa đáng cho dân theo đúng pháp luật. Đồng thời lý do giải tỏa VRLH dường như cũng mang tính giả tạo,vi luật. Tương tự như vụ xã Đồng Tâm nói là trưng dụng làm “đất quốc phòng” thực tế lại sử dụng cho một công ty làm kinh tế. Theo như bản tường thuật đã ghi lại , rằng:
     “ LS Đặng Dũng cho biết chiều hôm qua đã làm việc với Thanh tra Bộ giáo dục đào tạo, khiếu nại chính quyền TPHCM vẽ ra dự án "cụm trường công lập đạt chuẩn quốc gia" trên khu đất VRLH, thực chất là việc lợi dụng nhóm từ tốt đẹp để lừa dối dư luận, vì dự án này là mơ hồ, trái quy định. Ngoài ra, trên cùng một khu đất thì lại cấp cho cán bộ bưu điện…”  

III/- NGƯỜI DÂN VRLH MUỐN GÌ?

Vậy thì, để biến những dấu hiệm đáng mừng thành niềm vui mừng thực sự cho người dân VRLH, thiết tưởng cơ quan chức năng Trung ương theo chỉ thị của Thủ Tướng Chính phủ là Bộ TNMT, có trách nhiệm giải quyết dứt điểm vụ khiếu tố, kêu oan của người dân VRLH. Nghĩa là cần giải quyết thỏa đáng theo đúng pháp luật nguyện vọng hợp pháp, chính đáng của người dân, được thể hiện trong THƯ NGỎ đã gửi cho Bí thư Thành Ủy TPHCM Nguyễn Thiện Nhân, cũng là Ủy Viên Bộ Chính Trị và là Trưởng Đoàn ĐBQH TPHCM. Nội dung Thư Ngỏ đã cho thấy nguyện vọng của người dân vườn rau Lộc Hưng bị cưỡng chế là gì, cần được chính quyền giải quyết ra sao?`

1.- Căn cứ trên Luật Đất Đai hiện hành và các văn bản pháp lý, hành chánh dưới luật có liên quan, xác nhận quyền sử dụng đất hợp pháp cho người dân VRLH, trên cơ sở nguồn gốc hợp pháp (do sở hữu chủ chân chính là Tòa Giám Mục Saigon cho phép), sử dụng ổn định lâu dài, có đóng thuế, không có tranh chấp. Việc không có giấy xác nhận quyền sử dụng đất là do lỗi của  chính quyền địa phương, đã liên tục từ chối đơn xin của người dân, mà không đưa ra lý do chính đáng, hợp pháp.

2.- Trên cơ sở hơp pháp hóa quyền sử dụng đất đai do thực tế hội đủ điều kiện luật định, buộc chính quyền các cấp có liên quan phải “bồi thường” thỏa đáng dựa trên đồng thuận chứ không phải “hổ trợ” đơn phương mang tích áp đặt của chính quyền, vi phạm quyền lợi hợp pháp, chính đáng của người dân VRLH.

3.-  Bồi thường thiệt hại tài sản (nhà cửa, đồ đạc..) bị phá hủy cho người dân VRLH do việc cưỡng chế trái pháp luật gây ra.

4.- Ưu tiên cho các nạn nhân được mua nhà cửa và huấn nghệ để sớm an cư lạc nghiệp cho người dân VRLH bị cưỡng chế đang phải sống trong tình cảnh vô gia cư, vô nghề nghiệp.

5.- Xem xét, xác định lý do giải tỏa đất VRLH có đúng là để thực hiện dự án "cụm trường công lập đạt chuẩn quốc gia"hay không? Nếu không đúng thì cần giải quyết thế nào cho thỏa đáng cho quyền lợi hợp pháp, chính đáng của người dân VRLH

Tựu chung, nếu các cơ quan chức năng Trung ương giải quyết theo đúng nguyện vọng trên của người dân VRLH, sẽ là một điểm son cho chính quyền, được người dân VRLH biết ơn.Đồng thời tạo ra một tiền lệ cho việc giải quyết nghiêm túc, dứt điểm các vụ khiếu kiện đất đai bị giải tỏa kéo dài nhiều năm qua theo đúng pháp luật, bảo vệ cho các quyền lợi hợp pháp và chính đáng của người dân.Và như thế, chính quyền không còn phải lo đối phó với “các thế lực thù địch” lợi dụng chống phá “chế độ ta”. Vì nguyên nhân chống phá của “Phản động” đều xuất phát từ những xâm hại các quyền dân chủ, dân sinh và nhân quyền của nhà cầm quyền các cấp. Nếu “Đảng và Nhà nước ta” làm đúng pháp luật, tôn trọng và bảo vệ cho các quyền dân chủ, dân sinh và nhân quyền, thì làm gì có các vụ khiếu kiện kêu oan để cho “Các thế lực thù địch” lợi dụng, chống phá.Đúng không ạ?

             Thiện Ý
 Houston, ngày 15-7-2019