Tuesday, May 4, 2021

Nhân biến cố 30-4-1975, giới thiệu tài liệu “Việt Nam Trong Thế Chiến Lược Quốc Tế Mới”.

 

Nhân biến cố 30-4-1975, giới thiệu tài liệu “Việt Nam Trong Thế Chiến Lược Quốc Tế Mới”.
Thiện Ý   

Hai mươi chín năm trước đây (1992-2021), chúng tôi đến định cư tại Hoa Kỳ theo diện đoàn tụ gia đình do người chị vợ di tản trước 30-4-1975 ít tuần. Ba năm sau (1992-1995), chúng tôi đã cho ấn hành lần đầu tập tài liệu nghiên cứu lý luận “Việt Nam Trong Thế Chiến Lược Quốc Tế Mới”(VNTTCLQTM) vào dịp 30-4-1995, sách dày khoảng 500 trang. Mười năm sau (1995-2005) tái bản nhân kỷ niệm 20 năm chấm dứt cuộc chiến tranh cốt nhục tương tàn (1975-1995).

I/- Bối cảnh hình thành tác phẩm và chủ đích của tác giả.

Đây là tập tài liệu nghiên cứu lý luận mà chúng tôi đã viết bí mật từ trong nước nhan đề “Thế chiến lược toàn cầu mới của các cường quốc cực”, dày dưới 30 trang đánh máy,trong thời khoảng 1976-1977(*).Nội dung tài liệu là những suy tư về cách nhìn, nhận xét, đánh giá và lý giải về những băn khoăn thắc mắc cá nhân và có lẽ cũng của nhiều người về một cuộc chiến tranh khốc liệt kéo dài trên 20 năm (1954-1975).  Nhưng vì sao cuộc chiến ấy đã kết thúc nhanh gọn, gây bất ngờ cho cả hai bên nội chiến. Đó là bên người Việt Nam theo ý thức hệ cộng sản (gọi tắt là Việt Công) và bên người Việt Nam theo ý thức hệ Quốc Gia (gọi tắt là Việt Quốc).Nhưng chiến tranh Việt Nam kết thúc như thế,có lẽ đã không gây bất ngờ cho các bên ngoại chiến (Liên Xô, Trung Cộng phe XHCN- Hoa Kỳ và các cường quốc đồng minh phe TBCN…). Vì dường như các bên ngoại chiến này đã như chủ động đưa cuộc chiến Việt Nam đi đến kết thúc theo cách họ muốn để đi vào thế chiến lược toàn cầu mới.

Bằng những kiến thức hữu hạn qua sách vở, kinh nghiệm sống và sự quan sát, suy luận trên các dữ kiện được hệ thống hoá trong tập tài liệu nghiên cứu lý luận “Việt Nam trong thế chiến lược quốc tế mới”, chúng tôi đã lý giải những băn khoăn thắc mắc của chính mình và có lẽ cũng là của nhiều người:

1.- Rằng tại sao cuộc chiến tranh Việt Nam khốc liệt, kéo dài như thế mà đã kết thúc nhanh gọn, không bình thường như  vậy ?

2.-Rằng sự kết thúc chiến tranh không bình thường như vậy, phải chăng đó là vì nhu cầu thay đổi thế chiến lược quốc tế mới của Hoa Kỳ nói riêng, các cường quốc cực nói chung ? Nếu vậy thì cuộc chiến tranh Việt Nam kết thúc như thế có phải là thắng lợi của phe này(Phe XHCN và Việt cộng) đối với phe kia (Phe TBCN và Việt quốc ) hay không?

3.- Rằng nếu do có sự thay đổi thế chiến lược quốc tế mới thì vì sao và nội dung thế chiến lược quốc tế mới ấy thế nào? - Những dấu hiệu nào cho thấy thế giới đã và đang đi vào thế chiến luợc quốc tế mới ấy ?

4.- Vậy thì, Việt Nam đã và đang đi vào thế chiến lược quốc tế mới đó như thế nào?

Sau khi lần lượt lý giải những vấn nạn trên chúng tôi đã đi đến một xác tín, rằng “Việt Nam Lạc Quan Tin Tưởng Hướng Về Tương Lai” trong chiền lược quốc tế mới. Tương lai ấy là gì?

   “...Ðó là một tương lai tươi sáng, đầy triển vọng tốt đẹp cho dân tộc Việt Nam, sau một quá khứ đen tối, dưới sự kềm kẹp của ngoại bang, với chiến tranh, độc tài, hận thù, đói nghèo và tủi nhục. Một tương lai trong đó sẽ hiện thực được lý tưởng, ước mơ, hoài bão của nhiều thế hệ dân Việt đã và đang nỗ lực hướng tới. Nghĩa là một tương lai sẽ hình thành được một chế độ dân chủ đích thực, một đất nước phát triển toàn diện đến giầu mạnh, văn minh, tiến bộ, theo kịp đà tiến hoá chung của nhân loại. Một tương lai trong đó, mọi người dân được sống trong hoà bình, ổn định, đoàn kết yêu thương, độc lập, tự do, công bình và ấm no hạnh phúc.........”(VNTTCLQTM, trang 387)(**)

Muốn có được một tương lai tốt đẹp như thế, chúng tôi đã thử đề nghị một giải pháp toàn cuộc  cho Việt Nam, với một “Tiến trình ba bước đến nền Dân Chủ Nhất Nguyên Dân Tộc”.(**) Một giải pháp mang tính thách đố những người Cộng sản Việt Nam đang nắm quyền, nếu có lòng yêu nước, thực tâm vì đất nước, vì dân tộc có thể chủ động thực hiện được.

II/- Bố cục “Việt Nam Trong Thế Chiến Lược Quốc Tế mới”.

Ngoài phần mở đầu giới thiệu tác giả tác phẩm của các vị thức giả, VNTTCLQTM có bốn phần chính:

(1)-Nhận định tổng quát về nền tảng bang giao quốc tế (qua sự phân định thế giới giầu-nghèo;các mối tương quan giữa các nước giầu với nhau,giữa các nước nghèo với nhau và giữa các nước giầu-nghèo…).

(2) Thế chiến lược quốc tế mới của các cường quốc cực (Thế chiến lược quốc tế cũ là gì?- Vì sao có sự thay đổi thế chiến lược quốc tế cũ-Nội dung thế chiến lược quốc tế mới ra sao – Những dấu hiệu nào cho thấy thế giới đã và đang đi vào thế chiến lược quốc tế mới?).

(3) Việt Nam trong thế chiến lược quốc tế mới (Việt Nam từ chủ nghĩa thực dân cũ đến chủ nghĩa thực dân mới – Chiến tranh Việt Nam kết thúc mang ý nghĩa gì?- Việt Nam đã và đang đi vào thế chiến lược quốc tế mới như thế nào?- Thực tại đất nước và cuộc nội chiến Quốc-Cộng giai đoạn cuối cùng hậu chiến tranh Quốc-Cộng ( từ sau 30-4-1975)…

(4) Việt Nam lạc quan tin tưởng hướng vế tương lai, trong nền trật tự quốc tế mới.(Tương lai Việt Nam là gì và vì sao chúng ta lạc quan tin tưởng?-Luận bàn về một giải pháp toàn cuộc cho tương lai Việt Nam…).

III/- Phổ biến và phản hồi.

Mười năm sau ngày ấn hành “Việt Nam Trong Thế Chiến Lược Quốc Tế Mới”, ra mắt nhiều nơi, phổ biến rộng rãi, chúng tôi đã nhận được phản hồi của nhiều độc giả . Họ cho rằng tài liệu đã lý giải được nhiều vấn nạn về sự kết thúc cuộc chiến không bình thường và có viễn kiến về chiều hướng phát triển tương lai Việt Nam trong “Thế Chiến Lược Quốc Tế Mới(Chiến lược toàn cầu mới) hay là  Nền Trật Tự Kinh tế thế giới mới” hay là một “Hệ Thống Kinh Tế Quốc Tế Mới”...

Một độc giả tại Houston gọi điện thoại cho tác giả nói “...Sau khi đọc xong Việt Nam Trong Thế Chiến Lược Quốc Tế Mới”, đã giải toả cho tôi đến 80% những băn khoăn thắc mắc về cuộc chiến hôm qua...”.

Một số độc giả từ xa đã gọi điện thoại cho tác giả và nhà in LIVIKO  ở Houston, nơi in tập tài liệu này để hỏi mua, tiếc rằng cả nhà in lẫn tác giả đã không còn, ngoài một cuốn lưu duy nhất trong tủ sách.

Sau đó, thể theo yêu cầu của độc giả, nhất là nội dung tập tài liệu nghiên cứu lý luận “Việt Nam Trong Thế Chiến Lược Quốc Tế Mới” vẫn mang tính thời sự, với nhiều viễn kiến đã và đang được thực tiễn ngày một khẳng định, chúng tôi cho tái bản tập tài liệu này vào Tháng 4 Năm 2005; nhân kỷ niệm 30 năm chấm dứt cuộc chiến tranh “nồi da sáo thịt” (1975-2005).

Ðể bảo đảm tính trung thực của tài liệu ấn bản lần đầu về chiều hướng phát triển và viễn kiến về những diễn biến tình hình thế giới và Việt Nam trong thế chiến lược quốc tế mới, trong lần tái bản này cả hình thức lẫn nội dung được in lại nguyên bản như  ấn hành lần đầu, không sửa chữa,thêm bớt. Vì tất cả những sự kiện mới xẩy ra trên thế giới cũng như diễn biến tình hình tại Việt Nam, kể từ sau khi phát hành tác phẩm lần đầu (1995), cũng là năm Hoa Kỳ thiết lập quan hệ ngoại giao với cựu thù Việt Cộng, đã như dấu hiệu khởi động tiến trình đưa Việt Nam vào quỹ đạo chiến lược toàn cầu mới. Do đó chúng tôi để cho độc giả tự thêm vào các sự kiện thời sự khi đọc đến những luận điểm này.

Tuy nhiên, trong lần tái bản (2005), chúng tôi có in thêm các bài nhận xét, phê bình của các vị thức giả trong lần ra mắt sách lần đầu.(***). Ðồng thời một trong các cuộc phỏng vấn tác giả về tác phẩm của các cơ quan truyền thông tiếng Việt Nam là đài Tiếng Nói Hoa Kỳ (VOA) cũng đã được biên tập và in trong phần Phụ Lục.

III/- Thay lời kết.

Bước vào ngày tưởng niệm biến cố lịch sử 30-4-1975 lần thứ 46 năm nay,chúng tôi có đôi điều giới thiệu; như thư phúc đáp chung một số bạn đọc muốn có tập tài liệu ngiên cứu lý luận “VNTTCLQTM”.Thưa rằng rất tiếc sách in đã hết và thực tế không còn có nhu cầu tái bản lần thứ III.Vì vậy, chúng tôi mời Quý Bạn đọc vào trang Web của Câu Lạc Bộ Luật Khoa Việt Nam tại đia chỉ:luatkhoavietnam.com , Mục “Diễn đàn”, Tiểu mục “Tác giả-Tác phẩm” để đọc toàn văn tập tài liệu này. Đồng thời,cũng có thể mở Tiểu mục “Phỏng vấn-Hội luận” để nghe Đài Tiếng nói Hoa Kỳ (VOA) phỏng vấn tác giả về cuốn sách này.

Trân trọng giới thiệu và ước mong tiến trình ba bước đưa Việt Nam vào quỹ đạo “Chiến lược toàn cầu mới” hay là nên “Trật tự kinh tế quốc tế mới” hoặc “Hệ thống kinh tế thế giơi mới” sớm hoàn tất,  như chúng tôi dự kiến trong tài liệu nghiên cứu lý luận “Việt Nam Trong Thế Chiến Lược Quốc Tế Mới”.

Đó là tiến trình triệt tiêu các nhân tố của chiến lược cũ “Bất ổn, nội loạn và chiến tranh” (trong Chiến tranh ý thức hệ toàn cầu giữa hai phe cộng sản chủ nghĩa và tư bản chủ nghĩa;) để hình thành các nhân tố của chiến lược quốc tế “Hòa bình, ổn định và cạnh tranh trong hòa bình” (Trong chiến lược quốc tế mới).Tại Việt Nam đó là tiến trình ba bước đưa Việt Nam vào quỹ đạo chiến lược toàn cầu mới: (1)Triệt tiêu chế độ cực hữu VNCH (trong môi trường mật đắng là bạo lực chiên tranh đã hoàn tất vào ngày 30-4-1975), (2)Tiêu vong chế độ cực tả CHXHCNVN (Trong môi trường mật ngọt kinh tế thị trường, khởi sự hơn 25 năm qua đang đi dần đến kết thúc trong tương lai không xa), (3) Hình thành nền kinh tế thị trường tự do và chế độ dân chủ pháp trị như hệ quả tất nhiên.Vi đó l2 chiều hướng phát triển tất yếu của thực tế và lịch sử Việt Nam, phù hợp với yêu cầu của thế chiến lược toàn cầu mới.

Thiện Ý.

Houston, 30-4-2021

Chú thích:

 

(*)- Tài liệu “Thế chiến lược toàn cầu mới của các cường quốc cực” được tổ chức Mặt Trận Nhân Quyền Việt Nam (1977-1978) dùng làm tài liệu nghiên cứu nội bộ và phổ biến hạn chế.Sau khi bị bắt vì tham gia tổ chức “phản động” này, công an chấp pháp thành phố HCM có yêu chúng tôi viết lại cùng với các tài liệu khác (như Tuyên Ngôn Nhân Quyền Việt Nam 1977, Chính cương và sách lược đấu tranh của MTNQVN…) như để chứng tỏ do một mình tôi viết, không có ai gợi ý, góp ý…

   - Tài liệu này, trước khi bị bắt cầm tù, chúng tôi cũng có nhờ bác sĩ N.T.T chuyển một bản đến cố Tổng Bí thư Lê Duẩn lúc sinh thời (1978) qua Trưởng Nam của ông là Trung tá Lê Hãn, binh chủng không quân lúc đó, tốt nghiệp kỹ sư ở Liên Xô. Vì Bs T.cho hay bà là bạn đồng hương thuở thiếu thời ở Quảng Trị có thể nhờ chuyển đạt. Tôi không rõ tài liệu này có đến tay TBT Lê Duẩn hay không.

 

(**)- “Luận bàn về một giải pháp toàn cuộc cho vấn đề tương lai dân tộc Việt Nam”- Phần IV, Chương 2, từ trang 409-435.

 

(***).Các vị thức giả giới thiệu tác giả và tác phẩm là:

   (1) Luật sư Trần Tử Huyền, Trưởng nam của cố luật sư Trần Văn Tuyên, một trong các lãnh tụ hàng đầu của chính đảng quốc gia Việt Nam Quốc Dân đảng”. Luật sư Tuyên đã chết trong nhà tù cải tạo của “Bên thắng cuộc” sau 30-4-1975; với thái độ được nhiều người ca ngợi là đã nói và viết trong bản tự khai,đại ý rằng,’Tôi không có tội gì với Tổ Quốc Việt Nam. Nếu có tội là đã  không bảo vệ được dất nước để bị cộng sản hóa” .

   (2) Giáo sư Tạ Văn Tài, Tiến sĩ chính trị học, nguyên giáo sư Học viện Quốc Gia Hành chánh VNCH và đại học luật khoa Saigon; cựu giáo sư phụ khảo nghiên cứu Harvard Law School.Giáo sư Tạ Văn Tài đã đưa ra bốn nhận xét: (1)-Nhận định chuẩn xác về thời cuộc; (2) Thiện Ý đã có những tiên liệu đi trước thời cuộc; (3)-Thiện Ý đã đưa ra những đề nghị thực tế của một người yêu nước;()-Phương pháp luận vững chắc của một ly thuyết gia là ưu điểm thứ tư của Thiện Ý…”.