Việt
Nam có quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo không?
21/03/2023
Chính quyền Việt Nam
công bố sách trắng tôn giáo ngày 9/3/2023. Photo Truyen hinh Thong Tan VNews.
Chia sẻ
Nghĩa là nhà cầm quyền
Việt Nam chỉ cần hành xử với tín ngưỡng, tôn giáo theo đúng định nghĩa của luật
pháp quốc tế về quyền tự do tín ngưỡng và...
Thiện Ý
Theo tin tổng hợp giới
truyền thông, sau hơn 16 năm kể từ năm 2007, khi được Hoa Kỳ đưa ra khỏi danh
sách CPC trong giai đoạn 2004-2005, hôm 9/3/2023 vừa qua, nhà đương quyền Việt
Nam đã phát hành sách trắng tôn giáo, trong đó “khẳng định các tôn giáo đều
bình đẳng trước pháp luật”, và rằng “Nhà nước không phân biệt đối
xử vì lý do tín ngưỡng, tôn giáo”.
Thế nhưng các nhóm tôn
giáo độc lập lại coi động thái này là “bức bình phong” nhằm che đậy các vi phạm
quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo kéo dài tại Việt Nam, đã là nguyên nhân khiến
bộ ngoại giao Hoa Kỳ đưa Hà Nội vào danh sách cần được theo dõi đặc biệt (Special
Watch List - SWL).
Vậy thì tại Việt Nam
bao lâu nay có quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo không? Trả lời cho câu hỏi này
không đơn giản chỉ bằng một từ “có” hay “không”. Vì tại Việt Nam quyền tự do
tín ngưỡng tôn giáo về mặt pháp lý cũng như thực tế vừa có lại vừa không.
Vì vậy, theo thiển ý,
câu trả lời tổng quát cho câu hỏi này một cách khách quan là: Tại Việt Nam có
quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo trên bình diện pháp lý cũng như thực tế; nhưng
vẫn còn bị hạn chế và có nhiều vi phạm. Chính vì vậy nên thực tế thường có các
cuộc đấu tranh của người dân có tín ngưỡng, tôn giáo (thể nhân) và các
giáo hội (pháp nhân) trong nước; và sự tố cáo, lên án, chế tài của quốc
tế, đối với các vi phạm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của nhà đương quyền
Việt Nam. Bài viết này lần lược trình bày:
I - Tại Việt Nam có
quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo song vẫn có những vi phạm các quyền này trên
cả hai bình diện pháp lý cũng như thực tế thế nào?
1 - Trên bình diện
pháp lý, Hiến pháp và Luật
tín ngưỡng, tôn giáo của Việt Nam đều quy định quyền tự do tín ngưỡng, tôn
giáo, như sau:
Điều 24 Hiến pháp 2013, quy định quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo như:
- Mọi người có
quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, theo hoặc không theo một tôn giáo nào. Các
tôn giáo bình đẳng trước pháp luật.
- Nhà nước tôn trọng
và bảo hộ quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo.
- Không ai được xâm
phạm tự do tín ngưỡng, tôn giáo hoặc lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo để vi phạm
pháp luật.
Quyền tự do hiến định
này đã được quy định chi tiết tại Điều 6 Luật Tín ngưỡng, tôn giáo 2016, như sau:
- Mọi người có
quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, theo hoặc không theo một tôn giáo nào.
- Mỗi người có quyền
bày tỏ niềm tin tín ngưỡng, tôn giáo; thực hành lễ nghi tín ngưỡng, tôn giáo;
tham gia lễ hội; học tập và thực hành giáo lý, giáo luật tôn giáo.
- Mỗi người có quyền
vào tu tại cơ sở tôn giáo, học tại cơ sở đào tạo tôn giáo, lớp bồi dưỡng của tổ
chức tôn giáo. Người chưa thành niên khi vào tu tại cơ sở tôn giáo, học tại cơ
sở đào tạo tôn giáo phải được cha, mẹ hoặc người giám hộ đồng ý.
- Chức sắc, chức việc,
nhà tu hành có quyền thực hiện lễ nghi tôn giáo, giảng đạo, truyền đạo tại cơ
sở tôn giáo hoặc địa điểm hợp pháp khác.
- Người bị tạm giữ,
người bị tạm giam theo quy định của pháp luật về thi hành tạm giữ, tạm giam;
người đang chấp hành hình phạt tù; người đang chấp hành biện pháp đưa vào
trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc có quyền
sử dụng kinh sách, bày tỏ niềm tin tín ngưỡng, tôn giáo.
Thế nhưng trên bình
diện pháp lý này, vẫn có những quy định hạn chế quyền tự do tín ngưỡng tôn
giáo, như những quy định vi phạm quyền độc lập tự chủ của các giáo hội và phân
biệt đối xử các giáo hội độc lập.
2 - Trên bình diện
thực tế, nhìn tổng thể, ai
cũng thấy người dân đã được tự do thực hiện quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo
thể hiện qua các hoạt động tín ngưỡng cá nhân hay tập thể tín đồ và chức sắc các
tôn giáo, các giáo hội được tự do phát triển nhiều mặt. Tuy nhiên, đó đây vẫn
đã có những vi phạm qua nhiều vụ sách nhiễu, đe dọa, bắt cầm tù các cá nhân tín
đồ và các chức sắc các giáo hội độc lập như Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống
Nhất, Giáo hội Phật giáo Hòa Hảo tự chủ, Giáo hội Cao đài độc lập, một số giáo
phái Tin Lành Tây Nguyên, không được nhà nước cho phép hoạt động… Nghĩa là, đối
với một số cá nhân tín đồ, chức sắc các giáo hội mà các hoạt động tôn giáo của
họ bị nhà cầm quyền chính trị hóa như là có mục đích chống chế độ, cần trấn áp,
bắt bờ tù đày để bảo vệ an toàn cho chế độ. Nhà cầm quyền giải thích các hoạt
động tôn giáo này như là vi phạm pháp luật, nên phải bị trừng phạt theo pháp
luật, chứ không chấp nhận sự tố cáo là vi phạm quyền tự do tín ngưỡng, tôn
giáo.
II - Tại saoViệt Nam
vẫn tồn tại những vi phạm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo trên cả hai bình
diện pháp lý lẫn thực tế?
1 - Vì trên bình diện
pháp lý, nhà đương quyền Việt
Nam vẫn có những quy định dưới luật can thiệp, kiểm soát công việc tổ chức,
điều hành, nội bộ các giáo hội. Đó là sự vi phạm thô bạo quyền độc lập, tự chủ
của các giáo hội và quyền tự do tín ngưỡng của cá nhân các tín đồ. Tỷ như quy
định các giáo hội phải trình báo (xin phép trước) cơ quan quản lý tôn giáo của
nhà nước (Ban tôn giáo chính phủ) danh sách, lý lịch của các tu sinh,
các chức sắc tôn giáo khi đào tạo, phong chức, bổ nhiệm cai quản các giáo
phận... Tất cả chỉ được thực hiện sau khi được cơ quan chức năng quản lý nhà
nước xét duyệt cho phép.
2 - Vì trên bình diện
thực tiễn nhà cầm quyền
Việt Nam đã vi phạm các quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo qua các hành động
thường xuyên đe doa, bắt bớ giam cầm các tín đồ và các chức sắc tôn giáo sinh
hoạt độc lập, không được nhà cầm quyền cấp phép hoạt động. Vì chủ quan cho rằng
cá nhân các tín đồ hay chức sắc của các giáo hội độc lập này có tư tưởng chống
chế độ; có thể lợi dụng các hoạt động tôn giáo quy tụ quần chúng chống và nhằm
lật đổ chính quyền. Thực tế không phải như vậy, sở dĩ các tín đồ, cức sắc các
giáo hội này không chống chế độ mà chỉ lên tiếng tố cáo nhà cầm quyền vi phạm
quyền tực do tôn giáo, vì đã không được cấp phép hoạt động do định kiến của nhà
cầm quyền. Đồng thời không chấp nhận gia nhập vào các giáo hội do nhà nước cho
phép hoạt động (mà người dân gọi là các giáo hội quốc doanh). Như
vậy là nhà nước Việt Nam đã có sự phân biệt đối xử giữa các tín đồ, các chức
sắc tôn giáo và các giáo hội hoạt động tôn giáo độc lập không được cấp phép;
với các tin đồ chức sắc và các giáo hội được cấp phép. Sự phân biệt đối xử này
hiển nhiên là vi phạm pháp luật của chính chế độ (Hiến pháp và luật pháp) và
luật quốc tế về tự do tín ngưỡng, tôn giáo (*).
Đúng như Hòa thượng
Thích Vĩnh Phước, một thành viên thuộc Tăng đoàn Giáo hội Phật giáo Việt Nam
Thống nhất, một tổ chức không được Hà Nội công nhận, trả lời VOA, rằng “thực
chất các tổ chức tôn giáo độc lập tại Việt Nam luôn bị nhà nước đàn
áp bằng cách này, cách nọ”.
Cùng quan điểm với Hòa
thượng Thích Vĩnh Phước là Linh mục Đinh Hữu Thoại thuộc Dòng Chúa Cứu Thế Việt
Nam, người đang bị chính quyền cấm xuất cảnh, có lẽ chỉ vì những bài giảng đạo
tại nhà thờ bị coi là có tư tưởng chống chế độ XHCN và tố cáo các vi phạm nhân
quyền, dân quyền trong đó có tự do tôn giáo tại Việt Nam. Linh mục Thoại đã nêu
nhận định với VOA:
“…Việt Nam vừa ra
sách trắng về tôn giáo, tôi nghĩ đây có lẽ là một cách
để họ chống chế việc vừa rồi bị Bộ Ngoại giao
Mỹ đưa vào danh sách SWL. Thực tế vấn đề tự do tôn
giáo ở Việt Nam xưa nay vẫn vậy… Sách trắng với nội dung tuyên truyền
mà xưa nay họ tuyên truyền rằng “Việt Nam có tự do tôn giáo”, “Nhà
nước tôn trọng tự do tôn giáo”…”
“Họ có
thể dùng quyển sách này để trưng ra cho thế giới thấy rằng Việt
Nam có tự do tôn giáo như những gì họ viết. Nhưng thực
tế thì không đúng như những gì họ viết”.
Linh mục thuộc Dòng
Chúa Cứu Thế nói thêm rằng, nếu thế giới muốn tìm hiểu về tự do tôn giáo Việt
Nam thì hãy gặp gỡ trực tiếp các nhóm tôn giáo độc lập không được chính quyền
công nhận, chứ sách trắng này chỉ là “bức bình phong” che chắn mà thôi.
Từ An Giang ở đồng
bằng sông Cửu Long, ông Lê Quang Hiển, Chánh thư ký Ban Trị sư Trung ương Giáo
hội Phật giáo Hòa Hảo Thuần túy, đồng thời là Thư ký Hội đồng Liên tôn, tổ chức
tập hợp các nhóm tôn giáo độc lập ở Việt Nam, chia sẻ quan điểm với VOA hôm
13/3 về sự ra đời của sách trắng tôn giáo:
“Đối với nhà nước
CHXHCN Việt Nam này, đó là lừa bịp thế giới, lừa bịp người dân trong nước,
nói rằng “Việt Nam có tự do về tôn giáo, nhân quyền”, nhưng
mà đó là một vấn đề quá xa vời vì dân chúng Việt Nam hiện tại
sống ở đây hiểu thế nào “tự do tôn giáo” rồi!” Ông
nói “Những giáo hội độc lập không theo nhà nước, như của chúng tôi
đã có từ trước 1975, dù có xin phép, nhưng cũng không bao giờ được
công nhận”.
III - Vậy nhà
đương quyền Việt Nam cần làm gì để không còn người dân nào phải đấu tranh cho
quyền tự do tôn giáo và quốc tế không còn quan tâm lên án, chế tài vì vi phạm
quyền tự do tôn giáo?
Thiết tưởng nhà cầm
quyền Việt Nam chỉ cần thay đổi cách nhìn và cách đối xử với các tín đồ, các
sức sắc và giáo hội của các tôn giáo. Nghĩa là không nên chính trị hóa các hoạt
động tôn giáo của cá nhân các tín đồ và chức sắc các giáo hội. Cụ thể:
1 - Nhận thức lại về
bản chất và vai trò của tín ngưỡng tôn giáo trong đời sống xã hội của người dân.
Nghĩa là đừng coi tín
ngưỡng tôn giáo như những đối tượng nguy hiểm cần phải theo dõi, trấn áp, đề
phòng có thể đe dọa đến sinh mạng chính trị chế độ. Vì thực tế hơn ai hết, nhà
cầm quyền Việt Nam phải biết và tự tin rằng các giáo hội không thể là mối đe dọa
sinh mạng chế độ. Trái lại, phải coi đó là một trong những nhân quyền, dân
quyền căn bản, là nhu cầu tâm linh tự nhiên, thiêng liêng, bất khả xâm phạm,
không thể thiếu của con người qua mọi thời đại và không sức mạnh nào có thể
tiêu diệt. Chính tín ngưỡng, tôn giáo là những nhân tố tích cực góp phần đem
lại hạnh phúc cho cuộc sống con người và góp phần quan trọng vào sự ổn định và
nền đạo đức xã hội. Vì một xã hội có thần linh mà tội ác, lối sống vô đạo còn
gia tăng, thì một xã hội phi tôn giáo tội ác và tiêu cực xã hội nhiều mặt ắt
phải gia tăng nhiều hơn nữa. Vì vậy không nên chính trị hóa các giáo hội như
các tổ chức chính trị, có tham vọng giành chính quyền với đảng CSVN như các
đảng phái hay tổ chức chính trị.
2 - Thực sự tôn trọng,
bảo vệ quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo trên cả hai bình diện pháp lý cũng như
thực tiễn chỉ có lợi chứ không có hại gì cho chế độ.
Nghĩa là, nhà cầm
quyền Việt Nam hãy để cho mọi người dân và các giáo hội được hoàn toàn tự do,
không bị ngăn cản, hạn chế và không bị phân biệt đối xử trong sinh hoạt tín
ngưỡng cá nhân cũng như các sinh hoạt tôn giáo của các tín đồ, chức sắc của các
giáo hội. Đồng thời, nhà nước cần tôn trọng quyền dộc lập, tự chủ về tổ chúc,
điều hành các hoạt động tôn giáo của các giáo hội và chỉ can thiệp khi có sự vi
phạm pháp luật liên quan đến an toàn, trật tự công cộng và phương hại lợi ích
hợp pháp, chính đáng của các công dân khác.
Nghĩa là nhà cầm quyền
Việt Nam chỉ cần hành xử với tín ngưỡng, tôn giáo theo đúng định nghĩa của luật
pháp quốc tế về quyền tự do tín ngưỡng (**) và vận dụng
vào thực tiễn Việt Nam tương tự như cách hành xử của các chính quyền trong các
nước dân chủ khác trên thế giới; mà ở đó không thấy hay ít khi có người dân nào
biểu tình tố cáo và đòi hỏi nhà cầm quyền phải tôn trọng quyền tự do tín ngưỡng
tôn giáo. Mong Việt Nam sớm có được tình trạng tự do tín ngưỡng và tự do tôn
giáo ổn định như vậy.
Thiện Ý
(*) - Luật pháp quốc
tế về quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo tài liệu tham khảo:
(1) - Tuyên ngôn nhân quyền và dân quyền nổi
tiếng của Pháp ngày 26-8-1789 đã nói đến tự do cá nhân, tự do tư tưởng, tự do tôn giáo.
“Không ai phải lo lắng
về những quan điểm của họ, bao gồm cả những quan điểm về tôn giáo, miễn là sự
thể hiện chúng không làm ảnh hưởng tới trật tự công cộng được pháp luật bảo
vệ”.
(2) - Hiến
chương Liên Hợp Quốc, 1945 đã đề cập đến nội dung quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo
theo hướng:
“Khuyến khích phát
triển sự tôn trọng các quyền của con người và các quyền tự do cơ bản cho tất cả
mọi người không phân biệt chủng tộc, giới tính, ngôn ngữ hoặc tôn giáo”.
(3) - Tuyên
ngôn quốc tế về Quyền con người, 1948 (UDHR)
Tuyên ngôn Toàn thế
giới về Quyền con người năm 1948 của Liên Hợp Quốc là văn kiện quốc tế đầu tiên
ghi nhận quyền tự do tư tưởng, tín ngưỡng và tôn giáo, khẳng định:
“Mọi người đều có
quyền tự do tư tưởng, tín ngưỡng và tôn giáo, kể cả tự do thay đổi tín ngưỡng
hoặc tôn giáo của mình, và tự do bày tỏ tín ngưỡng hay tôn giáo của mình bằng
các hình thức như truyền giảng, thực hành, thờ cúng và tuân thủ các nghi lễ,
dưới hình thức cá nhân hay tập thể, tại nơi công cộng hoặc nơi riêng tư”.
(4) - Công ước quốc tế
về các quyền dân sự và chính trị, 1966 (ICCPR)
Quyền tự do tư tưởng,
lương tâm và tôn giáo được quy định tại Khoản 1, Điều 18 với bốn nội dung cụ
thể, theo đó: “Mọi người đều có quyền tự do tư tưởng, lương tâm và tôn
giáo. Quyền này bao gồm tự do có hoặc theo một tôn giáo hoặc tín ngưỡng do mình
lựa chọn và tự do bày tỏ tín ngưỡng hoặc tôn giáo một mình hoặc trong cộng đồng
với những người khác, công khai hoặc kín đáo, dưới các hình thức như thờ phụng,
cầu nguyện, thực hành và truyền giảng”.
- Khoản 3 Điều
18: Khác với bản thân quyền tự do tư tưởng, lương tâm, tôn giáo và tín
ngưỡng là những quyền tuyệt đối, không thể giới hạn, theo ICCPR, việc biểu đạt,
bày tỏ (manifest) tôn giáo và tín ngưỡng lại có thể bị giới hạn:
“Quyền tự do bày tỏ
tôn giáo hoặc tín ngưỡng chỉ có thể bị giới hạn bởi pháp luật và khi sự giới
hạn đó là cần thiết để bảo vệ an toàn, trật tự công cộng, sức khoẻ hoặc đạo đức
xã hội, hoặc để bảo vệ các quyền và tự do cơ bản của người khác”.
No comments:
Post a Comment
Note: Only a member of this blog may post a comment.