Tuesday, February 26, 2019

THƯ XUÂN GỬI TỔNG BÍ THƯ NGUYỄN PHÚ TRỌNG



THƯ XUÂN GỬI TỔNG BÍ THƯ NGUYỄN PHÚ TRỌNG

Thiện Ý

Thưa Tổng Bí thư kiêm Chủ tịch nước,

Chúng tôi vừa đọc được tin trên trang nhà của Đài VOA, trong bài phát biểu hôm 26-1-2019 ở Hà Nội, tại sự kiện có tên “Xuân quê hương 2019” họp mặt người Việt Nam ở nước ngoài về ăn Tết ở Hà Nội, Ông đã tiết lộ rằng người gốc Việt sinh sống tại các nước trên thế giới gửi về Việt Nam “gần 16 tỷ đôla” năm 2018. “tăng gấp hơn 100 lần so với năm 1993”. Và rằng “Đáng chú ý là, đầu tư từ nguồn kiều hối trong những năm gần đây với khoảng 3.000 dự án tập trung vào hoạt động sản xuất, kinh doanh, góp phần thúc đẩy kinh tế phát triển, nâng cao mức sống của nhân dân, trước hết là những gia đình được nhận”. Sự thể này được Ông Tổng đánh giá là  những đóng góp đáng trân trọng và đầy tự hào của bà con kiều bào ta đối với quê hương, đất nước xuất phát từ chính lòng yêu nước nồng nàn của mỗi người con đất Việt, là truyền thống quý báu của dân tộc Việt Nam…”.

Sau khi đọc bản tin trên chúng tôi nghĩ đến việc viết ngay “Thư Xuân…” này nhờ Đài VOA đăng tải để chuyển đến Ông Tổng, người đã và đang nắm quyền lãnh đạo cao nhất tại Việt Nam .Nói cách khác, Ông Tổng là người đang tập trung được quyền lực cao nhất, chưa từng có ở cả hai bộ máy “Đảng và Nhà nước ta”. Nghĩa là tương lai đất nước, dân tộc tốt đẹp hay suy vong đang nằm trong tay Ông và các “Đồng chí” thuộc phe cánh của Ông trong đảng đang nắm thực quyền.

Vì vậy, trước hết, chỉ còn ít ngày nữa là bước qua những ngày Tết năm mới Kỷ Dậu 2019 và cũng là Mùa Xuân của Đất-Trời-Vạn vật, chúng tôi chúc Ông và các đồng chí của Ông: Một Năm mới tận hưởng hạnh phúc tuyệt vời, trên những thành quả có được từ vị thế quyền lực đẻ ra tài lộc đang có, với sức khỏe dồi dào, tinh thần sáng suốt, để biết phải làm gì tốt nhất có lợi cho dân, cho nước và không làm những gì bất lợi cho hại cho Đất nước, Dân Tộc và Tổ Quốc Việt Nam; để tạo dựng những Mùa Xuân Dân tộc vĩnh cửu.

Thứ đến, theo chiều hướng những lời chúc Tết tốt đẹp trên, chúng tôi có đôi điều muốn thưa về ý nghĩa những lời tuyên bố đề cập trong bài phát biểu của Ông trước nhiều người gốc Việt ở nước ngoài về nước dịp Tết Nguyên đán Kỷ Hợi 2019, liên quan đến số tiền họ gửi về nước “gần 16 tỷ đôla” năm 2018.

Theo nhận định của chúng tôi, sự đánh giá của ông về ý nghĩa số tiền mà người Việt ở nước ngoài có phẩn chủ quan nên có cái đúng, cái không đúng.

Cái đúng là quả thật năm nay người Việt sinh sống ở nước ngoài gửi về gần 16 tỷ gần với số liệu ghi nhận trong một báo cáo về phát triển và di dân của Ngân hàng Thế giới (World Bank) hồi cuối năm ngoái, lượng kiều hối chuyển về Việt Nam trong năm 2018 là 15 tỷ 934 triệu đôla, tăng gần 1 tỷ đôla so với năm 2017; cũng như hàng năm họ gửi về Việt Nam một số tiền rất lớn chiếm khoảng từ 6 - 7% Tổng Sản phẩm Quốc nội của nền kinh tế Việt Nam.Thực tế có thể cao hơn vì có ý kiến cho rằng "có không ít" người Việt gửi tiền về nước qua "dịch vụ chui lủi"…

Nhưng cái không đúng là không phải tất cả những người gửi tiền về Việt Nam là “Việt kiều” theo nghĩa công dân nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam đang sống ở nước ngoài. Thực tế đa số là những người Việt tỵ nạn cộng sản tại các nước ngoài sau 30-4-1975 bằng con đường di tản hay vượt biển, vượt biên từng bị Đảng và nhà cầm quyền chế độ của Ông Tổng lên án là “phản quốc, phản động, ôm chân đế quốc…”. Mãi cho đến những năm sau này, nhất là sau khi “Đế quốc Mỹ” bãi bỏ cấm vận, thiết lập quan hệ ngoại giao với Việt Nam (1995), giúp Việt Nam “mở cửa” làm ăn với thế giới bên ngoài, cũng là thời khoảng những người Việt Nam tỵ nạn CS đã ổn định cuộc sống, làm ăn khấm khá đã gửi tiền về giúp đỡ thân nhân gia đình ở Việt Nam. Chính các cuộc gửi tiền này ngày một gia tăng đã gián tiếp góp phần giúp Đảng CS của Ông Tổng vực dạy nền kinh tế Xã hội chủ nghĩa Việt Nam đang rãy chết (1975-1995). Từ đó, do đó và nhờ đó kinh tế Việt Nam phát triển để có bộ mặt phồn vinh như hôm nay. Thế là sau đó, những người Việt “phản quốc, phản động, ôm chân đế quốc” được Đảng và nhà cầm quyền của Ông Tổng xưng tụng là “Những khúc ruột ngàn dặm, Việt kiều yêu nước…”. Nhưng đó chỉ là sự xưng tụng mị dân, có hậu ý chính trị với mục đích tuyên truyền vụ lợi hơn là thực chất cũng như thực tế.

Nay Ông Tổng đánh giá, rằng “ những đóng góp đáng trân trọng và đầy tự hào của bà con kiều bào ta đối với quê hương, đất nước xuất phát từ chính lòng yêu nước nồng nàn của mỗi người con đất Việt, là truyền thống quý báu của dân tộc Việt Nam…”. liệu có đúng thực chất và thực tế không?

Thưa Ông Tổng, theo nhận định của chúng tôi, sự đánh giá của Ông Tổng không đúng thực chất cũng như thực tế. Thực chất hầu hết nhưng người gửi tiền về Việt Nam là để giúp thân nhân cải thiện đời sống khó khăn trong một chế độ làm nghèo đất nước không thể coi là hành động yêu nước truyền thống của người Việt Nam. Vì hầu hết những người gửi tiền này phải bỏ nước ra đi cách này cách khác chỉ là vì không chấp nhận sự áp đặt của đảng và chế độ của Ông Tổng, rằng “yêu nước là phải yêu chủ nghĩa xã hội”. Vì tất cả họ có chung lòng xác tín “yêu nước là yêu Tổ quốc Việt Nam” chứ “không thể yêu Tổ quốc Xã hội Chủ nghĩa” như Ông và các đồng chí cộng sản của Ông. Đó là lý do những người Việt Nam này phải bỏ nước ra đi kể từ khi đảng của Ông cướp được chính quyền chế độ dân chủ pháp trị Việt Nam Cộng Hòa của họ ở nửa nước Miền Nam, để áp đặt chủ nghĩa xã hội trái với ý nguyện của tòan dân Việt trên cả nước. Đó cũng là lý do những người Việt ở nước ngoài này (có tên gọi chung là người Việt quốc gia, gọi tắt là Việt quốc) tiếp tục trường chinh chống cộng (đảng và chế độ Cộng sản Việt Nam, gọi chung là Việt cộng) hơn 4 thập niên qua và vẫn đang tiếp tục cho đến ngày mà họ xác tín rằng: cuối cùng chân lý tất thắng, “chính nghĩa quốc gia, dân tộc, dân chủ” tất thắng “ngụy nghĩa cộng sản, ngụy dân tộc, phản dân chủ”.

Tất cả những người quốc gia chân chính này, trước sau đã chống cộng với động lực là lòng yêu nước (Tổ quốc Việt Nam) chứ không phải bằng lòng căm thù (dù đảng CSVN đã gây ra rất nhiều căm thù). Mục tiêu tối hậu của người Việt quốc là dân chủ hóa đất nước, tạo tiền đề phát triển toàn diện Đất nước đến phú cường, văm minh tiến bộ ngang tầm cao thời đại; để mọi người dân không phân biệt giai tầng xã hội được sống trong tự do, âm no, hạnh phúc.

Nếu Ông Tổng và đảng CSVN làm được như vậy, chúng tôi tin là người Việt Quốc sẽ ngưng ngay chống cộng. Vì mục tiêu chống cộng của họ chỉ là như thế.

Vì vậy bước vào Năm Mới Kỷ Hợi 2019, chúng tôi đề nghị Ông Tổng và các lãnh đạo hàng đầu đảng và chế độ cần đẩy nhanh tiến trình dân chủ hóa Đất nước một cách hòa bình thay vì tìm cách ngăn cản. Chúng tôi muốn nói đến “Tiến trình diễn biến hòa bình, tự diễn biến, tự chuyển hóa”, điều mà Ông Tổng nhiều lần cảnh giác các đồng chí của Ông. Thế nhưng hành động duy ý chí này không thể cưỡng lại thực tiễn đâu Ông Tổng ạ. Thực sự,không ai muốn một sự chuyển đổi từ chế độ xã hội chủ nghĩa độc tài toàn trị, qua chế độ dân chủ pháp trị gây bất ổn cho Đất nước như một số nước XHXN tiền lệ trước đây cũng như tại nước xã hội chủ nghĩa Venezuela hiện nay. Ông Tổng nghĩ sao?

Một lần nữa chúc Ông Tổng và các lãnh đạo hàng đầu đảng và Nhà nước cộng sản Việt Nam (Đỏ vỏ xanh lòng) sức khỏe dồi dào, để có được tinh thần sáng suốt biết những gì phải làm có lợi cho dân cho nước và quyết không làm những gì có hại cho dân tộc và Tổ Quốc Việt Nam thân yêu của chúng ta.

Thiện Ý
Houston, Mùa Xuân Kỷ Hợi 2019.
                  

THƯỢNG ĐỈNH TRUMP-KIM LẦN 2 TẠI VIỆT NAM LIỆU CÓ CHẤM DỨT KỊCH BẢN “CHUỘT VỜN MÈO” ?



THƯỢNG ĐỈNH TRUMP-KIM LẦN 2 TẠI VIỆT NAM LIỆU CÓ CHẤM DỨT KỊCH BẢN “CHUỘT VỜN MÈO” ?

Thiện Ý

Như vậy là chỉ còn vài ngày nữa là cuộc họp Thượng đỉnh giữa Tổng thống Hoa Kỳ Donal Trump và Chủ tịch Bắc Hàn Kim Yong Un sẽ diễn ra trong hai ngày 27 và 28 Tháng 2 năm 2019 tại Thủ đô Hà Nội của Việt Nam. Chúng tôi tự hỏi Thượng đỉnh Trump-Kim lần 2 liệu có chấm dứt kịch bản “Chuột vờn mèo”?

Tại sao chúng tôi gọi là kịch bản “chuột vờn mèo”, ai là chuột, ai là mèo và thế nào là chấm dứt kịch bản? Đó là nội dung bài viết này.

1.- Tại sao chúng tôi gọi là kịch bản “chuột vờn mèo”?
  
Nghe qua có vẻ nghịch lý. Vì tục ngữ Việt Nam có câu “Mèo vờn chuột” chứ đâu có “chuột vờn mèo” bao giờ? Vì tục ngữ này xuất phát từ quan sát thực tế dân gian thấy cảnh con mèo sau khi bắt được con chuột thường không ăn ngay mà tung lên, hất qua lại nhiều lần (vờn chuột) rồi mới nuốt vào bụng.Đó là nghĩa đen. Còn nghĩa bóng ám chỉ kẻ mạnh dù thừa sức chủ động tiêu diệt kẻ yếu nhưng không tiêu diệt ngay, do nguyên nhân chủ quan hay khách quan, mà quần thảo cho đối phương yếu dần sau một thời gian nhất định rồi mới tiêu diệt. Dường như cả nghĩa đen và nghĩa bóng đều nói lên một điều mèo hay người đều ở thế mạnh, nhưng để đạt mục đích sau cùng (“mèo ăn chuột” hay “người ăn người” ) cả hai đều thận trọng, dè dặt cho chắc ăn.

2.- Ai là “chuột” ai là “mèo”?

Kịch bản “chuột vờn mè” nghe qua có vẻ nghịch lý cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng mà mọi người thường hiểu bao lâu nay. Nhưng nghịch lý này lại phù hợp với thực tế qua các cuộc họp Thượng đỉnh Trump-Kim.

Này nhé, nếu chúng ta coi “mèo” ở đây là “Trump” Tổng thống của đại cường quốc Hoa Kỳ có thể dùng sức mạnh áp đảo tiêu diệt Bắc Hàn của Chủ tịch Kim ở thế yếu như “con chuột” trước “con mèo”. Nhưng Chủ tịch Kim dù ở thế yếu của một tiểu nhược quốc nhưng ngay từ đầu đã chủ động đề nghị lắt léo nói chuyện tay đôi với Trump Tổng thống của một đại cường quốc. Sở dĩ Kim dám thực hiện một kịch bản nghịch lý này là vì trước đó Kim đã tuyên bố nước Ông đã thử nghiệm thành công vũ khí hạt nhân và tên lửa đạn đạo tầm xa có thể tải đầu đạn hạt nhân đến tận lãnh thổ Hoa Kỳ. Đồng thời, lại được đại cường Trung Quốc chống lưng từ lâu  nên nay mới dám chủ động thực hiên kịch bản “chuột vờn mèo” này. Vì cho đến lúc này, chúng tôi vẫn không tin chế độ cộng sản Bắc Hàn có độc lập tự chủ hoàn toàn như chúng tôi từng lập luận trong các nài viết trước đây trên diễn đàn này.Do đó, kịch bản “Chuột vờn mèo” phần nào có thể tác giả vẫn là Trung Quốc cũng như kịch bản có vũ khí hạt nhân cho Bình Nhưỡng hù dọa Hoa Kỳ và thế giới để thủ lợi cho Trung Quốc. Nếu suy đoán này là đúng thì đạo diễn cả hai kịch bản trước sau này vẫn có thể phải là Trung Quốc. Sự thể này được thấy qua các bước thực hiện các kịch bản này, Tiểu vương Kim thường công khai đến Bắc Kinh trước để “tham khảo” (hay nhận chỉ thị?) với Hoàng đế Trung quốc tân thời Tập Cận Bình (chưa kể những tham khảo ngầm không ai biết được). Vì vậy kết quả của Thượng đỉnh Trump-Kim lần thứ hai sẽ tùy thuộc nhiều vào ý đồ của Chủ tịch Trung quốc Tập Cân Bình trên bàn cờ chính trị, kinh tế, quân sự với Hoa Kỳ. Vậy thì….

3.- Liệu Thượng đỉnh Trump – Kim có chấm dứt được kịch bản “Chuột vờn mèo” ?

Theo nhân định của chúng tôi, kịch bản “Chuột vờn mèo” chỉ chấm dứt khi “Con Mèo” Hoa Kỳ thành đạt mục tiêu tối hậu là “Con chuột” Bắc Hàn phải giải trừ vũ khí hạt nhân hoàn toàn và vĩnh viễn, với những bước đi cụ thể, có thể kiểm chứng và không thể đảo ngược. Còn “Con chuột” Bắc Hàn thành đạt được mục tiêu trước mắt là giải trừ hoàn toàn lệnh cấm vận; và mục tiêu lâu dài như phải được sự trợ giúp (viện trợ không hoàn lại hay hoàn lại) của Hoa Kỳ và quốc tế để giúp Bắc Hàn phát triển với sự bảo đảm tồn vững thêm thời gian cho chế độ đường thời (tương tự như các bước đi của đảng và chế đô cộng sản Việt Nam đã có hiệu quả và sự bảo đảm…)

Những mục tiêu tối hậu trên tất nhiên là chưa thể đạt được qua Thưởng đỉnh lần hai vào ngày 27 và 28 Tháng 2 tới đây, nên Tổng Thống Hoa Kỳ Donald Trump đã nói trước hội nghị ước muốn có thêm các cuộc Thượng đỉnh với Chủ tịch Kim. Đồng thời Chủ tịch Bắc Hàn cũng trả lời các nhà báo bóng gió là Ông không muốn thế hệ con cái Ông phải gánh chịu hiểm họa hạt nhân.

Nhưng dẫu sao, công luận các giới quốc tế cũng dự đoán cuộc gặp Thưởng đỉnh Trump- Kim tại Hà Nội- Việt Nam lần thứ hai này sẽ đạt được nhiều tiến bộ, với những bước đi cụ thể hơn Thượng đỉnh lần thứ nhất 12-6-2018 tại Singapore. Sau Thượng đỉnh này, ít ra cũng thể hiện được thực tâm, thiện chí và quyết tâm của các bên để rút ngắn thời gian đi đến mục tiêu tối hậu của mình, tạo được sự tin cậy lẫn nhau để cùng thiệt lập một nền hòa bình lâu dài cho bán đảo Triều Tiên và vùng Đông Nam Á nói riêng, toàn cầu nói chung.Tất nhiên sự tiến bộ và thành đạt đến mức độ nào qua Thượng đỉnh lần hai này cũng còn tùy thuộc ý đồ thủ lợi của ông “Mèo Băc Kinh”. Phải không ạ! Thưa Quý độc giả kính mến.

Thiện Ý
Houston, ngày 25-2-2019

Tâm Sự Đầu Năm Cùng Bạn Đọc



Tâm Sự Đầu Năm Cùng Bạn Đọc

Thiện Ý

Tính đến năm nay là khoảng hơn 5 năm tôi viết bài liên tục gửi cho mục Diễn Đàn Bạn Đọc Làm Báo của Đài VOA. Nhớ lại bài đầu tiên tôi viết về cuộc khủng hoảng chính trị ở Thái Lan. Sau đó tôi tiếp tục viết và gửi bài cho VOA theo cảm hứng cá nhân, chứ không theo yêu cầu, chỉ đạo, không tiền nhuận bút như một số người lầm tưởng. Số lượng bài viết của tôi gửi cho VOA tăng dần theo thời gian tới mức trung bình mỗi tuần một bài.Tôi viết về đủ mọi đề tài liên quan đến thế giới, Hoa Kỳ nhưng nhiều nhất vẫn là liên quan đến Việt Nam.Vì đó là Quê hương tôi còn nhiều vấn đề phải quan tâm, cần viết với ý hướng góp phần vào công cuộc cải tạo xã hội, xây dựng, phát triển toàn diện Đất nước đến phú cường, văn minh tiến bộ ngang tầm cao thời đại.Vì tôi cho đó là bổn phận của quốc dân Việt Nam nói chung, người cầm bút chân chính nói riêng, có ý thức trách nhiệm đối với con người, xã hội và đất nước.

Người xưa thường nói “Văn dĩ tải đạo”.Nghĩa là dùng văn chương để truyền đạt đạo thánh hiền. Đạo thánh hiền thời đó trong khung cảnh chế độ phong kiến, quân chủ, là “Tam cương (Đạo vua tôi-Đạo vợ chồng – Đạo hiếu ) và Ngũ thường (Nhân-Nghĩa-Lễ-Trí – Tín). Những đạo này xuất phát từ Thánh hiền thời đó là tam giáo du nhập từ bên ngoài (Phật-Khổng-Lão), với bộ “Tứ thư-Ngũ kinh” được dạy cho kẻ sĩ (người có học) trong vai trò lãnh đạo xã hội để đem ra thực hiện khi đỗ đạt làm quan hay làm thường dân biết cách xử thế sao cho phải đạo…..  

Thế rồi quan niệm về “Đạo” đối với người Việt Nam thay đổi theo vận nước nổi trôi. Sau khi thực dân Pháp xâm chiếm Việt Nam, thiết lập chế độ thuộc địa, dù vẫn tồn tại chế độ quân chủ như công cụ của chế độ thực dân cũ, nên bên cạnh “đạo Thánh hiền” người dân Việt Nam trong thân phận vong quốc đã thực hiện thêm cái “đạo chống ngoại xâm giàng độc lập dân tộc”.Những kẻ sĩ cầm bút phải tìm cách “tải đạo” này đến mọi tầng lớp nhân dân để khơi động lòng yêu nước, tham gia kháng chiến chống Pháp.

Nhưng sau khi hệ tư tưởng dân chủ Phương Tây truyền vào nước ta, thì bên cạnh “đạo Thánh hiền, Đạo chống ngoại xâm cứu nước” có thêm “ Đạo tự do, dân chủ, nhân quyền”. Các nhà văn, nhà báo viết bài cổ súy cho người dân biết thế nào là tự do, dân chủ, nhân quyền và để họ hiểu rằng đó là những quyền của họ, là quyền tự nhiên vốn là của họ mà bao lâu nay đã bị bác đoạt…

Đến khi chủ nghĩa cộng sản du nhập Việt Nam, với sự ra đời của đảng Cộng sản Việt Nam vào năm 1930, thì người dân lại biết thêm “Đạo cộng sản” . Đạo này chủ trương thực hiện chủ nghĩa cộng sản tại Việt Nam. Nhưng có khác với các đạo trước đó, là sau khi đánh đuổi được thực dân Pháp,không phải giành độc lập cho dân tộc, mà chỉ để cướp được chính quyền như phương tiện thực hiện cùng đích là xây dựng chủ nghĩa cộng sản, tiến tới thế giới đại đồng, không còn biên giới quốc gia, không còn nhà nước vốn là công cụ áp bức bóc lột của giai cấp cầm quyền. Vì thế các nhà văn nhà báo theo đạo này viết bài cổ súy cho người dân biết, tin theo và trở thành môn đồ cuồng tín (lòng căm thù và đấu tranh giai cấp triệt để, không khoan nhượng) của chủ nghĩa cộng sản. Lúc đầu đạo này đã lôi cuốn được nhiều người tin theo. Vì đạo này vẽ ra một xã hội “xã hội chủ nghĩa” trong tương lai “không còn cảnh người áp bức bóc lột người” tiến tới “xã hội cộng sản viên mãn”, không còn giai cấp, không còn nhà nước (do guồng máy xã hội vận hành tự động hóa) mọi người được sống tự do, ấm no, hạnh phúc vĩnh viễn trong một khung cảnh cực lạc như thiên đường hay Niết bàn của các tôn giáo (Thiên đường Cộng sản).Vì trong xã hội này mọi người lao động tự giác, hưởng theo nhu cầu . Vì của cải lúc đó dư thưa, thỏa mãn được mọi nhu cầu vật chất cũng như tình thần của con người sống chung trong xã hội…Nhưng càng về sau, các tín đồ của đạo này dần dần mất đức tin công khai hay âm thầm bỏ đạo.

Thế nhưng cũng từ đó (1930) và do có sự mâu thuẫn đối kháng (một mất, một còn) giữa “Đạo Cộng sản” với các thứ đạo hiện hữu trước nó (gọi chung là Đạo Quốc gia-Dân tộc-Dân chủ), đã đưa đến một cuộc “nội chiến ý thức hệ Quốc-Cộng” tại Việt Nam. Mâu thuẫn đối kháng do nền tảng triết lý chính trị khách nhau (duy tâm khác duy vật) và phương thức thực hiện mục tiêu tối hậu của mỗi đạo cũng khác nhau (tự giác khác cưỡng bách theo đạo).

Hệ quả thực tế là “cuộc nội chiến ý thức hệ Quốc-Cộng” đã kéo dài nhiều thập niên qua mà đỉnh cao là “cuộc chiến tranh Quốc-Cộng”(1954-1975) khởi phát sau khi Việt Nam đánh đuổi đươc thực dân Pháp, mà vẫn chưa có “Độc lập tự chủ”. Vì Việt Nam có số phận không may đã rơi vào thế gọng kìm của cuộc chiến tranh ý thức hệ toàn cầu giữa “Đạo” tư bản chủ nghĩa và “Đạo” cộng sản chủ nghĩa. Trong bối cảnh lịch sử này những người Việt theo “Đạo cộng sản chuyên chính” ở nửa nước Miền Bắc; cũng như những người Việt theo “Đạo quốc gia, Dân tộ, dân chủ” ở nửa nước Miền Nam, dù muốn dù không đã bị ngoại bang sử dụng như những công cụ chiến lược một thời trong một cuộc chiến tranh “nồi da sáo thịt” tàn hại vô cùng cho dân tộc….

Cha tôi (Thày giáo Tiến) một người theo Tây học cũng như nhiều người cùng thời là người theo đạo truyền thống dân tộc trên nền tảng chủ nghĩa yêu nước đã thoát lý gia đình tham gia từ những ngày đầu trong cuộc kháng chiến chống pháp 9 năm cuối cùng (1945-1954). Theo lời Mẹ tôi kể thì Cha tôi đã đưa Mẹ tôi từ quê nội ở làng Trung Lương, Huyện Bình Lục về quê ngoại làng Bút Sơn, Huyên Kim Bảng cùng tỉnh Hà Nam để sinh con. Còn Ông dường như đã lên Hà Nội để tham gia  “cướp chính quyền” tháng 8-1945. Tôi sinh ra không biết mặt cha và đã sống những ngày thơ ấu nơi quê ngoại là vùng “Tự do” (vùng do Việt Minh kiểm soát, khác vùng tề thuộc Pháp).Đến năm lên 4 tuổi (1945-1949) tôi mới biết mặt Cha khi ông cho người (Chú Thủ) đón mẹ con tôi từ quê ngoại lên tỉnh lỵ Phủ Lý gặp và được ông dưa về ở phố Hàng Nồi Nam Định. Sau này được biết là Cha tôi lúc đó đang hoạt động nằm vùng cho Việt Minh trong Sở Mật thám Pháp (Phòng Nhì). Vì cha tôi vốn là một nhà tu xuất nói viết thông thao tiếng Pháp (*).Nhưng mới sống chung với Cha khoảng 2 năm, dường như bị lộ, ông đã nói mẹ tôi đưa các con (tôi và em trai mới sinh chưa đầy nằm sau chết vì bệnh thương hàn khi 18 tháng tuổi) về lại quê ngoại làng Bút Sơn. Sau đó cha tôi bí mật vào Miền Nam xin làm công nhân cạo mủ, rồi phơi mủ ở Đồn điền Cao su Đất đỏ Hớn quản, Quản Lợi ở (Bình long, An lộc sau này) để tiếp tục hoạt động trong phong trào công nhân. Vì người anh cô cậu ruột với cha tôi cũng làm ở đồn điền này đã nói với mẹ tôi khi tìm gặp lại cha tôi sau Hiệp định Genève 1954 chia đôi đất nước, rằng “Cô phải bằng mọi cách đưa chú ấy ra khỏi nơi đây nguy hiểm lắm. Vì mỗi lần có các cuộc đình công là công nhân phải đến nhà bảo vệ chú ấy ngày đêm…”. Người anh cô cậu ruột này tên Vũ Đức Kiệm, dân Tây học nên làm dân thày trong văn phòng. Còn cha tôi cũng dân Tây học thì chấp nhận làm công nhân cạo mủ để hoạt động theo “Đạo dân tộc” của mình, khác với “đạo” của những người cộng sản phi dân tộc.

Chính vì vậy mà Ông đã nghe lời mẹ tôi bỏ về thành, sống ít lâu tại một trái di cư từ Miền Bắc (Bàu Trai- Long An) một thời gian ngắn. Trong thời gian này, một người Cha tôi gọi là chú Xưng (hay Hựu) một lần đến trại di cư thăm và khuyến dụ cha tôi “Anh trở lại trên ấy với chúng em. Vì chúng em rất cần anh”. Nhưng sau đó, cha tôi đã tìm cách đưa gia đình lên lập nghiệp ở một dinh điền mới thành lập cho nhười di cư ở Buônmêthuột (Trại Chi Lăng) một tỉnh trên cao nguyên Trung phần Việt Nam. Có điều đáng tiếc như mẹ tôi nói, là do “ăn phải bả tuyên truyền” của Việt Minh (Tổ chức trá hình của Việt cộng) trong kháng chiến chống Pháp, nên cho đến lúc chết (1960) ông vẫn nghĩ chính quyền quốc gia ở Miền Nam là bù nhìn, tay sai “Đế quốc Mỹ”, như các chính quyền quốc gia trước đó là tay sai thực dân Pháp. Ông đâu biết rằng thực tế sau đó chính quyền cộng sản Bắc Việt mới là công cụ tự nguyện, chủ động, tri tình tích cực thực hiện nghĩa vụ quốc tế cộng sản (Nga-Tàu) trong bối cảnh cuộc chiến tranh ý thức hệ toàn cầu giữa tư bản và cộng sản hình thành sau Thế chiến II, thì làm gì có độc lập như Ông lầm tưởng.Chính sự lầm tưởng này mà cha tôi đã không đem sức học ra cộng tác với chính quyền quốc gia và thường bộc lộ tâm tư sau những chén rượu say, tự xưng mình “Ta làm Cách mạn, Ta không cần vợ cần con” và nguyền rủa xã hội đương thời là “thối nát, bất công, nô lệ ngoại bang”. Chính sự lầm lạc này ông đã chọn con đường làm ruộng làm rãy cực khổ, ăn uống thiếu thôn và đã chết vì lao lực ở tuổi mới ngoài 50 (1910-1960). Tiếc rằng cha tôi đã không sống thêm thời gian để nhìn thấy chính trong cái xã hội mà ông cho là “thối nát, bất công ấy” con ông đã có cơ hội vươn lền từ tầng đáy xã hội (làm ruộng rãy và đủ mọi nghề) leo lên tầng cao xã hội ( trở thành một luật sư). Giả như ngày ấy, nghe lời cha tôi viết thư về nói cứ ở lại Miền Bắc, ông sẽ trở về, vì “nước nhà sắp độc lập”. Thử hỏi số phận của con ông là tôi sẽ ra sao? Liệu có tốt đẹp hơn không? Bạn đọc có thể tự trả lời. Phần tôi, nhờ được sống ở Miền Nam, thụ hưởng một nền giáo dục “tự do, nhân bản và khai phóng” và chút ít kinh nghiêm thực tế về Cộng sản khi sống ở “vùng tự do”, nên sau 1975, tôi đã từ chối gia nhập “Đạo cộng sản” (Lý do, thì tôi đã trình bày trong bài viết trên diễn đàn này trước đây nhan đề “Vì sao tôi từ chối vào đảng Cộng sản Việt Nam”, còn lưu trên diễn đàn nay, Bạn đọc có thể tìm đọc lại)

Như vậy, từ quá khứ đền hiện tại viết văn viết báo không phải là nghề nghiệp sinh sống của tôi, mà chỉ là làm nhiệm vụ “văn dĩ tải đạo” của một kẻ sĩ. Cái đạo mà tôi muốn chuyển tải bao lâu nay về chính trị là đạo “quốc gia, dân tộc, dân chủ” với mục tiêu cao nhất là góp phần làm cho dân giầu, nước mạnh, người dân Việt được sống ấm no, tự do hạnh phúc, dân tộc tôi trường tồn không bị ngoại bang xâm chiếm, nô dịch. Tất cả được thực hiện với cái tâm “thiện” và ý hướng xây dựng. Vì thế tôi đã lấy bút hiệu là “Thiện Ý” và tôi rất sung sướng, hạnh phúc mỗi khi có người nói với tôi rằng “Anh đúng là Thiện Ý”. Tôi sẽ tiếp tục viết theo chiều hướng này cho đền khi sức khỏe không cho phép.

Tâm sự  đầu năm của tôi muốn gửi đến Bạn đọc là như thế. Với ước mong khi xem qua các bài viết của tôi ai cũng thấy được “Thiện Ý” của tôi. Tất nhiên ước mong này khó thể hiện đối với những người đang làm nhiệm vụ  “dư luận viên” (ăn cơm Chúa, múa tối ngày) cho nhà đương quyền Việt Nam. Ai cũng biết thế. Nhưng tôi vẫn yêu cầu họ trong chừng mực nào đó, đừng quá trắng trợn dùng những ngôn từ thiếu văn hóa để nhục mạ, hạ nhục,miệt thi tôi, xuyên tạc những bài viết đầy thiện chí xây dựng của tôi.

Kính chúc Bạn đọc trong và ngoài nước Việt Nam một Năm Mới Kỷ Hợi 2019 sức khỏe, hạnh phúc, mọi điều tốt lành và thành đạt những ước nguyện riêng cũng như chung,

Thiện Ý
Houston, đầu năm Kỷ Hợi 2019

(*) Cha tôi là Nguyễn Văn Tiến (1910-1960), từng tu học ở Tiểu Chủng viện Hàng Nguyên, Hà Đông thuộc giáo phận Hà Nội. Vào khoảng cuối thập niên 1930 ông bị đuổi ra làm Thày giảng, không được tiếp tục học lên Đại Chủng viện để trở thành linh mục. Là vì ông đã tham gia nhóm cầm đầu bãi khóa không vào lớp học đề đòi được đối xử bình đẳng giữa “Cha ta” và “Cố Tây” và giữa chủng sinh người Việt với chủng sinh thuộc Pháp. Khi đó cha tôi đang học năm cuối chương trình đào tạo của Tiểu Chủng viện (Tương đương lớp 12 sau này). Thoạt đầu Ông nhận bài sai của giáo quyền đi giảng đạo nơi các dân tộc ít người ở miền thượng du Bắc Việt. Vài năm sau được chuyển về miền trung du, làm thày giúp xứ nơi xứ đạo Bút Sơn, gặp mẹ tôi, Ông đã xuất tu.


NHỮNG BÀI THƠ XUÂN VIẾT TỪ NGỤC TÙ CỘNG SẢN



NHỮNG BÀI THƠ  XUÂN VIẾT TỪ NGỤC TÙ CỘNG SẢN

Thiện Ý.


Sau khi phát hiện Mặt Trận Nhân Quyền Việt Nam bị công an gài người vào tổ chức, người viết đã tìm đường vượt biên ra nước ngoài và bị bắt vì tàu bị đâm vào cồn cát ngoài cửa biển ở Miền Tây (Tháng 10-1978).Sau vài tuần bị giam ở một ngôi đình trên một cù lao bên kia bến đò chợ Vĩnh Long, chúng tôi bị tách ra khỏi những người vượt biên cùng chuyến đưa vào khám lớn Vĩnh Long.

Sau này được biết là vì hiền thê của tôi nghe tin chuyến tàu vượt biên không thoát đã báo tin cho ông Chủ tịch Mặt trận Nhân Quyền Việt Nam Nguyễn Đình Phượng ở giáo khu Bình An. Từ đó, người “nằm vùng” trong tổ chức biết, nên công an cho người xuống Vĩnh Long tách tôi ra khỏi đám vượt biên, đưa qua nhà tù  tỉnh Vinh Long giam một đêm, sáng sớm hôm sau đem tôi về Sài Gòn, đưa thẳng vào buồng giam tập thể số 7 nhà tù số 4 Phan Đăng Lưu gần chợ Bà Chiểu Gia Định.

Buồng giam số 7 là buồng giam tập thể duy nhất nằm tận cùng dãy nhà tôn dài có các phòng biệt giam của Khu C.2. Dãy nhà này nằm song song và cách khoản 2 mét sân láng xi măng với dãy nhà tôn dài phía ngoài với 6 buồng giam tập thể theo số thự tự 3, 4, 5 và 6.Sau khi công an dẫn giải bàn giao cho công an trại giam tại văn phòng ở đầu dãy, tôi được tháo còng số 8, dẫn tới cửa sắt duy nhất của buồng giam số 7. Lúc đó khoảng 10 giờ tối một ngày trong tháng 11-1978, các tù nhân trong phòng đã ngủ yên hay thức mà phải im lặng. Tôi thấy mọi người nằm xếp lớp giở đầu đuôi như cá hộp và nồng nặc hơi nóng vì đông người. Tôi được Trưởng buồng xếp cho một chỗ nằm ở góc phòng gần góc làm nơi vệ sinh tập thể cho tù nhân. 

Buồng giam tập thể số 7 rộng khoảng 3 mét, dài 12 mét, nền láng xi măng, với một góc làm nơi vệ sinh tập thể ở góc nhà, ngăn cách với nền nhà ngủ cho khoảng 40 tù nhân bằng một tấm bê tông thấp. Nơi đây, chỉ có một vòi nước, một nhà cầu hở, không che kín.    tôi không gặp ai quen biết trước, nay chỉ còn nhớ tên hai người vì gần gũi và có những kỷ niệm khó quên. Một là giáo sư Cao Xuân Linh, em ruột ông Cao Xuân Vỹ Thủ lãnh Thanh Niên Cộng Hòa và là người thân cận ông cố vấn Ngô Đình Nhu thời Đệ nhất VNCH.Hai là ông Trần Liễu  Thượng sĩ binh chủng nhẩy dù Quân lực VNCH. Sau này được biết giáo sư Cao Xuân Linh đã được gia đình bảo lãnh qua Hoa Kỳ, ở Nam California, chúng tôi có liên lạc nói chuyện điện thoại đôi lần và đã mất liên lạc từ lâu. Còn Ông Trần Liễu sau được biết cũng đoàn tụ với gia đình ở Houston, nhưng đã chết khi tôi chưa có dịp gặp lại, nên chỉ kể lại đôi điều lúc ở chung cho con trai Ông hiện vẫn đang sống ở Houston. Sau khoảng hơn một tuần sống ở buồng giam tập thể số 7, tôi được chuyển vào biệt giam số 6 cũng thuộc Khu C.2 nhà tù số 4 Phan Đăng Lưu. Biệt giam, với một cửa sắt chỉ có một cửa gió vừa đủ cho một khuôn mặt áp sát hít thở không khi trong giờ làm việc. Bên trong là một phòng giam ngang khoản hơn 1 mét, dài khoảng 3 mét, với một bệ xi măng cao là chỗ ngủ cho tù nhân.Phần nền thấp chậy từ cửa vào tường bên trong người tù gọi là “Phi đạo”, Vừa bước qua cửa ngay bên trái là một vòi nước và cầu tiêu, ngăn cách với bệ ngủ bằn một miếng bê-tông thấp. Sau giờ làm việc, cửa gió đóng lại, cả phòng ngập trong ánh sáng mờ của một bóng đèn ngủ trên trần cao có song sắt…

Tôi bị biệt giam khá lâu và bị gọi “làm việc” (hỏi cung) với chấp pháp liên tục ngày đêm và không được gia đình gặp mặt, gửi quà thăm nuôi cũng khá lâu. Cái Tết đầu tiên trong tù nằm 1979 với tôi lúc đó như không có Tết. Vì không được nhận quà Tết của gia đình như các tù nhân thâm niên, tôi chỉ ăn Tết với đồ ăn của nhà tù, chỉ khác đồ ăn thường ngày là cơm gạo hẩm thay bo-bo hay “bánh bao” (bột mì nhồi thành cục hấp như bánh bao không nhân, đặc và cứng, không mùi thơm) thêm vài miếng thịt lợn bạc nhạc khoảng vài đốt ngón tay lềnh bềnh trong canh rau muống nước nhiều hơn rau.Khi nghe vẳng đâu ngoài kia tiếng pháo Giao thừa nổ, tôi không khỏi chạnh lòng nhớ đến người vợ trẻ, đàn con thơ dại và mẹ già mà từ khi bị bắt tôi cố tìm cách quên đi để không bị suy sụp tinh thần; bùi ngùi thương cảm tôi đã tức cảnh nằm suy tư trong đầu “những vần thơ xuân nhớ vợ hiền”. Những vần thơ này tôi đã viết lại trong thư sau đó gửi về cho hiền thê, khi được phép trại giam viết thư về cho gia đình. Thơ rằng:

“Đêm Xuân nhớ vợ hiền”

Ngoài kia tiếng pháo Giao thừa nổ
Khuấy động hồn Anh giây phút thiêng
Thương về tổ ấm lòng vương vấn
Chắc hẳn giờ này Em vẫn trông?

Vâng Anh biết và cảm thông sâu sắc
Với nỗi lòng mơ ước của riêng Em.
Niềm phận tủi liễu đào khi xuân đến
Trước thềm Năm Mới!
Biết nói gì đây?

Thôi được rồi! Hỡi em yêu dấu!
Cố lên đi như đã gắng tự bao ngày,
Công lao ấy mai này Anh đền đáp.
Hãy nhìn kìa! Con mình đẹp biết mấy!

Đẹp tự Thiên thần,
Là Mùa Xuân Thần Thánh chấp cánh bay cao,
Là mùa xuân tự hào của tình yêu ta đó…
Phải không Em?Hởi Em dấu yêu!

Sau khoảng 17 tháng biệt giam, hồ sơ vụ án Mặt Trận Nhân Quyền Việt Nam kết thúc một thời gian, tôi đã được đưa ra buồng giam tập thể số 5 đối diện với biệt giam số 6 nơi tôi bị biệt giam lâu nhất. Vì trong khoảng 17 tháng biệt giam ấy, có khi tôi phải di chuyện đến biệt giam nơi Sở Công an thành phố để làm việc ít tháng. Trong thời gian ở biệt giam số 6, tôi được biết một số đồng nghiệp luật sư niên trưởng của tôi cũng từng bỉ nhốt ở các buồng giam tập thể đối diện (như luật sư Trần Danh San, Triệu Bá Thiệp…). Biệt giam số 1 có luật sư Vũ Ngọc Truy (Mặt Trận Việt Nam Tự Do…) Thiếu Tá nhẩy dủ Nguyễn Văn Viên (em linh mục Nguyễn văn Vàng, Mặt Thận Liên Tôn, bị kết án tử hình…).

Tôi còn nhớ rõ sáng hôm ấy, khi cán bộ quản giáo trại giam đưa đến trước buồng giam tập thể số 5 anh em tù trong phòng ùa ra hỏi dồn dập “Mới bị bắt à? Tội gì? Tội gì?”. Tôi bình thản trả lời ngắn gọn “ 17 tháng  biệt giam. Phản động”. Có người hoài nghi “Sao anh còn tươi thế”. Tôi đáp lại “vào đây không tươi thì héo à?”…

Thế là cái Tết năm 1980 tôi được hưởng một cái Tết tập thể với anh em bạn tù. Tôi đã xướng và yêu cầu anh em họa thành bài thơ xuân thứ hai trong tù. Đó là bài:

Vịnh mắm tôm (*)

Gần Tết sao mà lắm mắm tôm,
Anh nào anh nấy sực mùi thơm,
Ăn vào lại sợ lên cơn ngứa,
Sợ cả Lê Hiền nó “đánh bom”!(**)
Không chanh, không ớt, không hành tỏi,
Cơm nhạt lùa vào sao vẫn ngon,
Ai về cho nhắn con cùng vợ
Quà kết năm này nhớ mắm tôm!.

(*) Mắm tôm hay mắm ruốc ở đây không phải là nguyên chất mà là ngào với thịt heo băm ra là một trong những món ăn thông dụng cho người tù. Vì độ mặn giúp để lâu cho người tù dùng dần dần. Những món ăn thông dụng khác như thịt kho tiêu mặn, cá kho tiêu mặn, đồ ăn nào cũng mặn vừa để lâu được, vừa đỡ tốn đồ ăn….
(**) Câu thơ này là một “điển tích” trong buồng tù lúc bấy giờ. Đó là có một người tù tội kinh tế tên Lê Hiền. Anh này thiếu nhiều răng nên nhai bo-bo và thức ăn không nhuyễn được, nên khi “trung tiện” toát ra một mùi hôi khó chịu trong một buồng giam chật chội, nóng nực hơi người, làm anh em “Sợ cả Lê Hiền nó đánh bom” là vậy. Anh em tù chung được biết Lê Hiền là em ruột Tiến sĩ Lê Ủy, một “Việt kiều yêu nước” tốt nghiệp ở Pháp, tình nguyện về giúp nước sau 1975, theo lời kêu gọi của “Đảng Ta”, được giao cho làm Giám đốc Sở Thông Tin-Văn hóa thành phố HCM. Lê Hiền dựa hơi anh được làm bảo vệ kho hàng gì đó thuộc Sở Thương Nghiệp thành phố, đã tuồn hàng ra ngoài, bị bắt phải ở tù.

Trong ít tháng ở buồng giam tập thể số 5 do một Thiếu tá quân đội nhân dân tên Tích, bị tù vì tham nhũng, làm Trưởng buồng, tôi và các bạn tù ở đây chắc không thể quên Tiến sĩ Phan Văn Song (Tiến sĩ kinh tế tốt nghiệp ở Pháp, Nguyên Tổng giám đốc hãng bia Con Cọp) ở chung buồng lúc đó về tài kể chuyện hấp dẫn của anh. Sau bữa ăn chiều, anh em tù đều mong chờ đến giờ kể chuyện của Ts Phan Văn Song để tìm niềm vui trong song  sắt, giúp quên đi những ngày đêm dài không biết ngày mai của thân phận một người tù không tuyên án.Một trọng những chuyện Ts Song kể không thể nào quên là “Người tù khổ sai Papillon”. Năm 2017, người viết có dịp gặp lại tiến sĩ Phan Văn Song ở Houston sau 37 năm xa cách (1980-2017). Ông hiện sinh sống tại Pháp, có nhiều bài viết cổ súy cho dân chủ, nhân quyền tại Việt Nam. Trong quán cà-phê “Ông Già” ở khu Saigon Plaza trên đại lộ Bellaire vùng Southwest Houston, chúng tôi có địp hàn huyên và tôi đã không quên nhắc lại bài thơ xuân “Vịnh mắm tôm” năm nào của tập thể anh em tù nhân buồng giam tập hể số 5 Khu C.2 nhà tù nổi tiếng Phan Đăng Lưu, trong đó, vào lúc đó, cho đến bây giờ vẫn còn là nơi giam giữ những người yêu nước bất đồng chính kiến đã đấu tranh cách này cách khác cho tự do, dân chủ, nhân quyền với mục tiêu tối hậu là dân chủ hóa Đất nước.

Sau ít tháng ở buồng giam tập thể số 5, tôi được chuyển qua nhà tù Chí Hòa, cùng chuyến với linh mục Nguyễn Văn Vàng (Mặt Thận Liên Tôn, bị kết án chung thân, cùng với em là Thiếu tá nhẩy dù Nguyễn Văn Viên bị kết án tử hình) . Chúng tôi ở chung buồng giam tập thể F.11 khoảng một tháng thì bị đưa đi lao động cải tạo ở trại tù K.1 Z.30D Hàm Thân Thuận Hải cho đến khi được trả tự do vào cuối năm 1981. Còn Linh mục Nguyễn văn Vàng bị đưa đi đâu sau đó, sống chết ra sao tôi không rõ. Sau này được biết Cha đã chết trong tù từ lâu rồi.

Thiện Ý
Houston,Giáp Tết Kỷ Hợi 2019