Wednesday, December 12, 2012

Bình luận: GIÁ TRỊ VĨNH CỬU CỦA BẢN TUYÊN NGÔN QUỐC TẾ NHÂN QUYỀN



Bình luận:
GIÁ TRỊ VĨNH CỬU CỦA BẢN TUYÊN NGÔN QUỐC TẾ NHÂN QUYỀN

Thiện Ý

      Sau 3 năm chuẩn bị, ngày 10 tháng 12 năm 1948, Bản Tuyên Ngôn Quốc Tế Nhân Quyền (The Human Rights Declaration)  đã được Ðại Hội Ðồng Liên Hiệp Quốc thông qua, với 48 phiếu thuận, không có phiếu chống nào, duy chỉ có Liên Xô cũ, Saudia Arabia và Nam Phi từ chối bỏ phiếu. Tiến sĩ  Herbert Chủ tịch phiên họp Ðại Hội Ðồng Liên Hiệp Quốc lúc bấy giờ đã nhận xét, rằng “Lịch sử sẽ ghi nhận Bản Tuyên Ngôn này như là một trong những thành tựu nổi bật của Liên Hiệp Quốc.”
      Như vậy là đã 64 năm qua, Bản Tuyên Ngôn Quốc Tế Nhân Quyền đã cho thấy một giá trị phổ quát và vĩnh cửu. Bởi vì Bản Tuyên Ngôn ấy đã thể hiện một chân lý được khẳng định trong phần mở đầu, rằng  “Mọi thành viên trong gia đình nhân loại đều có nhân cách, có quyền bình đẳng bất khả chuyển nhượng. Sự công nhận nhân cách và các quyền này là nền tảng của tự do, công chính và hoà bình trên thế giới”; Và rằng “mọi sự coi thường và khinh thị nhân quyền đều đưa đến những hành động dã man, xúc phạm đến lương tâm nhân loại và ước vọng về một thế giới mà mọi người đều được hưởng tự do ngôn luận, tín ngưỡng và không bị đe dọa, bởi đã được tuyên cáo đó là khát vọng cao cả nhất của loài người”.
        
         Trong 30 điều khoản của bản Tuyên Ngôn Quốc Tế Nhân quyền, đã đưa ra được những nguyên tắc và liệt kê các nhân quyền và dân quyền có giá trị như một Bản Hiến Pháp Quốc Tế mà các quốc gia hội viên có nghĩa vụ  phải tuân thủ trong việc tôn trọng, bảo vệ và hành xử các nhân quyền căn bản.
         Tuy nhiên, trên thực tế, từ quá khứ đến hiện tại, vẫn còn nhiều quốc gia vẫn không tuân thủ các điều khoản của Bản Tuyên Ngôn Quốc Tế Nhân Quyền. Ðó là các quốc gia có chế độ độc tài phản dân chủ các  kiểu, điển hình như chế độ độc tài kiểu cộng sản ở Việt Nam, hay chế độ độc tài kiểu Al Sadad ở Syria vùng Trung Đông hiện nay. Cả hai kiểu chế độ độc tài này, dù là thành viên Liên Hiệp Quốc, có trách nhiệm tuân thủ Bản Tuyên Ngôn Quốc Tế Nhân Quyền, song thực tế vẫn thách thức công luận bằng những hành vi trắng trợn vi phạm nhân quyền và dân quyền căn bản.
     
         Ðến đây một câu hỏi được đặt ra là:vì sao chính quyền trong các chế độ độc tài tại Việt Nam và Syria lại dám thách thức công luận như vậy?
         Câu trả lời tổng quát, theo thiển ý chúng tôi, là vì 30 điều khoản của Bản Tuyên Ngôn Quốc Tế Nhân Quyền chỉ liệt kê các nhân quyền mà không dự trù các biện pháp chế tài hữu hiệu. Trên thực tế, các biện pháp chế tài đối với các chính quyền vi phạm nhân quyền thường là đều xuất phát từ các cường quốc hay Liên Hiệp Quốc vốn là tổ chức mà các cường quốc chiếm ưu thế tuyệt đối. Sự chế tài này thường là các áp lực mạnh hay yếu lại tùy thuộc vào mục đích vụ lợi của các cường quốc.
        Tỷ như những áp lực của Hoa Kỳ đối với các hành động vi phạm nhân quyền bao lâu nay của chế độc độc tài toàn trị tại Việt Nam, thường chỉ là biện pháp được xử dụng như một phương cách tạo áp lực để thành đạt một lợi ích kinh tế, chính trị ngoại giao nào đó cho Hoa Kỳ. Cộng sản Việt nam chỉ cần đáp ứng phần nào hay tất cả lợi ích này cho Hoa Kỳ là họ có thể an tâm tiếp tục đàn áp nhân dân, chà đạp nhân quyền, nhân danh cái gọi là “vấn đề nội bộ của Việt nam”. Vì vậy, sự kết án của Hoa Kỳ hay quốc tế nếu không đi kèm biện pháp chế tài triệt để và hiệu quả, thì vẫn chỉ mang tính hình thức, chiếu lệ, không có mấy hiệu quả thực tế.
    Thực tế là tại Việt Nam, từ lâu nay nhà cầm quyền vẫn ngang nhiên xâm phạm các quyền dân chủ, dân sinh và nhân quyền, dù Hoa Kỳ và quốc tế bao lâu nay đã nhiều lần lên tiếng phàn nàn, kết án, cảnh cáo, kèm theo những biện pháp pháp lý, hành chánh, kinh tế… cũng chỉ ở mức độ đủ xoa dịu sự phẫn nộ của công luận và nếu có hiệu quả thì quá lắm cũng chỉ buộc được Việt cộng lùi một bước  để đối lấy một lợi ích giai đoạn nào đó , hơn là vì lợi ich tự do dân chủ lâu dài cho nhân dân Việt Nam.
       Thực tế là tại Việt Nam, nhà cầm quyền cộng sản vẫn thẳng tay bắt bớ, giam cầm và đầy ải các nhà đấu tranh cho các quyền tự do chính trị và tôn giáo trong các nhà tù và các trại tù trá hình gọi là “Trại Cải tạo” được thiết lập trên toàn cõi Việt Nam.
    Đứng trước thực tế này, về phần mình, người Việt Nam ở hải ngoại cũng không biết làm gì hơn là đẩy mạnh các cuộc đấu tranh hổ trợ cho các nhà đấu tranh cho dân chủ trong nước, bằng cách lên tiếng tố cáo và báo động trước công luận quốc tế về các hành động vi phạm tự do, dân chủ và nhân quyền của nhà cầm quyền độc tài toàn trị cộng sản Việt Nam.
     Đồng thời, bằng mọi cách chia xẻ những khó khăn vật chất trong điều kiện và khả năng có thể, cũng như khích lệ tinh thần các nhà dân chủ trong nước. Cụ thể như tổ chức các hình thức gây quỹ yểm trợ tài chánh cho các nhà đấu tranh cho dân chủ trong nước, điển hình như bữa ăn gây quỹ tại Houston do Ủy Ban Yểm Trợ Các Nhà Đấu Tranh Dân Chủ trong nước, vốn là hoạt động hàng năm của Ủy Ban này; Hoặc Mạng Lưới Nhân Quyền Việt Nam  từ nhiều năm nay đã tổ chức các buổi lễ vinh danh và trao giải Nhân Quyền Việt Nam hàng năm cho một số nhà đấu tranh can trường cho tự do, dân chủ và nhân quyền trong nước và đã bị nhà cầm quyền Việt cộng bắt cầm tù.
      Nhớ lại 35 năm trước đây, sau khi Cộng sản Bắc Việt cưỡng chiếm Miền Nam, vi phạm Hiệp Định Paris ngày 27-1- 1973 về chấm dứt chiến tranh lập lại hoa bình cho Việt Nam, chúng tôi và một số anh em khác cùng chung lý tưởng, đã sớm thành lập Mặt Trận Nhân Quyền Việt Nam trong ý hướng trường kỳ đấu tranh cho mục tiêu chống độc tài,dân chủ hoá đất nước, phù hợp với chiếu hướng chiến lược quốc tế mới của các cường quốc cực.
        Trong nhiệm vụ Ủy Viên Nghiên Huấn của Mặt Trận Nhân Quyền Việt Nam, chúng tôi đã được giao trách nhiệm khởi thảo bản Tuyên Ngôn Nhân Quyền Việt Nam, cùng với các tài liệu huấn luyện và học tập khác khác như “Chính cương và sách lược đấu tranh của Mặt Trận Nhân Quyền Việt Nam”, “Việt Nam Trong Thế Chiến Lược Quốc Tế Mới”….
        Đúng vào ngày này của 35 năm về trước, Mặt Trận Nhân Quyền Việt Nam đã công bố Tuyên Ngôn Nhân Quyền Việt Nam năm 1977 đúng vào ngày 10-12-1977 là ngày bản Tuyên Ngôn Quốc Tế Nhân Quyền  được Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc thông qua. Chúng tôi xin ghi lại theo trí nhớ, phần mở đầu của bản tuyên ngôn này đã viết như sau:
   “ Khẳng định rằng, con người sinh ra có quyền sống và phải được sống xứng đáng với nhân phẩm và cương vị của một con người.
     Sống xứng đáng với nhân phẩm và cương vị của một con người, là con người không phải chỉ được sinh ra và được sống như một con vật mà còn có nhu cầu khẩn thiết hơn là phải được sống và sống tự do.
    Sống tự do là mọi người, không phân biệt sắc tộc, giai tầng xã hội, phải được tôn trọng, bảo vệ và hành xử những nhân quyền căn bản đã được ghi trong bản Tuyên Ngôn Quốc Tế Nhân Quyền và Hiến Chương Liên Hiệp Quốc: Quyền tự do chính trị, tự do kinh tế, tự do cư trú và vãng lai, tự do tư tưởng bao gồm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, ngôn luận v.v….
    Bởi vì tự do và con người là một thực thể bất khả phân, có con người là phải có tự do, thiếu nó con người sẽ sống trong lo âu, sầu tủi và nhân phẩm bị hạ thấp ngang tầm loài vật.
    Tiếc thay, một dân tộc đã và đang phải sống ngang tầm loài vật: Đó là dân tộc Việt Nam. Bởi vì dân tộc này đã đang phải sống dưới chế độ độc tài đảng trị tàn bạo của những người Cộng sản Việt Nam, duới chế đô này mọi nhân quyền và dân căn bản đã bị chà đạp và tước đoạt.
     Vì vậy, Mặt Trận Nhân Quyền Việt Nam nghiêm trọng tố cáo trước công luận thế giới và bầy tỏ quyết tâm đấu tranh đến cùng cho các nhân quyền và dân quyền căn bản sau đây phải được tôn trọng, bảo vệ và  thực thi tại Việt Nam:
……………………………………………………………………………………….”

      Tựu chung, dù thực tế có thế nào chăng nữa, thì Bản Tuyên Ngôn Quốc Tế Nhân Quyền vẫn  mang giá trị phổ quát và vĩnh cửu. Vì đó là chân lý muôn thuở của loài người, có giá trị qua mọi thời đại, vượt không gian và thời gian. Tuy nhiên, ngày nào Liên hiệp quốc không có được những biện pháp chế tài hữu hiệu, vẫn coi tổ chức này như sân chơi vụ lợi của các cường quốc chiêm ưu thế áp đảo, thì vẫn sẽ không ngăn chặn được các chế độ độc tài vi phạm tự do, dân chủ và nhân quyền trên hành tinh này .
         Điển hình là Cộng sản Việt Nam, sở dĩ vẫn ngang nhiên tiếp tục các hành vi đàn áp tôn giáo, tiêu diệt đối lập chính trị và các nhân quyền căn bản như hiện nay, chính là vì thực tế Hoa Kỳ nói riêng, và  quốc tế nói chung, chưa có những biện pháp chế tài triệt để hữu hiệu và chưa thể hiện quyết tâm thực hiện các nguyên tắc và các điều khoản của Bản Tuyên Ngôn Quốc Tế Nhân Quyền, vì lợi ích của nhân loại nói chung, nhân dân các nước sống dưới ách các chế độ độc tài nói riêng.

Thiện Ý
Ngày 10 tháng 12 năm 2012.

* Sau đây là nguyên văn Việt ngữ Bản Tuyên Ngôn Quốc Tế Nhân Quyền:

Tuyên ngôn Quốc tế Nhân quyền của Liên Hiệp Quốc
Attention: open in a new window.
Được Đại hội đồng Liên Hợp Quốc thông qua và công bố theo Nghị quyết số 217 (III), ngày 10 tháng 12 năm 1948.

LỜI NÓI ĐẦU
Với nhận thức rằng:
      Việc thừa nhận nhân phẩm vốn có, các quyền bình đẳng và không thể tách rời của mọi thành viên trong gia đình nhân loại là cơ sở cho tự do, công bằng và hoà bình trên thế giới,
      Sự xâm phạm và coi thường nhân quyền đã dẫn đến những hành động tàn bạo, xâm phạm tới lương tâm của nhân loại, và việc xây dựng một thế giới trong đó con người được tự do ngôn luận và tín ngưỡng, không còn phải chịu nỗi sợ hãi và cùng cực được coi là nguyện vọng cao cả nhất của loài người,
      Nhân quyền phải được pháp luật bảo vệ để mỗi người không buộc phải nổi loạn như là biện pháp cuối cùng để chống lại chế độ cường quyền và áp bức,
     Cần phải khuyến khích việc phát triển quan hệ bằng hữu giữa các dân tộc,
     Nhân dân các nước thành viên Liên Hợp Quốc trong bản Hiến chương đã một lần nữa khẳng định niềm tin của mình vào những quyền cơ bản của con người, vào nhân phẩm, vào giá trị của mỗi người, vào quyền bình đẳng nam nữ, và đã bầy tỏ quyết tâm thúc đẩy tiến bộ xã hội cũng như xây dựng các điều kiện sống tốt hơn, tự do hơn.
     Các nước thành viên đã cam kết, cùng với tổ chức Liên Hợp Quốc, phấn đấu thúc đẩy mọi người tôn trọng và thực hiện các quyền cũng như những tự do cơ bản của con người.
     Nhận thức thống nhất về những quyền và tự do đó của con người là yếu tố quan trọng nhất cho việc thực hiện đầy đủ cam kết này.
      Nay, Đại hội đồng Liên Hợp Quốc tuyên bố:

      Bản tuyên ngôn toàn thế giới về nhân quyền này là thước đo chung cho tất cả các nước và tất cả các dân tộc đánh giá việc thực hiện mục tiêu mà mọi cá nhân và mọi tổ chức trong xã hội, trên cơ sở luôn ghi nhớ Bản tuyên ngôn này, sẽ phấn đấu thúc đẩy sự tôn trọng các quyền và tự do cơ bản của con người thông qua truyền bá và giáo dục, cũng như sẽ phấn đấu đảm bảo cho mọi người dân, ở chính các nước thành viên của Liên Hợp Quốc và ở các lãnh thổ thuộc quyền quản lý của mình, công nhận và thực hiện những quyền và tự do đó một cách có hiệu quả thông qua những biện pháp tích cực, trong phạm vi quốc gia hay quốc tế.

Điều 1
            Tất cả mọi người sinh ra đều được bình đẳng về nhân phẩm và quyền. Mọi con người đều được tạo hóa ban cho lý trí và lương tâm và cần phải đối xử với nhau trong tình bằng hữu.
Điều 2
            Mọi người đều được hưởng tất cả những quyền và tự do nêu trong Bản tuyên ngôn này, không phân biệt chủng tộc, màu da, giới tính, ngôn ngữ, tôn giáo, quan điểm chính trị hay các quan điểm khác, nguồn gốc quốc gia hay xã hội, tài sản, thành phần xuất thân hay địa vị xã hội.
      Ngoài ra, cũng không có bất cứ sự phân biệt nào về địa vị chính trị, pháp quyền hay quốc tế của quốc gia hay lãnh thổ mà một người xuất thân, cho dù quốc gia hay lãnh thổ đó được độc lập, được đặt dưới chế độ ủy trị, chưa tự quản hay có chủ quyền hạn chế.
Điều 3
           Mọi người đều có quyền sống, tự do và an toàn cá nhân.
Điều 4
           Không ai phải làm nô lệ hay bị cưỡng bức làm việc như nô lệ; mọi hình thức nô lệ và buôn bán nô lệ đều bị ngăn cấm.
Điều 5
           Không ai bị tra tấn hay bị đối xử, xử phạt một cách tàn bạo, vô nhân đạo hay hạ thấp nhân phẩm.
Điều 6
           Mọi người đều có quyền được thừa nhận tư cách là con người trước pháp luật ở khắp mọi nơi.
Điều 7
           Tất cả mọi người đều bình đẳng trước pháp luật và được pháp luật bảo vệ như nhau không có bất cứ sự phân biệt nào. Tất cả mọi người đều được bảo vệ như nhau chống lại mọi hình thức phân biệt đối xử vi phạm Bản tuyên ngôn này cũng như chống lại mọi hành vi xúi giục phân biệt đối xử như vậy.
Điều 8
           Mọi người đều có quyền được các toà án quốc gia có thẩm quyền bênh vực theo pháp luật trước những hành vi vi phạm các quyền cơ bản do hiến pháp hay luật pháp quy định.
Điều 9
            Không ai bị bắt, giam giữ hay đày đi nơi khác mà không có lý do chính đáng.
Điều 10
            Mọi người, với tư cách bình đẳng về mọi phương diện, đều có quyền được một toà án độc lập và vô tư phân xử công bằng và công khai để xác định quyền, nghĩa vụ hoặc bất cứ một lời buộc tội nào đối với người đó.
Điều 11
            Mọi người, nếu bị quy tội hình sự, đều có quyền được coi là vô tội cho đến khi một toà án công khai, nơi người đó dã có được tất cả những đảm bảo cần thiết để bào chữa cho mình, chứng minh được tội trạng của người đó dựa trên cơ sở luật pháp.
      Không ai bị kết tội hình sự vì một hành vi hay sự tắc trách không bị coi là một tội hình sự theo quy định của luật pháp quốc gia hay quốc tế vào thời điểm đó. Cũng như không cho phép áp dụng hình thức xử phạt đối với một tội hình sự nặng hơn so với quy định của luật pháp lúc bấy giờ cho mức độ phạm tội cụ thể như vậy.
Điều 12
            Không ai bị can thiệp một cách độc đoán đối với cuộc sống riêng tư, gia đình, nơi ở hay thư tín của cá nhân người đó cũng như không bị xâm phạm tới danh dự và uy tín. Mọi người đều được pháp luật bảo vệ chống lại những hành vi can thiệp hoặc xâm phạm như vậy.
Điều 13
             Mọi người đều có quyền tự do đi lại và cư trú trong phạm vi lãnh thổ của mỗi quốc gia.
     Mọi người đều có quyền rời khỏi bất cứ nước nào, kể cả nước mình, cũng như có quyền trở về nước mình.
Điều 14
             Mọi người đều có quyền tìm kiếm và được lánh nạn ở những nước khác khi bị ngược đãi.
      Quyền này không được áp dụng trong trường hợp đương sự bị truy tố vì những tội không mang tính chất chính trị hay vì những hành vi đi ngược lại mục tiêu và nguyên tắc của Liên Hợp Quốc.
Điều 15
             Mọi người đều có quyền nhập quốc tịch của một nước nào đó.
      Không ai bị tước đoạt quốc tịch của mình hay bị khước từ quyền được thay đổi quốc tịch của mình mà không có lý do chính đáng.
Điều 16
             Nam hay nữ đến tuổi thành niên đều có quyền hôn nhân và xây dựng gia đình mà không có bất cứ một hạn chế nào về chủng tộc, quốc tịch hay tôn giáo. Họ có quyền bình đẳng trong việc kết hôn, trong cuộc sông vợ chồng và lúc ly hôn.
      Việc kết hôn chỉ được tiến hành khi có sự đồng ý hoàn toàn và tự nguyện của cả hai bên.
      Gia đình là một đơn vị tự nhiên và cơ bản của xã hội và được xã hội và nhà nước bảo vệ.
Điều 17
             Mọi người đều có quyền sở hữu tài sản của riêng mình hay chung với những người khác.
     Không ai bị tước đoạt tài sản của mình một cách độc đoán.
Điều 18
             Mọi người đều có quyền tự do suy nghĩ, ý thức và tôn giáo, kể cả tự do thay đổi tôn giáo hay tín ngưỡng, và tự do thể hiện tôn giáo hoặc tín ngưỡng dưới hình thức truyền bá, thực hành, thờ phụng hoặc lễ tiết, với tư cách cá nhân hay tập thể, công khai hay riêng tư.
Điều 19
            Mọi người đều có quyền tự do ngôn luận và bầy tỏ quan điểm; kể cả tự do bảo lưu ý kiến không phụ thuộc vào bất cứ sự can thiệp nào, cũng như tự do tìm kiếm, thu nhận, truyền bá thông tin và ý kiến bằng bất cứ phương tiện thông tin đại chúng nào và không giới hạn về biên giới.
Điều 20
     Mọi người đều có quyền tự do họp hành và tham gia hiệp hội một cách hoà bình.
     Không ai bị bắt buộc phải tham gia một hiệp hội nào.
Điều 21
             Mọi người đều có quyền tham gia vào chính quyền của nước mình, một cách trực tiếp hay thông qua những đại diện được tự do lựa chọn.
      Mọi người đều có quyền được hưởng các dịch vụ công cộng của đất nước mình một cách bình đẳng.
     Ý chí của nhân dân là cơ sở tạo nên quyền lực của chính quyền; ý chí được thể hiện qua các cuộc bầu cử định kỳ và thực sự, theo nguyên tắc bỏ phiếu phổ thông và bình đẳng và được thực hiện qua bỏ phiếu kín hoặc qua các thủ tục bỏ phiếu tự do tương tự.
Điều 22
             Với tư cách là thành viên của xã hội, mọi người đều có quyền được hưởng bảo hiểm xã hội cũng như được thực hiện các quyền về kinh tế, xã hội và văn hoá không thể thiếu đối với nhân phẩm và tự do phát triển nhân cách của mình, thông qua nỗ lực quốc gia, hợp tác quốc tế và phù hợp với hệ thống tổ chức và nguồn lực của mỗi quốc gia.
Điều 23
             Mọi người đều có quyền làm việc, tự do lựa chọn công việc, được hưởng điều diện làm việc công bằng và thuận lợi và được bảo vệ chống lại tình trạng thất nghiệp.
      Mọi người đều có quyền được trả công ngang nhau cho công việc như nhau, không có bất cứ sự phân biệt đối xử nào.
      Mọi người đều có quyền được hưởng chế độ thù lao công bằng và thuận lợi đảm bảo cho sự tồn tại của bản thân và gia đình xứng đáng với nhân phẩm và được hỗ trợ thêm từ các hình thức bảo trợ xã hội khác, nếu cần thiết.
      Mọi ngượi đều có quyền thành lập và tham gia các tổ chức công đoàn để bảo vệ quyền lợi của mình.
Điều 24
            Mọi người đều có quyền nghỉ ngơi và giải trí, kể cả quyền được hạn chế hợp lý về số giờ làm việc và hưởng những ngày nghỉ định kỳ được trả lương.
Điều 25
             Mọi người đều có quyền được hưởng mức sống đủ để đảm bảo sức khoẻ và phúc lợi của bản thân và gia đình, về các mặt ăn, mặc, ở, y tế và các dịch vụ xã hội cần thiết khác, cũng như có quyền được bảo hiểm trong trường hợp thất nghiệp, ốm đau, tàn tật, góa bụa, già nua hoặc thiếu phương tiện sinh sống do những hoàn cảnh khách quan vượt quá khả năng kiểm soát của mình.
      Các bà mẹ và trẻ em cần được chăm sóc và giúp đỡ đặc biệt. Tất cả trẻ em, sinh ra trong hoặc ngoài giá thú, đều được hưởng mức độ bảo trợ xã hội như nhau.
Điều 26
             Mọi người đều có quyền được học hành. Phải áp dụng chế độ giáo dục miễn phí, ít nhất là ở bậc tiểu học và giáo dục cơ sở. Giáo dục tiểu học là bắt buộc. Giáo dục kỹ thuật và chuyên nghiệp phải mang tính phổ thông, và giáo dục cao học phải theo nguyên tắc công bằng cho bất cứ ai có đủ khả năng.
      Giáo dục phải hướng tới mục tiêu giúp con người phát triển đầy đủ nhân cách và thúc đẩy sự tôn trọng đối với các quyền và tự do cơ bản của con người. Giáo dục phải tăng cường sự hiểu biết, lòng vị tha và tình bằng hữu giữa tất cả các dân tộc, các nhóm tôn giáo và chủng tộc, cũng như phải đẩy mạnh các hoạt động của Liên Hợp Quốc vì mục đích gìn giữ hoà bình.
      Cha, mẹ có quyền ưu tiên lựa chọn loại hình giáo dục cho con cái.
Điều 27
             Mọi người đều có quyền tự do tham gia vào đời sống văn hoá của cộng đồng, được thưởng thức nghệ thuật và chia xẻ những thành tựu và lợi ích của tiến bộ khoa học.
      Mọi người đều có quyền được bảo hộ đối với những quyền lợi về vật chất và tinh thần xuất phát từ công trình khoa học, văn học và nghệ thuật mà người đó là tác giả.
Điều 28
              Mọi người đều có quyền được hưởng trật tự xã hội và trật tự quốc tế trong đó các quyền và tự do nêu trong Bản tuyên ngôn này có thể được thực hiện đầy đủ.
Điều 29
              Mọi người đều có nghĩa vụ đối với cộng đồng là nơi duy nhất người đó có thể phát triển nhân cách của mình một cách tự do và đầy đủ.
      Khi thực hiện các quyền và tự do của mình, mọi người chỉ chịu những hạn chế do luật định, nhằm mục đích duy nhất là đảm bảo sự công nhận và tôn trọng và tôn trọng thích đáng đối với các quyền và tự do của người khác cũng như đáp ứng những yêu cầu chính
đáng về đạo đức, trật tự xã hội và phúc lợi chung trong một xã hội dân chủ.
      Trong bất cứ trường hợp nào, việc thực hiện những quyền và tự do này cũng không được đi ngược lại với những mục tiêu và nguyên tắc của Liên Hợp Quốc.
Điều 30
              Không được phép diễn giải bất kỳ điều khoản nào trong Bản tuyên ngôn này theo hướng ngầm ý cho phép bất kỳ quốc gia, nhóm người hay cá nhân nào được quyền tham gia vào bất kỳ hoạt động nào hay thực hiện bất kỳ hành vi nào nhằm phá hoại bất kỳ quyền và tự do nào nêu trong Bản tuyên ngôn này.

Nguồn: UN Office of the High Commissioner of Human Rights


No comments:

Post a Comment

Note: Only a member of this blog may post a comment.