Wednesday, December 12, 2012

Bình luận: Ý NGHĨA TÔN GIÁO, LỊCH SỬ VÀ VĂN HÓA XÃ HỘI CỦA NGÀY LỂ GIÁNG SINH.



Bình luận:
Ý NGHĨA TÔN GIÁO, LỊCH SỬ  VÀ VĂN HÓA XÃ HỘI CỦA NGÀY LỂ GIÁNG SINH.

Thiện Ý

         Như vậy là chỉ còn khoảng bốn tuần lễ nữa là đến ngày Lễ Giáng Sinh hàng nằm (25-12-2012), là một trong những ngày lễ trọng đại của hàng tỷ tín đồ Thiên Chúa Giáo trên khắp hòan cầu, thuộc các Giáo Hội có chung một niềm tin về một Đấng Thiên Sai là Ngôi Hai Thiên Chúa đã giáng sinh xuống thế làm người để cứu chuộc nhân lọai cách nay 2012 năm.
        Theo niềm tin của các giáo hội và tín đồ Thiên Chúa Giáo, vũ trụ vạn vật trong đó có con người đều do một Đấng tối cao, tòan năng là Thượng Đế, là Thiên Chúa đã tạo dựng và cho nó vận hành, tiến hoá theo những quy luật chung cũng như riêng cho muôn lòai và mỗi lòai. Trong các sinh vật thụ tạo, con người được coi là sinh vật thượng đẳng, cao trong nhất, được tạo dựng giống hình ảnh Thiên Chúa,được trao ban quyền tự do tuyệt đối trong suy từ và hành động, có năng lực làm chủ bản thân,làm chủ  xã hội và thiên nhiên để mưu cầu hạnh phúc riêng cũng như chung.
        Theo Kinh Thánh Cựu Ước (trước Chúa giáng sinh) cũng như Tân Ước (sau Chúa giáng sinh) vốn là nền tảng giáo lý Thiên Chúa Giáo, khởi thủy, trái đất được Thiên Chúa dựng nên là một “Địa đàng”, một môi truờng sống hòan hảo, tốt đẹp cho con người thụ hưởng hạnh phúc viên mãn đời đời. Thế nhưng, trước khi con người được hưởng cảnh sống hạnh phúc bất diệt nơi địa đàng này, Thiên Chúa đã làm một cuộc thử thách về lòng trung tín của hai con người được tạo dựng đầu tiên là Adam và Eva tổ phụ lòai người. Thử thách đó là: Adam và Eva được quyền thụ hưởng mọi thứ có trong vườn Địa Đàng, trừ hoa trái của một cây trái Cấm”. Nhưng trong một lúc yếu lòng, bị ma quỷ cám dỗ, Eva trước rồi Adam sau, đã ăn trái cấm này, vi phạm Thiên Luật. Hậu quả là trái đất “Địa đàng” đã biến thành trần gian khổ ải, trong đó Adam và Eva cũng như con cháu muôn đời mai sau sẽ mãi mãi phải sống trong cảnh trần gian khổ ải, bị hư nát đời đời. Thế nhưng, vì tình thương nhân lọai,vốn là vật thụ tạo của mình, Thiên Chúa đã xót thương nên đã cho con một Ngài là Đức Jesus Christ giáng thế, chịu khổ hình và sau cùng chịu chết treo trên Thấp tự giá, lấy máu và cái chết của mình  như giá cứu chuộc nhân lọai. Nhờ công ơn cứu chuộc này, con người mới có điều kiện để được tái sinh trong nước hằng sống sau cái chết, là Thiên Đường cực lạc vĩnh cửu.Vì vậy, Lễ Giáng Sinh đối với các tín đồ Thiên Chúa Giáo là một ngày vui mừng, ngày khởi đầu công trình cứu chuộc của Ngôi Hai Thiên Chúa giáng trần.
      Tuy nhiên, ngòai ý nghĩa tôn giáo trên đây, ngày lễ Giáng Sinh còn mang ý nghĩa lịch sử, văn hóa xã hội.
    Vế ý nghĩa lịch sử, ngày Giáng sinh được lịch sử nhân loại ghi nhận về một nhân vật phi phàm có thật đã xuất hiên trên trái đất này cách nay 2012 năm tại Bethlem, nay thuộc vùng  Trung Đông đã và đang có cuộc chiến tranh đẫm máu giữa hai dân tộc Do Thái và Palestin, kéo dài nhiều thập niên qua, chưa biết đến bao giờ mới chấm dứt. Đây quả là điều nghịch lý, vì chiến tranh hận thù triền miên đã xẩy ra nơi chính quê hương Đấng Cứu Thế , người được xưng tụng là Vua Hòa Bình, đã đến thế gian đem bình an, hạnh phúc vĩnh cửu đến cho mọi người. Nhân vật ấy có tên là Jesus Christ, đã và đang được hàng tỷ con người thuộc mọi sắc tộc  trên thế giới tin yêu tôn thờ và  ngày sinh của Người đã được chọn làm mốc thời gian Dương Lịch. Những cuốn Thánh Kinh của các Thánh sử như Luca, Mathew, Marco, Gioan, viết về cuộc đời và sự nghiệp của nhân vật phi phàm này đã có giá trị sử liệu rất cao.
  Về ý nghĩa văn hóa xã hội thì sự ra đời của Đức Jesus Christ đã ảnh huởng rất lớn đến đời sống văn hóa xã hội lòai người, làm thay đổi bô mặt thế giới. Trong chừng mực nào đó, có thể coi Ngài là một nhà cách mạng xã hội, vì cuộc đời sinh ra trong khó nghèo (máng cỏ bò lừa), luôn bênh vực giúp đỡ người nghèo, và kêu gọi mọi người thực hành đức bác ái, song đã bị con người sỉ nhục bách hại, nhưng giáo lý vị tha của Ngài vẫn là dậy “Con người phải yêu thương nhau như chính mình” , không chỉ yêu người yêu mình mà phải “yêu thương cả kẻ thù” của mình.
        Tựu chung, lễ Giáng sinh hàng năm, ngòai ý nghĩa tôn giáo, còn mang ý nghĩa lịch sử, văn hóa xã hội. Vì vậy Mùa Giáng sinh, ngày Lễ Giáng sinh đã là những ngày vui chung, ngày hội văn hóa hàng năm cho mọi người trên khắp hành tinh này, không riêng gì các tin đồ Thiên Chúa giáo thuộc mọi Giáo hội có chung niềm tin tôn thờ Thượng Đế. Niềm vui chung mang tính văn hóa ấy được biểu hiện qua các hình tượng về Giáng sinh trang hoàng khắp nơi nơi, ngoài đường phố, trong các cửa hàng, cơ sở sản xuất, thương mại, các công tư sở ở hầu hết các quốc gia trên thế giới ngày nay.
        Riêng người Việt chúng ta ở Hoa Kỳ cũng như nhiều nơi khác ở hải ngọai, cũng đã “nhập gia tùy tục”; trải qua 36 Mùa Giáng Sinh qua, cũng đã hòa nhập niềm vui chung với người bản địa. Niềm vui chung ấy được thể hiện qua những sinh họat đặc thù trong mùa Giáng sinh, như chăng đèn kết hoa và các hình tượng về Giáng sinh trang trí bên ngòai và bên trong nhà cửa; như  mua sắm quà Giáng sinh tặng cho nhau, gửi thiệp chúc mừng và nhất là những bữa ăn đòan tụ gia định, ông bà, cha mẹ, con cháu và bạn bè. Tất cả vào đêm Giáng sinh cùng quây quần quanh cây Thông Giáng Sinh, bóc quà tặng nhau, trong không khí thật vui tươi đầm ấm.
      Tất nhiên mỗi độ Giáng sinh về, người Việt tha hương chúng ta không khỏi chạnh lòng nhớ lại những ngày Giáng Sinh xưa tại quê nhà, dù thời ấy đang phải đương đầu với cuộc chiên tranh thôn tính Miền Nam Việt Nam của chế độ cộng sản Bắc việt vô thần, nhưng người dân Miền Nam dưới chế độ dân chủ hữu thần Việt Nam Cộng Hòa, vẫn luôn được hưởng những ngày Lễ Giáng sinh vui tươi,an bình và đầm ấm. Ước gì, những ngày lễ Giáng sinh vui tươi, an bình và đầm ấm ấy sớm có được tại quê nhà trong khung cảnh một chế độ hữu thần, tự do, dân chủ thực sự, không chỉ cho các tín đồ Thiên Chúa Giáo, mà cho mọi người thuộc mọi tín ngưỡng, tôn giáo. Và cũng tất nhiên, ứơc mơ này chỉ trở thành hiện thực, khi Quê Mẹ Việt Nam của chúng ta không còn chế độ cộng sản vô thần hiện nay, để các quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo và các nhân quyền, dân quyền căn bản khác phải được tôn trọng, bảo vệ và hành xử cho mọi người, mọi tín ngưỡng, tôn giáo thuộc mọi sắc tộc và giai tầng xã hội cùng sống chung bao đời nay trên giải giang sơn gấm vóc Việt Nam hình chữ S chậy dài từ ải Nam Quan đến mũi Cà Mâu.
Thiện Ý
Houston, ngày 01-12-2012

     
     

No comments:

Post a Comment

Note: Only a member of this blog may post a comment.