Thursday, October 10, 2019

Giới thiệu sách: “Chính Sách Bành Trướng Bá Quyền Trung Quốc ở Đông Nam Á.”



Giới thiệu sách:
“Chính Sách Bành Trướng Bá Quyền Trung Quốc ở Đông Nam Á.”

Thiện Ý

Chúng tôi vừa lục tìm tài liệu để viết bài trong tủ chứa sách cũ ở nhà kho thì tình cờ bắt gặp cuốn sách nhan đề “Chính sách bành trướng bá quyền trung quốc ở Đông Nam Á”  của tác giả Nhuận Vũ, do nhà  xuất bản Sự Thật ở Hà Nội ấn hành tháng 6 năm 1983.

Nghĩa là sách ra mắt độc giả trong nước sau hơn 4 năm xẩy ra cuộc chiến tranh xâm lược các tỉnh biên giới phía Bắc Việt Nam của Trung Quốc mà Đặng Tiểu Bình quốc sư lúc đó gọi là để “Dậy cho Việt Nam một bài học”.
   
Bây giờ là tháng 10-2019, sau nhiều năm tránh né không dám chỉ đích danh các hành động xâm lấn chủ quyền biển đảo của Việt Nam, bắn giết ngư dân Việt Nam, ngăn chặn Việt Nam khai thác và hợp đồng khai thác tài nguyên thiên nhiên dưới đáy biển trong thềm lục địa và các vùng đặc quyền kinh tế Việt Nam của Trung Quốc, nhà cầm quyền Việt Nam mới đây mới dám lên tiếng chỉ đích danh Trung Quốc đã xâm phạm chủ quyền biển đảo của Việt Nam trong vụ Bải Tư Chính.

 Vào thời điểm hiện nay, qua vụ Bãi Tư Chính, Trung Quốc một lần nữa đã ngang nhiên xâm phạm chủ quyền biển đảo của Việt Nam. Sự thể này đã buộc Việt Nam không còn tránh né như bao lâu nay mà đã lên tiếng tố cáo mạnh mẽ đích danh Trung Quốc đã xâm phạm chủ quyền biển đảo của Việt Nam. Cách hành xử này đã được sự tán đồng của quốc dân Việt Nam trong và ngoài nước, sức hậu thuẫn mạnh mẽ của nhiều quốc gia trên thế giới, đứng đầu là cường quốc Hoa Kỳ; không chỉ bằng lời nói mà đi kèm với những hành động song phương cũng như đa phương theo chiều hướng ủng hộ, bênh vực Việt Nam, thể hiện quyết tâm chung của cộng đồng quốc tế là chặn đứng tham vọng bá quyền của Trung Quốc tại Biển Đông, vì quyền lợi chung.

Nhân dịp này, trong khi chờ đợi nhà đương quyềnViệt Nam ra “Sách Trắng” (hy vọng thế) và các hành động tiếp theo để bảo vệ chủ quyền biển đảo, chúng tôi xin giới thiệu các phần chính nội dung và trích đoạn từ cuốn sách nhan đề “Chính sách bành trướng bá quyền trung quốc ở Đông Nam Á”  của tác giả Nhuận Vũ, do nhà  xuất bản Sự Thật ở Hà Nội ấn hành tháng 6 năm 1983.Nội dung sách có ý nghĩa như một “sách trắng” không chính thức, được viết sau cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam của Trung quốc vào tháng 2-1979, do tác giả Nhuận Vũ viết, có lẽ theo chỉ đạo và cho phép ấn hành của chính nhà cầm quyền Việt Nam  vào thời điểm 4 năm sau cuộc chiến (1979-1983) trong thời kỳ đoạn giao giữa Việt-Trung (1978-1989).

Chúng tôi lần lược giới thiệu:Bố cục cuốn sách khổ nhỏ dày 75 trang kể cả Mục Lục, ngoài “Lời nhà xuất bản”(Sự Thật) cơ quan xuất bản của đảng CSVN; và trích đoạn phần quan trọng có ý nghĩa liên quan đến hành động bành trướng bá quyền mới nhất của Trung Quốc đối với Việt Nam.

I/- BỐ CỤC.
   
Theo Mục Lục có 3 phần chính:

   I.CHỦ NGHĨA BÀNH TRƯỚNG VÀ CHỦ NGHĨA BÁ QUYỀN ĐẠI HÁN TRONG LỊCH SỬ.
     1.- Truyền thống bành trướng, bá quyền của các giai cấp chủ nô, phong kiến và tư sản Trung Quốc.
     2.-Những kẻ kế thừa trung thành: Từ Mao Trạch Đông đến Đặng Tiều Bình.
     3.-Đông-Nam Á, mục tiêu cơ bản đầu tiên của chủ nghĩa bành trướng và bá quyền Bắc Kinh.

   II. CÁC THỦ ĐOẠN CHIẾN LƯỢC CỦA CÁC THẾ LỰC BÀNH TRƯỚNG BÁ QUYỀN TRUNG QUỐC.
     1.- Lôi kéo, chia rẽ.
     2.- Hoạt động khuynh đảo và lật đổ.
     3.- Chiến tranh xâm lược.

   III. NHỮNG TRỞ NGẠI KHÔNG THỂ VƯỢT QUA.
     1.- Nhân loại đã thức tỉnh.
     2.- Những kẻ cạnh tranh không khoan nhượng.
     3.- Nhân dân Trung Quốc có tiếng nói sau cùng                           

II/- TRÍCH ĐOẠN.

   1.- Trích nguyên văn “Lời nhà xuất bản  Sự Thật”, cơ quan in ấn của Đảng Cộng sản Việt Nam.(Trang 3-4)
   
      Trong chiến lược toàn cầu phản cách mạng của những người cầm quyền Trung Quốc, Đông-Nam Á – khu vực đông dân, giầu có, nằm ở phí Nam Trung Quốc – chiếm một vị trí cực kỳ quan trọng.
     Để tiến tới “chinh phục trái đất” theo ước mơ của “Người cầm lái vĩ đại”, trong hơn 30 năm qua kể từ khi nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa  ra đời, những tập đoàn cầm quyền ở Trung Nam Hải miệng thì nói không “xưng hùng, xưng bá”, nhưng trên thực tế luôn luôn tìm mọi cách  bành trướng xuống vùng Đông – Nam – Á hòng thôn tính các nước trong khu vực này.
     Cuồng vọng thống trị Đông – Nam – Á đã khiến Bắc Kinh không từ một thủ đoạn dã man và xảo quyệt nào, từ lôi kéo, chia rẽ, lật đổ đến trực tiếp gây chiến tranh xâm lược.
     Chính sách bành trướng bá quyền của những người lãnh đạo Trung Quốc đã thất bại và chắc chắn sẽ thất bại hoàn toàn. Nhưng hiện nay nó đang là nguy cơ đe dọa chủ quyền và an ninh của các dân tộc, nhất là ở Đông-Nam-Á và nhân dân thế giới phải vạch trần và đánh bại cái chính sách bành tướng, bá quyền này.
    Để góp phần vào cuộc đấu tranh đó, góp phần vạch trần chính sách bành trướng, bá quyền Trung Quốc ở Đông – Nam – Á, chúng tôi cho xuất bản cuốn sách “Chính sách bành trướng bá quyền Trung Quốc ở Đông-Nam-Á”.
    Cuốn sách này giới thiệu với bạn đọc một cách khái quát quá trình bành trướng, bá quyền của các thế lực thống trị Trung Quốc, những mục tiêu cơ bản, những thủ đoạn bành trướng chủ yếu của Bắc Kinh ở Đông-Nam-Á, đặc biệt là đối với các nước Đông Dương. Đồng thời cuốn sách cũng vạch rõ những trở ngại mà Trung Quốc không thể vượt qua trên con đường bành trướng xuống khu vực này của châu Á.
                            Tháng 6 năm 1983
                      NHÀ XUẤT BẢN SỰ THẬT ” (Trang 3-4)
    
                                                  
   2.- Trích đọan trong các phần chính của sách:
                                            
Nói về thủ đoạn thực hiện chủ nghĩa bành trướng, bá quyền trong lịch sử của Trung Quốc, sách có đoạn viết:
     Chủ nghĩa bành trướng, bá quyền đại Hán ra đời trong quá trình bành trướng, đồng thời lại là tư tưởng chỉ đạo các hoạt động xâm lược và bành trướng của các thế lực cầm quyền Trung Quốc. Các thế lực này, từ đời này qua đời khác đã phát triển chủ nghĩa bành trướng, bá quyền đó cho phù hợp với hoàn cảnh mới, thời kỳ mới.Những chính sách và thủ đoạn của họ không ngừng được cải tiến, bổ sung, tạo nên cái gọi là “truyền thống”sâu sắc với nhiều chính sách thủ đoạn đa dạng, kết hợp bạo lực dã man(dùng lực lượng quân sự xâm lược, đàn áp để chiếm đất hoặc bắt thần phục…)với những thủ đoạn chính trị xảo trá, quỷ quyệt (lừa bịp, lôi kéo, đe dọa, chia rẽ…)kết hợp việc lấn đất, chiếm đất, với việc đồng hóa, kết hợp sự thống trị trực tiếp với “bảo hộ”, chi phối, thần phục...
     “Những “truyền thống” đó – cả về mặt chính sách cũng như thủ đoạn – đã được các thế lực bành trướng, bá quyền ở  Bắc Kinh ngày nay tiếp thu và vận dụng vào hoàn cảnh mới để thực hiện tham vọng bá chủ thiên hạ của họ…” (Trang 21)
    
 Nói về quan hệ hữu nghị “lá mặt lá trái” của Trung Quốc,có đoạn viết:
      Thời đại mới cũng như tình trạng “lực bất tòng tâm” của nước Trung Hoa ngày nay không cho phép những kẻ theo chủ nghĩa bành trướng, chủ nghỉa bá quyền ở Trung Nam Hải có thể áp đặt công khai bộ máy quan thái thú của các triều đại phong kiến Trung Quốc lên đầu nhân dân các nước khác. Bọn theo chủ nghĩa Mao luôn tự nhận là “Bạn” của những nước mà họ muốn thâu tóm. Với danh nghĩa “Bạn” đó, họ sẽ tìm cách tác động đến các nước hữu quan , lôi cuốn dần những nước này đi vào quỹ đạo đường lối của họ. Để đạt được điều đó, họ cũng đã không từ bỏ một tội ác nào. Trước khi họ tiến hành chính sách diệt chủng đối với dân tộc Kampuchia thì biết bao người cộng sản chân chính Kampuchia đã bị giết hại.Ngay cái chết đột ngột của đồng chí Sơn Ngọc Minh, Tổng Bí thư đảng nhân dân cách mạng Khmer trong khi được  họ mời sang “điều dưỡng” ở Trung Quốc vẫn là một dấu hỏi lớn trong lịch sử quan hệ giữa kampuchia và Trung Quốc…”(Trang 28)

Nói về chính sách viện trợ có ý đồ đen tối của Trung Quốc, có đoạn viết:
     Trong các thủ đoạn “Không đánh mà phải hàng” của các con cháu Tần Thủy Hoàng ngày nay phải kể đến “chính sách viện trợ của Trung Quốc”.
     Đối với cộng sản Việt nam, tác giả viết “Trung Quốc đã viện trợ cho Việt Nam cả trong cuộc kháng chiến chống Pháp lẫn cuộc kháng chiến chống Mỹ…Nhưng ngày nay chúng ta hãy xem lại những người lãnh đạo Trung Quốc sử dụng viện trợ đó như thế nào? Vào những mục đích gì? Thực chất viện trợ đó đã được họ sử dụng như một thứ công cụ gây sức ép, lôi kéo Việt Nam, biến Việt Nam thành một con bài trong tay họ, thành chư hầu để họ sai khiến trên con đường họ đi xuống vùng Đông-Nam Á….” (Trang 29)

Trung Quốc vận dụng vào thực tế, tác giả dẫn chứng:

“Trong cuộc kháng chiến chống Pháp (1946-1954)vào cuối cuộc kháng chiến thì Trung Quốc là nước viện trợ nhiều nhất cho Việt nam. Sau chiến thắng Điện Biên Phủ (5-1954)quân đội viễn chinh Pháp đã đứng trước nguy cơ bị tiêu diệt hoàn toàn. Chính phủ Pháp phải coi việc cứu đạo quân viễn chinh này là nhiệm vụ trọng tâm. Nhưng người lãnh đạo Trung Quốc lúc đó sợ “con hổ giấy” Mỹ nhảy vào biên giới phía Nam của Trung Quốc nên đã thỏa hiệp với Pháp, cứu nguy cho quân đội Pháp và gây sức ép  với Việt Nam, buộc Việt Nam nhận một giải pháp không phản ảnh đúng tình hình thực tế trên chiến trường... Miền Bắc Việt Nam trở thành khu đệm cho biên giới phía Nam của Trung Quốc khỏi sự đe dọa trực tiếp của Mỹ…”. Tác giả lên án, rằng Tài liệu lịch sử không thể chối cãi về tội ác của những người lãnh đạo Trung Quốc (đối với Việt nam) đã được trình bày cặn kẽ trước dư luận thế giới trong cuốn sách trắng  của Bộ Ngoại giao Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt nam năm 1979. Những tài liệu đó chứng minh rất rõ rằng những người lãnh đạo Trung Quốc đã sử dụng viện trợ theo tính vị kỷ dân tộc như thế nào, gây thiệt hại cho người khác ra sao…” (Trang 31)

 Và trong cuộc “kháng chiến chống Mỹ”, tác giả Nhuận Vũ viết: “…dã tâm bành trướng, bá quyền của những người lãnh đạo Trung Quốc lại biểu lộ một cách tệ hại hơn trong một hoàn cảnh mới.Như chúng ta đã biết, Việt Nam là cửa mở xuống phương nam của Trung Quốc. Để nắm Việt Nam, họ tái diễn những thủ đoạn chia rẽ và lôi kéo của họ. Họ tự nhận “800 triệu nhân dân Trung Quốc là hậu phương đáng tin cậy” của nhân dân Việt Nam!Về thực tế, sự viện trợ của nhân dân Trung Quốc cho cuộc kháng chiến chống Mỹ của nhân dân Việt Nam là to lớn…Chỉ có điều là …Trong từng thời gian cụ thể, họ đã sử dụng viện trợ đó để chi phối Việt Nam hòng dùng Việt Nam làm con bài để mặc cả với Mỹ như “người cầm lái vĩ đại” của Trung Quốc đã ấp ủ ngay từ khi ông ta còn ẩn náu ở Diên An. Quá trình đó là quá trình kiềm chế và làm suy yếu cách mạng Việt Nam, hòng khuất phục Việt Nam, thực hiện bước đầu của việc bành trướng ở Đông Dương và Đông-Á…” (trang 34 – 35)

Nói về cuộc chiến tanh biên giới Việt-Trung năm 1979, sách có đoạn viết:
     “ Có thể coi vụ đánh chiếm quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam năm 1974 là một hành động xâm lược trắng trợn nhưng từng bước. Tuy nhiên, đó chưa phải là đỉnh cao của sự trắng trợn. Cho đến nay, đỉnh cao này thuộc về chiến tranh xâm lược chống Việt Nam vào tháng 2 năm 1979. Trong cuộc chiến tranh xâm lược này, Trung Quốc đã huy động tới 60 vạn quân- cao hơn số quân Mỹ vào thời điểm cao nhất trong cuộc chiến tranh xâm lược của đế quốc Mỹ chống Việt Nam – tiến công đồng loạt trên toàn tuyến biên giới. Đặng Tiểu Bình – kẻ chủ mưu trong trong hoạt động tội ác này – nói rằng mục tiêu của hoạt động quân sự này chỉ là “phản công tự vệ” để “dạy cho Việt Nam bài học”! Nhưng đó chỉ là những lời lẽ giả dối mang tính chất trịch thượng của nước lớn. Thật ra đây đã là một cuộc chiến tranh xâm lược chống lại một quốc gia độc lập, có chủ quyền. Cuộc chiến tranh đó nhằm trực tiếp đỡ đòn cho bọn tàn quân Pon Pốt đang tháo chạy tan tác trước cuộc nổi dạy của nhân dân Kampuchia được sự hổ trợ của quân tình nguyện Việt Nam. Cuộc chiến đó cũng nhằm trực tiếp chiếm một số vùng đất của Việt Nam trên vùng biên giới để xây dựng các cứ điểm quân sự phục vụ cho các hoạt động xâm lược về sau…”(Trang 57-58)

Theo tác giả, hành động xâm lược trên của Trung Quốc, là nằm trong tham vọng bá chủ thế giới mà  Mao Trạch Đông đã từng nói với các chỉ huy quân sự của ông ta:”Chúng ta phải chinh phục trái đất…Theo tôi, trái đất của chúng ta là quan trọng nhất, tại đây chúng ta sẽ xây dựng một quốc gia hùng mạnh. Nhất định phải thấm nhuần một quyết tâm như vậy…”(1) Và:”Chúng ta phải giành cho được Đông-Nam Á, chúng ta có thể tăng cường được sức mạnh của chúng ta ở vùng này…” (2) (Trang 58)

Như vậy là, qua nội dung sách viết về “Chính sách bành trướng bá quyền Trung Quốc ở Đông Nam Á” do chính những người cầm quyền tiền nhiệm chỉ đạo cho tác giả Nhuận Vũ  viết ra mà chúng tôi vừa giới thiệu tổng quát bố cục và trích đoạn trên đây, hơn ai hết, những người cầm quyền hôm nay ắt phải biết cái mặt nạ “4 Tốt, 16 Chữ Vàng” để che đậy thực chất mối quan hệ Việt – Trung bao lâu nay là gì, lợi hại thế nào cho Việt Nam chứ?

3.- Nhận định và đề nghị:
     Thiết tưởng đã đến lúc Việt Nam phải mạnh dạn, dứt khoát lột bỏ cái mặt nạ này đi, để thực hiện một đối sách thực tế, khôn ngoan, hiệu quả, ngõ hầu chặn đứng Trung Quốc thực hiện “chính sách lá mặt lá trái” xâm lược lãnh thổ, lãnh hải biển đạo của Việt Nam một cách tịnh tiến, êm dịu theo kiểu “tằm ăn dâu”. Đối sách khôn ngoan đó là:
  
   (1) Dứt khoát, mạnh dạn từ bỏ “đối sách đi dây” song phương, và “Đối sách 3 không” đa phương, tham gia vào liên minh quốc tế chống tham vọng bành trướng bá quyền Trung Quốc đã hình thành, dưới sự lãnh đạo của Hoa Kỳ, quốc tế hóa, đa phương hóa việc giải quyết tranh chấp chủ quyền Biển Đông.
  
   (2) Đảng cầm quyền cần chỉ đạo Quốc hội lên tiếng bằng một Nghị quyết xác định rõ chủ quyền lãnh thổ, lãnh hải, biển đảo của Việt Nam, phủ định giá trị pháp lý của các văn kiện ngoại giao mang tính chính trị liên quan đến chủ quyền lãnh thổ, lãnh hải mà không được Quốc Hội chuẩn phê theo thủ tục Hiến định Việt Nam, công pháp quốc tế và tập quán quốc tế. Đồng thời tố cáo các vụ Trung Quốc đã cướp đoạt và đang lấn chiếm biển đạo của Việt Nam trước công luận, để bảo lưu quyền tài phán bất khả thời tiêu trong tương lai.
  
   (3) Đảng và Quốc hội cần ra lệnh cho chính phủ cấp thời ra “Sách trắng”, đưa vụ tranh chấp biển đảo với Trung Quốc ra trước Liên Hiệp Quốc, Hội đồng Bào an LHQ, các cơ quan tài phán quốc tế có thẩm quyền.

Vì chỉ có như thế, Việt Nam ở vị thế quốc gia nhỏ yếu,  mới có đủ thế lực đương đầu với tham vọng xâm lược “truyền thống” của nước đại Hán Trung Quốc.

* Thay lời kết.
    
Tiếc thay, đến giờ này đảng cầm quyền độc tôn, quốc hội của đảng cầm quyền và chính phủ do quốc hội của đảng đẻ ra vẫn chỉ dám để cho người phát ngôn Bộ Ngoại giao lên tiếng ở mức độ chỉ đích danh và các hành động của Trung Quốc vi phạm ngày một nghiêm trọng chủ quyền biển đảo của Việt Nam trong vụ Bãi Tư Chính khởi đi từ tháng 7 vừa qua.

Trong khi những người đứng đầu đảng và nhà nước vẫn “im lặng đáng sợ”.  Điển hình là người đứng đầu Bộ ngoại giao, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh trước diễn đàn Đại Hội đồng LHQ hôm 28-9 vừa qua đã tránh né không dám chỉ đích danh Trung Quốc và các hành động xâm phạm chủ quyền biển đảo Việt Nam; mà chỉ đề cập đến các sự kiện chung chung “về những diễn biến phức tạp gần đây ở Biển Đông bao gồm những vụ xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền và quyền tài phán ở vùng biển Việt Nam". Nay trong Hội nghị Trung ương đảng CSVN hôm 7-10 mới đây,ông Tổng-Tịch Nguyễn Phú Trọng, người lãnh đạo tối cao đảng và nhà nước, lại vẫn chỉ âm thầm, nhẹ nhàng như hơi gió thoảng, đề nghị Ban chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam có tính nguyên tắc, rằng hãy “phân tích, dự báo có căn cứ, cơ sở khoa học, tình hình thế giới và trong nước, nhất là tình hình Biển Đông; chỉ rõ các khả năng có thể xảy ra trong thời gian tới, lường trước những thời cơ, thuận lợi cần nắm bắt, những khó khăn, thách thức cần phải nỗ lực vượt qua”.

Quả thực quốc dân Việt Nam trong và ngoài nước rất thất vọng trước cung cách hành xử của các ông bà lãnh đạo hàng đầu của “Đảng và nhà nước ta”. Nhà Việt Nam đang bị Trung Quốc đốt cháy tiêu hủy từng mảng, sao các ông bà còn đủng đỉnh thế? Hay là các ông bà đã có “Phương án 2” chuẩn bị cho gia đình, dòng họ kịp di tản ra nước ngoài khi căn nhà Việt Nam bị Trung Quốc tiêu hủy hết, để ngoại bang xây dựng lại giầu đẹp gấp vạn lần hôm nay cho người dân vong quốc phải hưởng đây? Các Ông Bà lãnh đạo hãy trả lời dân đi.

Thiện Ý
Houston, ngày 6-10-2019

(1)  Bài phát biểu của Mao Trạch Đông tại Hội nghị mở rộng Hội đồng quân sư trung ương đảng cộng sản Trung Quốc ngày 11-9-1959.
(2)  Lời phát biểu của Mao Trạch Đông tại phiên họp của Bộ chính trị Ban chấp hành trung ương Đảng cộng sản Trung Quốc tháng 8 năm 1965

Quốc dân Việt Nam muốn biết, vì sao?



Quốc dân Việt Nam muốn biết, vì sao?

05/10/2019

Ông Phạm Bình Minh đọc diễn văn tại Liên Hiệp Quốc, New York, 28 tháng Chín.
Ông Phạm Bình Minh đọc diễn văn tại Liên Hiệp Quốc, New York, 28 tháng Chín.

  •  


  •  

Thiện Ý

- Từ những sự kiện thực tế,
- Quốc dân Việt Nam muốn biết vì sao?
Đó là nội dung bài viết này,
I - TỪ NHỮNG SỰ KIỆN THỰC TẾ
Những sự kiện thực tế đó là, trong nhiều năm qua, nhà cầm quyền Trung Quốc đã nhiều lần ra những quyết định pháp lý, hành chánh và bằng hành động quân sự bạo lực xâm chiếm nhiều vùng lãnh thổ và lãnh hải, biển đảo của Việt Nam, vi phạm trắng trợn chủ quyền lãnh thổ lãnh hải biển đảo Việt Nam và vi phạm công ước quốc tế cũng như các hiệp định song phương về biên giới lãnh thổ và lãnh hải giữa hai nước Việt - Trung đã ổn cố và được tôn trọng từ hàng thế kỷ qua.
Thực tế là Trung Quốc đã dùng bạo lực tấn công, chiếm đoạt một phần quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam năm 1974, lúc đó thuộc chủ quyền quốc gia Việt Nam Cộng Hòa ở Nam Việt Nam trong bối cảnh đất nước chia đôi, cuộc chiến tranh Quốc-Cộng Nam và Bắc Việt Nam; và năm 1988 tấn công, chiếm đoạt đảo Gạc Ma thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam sau khi Việt Nam thống nhất dưới chế độ Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam.
Đặc biệt nghiêm trọng và gần nhất là vụ Trung Quốc ngang nhiên đưa tàu khảo sát và các tàu hộ tống vào khu vực Bãi Tư Chính thuộc thềm lục địa và khu vực đặc quyền kinh tế của Việt Nam, lưu lại ở đây trong nhiều tháng qua, vào ra như vùng “ao nhà” của họ; tiến hành thăm dò dầu khí bất hợp pháp trong vùng biển thuộc thềm lục địa và đặc quyền kinh tế của Việt Nam. Đồng thời, người phát ngôn của Bộ ngoại giao Trung Quốc hôm 18-9-2019 còn ngang nhiên tuyên bố chủ quyền sai trái tại vùng này và đòi Việt Nam phải tôn trọng; cũng như trước đó đơn phương tuyên bố chủ quyền “9 đoạn” chiếm hầu hết Biển Đông, theo kiểu quân cướp nước “vừa ăn cướp vừa la làng”.
Hành động xâm phạm chủ quyền lãnh hải, hải đảo của Việt Nam mới nhất này, nhưng vẫn chưa phải là hành động cuối cùng, Trung Quốc đã ỷ mạnh hiếp yếu, vi phạm trắng trợn quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam ở Biển Đông, vi phạm luật pháp quốc tế Công ước Liên Hiệp Quốc 1982 về Luật Biển, mà Trung Quốc đã ký và cam kết thi hành. Đồng thời Trung Quốc cũng vi phạm các quy định của Tuyên bố chung về ứng xử của các bên đang có tranh chấp trong biển Đông (DOC) mà Trung Quốc đã cùng ASEAN ký kết năm 2002. Theo đó, DOC quy định tạm thời các bên phải tự kiềm chế, duy trì nguyên trạng, không làm phức tạp thêm tình hình, không được sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực trong giải quyết tranh chấp.
II - QUỐC DÂN VIỆT NAM MUỐN BIẾT VÌ SAO?
Đứng trước các sự kiện thực tế trên, quốc dân Việt Nam (những công dân của Tổ quốc Việt Nam) trong cũng như ngoài nước muốn biết:
1 - Vì sao trong bài phát biểu hôm 28/9 tại phiên họp Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc ở New York, Phó Thủ tường kiêm Bộ Trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh đã không chỉ đích danh Trung Quốc, như người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam dưới quyền ông trong những tháng qua đã nhiều lần cáo buộc đích danh Bắc Kinh xâm phạm chủ quyền biển đảo của Việt Nam?
Vì tại phiên họp này, ông Minh chỉ nói "Việt Nam đã nhiều lần lên tiếng quan ngại về những diễn biến phức tạp gần đây ở Biển Đông bao gồm những vụ xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền và quyền tài phán ở vùng biển Việt Nam" và rằng "các nước liên quan nên kiềm chế, tránh các hành động đơn phương có thể làm phức tạp hoặc làm tăng thêm căng thẳng trên biển."
Quốc dân Việt Nam quan tâm đều cảm thấy thất vọng trước cách hành xử này của nhà đương quyền Việt Nam thể hiện qua bài phát biểu của người đứng đầu ngành ngoại giao Việt Nam, trước diễn đàn Liên Hiệp Quốc; là đã đánh mất một cơ hội cáo buộc Bắc Kinh xâm phạm chủ quyền biển đảo của mình để tìm kiếm sự ủng hộ quốc tế trong tranh chấp Biển Đông.Trong khi Việt Nam đã và đang đi tìm kiếm sự hậu thuẫn quốc tế để có thế lực đương đầu, ngăn chặn tham vọng xâm lấn lãnh thổ, lãnh hải biển đảo Việt Nam của Trung Quốc, luôn ỷ thế mạnh “bắt nạt Việt Nam” và các nước nhỏ yếu khác trong vùng.
2 - Vì sao, cũng trong bài phát biểu dài 16 phút, Phó Thủ tướng kiêm Bộ Trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh có đề cập đến chủ trương chính sách giải quyết tranh chấp lãnh thổ lãnh hải biển đảo một cách hòa bình theo tinh thần Hiến chương Liên Hiệp Quốc và căn cứ trên luật pháp quốc tế như Công ước Liên Hiệp Quốc 1982 về Luật Biển; lại không vận dụng ngay vào việc giải quyết tranh chấp giữa Trung Quốc và Việt Nam khi cả hai nước Việt –Trung đều là hội viên Liên Hiệp Quốc?
Nói cách khác, tại sao Việt Nam không “quốc tế hóa việc tranh chấp” trên Biển Đông với Trung Quốc” như nhận định của Giáo sư Carl Thayer của Đại học New South Wales. ?
Ông Phạm Bình Minh nói Chúng tôi kêu gọi các bên liên quan ở Biển Đông tuân thủ luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật biển 1982 (UNCLOS 1982) – ‘Hiến chương của Biển và Đại dương’,
Thế tại sao giờ này Việt Nam vẫn rụt rè như “gà phải cáo”, hay “vừa tố cáo vừa run”, vẫn không dám đưa vụ tranh chấp biển đảo với Trung Quốc ra trước Liên Hiệp Quốc hay trước các tòa án quốc tế có thẩm quyền để giải quyết tranh chấp một cách hòa bình theo Hiến Chương Liên Hiệp Quốc và luật pháp quốc tế?
3 - Vì sao đến giờ này Quốc hội Việt Nam mệnh danh là cơ quan quyền lực tối cao của nhân dân, đẻ ra chính phủ, nhất là Ông Tổng Trọng người lãnh đạo tối cao Đảng, Quốc Hội và chính phủ thì vẫn im hơi lặng tiếng, không dám lên tiếng; lại chỉ để cho người phát ngôn Bộ ngoại giao Lê Thị Thu Hằng gần đây mới lên tiếng tố cáo đích danh Trung Quốc vi phạm trắng trợn chủ quyền biển đảo của Việt Nam; còn người đứng đầu Bộ ngoại giao Phạm Bình Mình thì trước diễn đàn Liên Hiệp Quốc lại tránh né không dám gọi đích danh “Ông Trung Quốc” vì sợ “phạm húy” chăng?
Trong bài viết trước “Đến Non Nước Này Quốc Hội Việt Nam cần và phải lên tiếng” chúng tôi có đề nghị đôi điều Quốc hội cần làm ngay, thiết nghĩa không cần nhắc lại ở đây.
III - THAY LỜI KẾT
Với trách nhiệm bảo vệ đất nước, quốc dân Việt Nam trong cũng như ngoài nước đòi hỏi Đảng, Quốc hội, chính phủ đương quyền phải:
- Một là thực hiện khẩn cấp mọi đối sách chính trị, ngoại giao, pháp lý, quân sự kiên quyết, để tranh thủ sự hậu thuẩn mạnh mẽ của quốc tế, tạo thế lực chặn đứng các hành động xâm lăng trắng trợn ngày càng gia tăng của nhà cầm quyền Trung Quốc.
- Hai là, nhà cầm quyền Việt Nam cần cấp thời đưa những vi phạm chủ quyền lãnh thổ lãnh hải Việt Nam của Trung Quốc ra trước Liên Hiệp Quốc. Vì cả Trung Quốc và Việt Nam đều là hội viên Liên Hiệp Quốc.Đồng thời, đưa vụ việc tranh chấp chủ quyền ra trước các cơ quan tài phán quốc tế có thẩm quyền, để giải quyết tranh chấp một cách hoà bình theo tinh thần Bản Hiến Chương Liên Hiệp Quốc, căn cứ trên Công ước Liên Hiệp Quốc 1982 về Luật Biển, và bản Tuyên bố chung về ứng xử của các bên đang có tranh chấp trong biển Đông (DOC) năm 2002.
- Ba là, nhà cầm quyền Việt Nam cần phải thay đổi đường lối cai trị, mở rộng tự do, dân chủ, thả hết các tù nhân chính trị, tôn giáo, bất đồng chính kiến đang bị cầm tù và chấm dứt đàn áp, bắt bớ giam cầm những người đấu tranh ôn hòa cho mục tiêu dân chủ hóa đất nước, để đoàn kết toàn dân, huy động toàn lực quốc gia vào công cuộc chống ngoại xâm, bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc Việt Nam.
Thiện Ý
Houston, ngày 2-9-2019

Đến non nước này, Quốc Hội Việt Nam cần và phải lên tiếng



Đến non nước này, Quốc Hội Việt Nam cần và phải lên tiếng

23/09/2019

Nhóm nhân sỹ mang Tuyên bố Biển Đông đến Quốc hội đứng trước tòa nhà Bộ Ngoại giao Việt Nam ở Hà Nội hôm 8/8/2019. (Ảnh chụp video đăng trên Facebook Nguye
Nhóm nhân sỹ mang Tuyên bố Biển Đông đến Quốc hội đứng trước tòa nhà Bộ Ngoại giao Việt Nam ở Hà Nội hôm 8/8/2019. (Ảnh chụp video đăng trên Facebook Nguye

  •  


  •  

Thiện Ý

- Đến non nước gì?
- Vì sao Quốc hội Việt Nam cần và phải lên tiếng, lên tiếng thế nào?
Đó là nội dung bài viết này.
1 - ĐẾN NON NƯỚC GÌ?
Non nước đã và đang bị ngoại bang Phương Bắc xâm lấn bờ cõi trên đất liền và hải đảo của nước ta, một cách tịnh tiến, có hệ thống, ngày một nghiêm trọng, bằng đối sách “lá mặt lá trái” (bề ngoài hữu hảo, thực tế bất hảo) được che đậy bằng khẩu hiệu“ 4 Tốt, 16 Chữ vàng”, như một định thức cưỡng hành làm nền tảng cho quan hệ Việt Trung. Đồng thời, khẩu hiệu này ví như “ Vòng Kim cô Đỏ(hay “sợi chỉ Đỏ xuyên suốt” như cách gọi của “Đảng Ta” ) như “giây thòng lọng” mà Trung Quốc dùng để cột chặt đảng Cộng sản Việt Nam bao lâu nay, vào vòng cương tỏa, từ quá khứ chiến tranh, đến hiện tại hòa bình, để lèo lái đảng CSVN như một công cụ thực hiện sách lược “tằm ăn rỗi” để thành đạt ý đồ xâm lược Việt Nam một cách từ từ và êm dịu. Nghĩa là Trung Quốc muốn thực hiện chủ trương cắt xén từng phần, đồng hóa từng bước, biến Việt Nam thành một “thuộc địa kiểu mới”, thực hiện giấc mộng chưa thành trong quá khứ lịch sử hàng ngàn năm Viêt Nam bị “nô lệ giặc Tàu”.
Để thực hiện ý đồ trên, Trung Quốc trong nhiều năm qua đã ngang nhiên lấn chiếm lãnh thổ trên đất liền và các hải đảo của Việt Nam. Cụ thể gần nhất, nhưng vẫn chưa phải là hành động cuối cùng, là vụ Trung Quốc ngang nhiên đưa tàu khảo sát và các tàu hộ tống vào khu vực Bãi Chính thuộc thềm lục địa và khu vực đặc quyền kinh tế của Việt Nam, để tiến hành thăm dò dầu khí bất hợp pháp trong vùng biển tranh chấp, ngăn cản Việt Nam hợp đồng khai thác tài nguyên trong thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế của Việt nam với các nước ngoài. Đây là một vi phạm trắng trợn quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam ở Biển Đông, vi phạm luật pháp quốc tế Công ước Liên Hiệp Quốc 1982 về Luật Biển.
Chính tình thế trên, như giọt nước làm tràn ly, chính phủ Việt Nam đã chính thức lên tiếng phản đối kiên quyết,đích danh Trung Quốc đã vi phạm chủ quyền biển đảo của Việt Nam, chứ không mơ hồ, tránh né như bao lâu nay. Đồng thời bày tỏ quyết tâm và hành động bảo vệ chủ quyền biển đảo của mình. Thái độ và hàng động kiên quyết này đã được quốc tế, đứng đầu là cường quốc Hoa Kỳ, mau chóng lên tiếng ủng hộ và sẵn sàng trợ giúp Việt Nam ngăn chặn Trung Quốc ỷ mạnh “bắt nạt Việt Nam” và các nước nhỏ yếu trong vùng có chung hiểm họa Trung Quốc xâm lược. Nhờ đó dường như tham vọng xâm lấn của Trung Quốc đã bị khựng lại, nhưng chưa hẳn đã từ bỏ tham vọng lấn chiếm Biển Đông, coi như “ao nhà của chúng.
Đó là tình trạng “nước non Việt Nam” hiện nay trước họa ngoại xâm, đòi hỏi Quốc hội Việt Nam không thể giữ im lặng, mà cần và có bổ phận phải lên tiếng. Vì sao?
II - VÌ SAO QUỐC HỘI CẦN LÊN TIẾNG VÀ LÊN TIẾNG THẾ NÀO?
1 - Quốc hội Việt Nam cần và phải lên tiếng.
- Vì theo Hiến pháp hiện hành “Quốc hội là cơ quan đại biểu cao nhất của Nhân dân, cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất của nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam”.(Điều 69). Một trong các nhiệm vụ về đối ngoại là “Quyết định chính sách cơ bản về đối ngoại; phê chuẩn, quyết định gia nhập hoặc chấm dứt hiệu lực của điều ước quốc tế liên quan đến chiến tranh, hòa bình, chủ quyền quốc gia...” (Điều 70 Điểm 14 HP. 2013)
- Vì Chính phủ nắm quyền hành pháp do Quốc Hội cử ra đã mạnh mẽ lên tiếng, thì Quốc hội không thể im lặng, phải lên tiếng hậu thuẫn Chính phủ, đáp ứng đúng nguyên vọng nhân dân.
- Vì nhân dân đòi buộc những đại biểu của mình phải làm nhiệm vụ dân cử, nói lên nguyện vọng và thực hiện quyết tâm của toàn dân bảo vệ từng tấc đất, tấc biển đảo của Tổ Quốc Việt Nam trước họa ngoại xâm bất cứ từ đâu tới.
- Vì tiếng réo gọi của Hội Nghị Diên Hồng, như một quốc hội đại biểu của nhân dân trong quá khứ lịch sử năm xưa đời Nhà Trần (1282) được Vua Trần Thánh Tông triệu tập (1282) để lên tiếng thể hiện quyết tâm của toàn dân chống họa xâm lăng của quân Nguyên.(*). Nguyện vọng và quyết tâm ấy đã được cố nhạc sĩ Lưu Hữu Phước thể hiện trong lời ca tiếng nhạc hào hùng:
“Trước nhục nước nên hòa hay nên chiến?
Quyết chiến ! Quyết chiến!
Dù :
Thế nước yếu lấy gì mà lo chiến trinh?
Hy sinh! Hy sinh!
Liều thân cho sông núi muôn danh lừng uy!”
Và lịch sử đã chứng minh, không cần viết ra, mọi người dân Việt đều biết, chính sự đoàn kết, hy sinh trên dưới một lòng của toàn dân, dù thế yếu, Tổ Tiên chúng ta đã đánh bại các cuộc ngoại xâm thế lực mạnh hơn chúng ta bất cứ từ đâu tới, bảo vệ được Đất Nước giang sơn bờ cõi hình chử S, bên bờ Thái Bình Dương cho đến nay.
2 - Quốc Hội Việt Nam cần lên tiếng thế nào?
Chúng tôi đề nghị những việc Quốc Hội Việt Nam cần làm ngay:Triệu tập một phiên họp đặc biệt, trong khóa họp thường kỳ hay bất thường, bàn thảo, biểu quyết, công bố trước toàn dân và quốc tế, một “Nghị Quyết về chủ quyền lãnh thổ, biển đảo của Việt Nam”.
Nội dung Nghị Quyết:
(1) Căn cứ trên các bằng chứng lịch sử, pháp lý, quản trị hành chánh, phù hợp với Công pháp Quốc tế và tập quán quốc tế, Quốc hội Việt Nam xác định chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán trên đất liên và biển đảo của Việt Nam không thể tranh cãi.
(2) Xác định các vùng đất liền và biển đảo của Việt Nam bị Trung Quốc cưỡng chiếm bằng bạo lực năm 1974 (thuộc quần đảo Hoàng Sa) và 1988 (Thuộc quần đảo Trường Sa) là phi pháp. Việt Nam sẽ bảo lưu quyền chủ quyền, quyến tài phán để các quyền này không bị thời tiêu, dù Trung Quốc có chiếm cứ bao lâu đi nữa, Việt Nam vẫn có quyền phát động tố quyền đòi lại chủ quyền trước các Tòa án quốc tế có thẩm quyền.
(3) Phủ nhận hiệu lực pháp lý của bất cứ văn kiện ngoại giao nào liên quan đến chủ quyền lãnh thổ, lãnh hải, biển đảo Việt Nam trong quá khứ, khi chưa được Quốc hội Việt Nam phê chuẩn, theo thủ tục công pháp và tập quán quốc tế, phù hợp với quy định của Hiến pháp Việt Nam.
Điển hình như công hàm ngoại giao do cố Thủ Tướng Chính phủ Phạm Văn Đồng ký nằm 1957 liên quan đến việc tuyên bố chủ quyền trên Biển Đông của Trung Quốc. Công hàm này chỉ có giá trị ngoại giao vì lợi ích chính trị nhất thời, không có hiệu lực lâu dài về pháp lý cũng như thực tế. Vì văn kiên ngoại giao này chưa bao giờ được phê chuẩn bởi Quốc Hội Miền Bắc trong thời chiến, cũng như Quốc hội thống nhất đất nước sau cuộc chiến Việt Nam.
Vả lại, cũng vì cuộc chiến tranh Quốc-Cộng giữa hai bên là người Việt Nam, trong bối cảnh cuộc chiến tranh ý thức hệ toàn cầu giữa hai phe xã hội chủ nghĩa, đứng đầu là Liên Xô, Trung Quốc, với phe tư bản chủ nghĩa, đứng đầu là Hoa Kỳ. Cộng sản Bắc Việt thuộc phe xã hội chủ nghĩa. Quốc gia Nam Việt thuộc phe tư bản chủ nghĩa hay “Thế giới tự do”. Vì thế, công hàm của Thủ tướng chính phủ Miền Bắc XHCH Phạm Văn Đồng chỉ có ý nghĩa lên tiếng tán đồng tuyên bố chủ quyền trên Biển Đông của Chu Ấn Lai, Thủ tướng chính phủ Trung Quốc cùng phe XHCN lúc bấy giờ. Do đó công hàm Phạm Văn Đồng chỉ có giá trị ngoại giao, vì lợi ích nhất thời cho phe XHCN, để Trung Cộng được rộng quyền trên Biển Đông giúp CSBV thực hiện “nghĩa vụ quốc tế CS” nhuộm đỏ Miền Nam. Dường như khi ký công hàm này, ông Phạm Văn Đồng cũng chỉ nghĩ đến lợi ích chính trị, ngoại giao nhất thời, với tin tưởng rằng, sau chiến tranh chủ quyền biển đảo của Việt Nam vẫn là của Việt Nam. “Đồng chí” Trung Quốc chỉ tạm thời chiếm giữ các hải đảo để “Đảng ta và nhà nước ta”” rãnh tay “đánh Mỹ, cộng sản hóa Miền Nam, mở mang bờ cõi cho các tân đế quốc CS Nga-Tàu. Vì Việt nam “đánh Mỷ đây là đánh cho Liên Xô, đánh cho Trung Quốc” như cố Tổng Bí Thư Dảng CSVN Lê Duẩn từng uất ức khẳng định sau chiến tranh.
4 - Lệnh cho Chính phủ soạn thảo và công bố “Sách Trắng” về chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam liên quan đến tranh chấp lãnh thổ, lãnh hải và biền đảo giữa Việt Nam và Trung Quốc.
Đồng thời Bộ Ngoại Giao cần chuẩn bị hồ sơ đưa vụ tranh chấp này ra trước cơ quan tài phán quốc tế có thẩm quyền, như chính phủ Philippin đã làm và đem lại thắng lợi về mặt pháp lý mấy năm trước đây. Mặc dầu thực tế Trung Quốc đã đơn phương phủ định, nhưng chính thắng lợi này, đã là một án lệ hữu ích giúp Việt nam thắng lợi trước cơ quan tài phán quốc tế có thẩm quyền trong tương lai; giúp Việt Nam có thêm cơ sở pháp lý vững chắc về chủ quyền lãnh thổ lãnh hải để bảo lưu tố quyền đòi lại trong tương lai khi có thời cơ thuận lợi, buộc được Trung Quốc phải thực thi.
III - KẾT LUẬN.
Đến non nước này, chính phủ Việt Nam đã lên tiếng dứt khoát, cương quyết, chẳng lẽ Quốc hội Việt Nam “là cơ quan đại biểu cao nhất của Nhân dân, cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất của nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam”.(Điều 69 HP. 2013).lại tiếp tục im hơi lặng tiếng sao?
Câu trả lời và hành động thực tiễn, xin dành cho bà Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân và các đại biểu Quốc hội Việt nam đương nhiệm đang ăn lương của dân, làm việc cho dân, có trách nhiệm, bằng mọi cách bảo vệ sự vẹn toàn lãnh thổ, đất liền cũng như biển đào, vốn là si sản của tiền nhân tạo dựng bằng mồ hôi, nước mắt và cả xương máu nữa đó. Thưa Quý Đại Biều nhân dân.
Thiện Ý
(*) Tháng Chạp năm Giáp Thân (1-1285), Thái Thượng hoàng Trần Thánh Tông xuống chiếu mở một cuộc hội nghị hết sức quan trọng ở điện Diên Hồng, sử gọi đó là hội nghị Diên Hồng. Tham dự hội nghị này là các vị bô lão, đại diện cho nhân dân cả nước.
Sau thất bại của cuộc xâm lăng lần thứ nhất (1258), và sau nhiều năm xét thấy không thể mua chuộc hay hù dọa triều Trần, cuối năm 1284, vua Nguyên là Hốt Tất Liệt quyết định xua quân sang xâm lược nước ta lần thứ hai. Lúc này, do cuộc thôn tính Trung Quốc đã xong, đường tiến quân xâm lược của giặc có phần thuận lợi hơn. Với 50 vạn tên từ phương Bắc xuống và với non 10 vạn tên từ phía Nam đánh lên, giặc hi vọng sẽ nhanh chóng bóp nát Đại Việt.
Thấy rõ dã tâm của giặc, ba năm trước đó (1282), triều Trần đã triệu tập quý tộc và tướng lĩnh cao cấp đến họp ở Bình Than để bàn phương hướng chiến lược chống xâm lăng và quyết định việc xây dựng bộ máy chỉ huy chống xâm lăng. Tháng 11 năm 1284, triều Trần lại cử Trần Phủ cầm đầu phái bộ sứ giả sang triều đình nhà Nguyên với mục đích chủ yếu là tìm kế hoãn binh giặc, nhưng việc ấy không thành. Tháng Chạp năm Giáp Thân (1-1285), Thái Thượng hoàng Trần Thánh Tông xuống chiếu mở một cuộc hội nghị hết sức quan trọng ở điện Diên Hồng, sử gọi đó là hội nghị Diên Hồng. Tham dự hội nghị này là các vị bô lão, đại diện cho nhân dân cả nước. Thượng hoàng đích thân ban yến và hỏi các vị bô lão là nên đánh hay nên hòa. Một đời thân phận thấp hèn, tay bùn chân lấm, nay bỗng dưng được triều đình mời vào tận hoàng cung để bàn quốc gia đại sự, tinh thần của các vị bô lão phấn chấn khác thường. Sách Đại Việt sử kí toàn thư (bản kỉ, quyển 5, tờ 44 a) chép: "Các cụ bô lão đều nói đánh, muôn người cùng một tiếng, muôn lời như bật ra từ một miệng".
Về cuộc hội nghị độc đáo này, sử thần Ngô Sĩ Liên có lời bàn như sau: "Giặc Hồ vào cướp là nạn lớn của đất nước. Hai vua hiệp mưu, bầy tôi họp bàn, há lại không có kế sách gì chống giặc mà phải đợi ban yến rồi hỏi kế sách ở các bô lão hay sao? Ấy bởi Thánh Tông muốn làm thế để xét lòng thành ủng hộ của dân và cũng để dân nghe lời dụ hỏi mà cảm kích rồi hăng hái lên thôi. Đó là giữ được cái nghĩa của cổ nhân, kính dưỡng người già để xin lời hay vậy" (Đại Việt sử kí toàn thư, bản kỉ, quyển 5, tờ 44 b).
Người kể chuyện xin có một chú thích: Ở đây, giặc Hồ chính là giặc Mông Nguyên.
Theo Việt sử giai thoại của Nguyễn Khắc Thuần