Wednesday, February 10, 2021

TẾT TÂY, TẾT TÀU, TẾT NÀO LÀ TẾT TA?

 

Tết Tây, Tết Tàu, Tết nào là tết ta?

  •  

Thiện Ý

Một tháng trước đây là Tết Dương lịch hay còn gọi là Tết Tây (New Year), giờ đây chúng ta bước vào Tết Âm lịch hay có người gọi là Tết Tàu (Chinese New Year). Vậy Tết Tây và Tết Tàu có phải là Tết Ta (Vietnamese New Year) không?
 
Tết Tàu là Tết theo Âm lịch (Lunar Calendar), là giao thời (giao thừa) giữa những ngày cuối năm cũ qua những ngày đầu năm mới tính theo “Phép lịch định theo mặt trăng, tức là lịch Tàu và Ta thường dùng” (Theo Tự điển Hán-Việt của Đào Duy Anh). Nghĩa là mỗi năm có 12 tháng tượng trưng bằng 12 con vật: Dần (Cọp), Mão (Mèo), Thìn (Rồng), Tỵ (Rắn), Ngọ (Ngựa), Mùi (Dê), Thân (Khỉ), Dậu (Gà), Tuất (Chó), Hợi (Heo hay Lợn); có những năm nhuận thành 13 tháng. Năm nay là năm Giáp Ngọ theo Âm lịch.
 
Một số nước khác chịu ảnh hưởng của văn hóa Trung Quốc, do hoàn cảnh lịch sử, trong đó có Việt Nam, cũng ăn Tết theo Âm lịch. Nhưng vì Âm lịch xuất phát từ người Tàu lan ra một số nước trong vùng, nên một số người Phương Tây lầm tưởng gọi đó là Tết Tàu, khiến nhiều người Việt Nam nặng tự ái dân tộc đã bất bình khi nghe ai gọi Tết Việt Nam  là Tết Tàu.
    
Như vậy, dù thực tế người Việt Nam thường gọi là “Tết Ta” mà thực ra là Tết theo Âm lịch, xuất phát từ người Tàu, du nhập cùng với nhiều phong tục tập quán khác, tốt cũng như xấu, sau hàng ngàn năm bị phong kiến Tàu đô hộ, thực hiện chính sách đồng hóa dân ta. Thế nhưng chính sách đồng hóa này của họ đã thất bại trước ý chí quật cường của dân tộc ta, nên sau 1000 năm nô lệ giặc Tàu, nhân dân ta đã giành được độc lập tự chủ, dân tộc ta vẫn giữ được bản sắc riêng, trừ một số phong tục tập quán đã nhiễm của người Tàu, mà tục lệ ăn Tết là một điển hình, song trong cách ăn Tết của dân ta vẫn có những nét đặc thù dân tộc khác với Tết Tàu.
 
Còn Tết Tây là Tết Dương lịch (Solar Calendar) tính năm tháng theo vận hành của trái đất xoay quanh mặt trời. Nghĩa là “Lịch pháp lấy thời gian địa cầu xoay một vòng quanh thái dương làm một năm, mỗi năm 365 ngày ¼” (Theo Tự điển Hán-Việt của Đào Duy Anh). Một năm được chia thành 12 tháng, có tháng thừa đủ 30 hay 31 ngày, có tháng thiếu ít nhiều chỉ có 28 hay 29 ngày.
 
Tết Tây được du nhập vào Việt Nam sau khi thực dân Pháp xâm lược nước ta vào giữa Thế kỷ 19 , khởi sự cướp nước ta và sau đó thiệt lập chế độ khai thác thuộc địa và thực hiện chính sách đồng hóa dân ta kéo dài gần 100 năm (1858-1954).Thế nhưng cũng như quân xâm lược Tàu, thực dân Pháp đã thất bại trong chính sách đồng hóa dân ta, trừ một số phong tục tập quán tốt cũng như xấu xâm nhập được vào sinh hoạt đời sống, xã hội nước ta, trong đó Tết Tây là một điển hình.
 
Trên thực tế, vì chịu ảnh hưởng trước, lâu dài và nặng nề chính sách đồng hóa của người Tàu hơn người Pháp, nên dân ta hàng năm vẫn ăn Tết cổ truyền theo Tết âm lịch như người Tàu. Còn Tết Tây chỉ ảnh hưởng giới hạn đến một số ít thành phần xã hội gần gũi với người Pháp và gắn bó quyền lợi với guồng máy cai trị của chế độ thực dân Tây, mới ăn Tết Tây mà thôi.
 
Vì vậy Tết Tây, Tết Tàu, chẳng tết nào là Tết Ta theo nghĩa nó phát xuất từ dân tộc ta cả. Tuy nhiên, việc chúng ta ăn Tết theo Âm lịch như người Tàu, với những phong tục tập quán về Tết như người Tàu đã như một tất nhiên của lịch sử khi bị Tàu đô hộ thực hiện chính sách cai trị đồng hóa dân Việt. Tổ tiên ta bao đời nay đã ăn những cái Tết cổ truyền đầy vui tươi hoan lạc. Đó là một truyền thống văn hóa tốt đẹp như nhiều truyền thống văn hòa tốt đẹp khác của nhân loại đã vượt ra khỏi biên giới quốc gia để trở thành truyền thống văn hóa quốc tế. Vì vậy việc người Việt Nam ăn Tết Tàu, hay Tết Tây không quan trọng, miễn là đem lại niềm vui, hoan lạc và hạnh phúc chung cũng như riêng cho mọi người.
 
Thế nhưng, một vấn đề chúng tôi từng đặt ra hơn một lần trên các phương tiện truyền thông, nay một lần nữa xin đặt lại là: nếu “Tết Tàu” hay “Tết Tây”  đều không phải là “Tết Ta”, thì liệu chúng ta có thể chọn Tết nào có lợi ích thực dụng nhất cho dân ta làm “Tết Ta”?
 
Chúng tôi từng lý giải rằng: Nếu chúng ta không thể chọn một cái Tết riêng làm “Tết Ta” xuất phát từ dân tộc Việt (mà thực tế lịch sử chúng ta dường như đã không có) như một số dân tộc khác trên thế giới; chẳng hạn người Thái, Lào, Campuchia trong vùng Đông Nam Á đã có những cái Tết riêng theo phong tục tập quán lâu đời của họ…Tại sao chúng ta không chọn “Tết Ta” theo Dương lịch (như người Nhật đã làm?), mà vẫn giữ lại tất cả những tập tục cổ truyền tốt đẹp trong những ngày Tết mà bao lâu nay dân ta đã ăn Tết theo Âm lịch?
 
Chẳng hạn chúng ta vẫn giữ tập tục đưa Ông Táo về Trời, dựng nêu ăn Tết với bánh chưng xanh, “thịt mỡ dưa hành câu đối đỏ”, hội xuân, cúng giao thừa đêm 30 Tết, các tập tục ba ngày Tết chung diễn ra trên cả nước cũng như tập tục riêng về ngày Tết của các địa phương v.v.
 
Vì chọn ăn Tết theo Dương lịch mà vẫn giữ được những nét cổ truyền và truyền thống ăn Tết tốt đẹp theo Âm lịch của tổ tiên ta từ bao đời nay, sẽ thành đạt hai lợi ích căn bản này:
 

1.- Lợi ích thực dụng khi cả thế giới ngày nay đều thống nhất dùng Dương lịch cho mọi sinh hoạt xã hội, sinh hoạt chính trị, kinh tế, tài chánh, văn hóa, khoa học… Nhất  nữa là  trong bối cảnh hầu hết các quốc gia giầu cũng như nghèo trên hành tinh này đã và đang có nỗ lực chung “Toàn cầu hóa” về nhiều mặt, căn bản là hai lãnh vực: Chính trị (dân chủ hóa toàn cầu) và kinh tế (thị trường tự do hóa toàn cầu). Trong khi thực tế nhiều nét và sinh hoạt văn hóa, xã hội đã mang tính phổ quát chung cho nhiều dân tộc trong hầu hết các quốc gia trên thế giới, bất kể xuất phát từ dân tộc nào, quốc gia nào (Các ngày lễ tôn giáo, lễ tình yêu, lễ lao động quốc tế, trang sức, ngôn ngữ, phong tục tập quán… đã được quốc tế hóa theo quy luật ảnh hưởng qua lại giữa các nền văn hóa mạnh yếu…)
    
Vì vậy nếu Việt Nam ta chọn ăn Tết theo Dương lịch là có lợi ích thực dụng, phù hợp với xu thế phát triển của thời đại “toàn cầu hóa” trong Thế kỷ XXI này, với những phát minh khoa học kỹ thuật tiên tiến, khởi đi từ phát minh điện tử vào hậu bán Thế Kỷ XX được vận dụng vào đời sống con người, đã đưa loài người từ “một nền văn minh Công nghiệp” bước vào “một nền văn minh Điện tử”, đã chọc thủng mọi biên giới quốc gia đưa ánh sáng văn minh đến cho mọi người, thuộc mọi dân tộc trên hành tinh này.
 
2.- Trước tham vọng xâm chiếm từng bước lãnh thổ, lãnh hải nước ta của Tàu cộng, với ý đồ tái diễn lịch sử đô hộ và đồng hóa dân ta một lần nữa, việc chọn theo Dương lịch là một trong những việc làm nhằm khẳng định chiều hướng tách khỏi ảnh hưởng lịch sử nô lệ ngoại bang, nói lên tinh thần độc lập tự chủ, ý chí quật cường của dân tộc ta sẽ làm thất bại mọi ý đồ đen tối của ngoại bang bất cứ từ đâu tới.
 
Vậy thì, việc chuyển đổi từ Tết Ta theo Âm lịch sang Tết Ta theo Dương lịch phải làm thế nào về mặt pháp lý và thực tiễn?
 
Về mặt pháp lý, theo thủ tục lập pháp trong các nước dân chủ, Quốc hội đương nhiệm phải thông qua một dự luật chuyển đổi “Tết Ta” theo Âm lịch qua “Tết Ta” theo  Dương lịch, với các điều khoản qui định vẫn duy trì mọi phong tục tập quan Tết cổ truyền tốt đẹp bao đời nay nhân dân thường ăn Tết theo Âm lịch. Dự luật này cần được trưng cầu dân ý và căn cứ trên ý dân, Quốc hội biểu quyết thông qua thành “Luật Chuyển Đổi Tết Ta Từ Âm Lịch Sang  Dương Lịch”. Luật này sẽ được người đứng đầu hành pháp (Tổng thống, Chủ tịch Nước, Thủ tướng…) ban hành để có hiệu lực chấp hành.
   
 Bài viết thể hiện quan điểm của tác giả. Các bài viết được đăng tải với sự đồng ý của Ðài VOA nhưng không phản ánh quan điểm hay lập trường của Chính phủ Hoa Kỳ.   


 

Thiện Ý

Thiện Ý nguyên luật sư tại Sài Gòn trước 1975, hiện là Chủ tịch Câu Lạc bộ Luật khoa Việt Nam ở Houston.

 

HỆ QUẢ THUYẾT ÂM MƯU SAU CUỘC BẦU CỬ TỔNG THỐNG HOA KỲ 2020

 

HỆ QUẢ THUYẾT ÂM MƯU SAU CUỘC BẦU CỬ TỔNG THỐNG HOA KỲ 2020.

 

Thiện Ý

 

Cuộc bầu cử Tổng thống và các chức vụ dân cử Hoa Kỳ ngày 3-11- 2020 đã diễn ra sôi nổi, đầy sóng gió; nhưng vẫn đã kết thúc theo đúng trình tự hiến định và luật định.Riêng chỉ có bầu cử chức vụ Tổng thống và Phó tổng thống Hoa Kỳ thì sóng gió đã biến thành bão táp và hậu chấn sau bầu cử chưa biết đến bao giờ mới chấm dứt. Một trong những nguyên nhân chủ yếu gây ra sóng gió biến thành bão táp là vào ngày 6/1/ 2001, khi cuộc biểu tình ôn hoà hợp pháp biến thành bạo loạn vi pháp. Vì hàng ngàn người biểu tình đã xông vào Tòa nhà Quốc hội đập phá, tạo áp lực đòi buộc lưỡng viện Quốc hội đang họp phải thông qua và công bố kết quả chung cuộc ai sẽ là Tổng thống đắc cử theo ý muốn của họ. Cuộc biểu tình biến thành bạo loạn, nhiều người cho rằng đã xuất phát từ thuyết âm mưu bầu cử gian lận. Dương như trong lịch sử bầu cử Tổng thống Hoa Kỳ, cuộc bầu cử năm 2020 vừa qua  thuyết âm mưu đã được công luận nói đến nhiều nhất.

 

Vậy thuyết âm mưu là gì và hệ quả ra sao. Đó là nội dung bài viết này.

 

I/- Thuyết âm mưu là gì?

          

1.- Ý nghĩa ừ ngữ.

     Theo Hán-Việt tự điển của học giả Đào Duy Anh, âm mưu (conspiracy) là ‘mưu kế bí mật’. Thuyết âm mưu (conspiracy theories) là đưa ra sự kiện không có thật, chỉ là suy đoán chủ quan, rồi dùng ngụy biện lý giải như là một mưu kế bí mật để người ta tin đó là sự thật.Vì thế thuyết âm mưu còn được gọi theo ngôn ngữ bình dân là sử dụng tin giả (fake news) tin đồn (hearsay, rumor…), tin vịt…để thành đạt ý đồ.

 

Như vậy, lịch sử hình thành thuyết âm mưu khởi đi từ lúc con người biết ‘ăn gian, nói dối’ để che đậy sự thật vì một lợi ích nào đó cho cá nhân, tập thể xã hội, quốc gia…Do đó, để thành đạt lợi ích này, tác giả hay những người phổ biến thuyết âm mưu thường đưa ra các sự kiện, hiện tượng, câu chuyện hoang tưởng, dùng ngụy biện thuyết phục người ta tin đó là sự thật và làm theo để thành đạt ý đồ riêng.

 

Thuyết âm mưu ngày càng được con người sử dụng rộng rãi, để giải quyết nhiều vấn đề của cuộc sống mà nếu nói thật khó hay không thể có hiệu quả và thành công.Người sáng tạo thuyết âm mưu là tạo ra những tin giả, phổ biến tin đồn, để gây nhiễu thông tin, làm người ta khó phân biệt thật giả, lôi kéo được ít nhiều người tin và làm theo chiều hướng có lợi cho ý đồ của mình muốn thành đạt qua thuyết âm mưu. Ý đồ thành đạt của thuyết âm mưu có thể tốt hay xấu tùy vị thế, khuynh hướng, quan điểm và nhận thức cá nhân hay tập thể.Do đó thuyết âm mưu có thể dẫn đến hậu quả tốt, xấu khác nhau.

 

Cách hình thành thuyết âm mưu cũng khác nhau tùy theo ý đồ. Và luôn đem lại hiệu quả ít nhiều. Vì đa số quần chúng có kiến thức, năng lực, trình độ nhận thức các vấn đề chính trị xã hội không giống nhau.Do đó 10 người nghe tin đồn, xem tin giả, nếu không được tất cả, thì ít ra cũng có một tỉ lệ người tin đó là sự thật, nhân lên sẽ  có một số không nhỏ những người tin theo.Nhưng để người ta dễ tin là sự thật, thuyết âm mưu thường dựa trên một nửa sự thật hay đưa ra sự kiện hoàn toàn không có thật, mà nghe có vẻ như là thật. Vì có vẻ hợp lý theo suy đoán luận lý khách quan thông thường.

 

2.- Thuyết âm mưu trong cuộc bầu cử Tổng thống Hoa Kỳ 2020.

 

Lấy một số ví dụ điển hình về tạo ra và phổ biến thuyết âm mưu trong thời gian tiền bầu cử và hậu bầu cử Tổng thống Hoa Kỳ vừa qua.

 

   (1)- Thời gian tiền bầu cử, thuyết âm mưu nhằm lôi kéo, thuyết phục được đa số phiếu bầu cử tri.Đại để có bốn chủ đề thuyết âm mưu hàng đầu đánh vào sự quan tâm, cũng là mối lo sợ hàng đầu của cử tri là (1) Hiểm họa Trung cộng “Nếu ứng viên Tổng thống đối thủ này thắng cử thì sau hai tuần Trung cộng sẽ là sở hữu chủ nước Mỹ” (2) -  Chỉ có ứng viên Tổng thống này đắc cử mới chống Trung cộng triệt để, mạnh bạo, không khoan nhượng; đã có những kế hoạch bí mật, bao vây tấn công thần tốc Trung Cộng trên Biển Đông…(3)- Rằng ứng viên Tổng thống kia đã bị Trung Cộng mua chuộc. Nếu thắng cử sẽ bắt tay với Trung cộng thực hiện một chính sách mềm yếu. Hoa Kỳ mất cơ hội chống và thắng Tàu cộng trên hai mặt trận kinh tế và quân sự, để bảo vệ quyền lợi quốc gia Hoa Kỳ; các nước nhỏ yếu trong vùng sẽ mất ô dù không còn được bảo vệ trước tham vọng bá quyền Trung Quốc.(4)- Tự do phá thai và đồng tính sẽ lan tràn tại Hoa Kỳ… Nếu ứng cử viên Tổng thống của đảng này  thắng, ứng cử viên Tổng thống của đảng kia thất cử.  

 

   (2)-.Thời gian hậu bầu cử các thuyết âm mưu về gian lận bầu cử được phổ biến rộng rãi và mạnh mẽ để lôi kéo hậu thuẫn quần chúng. Mục đích phủ nhận kết quả bầu cử bất lợi cho ứng viên Tổng thống của đảng này,có lợi cho ứng viên Tổng thống của đảng kia.

 

Những thuyết âm  mưu được phổ biến rộng rãi hậu bầu cử, như  ăn cắp hàng triệu phiếu bầu của ứng viên Tổng thống này chuyển qua ứng cử viên Tổng thống kia. Gian lận bằng máy bỏ phiếu, người chết vẫn đi bầu, cử tri bầu phiếu nhiều lần, không quốc tịch vẫn đi bầu…Tất cả các tố cáo này đã được tranh tụng trước Tòa án các cấp có thẩm quyền, sơ thẩm, phúc thẩm, tối cao pháp viện Tiểu bang cũng như liên bang. Nhưng theo giới truyền thông chính dòng Hoa Kỳ và quốc tế, thì khoảng 60 vụ kiện hầu hết bị bác khước, vì không hội đủ các yếu tố cấu thành tội gian lận có hệ thống, quy mô lớn, diện rộng có thể làm thay đổi kết quả bầu cử cục bộ (các phòng phiếu, các địa phương…) hay toàn cuộc bầu cử (Tiểu bang, toàn liên bang…).Mặc dầu những phán quyết này được đưa ra từ một hệ thống Tòa án các cấp của một nên tư pháp ổn cố, khả tín,có tiếng là độc lập trong nguyên tắc phân quyền như Hoa Kỳ; do các thẩm phán thuộc cả hai đảng Cộng Hoa và Dân Chủ, trong đó có nhiều thẩm phán đồng đảng Cộng Hòa với ứng viên Tổng thống Cộng Hòa thất cử. Đồng thời, những phán quyết này cũng phù hợp với sự xác nhận sự thật của các cơ quan chức năng bầu cử và các viên chức chính quyền các Tiểu bang,  như Thống đốc, bộ trưởng hành chánh (lo về bầu cử…) của các Tiểu bang có tranh chấp đều xác nhận không có bầu cử gian lận, chỉ có những sai sót kỹ thuật, hành chánh không đáng kể, không làm thay đổi kết quả bầu cử tại địa phương. Những phán quyết này của các Tòa án cũng phù hợp với sự xác nhận trước báo chí, truyền thông của Bộ trưởng Tư pháp Liên Bang,của các cơ quan tình báo quốc gia, bộ an ninh nội địa; rằng không thấy thấy có sự gian lận đáng kể nào có thể làm thay đổi kết quả bầu cử. Giám đốc bộ phận an ninh mạng thuộc Bộ an ninh nội địa cũng khẳng định mạnh mẽ, rằng cuộc bầu cử năm 2020 là cuộc bầu cử an toàn nhất trong lịch sử các cuộc bầu cử tại Hoa Kỳ từ trước đến nay...

 

Thế nhưng, tác giả và đồng minh phổ biến các thuyết âm mưu về gian lận bầu cử đã tìm cách phủ nhận phán quyết của Tòa và các viên chức chính quyền chức năng; bằng cách đưa ra thuyết âm mưu mới về “các thế lực ngầm” trong nước và thế lực thù địch ngoại bang (Nga, Tàu, Iran...) đã can thiệp, mua chuộc các thẩm phán, viên chức chính quyền bầu cử, làm sai lạc kết quả bầu cử. Vì thế,ứng viên Tổng thống thất cử tiếp tục phủ nhận kêt quả bầu cử. Đồng thời, đưa ra các thuyết âm mưu mới nhằm đảo ngược kết quả bầu cử.Đến nay, hậu chấn của các thuyết âm mưu gian lận bầu cử  vẫn còn, mặc dầu thực tế sự thật đã sáng tỏ, tân Tổng thống thứ 46 của Hoa Kỳ đã tuyên thệ nhậm chức hôm 20-1-2020, đã và đang thực hiện những quyết sách về các vấn đề chủ yếu, khẩn cấp của quốc gia.

 

II/- Hệ quả thuyết âm mưu sau cuộc bầu cử Tổng thống Hoa Kỳ 2020.

 

Thực tế cho thấy, thuyết âm mưu đã thành công trong giai đoạn tiền bầu cử Tổng thống Hoa Kỳ năm 2020. Vì trong số khoảng 75 triệu phiếu bầu cho ứng viên Tổng thống Cộng Hòa thất cử, chắc chắn đã có không ít cử tri đã bầu do tin tưởng mãnh liệt vào các thuyết âm mưu được đưa ra trong thời kỳ tiền tranh cử.Đồng thời, các thuyết âm mưu về gian lận bầu cử được phổ biến hậu bầu cử cũng đã lôi kéo được đông đảo cử tri hậu thuẫn cuồng nhiệt,qua các cuộc biểu tình đông đảo nhiều nơi, đi  đến quá đà gây nhiều hệ quả không hay như sau:

 

1.- Hệ quả về pháp lý.

     Do các cuộc xuống đường biểu tình hậu thuẫn cho tố cáo gian lận bầu cử, đánh cắp phiếu bầu của ứng viên Tổng thống thất cử, đã vượt quá giới hạn quyền biểu tình hợp pháp, đi quá đà thành bạo loạn phi pháp vào ngày 6-1-2021, với hàng trăm kẻ phạm pháp bị truy tố trước tòa về nhiều tội danh liên quan đến bạo loạn…Sự kiện này là một biến cố chính trị nghiêm trọng, làm hoen ố nền dân chủ pháp trị Hoa Kỳ trên trường quốc tế. Một nền dân chủ tốt đẹp, vốn có truyền thống lâu đời, từng được coi là mẫu mực cho nhiều quốc gia noi theo.

 

2.-Hệ quả nhiều mặt khác trên thực tế.

   Do quá nhiệt thành ủng hộ ứng viên Tổng thống này chống ứng viên Tổng thống kia, thuyết âm mưu đã làm phân hóa đất nước, phá đổ sự đoàn kết quốc gia và mọi quan hệ tốt đẹp nhân bản giữa con người với con người. Quan trọng nhất là thuyết âm mưu đã phá hủy niềm tin vào chân lý, sự thật khiến con người không còn biết đâu là sự thật trên mọi lãnh vực đời sống con người.

 

-Thuyết âm mưu đã phá đổ niềm tin của quần chúng nơi các cơ quan truyền  thông chính dòng, chân chính, tạo môi trường cho các truyền thông bất chính lên ngôi.

 

-Thuyết âm mưu đã phá hủy tinh thần dân chủ và nguyên tắc sinh hoạt dân chủ trong chế độ dân chủ pháp trị. Đó là mọi sinh hoạt của người dân và nhà cầm quyền đều đặt niềm tin vào Hiến pháp và pháp luật. Hoạt động nắm quyền phải thông qua tranh cử tự do, hài hòa, trong tinh thần “bất đồng không bất hòa”, nguyên tắc “đa số thắng thiểu số, thiểu số phải phục tùng đa số và có quyền bảo lưu ý kiến…”.

 

Thế nhưng hệ quả thực tế là các tuyết âm mưu đã đẩy “bất đồng đến bất hòa”, đến cường độ “căm thù” nhau chỉ vì bất đồng chinh kiến; thể hiện qua lời nói, hành động, phá đổ mọi quan hệ tốt đẹp trong gia đình, ngoài xã hội, và cả nội bộ các  tôn giáo (về đồng tính, phá thai…);đến độ không còn muốn nhìn mặt nhau.Những lời nói và hành động vi phạm luân thường, đạo lý gia đình, đạo đức xã hội, đức tin  tôn giáo (tín điều từ bi, bác ái, yêu thương nhau…).Vì những kẻ cuồng tín thuyết âm  mưu đã sử dụng nhiều ngôn  từ vô văn hóa, bất xứng nhục mạ thậm từ, khủng bổ tinh thần những người bất đồng chính kiến đến độ người ta không dám lên tiếng bày tỏ tư duy, vì sợ bị khủng bố tinh thần bằng chụp mũ, nhục mạ thậm từ... Đối với các ứng viên dân cử lãnh đạo cấp cao, những kẻ cuồng tín thuyết âm mưu đã gọi họ là thằng nọ, mụ kia, dòi treo cổ người này, tử hình người kia, chỉ vì không làm theo đòi hỏi của họ.Mặc dù những vị dân cử này có nhân cách khả kính, đáng tuổi cha chú, đều có thiện chí đem tài năng ra phục vụ nhân dân và đất nước. Họ có quyền thực hiện chủ trương chính sách cá nhân hay đảng của mình khác biệt với cá nhân hay đảng đối lập.Họ có tội tình gì mà có kẻ dùng cả hình nộm, với giây thoòng lọng bắt chó quảng vào cổ kéo lê trong các cuộc biểu tình ửng hộ ứng viên Tổng thống này, chống ứng viến Tổng thống kia?

 

Điều đáng buồn, đó chính là hình ảnh một nhóm cử trị Mỹ gốc Việt tham gia cuộc biểu tình ngày 6-1-2021, chống kết quả bầu cử vì cho là bầu cử gian lận. Trong bức hình gây “phản cảm” này, người ta thấy một vài người đàn ông, đàn bà Mỹ gốc Việt mặc quân phục rằn ri, khoác cờ vàng ba sọc đỏ trên vai. Một người cầm giây thoòng lọng quảng vào cổ một ứng viên Tổng thống đang được lưỡng viện Quốc hội họp trong điện Capitol chuẩn thuận kết quả bầu cử theo thủ tục hiến định, sẽ là Tổng thống thứ 46 của Hoa Kỳ. Nhìn tấm hình này, tôi khống khỏi bất bình và phẫn nộ tự hỏi: - Tại sao họ lại đối xử bất nhân vô đạo với một người lãnh đạo hành pháp cao nhất của nước Mỹ như thế? Dân chủ kiểu gì vậy, khi chỉ vì bất đồng chính kiến mà đối xử tàn tệ, thể hiện sự căm thù như với kẻ thù như thế? Cứ tri Mỹ gốc Việt nghĩ sao? Thật mâu thuẫn khi những kẻ trong hình khoác trên vai và giương cao là cờ vàng ba sọc đỏ vốn là biểu tượng đấu tranh cho tự do dân chủ cho Việt Nam của người Việt quốc gia bao lâu nay. Hành động “ phản cảm” này  là họ đang đấu tranh cho một chế độ dân chủ kiểu gì vậy? Có phải là chế độ dân chủ một chiều, một hình thái độc tài không cộng sản mà họ muốn áp đặt tại Việt Nam tương lai;  thay thế chế độ độc tài cộng sản đương quyền tại Việt Nam?

 

III/- Kết luận.

    Tôi đã nghe nhiều người Việt Nam đáng tuổi con cháu, bằng dọng căm thù, gọi các nhà lãnh đạo quốc gia khả kính thuộc cả hai đảng Dân Chủ và Cộng Hòa là “thằng nọ, con mụ kia” chỉ vì bất đồng chính kiến, một trong những đặc trưng của nền dân chủ pháp trị nói chung, Hoa Kỳ nói riêng. Rõ ràng thuyết âm mưu đã và đang tàn phá nền đạo đức chính  trị,xã hội, gia đình, đức tin tôn giáo và xâm hại nhiều lãnh vực khác trong đời sống nhân bản, gây hâu quả nghiêm trọng và toàn diện cho quốc gia Hoa Kỳ.Thay vì mọi khuynh hướng chính trị, sau bầu cử cần đoàn kết hợp tác thực hiện các chủ trương chính sách ích quốc lợi dân do tân chính phủ thực hiện; thì thực tế thuyết âm mưu tiếp tục được truyền bá, phục vụ cho lợi ích cá nhân và chính đảng của mình.Thiết tưởng người dân Hoa Kỳ, trong đó có người Mỹ gốc Việt, cần ý thức trách nhiệm, đừng vô tình hay hữu ý sáng tác và phổ biến thuyết âm mưu có hại cho nước Mỹ. Vì uy  thế lãnh đạo thế giới và nền dân chủ pháp trị rất đáng tự hào của đất nước vĩ đại Hoa Kỳ cần và phải được làm như thế.

 Thiện Ý

Houston, ngày 4-2-2021