Bình luận:
ÐI
BẦU LÀ QUYỀN LƠI VÀ LÀ NGHĨA VỤ CÔNG DÂN
Thiện Ý
Trong chương trình của Bộ Quốc Gia Giáo Dục
chế độ Việt Nam Cộng Hoà trước đây ở Miền Nam Việt Nam, có môn Công Dân Giáo
Dục ở bậc Trung Học, trong đó có đề cập đến vấn đề ứng cử và bầu cử và coi đó
như là quyền lợi và nghĩa vụ công dân. Tại sao đi bầu đã là quyền lợi, mà lại
là nghĩa vụ hay bổn phận công dân? Vì nghe qua như có cái gì tương phản: Ði bầu
đã là quyền lợi thì việc đi bầu hay không là quyền tự do của mỗi công dân; Còn
đi bầu cũng là nghĩa vụ hay bổn phận công dân thì lại có tính cưỡng hành. Tuy
nhiên trên bình diện lý luận và thực tiễn, bầu cử quả vừa là quyền lợi, vừa là
nghĩa vụ công dân.
Thật
vậy, về lý luận bầu cử thoát thai từ chế độ dân chủ đại nghị. Nghĩa là một chế
độ trong đó người dân thể hiện quyền làm chủ đất nước, làm chủ xã hội thông qua
một cơ chế dân cử, thay mặt công dân điều hành quốc gia. Những đại diện dân cử
là những người quản lý đất nước, công bộc ăn lương và hưởng các bổng lộc bằng
tiền thuế đóng góp của người dân, phải cai trị đất nước theo đúng chức năng để
hoàn thành các mục tiêu phúc lợi chung cho toàn xã hội cũng như riêng cho mỗi công
dân.
Như vậy, sự hưng thịnh của quốc gia, sự
phồn vinh hay nghèo nàn của người dân trong một xã hội, sẽ tùy thuộc một phần
rất quan trọng vào những người dân cử để quản lý đất nước và xã hội. Và do đó,
bầu cử ra những người đại diện cho mình tham gia vào việc quản lý đất nước, rõ
ràng là một trong những quyền lợi căn bản hàng đầu của mỗi công dân. Ðã là
quyền lợi, thì trong một chế độ dân chủ thực sự, việc đi bầu hay không đi bầu
là quyền tự do của mỗi công dân. Thế nhưng, vì việc đi bầu hay không đi bầu của
một hay nhiều công dân sẽ có hệ quả tốt xấu đến kết quả bầu cử. Nghĩa là, nếu
cử tri đi bầu đông đủ, những người đại diện tài đức có cơ hội và tư thế phục vụ
trong các cơ quan dân cử các cấp các ngành sẽ chiếm đa số tuyệt đối trên thiểu
số dân cử bất xứng. Do đó, vì quyền lợi và phúc lợi chung của toàn xã hội cũng
như riêng của mỗi công dân, bầu cử không những là quyền lợi mà còn là nghĩa vụ
của mọi công dân sống trong một quốc gia có chế độ dân chủ thực sự.
Chúng tôi muốn nhấn mạnh đến chế độ dân chủ thực sự, vì trên
thực tế đã có nhiều chế độ dân chủ giả hiệu, như chế độ đương thời tại Việt
Nam, với các cuộc bầu cử dân chủ hình thức, trong khi thực chất chỉ là sự sắp xếp của nhà cầm quyền để có một tập đoàn
thốmg trị theo đúng ý muốn của họ. Chúng tôi cũng muốn nhấn mạnh đến
một chế độ dân chủ thực sự, để lưy ý đến một thực tiễn là, chúng ta, những
người Việt Nam ly hương, đã và đang có may mắn được sống trong lòng một quốc
gia có chế độ dân chủ đích thực, đó là quốc gia Hoa Kỳ. Lưu ý để thấy rằng
chúng ta không nên bỏ lỡ cơ hội thực hiện quyền dân chủ nói chung, quyền bầu cử
nói riêng, vì các quyền lợi thực tiễn của chính chúng ta, với tư cách là một
công dân Hoa Kỳ, và trong tư thế của một cộng đồng sắc dân thiểu số trong lòng
quốc gia Hoa Kỳ.
Thực
tiễn quả là chúng ta đã có những quyền lợi chính trị, kinh tế, văn hoá, xả hội
cần được thực hiện thông qua cơ chế dân cử các cấp quận hạt, thành phố, tiểu
bang và liên bang. Cuộc bầu cử chính thức ngày Thứ Ba Mùng 6-11-2012, các chức vụ công cử như Tổng
Thống và Phó Tổng Thống, Thống Ðốc, Phó Thống Ðốc Tiểu Bang, Nghị Sĩ, Dân Biểu
Tiêu Bang và Liên Bang,Chánh án, Ủy Viên các ngành các cấp địa phương… chính là
cơ hội thực hiện quyền bầu cử của mình. Qua cuộc bầu cử này, chúng ta sẽ chọn
lựa những người đại diện tài đức, không phải chỉ biết lắng nghe, quan tâm đến
những quyền và lợi ích hợp pháp chính đáng của những công dân người Mỹ gốc Việt
và cộng đồng sắc dân Việt Nam, mà còn phải biết hành động tích cực sao cho các
quyền và lợi ích cá nhân cũng như tập thể ấy thành hiện thực.
Chúng ta cần rủ nhau tham gia cuộc bầu
cử này cho đông, để chứng tỏ sức mạnh của Cộng Ðồng Việt Nam chúng ta, để chính
giới Hoa Kỳ phải quan tâm đến nguyện vọng chính đáng của chúng ta. Trong một bài bình luận trước đây về ‘‘ Sức mạnh lá phiếu, sức mạnh cộng đồng’’,
chúng tôi đã có dịp trình bầy cùng quý độc giả, rằng trước mắt, nếu khối cử tri người
Mỹ gốc Việt chúng ta tham gia đông đảo các cuộc bầu cử các chức vụ dân cử, từ
cấp địa phương, Tiểu Bang đến Liên Bang, chúng ta sẽ có sức mạnh của lá phiếu
để bất cứ ứng viên dân cử nào sau khi đắc cử cũng phải quan tâm đến nguyện vọng
của Cộng Ðồng Việt Nam.
Bằng sức mạnh của lá phiếu, chúng ta có thể bảo vệ được các
quyền lợi hợp pháp và chính đáng của cá nhân cũng như tập thể trên đất nước quê
hương thứ hai này của chúng ta. Ðồng thời bằng cức mạnh của lá phiếu, chúng ta
có thể tạo áp lực chính trị trong chừng mực nào đó, để hổ trợ có hiệu quả cho
công cuộc đãu tranh nhằm dân chủ hoá đất nước, đòi các quyền dân chủ, dân sinh
của đồng bào Việt Nam trong nước. Vì rằng, cộng đồng Việt Nam không có nhiều các nhà đại tư bản như Cộng
Đồng Do Thái hay Cuba,
nên ngoài sức mạnh của lá phiếu ra, chúng ta không thể tạo được ảnh hưởng chính
trị bằng sức mạnh của đồng dollar. Các vị dân cử chỉ thực sự quan tâm đến Cộng
Đồng Việt Nam
chúng ta khi nhìn vào con số cụ thể có đông đảo cử tri người Mỹ gốc Việt tham
gia các cuộc bầu cử.
Vì vậy, về lâu về dài nhìn đến tương
lai, một khi hơn một trăm ngàn đồng hương Việt Nam ở Houston và vùng phụ cận,
cũng như khoảng 2 triệu đồng hương Việt Nam khắp nơi tại Hoa Kỳ, một khi đã ý
thức được sức mạnh lá phiếu, sức mạnh cộng đồng và trở nên quen thuộc với sinh
hoạt chính trị chính dòng nơi xứ sở này, chúng ta nhất định sẽ đủ số lượng
phiếu bầu cần thiết để các vị dân cử bản xứ phải quan tâm. Đồng thời, bằng lá
phiếu tập trung của cử tri người Mỹ gốc Việt tại các đơn vị bầu cử có ứng viên
là người Việt Nam, chúng ta sẽ đưa được ngày
càng nhiều đồng hương vào các chức vụ dân cử các cấp tại Hoa Kỳ nói riêng và
các nước khác ở hải ngoại nói chung.
Hiện tại đó đây trên đất nước Hoa Kỳ,
chúng ta đã từng có các dân biểu Tiểu bang và Liên Bang, nghị viên, ủy viên,
chánh án, phó thị trưởng, phụ tá Bộ
Trưởng, song vẫn còn là ít chưa tương xứng với một sắc dân thiểu số đông đảo
đến khoảng 2 triệu người Việt Nam hiện đang sinh sống khắp Hoa Kỳ. Riêng tại
thành phố Houston, trong cuộc bầu cử chính thức ngày Thứ Ba 6-11-2012, cử tri
đồng hương Việt Nam ở đơn vị 149 cũng đừng quên dồn phiếu cho một ứng cử viên
người Việt duy nhất còn lại trên cả nước Hoa Kỳ tái tranh cử nhiệm kỳ thứ năm
vào chức vị Dân Biểu Tiểu Bang Texas, đó là ứng cử viên Hubert Võ,
để anh có cơ hội đem năng lực, nhiệt tình
phục vụ đồng hương và cử tri các sắc dân khác trong đơn vị bàu cử, như
anh đã làm được nhiều điều hữu ich trong suốt 8 năm của 4 nhiệm kỳ qua và đã đem
lại niềm tự hào cho cộng đồng Việt Nam Houston nói riêng và người Việt tại Hoa
Kỳ cũng như hải ngoại nói chung.
Tựu chung, có lẽ vì thấy được sức mạnh lá
phiếu, là sức mạnh cộng đồng, nên một số đoàn thể thiện nguyện, trong mùa bầu cử năm nay, đã có những cuộc
vận động tích cực nhằm lôi kéo cử tri đồng hương Việt Nam đi bầu thật đông.
Ðồng thời chính các cử tri người Mỹ gốc Việt cũng đã ý thức được bầu cử là
quyền lợi và là nghĩa vụ công dân trong một đất nước có nền dân chủ bậc nhất
như Hoa Kỳ này, nên mùa bầu cử năm nay đã có những dấu hiệu tham gia bầu cử
đông đảo. Cụ thể là trong những ngày bầu cử sớm cho đến Thứ Sáu hôm nay
(2-11-2012), người ta ghi nhận tổng quát số cử tri người Mỹ gốc Việt đã đến các
địa điểm bầu phiếu khá đông, đông hơn các cuộc bầu cử sớm trước đây tại Houston và vùng phụ cận.
Mong rằng cuộc bầu cử chính thức ngày
Thứ Ba tuần tới (6-11-2012), cũng sẽ được cử tri đồng hương Việt Nam chúng ta tham gia thật đông đủ, vì quyền và
lợi ích cho chính cá nhân cũng như tạo sức mạnh và uy thế cho các cộng đồng
Việt Nam
chúng ta trong lòng quốc gia Hoa Kỳ.
Thiện Ý
Houston, ngày 2-11-2012
No comments:
Post a Comment
Note: Only a member of this blog may post a comment.