Monday, January 16, 2017

VÌ SAO VIỆT NAM CẦN CHUYỂN ĐỔI VÀ CHUYỂN ĐỔI NHƯ THẾ NÀO “QUỐC HỘI CỦA ĐẢNG” THÀNH “QUỐC HỘI CỦA DÂN”?



VÌ SAO VIỆT NAM CẦN CHUYỂN ĐỔI VÀ CHUYỂN ĐỔI NHƯ THẾ NÀO “QUỐC HỘI CỦA ĐẢNG” THÀNH “QUỐC HỘI CỦA DÂN”?

Thiện Ý

Bài khai bút đầu năm mới 2017 chúng tôi muốn đề nghị đến Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng và các lãnh đạo đảng  và nhà nước Cộng sản Việt (CSVN) cần tự nguyện, tự giác chủ động chuyển đổi Quốc hội của đảng thành Quốc hội của dân. Vì sao và cần chuyển đổi như thế nào?

I/- VÌ SAO VIỆT NAM  CẦN CHUYỂN ĐỔI ?
   
Việt Nam cần chuyển đổi vì đã đến lúc phải chuyển đổi:
  
1.- Vì đảng CSVN đã có cơ hội nắm quyền quá lâu nhưng đã không thực hiện được  mục tiêu lý tưởng cộng sản chủ nghĩa và đã bị thực tế khách quan buộc phải chuyển đổi.
    
Thật vậy, đảng CSVN đã có cơ hội nắm quyền hàng nửa Thế kỷ qua, một nửa nước (1954-1975) và trên cả nước (1975 – 2016) để tiến hành cái gọi là cuộc cách mạng xã hội chủ nghĩa để xây dựng xã hội chủ nghĩa, mô hình xã hội đầu tiên của chủ nghĩa cộng sản. Thành quả của cuộc cách mạng này  phải là xây dựng được “một xã hội không còn cảnh người áp bức,  bóc lột người”. Xã hội tuy còn giai cấp, nhưng rất công bằng, “mọi người lao động theo năng lực và hưởng theo nhu cầu”; con người sống với nhau trong tình hữu ái, với tinh thần vị tha “Mình vì mọi người và mọi người vì mình”.

Thế nhưng thực tế chính đảng CSVN đã thừa nhận sự thất bại trong qua khứ, đã phải “Đổi mới” (1985-1995), rồi “Mở cửa” (1995 -2016) đi theo con đường làm ăn “Kinh tế thị trường, định hướng xã hội chủ” (chỉ dùng làm khẩu hiệu tuyên truyền che đấu thất bại) song thực tế cho thấy Việt Nam có bộ mặt tiến bộ nhanh và nhiều mặt, trong đó có mặt phát triển kinh tế để có bộ mặt “phồn vinh” ngày nay chính là nhờ con đường làm ăn “Kinh tế thị trường theo định hướng tư bản chủ nghĩa” (là thực chất và thực tế khách quan).

Thực tế khách quan đó là đời sống nhân dân ngày một cải thiện, nâng cao nhiều mặt so với hơn 20 năm trước đó; nhà cầm quyền CSVN đã buộc phải trả lại cho nhân dân nhiều quyền dân chủ, dân sinh, nhân quyền đã bị tước đoạt nhiều năm trước đây. Nhân dân ngày nay ngày càng hết sợ hãi bộ máy “chuyên chính vô sản”, đã công khai phê phán sai trái, tố cáo tham nhũng, cửa quyền của giai cấp thống trị là các cán bộ đảng viên CS có chức có quyền; đã dám xuống đường biểu tình đòi quyền sống, quyền tự do, dân chủ, chống ngoại xâm …dù có bị các công cụ của nền chuyên chính này  là công an, quân đội trấn áp liên tục.
   
2.- Vì quá trình chuyển đổi theo chiều hướng dân chủ hóa đã diễn ra trong nhiều thập niên qua và nay đã đến lúc thực tế khách quan cũng buộc đảng CSVN phải đi vào giai đoạn chót của quá trình chuyển đổi để biến thể theo quy luật “lượng đổi, chất đổi”, sau khi.chế độ tịnh tiến biến chất độc tài qua chất dân chủ.

Bởi vì, như chúng tôi đã có dịp trình bầy trong nhiều bài viết trước đây, tiến trình dân chủ hóa Việt Nam là không thể đảo ngược. Tiến trình này khởi sự  từ năm 1995 sau khi đảng CSVN thực hiện chính sách “Mở cửa” thiết lập quan hệ ngoại giao với Hoa Kỳ, thực hiện chính sách kinh tế, ngoại giao đa phương. Chính nền kinh tế thị trường tư bản chủ nghĩa (mà chúng tôi gọi là “môi trường mật ngọt kinh tế thị trường”) đã biến chất chế độ độc tài toàn trị CSVN (Từng bước tư sản hóa các đảng viên CS,tư bản hóa nhà nước và dân chủ hóa chế độ).Theo quy luật “lượng đổi, chất đổi” chế độ độc tài toàn trị  CSVN sẽ biến thể qua chế độ dân chủ pháp trị ở cuối quá trình chuyển đổi, khi chất độc tài tiêu vong, chất dân chủ tích lũy đủ, như nước đun đến độ sôi 100 thì bốc hơi.

 Giờ đây chính thực tế khách quan đã đưa Việt Nam vào giai đoạn chót của tiến trình chuyển đổi này. Vì vậy chúng tôi cho rằng “Việt Nam đã đến lúc cần chuyển đổi Quốc hội của đảng thành Quốc hội của dân” là thế. Vì Quốc hội theo Hiến pháp hiện hành là “cơ quan quyền lực cao nhất của nhân dân…cơ quan duy nhất có quyền lập hiến và lập pháp…thực hiện quyền giám sát tối cao đối với toàn bộ hoạt động của nhà nước” (Điều 83 HP).

II/- AI  CHUYỂN ĐỔI VÀ CHUYỂN ĐỔI NHƯ THẾ NÀO?

1.- Ai chuyển đổi?

Chúng tôi đề nghị đảng CSVN có tư thế để tự nguyện, tự giác, chủ động chuyển đổi “Quốc hôi của đảng thành Quốc hội của dân”, khởi sự bước vào giai đoạn cuối cùng của quá trình chuyển đổi từ chế độ độc tài toàn trị cộng sản chủ nghĩa  qua chế độ dân chủ pháp trị tư bản chủ nghĩa, theo đúng lý luận của chủ nghĩa cộng sản “Thể chế chính trị luôn phải phù hợp với cơ cấu kinh tế”. Vì thực tế Việt Nam đã hình thành được về cơ bản nền “kinh tế thị trường theo định hướng tư bản chủ nghĩa” thì cần có chế độ dân chủ pháp trị tư bản chủ nghĩa mới phù hợp. Đảng CSVN  thâm tâm cũng biết thế, nhưng không thể vì quyền lợi và sĩ diện của “đảng ta” mà tiếp tục lừa bịp nhân dân bằng khẩu hiệu “Kinh tế thị trường, định hướng xã hội chủ nghĩa” nữa; hãy lột bỏ cái “vỏ đỏ” (cộng sản, độc tài) để  lộ rõ “Xanh lòng” (Tư bản, dân chủ) tạo tiền đề đưa đất nước tiến lên.

2.- Chuyển đổi như thế nào?

Chúng tôi đề nghị đảng CSVN cần chuyển đổi Quốc hội của đảng thành Quốc mội của dân một cách hòa bình về hình thức cũng như nội dung như sau:

Về hình thức, trên bình diện pháp lý, luật bầu cử Quốc hội cũng như các cơ quan dân cử các cấp chính quyền cần để mọi người dân, không phân biệt chính kiến,tôn giáo, tín ngưỡng, phái tính, giai cấp xã hội, nếu có đủ năng lực, đạo đức của một công dân lương hảo, đều được tự do ứng cử và bầu cử. Qua các cuộc ứng cử và bầu cử tự do này sẽ hình thành được một “Quốc hội do dân, của dân và vì dân” thay thế “Quốc hội do đảng, của đảng và vì đảng CSVN” như bao lâu nay.

Về nội dung trên bình diện thực thi, với một Quốc hội hình thành như trên, các đại biểu Quốc hội sẽ độc lập, tự tin và toàn quyền thực hiện chức năng và nhiệm vụ một cách sáng tạo  theo Hiến pháp quy định “…quyền lập hiến và lập pháp…thực hiện quyền giám sát tối cao đối với toàn bộ hoạt động của nhà nước” (Điều 83 HP); chấm dứt sự áp đặt, chỉ đạo  của đảng CSVN; biến các đại biểu quốc hội thành công cụ chỉ biết thể chế hóa các nghị quyết của đảng thành pháp luật (Nghị luật) và Quốc hội chỉ là bù nhìn của đảng CSVN mà thôi.

III/-KẾT LUẬN:
     
Tổng bí thư đảng CSVN Nguyễn Phú Trọng từng tuyên bố trước cử tri đơn vị ứng cử trong cuộc bầu cử vào  Quốc hội hiện hành, rằng chưa biết một trăm năm nữa ta có xã hội chủ nghĩa hay chưa. Phải chăng lời tuyên bố này đã  gián tiếp xác nhận sự thất bại không thể  thực hiện được mục tiêu của lý tưởng cộng sản trong quá khứ dù đã có cơ hội lâu dài nhiều thập niên qua.
    
Trong cuộc Hội nghị Trung ướng 4 Khóa 12 mới đây, cũng chính  người đứng đầu đảng CSVN đã cảnh báo về hai nguy cơ diễn biến hòa bình (khách quan bên  ngoài) và tự diễn biến (chủ quan của cán bộ đảng viên) có thể làm tiêu vong đảng và chế độ CSVN.

Như vậy là Tổng Bí thư và có lẽ hầu hết cán bộ đảng viên CSVN đã nhận ra được những dấu hiệu trong thực tế khách quan không thể đảo ngược “Việt Nam sớm muốn sẽ dân chủ hóa”. Vì vậy  tập đoàn thống trị CSVN không thế tiếp tục duy ý chí, đi ngược lại thực tế khách quan với ý đồ ngăn cản, làm chậm tiến trình dân chủ hóa đất nước không thể đảo ngược.

Vậy thì, theo thiển ý sự chọn lựa khôn ngoan nhất, vừa có lợi cho dân cho nước, vừa tự cứu nguy để tiếp tục tồn tại trong tương lai,  là đảng CSVN hãy tự nguyện, tự giác  chủ động chuyển đổi Quốc hội của đảng  thành Quốc hội của dân, để khởi động đi vào giai đoạn cuối cùng của qua trình chuyển đổi toàn diện, dân chủ hóa  đất nước, một chiếu hướng thực tế không thể đảo ngược.

                      Thiện Ý
Houston, ngày 12 tháng 1 năm 2017

Đã đến lúc Việt Nam cần chuyển đổi ‘Quốc hội của đảng’ thành ‘Quốc hội của dân’ (VOA



Đã đến lúc Việt Nam cần chuyển đổi ‘Quốc hội của đảng’ thành ‘Quốc hội của dân’

10.01.2017
Cuộc nội chiến Quốc - Cộng tại Việt Nam đã kết thúc 41 năm (1975-2016), đã đến lúc Việt Nam cần chuyển đổi “Quốc hội của đảng” thành “Quốc hội của nhân dân”.
“Quốc hội của đảng” là một quốc hội mà tất cả các đại biểu, dù là đảng viên hay người ngoài đảng, đều do đảng Cộng sản Việt Nam (CSVN) cử ra cho dân bầu. Quốc hội này có nhiệm vụ thực hiện các chủ trương, chính sách cai trị của đảng về mặt pháp lý, bằng cách thể chế hóa các nghị quyết của đảng, mà chúng tôi gọi là “nghị luật”, thành pháp luật, được đảng sử dụng như những công cụ pháp lý (làm ra hiến pháp, các luật lệ...), để cai trị nhân dân một cách độc đoán, vì lợi ích cao nhất của đảng CSVN, nhưng luôn ngụy trang (hay ngụy biện) là “cơ quan quyền lực cao nhất của nhân dân”. Nói tóm gọn, đó là một “Quốc hội của đảng, do đảng và vì đảng CSVN”.
“Quốc hội của dân” là một quốc hội mà tất cả những đại biểu dù là do các chính đảng cử ra hay thường dân tự ứng cử, được chính nhân dân hội đủ tư cách cử tri bầu ra trong một cuộc phổ thông đầu phiếu tự do, trực tiếp và kín. Quốc hội này chỉ có nhiệm vụ soạn thảo ra hiến pháp (quốc hội lập hiến) và làm ra luật pháp (quốc hội lập pháp) theo đúng ý nguyện của nhân dân, để các nhà cầm quyền căn cứ theo đó mà thực hiện quyền quản lý đất nước, vì lợi ích tối thượng của nhân dân, những người chủ thực sự của đất nước. Nói tóm gọn, đó là “Quốc hội của dân, do dân và vì dân”.
Vì sao đã đến lúc Việt Nam cần chuyển đổi ‘Quốc hội của đảng’ thành ‘Quốc hội của dân’?
Đã đến lúc Việt Nam cần chuyển đổi “Quốc hội của đảng” thành “Quốc hội của dân” là vì:
1. Thời gian 4 thập niên đảng CSVN nắm quyền độc tôn, trong một chế độ độc tài toàn trị áp đặt trái với ý muốn của tuyệt đại đa số nhân dân Việt Nam, đã quá đủ cho một tiến trình chuyển đổi hòa bình từ chế độ độc tài đảng trị qua chế độ dân chủ pháp trị.
2. Trong thời gian quá dài ấy, đảng CSVN đã có cơ hội thử nghiệm mô hình chế độ xã hội chủ nghĩa, nhưng đã thất bại hoàn toàn, đưa đến hậu quả nghiêm trọng về đối nội cũng như đối ngoại cho nhân dân và đất nước. Chính đảng CSVN cũng đã nhận ra sự thất bại này và trong thâm tâm các đảng viên CSVN cũng đã ngộ ra rằng “Chủ nghĩa cộng sản chỉ là không tưởng”.
Tuy không dám công khai thú nhận thất bại, những việc làm thực tế đã cho thấy “đảng CSVN đã phản tỉnh tập thể” qua việc cố gắng “đổi mới” (1985-1995) không thành công. Kết quả là Việt Nam đã phải “mở cửa” (1995-2015) đón mời cựu thù “Đế quốc Mỹ” và các nước tư bản “không giãy chết” vào đầu tư giúp nến kinh tế xã hội chủ nghĩa Việt Nam “vừa giãy chết” kịp sống dậy trong nền kinh tế thị trường tư bản chủ nghĩa. Nhưng vì “bưng bít sự thật” vốn là cố tật của các chế độ cộng sản, nên “đảng và nhà nước ta” bao lâu nay vẫn phải nói láo là nhờ làm ăn theo “kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa” nên kinh tế Việt Nam mới phát triển, đời sống nhân dân mới đỡ khổ như hôm nay.
Thế nhưng “giấu đầu lòi đuôi”. Mới đây, trước chuyến đi thăm Việt Nam của Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama vài tuần, nhà cầm quyền Việt Nam đã công khai bày tỏ sự mong muốn được Hoa Kỳ và các nước tư bản công nhận Việt Nam đã hội đủ tiêu chuẩn của một thị trường tự do tư bản chủ nghĩa. Phải chăng đã đến lúc đảng và nhà cầm quyền CSVN phải nói thật “kinh tế thị trường tất yếu định hướng tư bản chủ nghĩa” chứ không thể “định hướng xã hội chủ nghĩa” được; mà nếu đã “định hướng tư bản chủ nghĩa thì tất yếu dẫn đến chế độ dân chủ, đa đảng”. Như vậy, nếu được công nhận hội đủ tiêu chuẩn của một thi trường tự do tư bản chủ nghĩa thì Việt Nam đã đáp ứng được yêu cầu thứ nhất của chiến lược toàn cầu mới của các cường quốc tư bản: kinh tế thị trường tự do hóa; còn yêu cầu thứ hai - chính trị dân chủ hóa - nay sau 20 năm “Mở cửa” cho thấy Việt Nam cũng đã hình thành được những điều kiện cần, còn điều kiện đủ chính là hành động thức thời của nhà cầm quyền Việt Nam.
3. Như vậy là sau hai thập niên “Mở cửa” (1995-2015) đã hình thành những điều kiện cần đi vào giai đoạn cuối cùng, khởi sự bằng sự chuyển đổi cơ chế quốc hội, vốn được coi là cơ quan quyền lực cao nhất của nhân dân.
* Các bài viết được đăng tải với sự đồng ý của Ðài VOA nhưng không phản ánh quan điểm hay lập trường của Chính phủ Hoa Kỳ.
  • 16x9 Image

Thiện Ý

Thiện Ý nguyên luật sư tại Sài Gòn trước 1975, hiện là Chủ tịch Câu Lạc bộ Luật khoa Việt Nam ở Houston.

HẬU QUẢ CỦA NỀN LUẬT PHÁP PHI PHÁP LÝ, VÔ ĐẠO ĐỨC TẠI VIỆT NAM.



HẬU QUẢ CỦA  NỀN LUẬT PHÁP PHI PHÁP LÝ, VÔ ĐẠO ĐỨC TẠI VIỆT NAM.

Thiện Ý

Theo tin tổng hợp giới truyền thông thì nghệ sĩ hài Minh Béo, tên thật là Hồng Quang Minh, một danh hài Việt Nam bị bỏ tù ở Mỹ về tội lạm dụng tình dục trẻ em mới đây được phóng thích sớm và trở về nước hôm 21-12-2016. Trong khi công luận đang tranh cãi về việc có nên hạn chế quyền công dân Việt Nam của Minh Béo hay không, thì Thiếu tướng Trần Thế Quân, phó Cục trưởng Cục Pháp chế và Cải cách hành chính tư pháp, Bộ Công an, trả lời báo giới hôm 22/12, rằng Minh Béo sẽ trở thành công dân bình thường và trong hồ sơ không bị ghi lại việc đã từng bị ngồi tù tại Mỹ. Điều này càng khiến công luận thêm bức xúc, đã bị công luận phản đối dữ dội.

Câu trả lời trên của một viên chức lãnh đạo cấp cao có thẩm quyền thuộc Bộ Công an cho thấy một nền luật pháp phi pháp lý, vô đạo đức đã và đang tiếp tục được đảng và nhà cầm quyền CSVN thực hiện tại Việt Nam. Sự thể này đã dẫn đến hậu quả gì trên thực tế tại Việt Nam?

I/-MỘT NỀN LUẬT PHÁP PHI PHÁP LÝ:

Vì theo nguyên tắc pháp lý chung có tính phổ quát ở các nước dân chủ, văn minh tiến bộ, thì luật pháp là những quy phạm pháp luật ghi rõ những gì người dân cũng như nhà cầm quyền được làm hay không được làm để bảo vệ các quyền lợi hợp pháp, chính đáng của mọi cá nhân và tập thể nhằm duy trì an ninh, an toàn và trật tự xã hội. Mọi vi phạm pháp luật của  công dân hay nhà cầm quyền xẩy ra ở trong nước hay hải ngoại đều bị chế tài theo luật.

Vì trên bình diện tư pháp quốc tế, trong tương quan pháp lý giữa hai nước, nếu có hiệp ước tương trợ tư pháp, thường chỉ quy định thẩm quyền xét xử, (nơi phạm tội hay nơi thường trú của bị can) luật pháp áp dụng (luật quốc gia nơi phạm tội hay luật quốc gia của bị can), thủ tục dẫn độ đối với một can phạm là công dân nước này có hành động phạm tội ở nước kia, mà vi phạm pháp luật của cả hai nước (giết người, hiếp dâm, cướp của, buôn bán ma túy, tội diệt chủng…) hay chỉ vi phạm luật pháp của một trong hai nước.(ví dụ tội gián điệp, tội xúc phạm vương quyền ở  một nước quân chủ không có ở các quốc gia dân chủ…).

Trường hợp danh hài Minh Béo, không những đã vi phạm luật pháp Hoa Kỳ mà còn vi phạm cả luật pháp Việt Nam. Theo quy định tại Điều 146 – khoản 1 Bộ luật hình sự năm 2015 về tội dâm ô đối với người dưới 16 tuổi như sau:
“1. Người nào đủ 18 tuổi trở lên mà có hành vi dâm ô đối với người dưới 16 tuổi không nhằm mục đích giao cấu hoặc không nhằm thực hiện các hành vi quan hệ tình dục khác, thì bị phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm

     Vì vậy, sau khi mãn án tù  ở Hoa Kỳ, khi bị can Minh Béo trở về Việt Nam, đúng ra cơ quan công tố cần khởi tố Minh Béo theo các điều khoản liên quan của luật hình sự Việt Nam. Trong khi xét xử, Tòa án có thể cho bị can hưởng án treo, hay án tù ở (có thể cho miễn thi hành vì đã thi hành án tù ở Hoa Kỳ, vì hình phạt tôi phạm ngang hay thấp hơn án tù ở Hoa Kỳ), hay khoan hồng cho miễn thi hành thêm thời gian nếu án tù dài hơn theo luật Việt Nam. Thế nhưng sau khi thi hành án,trong mọi trường hợp cần áp dụng biện pháp tước quyền đảm nhiệm chức vụ và hành nghề vĩnh viễn hay có thời hạn theo quy định của luật pháp. Điều 146, Khoản 4 Bộ Luật hình Việt Nam sự  hiện hành Quy định “4. Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.”

Thế mà Thiếu tướng công an Trần Thế Quân lại trả lời báo giới rằng “Minh Béo sẽ trở thành công dân bình thường và trong hồ sơ không bị ghi lại việc đã từng bị ngồi tù tại Mỹ”. Điều này xác nhận đảng và nhà cầm quyền CSVN bao lâu nay đã thực thi một nền nền luật pháp phi pháp lý là thế.

II/-MỘT NỀN LUẬT PHÁP VÔ ĐẠO ĐỨC.

Đạo đức vốn là những quy phạm luân lý không có tính cưỡng hành, nhưng có tác dụng  hổ trợ cho pháp lý, góp phần rất quan trọng vào nền đạo đức xã hội, giảm thiểu tôi ác, bảo vệ an toàn cá nhân, duy trì an ninh, trật tự xã hội, vốn là mục tiêu và tác dụng của pháp luật.

Minh Béo bị cáo buộc và kết án trước Tóa án Hoa Kỳ về 3 tội danh: quan hệ tình dục bằng miệng với một nam thiếu niên dưới 18 tuổi, mưu toan có hành động dâm ô với trẻ em dưới 14 tuổi và có ý định hẹn hò với trẻ vị thành niên. Minh Béo đã bị kết án vào tháng 8-2016 vừa qua khi thừa nhận hai tội danh đầu tiên.Sự thể này, không chỉ dưới mắt người dân Việt Nam mà cả thế giới, đều thấy có sự vi phạm các chuẩn mực đạo đức trong xã hội, đáng ghê tởm và khinh bỉ, cần trừng phạt và có biện pháp cách ly để có tác dụng giáo dục, làm gương, hạn chế ô nhiễm tâm hồn tuổi trẻ trong trắng dãn đến phạm tội trong xã hội.

Thế mà  người có trách nhiệm lãnh đạo thi hành luật pháp là Thiếu tướng công an Trần Thế Quân lại nói “Minh Béo sẽ trở thành công dân bình thường và trong hồ sơ không bị ghi lại việc đã từng bị ngồi tù tại Mỹ”.Điều này cho thấy luật pháp vô đạo đức đã được thấm nhuần trong não trạng của các viên chức thi hành pháp luật nói riêng và nhân viên công quyền CSVN nói chung. Điều này cho phép người ta có thể suy đoán, rằng Minh Béo trước khi phạm tội ở Hoa Kỳ, cũng như nhiều kẻ khác ở Việt Nam, từng “quan hệ tình dục bằng miệng với một nam thiếu niên dưới 18 tuổi, mưu toan có hành động dâm ô với trẻ em dưới 14 tuổi…” dù bị phát hiện mà không bị đưa ra tòa vì chấp pháp cho đó chỉ là trái với đạo đức, chứ không vi phạm luật hay  viên chức phát hiện mà đã dễ dàng bị mua chuộc bằng tiền nên đã bỏ qua chăng?

III/-HẬU QUẢ THỰC TẾ.

Hậu quả thực tế của một nền luât pháp phi pháp lý, vô đạo đức ai cũng thấy là xã hội Việt  Nam ngày nay tội ác gia tăng cả về số lượng lẫn tính chất tội phạm. Đọc trên báo chí hay qua mạng lưới internet toàn cầu, số lượng các loại tội phạm liên quan đến đạo đức như giết người, cướp của, lừa đảo, hiếp dâm  ngày một nhiều, với tính chất vô cùng tàn bạo không còn nhân tính (hiếp dâm sát hại nạn nhân, cướp của, lừa đảo chiếm đoạt tài sản, rồi chặt xác nạn nhân từng khúc để phi tang…) vi phạm đạo đức luân lý (Con giết cha, vợ giết chồng hay ngược lại, anh chị  em giết nhau chỉ vì mâu thuẫn tài sản tiền bạc, nóng giận…). Hậu quả nghiêm trọng và bi thảm này là do sau khi nắm được chính quyền trên cả nước:

1.- Đảng CSVN đã đánh đổ, hủy diệt nền tảng đạo đức, luân lý xã hội cũ, khi họ cho là không phù hợp với cái gọi là “Đạo đức xã hội chủ nghĩa” mà đến nay vẫn chưa hình thành để thay thế.

Đó là nền đạo đức luân lý cổ xưa hình thành trên phong tục tập quán và giáo lý của các tôn giáo như  tam giáo Phật-Nho-Lão giáo từ ngàn xưa, đến Thiên Chúa giáo sau này truyền vào nước ta. Tất cả đã tạo ra một nền đạo đức xã hội ổn định, tồn tại và thấm sâu vào tâm tư, nếp sống thể hiện qua cách ứng xử trong các quan hệ xã hội tại Việt Nam. Nhờ đó, con người biết sống lương thiện và do đó cũng có tác dụng rất lớn ngăn chặn tội phạm và tính chất tàn bạo vô luân của tội ác. Trong khi cái gọi là Đạo đức xã hội chủ nghĩa chưa hình thành và sẽ hình thành ra sao thì chính đảng CSVN cho đến nay cũng không biết hình thù nó ra sao nữa.

Theo tài liệu tuyên truyền giáo dục nhân dân của đảng CSVN, định nghĩa ngắn gọn “Đạo đức xã hội chủ nghĩa là mình vì mọi người và mọi người vì mình”, mà muốn có đạo đức XHCN thì phải tiến lên xã hội chủ nghĩa để có những con người mới XHCN . Thế nhưng cứ như lời Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nói với dân chúng thì chưa biết một trăm năm nữa Việt Nam đã có xã hội chủ nghĩa hay chưa.Hiện tại chỉ thấy hiện tượng các cán bộ đảng viên CSVN tự nhận là “Đội tiên phong của giai cấp công nhân” là giai cấp lãnh đạo cuộc cách mạng tiến lên xã hội chủ nghĩa, là những người phải thể hiện “đạo đức xã hội chủ nghĩa” để làm gương, thì thực tế đang sống theo kiểu đạo đức vị kỷ  Mình vì mình và mọi người phải vì mình để làm giầu bằng mọi cách và mọi giá, nhanh chóng tư bản hóa thành các  nhà “tư bản Đỏ  để cho có đời sống vinh thân phì gia, “sống chết mặc dân, tiền quan (cán bộ, đảng viên CS) bỏ túi”!

2.-Đảng CSVN đã loại bỏ hoàn toàn tính pháp lý và đạo đức ra khỏi nền luật pháp tại Việt Nam.
 
Bởi vì, đảng CSVN đã vận dụng quan điểm của chủ nghĩa cộng sản, coi pháp luật chỉ là công cụ của giai cấp thống trị để trấn áp giai cấp bị trị, trái ngược với quan điểm pháp luật của chủ nghĩa dân chủ, tự do.Vì vậy, sau khi nắm chính quyền trên Miền Bắc và trên cả nước cho đến nay, đảng CSVN vẫn cai tri bằng nghị quyết của đảng, dù sau này do đòi hỏi của tình hình “đổi mới” để sống còn và vì lợi ích của đảng CSVN, các nghị quyết được Quốc hội của đảng thể chế hóa thành pháp luật (mà chúng tôi gọi là nghị luật).

Vì thế pháp luật của chế độ CSVN bao lâu nay đã loại bỏ hoàn toàn tính đạo đức để chỉ giữ lại tính “chuyên chính”, năng về trừng phạt nghiêm khắc để trấn áp, răn đe hơn là giáo dục,bảo vệ nhân dân, đối với bất cứ hành vi cá nhân hay tập thể nào đe dọa đền quyền lãnh đạo độc tôn, độc quyền trong chế độ độc tài toàn trị của đảng CSVN. Chính Ông Hồ Chí Minh lúc sinh thời từng nói với cán bộ đảng viên cộng sản, rằng “Mọi tội vi phạm pháp luật đều có thể tha được, trừ tội phản đảng”! Thế cho nên mới có nhiều cán bộ đảng viên CSVN trên thực tế đã hủ hóa ngay cả với vợ con đồng chí của mình; Cố Tổng bí thư Lê Duẫn và nhiều lãnh đạo cấp cao khác của “đảng và nhà nước ta” mới dám cưới vợ lẽ hay có nhiều tình nhân ngoài vợ chính thức, vi phạm luật hôn nhân; nhiều cán bộ đảng viên CS có chức, có quyền mới dám đua nhau đục khoét công quỹ, tham nhũng, làm giầu bất chính mà vẫn nhởn nhơ sống ngoài vòng pháp luật của đảng.

IV/-KẾT LUẬN.

Luật pháp là những quy phạm pháp luật để bảo vệ các quyền lợi hợp pháp chính đáng của người dân cũng như nhà cầm quyền, tạo môi trường sống an toàn cho mọi người thuộc mọi giai tầng sống chung trong xã hội để mưu cầu hạnh phúc riêng cũng như chung. Bất cứ ai, cá nhân cũng như tập thể vi phạm pháp luật quốc nội hay quốc tế đều bị chế tài theo pháp luật có thẩm quyền.

Đạo đức là những quy phạm luân lý góp phần rất quan trọng vào nền đạo đức xã hội hổ trợ hiệu quả cho pháp luật trong mục đích bảo vệ quyền lợi, cá nhân, tập thể và duy trì an ninh trật tự xã hội.

Một nền pháp luật phi pháp lý, vô đạo đức sẽ phá hủy những quan hệ luân lý tốt đẹp giữa con người, tội ác gia tăng cả số lượng lẫn tính chất tội phạm, gây bất ổn, bất an và suy đồi toàn diện cho toàn xã hội. Đó là thực trạng Việt Nam ngày nay dưới chế độ độc tài toàn trị của đảng CSVN. Vì vậy  yêu cầu cấp thiết dối với nhân dân Việt Nam vẫn là phải chuyển đổi càng sớm càng tốt qua một chế độ dân chủ pháp trị, với một nền luật pháp thể hiện được cả hai tính pháp lý và đạo đức.

            Thiện Ý
Houston, ngày 25-12-2016






GIÁNG SINH VỚI NGƯỜI VIỆT THA HƯƠNG TẠI HOA KỲ.



GIÁNG SINH VỚI NGƯỜI VIỆT THA HƯƠNG TẠI HOA  KỲ.

Thiện Ý.

Thấm thoát mà đã 41 năm xa quê hương kể từ sau biến cố 30-4-1975, người Việt khắp nơi ở hải ngoại nói chung, tại Hoa Kỳ nói riêng, không phân biệt tôn giáo, đã và đang chuẩn bị đón mừng ngày Giáng sinh thứ 2016 của Đấng Cứu Thế với các sinh hoạt,  ý nghĩa và tâm tình khác nhau. Bởi vì, Giáng sinh đã vượt ra ngoài ý nghĩa tôn giáo, đi vào truyền thống sinh hoạt văn hoá nhân loại, để trở thành dịp vui chung của mọi người trên trái đất.

Theo lịch mục vụ của Giáo hội Công giáo, mùa vọng Giáng sinh, thường gọi tắt là Mùa Vọng, là ba tuần lễ đầu của tháng 12, mang ý nghĩa là thời gian trông chờ Chúa đến. Trong thời gian này, các tín đồ thường chuẩn bị tâm hồn trong sạch để đón mừng Chúa đến, theo ý nghĩa Thánh Vịnh về Giáng sinh, rằng ‘‘ đồi cao san cho bằng, thung lũng lấp cho đầy, đường cong uốn cho thẳng, hãy dọn đường cho  Chúa đến ’’. Thể hiện ý nghĩa này, các giáo dân thường có thói quen tham dự các cuộc cấm phòng hay tĩnh tâm, linh thao, xưng tội rước lễ, hãm mình đền tội và làm nhiều việc lành phúc đức, hòa giải với anh em, chia xẻ cơm ăn áo mặc với anh em nghèo khổ, khốn cùng.
     
Thông thường hàng năm, vào tuần lễ  thứ tư và cũng là tuần lễ cuối cùng của mùa Giáng sinh, các nhà thờ Công giáo Việt Nam tại thành phố Houston và các vùng phụ cận, thuộc giáo phận Galveston Houston, đều thiết kế những cây thông  và hang đá trang hoàng đèn sao lấp lánh, vốn là những biểu tượng không thể thiếu trong mùa Giáng sinh. Đặc biệt tại thành phố Houston, bang Texas hàng năm từ nhiều năm qua, năm này cũng thế, Cộng đồng Công giáo Việt Nam đều long trọng tổ chức đại Lễ Giáng sinh, tập trung hàng chục ngàn giáo dân tại Geoge Brown Convention Center ở Down Town Houston. Đại Lễ Giáng sinh thường diễn ra từ 4 Giờ  chiều tối ngày 24 Tháng 12 hàng năm,do Đức  Tổng Giám mục Giáo phận Galveston Houston chủ tế,cùng với sự đồng tế của các linh mục Việt – Mỹ trong Giáo phận; với nhiều ca đoàn của các giáo xứ Việt Nam trong giáo phận trình diễn hợp xướng thánh ca Giáng sinh để ca mừng Chúa ra đời. Sau đó là  các nghi lễ đón mừng Chúa Giáng sinh được cử hành riêng tại mỗi giáo xứ.Đồng thời, các nha thờ thuộc giáo hội Chính thống, Tin lành thuộc nhiều giáo phái khác nhau, nhưng  cùng tôn thờ và có chung niềm tin về một Đấng Cứu Thế, cũng  cử hành các nghi thức riêng để đón mừng Giáng sinh.
    Mặt khác, đối với mọi người không cùng tôn giáo, thuộc nhiều sắc dân khác nhau, không riêng gì người Việt Nam sống tại Hoa Kỳ, hàng năm mùa Giáng sinh khởi sự sau Lễ Tạ Ơn (Thanksgiving) vào cuối tháng 11, người ta bắt đầu chuẩn bị đón mừng  lễ Giáng sinh vào cuối tháng 12, là đêm 24 rạng ngày 25 tháng 12. Bầu không khí Giáng Sinh bắt đầu lan toả khắp nơi nơi, từ các công, tư sở đến các cửa hàng ở các trung tâm thương mại, các siêu thị, bắt đầu trang hoàng những hình ảnh, màu sắc biểu tượng Giáng sinh, như cây thông giăng mắc đèn mầu, hỏa châu lấp lánh, Ông già Noel bằng hình ảnh hay hình nộm hoặc người thật hoá trang sống động, với nhạc Giáng sinh réo rắt khắp nơi nơi.
         
Trong khi đó, các tư gia của người Việt tha hương, cũng  trang trí cây thông Giáng sinh trong nhà và treo đèn kết hoa ra tận cửa, trước sân, trên mái nhà, với ánh đèn chớp sáng đủ màu. Một số gia đình, nhất là các tín đồ Thiên Chúa Giáo theo truyền thống Đông Phương như Việt Nam ta, thì vẫn giữ lại phần nào lối trang trí Giáng sinh truyền thống như những Giáng sinh năm nào ở quê nhà, với hang đá Bethlhem có máng cỏ bò lừa và hình tượng Chúa Hài Đồng nằm trong máng cỏ, hai bên có Cha nuôi và Mẹ Người là Thánh Giuse và đức Maria, cùng Ba Vua và các Thiên Thần bao quanh thờ lậy. Ngoài  hang đá trên cao là hình Thiên thần thổi loa loan báo tin vui với lời chúc tụng ‘‘ Vinh danh Chúa Cả trên Trời, bình an dưới thế cho người thiện tâm’’.
        
Đồng thời cũng là để chuẩn bị cho ggày Giáng sinh, từ mấy tuần trước lễ Giáng sinh, người ta lo gửi thiệp chúc mừng đến thân nhân, bạn bè ở xa và mua quà tặng cho nhau. Và vì vậy, đối với các nhà kinh doanh, đây là một trong những mùa gặt hái lợi nhuận thương vụ lớn nhất trong năm. Tất nhiên, trái ngược lại, đối với giới tiêu thụ, thì đây lại là dịp phải tiêu tốn tiền bạc nhiều, theo tập quán và hấp lực của mùa “ Big sale’’, để làm công việc mua sắm theo truyền thống Giáng sinh vốn là như  thế.
  
         Tựu chung, Giáng sinh không còn là ngày lễ riêng của tôn giáo, của những người tin vào mầu nhiệm Ngôi Hai Thiên Chúa giáng trần  cứu chuộc nhân loại, mà đã trở thành ngày Lễ hội vui chung cho toàn thể nhân loại trên trái đất. Bởi vì Giáng sinh đã vượt ra ngoài ý nghĩa tôn giáo, để trở thành một truyền thống sinh hoạt văn hoá tốt đẹp của nhân loại. Và vì vậy, mùa Giáng sinh, chính là thời khỏang mà mọi người dù có niềm tin hay không vào mầu nhiệm Giáng sinh, đều có những sinh hoạt cần thiết chuẩn bị cho ngày vui chung này.
                Thiện Ý
     Mùa Giáng sinh 2016

        

Donald Trump: Các nhà tư bản Hoa Kỳ phải lựa chọn



Donald Trump: Các nhà tư bản Hoa Kỳ phải lựa chọn

13.12.2016
  • Thiện Ý
Mặc dù cho đến ngày 20/1/2017 tới đây, Tổng thống tân cử Donald Trump của Hoa Kỳ mới tuyên thệ nhậm chức, nhưng qua việc chuẩn bị nhân sự cho nội các và các chức vụ quan yếu khác trong guồng máy hành pháp, cũng như những lời tuyên bố đó đây của ông về chủ trương chính sách đối nội, đối ngoại, đã cho thấy quyết tâm thực hiện nhiều điều được ông hứa hẹn trong thời gian tranh cử. Về mặt đối ngoại, trên lãnh vực kinh tế dường như ông Donald Trump đang nỗ lực chuẩn bị thực hiện chủ trương dành ưu tiên cho kinh tế đối nội bằng chính sách bảo vệ sản xuất và mậu dịch trong nước.
Trong chiến dịch kéo dài nhiều ngày qua để chuẩn bị vào Tòa Bạch Ốc, Tổng thống đắc cử Donald Trump tuyên bố sẽ hạn chế sự ra đi của các công ty và sẽ mang trở lại những công việc đã bị chuyển ra nước ngoài. Ngày 4/12, ông cảnh báo nghiêm khắc các doanh nghiệp Mỹ rằng nếu họ chuyển hoạt động ra nước ngoài họ sẽ phải đối mặt với thuế suất 35% nếu sau đó họ tìm cách bán sản phẩm của họ trở lại Hoa Kỳ.
Sử dụng Twitter, ông Trump loan báo đã có kế hoạch "giảm đáng kể" thuế và các quy định đối với doanh nghiệp. Nhưng ông cảnh báo rằng bất cứ công ty nào "sa thải nhân viên, xây dựng một cơ xưởng mới" ở một quốc gia khác "và sau đó nghĩ rằng họ sẽ bán sản phẩm trở lại vào Hoa Kỳ mà không bị trả đũa hoặc gặp hậu quả gì thì họ nghĩ sai rồi!"; và rằng "Quý vị hãy lưu ý đến lời cảnh báo này trước khi mắc một sai lầm đắt giá!..."
Mới đây, ông Trump đã nói với ông Tim Cook, Tổng giám đốc điều hành của Apple, rằng ông muốn tập đoàn sản xuất iPhone lập nhà máy ngay tại Hoa Kỳ. Sau đó trong một cuộc phỏng vấn với tờ The New York Times hôm 23/11/2016 ông nói sẽ đưa ra các chính sách về thuế có lợi để Apple "xây một hoặc nhiều nhà máy lớn ở Mỹ" thay vì sản xuất sản phẩm ở các nước như Trung Quốc hay Việt Nam. Chỉ tính riêng tại Việt Nam, theo dữ liệu từ Cục Đăng ký kinh doanh (Bộ Kế hoạch & Đầu tư), công ty Apple đã lập chi nhánh tại Việt Nam cuối năm ngoái với số vốn 15 tỷ đồng. Trong khi thống kê của Hoa Kỳ cho hay từ năm 2000 Mỹ đã mất khoảng 5 triệu việc làm trong ngành chế tạo. Nguyên nhân một phần là vì tự động hóa và một phần vì các hoạt động sản xuất kinh doanh ở nước ngoài nơi các chủ công ty trả lương công nhân thấp hơn nhiều so với mức họ đã trả ở Hoa Kỳ.
Như vậy là Tổng thống đắc cử Donal Trump đã đặt các nhà tư bản và các công ty Hoa Kỳ trước một sự lựa chọn:
Một là, chọn con đường đầu tư lập cơ sở sản xuất kinh doanh trong nước. Nghĩa là chấp nhận chi phí nhiều hơn cho lương bổng và thực thi nghiêm túc các quy định bảo vệ an toàn và quyền lợi của người lao động, dẫn đến giá bán sản phẩm cao, rất khó cạnh tranh với hàng hóa giá rẻ của các nước khác trên thị trường quốc tế. Hệ quả là hàng hóa có bán được trong nước cũng như hải ngoại số lượng không nhiều, lợi nhuận ắt sẽ thấp hơn nhiều so với công cuộc làm ăn mở rộng sản xuất và mậu dịch tại các nước có nhân công rẻ, chi phí thấp, giá sản phẩm rẻ.
Thế nhưng, nếu các nhà tư bản lựa chọn con đường này, để bù lại, Tổng thống đắc cử Donald Trump đã hứa sẽ đưa ra chính sách ưu đãi về thuế khóa, "giảm đáng kể thuế" và các quy định thuận lợi khác cho doanh nghiệp để bảo đảm vẫn có lời, chỉ có lời ít hay lời nhiều mà thôi.
Hai là tiếp tục con đường đầu tư cơ sở sản xuất ở nước ngoài như bao lâu nay, với lương công nhân thấp và các chính sách bảo hộ người lao động dễ dãi, giá thành sản phẩm thấp, thị trường mở rộng, bán được nhiều hàng, kiếm được nhiều lợi nhuận hơn là sản xuất tại Hoa Kỳ bán cho thị trường trong nước và các nước ngoài với mãi lực cạnh tranh thấp.
Thế nhưng, nếu tiếp tục con đường này, thì như Tổng thống đắc cử Donald Trump đã cảnh báo là các biện pháp chế tài có thể được áp dụng, như đánh thuế thật cao để thúc ép các nhà tư bản phải đưa các cơ sở sản xuất kinh doanh trở về trong nước. Những biện pháp này là áp dụng thuế suất cao tới 35% nếu sau đó các công ty cố gắng bán sản phẩm của họ trở lại ở Hoa Kỳ, có thể dẫn đến việc sản phẩm ít bán được vì giá cao. Đó là chưa kể biện pháp đánh thuế lợi tức cao đối với tiền lời do đầu tư bên ngoài khi chuyển về nước.
Tựu trung, Tổng thống tân cử Donald Trump dường như đang đặt các nhà tư bản và các công ty Hoa Kỳ phải lựa chọn giữa lợi ích cá nhân và tập đoàn (lợi nhuận cao…) với lợi ích cho các công nhân (có nhiều công ăn việc làm…) và lợi ích quốc gia (giải quyết được vấn đề thất nghiệp, xã hội an toàn hơn…).
Đó là một sự lựa chọn tuy khó khăn, nhưng theo thiển ý chúng tôi tin là hoàn toàn có thể thực hiện được, chỉ cần các nhà tư bản và các công ty chấp nhận số lời ít hơn ở mức mà hoạt động sản xuất kinh doanh không bị đình trệ, để đem công ăn việc làm vào trong nước cho người lao động chiếm số đông trong xã hội. Bởi vì thực ra mà nói lợi nhuận mà các nhà tư bản thường quá dư thừa sau khi đã thỏa mãn tối đa mọi nhu cầu của cuộc sống. Số của cải dư thừa khi chết cũng không thể mang theo, thì việc giảm bớt tiền lời mà đem lại cho nhiều người lao động một đời sống ấm no, hạnh phúc, góp phần vào trật tự an toàn xã hội, là điều các nhà bản Hoa Kỳ nên làm và có thể làm được.
* Các bài viết được đăng tải với sự đồng ý của Ðài VOA nhưng không phản ánh quan điểm hay lập trường của Chính phủ Hoa Kỳ.
  • 16x9 Image

Thiện Ý

Thiện Ý nguyên luật sư tại Sài Gòn trước 1975, hiện là Chủ tịch Câu Lạc bộ Luật khoa Việt Nam ở Houston.