Friday, November 24, 2023

Tôn giáo thuộc phạm trù đức tin, là dân quyền hiến định, cần được pháp luật bảo vệ 23/03/2023

 

Tôn giáo thuộc phạm trù đức tin, là dân quyền hiến định, cần được pháp luật bảo vệ

23/03/2023

 

23/03/2023


Thiện Ý

Ủy Ban Tự Do Tôn Giáo Quốc Tế Hoa Kỳ.

 

Tôn giáo là một trong những dân quyền căn bản của con người. Và vì vậy Hiến pháp các nước dân chủ (ngay cả độc tài) đều ghi nhận tín ngưỡng, tôn giáo hay vô thần, là quyền tự do lựa chọn của mọi công dân và được luật pháp bảo vệ.

Thiện Ý

Không phải chỉ mới đây mà đã từ lâu, một nhóm qui tụ những người Việt vô thần đội lốt tôn giáo cực đoan, đã viết báo, viết sách và các phương tiện truyền thông khác để phê bình chỉ trích, bài bác, đánh phá các tín đồ và giáo hội Công giáo nói riêng, Thiên Chúa giáo nói chung, trên hai bình diện giáo lý tín điều và lịch sử hình thành, phát triển giáo hội Công giáo tại Việt Nam. Bằng những nhận thức và suy luận chủ quan dựa trên những căn cứ giả chân lẫn lộn, các tác giả đã ngụy biện, xuyên tạc sự thật, sử dụng những ngôn từ thiếu văn hóa lăng mạ Thượng Đế và các Thần Thánh mà hàng tỷ con người có chung niềm tin yêu tôn thờ; xúc phạm thô bạo niềm tin tôn giáo cá nhân cũng như tập thể. Đồng thời, bằng mọi cách gian trá, họ đã mạ lỵ và phủ nhận công trạng các nhận vật lịch sử Việt Nam gốc Công giáo như Nguyễn Trường Tộ, Ngô Đình Diệm… Đồng thời kết tội sai trái, hồ đồ, vơ đũa cả nắm, rằng người Việt Nam Công giáo đã dẫn Pháp vào xâm lược Việt Nam và là tay sai Pháp thời Pháp thuộc. Sự thật lịch sử thế nào, chúng tôi sẽ trình bày trong một bài viết khác.

Bài viết này của chúng tôi không nhằm tham gia một cuộc tranh luận hay “bút chiến” về tôn giáo với bất cứ ai, hữu thần cũng như vô thần. Chúng tôi viết bài này chỉ để trình bày nhận thức cá nhân về tôn giáo là một phạm trù Đức tin và là một dân quyền hiến định phải được mọi người tôn trọng, luật pháp bảo vệ trước mọi xâm hại thô bạo bất cứ từ đâu tới. Vì vậy chúng tôi xin lần lượt trình bày:

·         Tôn giáo thuộc phạm trù Đức Tin của cá nhân hay tập thể

·         Tôn giáo là một trong những dân quyền hiến định cần được pháp luật bảo vệ

·         Nên chăng quốc gia cần có luật bảo vệ niềm tin tôn giáo khi bị xâm hại, xuyên tạc, lăng mạ

I - TÔN GIÁO LÀ MỘT PHẠM TRÙ ĐỨC TIN CỦA CÁ NHÂN VÀ TẬP THỂ.

Từ khi con người xuất hiện trên trái đất, qua nhiều thời đại đến nay, vấn nạn muôn thuở của loài người vẫn chưa được giải đáp thỏa đáng cho mọi người. Đó là, vũ trụ vạn vật, trong đó có con người, từ đâu đến, vận hành theo quy luật riêng của mỗi loài cũng như quy luật chung của muôn loài, qua thời gian năm tháng, hiện hữu, phát triển, suy thoái rồi tiêu vong, sẽ đi về đâu.

Con người là một sinh vật thượng đẳng, trong muôn vàn sinh vật hình thù, kích thước lớn nhỏ khác nhau, hữu hình cũng như siêu hình. Nhưng sự phát sinh sự sống, vận hành, phát triển và tiêu vong đều theo quy luật chung của loài động vật và quy luật riêng của mỗi loài sinh vật. Con người được coi là một sinh vật thượng đẳng nhờ bộ não có cấu tạo đặc biệt và phát triển nhanh hơn các sinh vật khác nên có khả năng nhận biết giới hạn về chính thân phận mình và ngày càng mở rộng tầm hiểu biết về vũ trụ vạn vật nhờ những phát minh khoa học kỹ thuật, giúp con người có thể khắc phục thiên nhiên, làm chủ xã hội, làm chủ bản thân, cải tạo được môi trường sống ngày một thuận lợi trong việc mưu cầu hạnh phúc riêng (cá nhân) cũng như chung (gia đình và xã hội) của loài người.

Tuy nhiên, cho đến nay, dù tầm tri thức đã mở rộng, do khoa học kỹ thuật tiến bộ vượt bực, song vẫn hữu hạn, nên con người vẫn chưa có câu trả lời thỏa đáng cho những vấn nạn muôn thuở của loài ngươi, là vũ trụ, vạn vật trong đó có con người từ đâu tới và sẽ đi về đâu. Và vì vậy đã có hai cách trả lời tạm thời của hai loại con người: Hữu thần và vô thần.

Người vô thần thì cho rằng vũ trụ vạn vật tự nhiên mà có và vận hành theo quy luật tự nhiên; không có thế giới nào tồn tại ngoài thế giới vật chất. Không có tinh thần hay thần linh nào tạo ra vũ trụ vạn vật. Con người cũng thế, sự sống hình thành theo quy luật truyền sinh và cuộc sống muôn màu muôn vẻ, trong đó hạnh phúc và đau khổ, công, tội, hiền, ác, thưởng, phạt… là các mặt đối lập của cuộc sống, tất cả chỉ phát sinh, tồn tại, phát triển, tiêu vong theo quy luật, ngay trong thế giới này, không có gì tồn tại sau cái chết của con người.

Trái lại, những con người hữu thần, tiêu biểu như những tín đồ và các giáo hội Thiên Chúa giáo, bằng cặp mắt Đức tin tôn giáo đã xác tín rằng từ khởi thủy, vũ trụ vạn vật trong đó có con người là do Thiên Chúa tạo dựng và cho chúng vận hành theo quy luật chung cũng như riêng. Cuộc sống trong thế giới này với các mặt đối lập: hạnh phúc và đau khổ, tội lỗi và công phúc, thiện và ác… tất cả chỉ là tạm thời, cuộc sống bất hoàn, là tiền đề cho con người tạo dựng một cuộc sống viên mãn, hạnh phúc vĩnh cửu, hay đưa con người đến một cuộc sống cùng khổ đời đời sau cái chết. Tất cả tùy thuộc vào công phúc hay tội lỗi mà con người đã làm trong suốt cuộc đời trên trần thế.

Các nhận thức khái quát trên, đã dẫn đưa đến những nhân định sau đây:

1 - Có sự khác biệt giữa hai phạm trù khoa học và phạm trù đức tin tôn giáo.

Khoa học là phạm trù “tri thức” của con người, là những sự hiểu biết căn cơ, có thể chứng minh bằng luận lý và thực nghiệm và là một chân lý tuyệt đối, vì được mọi người hữu thần cũng như vô thần công nhận như 2+2=4. Con người đã và đang nỗ lực mở rộng “tầm tri thức hữu hạn” để khám phá vô hạn các quy luật vận hành của vũ trụ vạn vật, với ước mong tìm được “chân lý tuyệt đối”, để có được câu trả lời trọn vẹn được mọi người công nhận, cho các câu hỏi muôn thuở của loài người: Vũ trụ, vạn vật trong đó có con người, từ đâu tới và sẽ đi về đâu?

Tôn giáo là phạm trù “Đức tin” của mỗi con người, tiếp nối phạm trù “tri thức hữu hạn”, do mỗi con người tùy theo hoàn cảnh sống, đã được chọn lựa cho ngay khi chào đời do gia đình và tiếp tục giữ Đức tin sau này khôn lớn; hay khi có đủ ý thức tự nguyện, tự giác lựa chọn một niềm tin tôn giáo riêng… Tất cả đều để tự giải đáp cho những vấn nạn muôn thuở của loài người và thể hiện Đức tin trong cuộc sống để đạt cùng đích của cuộc đời. Đức tin tôn giáo không thể chứng minh bằng luận lý và thực nghiệm, vì nó vượt khỏi “tầm tri thức hữu hạn” con người. Những gì mà ánh sáng khoa học (phạm trù tri thức) chưa soi rọi tới, thì ánh sáng tôn giáo (phạm trù Đức tin) sẽ soi rọi tạm thời.

2 - Phạm trù “Đức tin tôn giáo” là không thể và không nên tranh luận.

Chính sự khác biệt giữa hai phạm trù “Tri thức khoa học” và “Đức tin tôn giáo”, nên không thể và không nên có các cuộc tranh luận (về giáo lý, tín điều…), dưới bất cứ hình thức nào (miệng hay bút chiến…) giữa những người khác tôn giáo hay giữa những người hữu thần với vô thần; chỉ với mục đích tranh thắng hơn thua, phải trái, chân lý, phi chân lý, khoa học hay phản khoa học liên quan đến giáo lý, các tín điều.

Vì rằng cuộc tranh luận này chẳng khác gì câu chuyên ngụ ngôn về 5 người mù cãi nhau về hình thù con voi sau khi mỗi người chỉ được cho sờ vào một bộ phận của con voi. Người sờ được vòi voi thì nói hình thù con voi giống con đỉa, anh sờ tai voi thì nói voi giống cái quạt, kẻ sờ chân voi thì nói voi giống cột nhà... Hệ quả là không ai chịu ai về hình thù con voi, ai cũng cho mình là đúng. Tình cảm đoàn kết yêu thương trước đó chắc sẽ sứt mẻ là điều không tránh khỏi sau cuộc cãi nhau này. Có lẽ họ chỉ ngừng cãi nhau, tình cảm ấm áp được tái lập nguyên trạng, cho đến khi được chữa cho đôi mắt của họ sáng ra, để nhìn thấy hình thù thật sự của con voi.

Những người tranh luận về tôn giáo cũng vậy. Làm sao có thể đồng ý được với nhau khi mỗi người do hoàn cảnh sinh ra trong các gia đình có tôn giáo khác nhau, thường theo tôn giáo của cha mẹ. Hậu quả sẽ rất tai hại trong quan hệ tình cảm cá nhân, gây chia rẽ hận thù giữa con người với con người, phân hóa dân tộc. Trừ khi hậu quả này là ý đồ thực sự của chính những kẻ gây ra tranh luận. Điển hình như việc làm các thành viên nhóm đánh phá Công giáo từ bao lâu nay trên mạng ảo cũng như thực địa.

3 - Đức tin tôn giáo là ý thức chủ quan của mỗi cá nhân.

Đức tin tôn giáo hay vô thần là sự tự do lựa chọn của mỗi con người, là nhu cầu tinh thần của mỗi cá nhân. Anh tin thì theo, không tin thì không theo tôn giáo. Nhưng ai cũng phải tôn trọng niềm tin của người khác, dù niềm tin ấy anh cho là phi lý, là mê tín dị đoan, là phản khoa học, anh vẫn không có quyền bài bác, nhất là phỉ bang mạ lỵ thậm từ ngay cả đấng Thần Linh mà họ tôn thờ; xúc phạm thô bạo, nặng nề đến niềm tin tôn giáo, gây phẫn nộ cho các tín đồ có chung niềm tin, như việc làm có chủ đích bao lâu nay của nhóm người Việt chống phá tôn giáo.

Vì là nhu cầu tinh thần cá nhânnên trong cuộc sống thực tế nền tảng chung hình thành tình cảm giữa người với người là nhân bản.

Vì vậy mới có tình yêu, tình bạn thắm thiết giữa những người khác tôn giáo. Và vì vậy, không thể và không nên tranh luận về giáo lý, tín điều, về ánh sáng và bóng tối trong lịch sử hình thành các tôn giáo, giữa những người vô thần hay khác Đức tin. Có chăng là sự trao đổi để hiểu biết lẫn nhau, trong sự tương kính, tế nhị không phương hại đến tình cảm và cuộc sống hài hòa vốn có giữa những người khác tôn giáo, có chung thân phận con người, có chung những vấn nạn mà mỗi tôn giáo đã có câu trả lời theo giáo lý, tín điều riêng. Đó là những chân lý tuyệt đối về mặt chủ quan đối với tín đồ, nhưng lại là chân lý tương đối về mặt khách quan với người khác niềm tin.

II - TÔN GIÁO LÀ MỘT TRONG NHỮNG DÂN QUYỀN HIẾN ĐỊNH CẦN ĐƯỢC LUẬT PHÁP BẢO VỆ.

Tôn giáo là một trong những dân quyền căn bản của con người. Và vì vậy Hiến pháp các nước dân chủ (ngay cả độc tài) đều ghi nhận tín ngưỡng, tôn giáo hay vô thần, là quyền tự do lựa chọn của mọi công dân và được luật pháp bảo vệ. Hiến pháp Hoa Kỳ, Điều I của tu chính án đầu tiên đã ghi “Quốc hội không được làm luật thiết lập một tôn giáo (như một quốc giáo) và ngăn cản quyền tự do hành đạo”. Ngay cả chế độ độc tài toàn trị cộng sản hiện nay tại Viêt Nam cũng ghi nơi Điều 70 “Công dân có quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, theo hoặc không theo một tôn giáo nào. Các tôn giáo đều bình đẳng trước pháp luật…”

Thế nhưng dù tôn giáo được các hiến pháp ghi nhân như một trong những dân quyền cơ bản, trên thực tế đã không có luật lệ riêng nào bảo vệ tôn giáo khi bị xâm hai, xúc phạm, lăng mạ thô bạo như luật bảo vệ lợi ích và danh dự cá nhân công dân trong quốc gia khi bị xâm hại.

Một cách cụ thể là tại sao đời tư một cá nhân khi bị kẻ khác xuyên tạc, vu cáo, nhục mạ bằng lời nói hay hành động làm mất danh dự, gây thiệt hại tinh thần hay vật chất cho mình, đều có thể khởi kiện trước tòa đòi bồi thường danh dự và những thiệt hại tinh thần cũng như vật chất do sự xuyên tạc, vu cáo, mạ lỵ gây ra. Trong khi, những kẻ như nhóm người Việt chống phá tôn giáo đã dùng sách báo và phương tiện truyền thông xuyên tạc giáo lý, tín điều, lịch sử các giáo hội Thiên Chúa Giáo, nhục mạ thậm từ Thiên Chúa và các thánh thần được hàng tỷ tín đồ thờ kính, xúc phạm thô bạo niềm tín tôn giáo của các tín đồ, xâm phạm đời tư cá nhân các tín đồ, nội bộ các giáo hội, gây thiệt hại nghiêm trong về tinh thần cũng như vật chất của thể nhân (Tín đồ) và pháp nhân (Các giáo hội)… thì tại sao các tín đồ và các giáo hội lại không thể đứng dân sự nguyên cáo để đưa các bị cáo ra trước pháp luật? Phải chăng vì chưa có luật bảo vệ tôn giáo chống lại sự xâm hại, nên những kẻ thù của tôn giáo nói chung, của Thiên Chúa Giáo nói riêng đã ngang nhiên xuyên tạc, vu khống, mạ lỵ tôn giáo; như nhóm chống phá tôn giáo vẫn ngang nhiên hành động bấy lâu nay, bất chấp sự phẫn nộ của những tín đồ?

Và do đó….

III - NÊN CHĂNG QUỐC GIA CẦN CÓ LUẬT BẢO VỆ NIỀM TIN TÔN GIÁO KHI BỊ XÂM HẠI, LĂNG MẠ THẬM TỪ?

Vì sao? Thật đơn giản, tự do tôn giáo đã là dân quyền hiến định, thì mọi công dân có quyền tự do lựa chọn tôn giáo theo niềm tin cá nhân, hành đạo và truyền đạo, quyền tham gia các sinh hoạt của giáo hội. Bất cứ sự vi phạm nào của bất cứ ai, chính quyền cũng như cá nhân, tập thể nào đều là vi hiến, phải bị pháp luật trừng phạt.

Vậy thì, nếu có những hành vi xuyên tạc, vu khống, nhục mạ thô bạo tôn giáo, gây hậu quả nghiệm trọng của cá nhân hay pháp nhân thì các tín đồ (thể nhân) hay Giáo hội (Pháp nhân) có quyền cầu viện đến công lý hay không?

Cho đến nay, dường như chưa có một án lệ nào về tố quyền này được khởi động, ngay cả ở nước dân chủ bậc nhất như Hoa Kỳ. Phải chăng vì không có một luật riêng bảo vệ tôn giáo khi bị xâm hại như thế; mà chỉ được bảo vệ bằng luật pháp phổ quát áp dụng cho mọi công dân về hình cũng như về dân luật? Hay vì chưa có tín đồ nào, giáo hội nào, căn cứ trên luật lệ hình hộ hiện hành của quốc gia áp dụng cho mọi công dân và pháp nhân, để khởi kiện khi bị xuyên tạc, mạ lỵ, xúc phạm nặng nề niềm tin tôn giáo, gây thiệt hại thực sự về tinh thần cũng như vật chất cho tín đồ và giáo hội?

Vì vậy, để chấm dứt những kẻ lợi dụng quyền tự do ngôn luận xâm phạm quyền tự do tôn giáo của người khác, bằng những lời nói, sách báo, truyền thông và hành động xúc phạm thô bạo niềm tin tôn giáo các tín đồ và các giáo hội, chúng tôi đề nghị hai phương cách:

1 - Căn cứ trên luật lệ hiện hành về hình sự, dân sự của quốc gia nơi bị cáo cư ngụ, với tư cách cá nhân hay tập thể tín đồ, hay Giáo hội, sẽ thử đứng đơn khởi kiện trước tòa án thẩm quyền để đòi kẻ xuyên tạc, vu khống, mạ lỵ xúc phạm niềm tin tôn giáo, gây tổn hại tinh thần và vật chất cho cá nhân hay tập thể (Các tín đồ) hay cho pháp nhân (Các giáo hội) phải trả lời trước pháp luật

2 - Vận động, thúc đẩy các nghị sĩ dân biểu có tôn giáo các nước sở tại, soạn thảo một đạo luật riêng nhằm bảo vệ niềm tin tôn giáo, đệ trình Quốc hội thông qua, ban hành thành luật cưỡng hành, nhằm chống lại mọi hành vi tấn công, xuyên tạc, vu khống, mạ lỵ tôn giáo thô bạo; tương tự như việc làm của nhóm người Việt bao lâu nay đối với các tín đồ và giáo hội Thiên Chúa Giáo.

Sở dĩ quốc gia cần có biện pháp pháp lý rõ ràng, riêng biệt cho tôn giáo, là để ngăn chặn các hành vi tấn công tôn giáo. Vì với ý đồ gì đi nữa, đều có hậu quả nghiêm trọng nhiều mặt, không chỉ về tôn giáo, mà cả về xã hội. Vì một khi tấn công và xúc phạm nặng nề đến niềm tin bất cứ tôn giáo nào, là đụng chạm đến quyền lợi hợp pháp, chính đáng của một tập thể công dân đông đảo trong xã hội, sẽ dẫn đến sự phẫn nộ có thể gây xáo trộn an ninh trật tự xã hội, chia rẽ tôn giáo, phân hóa dân tộc, phá đổ quan hệ xã hội nhân bản tốt đẹp, hài hòa, đoàn kết yêu thương gắn bó giữa người với người dù khác tôn giáo, khác niềm tin có nhu cầu sống chung.

Đó là chưa kể những hậu quả nghiêm trọng hơn từng xảy ra trong lịch sử các cuộc chiến tranh tôn giáo, mà nguyên nhân chính là do những kẻ lợi dụng tôn giáo gây kích động căm thù giữa các tôn giáo với hậu ý chính trị. Tương tự như hành động bao lâu nay của nhóm người Việt chống phá tôn giáo, không có động lực, ý đồ nào khác hơn, nhằm phá nát sự đoàn kết tôn giáo tại hải ngoại cũng như trong nước. Ai chủ mưu và việc làm này lợi hại cho ai, không cần nói ra, người Việt Nam trong và ngoài nước, có tín ngưỡng hay tôn giáo đều có thể đoán được.

 

Việt Nam có quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo không? 21/03/2023

 

Việt Nam có quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo không?

21/03/2023


Chính quyền Việt Nam công bố sách trắng tôn giáo ngày 9/3/2023. Photo Truyen hinh Thong Tan VNews.

Chia sẻ

 

Nghĩa là nhà cầm quyền Việt Nam chỉ cần hành xử với tín ngưỡng, tôn giáo theo đúng định nghĩa của luật pháp quốc tế về quyền tự do tín ngưỡng và...

Thiện Ý

Theo tin tổng hợp giới truyền thông, sau hơn 16 năm kể từ năm 2007, khi được Hoa Kỳ đưa ra khỏi danh sách CPC trong giai đoạn 2004-2005, hôm 9/3/2023 vừa qua, nhà đương quyền Việt Nam đã phát hành sách trắng tôn giáo, trong đó “khẳng định các tôn giáo đều bình đẳng trước pháp luật”, và rằng “Nhà nước không phân biệt đối xử vì lý do tín ngưỡng, tôn giáo”.

Thế nhưng các nhóm tôn giáo độc lập lại coi động thái này là “bức bình phong” nhằm che đậy các vi phạm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo kéo dài tại Việt Nam, đã là nguyên nhân khiến bộ ngoại giao Hoa Kỳ đưa Hà Nội vào danh sách cần được theo dõi đặc biệt (Special Watch List - SWL).

Vậy thì tại Việt Nam bao lâu nay có quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo không? Trả lời cho câu hỏi này không đơn giản chỉ bằng một từ “có” hay “không”. Vì tại Việt Nam quyền tự do tín ngưỡng tôn giáo về mặt pháp lý cũng như thực tế vừa có lại vừa không.

Vì vậy, theo thiển ý, câu trả lời tổng quát cho câu hỏi này một cách khách quan là: Tại Việt Nam có quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo trên bình diện pháp lý cũng như thực tế; nhưng vẫn còn bị hạn chế và có nhiều vi phạm. Chính vì vậy nên thực tế thường có các cuộc đấu tranh của người dân có tín ngưỡng, tôn giáo (thể nhân) và các giáo hội (pháp nhân) trong nước; và sự tố cáo, lên án, chế tài của quốc tế, đối với các vi phạm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của nhà đương quyền Việt Nam. Bài viết này lần lược trình bày:

I - Tại Việt Nam có quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo song vẫn có những vi phạm các quyền này trên cả hai bình diện pháp lý cũng như thực tế thế nào?

1 - Trên bình diện pháp lý, Hiến pháp và Luật tín ngưỡng, tôn giáo của Việt Nam đều quy định quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, như sau:

Điều 24 Hiến pháp 2013, quy định quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo như:

Mọi người có quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, theo hoặc không theo một tôn giáo nào. Các tôn giáo bình đẳng trước pháp luật.

- Nhà nước tôn trọng và bảo hộ quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo.

- Không ai được xâm phạm tự do tín ngưỡng, tôn giáo hoặc lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo để vi phạm pháp luật.

Quyền tự do hiến định này đã được quy định chi tiết tại Điều 6 Luật Tín ngưỡng, tôn giáo 2016, như sau:

Mọi người có quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, theo hoặc không theo một tôn giáo nào.

- Mỗi người có quyền bày tỏ niềm tin tín ngưỡng, tôn giáo; thực hành lễ nghi tín ngưỡng, tôn giáo; tham gia lễ hội; học tập và thực hành giáo lý, giáo luật tôn giáo.

- Mỗi người có quyền vào tu tại cơ sở tôn giáo, học tại cơ sở đào tạo tôn giáo, lớp bồi dưỡng của tổ chức tôn giáo. Người chưa thành niên khi vào tu tại cơ sở tôn giáo, học tại cơ sở đào tạo tôn giáo phải được cha, mẹ hoặc người giám hộ đồng ý.

- Chức sắc, chức việc, nhà tu hành có quyền thực hiện lễ nghi tôn giáo, giảng đạo, truyền đạo tại cơ sở tôn giáo hoặc địa điểm hợp pháp khác.

- Người bị tạm giữ, người bị tạm giam theo quy định của pháp luật về thi hành tạm giữ, tạm giam; người đang chấp hành hình phạt tù; người đang chấp hành biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc có quyền sử dụng kinh sách, bày tỏ niềm tin tín ngưỡng, tôn giáo.

Thế nhưng trên bình diện pháp lý này, vẫn có những quy định hạn chế quyền tự do tín ngưỡng tôn giáo, như những quy định vi phạm quyền độc lập tự chủ của các giáo hội và phân biệt đối xử các giáo hội độc lập.

2 - Trên bình diện thực tế, nhìn tổng thể, ai cũng thấy người dân đã được tự do thực hiện quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo thể hiện qua các hoạt động tín ngưỡng cá nhân hay tập thể tín đồ và chức sắc các tôn giáo, các giáo hội được tự do phát triển nhiều mặt. Tuy nhiên, đó đây vẫn đã có những vi phạm qua nhiều vụ sách nhiễu, đe dọa, bắt cầm tù các cá nhân tín đồ và các chức sắc các giáo hội độc lập như Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống Nhất, Giáo hội Phật giáo Hòa Hảo tự chủ, Giáo hội Cao đài độc lập, một số giáo phái Tin Lành Tây Nguyên, không được nhà nước cho phép hoạt động… Nghĩa là, đối với một số cá nhân tín đồ, chức sắc các giáo hội mà các hoạt động tôn giáo của họ bị nhà cầm quyền chính trị hóa như là có mục đích chống chế độ, cần trấn áp, bắt bờ tù đày để bảo vệ an toàn cho chế độ. Nhà cầm quyền giải thích các hoạt động tôn giáo này như là vi phạm pháp luật, nên phải bị trừng phạt theo pháp luật, chứ không chấp nhận sự tố cáo là vi phạm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo.

II - Tại saoViệt Nam vẫn tồn tại những vi phạm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo trên cả hai bình diện pháp lý lẫn thực tế?

1 - Vì trên bình diện pháp lý, nhà đương quyền Việt Nam vẫn có những quy định dưới luật can thiệp, kiểm soát công việc tổ chức, điều hành, nội bộ các giáo hội. Đó là sự vi phạm thô bạo quyền độc lập, tự chủ của các giáo hội và quyền tự do tín ngưỡng của cá nhân các tín đồ. Tỷ như quy định các giáo hội phải trình báo (xin phép trước) cơ quan quản lý tôn giáo của nhà nước (Ban tôn giáo chính phủ) danh sách, lý lịch của các tu sinh, các chức sắc tôn giáo khi đào tạo, phong chức, bổ nhiệm cai quản các giáo phận... Tất cả chỉ được thực hiện sau khi được cơ quan chức năng quản lý nhà nước xét duyệt cho phép.

2 - Vì trên bình diện thực tiễn nhà cầm quyền Việt Nam đã vi phạm các quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo qua các hành động thường xuyên đe doa, bắt bớ giam cầm các tín đồ và các chức sắc tôn giáo sinh hoạt độc lập, không được nhà cầm quyền cấp phép hoạt động. Vì chủ quan cho rằng cá nhân các tín đồ hay chức sắc của các giáo hội độc lập này có tư tưởng chống chế độ; có thể lợi dụng các hoạt động tôn giáo quy tụ quần chúng chống và nhằm lật đổ chính quyền. Thực tế không phải như vậy, sở dĩ các tín đồ, cức sắc các giáo hội này không chống chế độ mà chỉ lên tiếng tố cáo nhà cầm quyền vi phạm quyền tực do tôn giáo, vì đã không được cấp phép hoạt động do định kiến của nhà cầm quyền. Đồng thời không chấp nhận gia nhập vào các giáo hội do nhà nước cho phép hoạt động (mà người dân gọi là các giáo hội quốc doanh). Như vậy là nhà nước Việt Nam đã có sự phân biệt đối xử giữa các tín đồ, các chức sắc tôn giáo và các giáo hội hoạt động tôn giáo độc lập không được cấp phép; với các tin đồ chức sắc và các giáo hội được cấp phép. Sự phân biệt đối xử này hiển nhiên là vi phạm pháp luật của chính chế độ (Hiến pháp và luật pháp) và luật quốc tế về tự do tín ngưỡng, tôn giáo (*).

Đúng như Hòa thượng Thích Vĩnh Phước, một thành viên thuộc Tăng đoàn Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất, một tổ chức không được Hà Nội công nhận, trả lời VOA, rằng “thực chất các tổ chức tôn giáo độc lập tại Việt Nam luôn bị nhà nước đàn áp bằng cách này, cách nọ”.

Cùng quan điểm với Hòa thượng Thích Vĩnh Phước là Linh mục Đinh Hữu Thoại thuộc Dòng Chúa Cứu Thế Việt Nam, người đang bị chính quyền cấm xuất cảnh, có lẽ chỉ vì những bài giảng đạo tại nhà thờ bị coi là có tư tưởng chống chế độ XHCN và tố cáo các vi phạm nhân quyền, dân quyền trong đó có tự do tôn giáo tại Việt Nam. Linh mục Thoại đã nêu nhận định với VOA:

…Việt Nam vừa ra sách trắng về tôn giáo, tôi nghĩ đây có lẽ là một cách để họ chống chế việc vừa rồi bị Bộ Ngoại giao Mỹ đưa vào danh sách SWL. Thực tế vấn đề tự do tôn giáo ở Việt Nam xưa nay vẫn vậy… Sách trắng với nội dung tuyên truyền mà xưa nay họ tuyên truyền rằng “Việt Nam có tự do tôn giáo”, “Nhà nước tôn trọng tự do tôn giáo”…”

Họ có thể dùng quyển sách này để trưng ra cho thế giới thấy rằng Việt Nam có tự do tôn giáo như những gì họ viết. Nhưng thực tế thì không đúng như những gì họ viết”.

Linh mục thuộc Dòng Chúa Cứu Thế nói thêm rằng, nếu thế giới muốn tìm hiểu về tự do tôn giáo Việt Nam thì hãy gặp gỡ trực tiếp các nhóm tôn giáo độc lập không được chính quyền công nhận, chứ sách trắng này chỉ là “bức bình phong” che chắn mà thôi.

Từ An Giang ở đồng bằng sông Cửu Long, ông Lê Quang Hiển, Chánh thư ký Ban Trị sư Trung ương Giáo hội Phật giáo Hòa Hảo Thuần túy, đồng thời là Thư ký Hội đồng Liên tôn, tổ chức tập hợp các nhóm tôn giáo độc lập ở Việt Nam, chia sẻ quan điểm với VOA hôm 13/3 về sự ra đời của sách trắng tôn giáo:

Đối với nhà nước CHXHCN Việt Nam này, đó là lừa bịp thế giới, lừa bịp người dân trong nước, nói rằng “Việt Nam có tự do về tôn giáo, nhân quyền”, nhưng mà đó là một vấn đề quá xa vời vì dân chúng Việt Nam hiện tại sống ở đây hiểu thế nào “tự do tôn giáo” rồi!” Ông nói “Những giáo hội độc lập không theo nhà nước, như của chúng tôi đã có từ trước 1975, dù có xin phép, nhưng cũng không bao giờ được công nhận”.

III - Vậy nhà đương quyền Việt Nam cần làm gì để không còn người dân nào phải đấu tranh cho quyền tự do tôn giáo và quốc tế không còn quan tâm lên án, chế tài vì vi phạm quyền tự do tôn giáo?

Thiết tưởng nhà cầm quyền Việt Nam chỉ cần thay đổi cách nhìn và cách đối xử với các tín đồ, các sức sắc và giáo hội của các tôn giáo. Nghĩa là không nên chính trị hóa các hoạt động tôn giáo của cá nhân các tín đồ và chức sắc các giáo hội. Cụ thể:

1 - Nhận thức lại về bản chất và vai trò của tín ngưỡng tôn giáo trong đời sống xã hội của người dân.

Nghĩa là đừng coi tín ngưỡng tôn giáo như những đối tượng nguy hiểm cần phải theo dõi, trấn áp, đề phòng có thể đe dọa đến sinh mạng chính trị chế độ. Vì thực tế hơn ai hết, nhà cầm quyền Việt Nam phải biết và tự tin rằng các giáo hội không thể là mối đe dọa sinh mạng chế độ. Trái lại, phải coi đó là một trong những nhân quyền, dân quyền căn bản, là nhu cầu tâm linh tự nhiên, thiêng liêng, bất khả xâm phạm, không thể thiếu của con người qua mọi thời đại và không sức mạnh nào có thể tiêu diệt. Chính tín ngưỡng, tôn giáo là những nhân tố tích cực góp phần đem lại hạnh phúc cho cuộc sống con người và góp phần quan trọng vào sự ổn định và nền đạo đức xã hội. Vì một xã hội có thần linh mà tội ác, lối sống vô đạo còn gia tăng, thì một xã hội phi tôn giáo tội ác và tiêu cực xã hội nhiều mặt ắt phải gia tăng nhiều hơn nữa. Vì vậy không nên chính trị hóa các giáo hội như các tổ chức chính trị, có tham vọng giành chính quyền với đảng CSVN như các đảng phái hay tổ chức chính trị.

2 - Thực sự tôn trọng, bảo vệ quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo trên cả hai bình diện pháp lý cũng như thực tiễn chỉ có lợi chứ không có hại gì cho chế độ.

Nghĩa là, nhà cầm quyền Việt Nam hãy để cho mọi người dân và các giáo hội được hoàn toàn tự do, không bị ngăn cản, hạn chế và không bị phân biệt đối xử trong sinh hoạt tín ngưỡng cá nhân cũng như các sinh hoạt tôn giáo của các tín đồ, chức sắc của các giáo hội. Đồng thời, nhà nước cần tôn trọng quyền dộc lập, tự chủ về tổ chúc, điều hành các hoạt động tôn giáo của các giáo hội và chỉ can thiệp khi có sự vi phạm pháp luật liên quan đến an toàn, trật tự công cộng và phương hại lợi ích hợp pháp, chính đáng của các công dân khác.

Nghĩa là nhà cầm quyền Việt Nam chỉ cần hành xử với tín ngưỡng, tôn giáo theo đúng định nghĩa của luật pháp quốc tế về quyền tự do tín ngưỡng (**) và vận dụng vào thực tiễn Việt Nam tương tự như cách hành xử của các chính quyền trong các nước dân chủ khác trên thế giới; mà ở đó không thấy hay ít khi có người dân nào biểu tình tố cáo và đòi hỏi nhà cầm quyền phải tôn trọng quyền tự do tín ngưỡng tôn giáo. Mong Việt Nam sớm có được tình trạng tự do tín ngưỡng và tự do tôn giáo ổn định như vậy.

Thiện Ý

(*) - Luật pháp quốc tế về quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo tài liệu tham khảo:

(1) - Tuyên ngôn nhân quyền và dân quyền nổi tiếng của Pháp ngày 26-8-1789 đã nói đến tự do cá nhân, tự do tư tưởng, tự do tôn giáo.

“Không ai phải lo lắng về những quan điểm của họ, bao gồm cả những quan điểm về tôn giáo, miễn là sự thể hiện chúng không làm ảnh hưởng tới trật tự công cộng được pháp luật bảo vệ”.

(2) - Hiến chương Liên Hợp Quốc, 1945 đã đề cập đến nội dung quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo theo hướng:

“Khuyến khích phát triển sự tôn trọng các quyền của con người và các quyền tự do cơ bản cho tất cả mọi người không phân biệt chủng tộc, giới tính, ngôn ngữ hoặc tôn giáo”.

(3) - Tuyên ngôn quốc tế về Quyền con người, 1948 (UDHR)

Tuyên ngôn Toàn thế giới về Quyền con người năm 1948 của Liên Hợp Quốc là văn kiện quốc tế đầu tiên ghi nhận quyền tự do tư tưởng, tín ngưỡng và tôn giáo, khẳng định:

“Mọi người đều có quyền tự do tư tưởng, tín ngưỡng và tôn giáo, kể cả tự do thay đổi tín ngưỡng hoặc tôn giáo của mình, và tự do bày tỏ tín ngưỡng hay tôn giáo của mình bằng các hình thức như truyền giảng, thực hành, thờ cúng và tuân thủ các nghi lễ, dưới hình thức cá nhân hay tập thể, tại nơi công cộng hoặc nơi riêng tư”.

(4) - Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị, 1966 (ICCPR)

Quyền tự do tư tưởng, lương tâm và tôn giáo được quy định tại Khoản 1, Điều 18 với bốn nội dung cụ thể, theo đó: “Mọi người đều có quyền tự do tư tưởng, lương tâm và tôn giáo. Quyền này bao gồm tự do có hoặc theo một tôn giáo hoặc tín ngưỡng do mình lựa chọn và tự do bày tỏ tín ngưỡng hoặc tôn giáo một mình hoặc trong cộng đồng với những người khác, công khai hoặc kín đáo, dưới các hình thức như thờ phụng, cầu nguyện, thực hành và truyền giảng”.

Khoản 3 Điều 18: Khác với bản thân quyền tự do tư tưởng, lương tâm, tôn giáo và tín ngưỡng là những quyền tuyệt đối, không thể giới hạn, theo ICCPR, việc biểu đạt, bày tỏ (manifest) tôn giáo và tín ngưỡng lại có thể bị giới hạn:

“Quyền tự do bày tỏ tôn giáo hoặc tín ngưỡng chỉ có thể bị giới hạn bởi pháp luật và khi sự giới hạn đó là cần thiết để bảo vệ an toàn, trật tự công cộng, sức khoẻ hoặc đạo đức xã hội, hoặc để bảo vệ các quyền và tự do cơ bản của người khác”.

 

 

 

 

 

50 năm nhìn lại Hiệp Định Paris (1973 – 2023) 27/01/2023

 

50 năm nhìn lại Hiệp Định Paris (1973 – 2023)

27/01/2023     


"Hiệp định Paris như là tập giấy lộn, như trò đùa, ký mà chơi, có giá trị như một bản án tử hình chế độ Việt Nam Cộng Hoà được thi hành ai năm sau đó."

 

Vẫn là câu nói đúng của cố Tổng Thống Việt Nam Cộng Hòa Nguyễn Văn Thiệu: “Đừng nghe những gì cộng sản nói, mà hãy nhìn kỹ những gì cộng sản làm”.

Thiện Ý

Ngày hôm nay, 27 tháng Giêng, 50 năm về trước, 1973, Hiệp Ðịnh Paris về chấm dứt chiến tranh lập lại hoà bình cho việt Nam, được ký kết bởi bốn bên trong cuộc chiến: Hoa Kỳ, Việt Nam Cộng Hoà, Việt Nam Dân Chủ Cộng Hoà (tức Cộng sản Bắc Việt) và Chính phủ Cách Mạng Lâm Thời Cộng Hoà Miền Nam Việt Nam (con đẻ của Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam, công cụ thôn tính cộng sản hóa Miền Nam Việt Nam của Cộng Sản Bắc Việt).

Nhân dịp này, chúng tôi muốn đưa ra một số nhận định về giá trị pháp lý và thực thi của bản hiệp định này để cùng rút ra bài học kinh nghiệm.

Giá trị ấy là gì?

Xin thưa, câu trả lời tổng quát, đó chỉ là một văn kiện pháp lý mà các bên ký kết đều biết trước sẽ không bao giờ được thực thi. Nói nôm na, đó chỉ là tập giấy lộn, có giá trị như một bản án tử hình chế độ Việt Nam Cộng Hoà, được Ngoại trưởng Hoa Kỳ Henry Kissinger và Lê Ðức Thọ của Cộng sản Bắc Việt hợp soạn; để rồi hai năm sau đó cưỡng tử Việt Nam Cộng Hoà vào ngày 30 tháng 4 năm 1975, vi phạm trắng trợn bản Hiệp định Paris về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình cho Việt Nam; trước sự phủi tay không thương tiếc của người bạn đồng minh Hoa kỳ, và sự làm ngơ của những cam kết quốc tế bảo đảm cho việc thực thi hiệp định này.

Thật vậy, như mọi người đều biết, sau biến cố Tết Mậu Thân 1968 ít lâu, Hội Nghị tại Paris khởi sự ở Pháp Quốc để tìm giải pháp chấm dứt chiến tranh Việt Nam. Thất thế đầu tiên cho chính quyền Việt Nam Cộng Hoà ở Miền Nam là, dưới áp lực của Hoa Kỳ, đã phải ngồi vào bàn hội nghị bốn bên (thay vì chỉ có hai bên), dù biết rằng bị đặt ngang hàng với một bên là Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam, vốn là công cụ thôn tính Miền Nam của Cộng Sản Bắc Việt.

Kế đến, nhiều ngày tháng sau đó, trong khi bề ngoài các bên tranh cãi nhau về hình dạng bàn họp hội nghị là bàn vuông hay bàn tròn, để sau cùng đi đến bàn bầu dục, thì Cố vấn an ninh quốc gia kiêm Ngoại Trưởng Hoa Kỳ Henry Kissinger và Lê Ðức Thọ Ủy viên Bộ chính trị đảng CSVN, đã bí mật và chủ động soạn thảo ra văn kiện Hiệp Ðịnh Paris về chấm dứt chiến tranh, lập lại Hoà Bình ở Việt Nam, với nhiều điều khoản bất lợi, không chút bảo đảm gì cho sinh mạng chính trị chế độ Việt Nam Cộng Hoà (Trái với ý muốn của chính phủ và nhân dân VNCH; song phù hợp với ý đồ của cả bạn (Hoa Kỳlẫn thù (CSBV)).

Vậy mà Kissinger đã ép buộc chính phủ Việt Nam Cộng Hoà phải ký vào bản Hiệp định Paris. Chính phủ của Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu lúc đầu đã quyết liệt chối từ và lập tức bị Kissinger làm áp lực, đe dọa đủ điều. Sau vài sửa đổi một số điều khoản theo đòi hỏi của Việt Nam Cộng Hoà có tính nguyên tắc hơn là giá trị thực thi, cùng với sự gia tăng áp lực nặng nề lên chính phủ Nguyễn Văn Thiệu, kèm theo những lá thư phủ dụ, cam kết bảo đảm thực thi trong quan hệ riêng tư của Tổng thống Hoa Kỳ Richard Nixon gửi cho Tổng Thống Thiệu, chính phủ Việt Nam Cộng Hoà đã không có sự chọn lựa nào khác là phải ký vào bản Hiệp Ðịnh Paris ngày 27-1-1973.

Hệ quả là: Hoa Kỳ đã có căn bản pháp lý để rút chân ra khỏi cuộc chiến một cách danh dự, sau khi đạt được những mục tiêu chiến lược trong vùng thông qua cuộc chiến Việt Nam, vì động thái này xảy ra sau Thông cáo chung Thượng Hải 1972 ký giữa TT. Hoa Kỳ Richard Nixon và Chủ tịch Trung quốc Mao Trạch Đông. Đây là kết quả những chuyến đi ngoại giao con thoi của Henry Kissinger giữa Washington – Moscow và Bắc kinh để tìm sự đồng thuận đi đến kết thúc hình thái chiến tranh nóng trong vùng; để thiết lâp một “nền trật tự kinh tế quốc tế mới” hay là “chiến lược toàn cầu mới” hậu Chiến tranh lạnh hay chiến tranh ý thức hệ toàn cầu giữa cộng sản chủ nghĩa và tư bản chủ nghĩa. Hiệp định Paris chính là căn bản pháp lý để Hoa Kỳ rút hết quân tham chiến về nước. Việc làm này đồng nghĩa với việc bỏ rơi Việt Nam Cộng Hoà và thả nổi cho Cộng Sản Bắc việt thôn tính Miền Nam Việt Nam vào ngày 30-4-1975. Chiến tranh Việt Nam kết thúc như một kịch bản, diễn ra không bình thường, ít nhiều bất ngờ cho cả hai bên nội chiến (CS Bắc Việt và Quốc gia Nam Việt), Chính vì vậy, chúng tôi cho rằng cuộc chiến tranh Việt Nam kết thúc như thế, không phải là thắng lợi của phe này (Việt cộng) đối với phe kia (Việt Quốc); mà chỉ là vì nhu cầu thay đổi thế chiến lược quốc tế mới của các cường quốc cực mà thôi.

Thật vậy, trong 9 chương, 23 điều của bản Hiệp Ðịnh Paris, chúng ta hãy đọc lại những điều mật ngọt nơi khoản (b) điều 9 Chương IV quy định “Việc thực hiện quyền tự quyết của nhân dân Miền Nam Việt Nam” như sau:

“ b) Nhân dân Miền Nam Việt Nam tự quyết định tương lai chính trị của Miền Nam Việt Nam thông qua tổng tuyển cử thực sự tự do và dân chủ, có giám sát quốc tế.”

Khoản (a) điều 11 thì ghi “Ngay sau khi ngưng bắn, hai bên Miền Nam Việt Nam sẽ hiệp thương trên tinh thần hoà giải và hoà hợp dân tộc, tôn trọng lẫn nhau và không thôn tính lẫn nhau để thành lập Hội Ðồng Quốc Gia Hoà Giải và Hoà Hợp Dân Tộc gồm ba thành phần ngang nhau...”.

Vẫn chưa hết những điều mật ngọt, điều 15 của chương V Hiệp Ðịnh Paris quy định rất rõ ràng: “Việc thống nhất nước Việt Nam sẽ được thực hiện từng bước bằng phương pháp hoà bình trên cơ sở bàn bạc và thoả thuận giữa Miền Bắc và Miền Nam Việt Nam, không bên nào cưỡng ép hoặc thôn tính bên nào... Thời gian thống nhất sẽ do Miền Bắc và Miền Nam thoả thuận...”

Đến đây thì ai cũng thấy rõ ràng là thực tế hoàn toàn trái ngược với những quy định pháp lý, cam kết bảo đảm quốc tế và giá trị thực sự của bản Hiệp Định Paris về chấm dứt chiến tranh lập lại hoà bình cho Việt Nam do bốn bên ký kết ngày 27-1-1975. Đây chỉ như là tập giấy lộn, như trò đùa, ký mà chơi, có giá trị như một bản án tử hình chế độ Việt Nam Cộng Hoà được thi hành hai năm sau đó.

Bởi vì, mọi bảo đảm, giám sát quốc tế, ghi trong bản Hiệp Định này đã không được thực thi, mọi biện pháp chế tài kẻ vi phạm vẫn không được thực hiện, trước sự vi phạm trắng trợn của cả hai mà thực sự là một: Cộng sản Bắc việt và công cụ xâm lược là Mặt Trận Giải Phóng Miến Nam Việt Nam. Chính công cụ này, được CSBV dựng lên vào Tháng 12-1960, đã dùng bạo lực quân sự cưỡng chiếm Miền Nam Việt Nam. Sau 55 ngày đêm tiến hành cái gọi là “Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử” mà thực tế chỉ là sự tiếp quản không cần chiến đấu, với tốc độ tiến quân chậm hơn tốc độ “di tản” của quân đội đối phương (VNCH), đến độ không kịp chuẩn bị đủ người để tiếp quản.

Đến đây thì bài học kinh nghiệm cần rút ra cho những người Việt quốc gia hay là người Việt Nam không cộng sản, sau 50 năm tiếp tục chống cộng vì mục tiêu dân chủ hóa cho Quê Mẹ Việt Nam, vẫn là câu nói đúng của cố Tổng Thống Việt Nam Cộng Hoà Nguyễn Văn Thiệu: “Đừng nghe những gì cộng sản nói, mà hãy nhìn kỹ những gì cộng sản làm”.

Đối với ngoại bang, bài học kinh nghiệm cần rút ra là, trong bất cứ hoàn cảnh nào, chiến tranh hay hoà bình, đừng quá tin vào đồng minh hay đồng chí, những cam kết quốc tế liên quan đến số phận dân tộc, đất nước mình, mà hãy tự tin vào chính mình và luôn luôn phải tự lực tự cường, dựa trên sức mình là chính để giải quyết mọi vấn đề có lợi cho dân tộc và đất nước.

Thiện Ý


Houston, ngày 27-1-2023

 

 

 

 

 

Thánh kinh nói gì về sự Giáng sinh của Đấng cứu thế?


Thánh kinh nói gì về sự Giáng sinh của Đấng cứu thế?

21/12/2022


Trong ngày này, cũng như nhiều ngày trước đó, con người, thuộc mọi chủng tộc đã thể hiện niềm vui hạnh phúc, qua nhiều biểu tượng đặc thù của Giáng sinh.

Chia sẻ

Hôm qua, hôm nay và sau này, vào ngày 24 rạng ngày 25 tháng 12 hàng năm, con người trên khắp mặt địa cầu, những người tin hay không tin vào màu nhiệm Giáng sinh, với tâm tình khác nhau, đã đón mừng ngày Giáng sinh như ngày hội văn hóa của nhân loại.

Thiện Ý

Tín đồ Thiên Chúa Giáo những thế hệ đầu tiên, cũng như người Do Thái hiện nay vẫn coi Kinh Thánh là Lời Của Chúa. Thế nhưng Kinh Thánh lúc đầu mới chỉ là phần mà ngày nay các Giáo Hội và tín đồ Thiên Chúa Giáo gọi là Cựu Ước. Nghĩa là phần ghi chép lại “lời của Thiên Chúa đã nói với cha ông chúng ta qua các ngôn sứ” về Ðấng Cứu Thế, trước khi Ðấng Cứu Thế ra đời. Còn Tân Ước là phần ghi lại Lời Của Chúa sau khi Ðấng Cứu Thế ra đời cách nay khoảng 2022 năm. Phần Tân Ước này phải mất một thời gian khá lâu sau mới được nhìn nhận là Lời Của Chúa. Vậy Thánh Kinh đã nói gì về sự Giáng Sinh của Ðấng Cứu Thế?

Hôm nay nhân kỷ niệm ngày Giáng Sinh lần thứ 2022 của Ðấng Cứu Thế, chúng tôi chỉ xin đưa ra một số dẫn giải sơ lược về Thánh Kinh, phần Cựu Ước cũng như Tân Ước, nói về sự Giáng Sinh của Ðấng Cứu Thế.

I – Thánh Kinh Cựu Ước và Tân Ước

Một cách khái quát, Cựu ước của Thánh Kinh, Thiên Chúa đã nói qua miệng của các ngôn sứ về Thiên Chúa và vai trò cứu độ của một Ðấng Thiên Sai, sẽ xuất hiện. Nghĩa là Thiên Chúa đã nói với con người, qua con người và bằng ngôn ngữ của loài người về Thiên Chúa và về Ðấng sẽ được sai đến trần gian cứu chuộc loài người. Theo sách Sáng Thế và Xuất Hành, thì đây như là việc Thiên Chúa đã lập giao ước với tổ phụ Abraham (Áp-ra-ham) và qua Ông Moisein (Mô-Sê) lập giao ước với cả dân Do Thái.

Sau đó, với sự giáng sinh làm người của Ðức Giêsu, như mở đầu một giao ước mới giữa loài người và Thiên Chúa. Nghĩa là phần Tân Ước của Thánh Kinh ghi chép lại Lời Của Chúa do từ chính Ngôi Hai Thiên Chúa mặc xác phàm nói với con người và bằng ngôn ngữ của con người về Thiên Chúa và sự cứu độ. Trong niềm tin vào Ðức Giêsu, các nhà thần học Kitô Giáo đầu tiên đều có chung niềm xác tín, đó là sự Giáng Sinh đã khai mở giai đoạn chung cuộc của lịch sử Cứu Ðộ. Nơi Người, mọi lời hứa với cha ông loài người được thành tựu, và niềm hy vọng từ bao đời nay được Thiên Chúa cho thành hiện thực. Một giao ước mới đã thành hình, giao ước trong máu Ðức Giêsu Kitô (1 Côrintô 11, 25), đã đổ ra cho loài người một lần là đủ. Thánh Phao-Lô đã gọi Luật Moisein (Mô-Sê) là giao ước cũ (2 Côrintô 3, 14). Song cả giao ước cũ và giao ước mới có một sự duy nhất vì do cùng một tác giả là Thiên Chúa. Các nhà thần học Thiên Chúa Giáo kết luận: Giao ước cũ đạt được sự hoàn tất viên mãn của mình nhờ nơi Ðức Giêsu Giáng Trần hoàn tất chương trình cứu độ. Vậy phần Tân Ước của Thánh Kinh Thiên Chúa Giáo ghi chép gì về sự giáng sinh của Ðấng Cứu Thế?

Tân Ước của Thánh Kinh Thiên Chúa giáo được bốn vị Thánh Sử là Mát-thêu, Mác-cô, Lu-ca và Gio-an cùng ghi chép.

Tin Mừng theo Thánh Mát-thêu ghi chép về nguồn gốc Ðấng Cứu Thế như sau: ‘Bà Maria mẹ Người đã đính hôn với Ông Giuse. Nhưng trước khi hai Ông Bà về chung sống, Bà đã có thai theo quyền năng Chúa Thánh Thần. Ông Giuse chồng Bà là người công chính và không muốn tố giác Bà nên đã định tâm bỏ Bà một cách kín đáo… thì kìa sứ thần Chúa hiện đến báo mộng cho Ông rằng: Này Ông Giuse, là con cháu vua Davit, đừng ngại đón bà Maria vợ Ông về, vì người con bà cưu mang là do quyền năng Chúa Thánh Thần. Bà sẽ sinh con trai và ông phải đặt tên cho con trẻ là Giêsu, vì chính Người sẽ cứu dân Người khỏi tội lỗi của họ. Tất cả sự việc này đã xảy ra là để ứng nghiệm lời xưa kia Chúa phán qua miệng ngôn sứ: ‘‘Này đây, Trinh Nữ sẽ thụ thai và sinh hạ con trai, người ta sẽ gọi tên con trẻ là Em-ma-nu-en (Emanuel), nghĩa là Thiên Chúa ở cùng chúng ta”. Khi tỉnh giấc, Ông Giuse làm như sứ thần Chúa dạy và đón vợ về nhà. Ông không ăn ở với bà, cho đến khi Bà sinh hạ một con trai, và Ông đặt tên cho con trẻ là Giêsu”.

Vẫn theo Tin Mừng của Thánh Mát-thêu ghi lại sự kiện các nhà chiêm tinh, mà giáo dân có thói quen gọi là Ba Vua, đã đến bái lạy Hài Nhi Giêsu: “Khi Ðức Giêsu ra đời tại Bê-lem, miền Giu-đê, thời vua Hê-rô-đê trị vì, có mấy nhà chiêm tinh từ Phương Ðông đến Giê-ru-sa-lem và hỏi “Ðức Vua dân Do Thái mới sinh hiện ở đâu? Chúng tôi đã thấy vì sao của Người xuất hiện bên Phương Ðông, nên chúng tôi đến bái lạy Người”. Nghe tin ấy Vua Hê-rô-đê bối rối và cả thành Giê-ru-sa-lem cũng xôn xao. Nhà Vua liền triệu tập tất cả các thượng tế, các kinh sư trong dân lại, và hỏi cho biết Ðấng Kitô phải sinh ra ở đâu. Họ trả lời: “Tại Bê-lem. Miền Giu-đê. Vì trong sách ngôn sứ có chép rằng: Phần ngươi, hỡi Bê-lem, miền đất Giu-đê, ngươi đâu phải là thành nhỏ nhất của Giu-đê, vì ngươi là nơi vị lãnh tụ chăn giắt Ít-ra-en dân Ta sẽ ra đời”.

Tin Mừng Thánh Mát-thêu viết tiếp “Bấy giờ vua Hê-rô-đê bí mật mời các nhà chiêm tinh đến, hỏi cặn kẽ về ngày giờ ngôi sao đã xuất hiện. Rồi vua phái các vị ấy đi Bê-lem và dặn rằng ‘’Xin quý ngài đi dò hỏi tường tận về Hài Nhi, và khi đã tìm thấy, xin báo lại cho tôi, để tôi cùng đến bái lạy Người’’. Nghe nhà vua nói thế, họ ra đi. Bấy giờ ngôi sao họ đã thấy ở Phương Ðông lại dẫn đường cho họ đến tận nơi Hài Nhi ở mới dừng lại. Trông thấy ngôi sao họ mừng rỡ vô cùng. Họ vào nhà, thấy Hài Nhi và thân mẫu là bà Maria, liền sấp mình bái lạy người, rồi mở bảo tráp, lấy vàng, nhũ hương và mộc dược mà dâng tiến. Sau đó họ được báo mộng đừng trở lại gặp vua Hê-rô-đê nữa, nên đã đi xứ khác mà về xứ mình’’. Vì ba nhà chiêm tinh không trở lại báo tin về Hài Nhi cho vua Hê-rô-đê, đã đưa đến cái chết bi thảm cho hàng ngàn hài nhi vô tội, do mối lo sợ bị mất quyền bính cai trị dân Ít-ra-en của vua Hê-rô-đê, mà ông ta cho rằng Hài Nhi Giêsu sinh ra sẽ chiếm quyền. Tin Mừnh Thánh Mát-thêu viết tiếp ‘‘Bấy giờ vua Hê-rô-đê thấy mình bị các nhà chiêm tinh đánh lừa, thì đùng đùng nổi giận, nên sai người đi giết tất cả những con trẻ ở Bê-lem và toàn vùng lân cận, từ hai tuổi trở xuống, tính theo ngày tháng ông ta đã hỏi cặn kẽ các nhà chiêm tinh. Thế là ứng nghiệm lời ngôn sứ Giê-rê-mi-a: ‘‘ Ở Ra-ma, vẳng nghe tiếng khóc than rên rỉ: Tiếng bà Ra-khen khóc thương con mình, và không chịu để cho người ta an ủi, vì chúng không còn nữa’’.

Trên đây là một số đoạn Thánh Kinh chúng tôi trích dẫn từ Tin Mừng theo Thánh Sử Mát-thêu, một trong bốn Thánh Sử đã ghi chép Lời Của Chúa, nhân dịp kỷ niệm lần thứ 2022 Ngôi Hai Thiên Chúa Giáng Trần cứu chuộc nhân loại. Ba Thánh Sử còn lại là Mác-cô, Lu-ca và Gio-an cũng có ghi chép lại tương tự sự Giáng Sinh của Ðấng Cứu Thế. Ðiều này cho phép suy định hai điều:

II – Suy Niệm

1 - Người tin cũng như người không tin vào màu nhiệm Giáng sinh có thể đi đến một kết luận chung: Sự kiện Giáng Sinh của một Hài Nhi Ðặc Biệt là Ðức Giêsu, đã là sự kiện có thật trong lịch sử nhân loại. Sự kiện này đã làm thay đổi tư duy con người và biến đổi bộ mặt thế giới hơn 2022 năm qua.

2 - Riêng với các tín đồ Thiên Chúa Giáo, sự kiện Giáng Sinh đã mặc khải rõ nét hơn khuôn mặt, hình ảnh Thiên Chúa và tình yêu bao la của Ngài đối với loài người. Vì Thiên Chúa đã thực hiện đúng như lời hứa với các tổ phụ xưa (Cưụ ước), là ban Ðấng Cứu Thế cho họ. Ðấng Cứu Thế ấy chính là Ngôi Hai Thiên Chúa, Ðức Giêsu Kitô, đã mặc xác phàm, giáng trần cứu chuộc nhân loại.

3 - Hôm qua, hôm nay và sau này, vào ngày 24 rạng ngày 25 tháng 12 hàng năm, con người trên khắp mặt địa cầu, những người tin hay không tin vào màu nhiệm Giáng sinh, với tâm tình khác nhau, đã đón mừng ngày Giáng sinh như ngày hội văn hóa của nhân loại. Trong ngày này, cũng như nhiều ngày trước đó, con người, thuộc mọi chủng tộc đã thể hiện niềm vui hạnh phúc, qua nhiều biểu tượng đặc thù của Giáng sinh. Điển hình như tại Hoa Kỳ, niềm vui và hạnh phúc Giáng sinh như loan tỏa khắp nơi. Bầu không khí Giáng sinh khởi sự cả tháng trước Giáng sinh và kéo dài sau Giáng sinh cho đến ngày đầu năm Tết Dương lịch, qua các hoạt động trang trí nhà cửa đèn màu lấp lánh, mua quà tặng cho nhau qua nhiều hình thức và tiệc vui Giáng sinh với gia đình, bạn bè…

4 - Có điều, Giáng sinh vốn được coi là biểu tượng của bình an cho nhân loại, thế nhưng Giáng sinh năm nay, với cuộc chiến tranh Nga xâm lược Ukraine kéo dài gần một năm qua vẫn chưa chấm dứt, cường độ chiến tranh ngày một dâng cao, tàn khốc, nhân dân Ukraine đã phải đón mừng Giáng sinh trong cảnh mùa đông giá lạnh, không hơi sưởi ấm, thiếu ánh sáng, thiếu đói lương thực. Vì các cuộc mưa bom bão đạn của quân xâm lược ngày đêm đã phá nát các cơ sở hạ tầng, điện, nước, gas trên đất nước Ukraine. Điều nghịch lý là cuộc chiến tranh tàn khốc đã và đang diễn ra giữa hai đất nước, hai dân tộc hầu hết có chung niềm tin, tôn thờ Đấng Cứu Thế. Những kẻ xâm lược và cả bên bị xâm lược đều cầu nguyện với Thiên Chúa cho chiến tranh mau kết thúc, với bên mình thắng trận. Vậy Thiên Chúa sẽ nghe lời cầu nguyện của ai đây?

Câu trả lời thay lời kết, theo lẽ thường “chân lý, chính nghĩa tất thắng”. Vì chân lý thuộc về Thiên Chúa như Ngài đã phán “Ta là đường, là sự thật và là sự sống…”. Hay như lời chúc mừng của Thiên sứ vào ngày Ngôi hai Thiên Chúa giáng trần cứu chuộc nhân loại cách nay hơn 2022 năm“Vinh danh Thiên Chúa trên trời - Bình an dưới thế cho người lòng ngay”. Do đó, có thể xác tín rằng, Thiên Chúa sẽ nghe lời cầu xin của đất nước, dân tộc Ukraine và toàn nhân loại thiện tâm. Vì “Chân lý, chính nghĩa tất thắng” và “lòng ngay” thuộc về Ukraine, một đất nước, dân tộc ngay tình,vô cớ bị nước láng giềng Nga cất quân xâm lược đưa đến thảm cảnh chiến tranh tàn khốc, chết chóc, tan hoang như hôm nay.