Sunday, May 12, 2013

Tham luận: ĐÂU LÀ GIẢI PHÁP KHẢ THI ĐỂ CỨU NƯỚC VÀ PHÁT TRIỂN TOÀN DIỆN ĐẤT NƯỚC?



Tham luận:
ĐÂU LÀ GIẢI PHÁP KHẢ THI ĐỂ CỨU NƯỚC VÀ PHÁT TRIỂN TOÀN DIỆN ĐẤT NƯỚC?

Thiện Ý

     Tôi đã đọc di đọc lại ba lần “THƠ KHẨN GỞI CĐ/NVHN VÀ ĐỒNG BÀO QN” đề tên Trưng Triệu ở cuối thư, dường như là bút hiệu của Bà Bs. Nguyễn Thị Thanh.Thư này được phát tán rộng rãi trên mạng và đã được một số người coi đề nghị trong thư như là một giải pháp khả thi để cứu nước.
     Đối với Bs. Nguyễn Thị Thanh là một người không xa lạ gì với tôi.Vì tôi là bạn với em trai Bà là anh Nguyễn Văn Diễn (đã mất tại Houston cách nay ít năm), từ trước 1975 khi dạy học chung ở Trường Trung Học Hưng Đức, Buôn Mê Thuột. Sau 1975, tôi là thầy dậy học hai đứa con Bà và nhiều lần được Bà mời đến ăn trưa để đàm đạo thời sự tại căn Biệt thự trên đường Điện Biên Phủ,(tức Phan Thanh Giản cũ).Trong thời gian này (1975-1978) BS. Thanh có nhân trao tận tay Ông Lê Duẩn, (Tổng Bí Thư Cộng đảng Việt Nam lúc bấy giờ) tài liệuViệt Nam Trong Thế Chiến Lược Quốc Tế Mới Của Các Cường Quốc Cựcdo tôi viết làm tài liệu lý luận cho “Mặt Trận Nhân Quyền Việt Nam”, với cam kết không nói tên tác giả. Vì Bà nói là cùng quê Quảng Trị và là bạn thuở nhỏ với Lê Hãn,trưởng nam của Ông Lê Duẩn nên có thể làm được việc này…
    Bài tham luận này như một góp ý kiến với Bs. Thanh,chúng tôi xin lần lượt trình bầy:
-        Giải pháp mà Bs. Nguyễn Thị Thanh đề nghị có khả thi hay không?
-        Đâu mới là giải pháp khả thi để cứu nước và phát triển toàn diện đất nước?
-        Kết luận.

II/- GIẢI PHÁP MÀ BS. NGUYỄN THỊ THANH ĐỀ NGHỊ CÓ KHẢ THI HAYKHÔNG?
      1.- Giải pháp Bs. Nguyễn Thị Thanh đề nghị là gì?
          Căn cứ vào nội dung “THƠ KHẨN GỞI CĐ/NVHN VÀ ĐỒNG BÀO QN”, của Trưng Triệu-Nguyễn Thị Thanh (Đính kèm nguyên văn sau bài viết này) thì hiện nay Bs. Nguyễn Thị Thanh đang ở Hà Nội lo trị liệu ung thư cho đồng bào, được chính quyền ủng hộ việc này. Ngoài công việc chuyên môn, Bs Thanh đã có cơ hội tiếp xúc, thăm dò nơi một số cán bộ đảng viên cộng sản cao cấp đang tại chức hay đã về hưu. Bà cho hay:
    * Tất cả cán bộ cao cấp, kể cả chưa về hưu cũng đều xác nhận là nước đã mất vào tay Trung quốc rồi,“ĐCSVN sẽ trở thành một chi bộ của đảng CS Tàu…”.Họ khẳng định rằng "Phải chi có ‘đại đòan kết dân tộc’, có Mỹ giúp thì sức mấy Tàu Chiếm VN đựơc.".
   * Phần mình,  Bs. Nguyễn Thị Thanh cho biết đang làm những việc sau đây:
       - Phải cố làm công việc đơn thương độc mã thuyết phục ĐCSVN bỏ ăn mừng ngày 30/4 (nhưng không kịp cho năm nay được) và chấp nhận CĐ/NVHN là thành phần đối lập với cây Cờ Vàng Ba Sọc Đỏ.  Chấp nhận Siêu cường Mỹ giúp cứu nguy đất nước mới còn mong thoát nô lệ Tàu, và bảo vệ vẹn tòan lãnh thổ lãnh hải VN.”
    - Yêu cầu những cán bộ đảng viên cao cấp mà Bà tiếp xúc, giới thiệu cho gặp ông Thủ Tướng  Dũng và  15 ông TƯ ĐCSVN để yêu cầu họ chịu bỏ phân nửa gia tài cứu đói đồng bào, cứu nguy kinh tế VN, chấp nhận bỏ Điều 4 Hiến Pháp chấp nhận tự do dân chủ nhân quyền đa đảng đa nguyên, thì nhân dân sẽ tha hết tội tham nhũng, tội bán nước, sẽ không bao giờ có sự trả thù, không có một giọt máu đổ ra nữa."  Họ làm thinh.  Có một ông nguyên là Chủ tịch Ủy Ban Tổ chức đảng nói rằng : “Đó là con đường phải đi đến.”.  Những người khác thì đều đồng ý là phải có buổi họp đối thoại giữa CD/NVHN với TƯ ĐCSVN.
     BS. Thanh thêm rằng : “Buổi họp phải khóang đạt, tôn trọng lẫn nhau tại một nước thứ 3 lần đầu.  Nhưng chúng tôi tại hải ngoại cần tổ chức UB Đại diện trước đã”. 
    Bs. Thanh nói với họ rằng "Lực lượng của CĐ/NVHN rất lớn, không chỉ là ngoại giao.  Đó là cả lực lựợng kinh tế, quân sự của cả thế giới, dư sức chống Tàu dành độc lập và vẹn tòan lãnh thổ cho VN chúng ta và cho cả thế giới tự do.  Chỉ cần ĐCSVN thức tỉnh là cứu được nước.  Tuy đã quá trể, nhưng tôi tin chắc sẽ cứu được nước.".
     *Tóm tắt giải pháp mà Bs. Nguyễn Thị Thanh đề nghị gồm ba điểm:
     1.- Thành lập Ủy Ban Đại Diện Cộng Đồng Việt Nam Hải Ngoại.
    2.- Tổ chức cuộc họp đối thoại giữa Ủy Ban Đại Diện Cộng Đồng Việt Nam Hải Ngoại với Đảng Cộng sản Việt Nam diễn ra lần đầu ở một nước thứ ba trong tinh thần tôn trọng lẫn nhau.
   3.- Nội dung và mục đích đối thoại để thuyết phục Đảng Cộng Sản Việt Nam chấp nhận bỏ Điều 4 Hiến Pháp, chấp nhận tự do dân chủ nhân quyền đa đảng đa nguyên…  để đem lại Đại đòan kết dân tộc, đem lại viện trợ lực lượng cứu nguy đất nước từ CĐ/NVHN, từ Hoa Kỳ và thế giới tự do.

2.- Giải pháp đề nghị có tính khả thi hay không?
      Những người Việt Quốc Gia chân chính chắc sẽ có cùng câu trả lời tổng quát rằng giải pháp mà Bs. Nguyễn Thị Thanh đề nghị là không khả thi. Vì:
   1.- Việc thành lập một “Ủy Ban Đại Diện Cộng Đồng Việt Nam Hải Ngoại” là điều không tưởng.
     Vì thực tế ai cũng thấy từ lâu nỗ lực đoàn kết các lực lượng chống cộng ở hải ngoại trong một tổ chức thống nhất để hoạch định và cùng thực hiện một sách lược chống cộng chung, đều thất bại. Thực tế người ta chỉ thấy hiện tượng phân hóa trong các tổ chức Cộng Đồng Người việt Quốc Gia tỵ nạn cộng sản, trong các chính đảng và các tổ chức đấu tranh, tổ chức xã hội và cả tôn giáo nữa.Nay nếu thành lập một ““Ủy Ban Đại Diện Cộng Đồng Việt Nam Hải Ngoại” sợ rằng chưa thành lập được thì sự tranh cãi về tư cách đại diện không thôi cũng đủ gây thêm sự phân hóa trong các Cộng Đồng Việt Nam Hải Ngoại, các chính đảng Quốc Gia và các tổ chức đấu tranh….
  2.- Việc tổ chức cuộc họp đối thoại giữa Ủy Ban Đại Diện Cộng Đồng Việt Nam Hải Ngoại với Đảng Cộng sản Việt Nam cũng là điều không thực tế.
       Vì thực tế Việt cộng chưa bao giờ muốn đối thoại với các Cộng Đồng Việt Nam ở hải ngoại mà chỉ thực hiện chủ trương chính sách “phân hóa hàng ngũ chống cộng”,Chiêu hồi người Việt Quốc gia” về hợp tác vô điều kiện với chế độ để “Xây dựng đất nước” trong khung cảnh chế độ độc tài toàn trị do đảng Cộng sản Vie65tNam thống trị độc quyền.
    Bằng chứng là Bs. Nguyễn Thị Thanh khi đề nghị “đối thoại giữa Ủy Ban Đại Diện Cộng Đồng Việt Nam Hải Ngoại với Đảng Cộng sản Việt Nam” chỉ là cảm tính cá nhân, dựa trên ước muốn cá nhân của một số cán bộ đảng viên cộng sản cao cấp đã về hưu hay còn tại chức mà Bs, Thanh nói là đã tiếp xúc, đó không phải là ý muốn của các lãnh tụ hàng đầu đảng (Tổng Bí thư và các Ủy viên Bộ Chính Trị…) và nhà nước Việt cộng (Thủ tướng chính phủ, Chủ tịch Quốc Hội…) hiện nay. Những kẻ này, cho đến lúc này vẫn ngoan cố tiếp tục bám giữ quyền thống trị độc quyền, độc tôn cho đảng Cộng sản Việt Nam qua việc sửa đổi Hiến Pháp vẫn duy trì Điều 4, vẫn giữ bảng hiệu chế độ độc tài toàn trị “Cộng Hòa Xã hội Chủ Nghĩa”, không chịu chuyển đổi qua chế độ dân chủ pháp trị đa nguyên đa đảng theo đòi hỏi của nhân dân, phù hợp với xú thế thời đại(dân chủ hóa và thị trường tự do hóa tòan cầu).
   Chính vì vậy, khối Việt quốc ở hải ngoại cho đến lúc này vẫn chống đối quyết liệt những ai chủ trương “Đối thoại với Việt cộng” với ngụy biện như là một phương thức “Đấu tranh trực diện với Việt cộng”.Vì rằng chẳng cần “Đối thoại” thì Việt cộng cũng đã biết Việt quốc muốn gì, quốc dân Việt Nam đòi hỏi gì, Việt cộng chỉ cần đáp ứng những mong muốn và đòi hỏi đó, là sẽ “đem lại Đại đòan kết dân tộc, đem lại viện trợ lực lượng cứu nguy đất nước từ CĐ/NVHN, từ Hoa Kỳ và thế giới tự do” như Bs. Nguyễn Thị Thanh và một số người khác kỳ vọng đạt được qua đối thoại

    3.- Vì vậy, không thể qua nội dung và mục đích đối thoại mà thuyết phục được Đảng Cộng Sản Việt Nam chấp nhận bỏ Điều 4 Hiến Pháp, chấp nhận tự do dân chủ nhân quyền đa đảng đa nguyên  để đem lại Đại đòan kết dân tộc, đem lại viện trợ lực lượng cứu nguy đất nước từ CĐ/NVHN, từ Hoa Kỳ và thế giới tự do.
      Vì thực tế, với áp lực từ nhiều phía trong nhiều thập niên qua (các cuộc đấu tranh kiên trì của Việt quốc ở hải ngoại cũng như của mọi tầng lớp nhân dân trong nước, áp lực quốc tế và nay áp lực từ một bộ phận “phản tỉnh” trong đảng CSVN…), thế mà đảng Cộng sản Việt Nam vẫn ngoan cố không từ bỏ quyền thống trị độc tôn trong một chế độ độc tài đảng trị, thế thì làm sao chỉ qua “các cuộc đối thoại” mà có thể “thuyết phục” được đảng CSVN chấp nhận bỏ Điều 4 Hiến Pháp, chấp nhận tự do dân chủ nhân quyền đa đảng đa nguyên…”?
      Tóm lại: Giải pháp thành lập một Ủy Ban Đại Diện Cộng Đồng Việt Nam Hải Ngoại để thông qua “Đối thoại” mà thuyết phục được Đảng Cộng Sản Việt Nam chấp nhận bỏ Điều 4 Hiến Pháp, chấp nhận tự do dân chủ nhân quyền đa đảng đa nguyên  để đem lại Đại đòan kết dân tộc…là hoàn toàn bất khả thi,chỉ là không tưởng,không thực tế.
   Vậy thì:
II/- ĐÂU LÀ GIẢI PHÁP KHẢ THI ĐỂ CỨU NƯỚC VÀ PHÁT TRIỂN TOÀN DIỆN ĐẤT NƯỚC?
    Cần xác tín rằng:
         1.- Chủ nghĩa cộng sản và các chế độ cộng sản trong đó có cái gọi là chế độ “Cộng Hòa Xã hội Chủ Nghĩa Việt Nam” đã ở “Giờ thứ 25”, sự tiêu vong đã là một tất yếu, và thời gian kết thúc sẽ chẳng còn bao lâu nữa.
        2.- Chủ nghĩa quốc gia và công cuộc đấu tranh cho lý tưởng tự do, dân chủ mà Việt quốc theo đuổi trong nhiều thập niên qua là chính nghĩa tất thắng, chiến thắng sau cùng khẳng định “chính quốc” tất thắng  “Tà cộng” sẽ đến nay mai.
      Vì vậy, giải pháp khả thi để cứu nước và phát triển toàn diện đất nước bây giờ chỉ có thể:
-        Một là Việt cộng không cần “Đối thoại” với ai, thức thời tự nguyện tự giác, và chủ động hợp tác (với Việt quốc) để kết thúc tiến trình chuyển thể từ “độc tài, độc đảng, toàn trị” qua “dân chủ, đa đảng, pháp trị” theo chiều hướng “Chiến lược Toàn Cầu” (Chế độ dân chủ, kinh tế thị trường tự do).
-        Hai là để sức mạnh quần chúng nhân dân kết thúc quá trình chuyển thể  khi tình hình thực tế phát triển đến biên độ “tức nước vỡ bờ”.
      1.- Nếu Việt cộng tự nguyện, tự giác, đơn phương, chủ động , hợp tác thực hiện kết thúc tiến trình chuyển thể hòa bình và êm dịu như Liên Xô và các nước  xã hội chủ nghĩa Đông Âu đã làm vào cuối thập niên 80 và đầu thập niên 90, hay theo chiều hướng chế độ độc tài quân phiệt Miến Điện đã đang muốn làm, và đã khởi sự làm trong thời gian gần đây (từ cuối năm 2011), đến nay đã có dấu hiệu và hiệu quả thực tiễn bước đầu, như mọi người theo dõi tình hình đã thấy.
         Nếu làm theo cách này, là cách tối ưu có lợi nhất cho nhân dân, Đất nước và cho chính Việt cộng. Có lợi cho Việt cộng, vì chế độ độc tài toàn trị dù bị tiêu vong, nhưng Đảng cộng sản Việt Nam hiện nay (nếu không đổi tên) vẫn có cơ hội tồn tại cùng với các chính đảng khác sinh hoạt bình đẳng, hợp pháp để giành quyền lãnh đạo đất nước trong một chế độ dân chủ đa đảng.Thực tế, Cộng đảng Việt Nam vẫn có nhiều thuận lợi hơn các chính đảng khác (nhờ thế lực sẵn có sau nhiều năm nắm quyền độc tôn…) để nắm quyền trở lại trong khung cảnh chế độ dân chủ đa đảng này, nếu được đa số nhân dân tín nhiệm trong các cuộc tranh cử và bầu cử tự do. Đồng thời, sẽ tránh được những hậu quả tai hại, bi thảm cho nhân dân (đổ máu…), đất nước (tan hoang…) và cho chính Việt cộng như nhân dân, đất nước và các nhà độc tài các nước vùng Trung Đông và Bắc phi đã và đang phải gánh chịu.
         Một giả định, nếu chọn và làm theo cách này, Việt cộng có thể chủ động thực hiện cách thức kết thúc tiến trình chuyển đổi hòa bình êm dịu như sau:
    * Chuyển đổi trên bình diện pháp lý:
      1.- Quốc hội đương nhiệm đang có nghị trình sửa đổi Hiến pháp hiện hành, thay vì sửa chữa theo hướng củng cố chế độ độc tài độc đảng hiện nay, sẽ sửa đổi theo hướng dân chủ pháp trị,đa đảng.
        Theo hướng này, chỉ cần sửa đổi những điều khoản căn bản liên quan đến danh hiệu chế độ chính trị và vai trò các chính đảng trong chế độ chính trị dân chủ pháp trị, đa đảng.Còn lại các điều khoản khác vẫn duy trì, chỉ sửa đổi hay bãi bỏ các điều khoản nào không còn phù hợp với chế độ chính trị dân chủ pháp trị,đa đảng.
       Mục đích  duy trì nguyên trạng những qui định về cơ cấu tổ chức, nhân sự điều hành chính quyền dân sự cũng như quân sự các cấp, các ngành (lập pháp,hành pháp và tư pháp) hiện hành từ trung ương đến địa phương trên cả nước,là để tránh mọi sự xáo trộn bất lợi cho đất nước. Sau đó sẽ sửa đổi, điều chỉnh dần dần những mâu thuẫn, bất hoàn theo thời gian thích hợp để hoàn chỉnh từng bước chế độ chính trị dân chủ pháp trị, đa đảng trên bình diện pháp lý.
       Tỷ dụ, Hiến pháp hiện hành (1992) qui định nơi:
      CHƯƠNG I: Nước Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam
                                                 Chế độ chính tri.
Có thể sửa đổi thành : Nước Cộng Hòa Dân Chủ Việt Nam (1)
                         Hoặc: Nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa  (2)
                      (Nếu muốn lấy lại danh xưng HP. 1946)
          Hay: Nước Cộng hòa dân bản chủ nghĩa Việt Nam(3)
         ( Nếu muốn nghe cho quen tai và có ý nghĩa lấy dân làm gốc)
                                  Chế độ chính trị     
  Điều 1: Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là Nhà nước của dân, do dân, vì dân. Tất cả quyền lực Nhà  nước thuộc về nhân dân mà nền tảng là liên minh giai cấp công nhân với giai cấp nông dân và tầng lớp trí thức.
Sửa đổi thành : Nhà nước Cộng Hòa Dân Chủ Việt Nam(hoặc chọn 2 hay 3)là nhà nước của dân, do dân, vì dân. Tất cả quyền lực Nhà nước thuộc về toàn dân.
        Điều 4: Đảng Cộng dản Việt Nam, đội tiên phong của giai cấp công nhân Việt Nam, đại biểu trung thành quyền lợi của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và của cả dân tộc Việt Nam, theo chủ nghĩa Mác-Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh, là lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội.
     Mọi tổ chức của Đảng hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật.
          Có thể  sửa đổi Điều 4 thành:
Điều 4: Mọi công dân Việt Nam, với tư cách cá nhân hay chính đảng, có quyền tham gia công việc lãnh đạo, quản lý đất nước và xã hội, thông qua các cuộc tranh cử và bầu cử tự do.
        Mọi cá nhân công dân và tổ chức chính đảng phải hoạt động chính trị trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật.
      2.- Quốc hội cơ quan lập pháp đương nhiệm sau đó cần:
      - Làm luật tu chỉnh hoặc luật mới thay thế những luật lệ trái với Hiến pháp dân chủ pháp trị, đa nguyên, đa đảng,mới được hình thành từ Hiến pháp hiện hành được sửa đổi.(Luật Đất Đai, Nhà đất,Luật Hình, Luật Hộ…)
      - Làm “Luật chính đảng” để cho phép các chính đảng được thành lập và tham gia sinh hoạt chính trị hợp pháp trong chế độ dân chủ đa đảng đã được khai sinh từ Hiến pháp hiện hành được sửa đổi.
      - Làm“Luật ứng cử và bầu cử” vào các chức vụ dân cử để thực thị Hiến pháp dân chủ pháp trị,đa đảng,cho phép mọi cá nhân công dân và đại diện các tổ chức chính đảng có thể tham gia hợp pháp trong các cuộc tranh cử và bầu cử tự do vào các chức vụ dân cử các cấp, các ngành trên cả nước.
      - Làm “Luật Hòa Giải Dân Tộc”(như nước Cộng Hòa Nam Phi đã làm sau khi kết thúc thắng lợi vào đầu thập niên 90, cuộc chiến tranh chống chế độ phân biệt chủng tộc giữa thiểu số người da trắng thống trị trên tuyệt đại đa số người da đen bị trị; tương tự như chế độ độc tài đảng trị bao lâu nay tại Việt Nam, thiểu số các đảng viên Cộng đảng Việt Nam đã thống trị trên tuyệt đại đa số nhân dân Việtt Nam trên nửa thế kỷ qua).
          Luật này sẽ áp dụng nguyên tắc bất hồi tố của luật pháp nhằm miễn tố chung cho những hành động vi phạm luật pháp quốc nội hay quốc tế của cá nhân hay tập thể xẩy ra trước ngày ban hành “Luật Hòa Giải Dân Tộc” ở cả hai phía Việt cộng cũng như Việt quốc.(trừ các tội ác diệt chủng, chống nhân loại) .
         Luật này nhằm hóa giải hận thù quá khứ, ngăn ngừa mọi hành vi phục thù chính trị trong tương lai do những nguyên nhân từ quá khứ, dưới bất cứ hình thức nào, tạo sự hòa giải những mâu thuẫn trong lòng dân tộc, duy trì ổn định chính trị, xã hội để có điều kiện thuận lợi kiện toàn chế độ chính trị dân chủ pháp trị,đa nguyên,đa đảng mới hình thành; tạo tiền đề đoàn kết thống nhất được toàn lực quốc gia để xây dựng, củng cố, phát triển toàn diện Đất nước đến phú cường, văn minh tiến bộ theo kịp đà tiến hóa chung của nhân loại, tạo thế và lực chống ngoại xâm hữu hiệu,bảo vệ Tổ Quốc.
         Công, tội của các cá nhân hay tập thể ở cả hai phía Quốc-Cộng nếu có trong quá khứ, thiết tưởng cần để cho lịch sử mai nầy xét định. Hiện tại chỉ nên coi đó là những bài học kinh nghiệm cần rút ra cho hiện tại và tương lai.
         3.- Chính phủ, cơ quan hành pháp đương nhiệm chiếu nhiệm vụ qui định của Hiến pháp sửa đổi, bằng các văn bản lập qui dưới luật,để điều chỉnh theo các luật lệ  đã được Quốc Hội sửa đổi một cách phù hợp với thời gian, không gian và tiến trình  hoạt động bình thường của guồng máy công quyền quốc gia, để tránh mọi sự xáo trộn, bất ổn chính trị và xã hội, bất lợi cho đại cuộc.
         Tỉ như “luật ứng cử và bầu cử” Quốc hội hay Hội Đồng Nhân Dân các cấp sẽ được áp dụng trong nhiệm kỳ sắp tới (Trừ khi Cộng đảng, Quốc hội và chính quyền đương nhiệm đồng thuận về một quyết định khác hơn, chẳng hạn giải tán các cơ quan dân cử cho ứng cử và bầu cử sớm hơn, do tình hình đòi hỏi mà không gây xáo trộn chính trị và xã hội).Nhưng các luật hủy bỏ hoặc thay thế những luật lệ trái với Hiến pháp dân chủ đa nguyên, hay“Luật chính đảng”, “Luật hòa giải dân tộc”  thì cần có hiệu lực tức thời sau khi ban hành tạo tiền đề chứng tỏ thực tâm và thiện chí của Cộng đảng và nhà cầm quyền đương thời muốn thực hiện sự chuyển đổi hòa bình và êm dịu từ “Chế độ độc tài, độc đảng” qua “Chế độ dân chủ, đa đảng”. Đồng thời giúp cho các cá nhân công dân cũng như chính đảng có thời gian củng cố, phát triển tổ chức và sinh hoạt, chuẩn bị kịp thời tham gia ứng cử  với tư cách cá nhân hay  do Chính đảng đưa người ứng cử vào các cơ quan dân cử của cả nước (Quốc Hội, Chủ tịch nước hay Tổng Thống, nếu Hiến pháp tu chính người đứng đầu hành pháp do dân trực tiếp bầu cử trong các cuộc phổ thông bầu phiếu, thay vì do Quốc Hội bầu cử như Hiến pháp hiện hành…) và địa phương (như Hội đồng nhân dân các cấp…).
       *Chuyển đổi trên bình diện thực tế:
          Mọi cơ cấu tổ chức và nhân sự điều hành chính quyền các ngành, các cấp từ trung ương đến địa phương trên cả nước vẫn  duy trì nguyên trạng và hoạt động bình thường.Sự sửa đối Hiến pháp, sửa đổi luật lệ do Quốc hội đương nhiệm hay các văn bản lập qui dưới luật do Chính phủ đương nhiệm ban hành để điều chỉnh theo sự sửa đổi Hiến pháp và luật lệ của Quốc hội, cần được các cấp, các ngành thực thi nghiêm túc, đồng bộ trên cả nước.
     Quốc Hội và Chính phủ đương nhiệm cần thống nhất và chủ động chỉ đạo thực hiện những sửa đổi Hiến pháp, luật pháp và lập quy theo hướng chuyển đổi hòa bình, êm dịu từ “chế độ độc tài, độc đảng ” hiện nay qua “Chế độ dân chủ, đa đảng”. Đồng thời, Quốc hội và Chính phủ đương nhiệm cũng cần ấn định rõ lịch trình cải đổi về pháp lý, chính trị cũng như thực tế phải hoàn tất chậm nhất là trước ngày chấm dứt nhiệm kỳ Quốc hội đương nhiệm (2015) chẳng hạn.
          Bởi vì, nếu giả định Việt cộng chấp nhận chủ động thực hiện cách thức chuyển đổi hòa bình êm dịu trên đây, từ sau năm 2015, Việt Nam sẽ có Quốc hội mới, chính phủ mới hình thành từ và hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp hiện hành sau khi được Quốc hội đương nhiệm sửa đổi theo hướng dân chủ pháp trị, đa đảng.
         Mặc dầu cách thức chuyển đổi này là cách tốt nhất, có lợi nhất không chỉ cho đảng Cộng sản Việt Nam, mà lợi cho cả nhân dân, dân tộc và đất nước, nhưng đây chỉ là một giả định, muốn trở thành sự thật, cần có những điều kiện cần và đủ sau đây:
      1.- Việt cộng chỉ chủ động làm theo cách chuyển đổi hòa bình và êm dịu này, khi nội bộ Cộng đảng Việt Nam, phe “cấp tiến” (theo chiều hướng mới) phải mạnh hơn phe “bảo thủ”. Đồng thời, trong cũng như ngoài nước các cá nhân hay tổ chức chính trị có cùng khuynh hướng đấu tranh chống cộng vì mục tiêu dân chủ hóa đất nước, cách nào đó, phải liên kết được với nhau, tập hợp và lãnh đạo được quần chúng, vận dụng được hậu thuẫn quốc tế, tập trung được lực lượng trong, ngoài hổ trợ hiệu quả cho phe cấp tiến trong Cộng đảng Việt Nam (Như ở Liên Xô đã làm được để hậu thuẫn hiệu quả choTổng bí thư Gorbachev và phe cấp tiến trong Cộng đảng Nga 1985-1991).
         Theo nhận định của chúng tôi, căn cứ trên các sự kiện và diễn biến tình hình hiện nay thì dường như so sánh lực lượng giữa khuynh hướng cấp tiến (theo Mỹ)và bảo thủ (theo Tầu) là nghiêng ngửa trong nội bộ Cộng đảng Việt Nam. Các lực lượng quần chúng trong nước qua các cuộc dấu tranh cá nhân cũng như tập thể đòi các quyền dân sinh, dân chủ, thì đã có dấu hiệu phát triển theo chiếu hướng liên kết, tập trung lực lượng, dù còn lỏng lẻo.
         Mặt khác, áp lực quốc tế, nhất là Hoa Kỳ phải làm sao tạo áp lực buộc được Việt cộng chuyển đổi càng sớm càng tốt qua dân chủ pháp trị, đa nguyên, đa đảng theo cách hòa bình và êm dịu này.Trên nguyên tắc cũng như thực tế Hoa Kỳ và các nước dân chủ trên thế giới từ lâu đã có chủ trương này, và đã có nhiều việc làm có tính tạo áp lực, thúc đẩy Việt cộng đi về hướng dân chủ.
         Tuy nhiên, cường độ còn yếu nên tốc độ chuyển đổi theo chiều hướng này còn chậm, dù có đạt được một số thành quả nhất định sau mỗi áp lực. Có lẽ vì áp lực của Hoa Kỳ nói riêng và các nước dân chủ khác nói chung còn tùy thuộc vào sự tính toán lợi ích song phương hay đa phương với Việt cộng. Nhất nữa là dường như Hoa Kỳ cũng chỉ muốn “cải tạo Việt cộng thành công cụ chiến lược trong vùng” theo một tiến trình thời gian với tốc độ vừa phải. Phải chăng  vì thế mà Hoa Kỳ đã chỉ thực hiện “chính sách áp lực cầm chừng”,thả nổi cho một tiến trình chuyển đổi từ từ, để chế độ độc tài toàn trị Việt cộng tồn tại thêm thời gian,  để thuận lợi và dễ xử dụng công cụ cho mục tiêu chiến lược trong vùng hơn là trong khung cảnh một chế độ dân chủ đa nguyên,  đa đảng, nếu hình thành sớm còn phôi thai, bất ổn và nhiều bất trắc ? Có lẽ biết vậy, nên Việt cộng (phe bảo thủ theo Tầu) đã tiếp tục ngoan cố cho đến lúc này vẫn không chịu chuyển đổi, tiếp tục thực hiện chiến thuật “Mềm nắn, rắn buông”, tìm cách diên trì tiến trình dân chủ hóa để kéo dài thêm thời gian độc quyền chính trị, ngụy biện bằng lý do cần sự ổn định chính trị để phát triển đất nước, để chỉ “Đổi mới kinh tế, không đổi mới chính trị” là vậy.
    (Đến đây xin mở dấu ngoặc nói thêm về hệ quả chính sách can thiệp nửa vời của các cường quốc tư bản chủ nghĩa vào tiến trình dân chủ hóa các chế độ độc tài tại các nước Trung cận đông và Bắc phi .Hệ quả trực tiếp đối với các nhà độc tài đang còn nắm quyền thống trị từ nhiều thập niên tại vùng này, là sự ngoan cố tiếp tục bám giữ quyền thống trị, chống lại cao trào đòi dân chủ hóa đất nước của nhân dân. Một điển hình là tập đoàn độc tài của Tổng Thống Al- Bassad ở Syria đã ngoan cố không chịu từ bỏ quyền hành, đàn áp đẫm máu các cuộc nổi dậy của nhân dân với cường độ mức độ tàn bạo gia tăng theo thời gian hơn hai năm qua. Tổng thống chế độ độc tài Al- Bassad sở dĩ ngoan cố dám chống lại nhân dân, là vì biết rằng vẫn chiếm ưu thế trong tương quan lực lượng với phe quần chúng nổi dậy, lại được sự hổ trợ của hai cực cường quốc cộng sản hàng đầu là Nga và Tầu cộng. Trong khi Al- Bassad cũng biết rằng sẽ không có sự can thiệp trực tiếp bằng quân sự từ bên ngoài theo kiểu  Hoa Kỳ và khối NATO dưới ngọn cơ Liên Hiệp Quốc đã làm tại Lybia khoảng một năm trước, nên lực lượng quần chúng nổi dậy ở Syria khó thành công được như lực lượng quần chúng nổi dậy ở Lybia là đã lật đổ được chế độ của nhà độc tài Mumamar Ghaddafi. Sự thể này cũng đã có ảnh hưởng gián tiếp ít nhiều đến sự toán tính của Việt cộng  trong việc đối phó với các lực lượng chính trị cũng như quần chúng đấu tranh đòi các quyền tự do, dân chủ, dân sinh và nhân quyền trong nước. Việt cộng toan tình rằng, cũng như tại các nước độc tài Trung cân đông và Bắc Phi, nếu không có sự hổ trợ bằng sự can thiệp trực tiếp, triệt để của bên ngoài, Cộng đảng Việt Nam vẫn nắm vững được nền “Độc tài chuyên chính tư sản (Đỏ vỏ xanh lòng)”, nên chưa vội gì mà chấp nhận nền “Dân chủ,đa nguyên, đa đảng ”.
         Tuy nhiên, Việt cộng cũng có ít nhiều nao núng và dường như trên nguyên tắc đã có sự thống nhất về “chiều hướng mới không thể đảo ngược” (theo chiến lược toàn cầu mới:chế độ độc tài các kiểu sớm muộn cũng phải tiêu vong, để hình thành các chế độ dân chủ, đa đảng tại các nước trên phạm vi toàn cầu). Thực tại chỉ còn sự bất đồng giữa phe bảo thủ (theo Tầu cộng) và   phe “Cấp tiến” (Theo Mỹ quốc) về thời điểm nào được coi là thích hợp để kết thúc quá trình chuyển đổi đã tịnh tiến tự nhiều năm qua.).
         Vì vậy ngoài yếu tố kết hợp trong và ngoài nước, áp lực Hoa Kỳ và quốc tế cũng là nhân  tố quan trọng có tính quyết định, hậu thuẫn phe cấp tiến, đẩy chế độ độc tài độc đảng Việt cộng phải kết thúc tiến trình chuyển đổi qua chế độ dân chủ pháp trị, đa nguyên, đa đảng nhanh chóng hơn.
         Một yếu tố có tính quyết định khác cho sự kết thúc tiến trình chuyển đổi của chế độ Việt cộng qua dân chủ pháp trị đa đảng, là tốc độ chuyển biến của Tầu cộng theo hướng dân chủ đa đảng trong “Môi trường mật ngọc kinh tế thị trường tư bản chủ nghĩa”.
        Nếu Tầu cộng tăng tốc, thì phe bảo thủ Việt cộng cũng tăng tốc. Tầu cộng kết thúc quả trình chuyển đổi sớm thì Việt cộng cũng sẽ kết thúc quá trình chuyển đổi sớm. Vì ai cũng thấy Việt cộng đã học và làm theo sách “chuyển đổi câu giờ” của Tầu cộng, cố bám giữ quyền lực độc quyền, độc tôn để kéo dài thêm thời gian thụ hưởng các ưu quyền đặc lợi có được và chỉ có được cho tập đoàn thống trị độc quyền (Cộng đảng VN) trong khung cảnh một chế độ độc tài đảng trị hay độc tài toàn trị  kiểu cộng sản mà thôi.
        Chính vì vậy đã có nhiều người khi thấy gần đây có một vài dấu hiệu Tầu cộng tăng tốc  về phía dân chủ, thì vội lạc quan  Việt cộng cũng sẽ tăng tốc theo và sớm đi đến kết thúc quá trình chuyển đổi qua chế độ dân chủ đa nguyên đa đảng tại Việt Nam một cách hòa bình, êm dịu.Chúng tôi cũng cảm thấy lạc quan một cách dè dặt. Chúng ta tiếp tục chờ xem diễn biến tiếp theo tình hình thực tế, với ước mong niềm lạc quan của chúng ta sớm biến thành sự thật trên đất nước chúng ta. Vì đó là ước vọng chung của hơn 90 triệu nhân dân trong nước và khoảng 4 triệu con dân Nước Việt ở hải ngoại luôn hướng lòng về Tổ Quốc. Vì đó là mục tiêu tối hậu mà nhân dân trong nước và người Việt hải ngoại đã kiên trì hy sinh đấu tranh trong nhiều thập niên qua.
      2.-Nếu Việt cộng chủ động làm thì phải có những dấu hiệu chứng tỏ thực tâm bằng các hành động cụ thể thực tế tương tự như chế độ độc tài quân phiệt Miến Điện đã và đang làm.
         Tỷ như Việt cộng song song với việc sửa đổi Hiến pháp, luật pháp theo hướng dân chủ pháp trị, đa đảng, Việt cộng sẽ phải có hành động cụ thể thực tế như: Thả hết các thù nhân chính trị đang bị cầm tù, chấm dứt mọi hành động theo dõi, trấn áp các nhà bất đồng chính kiến, tìm cách đối thoại với họ và để cho mọi cá nhân công dân cũng như các chính đảng bao lâu nay bị coi là hoạt động bất hợp pháp, thì cần tiến tới hợp pháp hóa tạo điều kiện cho các cá nhân và chính đảng này hoạt động công khai, hợp pháp, có thời gian chuẩn bị đưa người ra tranh cử vào các cơ quan dân cử các cấp trong tương lai…
         Chúng ta cần chờ thêm thời gian để hội đủ các điều kiện cần và đủ, về chủ quan (Việt cộng) và khách quan (trong nước và quốc tế) để cách chuyển đổi giả định “chế độ độc tài,độc đảng” Việt cộng qua “Dân chủ đa đảng” sớm trở thành sự thật tại Việt Nam.
        
      2.-Nếu Việt cộng chọn cách để sức mạnh quần chúng nhân dân kết thúc quá trình chuyển thể  khi tình hình thực tế phát triển đến biên độ “tức nước vỡ bờ” thì sao?
         Câu trả lời ngắn gọn là các lãnh tụ có trách nhiệm của Cộng đảng và chế độ Việt cộng sẽ nhận lãnh hậu quả bi thảm, nhân dân Việt Nam sẽ phải gánh chịu nhiều tổn thất nhân  mạng, tài sản và đất nước có thể tan hoang, như số phận của các nhà độc tài và tập đoàn sau nhiều năm thống trị độc quyền ở các nước vùng Trung Đông và Bắc Phi như Tunisia, Ai Cập, Lybia và Syria hiện nay.
         Vấn đề đặt ra là các lãnh đạo “Đảng và Nhà nước Việt cộng” có dám chọn sự kết thúc bi thảm cho chính mình và sự tổn hại, tàn phá đất nước hay không?
    Theo nhận định của chúng tôi, câu trả lời ngắn gọn là KHÔNG, không bao giờ những nhà lãnh đạo có trách nhiệm của “Đảng và Nhà nước Việt cộng” dám chọn sự kết thúc này. Việt cộng chỉ tìm cách kéo dài thời gian độc quyền thống trị, nhưng rồi sẽ đến lúc phải chủ động, hợp tác kết thúc quá trình chuyển đổi vào thời điểm thích hợp trước khi đẩy quần chúng nhân dân đến biên độ “Tức nước vỡ bờ”. (Như chúng tôi đã lý giải trong nhiều bài viết)
       Nghĩa là Việt cộng đang tìm cách hạ cánh an toàn, vừa bảo vệ được tính mạng và tài sản cho tập đoàn thống trị tích lũy được sau bao năm cầm quyền, vừa còn cơ hội tồn tại và trở lại nắm quyền trong chế độ mới, chế độ dân chủ đa đảng.
         Bởi vì hơn ai hết, Việt cộng cũng biết rõ chiếu hướng chiến lược toàn cầu hóa không thể đảo ngược (Thị trường tự do hóa và dân chủ hóa toàn cầu), tất yếu sớm muộn Việt Nam phải có chế độ dân chủ pháp trị đa nguyên đa đảng sau một quá trình “vừa thị trường tự do hóa vừa dân chủ hóa” như chúng tôi đã lý giải ở các phần trên. Những người lãnh đạo có trách nhiệm của “Đảng và Nhà nước Việt cộng”hiện nay không dại gì chọn thế đối đầu với nhân dân đến cùng, để cuối cùng những kẻ lãnh đạo có trách nhiệm phải ra trước Tòa án công lý quốc gia,nhận lãnh những bản án nặng nề, tài sản bao năm cầm quyền tích lũy tiêu tán như cá nhân Tổng thống Ai Cập Murbarck và những bộ hạ thân tín có trách nhiệm trong guồng máy độc tài toàn trị đã phải ra trước  Tòa án công lý để nhận chịu những hình phạt tương xứng với các hành vi tội ác đã làm trong hơn 30 năm cầm quyền độc tài. Hay như nhà độc tài Moumur Kadhafi thống trị Lybia hơn 40 năm cố thủ đến cùng, đã bị người dân căm thù giết chết dã man năm 2011 vừa qua; hay như nhà độc tài Al- Bassad ,hơn một năm qua cho đến nay vẫn say máu đàn áp giết hại hàng chục ngàn nhân nhân Syria nổi dậy,làm tan hoang đất nước, chấp nhận là tên tội phạm chống nhân loại để bị xét xử trong tương lai.  
         Vì không muốn phải nhận lãnh những hậu quả bi thảm trên, dường như những người lãnh đạo hàng đầu Đảng Cộng sản Việt Nam, thuộc phe bảo thủ (theo Tầu cộng) cũng như phe cấp tiến (theo Mỹ) được đánh giá là ngang ngửa hiện nay, đã thỏa hiệp được với nhau về thời điểm thích hợp có thể chủ động khởi sự một tiến trình kết thúc sự chuyển đổi an toàn. Thời điểm đó có thể là:
      - Sau khi thấy tình hình chống đối chế độ của mọi tầng lớp nhân dân trong nước phát triển lan rộng gần đến biên độ “Tức nước vỡ bờ”.
      - Sau khi thấy được tập đoàn độc tài quân phiệt Miến Điện chủ động thực hiện tiến trình chuyển đổi hòa bình, êm dịu qua dân chủ đa đảng, đã giúp tập đoàn độc tài quân phiệt thống trị nhiều thập niên qua ở nước này, đã hạ cánh an toàn. Nghĩa là không thấy ai bị đưa ra Tòa xét xử kết án, tù đầy tịch biên tài sản như Tổng thống Ai Cập Murbarck và những bộ hạ thân tín có trách nhiệm trong guồng máy độc tài toàn trị của ông ta.
      - Cùng lúc thấy Tầu cộng có những chuyển biến mạnh mẽ theo hướng cũng sẽ tiến tới mục tiêu sau cùng là hình thành chế độ dân chủ, đa đảng tại Trung quốc nay mai.
      - Cùng lúc thấy Hoa Kỳ và các cực cường dân chủ tư bản chủ nghĩa tạo áp lực mạnh mẽ (khác với chính sách áp lực cầm chừng bao lâu nay) có tác dụng như một tối hậu thư  để Việt cộng hiểu rằng đã đến lúc phải kết thúc quá trình chuyển thể, không còn được kéo dài thêm nữa, nếu không cả tập đoàn thống trị sẽ phải lãnh chịu hậu quả không thể sửa chữa được cho chính bản thân, gia đình và tập đoàn thống trị độc quyền là Cộng đảng Việt Nam.
 
III/- KẾT LUẬN:
     Đối thoại (Dialogue) là nói chuyện mặt đối mặt (trực diện) giữa hai bên (song phương: bilateral) hay giữa các bên (đa phương: multilateral) để giải quyết những mâu thuẫn đi đến đồng thuận về một giải pháp giải quyết mâu thuẫn ấy.
   Mâu thuẫn giữa Việt quốc và Việt cộng là:
-Việt quốc: muốn cứu nước và phát triển toàn diện đất nước thì phải dân chủ hóa đất nước. Nghĩa là phải thiết lập một chế độ dân chủ pháp trị đa nguyên đa đảng để “Đại đoàn kết dân tộc”, thống nhất toàn lực quốc gia tạo thế và lực chống ngoại xâm hữu hiệu và phát triển toàn diện đất nước đến giầu mạnh.
- Việt cộng: Chấp nhận mất nước để bảo vệ quyền thống trị độc tôn cho đảng Cộng sản Việt Nam trong một chế độ độc tài toàn trị, nhất nguyên, độc đảng.
   Đó là một mâu thuẫn đối kháng (Antagonistic contradiction) có tính một mất một còn giữa chính nghĩa (Việt quốc) và phi chính nghĩa (Việt cộng), giữa chân lý (quốc gia ) và phi lý (cộng sản), không thể giải quyết bằng đối thoại, nếu một trong hai bên (Việt cộng) vẫn không chấp nhận chính nghĩa và chân lý (Việt quốc).
    Hiện tại, trên cả hai bình diện pháp lý (Hiến pháp và luật pháp) cũng như thực tế (thực hiện chủ trương chính sách cai trị) đảng Cộng sản Việt Nam vẫn ngoan cố không chấp nhận  chính nghĩa và chân lý này: muốn cứu nước và phát triển toàn diện đất nước không có con đường nào khác ngoài con đường dân chủ hóa,thiết lập chế độ dân chủ pháp trị, đa nguyên, đa đảng.
      Vì vậy, Việt cộng  đã cự tuyệt và chưa bao giờ có ý định “đối thoại” với bất cứ ai, thì việc đề nghị thành lập “Ủy Ban Đại Diện Cộng Đồng Việt Nam Hải Ngoại” để thông qua “đối thoại” thuyết phục Đảng Cộng Sản Việt Nam chấp nhận bỏ Điều 4 Hiến Pháp, chấp nhận tự do dân chủ nhân quyền đa đảng đa nguyênchỉ là không tưởng,không thực tế nên bất khả thi. Đối với những Việt quốc nào thực hiện chủ trương “Đối thoại với Việt cộng” như là “Phương thức đấu tranh trực diện với Việt cộng” chỉ là ngụy biện, không đem lại hiệu quả mà còn phản tác dụng là giúp Việt cộng tiếp tục tuyên truyền lừa mị, có thêm lý cớ ngoan cố kéo dài quyền thống trị độc tôn, độc quyền trong một chế độ độc tài toàn trị.
     Vả lại, nếu cần đối thoại để giải quyết toàn bộ các vấn đề căn bản, trọng đại của Đất nước, Việt cộng không thể chỉ đối thoại với một cá nhân, một Ủy Ban Đại Diện Cộng Đồng Việt Nam Hải Ngoại” mà phải đối thoại với hơn 90 triệu nhân dân Việt Nam trong nước, những người chủ thực sự của Đất nước.
    Thực tế giải pháp cứu nguy đất nước và phát triển toàn diện Đất nước thì đã có,không cần phải “Đối thoại” gì thêm. Vì giải pháp khả thi đã có. Bây giờ chỉ còn là Việt cộng có tự nguyện tự giác chấp nhận thực hiện giải pháp đó hay không; hoặc để sức mạnh của quần chúng nhân dân buộc Việt cộng phải làm theo ý nguyện của nhân dân.
   Tất cả nay chỉ còn tùy thuộc vào sự lựa chọn khôn ngoan của những người Cộng sản Việt Nam có trách nhiệm.Vì hơn ai hết, tập đoàn thống trị hiện nay hẳn phải biết đến luận điểm Marxism  này: “ở đâu có áp bức, ở đó có đấu tranh” và rằng “cách mạng là sự nghiệp của quần chúng”.
Thiện Ý
Houston ngày 18 tháng 4 năm 2013
  

No comments:

Post a Comment

Note: Only a member of this blog may post a comment.