Việt Nam và kinh nghiệm chuyển đổi hoà bình qua dân chủ
Tin liên hệ
Trong video clip Thời sự 19h ngày 5/11/2015 lưu trên trang
mạng của VTV, người ta đã cố tình cắt đoạn Thủ tướng ôm hôn thắm thiết đồng chí
Tập Cận Bình
- Hoàng Phủ Ngọc Tường có ở Huế Tết Mậu Thân?
- Tổng thống Obama chưa đi hay sẽ không đi thăm Việt Nam
- Lực lượng an ninh đã cố bắt Lê Anh Hùng như thế nào?
- Chuyến thăm Việt Nam của ông Tập
Ðường dẫn
21.11.2015
Kết quả chính thức
của cuộc bầu cử ngày 8/11/2015 tại Myanmar cho thấy đảng đối lập Liên minh Dân
chủ Toàn quốc (National League for Democracy - NLD) do bà Aung San Suu Kyi lãnh
đạo đã thắng lớn với tỷ lệ trên 80% so với khoảng 10% phiếu bầu cho đảng
Liên minh Đoàn kết và Phát triển (Union Solidarity and Development Party - USD)
đang cầm quyền, còn lại khoảng 10% bầu cho 89 đảng còn lại. Tổng thống và Chủ
tịch Quốc hội Myanmar
đương nhiệm đã có lời chúc mừng rất sớm và đưa ra lời cam kết sẽ thực hiện việc
bàn giao chính quyền cho đảng thắng cử một cách êm thắm.
Như vậy là cuộc
bầu cử tự do lần đầu tiên sau 53 năm người dân Miến Điện mất quyền dân chủ dưới
chế độ độc tài quân phiệt (1962- 2015) đã diễn ra và kết thúc tốt đẹp. Đối với Myanmar,
đây là một biến cố có ý nghĩa lịch sử , kết thúc một tiến trình chuyển đổi đầy
cam go sang chế độ dân chủ, đa đảng một cách hòa bình, ổn định. Biến cố này đã
được thế giới dân chủ ca ngợi mang lại hy vọng cho nhân dân các nước đang sống
dưới chế độ độc tài, trong đó có nhân dân Việt Nam. Mọi người Việt Nam trong và
ngoài nước đều hy vọng Việt Nam rồi cũng sẽ có một ngày như thế, với ước
mơ rằng đảng Cộng sản Việt Nam (CSVN) cũng sẽ rút ra những kinh nghiệm
chuyển đổi hòa bình qua chế độ dân chủ, đa đảng như Myanmar. Đó là những kinh
nghiệm gì?
Sau đây là một số
kinh nghiệm theo nhận định của chúng tôi.
I/- KINH
NGHIỆM THAY ĐỔI NHẬN THỨC TƯ DUY CỦA NHỮNG NGƯỜI LÃNH ĐẠO HÀNG ĐẦU CHẾ ĐỘ ĐƯƠNG
QUYỀN.
Sự chuyển đổi qua
chế độ dân chủ, đa đảng ở Myanmar
khởi sự từ sự thay đổi nhận thức tư duy của các tướng lãnh cầm quyền theo đòi
hỏi của lòng dân và chiều hướng khách quan của thời đại toàn cầu hóa.
Tổng thống Thein
Sein, một tướng lãnh hồi hưu, là người khởi sự công cuộc chuyển đổi hòa bình
qua dân chủ, theo chiều hướng không thể đảo ngược. Vì vậy, Ông được nhiều người
coi là một Mikhail Gorbachev của Myanmar, nhưng ông đã phủ nhận: “Tôi
muốn nói với quý vị rằng Gorbachev và tôi không giống nhau”. Năm 2012
trước Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc tại New York,
Ông hein Sein đã khẳng định rằng Myanmar đang đi trên con đường đổi
mới mà nó không thể lùi bước. Con đường này được chọn lựa sau khi các tướng
lãnh cầm quyền có chuyển biến trong tư duy, được thể hiện qua câu nói của Ông
Thein Sein, rằng “Chúng tôi không cải cách vì tôi muốn cải cách. Đơn giản
là chúng tôi chỉ đáp ứng mong muốn cải cách của người dân. Do vậy tương lai của
tôi phụ thuộc vào người dân và nguyện ước của họ”
Như thế, Tổng
thống Thein Sein đã xác nhận Ông và các tướng lãnh cầm quyền chỉ muốn “đáp ứng
mong muốn cải cách của người dân” Do vậy tương lai của ông và giới tướng lãnh
cầm quyền “phụ thuộc vào người dân và nguyện ước của họ” và ông đã làm theo
nhận thức và tư duy này, nên ông đã tồn tại và cũng sẽ vẫn tồn tại/
Các nhà lãnh đạo
đảng và nhà nước Việt Nam
cần rút kinh nghiệm mà thay đổi nhận thức, tư duy như các tướng lãnh cầm quyền
ở Myanmar.
Nghĩa là hãy từ bỏ mọi hình thức “cải cách theo ý đảng” (Đổi mới 1985-1995, Mở
cửa 1995-2015) chỉ nhằm thoát hiểm, cứu nguy chế độ, kéo dài quyền thống trị
của đảng CSVN; thay vào đo, họ phải “cải cách theo lòng dân” để “đáp ứng mong
muốn cải cách của người dân”.
Phía những người
lãnh đạo các chính đảng và các tổ chức đấu tranh chống chế độ đương quyền vì
dân chủ cho Việt Nam lâu nay vẫn cự tuyệt đối thoại, hòa giải với Hà Nội, cũng
cần thay đổi nhân thức tư duy theo gương Bà Aung San Suu Kyi và các nhà lãnh
đạo đối lập khác ở Myanmar. Trước cuộc bầu cử ngày 8/11/2015, họ đã sẵn sàng bỏ
qua quá khứ, không nhắc gì và cũng không đòi nhà cầm quyền đưa ra lời xin lỗi
về các hành động trong quá khứ của quân đội, như là cầm tù các nhà hoạt động và
những người bất đồng chính kiến. Sau cuộc bầu cử dù đạt kết quả thắng lợi vẻ
vang, Bà Aung San Suu Kyi vẫn hành xử mềm mỏng với các tướng lãnh và đảng cầm
quyền USD. Bà muốn sớm được hội đàm với các lãnh đạo đảng và nhà nước đương
quyền để bàn giao chính chính quyền một cách tốt đẹp, và trong tương lai
muốn được đảng thất cử USD hợp tác, hổ trợ cho các quốc kế dân sinh mà NLD sẽ
thực hiện.
Kinh nghiệm “hòa
giải và hòa hợp dân tộc hai chiều” trên đây của Myanmar cần được lãnh đạo đảng
CSVN và các lực lượng chống cộng vì mục tiêu dân chủ hóa đất nước quan tâm xem
xét để vận dụng vào thực tiển, tạo thuận lợi cho tiến trình chuyển đổi qua dân
chủ tại Việt Nam.
II/- KINH
NGHIỆM CHUYỂN ĐỔI THỰC TIỄN QUA CHẾ ĐÔ DÂN CHỦ MỘT CÁCH HÒA BÌNH VÀ ỔN ĐỊNH CỦA
MYANMAR
Từ sự chuyển biến
tư duy, các nhà lãnh đạo hàng đầu Myanmar đã chủ động thực hiện một
tiến trình chuyển đổi từ chế độ độc tài quân phiệt qua chế độ dân chủ, đa đảng
như thế nào?
1.- Về đối
ngoại Myanmar đã tìm cách “thoát Trung” bằng cách đa phương hóa trong quan hệ
kinh tế, chính trị với nhiều nước, để không lệ thuộc hoàn toàn vào Trung Quốc
và không bị quốc tế cô lập.
Myanmar vốn là
thuộc địa của đế quốc Anh, tuyên bố độc lập ngày 4/1/1948, chẳng bao lâu sau
quân đội đã nắm chính quyền và xây dựng “xã hội chủ nghĩa”, nhưng không do đảng
cộng sản bản xứ nắm quyền thực hiện. Từ năm 1962, các tướng lãnh cầm quyền từ
bỏ “xã hội chủ nghĩa”, thực hiện chế độ độc tài quân phiệt khiến nhân dân
Myanmar bất mãn chống đối và bị trấn áp. Hệ quả là, kinh tế khủng hoảng, mức
sống người dân ngày càng sa sút, khiến Myanmar ngày càng lệ thuộc hơn vào
Trung Quốc. Đồng thời vì sự cai trị độc tài, hà khắc Myanmar đã bị quốc tế cô lập, kinh
tế suy sụp và lại càng phải dựa vào Trung Quốc nhiều hơn để sống còn. Trong
tình hình đó, chế độ độc tài quân phiệt Miến đã có viễn kiến nên sớm tìm cách
thoát Trung. Một trong các yếu tố căn bản cho sự thành công của tiến trình dân
chủ hóa Myanmar và giới cầm quyền nước này là đã tìm cách “thoát Trung” và đã
thoát được sự lệ thuộc hoàn toàn vào Trung Quốc, để không bị trói buộc như Việt
Nam bao lâu nay.
Việt Nam cần học tập kinh nghiệm này đề tìm cách
“thoát Trung” nếu muốn chuyển đổi qua chế độ dân chủ đa đảng như Myanmar.
Hiện tại Việt Nam đã hình thành được thế chính trị ổn định, kinh tế đa phương
phát triển, nhờ chính sách “mở cửa” thu hút được vốn đấu tư từ nhiều nước; lại
được cường quốc Hoa Kỳ sẵn sàng chống đỡ, nếu Việt Nam thực tâm chọn Hoa Kỳ là
đồng minh để tham gia liên minh các quốc gia trong vùng có chung hiểm họa bị
xâm lấn, gián chỉ tham vọng bành trướng của Trung Quốc tại Biển Đông. Hiện nay,
Việt Nam đang có cơ hội rất thuận lợi, hơn cả Myanmar trước đây, để thoát khỏi
sự kềm kẹp của Bắc Kinh và thực hiện chuyển đổi hòa bình qua chế độ dân
chủ, đa đảng như Myanmar.
2.- Về đối
nội, để chuyển sang chế độ dân chủ một cách có trật tự, ổn định, các tướng lãnh
cầm quyền ở Myanmar đã tạo điều kiện thuận lợi cho sự hình thành các nhân tố
của một xã hội dân sự, tiền đề cho sự hình thành chế độ dân chủ, đa đảng. Đó là
việc cho phép hình thành và hoạt động của các tổ chức xã hội dân sự có tư cách
pháp nhân như các chính đảng, các tổ chức nghề nghiệp, các Giáo hội và các hiệp
hội văn hóa, xã hội …
Chẳng hạn vào năm
1988 các tướng lãnh cầm quyền bắt đầu cho phép những người chống đối chế độ qui
tụ vào hoạt động trong tổ chức NLD do bà Aung San Suu Kyi lãnh đạo. Năm 1990
chế độ cho tổ chức bầu cử tự do như một thử nghiệm, với kết quả NLD đã chiếm
gần 80% số ghế được cho dân bầu chọn. Đây là một kết quả bất lợi cho giới tướng
lãnh cầm quyền lúc bấy giờ nên đã bị hủy bỏ, NLD bị giải tán, với hàng trăm
đảng viên hàng đầu, kể cả bà Aung San Suu Kyi sau đó bị quản thúc tại gia suốt
20 năm (1990-2010).
Thế nhưng, những
biến chuyển khách quan tình hình trong nước và chiều hướng quốc tế mới đã buộc
các tướng lãnh cầm quyền phải thay đổi tư duy và phải hành động theo hướng dân
chủ hóa từng bước. Khởi đi từ năm 2003, giới tướng lãnh cầm quyền đã vạch ra
“Lộ trình Dân Chủ hóa hóa có kỷ cương” (Roadmap to Discipline-Flourishing
Democracy). Tiến trình này đã diễn ra tuy có chậm so với đòi hỏi của nhân dân,
nhưng an toàn cho giai cấp cầm quyền và ổn định xã hội, có thành quả thực tế
vững chắc, có lợi cho đất nước.
Hai chục năm sau,
chế độ quân phiệt Myanmar lại cho bầu cử thử nghiệm lần thứ hai vào năm 2010,
rồi lần thứ ba năm 2011, nhưng vì còn ngờ vực, chưa tin, đảng NLD đã tẩy chay
bầu cử. Thế rồi, để tạo niềm tin, sau khi nhậm chức Tổng thống ngày 30/3/2011,
Ông Thein Sein bắt tay vào tiến trình đổi mới đất nước theo hướng mở cửa và dân
chủ. Ông thực hiện nhiều cải cách lớn: mở cửa nền kinh tế, thả hàng trăm tù
nhân kể cả tù nhân chính trị, thực thi thỏa thuận hòa bình với các nhóm dân tộc
thiểu số và nới lỏng kiểm soát truyền thông. Ông cũng nhanh chóng gặp thủ lĩnh
đối lập Aung San Suu Kyi và quyết định trả tự do cho bà vào ngày 13.10.2010 sau
hơn 20 năm bị quản thúc tại gia. Ông cũng là người đã cho phép đảng NLD tham
gia tổng tuyển cử lần đầu tiên vừa qua, sau 25 năm (1990-2015). Nhờ đó, Bà Aung
San Suu Kyi, mới quyết định đưa NLD tham gia bầu cử bán phần Quốc hội lưỡng
viện vào năm 2012 để chọn 44 ghế đại biểu mà chế độ dành cho ân lựa chọn. NLD
tham gia bầu cử và đã chiếm 43 ghế, Bà Suu Kyi trở thành dân biểu từ đó. Việc
đảng NLD vào Quốc hội và bà Suu Kyi trở thành một nhân vật lãnh đạo đối lập đã
tạo uy tín quốc tế ngày một gia tăng cho chế độ, được giải tỏa cấm vận, giúp
Myanmar thoát dần tình trạng cô lập. Myanmar bắt đầu nhận được đầu tư ồ ạt của
nhiều nước tư bản Phương Tây và các nước trong vùng. Ngày bầu cử 8/11/2015 vừa
qua, đã kết thúc lộ trình chuyển hóa đất nước qua chế độ dân chủ có kỷ cương,
trật tự, do các tướng lãnh quân đội Miến cầm quyền chủ động đưa ra và đã
thực hiện thành công.
Nếu nhìn vào diễn
biến tình hình thực tế, Việt Nam cũng đã và đang trong tiến trình dân chủ hóa,
nhưng khác Myanmar, tiến trình này không do đảng CSVN cầm quyền tự giác, sáng
tạo một lộ trình và chủ động thực hiện như các tướng lãnh cầm quyền ở
Myanmar. Chính tình hình thực tế khách quan đã tạo ra các áp lực từ nhiều phía
(từ phía nhân dân quốc nội, hải ngoại, quốc tế và từ chính nội bộ đảng CSVN…)
đã và đang đẩy đưa chế độ độc tài, độc đảng CSVN tiến dần về phía dân chủ.
Những nhà lãnh đạo cấp cao của đảng CSVN dường như cũng biết thế, nhưng vẫn không
thể cưỡng lại được, chỉ cảnh giác các cán bộ đảng viên về một “âm mưu diễn biến
hòa bình của các thế lực thù địch” có thề làm mất Đảng, tiêu vong chế độ.
Thật vậy, một tiến
trình dân chủ đã được khởi động từ 20 năm qua (1995-2015) sau 10 năm xây dựng
chủ nghĩa xã hội thất bại (1975-1985), tiếp đến 10 năm “Đổi mới” để cứu nguy
chế độ cũng không thành (1985-1995). Đảng CSVN bắt đầu “mở cửa” đón nhận cựu
thù “Đế quốc Mỹ” để được bãi bỏ cấm vận, thiết lập quan hệ ngoại giao và cùng
các nước dân chủ tư bản ồ ạt bỏ vốn đầu tư. Nhờ đó Việt Nam đã thay đổi về
chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, khoa học kỹ thuật… Mặc dầu, đảng cầm quyền
CSVN vẫn cố gắng ngụy biện cho cái gọi là “Kinh tế thị trường theo định hướng
xã hội chủ nghĩa”, nhưng là điều nghịch lý nên chẳng ai, kể cả chính họ, cũng
không tin vào giá trị hiện thực.
Giờ đây, nếu những
người lãnh đạo đảng CSVN thay đổi não trạng, muốn chuyển đổi qua chế độ dân chủ
theo tư duy và cách làm của các tướng lãnh và đảng USD đang cầm quyền ở Myanmar
đã làm, thì có thể an tâm rằng sự chuyển đổi đó sẽ diễn ra hòa bình, ổn định,
dù trong cuộc bầu cử vừa qua đã có sự tham gia tranh cử của 91 chính đảng lớn
nhỏ để giành chính quyền bằng phương thức dân chủ, chứ không gây bất ổn chính
trị xã hội nào cho đất nước như đảng CSVN lo ngại và viện ra như một lý do để
kéo dài chế độ độc tài toàn trị cộng sản đã tồn tại 61 năm qua tại Việt Nam
(1954-2015).
III/- KẾT
LUẬN.
Tập đoàn các tướng
lãnh cầm quyền ở Myanmar đã thay đổi tư duy cũng như chủ động đưa ra và quyết
tâm thực hiện một lộ trình chuyển đổi từ chế độ độc tài quân phiệt qua chế độ
dân chủ, đa đảng. Lộ trình Dân chủ hóa có kỷ cương, trật tự này
được khởi động thực hiện 12 năm (2003-2015) và sSau cùng đã kết thúc
thành công với cuộc bầu cử tự do vào ngày 8/11/2015 vừa qua.
Việt Nam sau 20
năm “mở cửa” đã tạo điều kiện khách quan thuận lợi cho một tiến trình dân chủ
hóa. Nếu đảng CSVN thay đổi được tư duy như các tướng lãnh và đảng cầm
quyền USD, thì thay vì tiếp tục “cải cách theo ý đảng” họ cần thực hiện
“chuyển đổi theo ý dân”.
Nếu chọn “chuyển
đổi theo ý dân” đảng CSVN hoàn toàn có khả năng và cơ hội thuận lợi thể kết
thúc quá trình chuyển đổi một cách an toàn chỉ trong vòng 5 năm tới
(2015-2020). Sự chọn lựa này vừa có lợi cho đất nước, vừa có lợi cho chính đảng
CSVN, phù hợp với ước muốn của toàn dân./.
*Các bài viết được đăng tải với sự đồng ý của Ðài VOA nhưng không phản ánh quan điểm hay lập trường của Chính phủ Hoa Kỳ.
*Các bài viết được đăng tải với sự đồng ý của Ðài VOA nhưng không phản ánh quan điểm hay lập trường của Chính phủ Hoa Kỳ.
Thiện Ý
Thiện Ý nguyên luật sư tại Sài Gòn trước 1975, hiện là Chủ
tịch Câu Lạc bộ Luật khoa Việt Nam
ở Houston.
No comments:
Post a Comment
Note: Only a member of this blog may post a comment.