Thursday, March 10, 2016

Nhận định: VIỆT NAM KHÔNG CÓ DÂN CỬ, DÂN BẦU - CHỈ CÓ ĐẢNG CỬ, ĐẢNG BẦU.



Nhận định:
VIỆT NAM KHÔNG CÓ DÂN CỬ, DÂN BẦU - CHỈ CÓ ĐẢNG CỬ, ĐẢNG BẦU.

Thiện Ý

     Trọng buổi họp báo ngày cuối cùng kết thúc Đại Hội 12 của đảng CSVN kéo dài tám ngày (21 đến 28-1-2016), Ông Nguyễn Phú Trọng Tổng Bí Thư đảng CSVN tái cử nhiệm kỳ 2 (2016-20210) đã lên tiếng bác bỏ những chỉ trích về chế độ độc đảng, độc tài toàn trị do đảng CSVN áp đặt bao lâu nay tại Việt Nam. Theo ông, đó là một chế độ “dân chủ tập trung” do tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách « dân chủ hơn hẳn » một số nước có  tổ chức phổ thông đầu phiếu bầu  ra những người lãnh đạo cao nhất nước ‘nhân danh là dân chủ nhưng cá nhân quyết định tất’.và cho rằng Việt Nam “dân chủ đến thế là cùng” (!?!).
     Chúng tôi đã có bài nhận định “Vì sao cựu-tân Tổng Bí Thứ Nguyển Phú Trọng đã trắng trợn nói sai sự thật như thế”, nay với bài “Việt Nam không có dân cử,dân bầu- chỉ có đảng cử, đảng bầu” để vạch trần mức độ nói láo có bằng cấp của Ông Trọng trên bình diện lý luận (Vì Ông tốt nghiệp Tiến sĩ chính trị học Mác-Lê do một viện đại học của Liên Xô cũ chuyên đào tạo các nhà ngụy biện hàng đầu cho các đảng CS ở các nước); và mức độ nói láo được Ông và đảng CSVN vận dụng vào thực tiễn để xây dựng chủ nghĩa xã hội không tưởng tại Việt Nam bằng các thủ đoạn tuyên truyền lừa mị che đậy bằng sự dối trá như thế nào.
     Nội dung bài viết này lần lượt trình bầy:

I/- VIỆT NAM KHÔNG CÓ DÂN CỬ, DÂN BẦU.
     Việt Nam không có  dân cử, dân bầu, vì không có chế độ dân chủ pháp trị, đa đảng. Nghĩa là một chế độ trên bình diện pháp lý phải do người dân chọn lựa, thông qua một Quốc Hội Lập Hiến gồm những đại biểu do người dân bầu cử ra qua cuộc phổ thông bầu phiếu tự do, trưc tiếp và kín. Quốc Hội Lập Hiến có nhiệm vụ soạn thảo ra một bản Hiến Pháp thiết định chế độ chính trị theo đúng ý muốn của người dân, với các cơ quan công quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp được tổ chức và điều hành bởi những người dân cử và công cử (công chức) làm nhiệm vụ công bộc hưởng lương bổng do tiền đóng thuế của dân.
     Trên bình diện thực thi Hiến pháp, bất cứ người dân nào có năng lực và hội đủ điều kiện cũng có quyền tự do ứng cử với tư cách cá nhân hay đảng phái chính trị để được người dân tuyển chọn vào các chức vụ dân cử ; hay tự do ứng tuyển vào các chức vụ công cử (công chức) để được thẩm quyền các cấp các ngành tuyển chọn vào các cơ quan công quyền quốc gia. Gọi chung là bộ máy Nhà Nước, với cơ chế của một chính quyền của dân, do dân và vì dân, làm nhiệm vụ quản lý đất nước mưu cầu hạnh phúc riêng cũng như chung, theo đúng ý muốn của người chủ đất nước là nhân dân.
    Muốn làm theo đúng ý muốn của nhân dân, những công bộc dân cử hay công chức các cấp các ngành trong guồng máy công quyền quốc gia phải lãnh đạo, quản lý đất nước theo Hiến pháp và hệ thống pháp luật do các cơ quan dân cử có thẩm quyền (Quốc hội,  cơ quan dân cử các cấp..) làm ra, có hiệu lực cưỡng hành và chế tài vi phạm đối với mọi người dân cũng như những công bộc làm việc cho dân trong guồng máy công quyền quốc gia, từ trung ương đến các địa phương.
     Trên đây là những yếu tính đặc trưng cho một chế độ dân chủ pháp trị, đa đảng. Việt Nam không có những yếu tính đặc trưng này. Vì sự hình thành chế độ chính trị Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam không xuất phát từ ý nguyện của nhân dân, mà chỉ là sự áp đặt đơn phương của đảng CSVN. Vì Hiến Pháp làm căn bản pháp lý thiết lập chế độ này không do một Quốc Hội  của dân, do dân và vì dândo dân cử, dân bầu; mà do một “Quốc Hội của đảng, do đảng và vì đảng CSVNdo đảng cử, đảng bầu làm ra, với quyền thống trị độc tôn (Điều 4 HP hiện hành) trong một chế độ độc tài toàn trị.

II/-VIỆT NAM CHỈ CÓ ĐẢNG CỬ, ĐẢNG BẦU.
     Việt Nam không có dân cử, dân bầu, mà chỉ có đảng cử, đảng bầu, vì là một chế độ độc tài toàn trị, độc đảng, quyền làm chủ của nhân dân đã bị đảng CSVN tước đoạt hoàn toàn. Bởi vì, trong chế độ này không người dân nào được quyền tự do  bầu cử và ứng cử các chức vụ dân cử trong guồng máy công quyền quốc gia từ trung ương đến các địa phương. Các chức vụ công cử lãnh đạo lớn bé trong guồng máy công quyền quốc gia đều là các đảng viên CS hay có lý lịch được đảng CSVN đánh giá theo quan điểm, lập trường chính trị của đảng CS.Vì các quyền này đã là độc quyền của đảng CSVN trong nhiều thập niên qua, kể từ sau khi họ cướp được chính quyền, áp đặt chế độ độc tài đảng trị trên nửa nước Miến Bắc (1954-1975) và trên cả nước Việt Nam từ sau 30-4-1975 đến nay.
    Đó là một thực tế không cần nói ra thì quốc dân Việt Nam trong ngoài Việt Nam, cũng như quốc tế đều biết cái mà Ông Tổng Trọng nói láo không biết ngượng về thứ dân chủ tập trung vào tay đảng CSVN là « dân chủ hơn hẳn » một số nước có  tổ chức phổ thông đầu phiếu bầu  ra những người lãnh đạo cao nhất nước.
   Ông Trọng nói láo trắng trợn ở chỗ những người lãnh đạo cao nhất nước ở các quốc gia dân chủ là do chính người dân bằng lá phiếu bầu chọn trong số các ứng viên ứng cử tự do hay do đảng phái chính trị đưa ra, trong các cuộc bầu cử tự do. Sau khi một cá nhân đắc cử ngôi vị cao nhất (như Tổng Thống Hoa Kỳ chẳng hạn…) không phải lãnh đạo đất nước một mình mà còn nhiều cá nhân đứng đầu các bộ phận khác trong guồng máy công quyền quốc gia (như các Chủ tịch lưỡng viện Quốc hội, Chủ tịch Tối cao Pháp Viện..); bên cạnh còn có cả một dàn cố vấn về các vấn đề căn bản của đất nước (như an ninh quốc gia, đối ngoại, kinh tế tài chánh, quân sự, an ninh tình báo…). Đồng thời người đứng đầu nước không phải muốn làm gì thì làm mà phải lãnh đạo trong khuôn khổ Hiến pháp và luật pháp quốc gia, nếu vi phạm sẽ bị chế tài theo luật… Trong khi, tại Việt Nam, những người đứng đầu nước, như Tổng Bí Thư đảng CSVN, Chủ tịch Nước, Chủ tịch Quốc hội, Thủ Tướng Chính Phủ  lại do Đại Hội Đảng CSVN cử ra. Sau đó đưa ra cho một “Quốc hội của đảng, do đảng và vì đảng CSVN” biểu quyết thông qua. Bởi vì Quốc Hội này hầu hết đại biểu là đảng viên CS,trước đó đều phải được Mặt Trận Tổ Quốc Việt Nam, một tổ chức ngoại vi của đảng CSVN gạn lọc giới thiệu làm ứng cử viên cho dân bầu trong các cuộc bầu cử chiếu lệ, hình thức do “Chính quyền của đảng, do đảng và vì đảng” tổ chức, kiểm soát; người dân không có sự chọn lựa nào khác vì các ứng viên không do dân cử, dân bầu.
     Đến đây cũng cần vạch trần sự khoe khoang láo khoét của Ông Tổng Trọng khi coi việc bầu bán các chức vụ chóp bu của đảng và nhà nước qua Đại Hội Đảng 12 vừa qua là ““dân chủ đến thế là cùng”. Vì qua cách ứng cử và bầu cử vẫn theo nguyên tắc “Đảng cử, đảng bầu” như đối với nhân dân, mà còn chặt chẽ hơn nhiều. Các ứng viên không được ứng cử mà phải được sự đề cử của các Ủy viên Bộ Chính trị đương nhiệm, để được một Hội nghị của Ban Chấp Hành Trung ương khoảng vài trăm thông qua. Các ứng viên này được giới thiệu cho khoảng 1500 đại biểu do các cấp bộ đảng cử ra tham gia Đại Hội để bầu ra các chức vụ cao nhất đảng và nhà nước là Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, Chủ tịch Quốc hội, Thủ tướng chính phủ. Nếu có sự đề cử ở Đại Hội, người đề cử phải từ chối. Nếu sau đó đa số đại biểu tham dự Đại hội biểu quyết không cho từ chối mới được coi là ứng viên để Đại Hội biểu quyết bầu chọn.Mọi người ai cũng thấy qua Đại Hội 12 của Đảng CSVN phe cánh Ông Tổng Trọng đã khai thác triệt để nguyên tắc “Đảng cử, đảng bầu” để loại trừ nhau, làm gì có nguyên tắc dân chủ “Đa số thắng thiểu số, thiểu số phải phục tòng đa số…”. trong đảng mà Ông Trọng dựa vào đó mà tự hào ““dân chủ đến thế là cùng”!?!
     Trong nội bộ đảng CSVN cầm quyền độc tôn không có dân chủ,
thì làm sao  “Dân cử, dân bầu” đối với hơn 90 triệu nhân dân Việt Nam.
      Nhớ lại trước khi qua Hoa Kỳ theo diện đoàn tụ gia đình vào cuối tháng 3 năm 1992, khi đến chào tạm biệt người bạn thân, “một đảng viên cộng sản chân chính” mà vài năm trước đây tôi đã viết được đài VOA cho đăng tải (“Thư xuân viết cho một người bạn đảng viên cộng sản chân chính”), chúng tôi có trao cho bạn một tập vở học trò dầy 100 trang, trong đó góp ý chi tiết về hai vấn đề căn bản của đất nước: Chính trị và kinh tế. Riêng về chính trị, chúng tôi đề nghị hai điểm:
- Một là dân chủ hóa trong đảng. Theo đó các chức vụ hàng đầu của đảng CSVN như Tổng Bí Thư chẳng hạn, nên để cho tất cả các đảng viên có Thẻ Đỏ được bầu trực tiếp, với các ứng viên ở mọi cấp được tự ứng cử hay đề cử. Cách này để tránh tập trung quyền lực quá lớn trong một nhóm nhỏ (Bộ chính trị…), tạo ra nạn bè phái, phân hóa, ngăn cản các tài năng mới của đảng vươn lên…..
- Hai là, để quyền làm chủ của nhân dân được tôn trọng, bảo vệ và hành xử, nếu Đảng không chấp nhận đa nguyên, đa đảng, có thể vẫn duy trì “Nhất nguyên xã hội chủ nghĩa” nhưng với lưỡng đảng Mác-xít. Ví dụ Đảng CSVN và Đảng Xã Hội Chủ nghĩa Việt Nam chẳng hạn, đảng này nắm quyền thì đảng kia đóng vai đối lập xây dựng. Vì về mặt lý luận Mác-Xít vẫn đúng: Đảng CSVN hay Đảng XHCNVN vẫn là đảng của giai cấp vô sản, bảo vệ quyền lợi cho giai cấp vô sản. Tương tự như đảng Cộng Hòa hay đảng Dân Chủ ở Hoa Kỳ đều là đảng của giai cấp tư sản, bảo vệ quyền lợi cho giai cấp tư sản….
   Vào khoảng năm 1988, trong một cuộc thuyết trình tại trụ sở Hội Luật Gia Thành Phố HCM,về công cuộc cải tổ ở Liên Xô, với thuyết trình viên từ Trung ương Hà Nội, chúng  tôi lần đầu tiên đã đưa ra đề nghị trên. Thuyết trình viên đã trả lời rằng “Ý kiến của đồng chí độc đáo đấy. Ở Liên Xô cũng có người đề nghị như thế, nhưng đã bị đồng chí Mikhail Gorbachev bác bỏ…” .Lần thứ hai vào khoảng 1989-1991, chúng tôi đã trình bầy chi tiết hơn trong bài thi môn chính trị cuối khóa học chuyên tu do Đại Học Pháp Lý Hà Nội tổ chức giảng dậy, kéo dài 16 tháng có trả học phí (khoảng 1.5 chỉ vàng y) dành cho những người có cử nhân luật và tốt nghiệp quốc gia hành chánh (có lẽ vì lúc đó Phan Công Trình, một cựu sinh viên QGHC nằm vùng cho Việt cộng được làm Giám Đốc Sở Tư Pháp TPHCM nên cho thêm cùng được học với những người tốt nghiệp cử nhân luật trở lên…) như là để hợp thức hóa văn bằng chế độ cũ ở Miền Nam. Kết quả tôi bị đánh rớt môn học này, nhưng sau đó được cho thi lại để được tốt nghiệp.

III/- KẾT LUẬN.
      Hiển nhiên Việt Nam đã không có “Dân cử, dân bầu” mà chỉ có “Đảng cử, đảng bầu” kể từ khi đảng CSVN cướp chính quyền, áp đặt chế độ độc tài, độc đảng. Bởi vì dưới chế độ này các quyền dân chủ, dân sinh, nhân quyền đều bị đảng CSVN bác đoạt.
      Thực tế cũng như thực chất là thế, nhưng người đứng đầu  đảng CSVN là Ông Nguyễn Phú Trọng đến giờ này vẫn khoe khoang vế cái gọi là nền dân chủ tập trung trong chế độ độc tài, độc đảng là« dân chủ hơn hẳn » các nước dân chủ thứ thiệt khác trên thế giới. Điều này không làm ai ngạc nhiên vì Ông Trọng đã làm đúng vai trò người phát ngôn hàng đầu và thể hiện đúng bản chất gian trá của một đảng chuyên sử dụng bạo lực để cướp chính quyền, dùng bạo lực để trấn áp nhân dân và tuyên truyền lựa mị để lừa bịp quần chúng.
     Để tự soi lại mình, đề nghị Ông Tổng Trọng cần nhìn qua cuộc bầu cử Tổng Thống Hoa Kỳ và các chức vụ dân cử hiện nay đã và đang diễn ra sôi nổi, dân chủ như thế nào để biết thế nào là “Dân cử, dân bầu” các chức vụ dứng đầu nhà nước, khác với “Đảng cử, đảng bầu” phản dân chủ mà đảng CSVN áp đặt bao lâu nay tại Việt Nam. Đồng thời, nếu thâm tâm Ông có thiện chí muốn Việt Nam có được chế độ do “Dân cử, dân bầu” thực sự  như Hoa Kỳ, xin Ông và đảng của Ông hãy nhìn qua nước láng diền Miến Điện, hỏi Tổng Thống Thein Sein và tập đoàn quân phiệt Miến Điện xem họ đã chuyển đổi chế độ chính trị “dân cử, dân bầu” ra sao./.

Thiện Ý
Houston, ngày 18-2-2016

No comments:

Post a Comment

Note: Only a member of this blog may post a comment.