Friday, May 25, 2018

Ai là tác giả kiêm đạo diễn kịch bản thượng đỉnh Liên Triều, Mỹ-Triều? 25/05/2018


Ai là tác giả kiêm đạo diễn kịch bản thượng đỉnh Liên Triều, Mỹ-Triều?


Thượng đỉnh Mỹ - Triều đã bị tổng thống Trump tuyên bố hủy bỏ.
Thiện Ý

Như mọi người đều biết, nhà cầm quyền Bắc Triều Tiên bao lâu nay theo đuổi chính sách đối đầu thù địch, từng bước gây căng thẳng quân sự và đạt tới đỉnh cao bằng các cuộc thử nghiệm hạt nhân và hỏa tiễn tầm xa, tầm trung có khả năng mang đầu đạn hạt nhân đến dất Hoa Kỳ và đe dọa các quốc gia lân bang; bất chấp sự phản đối, lên án của công luận quốc tế và các biện pháp trừng phạt từ thấp đến cao của Liên Hiệp Quốc.
Trong khi Liên Hiệp Quốc chuẩn bị gia tăng cường độ và phạm vi các biện pháp trừng phạt chế độ Bắc Triều Tiên mạnh mẽ hơn nữa, thì đột nhiên Bình Nhưỡng đánh tiếng sẵn sàng gửi phái đoàn vận động viên tham dự Thế Vận Hội Mùa Đông tại Nam Hàn vào tháng 2-2018. Sau đó chủ động đề nghị họp Thượng Đình Liên Triều và cả Thượng Đỉnh với Hoa Kỳ một cách vô điều kiện; lại còn đi bước trước đưa ra những quyết định có vẻ đáp ứng được các đòi hỏi bao lâu nay của Hoa Kỳ và quốc tế về hồ sơ hạt nhân Bắc Triều Tiên (ngưng thí nghiệm hạt nhân, hủy bỏ địa điểm thử nghiệm… mà không đòi hỏi điều kiện tiên quyết nào…). Thượng Đỉnh Liên Triều thì đã diễn ra ngày 27-4-2018 tại Bàn Môn Điềm trong vùng phi quân sự ngăn chia hai miền Bắc-Nam Triều Tiên với kết thúc rất tốt đẹp và đầy ấn tượng, gây xúc động lòng người. Thượng đỉnh Mỹ-Bắc Triều theo đồng thuận đôi bên thì sẽ diễn ra tại đệ tam quốc gia Singapore vào ngày 12-6-2018 tới đây thì đột nhiên khựng lại do Bắc Triều Tiên viện cớ cuộc tập trận thường niên giữa Hoa Kỳ và Bắc Triều Tiên và có ý ép họ thực hiện phi hạt nhân hóa “một chiều”…
Đứng trước sự chủ động để nghị và thực hiện các bước đi đầy tự tin, có tính đột phá trong chính sách đối ngoại cũng như đối nội của nhà cầm quyền Bắc Triều Tiên, đã có nhận định cho rằng “Trung Quốc đã bị loại ra rìa các cuộc hội nghị thượng đỉnh”. Nhận định này cho rằng các đời lãnh tụ cha truyền con nối họ Kim từ lâu đã nuôi chí “thoát Trung” để có “độc lập, tự chủ” bằng cách thực hiện một chính sách cai tri hà khắc, bắt dân thắt lưng buộc bụng, chịu đói rét, khổ sở để dồn nỗ lực chế tạo cho được võ khí hạt nhân. Nay sau khi Bình Nhưỡng công bố vào năm 2017 đã thành công trong việc thử nghiệm và đã có vũ khí hạt nhân trong tay, là đã hội đủ thế lực chủ động thực hiện chính sách đối ngoại đột biến trực tiếp với đối phương, không cần vai trò trung gian của Bắc Kinh; đối nội thì chủ động thực hiện “hòa giải dân tộc” với Nam Hàn, xây dựng phát triển Bắc Hàn đến giầu mạnh để thống nhất đất nước một cách hòa bình trong tương lai…
Thế nhưng theo nhận định của chúng tôi, “Trung Quốc không hề bị loại ra rìa…” mà Trung Quốc vẫn chính là tác giả kiêm đạo diễn kịch bản các cuộc hội nghị Thượng đỉnh Liên triều và Mỹ-Triều. Đồng thời, Trung Quốc cũng là tác giả kiêm đạo diễn kịch bản “thử nghiệm và chế tạo vũ khí, tên lửa đạn dạo của Bắc Triều Tiên”. Tất cả các kịch bản trước, sau này đều nhằm phục vụ lợi ích cho các ý đồ chiến lược của Trung Quốc. Nói cách khác, từ đời Ông Kim Nhật Thành, qua đời cha Kim Chính Nhật đến đời con Kim Chính Vân, dù có muốn “thoát Trung” cũng bất khả (như Việt Nam) mà phải chấp nhận làm công cụ bị cương tỏa trong “vòng Kim Cô Đỏ” của Trung cộng từ quá khứ đến hiện tại.
Thật vậy, về việc thử nghiệm và chế tạo vũ khí hạt nhân, tên lửa đạn đạo của Bắc Triều Tiên, chúng tôi đã có vài ba bài nhận định trên diễn đàn này. Chẳng hạn bàiĐối sách hai mặt của Bắc Kinh trên hồ sơ Bình Nhưỡng”mà VOA đăng tải ngày 26-7-2017, chúng tôi đã nhận định “Đối sách hai mặt”:
Lá mặt là Trung Quốc bề ngoài cố tạo ra cho chế độ Bắc Triều Tiên “bộ mặt độc lập tự chủ” và mối quan hệ Trung-Triều là quan hệ bình đẳng giữa hai quốc gia có chủ quyền. Do đó vẫn đã, đang và sẽ có thêm nhiều mâu thuẫn giả tạo trong quan hệ giữa Bắc Kinh và Bình Nhưỡng; và để giải quyết những mâu thuẫn này đảng và nhà cầm quyền Trung Quốc vẫn phải tỏ ra có nhiều khó khăn, cần nhiều nỗ lực thuyết phục, áp lực theo đường lối ngoại giao thông thường hay đặc biệt, chứ không thể ra lệnh, ép buộc đảng và nhà cầm quyền Bắc Triều Tiên như một công cụ. Nhưng tất cả chỉ là những động tác giả nhằm che đậy “Lá trái”.
Lá trái là thực chất mối quan hệ Trung -Triều là quan hệ bất bình đẳng và lệ thuộc toàn diện. Từ quá khứ trong chiến tranh ý thức hệ, đến hiện tại trong chiến lược toàn cầu mới, Bình Nhưỡng chỉ có chủ quyền trên nguyên tắc,lệ thuộc toàn diện chính trị, kinh tế, quân sự quốc phòng vào chế độ Bắc Kinh trên thực tế. Chính sự lệ thuộc này đã biến Bình Nhưỡng thành công cụ chiến lược một thời của Trung Quốc trong quá khứ cũng như hiện tại. Sự sống còn chế độ Bình Nhưỡng hoàn toàn tùy thuộc vào cách ứng xử của chế độ Bắc Kinh.
Hiện tại thực hiện đối sách “Lá mặt, lá trái” trên hồ sơ hạt nhân của Bình Nhưỡng, Bắc Kinh bề ngoài bao lâu nay luôn tỏ ra không tán đồng, chống đối cầm chừng và tham gia có mức độ, lúc mạnh, lúc yếu,các biện pháp trừng phạt của Liên Hiệp Quốc đối với các hành động thử nghiệm vũ khí hạt nhân và tên lửa đạn đạo của Bình Nhưỡng. Thế nhưng bên trong, từ lâu dường như chính Trung Quốc đã là nước duy nhất hay là chính yếu bên cạnh một vài nước khác (như Nga, Iran…) vẫn lén lút bao che, hổ trợ, cung cấp phương tiện, nguyên liệu hay làm thay để Triều Tiên có được và trở thành nước có vũ khí hạt nhân với hai ý đồ:
- Một là để Bình Nhưỡng dùng vũ khí hạt nhân hù dọa theo kiểu “Chén sành đổi chén kiểu” để “tống tiền” Hoa Kỳ và các nước giàu có trong vùng như Nhật Bản, Hàn Quốc hay quốc tế nói chung (nhận viện trợ để đổi lại việc ngưng các cuộc thử nghiệp hạt nhân…, tạo thế để không bị các nước lớn “Bắt nạt”, trừ Trung quốc (không bắt nạt mà phải vâng lời)
- Hai là để Bắc Kinh có điều kiện và cơ hội được quốc tế, nhất là Hoa Kỳ, phải cầu cạnh như một nước duy nhất có ảnh hưởng quyết định được đối với Bình Nhưỡng, để có thế làm cao giá mặc cả thủ lợi, khi được yêu cầu làm áp lực hay đứng ra làm trung gian triệu tập các hội nghị đa phương hay song phương với Bình Nhưỡng. Ví dụ các hội nghị sáu bên (Liên Hiệp Quốc, Hoa Kỳ, Nhật Bản, Nam Hàn, Trung Quốc với Bắc Triều Tiên) trong quá khứ; hay hội nghị tay đôi giữa Hoa Kỳ và Bắc Triều Tiên trong tương lai, để giải quyết vấn đề thử nghiệm hạt nhân của Bình Nhưỡng.
Nay Bình Nhưỡng được Bắc Kinh bật đèn xanh cho công bố đã thử nghiệm thành công vũ khí hạt nhân và tên lửa đạn đạo xa, gần và tự coi minh là một nước đã có vũ khí hạt nhân (2017), đủ thế lực chủ động, độc lập, tự chủ nói chuyện tay đôi trực tiếp với đối phương nội thù (Nam Hàn) cũng như ngoại thù (Hoa Kỳ) mà không cần trung gian nào hết, kể cả Trung Quốc (!?!). Phải chăng vì vậy mới có nhận định cho rằng “Trung Quốc đã bị gạt ra rìa các hội nghị thượng đỉnh Liên Triều và Mỹ-Triều”.
Thế nhưng, theo nhận định của chúng tôi “tác giả kiêm đạo diễn kịch bản các hội nghị Liên Triều và Mỹ-Triều” vẫn là Trung Quốc. Vì sao?
Trung Quốc bề ngoài cố tạo ra cho chế độ Bắc Triều Tiên “bộ mặt độc lập tự chủ” và mối quan hệ Trung-Triều là quan hệ bình đẳng giữa hai quốc gia có chủ quyền. Nhưng thức chất đã tạo ra con bài Bình Nhưỡng có vũ khí hạt nhận, chủ động đề nghị nói chuyện tay đôi, trực tiếp với Nam Hàn và với Hoa Kỳ, một cách vô điều kiện, mở ra một chính sách đối ngoại, đối nội có tính đột biến, đảo lộn 180 độ, gây kinh ngạc toàn thế giới… Thực tế Bắc Kinh nhằm thành đạt các ý đồ sau đây:
Một là đánh động gây tập trung sự chú tâm cao độ của Hoa Kỳ và các cường quốc đồng minh cũng như công luận quốc tế để che đậy các hành vi tăng cường quân sự hóa trên các hải đảo ở Biển Đông của Trung Quốc, như thực tế đã xảy ra trong thời gian diễn ra Thượng đỉnh Liên Triều và thời gian chuẩn bị cho Thượng đỉnh Mỹ-Triều.
Hai là Bắc kinh muốn dùng sự kiện các hội nghị Thượng đỉnh để tìm lợi thế trong thương lượng kinh tế mậu dịch với Hoa Kỳ. Dấu hiệu đầu tiên là các cuộc họp thương lượng giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc mới đây tại Washington đã đạt được kết quả “Hoa Kỳ và Trung Quốc đã tránh được cuộc chiến tranh thương mại” như được công bố. Mặt khác, dường như Tổng Thống Hoa Kỳ Donal Trump cũng biết được vai trò chủ đạo của Trung Quốc trong việc thành bại các hội nghị Thượng đỉnh nên hôm thứ Năm ngày 17/5, phát biểu trước các phóng viên trước khi bắt đầu cuộc gặp với Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg tại Phòng Bầu dục, Ông Trump nói theo những gì ông được biết thì kế hoạch gặp thượng đỉnh vốn suôn sẻ nhưng có lẽ Triều Tiên ‘đã bị Trung Quốc chi phối sau hai chuyến thăm mới đây của giới chức Triều Tiên đến nước này’. Vì thế Tổng thống Mỹ Donald Trump hôm 21/5 thúc giục Trung Quốc duy trì an ninh ở biên giới với Triều Tiên, đồng thời gây sức ép với Bắc Triều Tiên trước cuộc gặp mặt được mong đợi giữa ông với lãnh tụ Kim Jong Un, dự trù vào ngày 12-6 để thảo luận tiến trình phi hạt nhân hóa.
Thực tế dường như Tổng Thống Hoa Kỳ Donal Trump và Chủ tịch Tập Cận Bình của Trung Quốc đã hiểu được các nước cờ của nhau, với các bước đi của hai con cờ Nam Hàn và Bắc Hàn sao cho các bên đều có lợi. Vì thế hôm 22/5, trong cuộc họp tại Nhà Trắng với Tổng thống Hàn quốc Moon Jae-in, ông Trump nói họp thượng đỉnh có thể không diễn ra vào tháng tới. “Nếu không thì có thể xảy ra sau đó.”. Nhưng một ngày sau (23-5) Ông Trump lại nói Thượng đỉnh “Rất có thể là ngày 12/6” và. “Nếu họp thì đó là một điều rất tốt cho Triều Tiên.”; rồi Tổng thống Donald Trump loan báo một triển vọng đầy lạc quan, rằng tuần sau Mỹ sẽ có đáp án về số phận thượng đỉnh Mỹ-Triều.
Vậy chúng ta hãy chờ đến tuần sau xem đáp án về số phận Thượng đỉnh Mỹ Triều thế nào và để biết xem Trung Quốc có đóng vai trò gì trong đáp án này hay “bị loại ra rìa các cuộc hội nghị thượng đỉnh”?
Ghi chú: Khi bài viết này chuẩn bị được đăng tải, thì có tin Tổng Thống Donald Trump gởi thư cho ông Kim Jong-un, hủy bỏ cuộc gặp thượng đỉnh vào ngày 12 tháng Sáu tại Singapore.
Thiện Ý
Houston, ngày 24-5-2018

Diễn đàn Facebook

Tuesday, May 22, 2018

HỘI NGHỊ THƯỢNG ĐỈNH MỸ-TRIỀU CÓ TAN VỠ?



HỘI NGHỊ THƯỢNG ĐỈNH MỸ-TRIỀU CÓ TAN VỠ?

Thiện Ý

Tin tổng hợp giới truyền thông quốc tế cho hay hôm 16/5 /2018 vừa qua hãng thông tấn chính thức của Triều Tiên KCNA cho biết Bình Nhưỡng đã hủy không dự họp cấp cao với viên chức Hàn Quốc mà theo thỏa thuận sẽ diễn ra cùng ngày,  do tức giận trước cuộc tập trận chung Max Thunder giữa lực lượng Mỹ - Hàn diễn ra từ cuối tuần trước. KCNA lên án cuộc tập trận giữa không quân Hàn Quốc và Mỹ là “diễn tập xâm lược” và là “hành vi quân sự cố ý khiêu khích” giữa thời điểm mối quan hệ Hàn - Triều đang cải thiện.

Đồng thời, chiều cùng ngày 16-5, KCNA cũng công bố có thể hủy bỏ cuộc họp thượng đỉnh với Tổng thống Mỹ Donald Trump được hai bên đồng thuận sẽ diễn ra vào ngày 12-6-2018, nếu Washington kiên quyết theo đuổi thỏa thuận phi hạt nhân hóa “một chiều” của mình, khiến hội nghị Thượng đỉnh lịch sử giữa lãnh tụ Triều Tiên và Tổng thống Mỹ rơi vào tình trạng bấp bênh, lật ngược những tiến bộ ngoại giao đã đạt được trong nhiều tuần qua.

Đứng trước diễn biến bất ngờ trên, người ta lo ngại rằng hội nghị thượng đỉnh Mỹ- Triều có thể tan vỡ. Nhưng theo nhận định lạc quan của chúng tôi các động thái này chỉ là phép thử của đôi bên Mỹ -Triều có tính thăm dò lẫn nhau để có cách ứng xử trong thượng đỉnh nhằm đánh giá mức độ có thể thành đạt những gì mà mỗi bên muốn thành đạt qua hội nghị thượng đỉnh này. Vì thế có thể sẽ không đưa đến sự tan vỡ mà thượng đỉnh Donald Trump và Kim Jong Un vẫn sẽ diễn ra sau những nỗ lực ngoại giao ngầm giữa đôi bên để phá tan cản trở cuối cùng trước hội nghị. Nhận định này của chúng tôi văn cứ vào những dấu hiệu chứng tỏ các bên đều không muốn hội nghi thượng đỉnh có tính lịch sử, đôi bên cùng có lợi mà bị tan vỡ. Theo đó phản ứng của đôi bên đều mang tính “nước đôi” không có ý “rút cầu” mà chỉ muốn cho “đối phương” biết giới hạn những yêu sách của mỗi bên đừng vượt quá để đi đến kết quả chung cuộc mà đôi bên có thể chập nhận được và cùng có lợi.

Phản ứng bất ngờ của Bắc Triều Tiên có` lẽ  xuất phát từ quan điểm diều hầu, ép người quá đáng của  cố vấn an ninh quốc gia Hoa Kỳ John Bolton. Vì mới đây trong một chương trình truyền hình tại Hoa kỳ, Ông  Bolton đã kêu gọi Triều Tiên phải nhanh chóng từ bỏ kho vũ khí hạt nhân của mình trong một thỏa thuận tương tự như Libya; là từ bỏ kho vũ khí hủy diệt hàng loạt, với những biện pháp kiểm soát chặt chẽ và  đòi buộc Bình Nhưỡng phải chuyển những thành tựu vũ khí hạt nhân qua một nước thứ ba và chuyển giao cho Hoa kỳ các nguyên liệu nguyên tử đang tồn trữ được.

Người ta được biết trước đây, Triều Tiên từng đụng độ với ông Bolton khi ông làm việc dưới thời chính quyền Tổng thống George W. Bush.Triều Tiên từng dùng những từ ngữ nặng nề để nói về ông Bolton, như là “đồ cặn bã” và “kẻ hút máu”. Nay chính thái độ trịch thượng và những đòi hỏi ép người quá đáng của John Bolton đã làm Bình Nhưỡng nổi giận. Hãng Thông tấn chính thức của Bắc Triều Tiên KCNA  đã dẫn lời Ông Kim Kye Gwan Thứ trưởng Ngoại giao  nói:“Trong quá khứ, chúng tôi đã vạch trần tính chất của ông Bolton, và bây giờ chúng tôi không thể giấu sự ác cảm của mình đối với ông ta”.

Thực ra, ngay sau Thượng đỉnh liên Triều giữa Tổng thống Nam Hàn  Moon Jae In và Chủ tịch Bắc Triều Tiên Kim Jong Un ở Bàn Môn Điếm, Bình Nhưỡng đã chủ động đánh tiếng sẽ giải trừ hoàn toàn vũ khí hạt nhân, phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên, hòa giải  Bắc-Nam để bước vào kỷ nguyên hòa bình, hợp tác để phát triển…Điều này được Hoa Kỳ ghi nhận dè dặt và sau những động thái thăm dò đã đi đến quyết định chấp nhận đề nghị của Bình Nhưỡng về một hội nghị Thượng đỉnh giữa Tổng Thống Hoa Kỳ Donald Trump và Chủ tịch Bắc Triều Tiên Kim Jong Un. Sau những bước chuẩn bị hai bên đồng thuận Thượng đỉnh Mỹ-Triều sẽ diễn ra vào ngày 12-6 tới đây. Điều mà Hoa Kỳ đòi hỏi là Triều Tiên phải thực tâm giải trừ hạt nhân hoàn toàn, một cách xác tín và không thể đảo ngược (CVID). Tuy nhiên, đến nay Bình Nhưỡng chưa hề có tuyên bố công khai nào về việc này dù Hàn Quốc từng thông báo Triều Tiên sẵn sàng từ bỏ chương trình hạt nhân.

Trên nguyên tắc, Bình Nhưỡng chấp nhận yêu sách này, những vẫn để ngỏ nội dung giải trừ vũ khí hạt nhân cụ thể là như thế nào để hai bên thương lượng trong hội nghị Thượng đỉnh Mỹ-Triều.Bởi quan niệm về giải trừ vũ khí hạt nhân và phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên chắc chắn là còn nhiều khác biệt giữa Washington và Bình Nhưỡng. Thượng đỉnh Mỹ Triều nếu diễn ra vào ngày 12-6 tới đây chắc chắn chưa thể  san bằng những bất đồng về quan niệm, mà chỉ là khởi đầu cho một tiến trình đàm phán có thể kéo dài sau đó.Vì thế  KCNA đã dẫn lời Thứ trưởng Ngoại giao Bắc Triều TIên Kim Kye Gwan "Chúng tôi đã bày tỏ sẵn lòng phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên và liên tục tuyên bố điều kiện tiên quyết (cho đàm phán) là Mỹ phải chấm dứt chính sách thù địch và đe dọa hạt nhân với Triều Tiên".  rằng số phận của thượng đỉnh Mỹ-Triều, cũng như mối quan hệ song phương, “sẽ rõ ràng” nếu Washington đề cập đến một tiến trình phi hạt nhân hóa “kiểu Libya”(*) đối với Triều Tiên. KCNA cũng cảnh báo về cuộc gặp sắp tới giữa ông Trump và Kim Jong Un rằng: Mỹ nên suy nghĩ cẩn thận hơn về số phận hội nghị thượng đỉnh Triều Tiên - Mỹ”.KCNA  dẫn lời Ông Kim Kye Gwan nói:“Nếu người Mỹ dồn chúng tôi vào đường cùng để ép chúng tôi đơn phương từ bỏ hạt nhân, thì chúng tôi không còn muốn một cuộc đối thoại như thế nữa, và không thể làm gì khác hơn là xét lại có nên tiến tới hội nghị thượng đỉnh giữa Hoa Kỳ với Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên hay không”.
Qua cách loan tin của KCNA và cách nói của một Thư trưởng Ngoại giao, chứ không phải của chính lãnh tụ tối cao Kim Jong Un như trước đây, cho thấy Bình Nhưỡng vẫn không dám có thái độ hung hăng, quyết liệt có tính “rút cầu” mà vẫn muốn thượng đỉnh Trump- Kim sẽ diễn ra. Điều này phù hợp với ý muốn của Bắc Kinh chỗ dựa vững chắc và là hậu phương lớn đã nuôi sống chế độ Bình Nhưỡng tồn tại trong nhiều thập niên qua và ngầm hổ trợ để chế độ này có vũ khí hạt nhân (mà chúng tôi đã có bài viết trên diễn đàn này). Do đó, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc mới đây đã lên tiếng thúc đẩy Bình Nhưỡng và có ý kêu gọi các bên đừng để Thượng đỉnh Mỹ- Triều tan vỡ.
Đối lại, về phía Hoa Kỳ cũng co thái độ dè dặt tương tự để thượng đỉnh Mỹ- Triều vẫn có thể diễn ra. Đáp câu hỏi liệu thượng đỉnh Trump-Kim có xúc tiến hay không, Tổng thống Trump nói với báo giới tại Phòng Bầu Dục rằng “Phải chờ xem” dù ông nhấn mạnh sẽ không lùi bước trong việc đòi hỏi phi hạt nhân hóa Triều Tiên. Tổng thống Trump nói. Chưa có quyết định, chúng tôi chưa được thông báo gì cả ... Chưa thấy gì, chưa nghe gì,” . Trong khi đó,phát ngôn nhân Tòa Bạch Ốc Sarah Sanders nói với Fox News.“Tổng thống đã sẵn sàng nếu thượng đỉnh được tổ chức,” và rằng “Nếu thượng đỉnh bất thành, chúng ta sẽ tiếp tục chiến dịch áp lực tối đa lâu nay.”
Tựu chung, qua các động thái của cả hai bên Mỹ-Triều sau một biến cố bất ngờ, dường như nhân cơ hội này các bên đang thực hiện một phép thử để thăm dò ý đồ của nhau trước khi ngồi vào Thượng đỉnh. Cả hai dường như không bên nào muốn cuộc hội nghị Thượng đỉnh Trump-Kim tan vỡ.Vì cuộc hội nghị Thưởng đình này không chỉ hai bên đều có lợi, mà còn đáp ứng mong mỏi của quốc tế, góp phần thiết lập hòa bình, ổn định và phát triển trong vùng. Thực tế sẽ diễn ra như thế nào, chúng ta hãy chờ xem.

Thiện Ý

Houston, ngày 17-5-2018

(*)Tiến trình phi hạt nhân hóa “kiểu Libya” John Bolton muốn áp dụng "mô hình Libya" cho Triều Tiên. Bình Nhưỡng cho rằng đó là một nỗ lực "đầy điểm gở" của Mỹ nhằm áp đặt số phận của Libya và Iraq lên Triều Tiên.

Các chuyên gia từng đánh giá việc nêu ra trường hợp Libya có thể là sai lầm trong đàm phán với Triều Tiên. Năm 2003, Libya chấp nhận từ bỏ chương trình hạt nhân và giải giáp kho vũ khí hủy diệt hàng loạt, đổi lấy sự chấm dứt các lệnh trừng phạt quốc tế. Tuy nhiên, nhà lãnh đạo Libya Moammar Gadhafi sau đó đã bị phe nổi dậy do Mỹ hậu thuẫn lật đổ và sát hại.

Triều Tiên thường xuyên đề cập trường hợp Libya để củng cố lập luận chỉ có vũ khí hạt nhân mới giúp nước này răn đe hiệu quả Washington, đảm bảo an ninh và sự tồn vong của chính quyền Bình Nhưỡng.Thứ trưởng ngoại giao Triều Tiên Kim Kye Gwan cho biết."Tôi không thể đè nén nỗi tức giận trước động thái này của Mỹ và thật đáng nghi ngờ việc Mỹ thật lòng muốn cải thiện quan hệ với Triều Tiên thông qua đàm phán và đối thoại".

VÌ SAO QUỐC TẾ LẠC QUAN DÈ DẶT SAU THƯỢNG ĐỈNH LIÊN TRIỀU?



VÌ SAO QUỐC TẾ LẠC QUAN DÈ DẶT SAU THƯỢNG ĐỈNH LIÊN TRIỀU?

Thiện Ý

Đọc tường thuật và coi hình ảnh về Thượng đỉnh liên Triều hôm 27-4-2018 giữa Tổng thống Nam Hàn Moon Jae In và Chủ tịch Bắc Hàn Kim Jong Un tại Bàn Môn Điếm , công luận quốc tế rất lạc quan nhưng vẫn có đôi chút dè dặt về tiến trình hòa giải giữa hai miền Bắc – Nam Triều Tiên.

Quốc tế lạc quan vì diễn biến các sự kiện của Thượng đỉnh Liên Triều này mang tính đột phá trong chính sách đối ngoại của Bắc Triều Tiên, có ý nghĩa tích cực, bất ngờ, vượt quá sự trông đợi của mọi người quan tâm. Nhưng chính những tính chất của sự đột phá này đã khiến nhiều giới quốc tế bán tín, bán nghi nên phải dè dặt. Họ tự hỏi diễn biến thực tế trong những ngày tháng tới có đúng thế không?.

Vì trong quá khứ đã có hai lần Thượng Đỉnh Bắc - Nam (2000 và 2007) cũng cho người ta niềm lạc quan ít hơn, rồi cũng chẳng đi đến đâu. Bình Nhưỡng tiếp tục chính sách đối đầu thù địch, từng bước gây căng thẳng quân sự và đạt tới đỉnh cao bằng các cuộc thử nghiệm hạt nhân và hỏa tiễn tầm xa, tầm trung có khả năng mang đầu đạn hạt nhân đến dất Hoa Kỳ và đe dọa các quốc gia lân bang; bất chấp sự phản đối, lên án của công luận quốc tế và các biện pháp trừng phạt từ thấp đến cao của Liên Hiệp Quốc. Năm 2017 vừa qua Bình Nhưỡng công bố đã thử nghiệm hạt nhân và tên lửa đạn đạo tầm xa cũng như tầm trung thành công và tự tuyên bố là một nước đã có vũ khí hạt nhân. Trong khi Liên Hiệp Quốc chuẩn bị gia tăng cường độ và phạm vi các biện pháp trừng phạt chế độ Bắc Triều Tiên mạnh mẽ hơn nữa, thì đột nhiên Bình Nhưỡng đánh tiếng sẵn sàng gửi phái đoàn vận động viên tham dự Thế Vận Hội Mùa Đông tại Nam Hàn vào tháng 2-2018 vừa qua. Sau đó chủ động đề nghị họp Thượng Đình Liên Triều và cả Thượng Đỉnh với Hoa Kỳ một cách vô điều kiện; lại còn đi bước trước đưa ra những quyết định có vẻ đáp ứng được các đòi hỏi bao lâu nay của Hoa Kỳ và quốc tế về hồ sơ hạt nhân Bắc Triều Tiên (ngưng thủ nghiệm hạt nhân, hủy bỏ dàn phóng…mà không đòi hỏi đáp ứng nào…)

Thượng Đỉnh Liên Triều thì đã diễn ra và kết thúc rất tốt đẹp và đầy ấn tượng, gây xúc động lòng người, hôm 27-4 vừa qua, với các kết quả trên nguyên tắc làm hài lòng đôi bên liên quan đến các vấn đề quân sự, chính trị từng gây căng thẳng hai chế độ đối nghịch Bắc-Nam; kể từ sau cuộc chiến tranh Triều Tiên (1950-1953) chấm dứt bằng một hiệp định ngừng bắc, chứ chưa có Hiệp Định chấm dứt chiến tranh lập lại hòa bình giữa hai Miền.Kết quả trên nguyên tắc của Thượng Đỉnh Liên Triều này được ghi nhận trong Thông cáo chung  gồm 4 điểm trên 4 lãnh vực, với các bước thực hiện theo một tiến trình được hai bên đồng thuận như sau:

1. Nam và Bắc Triều Tiên sẽ nối lại quan hệ huyết thống của người dân hai nước nhằm đem lại tương lai thịnh vượng và thống nhất do người dân Triều Tiên lãnh đạo bằng việc tạo dựng mối quan hệ liên Triều toàn diện và đột phá. Cải thiện quan hệ liên Triều nhằm đáp ứng khao khát của toàn dân tộc và sự cấp thiết của thời đại khiến cho mối quan hệ này không thể tiếp tục bị kìm chế hơn nữa.
Thỏa thuận tổng quát có tính nguyên tắc trên được đôi bên thực hiện theo một tiến trình 6 bước (1)
2. Nam và Bắc Triều Tiên sẽ cùng nỗ lực hạ giảm căng thẳng quân sự và loại trừ nguy cơ chiến tranh trên Bán đảo Triều Tiên.
Thỏa thuận tổng quát có tính nguyên tắc trên được đôi bên thực hiện theo một tiến trình 3 bước (2)
3. Nam và Bắc Triều Tiên sẽ tích cực hợp tác để thiết lập một nền hòa bình lâu dài và bền vững trên bán đảo Triều Tiên. Việc chấm dứt tình trạng đình chiến bất thường hiện nay và thiết lập một nền hòa bình lâu dài trên bán đảo Triều Tiên là một sứ mệnh lịch sử không thể trì hoãn hơn nữa.
Thỏa thuận tổng quát có tính nguyên tắc trên được đôi bên thực hiện theo một tiến trình 3 bước (3)
 (4) Nam và Bắc Triều Tiên xác nhận mục tiêu chung là phi hạt nhân hóa hoàn toàn, tiến tới một bán đảo Triều Tiên không có hạt nhân. Nam và Bắc Triều Tiên chia sẻ quan điểm rằng, các biện pháp do Bắc Triều Tiên khởi xướng rất có ý nghĩa và thiết yếu cho việc phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên, đồng ý thực thi vai trò và trách nhiệm của mỗi bên trong vấn đề này. Nam và Bắc Triều Tiên đồng ý tích cực mưu tìm sự ủng hộ và hợp tác của cộng đồng quốc tế vì mục tiêu phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên.(4)
Nhận định chung về 3 điểm (1, 2, 3) trên của Thông Cáo chung liên quan đến các vấn đề chính trị, quân sự nội bộ giữa hai miền Bắc - Nam xem ra có thể lạc quan hơn về sự hiện thực, nếu chế độ Bình Nhưỡng thực tâm muốn thực hiện hòa giải dân tộc để tiến tới thống nhất đất nước Triều Tiên một cách hòa bình trong tương lai xa, với các bước thực hiện theo một tiến trình mà Thông Cáo Chung vạch ra. Duy có điềm thứ 4 liên quan đến hồ sơ hạt nhân Bắc Triều Tiên, ngườii ta còn nghi ngại và sự thành công của Thượng Đỉnh Hoa Kỳ và Bắc Triều Tiên sẽ diễn ra trong ít tuần tới tùy thuộc vào sự giải thích ý nghĩa đầy đủ, cụ thể về điều mà “Nam và Bắc Triều Tiên xác nhận mục tiêu chung là phi hạt nhân hóa hoàn toàn, tiến tới một bán đảo Triều Tiên không có hạt nhân…”.

Vì theo quan điểm của Hoa Kỳ và quốc tế “phi hạt nhân hóa hoàn toàn, tiến tới một bán đảo Triều Tiên không có hạt nhân…”  nghĩa là Bắc Triều Tiên phải hủy bỏ hoàn toàn vũ khí hạt nhân đã có, chứ không được tàng trữ dưới bất cứ hình thức, lý do nào.Nhưng liệu Bình Nhưỡng có dễ dàng chấp nhận điều này, là chấp nhận một sớm một chiều hủy bỏ một công trình tốn bao tài nguyên,  công sức, chấp nhận các biện pháp trừng phạt nặng nề của quốc tế và nguy cơ nhiều mặt, để có được?- Nếu chấp nhận thì với giá nào?- Hoa Kỳ, Nam Hàn và quốc tế phải viện trợ tối đa để bù lỗ cho những tổn phí nghiên cứu, thử nghiệm hạt nhân, tên lửa đạn đạo khởi sự được thế giới biết đến là từ năm 2006, vụ thử nghiệm hạt nhân đầu tiên của Bình Nhưỡng; đồng thời phải viện trợ đến mức độ nào cho Bắc  Triều Tiên phát triển với bảo đảm an ninh và sự tồn tại của chế độ độc tài toàn trị Bình Nhưỡng? – Nếu Bình Nhưỡng chỉ chấp nhận ngưng hoàn toàn các cuộc thử nghiệm hạt nhân và tên lửa đạn đạo, chấp nhận hủy bõ các cơ sở và bãi thử nghiệm như đã công bố, nhưng vẫn giữ quyền tàng trữ vũ khí hạn nhân để tự vệ và đòi quốc tế công nhận Bắc Triều Tiên là nước có vũ khí hạt nhân, như Ấn Độ và Pakistan trước đây thì sao?

Câu trả lời tổng quát là Tổng Thống Hoa Kỳ Donal Trump sẽ bước ngay ra khỏi phòng họp như lời ông nói. Và như thế Thượng Đình Mỹ-Triều dự trù diễn ra vào cuối tháng 5 hay đầu tháng 6 tới đây sẽ tan vỡ. Trong tình huống này, liệu những thành quả của Thượng Đỉnh Liên Triều được ghi nhận trong Thông Cáo Chung Moon Jae In và Kim jong Un có được thực thi hay không?

Tình hình thực tế diễn ra thế nào,chúng ta hãy chờ xem.

Thiện Ý
Houston, ngày 2-5-2018

GHI CHÚ: (1), (2), (3) VÀ (4)
   
Toàn văn Thông Cáo Chung Thượng Đỉnh Liên Triều như sau:
Trong thời khắc chuyển giao lịch sử quan trọng trên bán đảo Triều Tiên, phản ánh khát vọng lâu dài về hòa bình, thịnh vượng và thống nhất của người dân Triều Tiên, Tổng thống Cộng hoà Triều Tiên (Nam Triều Tiên) Moon Jae-in và Chủ tịch Ủy ban Quốc vụ Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên (Bắc Triều Tiên) Kim Jong Un đã họp Thượng đỉnh liên Triều tại Nhà Hòa Bình ở Bản Môn Ðiếm ngày 27/4/2018.
Hai nhà lãnh đạo trịnh trọng tuyên bố trước 80 triệu người dân [hai miền] Triều Tiên và toàn thế giới rằng sẽ không còn chiến tranh trên Bán đảo Triều Tiên và một kỷ nguyên hòa bình mới đã bắt đầu.
Lãnh đạo hai nước, chia sẻ cam kết chắc chắn sẽ sớm chấm dứt chia rẽ và đối đầu lâu nay từ thời Chiến tranh Lạnh, quyết tâm hướng tới kỷ nguyên mới về hòa giải dân tộc, hòa bình và thịnh vượng, cải thiện quan hệ liên Triều và tuyên bố tại địa điểm lịch sử Bản Môn Ðiếm:
1. Nam và Bắc Triều Tiên sẽ nối lại quan hệ huyết thống của người dân hai nước nhằm đem lại tương lai thịnh vượng và thống nhất do người dân Triều Tiên lãnh đạo bằng việc tạo dựng mối quan hệ liên Triều toàn diện và đột phá. Cải thiện quan hệ liên Triều nhằm đáp ứng khao khát của toàn dân tộc và sự cấp thiết của thời đại khiến cho mối quan hệ này không thể tiếp tục bị kìm chế hơn nữa.
(1) Nam và Bắc Triều Tiên khẳng định nguyên tắc tự quyết định vận mệnh của dân tộc Triều Tiên và đồng ý thúc đẩy thời khắc quyết định để cải thiện quan hệ liên Triều bằng cách thực thi đầy đủ các thỏa thuận và tuyên bố hiện có mà hai nước đã thông qua.
(2) Nam và Bắc Triều Tiên đồng ý sẽ tiến hành đối thoại và đàm phán cấp cao trong nhiều lĩnh vực và thực thi những biện pháp tích cực để đạt được các thỏa thuận đạt được tại Thượng đỉnh.
(3) Nam và Bắc Triều Tiên đồng ý thiết lập một văn phòng tùy viên chung với đại diện thường trú của cả hai bên đặt tại Gaeseong để có thể cung cấp tham vấn xác thực giữa hai chính phủ cũng như thúc đẩy trao đổi và hợp tác giữa nhân dân hai nước.
(4) Nam và Bắc và Triều Tiên đồng ý khuyến khích hợp tác, trao đổi, thăm hỏi và liên lạc ở tất cả các cấp một cách tích cực hơn nhằm hồi sinh tinh thần hòa giải và đoàn kết dân tộc. Ở Triều Tiên, hai bên sẽ khuyến khích bầu không khí hòa bình và hợp tác bằng cách tổ chức các sự kiện chung của cả hai nước, như ngày 15/6 với sự tham gia của chính phủ, quốc hội, các đảng phái chính trị và các tổ chức dân sự. Trên bình diện quốc tế, hai bên nhất trí thể hiện sự đoàn kết, trí tuệ và tài năng chung bằng cách cùng tham gia vào các sự kiện thể thao quốc tế như Đại hội thể thao châu Á 2018.
(5) Nam và Bắc Triều Tiên đồng ý nhanh chóng giải quyết các vấn đề nhân đạo do việc chia đôi đất nước gây ra và sẽ tổ chức cuộc họp Hội Chữ thập Đỏ liên Triều để giải quyết nhiều vấn đề, bao gồm việc đoàn tụ các gia đình ly tán. Trên tinh thần đó, hai bên đồng ý đẩy mạnh chương trình đoàn tụ các gia đình ly tán nhân dịp đánh dấu Ngày Giải phóng Dân tộc 15/8 năm nay.
(6) Nam và Bắc Triều Tiên đồng ý tích cực tham gia các dự án mà hai bên đã ký kết trong Tuyên bố ngày 4/10/2007, để thúc đẩy sự cân bằng về phát triển kinh tế và thịnh vượng chung cho dân tộc. Bước đầu, hai bên đồng ý tiến hành các bước đi thiết thực hướng tới việc nối kết và hiện đại hóa các tuyến đường bộ và đường sắt dọc theo hành lang vận tải phía Đông và giữa Seoul và Sinuiji.
2. Nam và Bắc Triều Tiên sẽ cùng nỗ lực hạ giảm căng thẳng quân sự và loại trừ nguy cơ chiến tranh trên Bán đảo Triều Tiên.
(1) Nam và Bắc Triều Tiên đồng ý chấm dứt mọi hành động thù địch trên bộ, trên không và trên biển – là những nguyên nhân gây căng thẳng quân sự và dẫn đến xung đột. Trên tinh thần đó, cả hai bên đồng ý biến khu phi quân sự [DMZ] thành khu hòa bình bằng một quyết tâm thực sự bắt đầu bằng việc chấm dứt mọi hành động thù địch, bao gồm việc chấm dứt phát thanh tuyên truyền, rải truyền đơn tại khu vực dọc theo Đường Phân giới Quân sự, bắt đầu từ ngày 1/5.
(2) Nam và Bắc Triều Tiên đồng ý lập kế hoạch biến khu vực xung quanh Đường Biên giới phía Bắc ở Biển Tây thành vùng biển hòa bình để tránh nguy cơ va chạm quân sự ngoài mong muốn và đảm bảo an toàn cho hoạt động đánh bắt cá của ngư dân của cả hai miền.
(3) Nam và Bắc Triều Tiên đồng ý xúc tiến các biện pháp quân sự để đảm bảo việc liên lạc, thăm hỏi, trao đổi và hợp tác diễn ra tích cực. Hai bên đồng ý tiến hành các cuộc gặp thường xuyên giữa giới chức quân đội hai nước, bao gồm các cuộc họp Bộ trưởng Quốc phòng để có thể đối thoại và giải quyết ngay lập tức các vấn đề về quân sự giữa hai bên. Trên tinh thần đó, hai bên đồng ý tiến hành các cuộc đối thoại quân sự đầu tiên ở cấp tướng lãnh vào tháng 5.
3. Nam và Bắc Triều Tiên sẽ tích cực hợp tác để thiết lập một nền hòa bình lâu dài và bền vững trên bán đảo Triều Tiên. Việc chấm dứt tình trạng đình chiến bất thường hiện nay và thiết lập một nền hòa bình lâu dài trên bán đảo Triều Tiên là một sứ mệnh lịch sử không thể trì hoãn hơn nữa.
(1) Nam và Bắc Triều Tiên tái khẳng định Hiệp ước không có những hành động thù địch nhằm ngăn chặn việc sử dụng vũ lực dưới bất kỳ hình thức nào và đồng ý tuân thủ chặt chẽ hiệp ước này.
(2) Nam và Bắc Triều Tiên đồng ý giải trừ vũ khí theo từng đợt ngay khi căng thẳng quân sự hạ giảm và tạo được những bước tiến vững chắc trong việc tạo dựng niềm tin quân sự giữa hai bên.
(3) Vào dịp đánh dấu 65 năm Hiệp ước đình chiến, Nam và Bắc Triều Tiên đồng ý thúc đẩy các cuộc gặp ba bên, gồm hai miền Triều Tiên và Mỹ, và có thể là cuộc họp bốn bên bao gồm cả Trung Quốc để đi đến tuyên bố chấm dứt chiến tranh, thiết lập một nền hòa bình vĩnh viễn.
(4) Nam và Bắc Triều Tiên xác nhận mục tiêu chung là phi hạt nhân hóa hoàn toàn, tiến tới một bán đảo Triều Tiên không có hạt nhân. Nam và Bắc Triều Tiên chia sẻ quan điểm rằng, các biện pháp do Bắc Triều Tiên khởi xướng rất có ý nghĩa và thiết yếu cho việc phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên, đồng ý thực thi vai trò và trách nhiệm của mỗi bên trong vấn đề này. Nam và Bắc Triều Tiên đồng ý tích cực mưu tìm sự ủng hộ và hợp tác của cộng đồng quốc tế vì mục tiêu phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên.
Hai nhà lãnh đạo đồng ý, thông qua các cuộc họp thường xuyên, các cuộc điện đàm trực tiếp, sẽ tiến hành các cuộc đối thoại thường xuyên và thẳng thắn về những vấn đề quan trọng của dân tộc, củng cố lòng tin lẫn nhau để tạo dựng động lực tích cực cho quan hệ liên Triều nhằm đem lại hòa bình, thịnh vượng và thống nhất trên bán đảo Triều Tiên.
Trên tinh thần đó, Tổng thống Moon Jae-in đồng ý đi thăm Bình Nhưỡng vào mùa thu năm nay.
Ngày 27 tháng 4, 2018