VÌ SAO QUỐC TẾ LẠC QUAN DÈ DẶT SAU
THƯỢNG ĐỈNH LIÊN TRIỀU?
Thiện Ý
Đọc
tường thuật và coi hình ảnh về Thượng đỉnh liên Triều hôm 27-4-2018 giữa Tổng
thống Nam Hàn Moon Jae In và Chủ tịch Bắc Hàn Kim Jong Un tại Bàn Môn Điếm ,
công luận quốc tế rất lạc quan nhưng vẫn có đôi chút dè dặt về tiến trình hòa
giải giữa hai miền Bắc – Nam Triều Tiên.
Quốc
tế lạc quan vì diễn biến các sự kiện của Thượng đỉnh Liên Triều này mang tính
đột phá trong chính sách đối ngoại của Bắc Triều Tiên, có ý nghĩa tích cực, bất
ngờ, vượt quá sự trông đợi của mọi người quan tâm. Nhưng chính những tính chất
của sự đột phá này đã khiến nhiều giới quốc tế bán tín, bán nghi nên phải dè
dặt. Họ tự hỏi diễn biến thực tế trong những ngày tháng tới có đúng thế không?.
Vì
trong quá khứ đã có hai lần Thượng Đỉnh Bắc - Nam (2000 và 2007) cũng cho người
ta niềm lạc quan ít hơn, rồi cũng chẳng đi đến đâu. Bình Nhưỡng tiếp tục chính
sách đối đầu thù địch, từng bước gây căng thẳng quân sự và đạt tới đỉnh cao
bằng các cuộc thử nghiệm hạt nhân và hỏa tiễn tầm xa, tầm trung có khả năng
mang đầu đạn hạt nhân đến dất Hoa Kỳ và đe dọa các quốc gia lân bang; bất chấp
sự phản đối, lên án của công luận quốc tế và các biện pháp trừng phạt từ thấp
đến cao của Liên Hiệp Quốc. Năm 2017 vừa qua Bình Nhưỡng công bố đã thử nghiệm
hạt nhân và tên lửa đạn đạo tầm xa cũng như tầm trung thành công và tự tuyên bố
là một nước đã có vũ khí hạt nhân. Trong khi Liên Hiệp Quốc chuẩn bị gia tăng
cường độ và phạm vi các biện pháp trừng phạt chế độ Bắc Triều Tiên mạnh mẽ hơn
nữa, thì đột nhiên Bình Nhưỡng đánh tiếng sẵn sàng gửi phái đoàn vận động viên
tham dự Thế Vận Hội Mùa Đông tại Nam Hàn vào tháng 2-2018 vừa qua. Sau đó chủ
động đề nghị họp Thượng Đình Liên Triều và cả Thượng Đỉnh với Hoa Kỳ một cách
vô điều kiện; lại còn đi bước trước đưa ra những quyết định có vẻ đáp ứng được
các đòi hỏi bao lâu nay của Hoa Kỳ và quốc tế về hồ sơ hạt nhân Bắc Triều Tiên
(ngưng thủ nghiệm hạt nhân, hủy bỏ dàn
phóng…mà không đòi hỏi đáp ứng nào…)
Thượng
Đỉnh Liên Triều thì đã diễn ra và kết thúc rất tốt đẹp và đầy ấn tượng, gây xúc
động lòng người, hôm 27-4 vừa qua, với các kết quả trên nguyên tắc làm hài lòng
đôi bên liên quan đến các vấn đề quân sự, chính trị từng gây căng thẳng hai chế
độ đối nghịch Bắc-Nam; kể từ sau cuộc chiến tranh Triều Tiên (1950-1953) chấm dứt bằng một hiệp định
ngừng bắc, chứ chưa có Hiệp Định chấm dứt chiến tranh lập lại hòa bình giữa hai
Miền.Kết quả trên nguyên tắc của Thượng Đỉnh Liên Triều này được ghi nhận trong
Thông cáo chung gồm 4 điểm trên 4 lãnh
vực, với các bước thực hiện theo một tiến trình được hai bên đồng thuận như sau:
1. Nam
và Bắc Triều Tiên sẽ nối lại quan hệ huyết thống của người dân hai nước nhằm
đem lại tương lai thịnh vượng và thống nhất do người dân Triều Tiên lãnh đạo
bằng việc tạo dựng mối quan hệ liên Triều toàn diện và đột phá. Cải thiện quan
hệ liên Triều nhằm đáp ứng khao khát của toàn dân tộc và sự cấp thiết của thời
đại khiến cho mối quan hệ này không thể tiếp tục bị kìm chế hơn nữa.
Thỏa thuận tổng
quát có tính nguyên tắc trên được đôi bên thực hiện theo một tiến trình 6 bước (1)
2. Nam
và Bắc Triều Tiên sẽ cùng nỗ lực hạ giảm căng thẳng quân sự và loại trừ nguy cơ
chiến tranh trên Bán đảo Triều Tiên.
Thỏa thuận tổng
quát có tính nguyên tắc trên được đôi bên thực hiện theo một tiến trình 3 bước
(2)
3. Nam
và Bắc Triều Tiên sẽ tích cực hợp tác để thiết lập một nền hòa bình lâu dài và
bền vững trên bán đảo Triều Tiên. Việc chấm dứt tình trạng đình chiến bất
thường hiện nay và thiết lập một nền hòa bình lâu dài trên bán đảo Triều Tiên
là một sứ mệnh lịch sử không thể trì hoãn hơn nữa.
Thỏa thuận tổng
quát có tính nguyên tắc trên được đôi bên thực hiện theo một tiến trình 3 bước
(3)
(4) Nam và
Bắc Triều Tiên xác nhận mục tiêu chung là phi hạt nhân hóa hoàn toàn, tiến tới một bán đảo Triều Tiên không có
hạt nhân. Nam và Bắc Triều Tiên chia
sẻ quan điểm rằng, các biện pháp do Bắc Triều Tiên khởi xướng rất có ý nghĩa và
thiết yếu cho việc phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên, đồng ý thực thi vai trò
và trách nhiệm của mỗi bên trong vấn đề này. Nam và Bắc Triều Tiên đồng ý tích cực mưu tìm
sự ủng hộ và hợp tác của cộng đồng quốc tế vì mục tiêu phi hạt nhân hóa bán đảo
Triều Tiên.(4)
Nhận
định chung về 3 điểm (1, 2, 3) trên của Thông Cáo chung liên quan đến các vấn
đề chính trị, quân sự nội bộ giữa hai miền Bắc - Nam xem ra có thể lạc quan hơn
về sự hiện thực, nếu chế độ Bình Nhưỡng thực tâm muốn thực hiện hòa giải dân
tộc để tiến tới thống nhất đất nước Triều Tiên một cách hòa bình trong tương
lai xa, với các bước thực hiện theo một tiến trình mà Thông Cáo Chung vạch ra. Duy có điềm thứ 4 liên quan đến hồ sơ hạt
nhân Bắc Triều Tiên, ngườii ta còn nghi ngại và sự thành công của Thượng
Đỉnh Hoa Kỳ và Bắc Triều Tiên sẽ diễn ra trong ít tuần tới tùy thuộc vào sự
giải thích ý nghĩa đầy đủ, cụ thể về điều mà “Nam và Bắc Triều Tiên xác nhận mục tiêu chung là phi hạt nhân hóa hoàn
toàn, tiến tới một bán đảo Triều
Tiên không có hạt nhân…”.
Vì
theo quan điểm của Hoa Kỳ và quốc tế “phi
hạt nhân hóa hoàn toàn, tiến tới một
bán đảo Triều Tiên không có hạt nhân…”
nghĩa là Bắc Triều Tiên phải hủy bỏ hoàn toàn vũ khí hạt nhân đã có, chứ
không được tàng trữ dưới bất cứ hình thức, lý do nào.Nhưng liệu Bình Nhưỡng có
dễ dàng chấp nhận điều này, là chấp nhận một sớm một chiều hủy bỏ một công
trình tốn bao tài nguyên, công sức, chấp
nhận các biện pháp trừng phạt nặng nề của quốc tế và nguy cơ nhiều mặt, để có
được?- Nếu chấp nhận thì với giá nào?- Hoa Kỳ, Nam Hàn và quốc tế phải viện trợ
tối đa để bù lỗ cho những tổn phí nghiên cứu, thử nghiệm hạt nhân, tên lửa đạn
đạo khởi sự được thế giới biết đến là từ năm 2006, vụ thử nghiệm hạt nhân đầu
tiên của Bình Nhưỡng; đồng thời phải viện trợ đến mức độ nào cho Bắc Triều Tiên phát triển với bảo đảm an ninh và
sự tồn tại của chế độ độc tài toàn trị Bình Nhưỡng? – Nếu Bình Nhưỡng chỉ chấp
nhận ngưng hoàn toàn các cuộc thử nghiệm hạt nhân và tên lửa đạn đạo, chấp nhận
hủy bõ các cơ sở và bãi thử nghiệm như đã công bố, nhưng vẫn giữ quyền tàng trữ
vũ khí hạn nhân để tự vệ và đòi quốc tế công nhận Bắc Triều Tiên là nước có vũ
khí hạt nhân, như Ấn Độ và Pakistan trước đây thì sao?
Câu
trả lời tổng quát là Tổng Thống Hoa Kỳ Donal Trump sẽ bước ngay ra khỏi phòng
họp như lời ông nói. Và như thế Thượng Đình Mỹ-Triều dự trù diễn ra vào cuối
tháng 5 hay đầu tháng 6 tới đây sẽ tan vỡ. Trong tình huống này, liệu những
thành quả của Thượng Đỉnh Liên Triều được ghi nhận trong Thông Cáo Chung Moon
Jae In và Kim jong Un có được thực thi hay không?
Tình hình thực tế diễn ra thế nào,chúng ta hãy chờ
xem.
Thiện Ý
Houston, ngày
2-5-2018
GHI CHÚ: (1), (2), (3) VÀ (4)
Toàn
văn Thông Cáo Chung Thượng Đỉnh Liên Triều như sau:
Trong thời khắc chuyển giao lịch sử quan trọng trên bán đảo Triều Tiên, phản
ánh khát vọng lâu dài về hòa bình, thịnh vượng và thống nhất của người dân
Triều Tiên, Tổng thống Cộng hoà Triều Tiên (Nam Triều Tiên) Moon Jae-in và Chủ
tịch Ủy ban Quốc vụ Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên (Bắc Triều Tiên) Kim
Jong Un đã họp Thượng đỉnh liên Triều tại Nhà Hòa Bình ở Bản Môn Ðiếm ngày
27/4/2018.Hai nhà lãnh đạo trịnh trọng tuyên bố trước 80 triệu người dân [hai miền] Triều Tiên và toàn thế giới rằng sẽ không còn chiến tranh trên Bán đảo Triều Tiên và một kỷ nguyên hòa bình mới đã bắt đầu.
Lãnh đạo hai nước, chia sẻ cam kết chắc chắn sẽ sớm chấm dứt chia rẽ và đối đầu lâu nay từ thời Chiến tranh Lạnh, quyết tâm hướng tới kỷ nguyên mới về hòa giải dân tộc, hòa bình và thịnh vượng, cải thiện quan hệ liên Triều và tuyên bố tại địa điểm lịch sử Bản Môn Ðiếm:
1. Nam và Bắc Triều Tiên sẽ nối lại quan hệ huyết thống của người dân hai nước nhằm đem lại tương lai thịnh vượng và thống nhất do người dân Triều Tiên lãnh đạo bằng việc tạo dựng mối quan hệ liên Triều toàn diện và đột phá. Cải thiện quan hệ liên Triều nhằm đáp ứng khao khát của toàn dân tộc và sự cấp thiết của thời đại khiến cho mối quan hệ này không thể tiếp tục bị kìm chế hơn nữa.
(1) Nam và Bắc Triều Tiên khẳng định nguyên tắc tự quyết định vận mệnh của dân tộc Triều Tiên và đồng ý thúc đẩy thời khắc quyết định để cải thiện quan hệ liên Triều bằng cách thực thi đầy đủ các thỏa thuận và tuyên bố hiện có mà hai nước đã thông qua.
(2) Nam và Bắc Triều Tiên đồng ý sẽ tiến hành đối thoại và đàm phán cấp cao trong nhiều lĩnh vực và thực thi những biện pháp tích cực để đạt được các thỏa thuận đạt được tại Thượng đỉnh.
(3) Nam và Bắc Triều Tiên đồng ý thiết lập một văn phòng tùy viên chung với đại diện thường trú của cả hai bên đặt tại Gaeseong để có thể cung cấp tham vấn xác thực giữa hai chính phủ cũng như thúc đẩy trao đổi và hợp tác giữa nhân dân hai nước.
(4) Nam và Bắc và Triều Tiên đồng ý khuyến khích hợp tác, trao đổi, thăm hỏi và liên lạc ở tất cả các cấp một cách tích cực hơn nhằm hồi sinh tinh thần hòa giải và đoàn kết dân tộc. Ở Triều Tiên, hai bên sẽ khuyến khích bầu không khí hòa bình và hợp tác bằng cách tổ chức các sự kiện chung của cả hai nước, như ngày 15/6 với sự tham gia của chính phủ, quốc hội, các đảng phái chính trị và các tổ chức dân sự. Trên bình diện quốc tế, hai bên nhất trí thể hiện sự đoàn kết, trí tuệ và tài năng chung bằng cách cùng tham gia vào các sự kiện thể thao quốc tế như Đại hội thể thao châu Á 2018.
(5) Nam và Bắc Triều Tiên đồng ý nhanh chóng giải quyết các vấn đề nhân đạo do việc chia đôi đất nước gây ra và sẽ tổ chức cuộc họp Hội Chữ thập Đỏ liên Triều để giải quyết nhiều vấn đề, bao gồm việc đoàn tụ các gia đình ly tán. Trên tinh thần đó, hai bên đồng ý đẩy mạnh chương trình đoàn tụ các gia đình ly tán nhân dịp đánh dấu Ngày Giải phóng Dân tộc 15/8 năm nay.
(6) Nam và Bắc Triều Tiên đồng ý tích cực tham gia các dự án mà hai bên đã ký kết trong Tuyên bố ngày 4/10/2007, để thúc đẩy sự cân bằng về phát triển kinh tế và thịnh vượng chung cho dân tộc. Bước đầu, hai bên đồng ý tiến hành các bước đi thiết thực hướng tới việc nối kết và hiện đại hóa các tuyến đường bộ và đường sắt dọc theo hành lang vận tải phía Đông và giữa Seoul và Sinuiji.
2. Nam và Bắc Triều Tiên sẽ cùng nỗ lực hạ giảm căng thẳng quân sự và loại trừ nguy cơ chiến tranh trên Bán đảo Triều Tiên.
(1) Nam và Bắc Triều Tiên đồng ý chấm dứt mọi hành động thù địch trên bộ, trên không và trên biển – là những nguyên nhân gây căng thẳng quân sự và dẫn đến xung đột. Trên tinh thần đó, cả hai bên đồng ý biến khu phi quân sự [DMZ] thành khu hòa bình bằng một quyết tâm thực sự bắt đầu bằng việc chấm dứt mọi hành động thù địch, bao gồm việc chấm dứt phát thanh tuyên truyền, rải truyền đơn tại khu vực dọc theo Đường Phân giới Quân sự, bắt đầu từ ngày 1/5.
(2) Nam và Bắc Triều Tiên đồng ý lập kế hoạch biến khu vực xung quanh Đường Biên giới phía Bắc ở Biển Tây thành vùng biển hòa bình để tránh nguy cơ va chạm quân sự ngoài mong muốn và đảm bảo an toàn cho hoạt động đánh bắt cá của ngư dân của cả hai miền.
(3) Nam và Bắc Triều Tiên đồng ý xúc tiến các biện pháp quân sự để đảm bảo việc liên lạc, thăm hỏi, trao đổi và hợp tác diễn ra tích cực. Hai bên đồng ý tiến hành các cuộc gặp thường xuyên giữa giới chức quân đội hai nước, bao gồm các cuộc họp Bộ trưởng Quốc phòng để có thể đối thoại và giải quyết ngay lập tức các vấn đề về quân sự giữa hai bên. Trên tinh thần đó, hai bên đồng ý tiến hành các cuộc đối thoại quân sự đầu tiên ở cấp tướng lãnh vào tháng 5.
3. Nam và Bắc Triều Tiên sẽ tích cực hợp tác để thiết lập một nền hòa bình lâu dài và bền vững trên bán đảo Triều Tiên. Việc chấm dứt tình trạng đình chiến bất thường hiện nay và thiết lập một nền hòa bình lâu dài trên bán đảo Triều Tiên là một sứ mệnh lịch sử không thể trì hoãn hơn nữa.
(1) Nam và Bắc Triều Tiên tái khẳng định Hiệp ước không có những hành động thù địch nhằm ngăn chặn việc sử dụng vũ lực dưới bất kỳ hình thức nào và đồng ý tuân thủ chặt chẽ hiệp ước này.
(2) Nam và Bắc Triều Tiên đồng ý giải trừ vũ khí theo từng đợt ngay khi căng thẳng quân sự hạ giảm và tạo được những bước tiến vững chắc trong việc tạo dựng niềm tin quân sự giữa hai bên.
(3) Vào dịp đánh dấu 65 năm Hiệp ước đình chiến, Nam và Bắc Triều Tiên đồng ý thúc đẩy các cuộc gặp ba bên, gồm hai miền Triều Tiên và Mỹ, và có thể là cuộc họp bốn bên bao gồm cả Trung Quốc để đi đến tuyên bố chấm dứt chiến tranh, thiết lập một nền hòa bình vĩnh viễn.
(4) Nam và Bắc Triều Tiên xác nhận mục tiêu chung là phi hạt nhân hóa hoàn toàn, tiến tới một bán đảo Triều Tiên không có hạt nhân. Nam và Bắc Triều Tiên chia sẻ quan điểm rằng, các biện pháp do Bắc Triều Tiên khởi xướng rất có ý nghĩa và thiết yếu cho việc phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên, đồng ý thực thi vai trò và trách nhiệm của mỗi bên trong vấn đề này. Nam và Bắc Triều Tiên đồng ý tích cực mưu tìm sự ủng hộ và hợp tác của cộng đồng quốc tế vì mục tiêu phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên.
Hai nhà lãnh đạo đồng ý, thông qua các cuộc họp thường xuyên, các cuộc điện đàm trực tiếp, sẽ tiến hành các cuộc đối thoại thường xuyên và thẳng thắn về những vấn đề quan trọng của dân tộc, củng cố lòng tin lẫn nhau để tạo dựng động lực tích cực cho quan hệ liên Triều nhằm đem lại hòa bình, thịnh vượng và thống nhất trên bán đảo Triều Tiên.
Trên tinh thần đó, Tổng thống Moon Jae-in đồng ý đi thăm Bình Nhưỡng vào mùa thu năm nay.
Ngày 27 tháng 4, 2018
No comments:
Post a Comment
Note: Only a member of this blog may post a comment.