Monday, June 11, 2018

THƯỢNG ĐỈNH MỸ-TRIỀU SẼ THÀNH CÔNG HAY THẤT BẠI ?



THƯỢNG ĐỈNH MỸ-TRIỀU  SẼ THÀNH CÔNG HAY THẤT BẠI ?

Thiện Ý.

Như vậy là chỉ khoảng ba bốn ngày nữa hội nghị Thượng đỉnh Mỹ Triều sẽ diễn ra vào ngày 12-6-1018 tại Singapore, sau những động thái của cả đôi bên Mỹ-Triều có tính thách thức, thăm dò để vượt qua những trở ngại nhằm thành tựu chứ không phải đề làm hội nghị này tan vỡ.
-Những động thái thăm dò tiền Thượng đỉnh đó là gì?
- Vì sao Thượng đỉnh Mỹ-Triều phải thành tựu chứ không thể tan vỡ?
- Thượng đỉnh Mỹ-Triều  sẽ thành công hay thất bại?

Chúng tôi tìm lời giải đáp cho ba câu hỏi trên là nội dung bài viết này.

I/- NHỮNG ĐỘNG THÁI THĂM DÒ TIỀN THƯỢNG ĐỈNH ĐÓ LÀ GÌ?

Sau khi Washington và Bình Nhưỡng đạt được thỏa thuận về cuộc họp Thượng đỉnh giữa Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump và Chủ tịch Bắc Triều Tiên Kim Jong Un sẽ diễn ra vào ngày 12-6-2018 tại đệ tam quốc gia Singapore. Mặc dầu Bình Nhưỡng đã có những hành động như muốn chứng tỏ thực tâm sẽ thực hiện điều mà Hoa Kỳ mong muốn sẽ thành đạt trong Thượng đỉnh, bằng việc tự giác tuyên bố sẽ ngưng thử nghiệm vũ khí hạt nhân, tiến tới phi hạt nhân hóa hoàn toàn trên bán đảo Triều Tiên. Đồng thời đã chủ động đi bước trước với hành động cụ thể là phá hủy một vài căn cứ thử nghiệm hạt nhân. Và để tỏ thiện chí đã thả hai công dân Hoa Kỳ bị Bình Nhưỡng kết án tù nhiều năm, đáp ứng yêu cầu của Ngoại trưởng Hoa Kỳ Mike Pompeo khi đến Bình Nhưỡng và được Kim Jong Un tiếp kiến.Thê nhưng Hoa Kỳ vẫn  đã có những động thái thử nghiệm,thăm dò.

Động thái đầu tiên là Hoa Kỳ tuyên bố vẫn thưc hiện cuộc tập trận chung Max Thunder giữa lực lượng Mỹ - Hàn diễn ra vào trung tuần tháng 5-2018. Phản ứng của Bình Nhưỡng là đã hủy không dự họp với các viên chức cấp cao Hàn Quốc mà theo thỏa thuận sẽ diễn ra cùng ngày. Đồng thời lên án cuộc tập trận giữa không quân Hàn Quốc và Mỹ là “diễn tập xâm lược” và là “hành vi quân sự cố ý khiêu khích” giữa thời điểm mối quan hệ Hàn - Triều đang cải thiện.  

Động thái tiếp theo là của cố vấn an ninh quốc gia John Bolton trong một chương trình truyền hình tại Hoa kỳ, Ông  Bolton đã kêu gọi Triều Tiên phải nhanh chóng từ bỏ kho vũ khí hạt nhân của mình trong một thỏa thuận tương tự như Libya; là từ bỏ kho vũ khí hủy diệt hàng loạt, với những biện pháp kiểm soát chặt chẽ và  đòi buộc Bình Nhưỡng phải chuyển giao những thành tựu vũ khí hạt nhân qua một nước thứ ba và chuyển giao cho Hoa kỳ các nguyên liệu nguyên tử đang tồn trữ được…

Hai động thái thăm dò  trên đã đưa đến phản ứng mạnh mẽ của Bình  Nhưỡng là hủy bỏ cuộc họp với Nam Hàn tại Bàn Môn Điếm như dự trù sau Thượng đỉnh Liên Triều 27-4-2018. Đồng thời nhiều lần Bình Nhưỡng đưa ra những hăm dọa sẽ không tham gia Thượng đỉnh, vì điều mà họ xem là những hành động khiêu khích, những phát biểu đối đầu của giới chức Mỹ khi yêu cầu Triều Tiên đơn phương giải giới vũ khí hạt nhân. Nhưng phản ứng mạnh mẽ bề ngoài này được đánh giá là chỉ có tính dọa nạt, chứ không “đóng cửa”. Bắc Hàn vẫn muốn thành tựu Thượng đỉnh với Mỹ.

Trước phản ứng này, Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump đã tìm cách vuốt ve, đưa ra nhưng những lời khuyến dụ bảo đảm sinh mạng chính trị của Chủ tịch Kim, sự tồn tại của chế độ Bình Nhưỡng, và đưa ra hình ảnh một tương lai phát triển “tuyệt vời”đến giầu mạnh cho Bắc Triều Tiên,với sự trợ giúp của Hoa Kỳ và quốc tế (chính sách “cây gậy và củ cà rốt”)…Nếu Bình Nhưỡng thực tâm thực hiện phi hạt nhân hóa hoàn toàn bán đảo Triều Tiên có thể kiểm chứng được.

Nhưng sau đó, Phó Tổng Thống Hoa Kỳ Mike Pence vẫn “bồi thêm” động thái thứ ba, là trong một cuộc phỏng vấn trên truyền hình đã nhắc lại quan điểm tương tự của Cố vấn an ninh quốc gia John Bolton, như một thăm dò tiếp theo. Bình Nhưỡng phản ứng đầy phẫn nộ, đưa ra những lời nói xúc phạm nặng nề đến nhân cách và nhân phẩm của Phó Tổng Thống Hoa Kỳ, mà có nhận xét coi như “giọt nước cuối cùng làm tràn ly”. đưa đến quyết định có tính đột biến của Tổng Thống Trump vào ngày 24-5, qua sự công bố Thư gửi Chủ tịch Bắc Triều Tiên Kim Jong Un báo hủy cuộc họp dự trù tại Singapore vào ngày 12/6/2018.  Thế nhưng lời lẽ hòa dịu tương kính và nội dung bức thư cùng với phản ứng hòa dịu sau đó của Bắc Triều Tiên cho thấy cánh cửa hội nghị Thượng đỉnh Mỹ-Triều vẫn mở và có triển vọng tái tục.

Thực tế quả đúng như vậy, sau quyết định hủy cuộc họp dự trù của Tổng Thống Hoa Kỳ, một ngày sau Chủ tịch Bắc Hàn Kim đã tìm gặp Tổng Thống Nam Hàn Moon lần thứ hai tại Bàn Môn Điếm, đưa ra những động thái xoa dịu. Sau cuộc gặp bất ngờ lần thứ hai với Chủ tịch Moon do Băc Triều Tiên chủ động, Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in cho biết rằng nguyên thủ Bắc Triều Tiên Kim Jong Un đã tái khẳng định cam kết tham dự cuộc họp đã định với Tổng thống Mỹ Donald Trump, cũng như việc phi hạt nhân hóa “toàn diện” bán đảo Triều Tiên.Ông Moon khẳng định điều này, vì trong cuộc gặp bất ngờ hôm 26/5 ,ông Moon và lãnh đạo Bắc Triều Tiên cùng cho rằng cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ và Bắc Hàn phải được tổ chức.

Trong khi đó, một tuyên bố từ hãng thông tấn KCNA của Bắc Triều Tiên nói rằng ông Kim đã bày tỏ “thiện chí không suy suyển” về khả năng gặp ông Trump như hoạch định trước đó. Chiều hướng này được Bình Nhưỡng chứng tỏ tức thì,  qua việc cử Tướng tình báo Kim jon Chol.Phó chủ tịch đảng Lao Động Triều Tiên, cánh tay mặt của Kim jong Un, được cử đến Hoa Kỳ hội đàm với Ngoại Trưởng Mike Pompeo để tìm cách gỡ bế tắc. Sau đó gặp Tổng Thống Donald Trump tại Nhà Trắng trao tận tay thư riêng của Chủ Tịch Kim, dẫn đến quyết định sau cùng là hai bến tái tục Thượng đỉnh Mỹ-Triều vào ngày 12-6 tại Singapore như đôi bên đã dự hoạch.

 Như vậy là đúng như chúng tôi đã nhận định trong bài viết trước đây, trên diễn đàn này, rằng các động thái này chỉ là phép thử của đôi bên Mỹ -Triều có tính thăm dò lẫn nhau để có cách ứng xử trong thượng đỉnh nhằm đánh giá mức độ có thể thành đạt những gì mà mỗi bên muốn thành đạt qua hội nghị thượng đỉnh này. Vì thế có thể sẽ không đưa đến sự tan vỡ mà thượng đỉnh Donald Trump và Kim Jong Un vẫn sẽ diễn ra sau những nỗ lực ngoại giao ngầm giữa đôi bên để phá tan cản trở cuối cùng trước hội nghị. Nhận định này của chúng tôi văn cứ vào những dấu hiệu chứng tỏ các bên đều không muốn hội nghi thượng đỉnh có tính lịch sử, đôi bên cùng có lợi mà bị tan vỡ. Theo đó phản ứng của đôi bên đều mang tính “nước đôi” không có ý “rút cầu” mà chỉ muốn cho “đối phương” biết giới hạn những yêu sách của mỗi bên đừng vượt quá để đi đến kết quả chung cuộc mà đôi bên có thể chập nhận được và cùng có lợi.

II/- VÌ SAO THƯỢNG ĐỈNH MỸ - TRIỀU PHẢI THÀNH TỰU CHỨ KHÔNG THỂ TAN VỠ?

Trong bài viết trước trên diễn đàn này, chúng tôi đã dự đoán gần như chắc chắn cuộc họp Thượng đỉnh Mỹ-Triều sẽ được tái tục và sẽ diễn ra vào ngày Thứ Ba 12-6-2018 tại đệ tam quốc gia Singapore như các bên dự hoạch. Chung cuộc này có được là vì đã đến lúc các bên đều đã lên đến “đỉnh cao của sự thách đố” và các động thái thăm dò  lẫn nhau đã đủ  để  xuống thang, tránh đẩy nhau vào chân tường có thể đưa đến một cuộc chiến tranh hủy diệt, bất lợi cho đôi bên, đe dọa hòa bình thế giới.

Theo chiếu hướng này, thì thực tế Hoa Kỳ đã gia tăng các biện pháp phong tỏa trừng phạt Bắc Hàn lên đến cao độ,  nhưng Bắc Hàn vẫn không đầu hàng (vì có Trung Quốc chống lưng), tiếp tục thử nghiệm có tính thách đố cho đến khi công bố đã thử nghiệm thành công vũ khí hạt nhân và tên lửa đạn đạo tầm xa, tầm trung có thể đưa đầu đạn hạt nhân đến tận lãnh thổ Hoa Kỳ. Bình Nhưỡng tự coi mình là cường quốc có vũ khí hạt nhân, có tư thế  nói chuyện tay đôi với Hoa Kỳ. Vì chủ đích chế tạo được vũ khí của Bình Nhưỡng cũng như của Trung Quốc không phải để sử dụng mà để có thế lực thương lượng, mà cả với Hoa Kỳ để thành đạt lợi ích chiến lược quân sự kinh tế nào đó.Vì thế, Bắc Triều Tiên (với sự đạo diễn của Trung Quốc) đã chủ động thực hiện một chính sách đối nội và đối ngoại có tính đột phá, đảo lộn 180 độ, dẫn đến các cuộc hội nghị Thượng đỉnh Liên Triều đã diễn ra ngày 27-4 tại Bàn Môn Điếm, và Thượng đỉnh Mỹ - Triều sắp diễn ra vào ngày 12-6 tới đây tại Singapore.

Ngoài ra, Thượng đỉnh Mỹ-Triều phải thành tựu chứ không thề tán vỡ còn là vì lợi ích thiết thân của hai quốc gia và tránh được tổn hại cho thế giới. Nghĩa là  đôi bên đều có lợi, mà Thượng đỉnh là cơ hội hiếm hoi để đôi bên “xuống thang” và có thể thỏa mãn được những nhu cầu thiết yếu của cả đôi bên. Vậy thì…

III/- THƯỢNG ĐỈNH MỸ - TRIỀU  SẼ THÀNH CÔNG HAY THẤT BẠI?

Một cách chủ quan chúng tôi cho rằng Thượng đỉnh Mỹ-Triều vào ngày 12-6 tới đây tại Singapore chỉ có thể thành công chứ không thể thất bại. Sự thành công có được khi đôi bên tương nhượng ít nhiều để thành đạt trên nguyên tắc những yêu sách cơ bản. Thất bại khi đôi bên không tương nhượng quyết bảo vệ đến cùng mọi yêu sách của mình, sẽ dẫn đến điều mà Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump từng đe dọa “sẽ rời phòng họp tức thì”.

Sở dĩ chúng tôi dám khẳng định một cách chủ quan như thế, là căn cứ trên diễn biến đưa đến các cuộc bàn thảo tiền hội nghị giữa đôi bên, dường như Mỹ-Triều đã có sự tương nhượng để đạt được phần nào những yêu sách cơ bản của mình, nên Thượng đỉnh mới được tái tục. Vì Thượng đỉnh diễn ra đôi ba tiếng đồng hồ không có thời giờ tranh luận, mà chỉ là sự xác nhận, chuẩn phê những gì mà hai bên đã đạt được đồng thuận trước hội nghị; để sau đó công bố bằng một bản Thông Cáo Chung có ý nghĩa như một “Bản Ghi nhớ” những đồng thuận đã đạt được và tiến trình thực hiện để triển khai. Chính vì vậy mà  mới đây, sau cuộc gặp với Thủ Tướng Nhật  Shinzo Abe tại Tòa Bạch Ốc ngày 7/6/18., Tổng Thống Hoa Kỳ Donald Trump đã đưa ra những lời tuyên bố đầy lạc quan tin tưởng về sự thành công của cuộc họp Thượng đỉnh sắp tới giữa Ông và Chủ tịch Bắc Triều Tiên Kim Jong Un . Tại buổi họp báo trước cuộc họp, ông Trump hứa với ông Abe sẽ nêu vấn đề bắt cóc công dân Nhật với lãnh tụ Triều Tiên Ông cũng cho biết là sẵn sàng ký thỏa thuận với Bình Nhưỡng vào ngày 12/6 để chấm dứt cuộc chiến Triều Tiên và  mong nhìn thấy mối quan hệ hai nước Mỹ-Triều chung cuộc được bình thường hóa.Ông Trump còn nói thêm rằng nếu thượng đỉnh suôn sẻ, ông sẽ mời ông Kim Jong Un sang Mỹ, nhưng đồng thời cảnh báo rằng ông cũng sẵn sàng từ bỏ thượng đỉnh, nếu cần, như ông từng làm trước đây.Và rằng ‘áp lực tối đa’ lên Triều Tiên vẫn còn hiệu lực và Mỹ chưa dỡ bỏ bất kỳ chế tài nào.

Do đó, theo dự đoán của chúng tôi, nội dung Thống Cáo Chung Thượng đỉnh Mỹ-Triều có thể ghi nhận sự tương nhượng và đồng thuận đại để như sau:

1.- Về quân sự:

- Chẳng hạn, Bắc Triều Tiên chấp nhận thực hiện phi hạt nhân hóa “toàn diện” bán đảo Triều Tiên, bằng cách hủy bỏ mọi phương tiện thử nghiệm, giao nạp vũ khí hạt nhân, tên lửa đạn đạo đã hoàn thành và các chất liệu chế tạo còn tồn trữ cho một đệ tam quốc gia quản thủ (tỷ như Trung Quốc, Nga hay quốc gia nào khác mà đôi bên đồng thuận…). Việc thực hiện giải trừ này theo một tiến trình phù hợp dưới sự giám sát của một Ủy Ban Liên Hợp (chẳng hạn) gồm đại diện Liên Hiệp Quốc Trưởng Ủy Ban, với hai thành viên Hoa Kỳ và Bắc Hàn và một số nước khác do hai bên đồng thuận.

- Chẳng hạn, Hoa Kỳ cam kết giải trừ binh bị và các phương tiện chiến tranh bao lâu nay nhắm vào Bình Nhưỡng (quân đội Mỹ và các dàn hỏa tiễn ở Nam Hàn…) và đề nghị Liên Hiệp Quốc giải tỏa cấm vận Bắc Hàn theo một tiến trình phù hợp, song song với tiến trình thực hiện giải trừ  vũ khí hạt nhân của Bắc Triều Tiên, tiến tới phi hạt nhân hóa hoàn toàn trên bán đảo Triều Tiên.

2.- Về chính trị.
  
 - Chẳng hạn hai bên Hoa Kỳ và Bắc Triều Tiên sẽ đạt đồng thuận cam kết tôn trọng chế độ chính trị, độc lập, chủ quyền của nhau, không tìm cách tiêu diệt mà cùng thực hiện chính sách sống chung hòa bình với Hoa Kỳ và các quốc gia thù nghịch trong vùng (như Nhật Bản, Nam Hàn…), tiến tới thiết lập quan hệ ngoại giao giữa hai nước và với các nước khác.

- Chẳng hạn, vấn đề Nam-Bắc Triều Tiên Hoa Kỳ coi là vấn đề nội bộ của dân tộc Triều Tiên do đôi bên quyết định những vấn đề hiện tại cũng như tương lai giữa Bình Nhưỡng và Seoul. Hoa Kỳ cam kết sẽ không can thiệp vào mối quan hệ này và từng bước giải trừ các cam kết an ninh quốc phòng với Nam Hàn theo một tiến trình phù hợp tiến trình giải trừ vũ khí hạt nhân của Bắc Hàn.

3.- Về xây dựng và phát triển kinh tế

- Chẳng hạn đôi bên có thể đồng thuận sẽ trao đổi thương mại mậu dịch khoa học, kỹ thuật, viện trợ, đầu tư kinh doanh…sau khi dỡ bỏ hoàn toàn các biện pháp cấm vận của Liên Hiệp Quốc và bình thường hóa quan hệ ngoại giao giữa hai nước.

- Chẳng hạn theo chiều hướng trên Hoa Kỳ có thể hứa sẽ trợ giúp Bắc Hàn phát triển  kinh tế bằng viện trợ nhân đạo, cho vay vốn, mở rộng đầu tư cùng lúc với các nước khác, qua các cuộc đầu tư song phương hay đa phương (tiến tới mô hình như Việt Nam mà Bình Nhưỡng đã bộc lộ, đánh tiếng..)
     

Tất cả chỉ là dự báo chính trị, tất nhiên không thể chính xác như dự báo khoa học. Vì vậy Thượng đỉnh Mỹ-Triều sẽ diễn ra trong vài ba ngày tới đây tại Singapore sẽ có đáp án chính xác về các vấn đề đang được nhiều người quan tâm liên quan đến hội nghị này.Chúng ta cùng chờ xem.

         Thiện Ý
Houston ngày 8-6-2018





No comments:

Post a Comment

Note: Only a member of this blog may post a comment.