THÂN PHẬN NGHIỆT NGÃ CỦA TRÍ
THỨC TRONG CHẾ ĐỘ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM.
Thiện Ý.
Trong bữa ăn họp
mặt hậu Lễ Tạ Ơn (Thankgiving Day) ở
Hoa Kỳ trưa Chủ nhật 25-11-2018 tại nhà luật sư Ngô H. L. ở Houston, anh em có
nhắc đến bài viết “Vai trò của trí thức
trong chế độ xã hội chủ nghĩa Việt Nam” của người viết mới đăng trên mục “Diễn đàn” của VOA. Nhân dịp này luật sư
L. có đề cập đến gia đình người cháu gái họ Ngô điển hình là một gia đình trí
thức xã hội chủ nghĩa từ đầu đến chân. Sau đó kể cho chúng tôi nghe về cuộc đời
gian chuân của cặp vợ chồng gốc bác sĩ tốt nghiệp ở Liên Xô này, trước khi đến
và lập nghiệp ở Đức. Hiện cặp vợ chồng này đã bỏ nghề y từ lâu, và có việc làm
mới chẳng liên quan gì đến việc học hành và làm việc tại Liên Xô.
Bài viết này chỉ
là sự tường thuật lại một chuyên thật đời người của một cặp vợ chồng trí thức
XHCN, tiêu biểu cho “Thân phận nghiệt ngã
của trí thức trong chế độ xã hội chủ nghĩa Việt Nam” nói chung.
I/- THÂN PHẬN NGHIỆT NGÃ CỦA CẶP VỢ CHỒNG TRÍ THỨC XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT
NAM.
Theo lời kề của
luật sư L. thì sau hiệp định Genève 1954 chia đôi đất nước, dòng tộc họ Ngô kẻ
ở lại, người di cư vào Miền Nam. Cha của người cháu gái là anh họ của luật sư
L. Người anh này khi đó là một trí thức tiểu tư sản, đã chọn ở lại Miền Bắc, có
lẽ vì lúc đó người anh không muốn rời bỏ sản nghiệp gia đình là nhiều căn nhà
cho thuê ở Hà Nội, để di cư vào Miền Nam. Và cũng có lẽ ông không biết
rằng dưới chế độ cộng sản hay xã hội chủ nghĩa sau này, những căn nhà cho thuê
ấy cũng không còn giữ được làm phương tiện giai cấp tư sản bóc lột giai cấp vô
sản là người thuê ?
Quả vậy, sau khi “tiếp thu” Hà Nội, Ông Hồ Chí Minh và
đảng CS VN đã áp đặt chế độ xã hội chủ nghĩa trên toàn Miền Bắc. Nhà cầm quyền
xã hội chủ nghĩa Miền Bắc đã nhanh chóng phát động và tiến hành công cuộc cải
tạo toàn diện các giai cấp đối kháng với chủ nghĩa xã hội. Song song với việc
cải tạo nông nghiệp qua các cuộc đấu tố dã man “long trời lở đất” những người bị quy kết là giai cấp“địa chủ, cường hào,
ác bá” ở nông thôn; là cải tạo công, thương nghiệp, tư bản tư doanh triệt
để ở các thành thị. Trong đợt cải tạo này, gia đình người anh họ Ngô với luật
sư L. mất các căn nhà cho thuê. Cá nhân người anh thì thuộc diện gốc “trí thức tiểu tư sản” và “tư bản dân tộc” (khác với tư sản mại bản dính dáng với nước ngoài) không thuộc đối
tượng kết nạp vào đảng cộng sản để tiến thân.
Phần cháu gái Ngô
T. N. sinh năm 1965 là sinh trong chế độ XHCN nên được đào tạo từ đầu đến chân
để trở thành trí thức xã hội chủ nghĩa theo đúng tiêu chuẩn của “Đảng và Nhà nước ta” là phải “vừa hồng, vừa chuyên”.Nghĩa là cũng
từng là “cháu ngoan Bác Hồ” cá nhân
tiên tiến hay xuất sắc khi sinh hoạt Đoàn đội trong nhà trường và sau cùng cũng
được kết nạp vào đảng CSVN. Nhờ thành tích sinh hoạt đoàn đội và học văn hóa
giỏi nên đã được Đảng và nhà nước tạo điều kiện cho du học Liên Xô về ngành y 7
năm tại Đại học ở Mat-Xcơ-va (Moscow). Trong
thời gian học tập cháu đã gặp người chồng tương lai, cùng học chung trường, nhờ
có gốc là gia đình liệt sĩ, học giỏi, thành tích hoạt động đảng đoàn tốt. Sau
khi cả hai tốt nghiệp bác sĩ y khoa đã trở thành vợ chồng khi về nước.
Thời gian đầu cả
hai đều được tạm tuyển làm việc ở Bệnh viện của nhà nước tại Hà Nội, để sau một
thời gian sẽ được xét cho vào biên chế công nhân viên nhà nước. Sau khi nhận
việc, có người đánh tiếng muốn chạy vào biên chế thì phải chấp nhận quà cáp
tương đương với tiền lương 3 năm làm việc. Nghe vậy hai vợ chồng vốn được học
tập ở Liên Xô “Tổ quốc xã hội chủ nghĩa”
không khỏi kinh ngạc vì nó trái với “lý
tưởng cộng sản” và “lời dạy của Bác
Hồ”, trái với tinh thần “Chí công, vô
tư của một đảng viên cộng sản chân chính”. Trong lòng cảm thấy bất bình và
cố nén sự phẫn nộ, chỉ nhỏ nhẹ hỏi lại người môi giới đáng tuổi cha chú mình,
rằng “Nếu chúng cháu đồng ý, thì gia đình
chúng cháu trong ba năm đi làm sống bằng gì ạ?” Người môi giới trả lời tỉnh
bơ “Thì sống bằng “phong bì” của bệnh
nhân, có khi còn hậu hĩnh hơn cả lương lậu nữa các cháu à!”. Sau đó, cả hai
tham khảo với bố mẹ vợ và mẹ chồng (bố
chồng là liệt sĩ đã chết trong cuộc chiến). Người cha vợ (cha của cháu T.N.) thì chỉ nói tùy các
con. Còn hai bà mẹ đều khuyên các con dâu rể nên chấp nhận.Vì thời buổi đâu
cũng thế cả. Người ta nói sao mình làm vậy vẫn tốt hơn, nếu không thì hậu quả
khó lường; có thể là phải rất lâu mới được xét cho vào biên chế hoặc không bao
giờ nếu bị sa thải vì nhiều lý do. Thực tế quả không sai, khi hai vợ chồng đã
không tìm gặp lại người môi giới để nhờ vả, nên coi như không chấp nhận gợi ý
của người này. Thế là sau hai năm làm việc trong chế độ tạm tuyển tại Bệnh viện
Hà Nội, cả hai vợ chồng bác sĩ này đều mất việc với lý do rất mơ hồ.
Sau khi mất việc,
phải kiếm sống, nhờ vốn liếng tiếng Nga, người chồng đã liên lạc và được một
tàu của Liên Xô cho đi lậu qua lãnh thổ Nga. Nơi đây, không thể xin hành nghề y
dù có văn bằng tốt nghiệp bác sĩ của đại học y Liên Xô, do sống bất hợp pháp.
Anh cháu xoay qua nghề buôn bán. Theo đó, anh mua những mặt hàng của Liên Xô có
giá được ưa chuộng tại Việt Nam
gửi về cho vợ đem đi tiêu thụ; rồi vợ mua gửi lại một số mặt hàng Việt Nam có giá bên đất Liên Xô. Một
thời gian sau, bạn bè cháu T. N. cảnh giác là vợ chồng trẻ xa nhau nguy hiểm
lắm, có thể mất chồng như chơi. Thế là cháu N. ôm con, tìm cách “vượt biên” qua Liên Xô và đã gặp lại
chồng ở đây. Sống lây lất ở nhiều nơi, hai vợ chống cháu cuối cùng đã liên lạc
với bạn bè đang sống ở Mat-Xcơ-va để sau đó đến sống với họ ở khu vực tập trung
người Việt mà hầu hết thuộc thành phần đi du học, trao đổi lao động, công tác
đã trốn ở lại sống bất hợp pháp, làm nghề buôn bán chợ trời và các nghề linh
tinh khác làm kế sinh nhai. Sau một thời gian sống cực khổ, khó khăn ở đây, vào
năm 1989 khi hay tin “Bức tường Berlin
sụp đổ”, nước Đức thống nhất với sự ưu thắng của chế độ Dân chủ tư bản Tây
Đức đối với chế độ độc tài cộng sản Đông Đức, hai vợ chồng đã tìm cách “vượt biên’ lần thứ hai để vào đất Ba Lan
- nước giáp ranh Liên Xô mà chế độ xã hội chủ nghĩa lúc ấy cũng mới sụp đổ kéo
theo sự sụp đổ của các nước xã hội chủ nghĩa Đông Âu - rồi từ Ba Lan chạy qua
nước Đức thống nhất. Nhờ Trời các cuộc vượt biên đều thành công để sau cùng hai
vợ chồng cùng một đứa con gái nhỏ đã đến được thành phố Stuttgart của nước Cộng hòa Liên bang Đức sau
khi thống nhất. Hai năm sau vào năm 1992, vợ chồng và con gái đã được chính
quyền Đức chấp nhận tư cách thường trú nhân. An tâm hai vợ chồng quyết định
sinh thêm đứa con thứ hai. Giờ đây, vào năm 2018 cuộc sống gia đình vợ chồng
người cháu gái họ Ngô của luật sư L. đã ổn định. Chồng trở thành Mục sư Tin
Lành. Vợ là nhân viên của một cơ sở bách hóa. Hai người con nay đã lớn khôn,
đều tốt nghiệp đại học Stuttgart
và có công ăn việc làm tại hai công ty lớn của Đức.
Luật sư L. cho hay
là trong kỳ hè vừa qua đã đi một vòng thăm anh em con cháu dòng họ Ngô ở Đức và
Tiệp Khắc, một trong các nước cộng sản Đông Âu cũ đã sụp đổ.
II/- NHẬN ĐỊNH.
Qua câu chuyện
thật đời người trên đây, chúng tối có một vài nhận định như sau:
1.- Quãng đời chuân chuyên của cặp vợ chồng bác sĩ,
cháu của luật sư L. đã cho thấy một điển hình thân phận nghiệt ngã của những
trí thức sinh trước hay sinh sau ngày
đảng CSVN cướp được chính quyền trên một nửa nước Miền Bắc sau Hiệp định Genève
1954, áp đặt chế đô độc tài toàn trị XHCN.Nghĩa là dù trí thức cũ hay mới, dù
có “vừa hồng, vừa chuyên” cũng không
tránh được số phận bi thảm nếu không tuân phục chế độ, chấp nhận sống theo qui
luật vận hành tiêu cực của cái gọi là “
chế độ xã hội chủ nghĩa ưu việt”.
Theo cô cháu gái nói với luật sư L. thì vợ chồng cô
đã tránh được số phận nghiệt ngã, nếu như ngày ấy chấp nhận lời đề nghị của người môi giới mất 3 năm
lương (theo qui luật vận hành tiêu cực xã hội) như vợ chồng hai người bạn
cùng học ở Liên Xô, cùng về nước, đã chấp nhận; thì vợ chồng cô cháu gái đã
được vào biên chế như họ và trở nên giầu có, danh vọng lên như diều gặp gió. Vì
sau đó, vợ chồng người bạn, nhờ chức quyền, đã làm giầu rất nhanh trên quan lộ
- dù bất chính, bất lương – để có được đời sống vinh thân, phì gia, cho được
các con đi du học nước ngoài. Nhưng cô cháu nói, chúng cháu không hề ân hận về
sự lựa chọn này. Vì thực tế hiện nay, hai người bạn chấp nhận theo qui luật
XHCN lúc bấy giờ, nay lại phải sống xa các con đi du học nước ngoài, lấy vợ lấy
chồng ở lại các nước sở tại. Trong khi vợ chồng người bạn thì không thể rời xa
đất nước mà phải giữ lòng trung kiên với “Đảng ta”không thể sống “ôm chân đế quốc”được. Trong khi gia đình cháu thì đoàn tụ ở
một đất nước văn minh, tự do dân chủ, nhiều cơ hội thăng tiến; cha mẹ,vợ chồng,
con cái đều sống đoàn tụ, nên chưa biết ai hạnh phúc hơn ai. Phải không ạ?
2.- Tất cả những trí thức trong xã hội chủ nghĩa Việt Nam,
chỉ là nạn nhân của lịch sử, “thời thế, thế thời phải thế”, phải chấp nhận và
có cách xử thế khác nhau để tồn tại vì cuộc sống cá nhân và gia đình. Thiết tưởng, người bàng quan nên cảm thông, trân quý
những trí thức xã hội chủ nghĩa “phản
tỉnh” dù sớm hay muộn; mà không nên chủ quan kết án nặng nề, như một số ý
kiến phản hồi dưới bài viết mới đây của chúng tôi về “Vai trò của tri thức trong chế độ xã hội chủ nghĩa Việt Nam”đăng
tải nơi mục “Diễn Đàn” của VOA (Xin đọc giả vào xem).
Chúng tôi nghĩ,
mọi người nên đặt mình vào hoàn cảnh chẳng đặng đừng của những trí thức hay
những người theo đảng CS, buộc lòng phải phục vụ chế độ, vì hoàn cảnh phải sống
trong chế độ xã hội chủ nghĩa, không có cơ hội chọn lựa khác hơn, để cảm thông, thán phục sự chịu đựng của họ;
dù từ lâu họ cũng biết được những sai trái của chế độ; biết sự hiện thực chủ
nghĩa xã hội chỉ là không tưởng (lý tưởng
thì cao đẹp, nhưng tuyệt đối không thể, không bao giờ thực hiện được). Thế
nhưng họ vẫn phải nhẫn nhục sống một thời gian lâu dài dưới chế độ này. Điển
hình trường hợp của tôi, trước khi Hiệp Định Genève 1954 chia đôi đất nước, khi
đó cha tôi (Giáo Tiến) đang hoạt động
chống Pháp trong phong trào công nhân ở đồn điền Cao su Hớn Quản, Quản Lợi ở
Miền Nam, viết thư về nói mẹ con tôi cứ ở lại Miền Bắc đợi cha tôi trở về, vì “nước nhà sắp độc lập”. Nếu giả như mẹ
tôi nghe lời, ở lại Miền Bắc không đem tôi di cư vào Miền Nam, thì sau đó chắc
là tôi cũng được giáo dục học tập để trở thành một trí thức xã hội chủ nghĩa
như bao người. Trong hoàn cảnh này, tôi cũng phải sống trong chế đô XHCN, phải
chọn lựa theo hai cách ứng xử khác nhau như giữa hai cặp vợ chồng bác sĩ cùng tốt
nghiệp ở Liên Xô trong câu chuyển kể, phải không ạ?
3.- Khi chúng tôi ngồi viết bài này, thì tin truyền
thông cho hay, Tổng Bí thư đảng CSVN kiêm Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng nói
về Giáo sư Chu Hảo, một trí thức lớn
XHCN và là một trong những trí thức công thần của chế độ bị kỷ luật khai trừ
khỏi Đảng. Ông nói đây là một biện pháp cần thiết để chống lại quá trình “tự
diễn biến, tự chuyển hóa” gây nguy hại cho an ninh chính trị đất nước.
Và rằng hình thức kỷ luật này là để “cứu muôn người.”. Người viết muốn
đưa ra vài nhận xét rằng Ông Tổng Trọng
nói đúng mà không đúng. Vì sao?
Ông Tổng Trọng nói đúng là việc khai trừ Giáo sư Chu Hảo khỏi đảng là biện
pháp cần thiết để chống lại quá trình “tự diễn biến, tự chuyển hóa” đang
ngày càng lan rộng trong nội bộ “Đảng ta” nhất là giới trí thức,
không phải mới đây mà đã từ lâu rồi. Chẳng qua vì muốn bảo vệ cuộc sống trước
cường quyền, họ phải cam chịu “giả mù sa
mưa”, “giả câm giả điếc” để qua cầu thế thôi!
Và rằng hình thức kỷ luật này là để “cứu muôn người” cũng đúng luôn. Nhưng phải hiểu “cứu
muôn người” ở đây không phải là cứu nhân dân, mà là cứu “muôn người đảng viên cộng sản chí cốt”.Nghĩa
là “muôn người” mà ông Tổng Trọng
muốn cứu chỉ là thiểu số “muôn người” trong số 4 triệu đảng viên CS trên danh nghĩa”
còn gắn bó với ông tiếp tục con đường đi lên chủ nghĩa xã hội mà chính ông cũng
hoài nghi đến cuối Thế kỷ này không biết đã có xã hội chủ nghĩa hay chưa.
Trong khi đa số
hàng triêu đảng viên CS, hàng đầu là các trí thức đảng viên CS như giáo sư Chủ
Hảo, thì từ lâu đã hoài nghi về sự hiện thực chủ nghĩa xã hội, đã “phản
tỉnh” mà còn giấu mặt (vì quyền
lợi và an toàn cá nhân, gia đình trong cuộc sống…), đã “tự
diễn biến, tự chuyển hóa”. Trong thâm
tâm họ đang đồng cảm với 90 triệu nhân dân trong nước và người Việt hải
ngoại về kết cuộc tiến trình “tự diễn biến” ấy sẽ giết chết “muôn người” (là đảng viên CS ngoan cố như Ông) mà ông muốn cứu cũng không cứu được đâu. Chính kết cuộc này sẽ
cứu hàng triệu nhân dân Việt Nam thoát ách độc tài toàn trị cộng sản để thiết
lập một chế độ dân chủ pháp trị, tái lập quyền làm chủ thật sự của nhân dân,
vốn bị đảng CSVN tước đoạt và chà đạp trong nhiều thập niên qua.
III/- KẾT LUẠN.
Xin được lưu ý
Tổng bí thư kiêm Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng về tiến trình “tự diễn biến, tự chuyển hóa” là một tiến trình có thật, đã và đang diễn ra
và không thể đảo ngược; với kết cuộc đã là một tất yếu, không thể cưỡng lại
được đâu. Vì nó phù hợp với xu thế thời
đại và chiếu hướng phát triển tất yếu của thực tiễn và lịch sử Việt Nam, đáp
ứng đúng nguyện vọng thiết tha bao lâu nay của tuyệt đại đa số quốc dân Việt
Nam trong cũng như ngoài nước. Người dân tự hỏi, năm nay Ông Tổng đã 74
tuổi (tuổi con khỉ 1944, hơn tôi 1 tuổi
1945 là tuổi con gà), cái tuổi “gần
đất xa trời”cả rồi. Thử hỏi liệu ông Tổng còn thời gian bao lâu nữa
(trước khi đi gặp Bác Hồ và các cụ tổ
Mác-Lê) để mà chống đỡ cho sự tồn tại của một chế độ xã hội chủ nghĩa không
tưởng, lỗi thời, đã sụp đổ hầu hết trên hành tinh này; trong đó có “tổ quốc xã hội chủ nghĩa Liên Xô” đã
phải chuyển đổi hòa bình qua chế độ dân chủ pháp trị gần 3 thập niên rồi (1991- 2018) . Ông Tổng có thấy không, mà sao vẫn còn ngoan cố bám
lấy “cái vỏ xã hội chủ nghĩa không tưởng”
lâu quá vậy, thưa Ông Tổng?
Thiện Ý
Houston,
9-12-2018
No comments:
Post a Comment
Note: Only a member of this blog may post a comment.