Friday, May 1, 2020

NGÀY 30-4-1975 TÔI LÀM GÌ, Ở ĐÂU?



NGÀY 30-4-1975 TÔI LÀM GÌ, Ở ĐÂU?

Trước 12 giờ trưa ngày 30-4-1975 , Tướng Dương Văn Minh trong chức vụ Tổng thống Việt Nam Cộng Hòa ngoài dự liệu của Hiến Pháp, đã đọc hiệu triệu trên đài phát thanh, truyền hình ra lệnh cho quân đội Việt Nam Cộng Hòa buông súng tại chỗ, chờ quân đội cộng sản Bắc Việt đến tiếp quản. Tôi như chết lặng vài giây, bàng hoàng như muốn khóc vì uất hận. Một điều khá bất ngờ mà có lẽ tôi cũng như hầu hết người dân sống dưới chế độ Việt Nam Cộng Hòa ở Miền Nam chưa bao giờ nghĩ đến.
 
Khi đó tôi đang có mặt tại nhà ở số 217.C chung cư Phạm Thế Hiển, Quận 8 Saigon, với người mẹ già. Trong khi người vợ trẻ mới sinh con gái đầu lòng đúng 20 ngày trước đó, (cháu Quỳnh như sinh ngày 7-4-1975) thì đã được bên ngoại đón từ nhà bảo sanh tư Đức Chính trên đường Cao Thắng về ở nhà gia đình bố mẹ trên đường Tô Hiến Thành, Quận 10 Saigon để chị em tiện giúp đỡ, chăm sóc. Cùng có mặt tại nhà tôi vào ngày 30-4-`975 còn có một người bạn là Trung Úy P.  từ đơn vị ở huyên Cầu Kẻ, Trà Vinh về ở nhà chúng tôi trước đó vài ngày. Anh P. là một bạn đồng nghiệp từng dạy học chung tại trường Trung học tư thục Hưng Đức Buônmêthuột ((1966-1967), một tỉnh lỵ trên Cao Nguyên Trung Phần Việt Nam.

Khoảng 12;00 trưa ngày 30-4-1975, cả hai chúng tôi và mẹ tôi cũng như nhiều người dân sống ở ba lô chung cư A.B.C Phạm Thế Hiển đều ùa ra đứng ở hành lang hướng ra đường Phạm Thế Hiển để xem “đoàn quân giải phóng tiến vào Saigon”. Toán quân đầu tiên ăn mặc quần áo đen, mũ tai bèo, đi dép râu, có người mặc quần cu4t đi chân đất, vũ khí cá nhân hạng nhẹ, có lẽ là dân quân du kích hay quân chủ lực Miền Nam của cái gọi là “Mặt trận Dân tộc Giải phóng Miền Nam” và “Chính phủ Cách Mạng Lâm Thời Cộng Hòa Miền Nam Việt Nam”; vốn là công cụ quân sự và chính trị của đảng và chế độ cộng sản Bắc Việt . Đó là những bảng hiệu “ngụy dân tộc” để tiến hành cuộc chiến tranh chống ngoại xâm bằng chiêu bài “chống đế quốc Mỹ xâm lược, giải phóng Miền Nam, thống nhất đất nước.”. Thế nhưng ai cũng biết ý đồ của CSBV là cưỡng chiếm Miền Nam Việt Nam của chính quyền chính thống quốc gia Việt Nam Cộng Hòa,  cộng sản hóa Miền Nam, đưa cả nước tiến lên chủ nghĩa xã hội. Vì thế sau đó, là đoàn quân đồng phục quần áo rêu xám, mũ cối, trang bị vũ khí cá nhân cũng như tập thể hạng nặng. Tôi đoán có lẽ là quân đội chính quy cộng sản Bắc Việt chi viện cho chiến trường Miền Nam.

Nhìn đoàn quân ăn mặc lếch thếch, vóc dáng hầu hết ốm o vì gian khổ, ăn uống thiếu thôn, tôi không khỏi liên tưởng đến hình ảnh những người linh ăn mặc chỉnh tề, vóc dáng khỏe mạnh, trang bị đầy đủ vũ khí tối tân, lòng như quặn đau, trí như phẫn nộ về sự kết thúc chiến tranh không bình thường,bất công, phi lý: kẻ yếu thắng kẻ mạnh, ngụy nghĩa thắng chính nghĩa. Nhưng chỉ biết nuốt hận thở dài, vì mọi sự đã trễ, biết làm sao hơn, đành phải chấp nhận thực tế như một sự an bài.

Trong lòng là vậy, nhưng tôi và người bạn đứng gần, cũng những người dân trên các hành lang ba khu chưng cư như miễn cưỡng vẫy tay. Có kẻ hò vang vẫy chào đoàn quân cộng sản chiến thắng đang từ các vùng nông thôn tiến vào thành phố Saigon. Đó có lẽ là do đều có chung tâm trạng “trong héo, ngoài tươi”. Những nụ cười gượng và những tiếng reo hò, vẫy tay dường như mọi người muốn che lấp một mặc cảm, một tâm trạng hoag mang, sợ hãi mơ hồ ở tương lai bất định, xấu nhiều hơn tốt, khi phải sống dưới chế độ mới của “bên thắng cuộc”, là chế độ cộng sản Bắc Việt sẽ bị áp đặt nay mai, chỉ nghe nói rất tàn ác, chưa biết số phận mình ra sao.

Sau một lúc đứng nhìn đoàn quân cộng sản chiến thắng vào thành, P. ngỏ ý nhờ tôi chở đến thăm người yêu nhà ở Ngã Tư Bẩy Hiền, trong trại gia binh Hoàng Hoa Thám, thuộc Sư đoàn nhảy dù quân lực Việt Nam Cộng Hòa.Vì cha nàng là một hạ sĩ quan nhẩy dù ở hậu cứ lo về hậu cần. Người yêu của P. tên L. cũng là bạn làm chung sở làm với vợ tôi, đã được chúng tôi giới thiệu cho P. sau hai người yêu nhau.

Trên đường đi từ nhà, tôi đã chở bạn P. bằng xe Hongda  dọc theo đường Phạm Thế Hiển qua cầu Chữ Y, qua một số đường nối nhau là các đường Nguyễn Biểu, Trần Hưng Đạo  Cộng Hòa, Hồng Thập Tự đến ngã tư Hồng Thập Tự và Lê Văn Duyệt quẹo trái,  trực chỉ Ngã Tư Bảy Hiền để đến trại Hoàng Hoa Thám, hậu cứ của Sư đón dù…Dọc đường, chúng tối thấy dân chúng ùa ra hai bên đường rất đông. Nhưng nhửng dãy nhà mặt tiền thì đều đóng cửa im ỉm. Nhiều khúc đường bị kẹt làm ùn tắc giao thông khiến cả tiếng đồng hồ xe chúng tôi mới đến được gần cổng nghĩa trang Đô Thành trên đường Lê Văn Duyệt. Nhưng đến dây thì đường kẹt cứng vì lưu thông hai chiều ngược nhau đã đông như nêm cối,lại gặp doàn xe tăng của quân đội CSBV di chuyển ngược chiều, từ hướng Ngã Tư Bẩy hiển vào trung tâm thành phố. Vì vậy khi nhìn thấy một xác chết trên đường được ai đó phủ một chiếc khăn đủ che kín mặt, phần thân thể máu thịt bầy hầy vẫn lộ ra bên ngoài… Tôi vôi quay xe ngược lại, nói với bạn không thể tiếp tục đến nhà người yêu của hắn được nữa, phải chờ qua ngày mai thôi.

Tôi chở P chạy về hướng Đại lộ Trần Hưng Đạo, đến bùng binh Chợ Bến Thành, quẹo phải theo Trần Hưng Đạo về hướng Chợ Lớn. Các con đường chúng tôi đi qua đều đông xe cộ đi lại, đôi chỗ kẹt xe phải chậy chậm lại. Khi đi ngang qua đồn Cảnh sát Giao thông Đô Thành, chúng tôi nghe nhiều tiếng súng nổ liên hồi, vội tấp xe vào lề coi động tĩnh, dựng xe, núp sát vào các nhà dân chúng để tránh lạc đạn. Một lúc sau hỏi ra mới biết một số thanh thiếu niên hiếu động đã lấy súng trong kho của cảnh sát giao thông bắn chỉ thiên làm lủng nhiều lỗ trên trần nhà, không rõ có ai bị lạc đạn lạc chết hay không. Một số người hôi của đang khuân vác những gì họ lấy được từ trụ sở cảnh sát giao thông đô thành; có kẻ đem cả xe ba bánh đến chở những đồ vật nặng có giá trị sử dụng với họ, như máy chữ, television, radio, tủ lạnh…
    
Trong  khi đó, những nhà ở dọc hai bên Đại lô Trần Hưng Đạo chúng tôi chạy qua hầu hết đều còn đóng cửa im ỉm. Khi xe chạy qua một nhà may nằm xế Bộ tư lệnh Cảnh sát Quốc gia đô thành, tôi chợt nghĩ ra trong đầu cần có một lá cờ về treo trước nhà sớm nhất để làm “lá bùa hộ mệnh” đề phòng những kẻ biết quá khứ của mình, vì tư thù hay muốn lập công với nhà cầm quyền mới,  có thể tố cáo láo với “chính quyền cách mạng” để hãm hại. Chúng tôi nghĩ rằng, trong lúc tranh tối tranh sáng, nhìn thấy lá cờ “Giải phóng” nửa xanh, nửa đỏ với ngôi sao vàng ở giữa, treo sớm trước nhà như thế những kẻ muốn hãm hại mình có thể khựng lại vì bán tín bán nghi; rằng hồi trước chúng tôi làm như thế trong chế độ cũ, có thể chỉ là vỏ bọc để “nằm vùng” cho an toàn chăng? Vì thế, chúng tôi dừng xe trước một nhà may gõ cửa và hỏi lớn tiếng có ai trong nhà không.Đợi một lúc không thấy tiếng trả lời. Thằng bạn tôi phải đập cửa thật mạnh hai ba lần và hỏi 1ại có ai trong nhà không bằng dọng dân Quảng Bình, tôi nói tiếp tiếng Bắc, là chúng tôi muốn nhờ may dùm cho vài lá cờ. Lập tức có lời đáp lại “vâng, chúng tôi sẵn sàng ạ…” và ra mở cửa.  Sau khi gia chủ hỏi chúng tôi kích thước may cờ Mặt Trận, chúng tôi  không biết nên chỉ nói đại là có khổ  vải nào có sẵn thì may khổ đó theo kích thước các lá cờ thường may, hình như là chiều dài bằng 2/3 chiều rộng, còn ngôi sao vàng ở giữa thì sao cho cân đối là được. Chúng tôi đoán gia chủ lúc đỏ tưởng chúng tôi là “người của cách mạng nằm vùng” chăng nên đã tỏ ra sẵn sàng làm theo yêu cầu của chúng tôi. Khoảng 15 phút sau, chúng tôi đã có trong tay hai lá cờ “Mặt trận Giải phóng Miền Nam”  làm bửu bối an toàn.

Khi xe chúng tôi chạy qua Bộ tư lệnh Cảnh sát Quốc gia Đô thành, thấy những người hôi của tương tự như ở đồn Cảnh sát Giao thông Đô Thành, đang khuân đồ đạc đủ loại từ trong các văn phòng đi ra. Một thanh niên mặc quần dài màu đậm, áo sơ mi ngắn tay thấy chúng tôi cầm lá cờ Mặt thận trên tay, có lẽ đã lầm tưởng chúng tôi thuộc lực lượng hoạt động nằm vùng nội thành, vội chạy đến nói nơi đây cần một lá cờ kéo lên thay cờ quốc gia “nền vàng ba sọc đỏ”. Tôi nhớ mang máng hình như thanh niên ấy là Huỳnh Tấn Mẩm mà lần đầu tiên cũng là duy nhất chúng tôi giáp mặt trước đó tại hội trường Đại học Lâm Nông Súc. Tôi nhớ, khi đó tôi đã làm trung gian qua một người bạn thân (sau này tôi mới biết là nằm vùng thuộc nòi có truyền thống tham gia cách mạng cộng sản) giới thiệu cho một người bạn khác của tôi là anh N.T.Q phỏng vấn khi anh Mẫm mới được thả ra tù. Vì anh N.T.Q. lúc đó là Chủ nhiệm kiêm chủ bút nguyệt san Hiện Diện cơ quan ngôn luận của Tổng Liên đoàn Sinh viên Công giáo Việt Nam. Tôi nhận ra Mẩm, nhưng có lẽ anh không nhận ra tôi vì tôi chỉ làm công việc nhờ người bạn “nằm vùng” giới thiệu anh N.T.Q để phỏng vấn Mẫm mà thôi. Tôi nhớ lúc đó, trong hội trường vừa chấm dứt bài thuyết trình của luật sư Bùi Chánh Thời phê bình “Thuế kiệm ước song hành” của chính phủ Việt Nam Cộng Hòa. Luật sư Bùi Chánh Thời được biết lúc đó là người thuộc phe Phật giáo Ấn Quang của Thượng Tọa Thích Trí Quang, từng phát động nhiều cuộc biểu tình lớn chống chính phủ. Vì thế, bài thuyết trình của luật sư Thời dường như có chủ đích kích động sinh viên học sinh làm ngòi nổ cho một cuộc biểu tình chống chính phủ. Vì sau khi kết thúc bài thuyết trình là một cuộc biểu tình nổ ra ở bên ngoài trên khúc đường Cường Để, đang bị cảnh sát dã chiến ngăn chặn ở hai đầu là ngã tư Hồng Thập Tự và Thống Nhất. Vì thế, sau khi P. bạn tôi trao một trong hai lá cờ cho Mẫm, anh ta đã đem vào bên trong kéo lên thay lá cờ vàng ba sọc đỏ. Sau đó, P chạy vào trong một lúc sau thấy anh ta ôm theo một máy đánh chữ lớn hiệu…. của Mỹ và cùng nhau trở về nhà. Nhìn là cờ Mặt Trận tự nhiên tôi quyết định không treo mà dùng kéo cắt vụn ra gói vào tờ giấy báo, rồi đem xuống đất ném vào thùng rác công cộng dưới chợ. Là vì lúc đó tôi cảm thấy phẫn nộ trong lòng và cảm thấy mình hèn nếu treo nó lên chỉ để làm “lá bùa hộ mệnh”. Tại sao treo lá cờ bất chính đó lên, chưa biết có làm cho những kẻ thù ghét mình, biết quá khứ của mình không tố cáo với VC, hay lại bị chính anh em bạn bè, hàng xóm láng giềng hiểu lầm, nghi ngại, xa lánh? Vì đối với nhân dân Miền Nam, những kẻ nằm vùng hay là một thứ “Cách mạn 30” như nhiều kẻ khác đều đáng khinh ghét, nguyền rủa vì những hành động lập công lập cán với VC làm hại bao người...

Sáng hôm sau, ngày 1-5-1975, tôi lại chở P đi tới nhà yêu của hắn ở trại gia binh Hoàng Hoa Thám của Sư đoàn Dù ở Ngả tư Bẩy Hiền. Trên đường đi, xe cộ và người qua lại vẫn đông, nhưng giao thông không bị kẹt cứng nhiều nơi như ngày 30-4-1975.Trên đường, đó đây vẫn còn những chiếc xe hơi của ai đó bỏ lại trên đường, không biết chủ nhân đã kịp di tản hay con kẹt lại?

Thiện Ý
Tháng 4-2020

No comments:

Post a Comment

Note: Only a member of this blog may post a comment.