Một ngày ‘đổ mồ hôi nhưng không đổ một giọt máu’
Thiện Ý
Theo tin của đài truyền hình địa phương KHOU-11 thì ban tổ chức ước tính có khoảng 60,000 người tham dự cuộc biểu tình tuần hành từ Discovery Green đến tòa thị chính thành phố Houston, để bày tỏ bất bình và tưởng nhớ đến ông George Floyd, 44 tuổi, sinh quán tại Houston, gần đây đã chết khi bị cảnh sát Minneapolis bắt giữ ngay trên đường phố.
Đây là một cuộc biểu tình tuần hành đầy xúc động, ôn hòa, mẫu mực, đúng cung cách sinh hoạt dân chủ thể hiện quyền biểu tình hiến định, vì là một trong các quyền dân chủ ghi trong Tu chính án số 1 của Hiến pháp Hoa Kỳ. Cuộc biểu tình này tương phản với các cuộc biểu tình mới đây ở một số nơi khác, như Los Angeles, California, nhất là tại thành phố Minneapolis, MN, nơi xảy ra cái chết thương tâm cho George Floyd người Mỹ gốc Phi châu do bị một viên chức cảnh sát da trắng dùng đầu gối đè cổ quá đà, bị nghẹt thở mà chết. Các cuộc biểu tình này đã biến thành bạo động và một số kẻ xấu lợi dụng cướp của, đốt phá công sản cũng như tư sản, gây bất bình, phẫn nộ trong công luận Hoa Kỳ và thế giới. Những kẻ phạm pháp này, chắc chắn sẽ bị trừng phạt sau này, nếu cơ quan công lực phát hiện có đủ bằng chứng phạm tội.
Thật vậy, theo tin từ ban tổ chức và giới chức công lực cho biết, không có báo cáo về vấn đề gì trầm trọng xảy ra, ngoại trừ thời tiết nóng bức và ẩm thấp khiến một số người ngất xỉu trên đường vì bị trúng nắng.
Theo tường thuật của báo giới, vào lúc 3 giờ chiều ngày biểu tình (2-6-2020), trước khi cuộc tuần hành đến tòa thị chính khởi sự, Rapper Bun B, ca sĩ nhạc Rap, người đứng ra tổ chức cuộc tập họp này đã kêu gọi đám đông cùng quỳ xuống trong 30 giây để mặc niệm nạn nhân George Floyd. Người này nói “Chúng ta sẽ đổ mồ hôi ngày hôm nay… nhưng chúng ta sẽ không đổ một giọt máu nào ở Houston, Texas.”
Trong khi đó, Cảnh sát trưởng Houston cùng các giới chức cao cấp thuộc sở cảnh sát thành phố đã bày tỏ sự cảm thông với người tuần hành bằng cách cùng quỳ xuống với họ.
Ban tổ chức sau đó hướng dẫn mọi người tham dự có lời cầu nguyện cho gia đình ông Floyd, người biểu tình và các nhân viên công lực.
Tại tòa thị chính Houston, trước đám đông biểu tình, có khoảng một chục diễn giả, gồm các nhân vật tranh đấu dân quyền lão thành, Dân Biểu Sheila Jackson Lee, Thị Trưởng Turner, và gia đình thân nhân của ông George Floyd quá cố.
Dân Biểu liên bang da đen Sheila Jackson Lee được sự hoan nghênh nồng nhiệt của đám đông khi loan báo sẽ đưa ra một dự luật mang tên của ông George Floyd nhằm cải cách các cơ quan cảnh sát ở Mỹ, bắt đầu từ tiến trình tuyển mộ học viên vào các học viện cảnh sát. Bà Sheila nói: “Đây là lúc phải có sự thay đổi cách mạng nhằm tôn trọng phẩm giá của tất cả chúng ta, bất kể màu da là gì.”
Ngoài ra, một số thân nhân của ông Floyd, gồm cả các người anh em của ông, cũng đã ngỏ lời cám ơn đám đông đến tham dự và kêu gọi có cuộc phản kháng ôn hòa. Một người em của ông Floyd nói “Người ta đang muốn chúng ta hành xử như những kẻ điên khùng. Tôi không muốn thấy có bạo động. Việc bạo động làm xấu hổ tất cả chúng ta, không chỉ làm ô danh ông Floyd. Tầm mức quan trọng của sự việc này vượt lên hơn cả người anh của chúng tôi. Chúng ta đều có con nhỏ. Chúng sẽ lớn lên. Rồi sớm muộn gì chúng cũng sẽ hỏi ‘Rồi sẽ tới lượt ai?”
Sau cùng, cuộc biểu tình đã chấm dứt bằng một lời cầu nguyện chung và sau đó đoàn biểu tình đi ngược lại khu vực Discovery Green.Tuy nhiên, đến khoảng 7 giờ 20 phút tối, giờ địa phương, vẫn còn có các đám đông tụ tập ở trung tâm thành phố Houston khiến Thị Trưởng Sylvester Turner phải dùng Twitter kêu gọi mọi người hãy trở về nhà.
Qua diễn tiến của cuộc biểu tình ôn hòa, ngày 2-6-2020 của khoảng 60,000 cư dân ở Houston, Texas, đã thể hiện tính dân chủ và truyền thống sinh hoạt dân chủ bền vững của quốc gia Hoa Kỳ. Sự thể hiện tốt đẹp này có được, là do tinh thần thượng tôn luật pháp của cả hai phía, người dân biểu tình cũng như các nhân viên công lực làm nhiệm vụ duy trì an ninh trật tự cho cuộc biểu tình, đã luôn tuân thủ luật pháp quốc gia Liên bang và tiểu bang Hoa Kỳ.
Nhìn về Việt Nam, dưới chế độ độc tài toàn trị, Dự án Luật biểu tình khởi thảo từ 9 năm qua (2011-2020), đã bị Quốc hội Việt Nam trì hoãn nhiều lần. Nguyên nhân vì nhà cầm quyền chế độ độc tài CS tại Việt Nam coi luật pháp chỉ là công cụ pháp lý của giai cấp thống trị (đảng CSVN) để trấn áp giai cấp bị trị (là nhân dân). Trong khi dưới chế độ dân chủ pháp trị bậc nhất như Hoa Kỳ luật pháp nhằm giúp nhà cầm quyền thực thi và bảo vệ các quyền dân chủ, dân sinh, nhân quyền cho người dân, vốn là chủ đất nước; mà nhà cầm quyền chỉ là công bộc của dân, ăn lương bằng tiền thuế của dân, để làm nhiệm vụ thực thi pháp luật, thay mặt dân quản lý đất nước theo đúng ý dân mà thôi.
No comments:
Post a Comment
Note: Only a member of this blog may post a comment.