Nhìn lại 25 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Hoa Kỳ - Việt Nam
14/07/2020
Chia sẻ
Thiện Ý
Ngày 12-7- 2020 là đúng 25 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Hoa Kỳ và Việt Nam (1995-2020). Bài viết này lần lượt trình bày:
(1) Bối cảnh lịch sử tiền thiết lập quan hệ ngoại giao Hoa Kỳ và Việt Nam.
(2) Thành quả 25 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Hoa Kỳ và Việt Nam.
(3) Nhận định về ý nghĩa của thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Hoa Kỳ và Việt Nam.
I - Bối cảnh lịch sử tiền thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Hoa Kỳ và Việt Nam
1 - Thời chiến tranh Quốc-Cộng trong bối cảnh chiến tranh ý thức hệ cộng sản và tư bản toàn cầu (1954-1975)
Như mọi người đã biết, sau Thế chiến II (1939-1945) cuộc nội chiến ý thức hệ Quốc-Cộng trước đó, giữa người Việt Nam theo ý thức hệ quốc gia (gọi tắt là Việt Quốc) và ngời Việt Nam mang ý thức hệ cộng sản (gọi tắt là Việt Cộng) đã rơi vào thế gọng kìm của cuộc chiến tranh ý thức hệ toàn cầu, giữa cộng sản chủ nghĩa và tư bản chủ nghĩa.
Sau Hiệp định Genève 1954 chia đôi Việt Nam, Miền Bắc cộng sản trở thành tiền đồn phe xã hội chủ nghĩa, đứng đầu là Liên Xô cũ. Miền Nam quốc gia là tiền đồn phe tư bản chủ nghĩa (TBCN) đứng đầu là Hoa Kỳ. Miền Bắc cộng sản làm nhiệm vụ xung kích, nhận chi viện vũ khí, hậu cần của Liên Xô, Trung Quốc và phe Xã Hội Chủ Nghĩa (XHCN), phát động chiến tranh “ngụy dân tộc” dưới ngọn cờ “chống Mỹ cứu nước, giải phóng Miền Nam” để cộng sản hóa cả nước, thực hiện tham vọng cộng sản hóa toàn cầu của cộng sản quốc tế Nga-Tàu. Trong khi Miền Nam quốc gia nhận viện trợ vũ khí, hậu cần của Hoa Kỳ và đồng minh “thế giới tự do”, làm nhiệm vụ ngăn chặn, đẩy lùi cuộc chiến tranh do Cộng Sản Bắc Việt (CSBV) phát động tiến hành.
Cuộc chiến tranh hai phe (XHCN và TBCN) bốn bên (CSBV và công cụ Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam (MTGPMN); Hoa Kỳ và QGNV) này kéo dài trên 20 năm đã đi đến kết thúc về mặt pháp lý bằng Hiệp định Paris ngày 27-1-1973 về chấm dứt chiến tranh lập lại hòa bình cho Việt Nam. Nhưng hai năm sau, CSBV đã vi phạm trắng trợn Hiệp định này khi dùng bạo lực quân sự xâm chiếm Miền Nam vào ngày 30-4-1975, thống nhất đất nước dưới chế độ cộng sản Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt nam (CHXHCNVN).(*)
Đúng ra, sự vi phạm trắng trợn này của CSBV Hoa Kỳ và đồng minh cũng như những cam kết quốc tế có trách nhiệm ngăn chặn, chế tài,bảo đảm cho việc thực thi các điều khoản của Hiệp Định Paris 1973. Thế nhưng thực tế tất cả đã làm ngơ. Riêng Hoa Kỳ có trách nhiệm chính thì chỉ áp dụng biện pháp trừng phạt duy nhất là tăng cường cấm vận toàn diện, triệt để đối với kẻ vi phạm là CSBV. Cuộc cấm vận này cũng chỉ kéo dài 20 năm sau chiến tranh, Hoa Kỳ đã bãi bỏ cấm vận, quay lại Việt Nam, thiết lập quan hệ ngoại giao với cựu thù năm xưa là CSBV, nay là CHXHCNVN. Từ đối phương trên chiến trường trở thành đối tác làm ăn trên thị trường.
2 - Thời kỳ xây dựng triệt để mô hình xã hội chủ nghĩa thất bại hoàn toàn và vĩnh viễn (1975-1995)
Ngay sau khi kết thúc chiến tranh, một cuộc mít tinh tập trung đông đảo quần chúng nhân dân Miền Nam ở Saigon, trước Dinh Độc lập cũ (nay đổi thành Dinh Thống nhất). Trên khán đài lộ thiên có mặt hầu hết các lãnh tụ hàng đầu đảng và nhà nước CSBV “Việt Nam dân chủ cộng hòa” (như Lê Duẩn,Trường Chinh, Lê Đức Thọ,Phạm Hùng, Phạm văn Đồng, Võ Nguyên Giáp Tôn Đức Thắng …) và các lãnh đạo hàng đầu “Mặt Trận Dân tộc giải phóng Miền Nam” và “chính phủ Cách mạng lâm thời cộng hòa Miền Nam Việt Nam”, vốn là công cụ quân sự và chính trị trá hình của CSBV (như Ls.Nguyễn Hữu Thọ, Nguyễn Thị Định, Ks.Huỳnh Tấn Phát…). Tổng Bí thư đảng CS lúc đó là Lê Duẩn, trong lời phát biểu đã mạnh miệng khẳng định đại ý rằng “Đảng ta, người tổ chức mọi thắng lợi của cách mạng Việt Nam, đã đánh thắng phát-xít Nhật, thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, tên đê quốc sừng sỏ và hung hãn nhất của thời đại; thì đảng ta nhất định sẽ lãnh đạo nhân dân ta xây dựng thành công xã hội chủ nghĩa ở nước ta trong vòng từ 15 đến 20 năm nữa…”. Cố Tổng Bí thư Lê Duẩn tiên liệu đúng về thời gian 15 đến 20 năm xây dựng XHCN (1975-1995) nhưng đoán sai về kết quả là đã không xây dựng thành công XHCN, mà đã thất bại hoàn toàn và vĩnh viễn vào đúng thời khoảng Liên Xô và các nước XHCN Đông Âu sụp đổ phải chuyển đổi qua chế độ dân chủ tư bản chủ nghĩa (1989-1991).
Trước thực tế trên, năm 1990 Việt Cộng phải vội làm hòa với Trung Cộng, qua mật nghị Thành Đô, nối lại quan hệ sau hơn 10 năm cắt đứt quan hệ ngoai giao (1979-1990). Từ đó Việt Nam lệ thuộc hoàn toàn Trung Quốc về đối nội cũng như đối ngoại. Do đó, Việt Nam bắt đầu thực hiện chính sách “Mở cửa” theo gương Trung Quốc, mở rộng quan hệ ngoại giao đa phương, đổi mới kinh tế, không đổi mới chính trị theo phương châm lãnh tụ CSTQ Đặng Tiểu Bình, rằng“mèo trắng (TB) hay mèo đen (CS) không quan trọng, miễn là mèo đó bặt được chuột .Và thực tế Trung cộng và Việt cộng đã làm đúng như vậy.
Việt Nam đã tìm cách thiết lập quan hệ ngoại giao với Hoa Kỳ sau khi đáp ứng 3 điều kiện của Hoa Kỳ: (1) Trao trả hài cốt và tin tức về người Mỹ mất tích gọi tắt là POW/MIA (2) rút quân khỏi Kampuchia. (3) Cải thiện nhân quyền.Đáp lại Hoa Kỳ bãi bỏ cấm vận, thiết lập quan hệ ngoại giao. Từ đó và nhờ đó tạo cơ hội thuận lợi cho chính sách “Mở cửa” của Việt Nam thành công bằng con đường “Kinh tế thị trường, định hướng xã hội chủ nghĩa” theo gương Trung Quốc. Có điều thực tế tại Việt Nam cũng như Trung Quốc con đường làm ăn “Kinh tế thị trường” đã và đang từng bước “định hương tư bản chủ nghĩa”, chứ không chiều theo ý muốn chủ quan, duy ý chí của đảng và nhà đương quyền Việt Nam.
Như vậy là công cuộc xây dựng XHCN tại Việt Nam đã thất bại hoàn toàn và vĩnh viễn. Thực tế chẳng cần nói ra nguyên nhân thất bại, thì những ai từng sống trong thời kỳ xây dựng XHCN (1975-1995) nay còn sống đã là nhân chứng. Các thế hệ Việt Nam sinh sau có thể biết sự thật, qua xem, đọc các tài liệu khách quan, khác với tài liệu tuyên truyền, chủ quan, một chiều, tô hồng, che dấu sự thật của đảng và nhà cầm quyền CSVN. (**)
II - Thành quả 25 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Hoa Kỳ và Việt Nam
1 - Thành quả tổng quát trong quan hệ chính trị, ngoại giao
Theo đáng giá từ phía Việt Nam, từ khi chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao ngày 12/7/1995, đến nay, quan hệ giữa hai nước đã chuyển đổi từ đối đầu sang đối thoại, trở thành đối tác toàn diện của nhau trong các lĩnh vực chính trị - ngoại giao, kinh tế, giáo dục, khoa học công nghệ, an ninh quốc phòng… với động lực hợp tác ngày càng được củng cố mạnh mẽ hơn. Các lãnh vực hợp tác ngày càng đa dạng, sâu rộng, thực chất và hiệu quả.
Trong 25 năm qua, lãnh đạo cấp cao hai nước thường xuyên trao đổi các chuyến thăm và tiếp xúc, với các cam kết tôn trọng độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ và thể chế chính trị của nhau. Cả hai đảng trong Quốc hội Hoa Kỳ đều ủng hộ thúc đẩy quan hệ với Việt Nam.
Đặc biệt, tháng 7/2013, trong chuyến thăm chính thức của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang tới Hoa Kỳ, hai bên xác lập khuôn khổ quan hệ đối tác toàn diện.
Đây là một dấu mốc quan trọng, khẳng định xu thế phát triển tất yếu của quan hệ Việt Nam-Hoa Kỳ, đồng thời tạo nền tảng vững chắc cho sự phát triển của quan hệ hai nước trong tương lai.
Tiếp đó, chuyến thăm của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng (tháng 7/2015) đánh dấu một mốc quan trọng mới trong quan hệ giữa hai nước với Tuyên bố chung về Tầm nhìn quan hệ Việt Nam-Hoa Kỳ.
Một năm sau đó, tháng 5/2016, Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama tới Việt Nam đã tuyên bố dỡ bỏ hoàn toàn lệnh cấm bán vũ khí sát thương cho Việt Nam, xóa bỏ rào cản cuối cùng trong quan hệ song phương, đánh dấu sự bình thường hóa hoàn toàn quan hệ hai nước. Chuyến thăm của Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama tới Việt Nam được đánh giá là đã “thể hiện một bước tiến dài trong tư duy của các nhà lãnh đạo Hoa Kỳ với Việt Nam”.
Đến nhiệm kỳ của Tổng thống Donald Trump, Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc trở thành nhà lãnh đạo nước thành viên Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) đầu tiên thăm chính thức Hoa Kỳ, sau khi Tổng thống Trump nhậm chức. Ông Donald Trump cũng là Tổng thống Hoa Kỳ đầu tiên đến Việt Nam hai lần trong một nhiệm kỳ.
Ngược dòng thời gian, tại một buổi lễ đánh dấu kỷ niệm 15 năm bình thường hoá quan hệ ngoại giao Mỹ-Việt năm 2010 (1995-2010), bà Ngoại trưởng Hoa Kỳ Hillary Clinton đã nhắc lại sự kiện phu quân của bà là cựu Tổng thống Bill Clinton 15 năm trước đã bình thường hóa quan hệ ngọai giao với Việt Nam; và đánh giá rằng, những họat động đầu tư của Hoa Kỳ đã góp phần vào sự phát triển nhanh chóng của Việt Nam. Bà cũng tán dương sự mong muốn của đôi bên để vượt qua những xung đột trong quá khứ. Bà Clinton nói:
“35 năm trước, chúng ta đã chấm dứt một cuộc chiến tranh từng gây ra những nỗi thống khổ kinh hoàng cho cả hai nước và nó vẫn còn tồn tại trong ký ức của nhiều người của hai dân tộc. Bất kể nỗi đau đó chúng ta đã dốc toàn lực để xây dựng hòa bình…” và rằng “Hoa Kỳ và Việt Nam giờ đây không ngừng tiến tới, thông qua việc chủ động giao tiếp, hợp tác và đối thoại, ngay cả đối với những vấn đề mà đôi bên còn có những quan điểm khác biệt…”
Cựu Ngoại trưởng Hoa Kỳ John Kerry từng đánh giá không có hai nước nào như Hoa Kỳ và Việt Nam “nỗ lực hơn, làm được nhiều điều hơn, tốt hơn để đưa họ xích lại gần nhau và thay đổi lịch sử và thay đổi tương lai” (Theo TTXVN).
2 - Thành quả quan hệ trên lãnh vực kinh tế
Theo Việt Nam đánh giá, xuyên suốt 25 năm qua, hai nước đã cùng nhau nỗ lực tăng cường hợp tác trong hầu khắp các lĩnh vực trọng yếu, mà kinh tế đóng vai trò là một trong những trụ cột then chốt. Thành công của hợp tác kinh tế - thương mại - đầu tư trong 25 năm qua được xem là động lực thúc đẩy quan hệ hai nước phát triển lên tầm mức như hiện nay. Nỗ lực của hai bên nhằm thúc đẩy hơn nữa hợp tác kinh tế-thương mại cân bằng và bền vững được kỳ vọng sẽ tiếp thêm xung lực và tạo nền tảng vững chắc để quan hệ đối tác toàn diện Việt Nam-Hoa Kỳ phát triển thực chất và hiệu quả, tiếp tục mang lại lợi ích thiết thực cho nhân dân hai nước trong tương lai
Năm 2019, Hoa Kỳ trở thành thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam chiếm 28,5% tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa Năm 2019, Hoa Kỳ trở thành thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam chiếm 28,5% tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa. Trong ảnh: Công ty Cổ phần Đầu tư và Thương mại TNG (Thái Nguyên) chuyên sản xuất sản phẩm bao bì, nhựa làm túi nilon, nguyên phụ liệu và sản phẩm may mặc, xuất khẩu sang thị trường Mỹ (Theo TTXVN)
2 - Thành quả về quan hệ quân sự, an ninh quốc phòng
Ngoại trưởng Hoa Kỳ Pompeo đánh giá “Các bạn biết đấy, trong quá khứ, chúng ta từng là đối thủ trên chiến trường. Nhưng ngày nay, hợp tác là nền tảng trong mối quan hệ an ninh giữa hai nước… Nhân dịp kỷ niệm 25 năm quan hệ đối tác của chúng ta vào năm 2020, chúng tôi tái khẳng định cam kết ủng hộ một Việt Nam vững mạnh và độc lập cũng như một khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương hòa bình và thịnh vượng.”
Phía Việt Nam ghi nhận, quan hệ hợp tác toàn diện Việt Nam - Hoa Kỳ trong thời gian qua đã duy trì và tiến triển trên nhiều lĩnh vực, trong đó có hợp tác về an ninh và quốc phòng.
Việc hợp tác dựa trên cơ sở những thỏa thuận mà hai bên đã đạt được, trong đó có bản ghi nhớ hợp tác quốc phòng năm 2011, Tuyên bố và Tầm nhìn chung về hợp tác quốc phòng năm 2015 và kế hoạch hợp tác quốc phòng 2018 - 2020. Hai bên đã và đang tiếp tục thúc đẩy hợp tác quốc phòng song phương, trong đó có hợp tác an ninh hàng hải và nâng cao năng lực thực thi pháp luật trên biển, góp phần duy trì hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển trong khu vực và quốc tế
Hai nước cũng đạt những bước tiến ấn tượng trong hợp tác quốc phòng-an ninh 25 năm qua, đặc biệt là hợp tác khắc phục hậu quả chiến tranh, nâng cao năng lực chấp pháp trên biển…
Việt Nam tiếp tục phối hợp tìm kiếm quân nhân Hoa Kỳ mất tích trong chiến tranh. Hiện hai bên tiếp tục trao đổi đoàn các cấp, duy trì các cơ chế đối thoại song phương và tiếp xúc tại các diễn đàn khu vực.
Hai bên đã thông qua Kế hoạch hành động 3 năm về hợp tác quốc phòng giai đoạn 2018-2021.
Trên bình diện đa phương, hai nước chia sẻ lợi ích chiến lược trong việc duy trì hòa bình, an ninh, ổn định, hợp tác và trật tự dựa trên luật lệ tại khu vực châu Á-Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương. Trong đó có các vấn đề Biển Đông, Mekong, bán đảo Triều Tiên, hay phối hợp tại các diễn đàn ASEAN, Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á – Thái Bình Dương (APEC), Liên hợp quốc, Tổ chức Thương mại thế giới (WTO).
Hai nước còn phối hợp trong hoạt động gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc, tăng cường hợp tác đối phó hữu hiệu với các nguy cơ về an ninh khu vực và quốc tế.
Đánh giá về quan hệ hai nước trong hơn hai thập niên qua, ông Michael Miclausis, Giám đốc Nghiên cứu-Thông tin-Ấn phẩm của Đại học Quốc phòng quốc gia và là thành viên cấp cao Viện Nghiên cứu chiến lược quốc gia Hoa Kỳ, nhận định mối quan hệ ngày càng phát triển và nồng ấm.
Theo ông, trong các lĩnh vực hợp tác giữa Việt Nam và Hoa Kỳ, có thể nói quan trọng nhất là khía cạnh chiến lược.
Mặc dù hai nước khác nhau về hệ thống chính trị, nhưng cùng chia sẻ nhận thức chung về cân bằng chiến lược trong khu vực cũng như ý thức được rằng hợp tác cùng nhau, hai bên sẽ mạnh mẽ hơn khi phải đối mặt với những thách thức chiến lược chung.
Trong khi đó, ông Gregory Poling, Giám đốc Tổ chức Sáng kiến minh bạch hàng hải châu Á (AMTI) thuộc Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS) Hoa Kỳ, đã nhận định, rằng trong hơn hai thập niên qua, hai nước đã cố gắng xây dựng một mối quan hệ kinh tế chặt chẽ từ điểm khởi đầu hầu như không có gì, đồng thời đạt được những bước tiến lớn trong việc giải quyết các di sản chiến tranh và gỡ bỏ lệnh cấm vận buôn bán vũ khí của Hoa Kỳ đối với Việt Nam.
Đặc biệt, trong mối quan hệ tổng thể đó, hợp tác quốc phòng và an ninh, một trong những lãnh vực nhạy cảm nhất trong quan hệ giữa hai nước, gần đây đã được thúc đẩy mạnh mẽ và là động lực chính của mối quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ vào thời điểm hiện tại.
Bất chấp vẫn còn bất đồng về một số lĩnh vực khác, Hoa Kỳ và Việt Nam có nhận thức và chia sẻ tầm nhìn chiến lược tương đồng ở khu vực.
Đây là lực đẩy hai nước xích lại gần nhau và hy vọng điều này sẽ tiếp tục duy trì trong tương lai gần. (Theo TTXVN)
III - Nhận định về ý nghĩa thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Hoa Kỳ và Việt Nam
Theo một đảng viên cao cấp của đảng CSVN đã về hưu, nói với tôi ít năm trước khi thiết lập quan hệ ngoại giao với Hoa Kỳ, quan hệ ngoại giao Hoa Kỳ và Việt Nam đã sớm hơn nếu đảng CSVN có cái nhìn khác hơn về sự kết thúc chiến tranh không bình thường, bị động cho cả hai bên Quốc-Cộng, không phải là thắng lợi của phe này (XHCN và Việt cộng) với phe kia (TBCN và Việt quốc), mà chỉ là vì yêu cầu thay đổi thế chiến lược toàn cầu hậu Chiến tranh lạnh của các cường quốc cực mà thôi.
Vì rằng, chỉ vài năm sau khi chiến tranh kết thúc, Hoa Kỳ đã có ba lần bí mật tiếp xúc với Việt cộng tại Pháp vào năm 1977. (Dường như để sớm đi vào quá trình đưa Việt Nam đi vào thế chiến lược toàn cầu mới). Do đó, Việt cộng đã nhất định đòi Hoa Kỳ phải bồi thường chiến tranh như điều kiện tiên quyết để thiết lập quan hệ ngọai giao. Cuộc tiếp xúc thứ tư vào năm 1978, trước nguy cơ đe dọa của Trung Quốc, Việt cộng xuống thang bỏ yêu sách đòi bồi thường chiến tranh thì đã trễ. Vì khi đó, Quốc Hội Hoa Kỳ đã ra luật không cho phép hành pháp làm gì thêm nữa với Việt Nam cộng sản, mà thực hiện chính sách cấm vận Việt Nam, để rồi cho đến 20 năm sau mới bãi bỏ và thiết lập quan hệ ngọai giao (1975-1995).
Vì thế, theo nhận định của chúng tôi việc thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Hoa Kỳ và Việt Nam sau 20 năm kết thúc chiến tranh đều xuất phát từ nhu cầu thực tế và vì lợi ích riêng cũng như chung của cả hai nước, phù hợp với yêu cầu của thế chiến lược toàn cầu mới của các cường quốc cực.
1. Đối với Việt Nam do thực tế là sự thất bại hoàn toàn và vĩnh viễn công cuộc xây dựng thử nghiệm mô hình XHCN cùng lúc với sự sụp đổ hoàn toàn của Liên Xô và hệ thống XHCN quốc tế. Vì thế để thoát hiểm tồn tại, nên có nhu cầu “Mở cửa” làm ăn với thế giới bên ngoài theo con đường “kinh tế thị trường, định hướng tư bản chủ nghĩa” (dù thực tế vẫn phải che đậy thất bại bằng định thức tuyên truyền lừa mị “Kinh tế thị trường, định hướng XHCN”).
Việc thiết lập quan hệ ngoại giao với Hoa Kỳ cường quốc tư bản hàng đầu sẽ giúp cho chính sách mở cửa có cơ hội thuận lợi dẫn đến thành công. Thực tế quả là đúng như vậy.Vì sau khi nối lại bang giao, Hoa Kỳ đã đóng vai trò chủ đạo mở đường và là nhân tố có tính quyết định cho sự thành công của “Mở cửa” để Việt Nam phát triển toàn diện có bộ mặt phồn vinh như hôm nay.
2 - Đối với Hoa Kỳ, bên ngoài là vì lợi ích hổ tương của hai nước, bên trong là những ý đồ chiến lược riêng của Hoa Kỳ trong đối sách hậu chiến với các nước nghèo có chế độ độc tài nói chung, độc tài cộng sản Việt Nam nói riêng.
Theo đó, Hoa Kỳ dường như muốn “cải tạo chế độ CSVN” thành công cụ chiến lược mới trong vùng, nhằm bao vây, gián chỉ tham vọng bành trướng bá quyền Trung Quốc. Cải tạo chế độ độc tài CSVN bằng diễn biến hòa bình tịnh tiến, thay vì đối sách “lật đổ, thay thế” mà Hoa Kỳ từng sử dụng trong chiến lược toàn cầu cũ, nơi các nước Hoa Kỳ có ảnh hưởng và lợi ích chiến lược.
Đối sách hậu chiến của Hoa Kỳ với Việt Nam phù hợp với yêu cầu của thế chiến lược toàn cầu mới hậu Chiến tranh Lạnh, nhằm đưa các nước nghèo độc tài đi vào “hòa bình,ổn định” để phát triển và dân chủ hóa. Trên thực tế, đây đã và đang là nỗ lực chung của các nước giầu cũng như nghèo nhằm thiết lập điều đươc gọi là “một nền trật tự kinh tế quốc tế mới” hay là “Một hệ thống kinh tế thế giới mới”.
Trên thực tế, sau 25 năm thiết lập quan hệ ngoại giao với Việt Nam, đối sách hậu Chiến tranh Lạnh của Hoa Kỳ với Việt Nam đã có hiệu quả trông thấy, ai cũng có thể kiểm chứng được. Việt Nam đã và đang phát triển mọi mặt theo một tốc độ thích hợp. Chế độ độc tài CS cũng đã từng bước bị tiêu vong, được dân chủ hóa một cách hòa bình tịnh tiến “tự diễn biến, tự chuyển hóa để tự chuyển thể” ở cuối quá trình chuyển đổi, theo quy luật duy vật biện chứng “Lượng đổi, chất đổi” như chúng tôi đã lý luận, chứng minh nhiều lần bằng thực tiễn khách quan, qua các bài trình bày trước đây trên diễn đàn này.
Thiện Ý
Houston, ngày 12-7-2020.
(*) (Vì Hiệp Định Paris nơi khoản (b) điều 9 Chương IV quy định “Việc thực hiện quyền tự quyết của nhân dân Miền Nam Việt Nam” như sau: “ b) Nhân dân Miền Nam Việt Nam tự quyết định tương lai chính trị của Miền Nam Việt Nam thông qua tổng tuyển cử thực sự tự do và dân chủ, có giám sát quốc tế.”
Khoản (a) điều 11 thì ghi “Ngay sau khi ngưng bắn, hai bên Miền Nam Việt Nam sẽ hiệp thương trên tinh thần hoà giải và hoà hợp dân tộc, tôn trọng lẫn nhau và không thôn tính lẫn nhau để thành lập Hội Ðồng Quốc Gia Hoà Giải và Hoà Hợp Dân Tộc gồm ba thành phần ngang nhau...”.
Điều 15 của chương V Hiệp Ðịnh Paris quy định rất rõ ràng: “Việc thống nhất nước Việt Nam sẽ được thực hiện từng bước bằng phương pháp hoà bình trên cơ sở bàn bạc và thoả thuận giữa Miền Bắc và Miền Nam Việt Nam, không bên nào cưỡng ép hoặc thôn tính bên nào... Thời gian thống nhất sẽ do Miền Bắc và Miền Nam thoả thuận...”.
(**) Xin đọc thêm trên diễn đàn này của VOA hay nghe trên You Tube, Facebook “diễn đàn Thiện Ý” - 45 năm Việt cộng xây dựng xã hội chủ nghĩa thành hay bại?- Và Triển vọng tương lai “Định hướng xã hội chủ nghĩa” tại Việt Nam có hay không?
No comments:
Post a Comment
Note: Only a member of this blog may post a comment.