Thursday, June 16, 2011

Bình luận: Ý nghĩa ngày Lễ của Me, của Cha sẽ không còn, nếu xã hội không ngăn cấm tuyệt đối việc sản xuất con người trong ống nghiệm.

Bình luận:
Ý NGHĨA NGÀY LỄ CỦA MẸ, CỦA CHA SẼ KHÔNG CÒN, NẾU XÃ HỘI KHÔNG NGĂN CẤM TUYỆT ÐỐI VIỆC SẢN XUẤT CON NGƯỜI TRONG ỐNG NGHIỆM.

Thiện Ý
     
         Cuối tuần này, người Hoa Kỳ sẽ mừng Ngày Lễ Của Cha (Father’s Day), cũng như tháng trước, họ đã mừng ngày Lễ Của Mẹ (Mother’ s Day).Ðây là hai ngày lễ truyền thống hàng năm của người Hoa Kỳ để vinh danh và biểu tỏ lòng biết ơn đối với Cha Mẹ, những người đã có công sinh thành dưỡng dục các con khôn lớn thành người.
        Tục ngữ  Việt Nam có câu: “Nhập gia tùy tục”, người Việt nam sau 36 năm sống trên  đất nước quê người, chúng ta đã hội nhập và làm quen dễ dàng với hai ngày lễ của Cha và của Mẹ  của người bản xứ. Ðó là điều tự nhiên. Là vì dù khác biệt văn hoá và luân lý, song dân tộc Hoa Kỳ và dân tộc Việt Nam, cũng như mọi dân tộc khác trên thế giới đều là con người và đều được tác tạo theo quy luật truyền sinh tự nhiên của Thượng Ðế, từ Cha Mẹ sinh ra. Sự  tác tạo này cho thấy mối liên hệ máu thịt giữa cha mẹ và con cái, dẫn đến một thứ tình cảm thiêng liêng cao cả: Tình mẫu tử và phụ tử. Một tình cảm vô điều kiện và vô vị lợi, chỉ cho đi mà không cần đáp trả. Một tình cảm mà thực tế  đã thể hiện  qua công lao dưỡng dục, tình yêu thương và sự hy sinh quên mình, đôi khi hy sinh cả mạng sống vì sự sống của con và cho hạnh phúc của con, nơi các bậc cha mẹ chân chính.
       Ðể đáp lại, dù không tương xứng, những người con thường cố gắng thể hiện tình yêu thương, tôn kính và biết ơn cha mẹ bằng những việc làm cụ thể cốt làm vui lòng Cha Mẹ. Chẳng hạn trong ngày Lễ Mother’s Day hay Mother’ s Day, người Hoa Kỳ có thói quen mua quà tặng hay mời Cha Mẹ đi ăn những của ngon vật lạ ở các nhà hàng  hay ở nhà với những món ăn đặc biệt Cha Mẹ vốn ưa thích. Còn người Việt nam nói riêng, người Á Ðông nói chung thì đạo hiếu đối với Cha Mẹ được thể hiện cụ thể không chỉ một ngày mà kéo dài cả một đời, trong việc giúp đỡ, vâng lời Cha Mẹ lúc còn trẻ và phụng dưỡng Cha Mẹ lúc tuổi già. Vì thế tục ngữ Việt nam có câu “Trẻ cậy cha, già cậy con” để nói lên mối quan hệ hai chiều giữa cha mẹ và con cái.
         Tuy nhiên, trong thời đại ngày nay, với những phát minh khoa học trên lãnh vực truyền sinh, đã có nhiều e ngại rằng, mối quan hệ nhân bản và tình  nghĩa thiêng liêng cao cả giữa cha mẹ và con cái có thể bị phá vỡ, nếu  xã hội không ngăn cấm tuyệt đối việc tạo ra con người trong ống nghiệm. Nghĩa là các thai nhi không phải là kết tinh trong cung lòng người mẹ do tình yêu thương giữa cha mẹ, mà kết tinh trong ống nghiệm bằng tinh trùng  nam kết tinh với noãn sào nữ mà tạo ra. Mặc dầu đây không phải là một hành vi “Cướp quyền Tạo Hoá” như một số người quen gọi, mà chỉ là sự áp dụng quy luật thiên nhiên, bắt chước công thức truyền sinh, với chất liệu vẫn phải lấy từ  con người, để hình thành một thai nhi phát triển trong một môi trường có điều kiện sống như cung lòng người mẹ, để thai nhi có thể sống, phát triển đủ thời gian cất tiếng khóc chào đời.
       Thế nhưng một khi con người được tạo ra theo cách phản tự nhiện này đã cắt đứt căn cước với cha mẹ. Mất căn cuớc với cha mẹ, là phá hủy luôn mọi tình cảm thiêng liêng cao quý: Tình Mẩu Tử và tình Phụ tử. Một thứ tình cảm đã như là máu thịt của chính con người và là một trong những ý nghĩa căn bản của cuộc sống và hành phúc của con người.
       Hậu quả sẽ còn tai hại hơn nhiều, không chỉ về mặt tình cảm, mà cả về mặt luân lý, đạo đức và trật tự xã hội, nếu phát minh mới về sinh sản vô tính “Cloning” lại được cho phép ứng dụng vào việc nhân bản con người. Rất may, cho đến lúc này, lương tâm nhân loại khắp nơi và ở những vị thế lãnh đạo chính trị cũng như tôn giáo đã lên tiếng ngăn chặn kịp thời, dù đây đó vẫn có những kẻ muốn và đã sản xuất  một vài con người như những cái máy làm ra sản phẩm.
        Tựu chung, nhân ngày lễ Father’ Day hay Mather’ Day của người Hoa Kỳ, song cũng nhắc nhở người Việt chúng ta về lòng kính trọng, biết ơn đối với Cha Mẹ, những người có công sinh thành dưỡng dục ta khôn lớn thành người. Nhưng đồng thời cũng nhắc nhở chúng ta về một hiểm hoạ đã và đang đe doạ có thể phá hủy tình cảm yêu thương gắn bó máu thịt giữa cha mẹ và con cái. Ðó là hiểm hoạ của việc ứng dụng một vài phát minh khoa học vào việc tạo ra con người trái với qui luật truyền sinh tự nhiên. Hiểm hoạ này đã manh nha, mà nếu những người lãnh đạo quốc gia có trách nhiệm không cảnh giác và có những biện pháp ngăn chặn kịp thời, sẽ gây nhiều hậu quả nghiêm trọng, nhiều mặt cho chính con người và xã hội loài người.
                     
                     Thiện Ý
Houston, ngày 16 tháng 6 năm 2011.

No comments:

Post a Comment

Note: Only a member of this blog may post a comment.