Sunday, November 13, 2011

Vì lợi ích chống cộng, người Việt quốc gia đừng đánh người Việt quốc gia nữa.

Những vấn đề của chúng ta:
VÌ LỢI ÍCH CHỐNG CỘNG, NGƯỜI VIỆT QUỐC GIA ĐỪNG ĐÁNH NGƯỜI VIỆT QUỐC GIA NỮA.

Thiện Ý

        Trong nhiều ngày qua trên mạng lưới internet toàn cầu, đã có những bài viết phê phán nặng nề về các việc làm của các cá nhân gốc người Việt Quốc gia như Tướng Nguyễn Cao Kỳ(mới qua đời), Linh mục Nguyễn Hữu Lễ và hành vi tập thể của 36 nhà trí thức Việt quốc tại hải ngoại.
       Chúng tôi đã có bài viết về trường hợp Linh mục Nguyễn hữu Lễ mới phổ biến, nay xin viết theo ý trong tài liệu chúng tôi đã phổ biến trước đây(“VIỆT CỘNG ĐÃ XỬ DỤNG ĐẶC TÌNH TRUYỀN THÔNG ĐỂ LY GIÁN CÁC LỰC LƯỢNG CHỐNG CỘNG NHƯ THẾ NÀO VÀ HIỆU QUẢ RA SAO?”.), phần có liên quan đến việc làm của cá nhân Tướng Kỳ và Thư ngỏ của 36 nhà trí thức Việt quốc hải ngoại.
        Mục đích của chúng tôi là muốn lưu ý những người Quốc gia chân chính đã và đang theo đuổi công cuộc chống cộng vì mục tiêu dân chủ hóa đất nước, cần cảnh giác, tự chế đừng để Việt cộng lợi dụng khai thác những mâu thuẫn nội bộ Việt quốc để phân hóa và làm suy yếu sức mạnh của chúng ta.Đặc biệt là những ai vì quá căm thù Việt cộng, đã không ngần ngại trút “đòn thù” lên đầu chiến hữu của mình, do sự phẫn nộ mỗi khi họ có sai sót hay có quan điểm và phương thức chống cộng khác mình mà cho rằng có lợi cho Việt cộng, có hại cho Quốc gia.
      Tất nhiên, việc phê phán, chỉ trích các nhân vật nổi tiếng như Tướng Kỳ, Linh mục nguyễn Hữu Lễ hay tập thể 36 nhà trí thức Việt quốc hải ngoại( là những khuôn mặt của công chúng- public figures) là bình thường, thể hiện quyền tự do tư tưởng và ngôn luận của công dân trong một chế độ dân chủ pháp trị.
        Tuy nhiên, việc phê phán chỉ trích một cá nhân trước hết cần xuất phát từ thiện ý, có tính xây dựng nhằm thành đạt lợi ích cho chính người bị chỉ trích, phê bình hay lợi ích lý tưởng chung cho con người, xã hội, dân tộc, đất nước hay tôn giáo. Việc phê bình chỉ trích phải căn cứ trên sự thật, không xuyên tạc, vu khống và cần xử dụng bút pháp nghiêm túc, ngôn ngữ có văn hoá, không dùng thậm từ để lăng nhục, vi phạm luật pháp, xúc phạm nặng nề đến nhân cách và nhân phẩm con người nói chung.
       Nhận định khách quan, một số trong những bài viết phê bình chỉ trích các cá nhân và tập thể nói trên phổ biến rộng rãi trên mạng internet, đã không hội đủ diều kiện cần và đủ của một bài phê bình chỉ trích nghiêm túc, đã trở thành những bài viết “đánh”  các đối tượng,đánh như “đòn thù” (đánh như  đánh kẻ thù, đánh để trả thù, đánh để trừng phạt, để khủng bố, răn đe),  không có lợi, hay lợi ít mà hại nhiều cho Việt quốc.
        Vì vậy, người Việt quốc gia cần hết sức cảnh giác, tự chế, nếu có thể và tốt nhất là VÌ LỢI ÍCH CHỐNG CỘNG, NGƯỜI VIỆT QUỐC GIA ĐỪNG ĐÁNH NGƯỜI VIỆT QUỐC GIA NỮA.”. Tất cả hãy tập trung mũi nhọn tấn công Việt cộng và chỉ tấn công Việt cộng mà tôi.
* * * * * * * * *
    Thật vậy, tất cả người Việt quốc gia chỉ nên nói, viết và phổ biến các bài viết, tài liệu hình ảnh qua các phương tiện truyền thông thể hiện chính nghĩa quốc gia, những ưu điểm, tốt đẹp của chính quyền và các nhà lãnh đạo quốc gia trong lịch sử xa gần, nhất là thời Việt Nam Cộng Hoà, trong giai đoạn chiến tranh Quốc-Cộng vừa qua (1954-1975)
     Nghĩa là, không bới móc, phê phán nặng nề những khuyết điểm, yếu kém của chính quyền quốc gia cũng như các nhà lãnh đạo quốc gia trong quá khứ (chẳng có lợi gì cho hiện tại), nhất là những nhân vật còn sự bất đồng trong công luận quần chúng về việc đánh giá công tội như các vị cố Tổng Thống VNCH Ngô Đình Diệm, Nguyễn Văn Thiệu, các vị Tướng lãnh QLVNCH còn sống hay đã qua đời…  (dù đó có là sự thật và sự thật này xin hãy để mai này lịch sử phán  định, đem ra chỉ trích công khai trong lúc cuộc chiến chống cộng đang tiếp diễn là không cần thiết, chỉ có lợi cho đối phương Việt cộng , bất lợi cho Việt quốc,làm mất niềm tin, gây xào xáo nội bộ Việt quốc. Nếu có đưa ra để xét định rút kinh nghiệm cho đấu tranh chống cộng, thì chỉ trong phạm vi nội bộ các chính đảng hay các tổ chức đấu tranh…thuộc thành phần lãnh đạo chống cộng)
       Trong một số mâu thuẫn cá nhân hay đoàn thể về quan điểm và phương thức chống cộng, cần phải phê phán nghiêm túc (đúng sai, phải trái, lợi hại cho công cuộc chống cộng, với thiện chí xây dựng),để làm gương, rút kinh nghiệm, thì cần dùng lý lẽ, bằng chứng xác thực có tính thuyết phục, không nên dùng ngôn ngữ hình tượng có tính lăng mạ, áp đặt và bịa đặt những điều không có truy chụp cho nhau, xúc phạm nặng nề nhân cách và nhân phẩm của nhau, với ý đồ khủng bố tinh thần nhau để thủ thắng.
         Đan cử về một cá nhân là Tướng Nguyễn Cao Kỳ, người từng giữ vai trò nhà lãnh đạo hàng đầu chính quyền chính thống quốc gia Việt Nam Cộng Hoà trước năm 1975, nhưng đã có hành động bị Việt quốc coi là sai trái, phản bội chiến hữu từng chiến đấu cho lý tưởng chống cộng bảo vệ tự do dân chủ mà nay vẫn đang tiếp tục cuộc chiến chính nghĩa ấy, chống lại chế độ phi nghĩa Việt cộng.
        Chúng ta  phẫn nộ là điều tất nhiên về mặt cảm tính, và về mặt lý tính, chúng ta có quyền phê bình, chỉ trích lên án Tướng Kỳ, vì đã làm một việc mất tư cách, xỉ nhục Quốc thể,làm điều nghịch lý “Chính đầu hàng tà”(không thể biện minh bằng nỗ lực cá nhân cho “hoà giải dân tộc”.Vì thực tế Viêt cộng không bao giờ muốn và chưa bao giờ chính thức đưa ra và  thực hiện “hoà giải dân tộc”theo đúng ý nghĩa của cụm từ này, hoà giải chỉ là chiêu bài bịp bợm của Việt cộng để chiêu hồi người quốc gia về hợp tác với chúng. Ai cũng biết thế chẳng lẽ Ông Kỳ ngây thơ?) khi một người từng là lãnh đạo hàng đầu phe chính nghĩa (Quốc gia), nay  về bắt tay với phe tà nghĩa  (Việt cộng) với những lời lẽ “chửi” lại phe “Chính Quốc”, ca ngợi phe “Tà Cộng”.
         Tuy nhiên, về lý tính, Tướng Kỳ cũng có quyền làm (dù đúng ra  không nên làm thế ), kể cả quyền thay đổi lập trường chính trị, kể cả việc gia nhập Cộng đảng Việt Nam nếu ông ta muốn (theo tinh thần dân chủ đa nguyên và sinh hoạt truyền thống tại các nước dân chủ.); Nhưng với tư cách người quốc gia, chúng ta có quyền bầy tỏ thái độ, lên tiếng phê bình, chỉ trích, lên án, để bảo vệ chính nghĩa Quốc gia và danh dự của người Quốc gia. Tuy nhiên, theo thiển ý, các bài viết của người quốc gia không nên xử dụng những ngôn từ thiếu văn hoá để xỉ nhục quá đáng (gọi ông Kỳ là Chó…chẳng hạn) xúc phạm đến nhân phẩm con  người.
         Bởi vì, dù mất nhân cách, đương sự vẫn còn nhân phẩm của một con người, vừa mới chết ở tuổi ngoài 80. Bởi vì sự nguyền rủa thậm từ, với những ngôn ngữ thiếu văn hoá, xúc phạm nặng nề nhân phẩm con người, không có lợi ích thêm cho công cuộc chống cộng, chỉ có tác dụng thoả mãn sự căm tức với đương sự, không phản ánh bản chất nhân bản, nhân đạo của phe quốc gia và tính chính nhân quân tử của người quốc gia chân chính, thực hiện chủ trương, mục tiêu, lý tưởng đấu tranh bằng đường lối chính trị vương đạo khác với đường lối bá đạo của Việt cộng.
         Chính bản chất nhân bản, nhân đạo và đường lối chính trị vương đạo đã và ngày một khẳng định sự tất thắng của chính nghĩa quốc gia mà chúng ta theo đuổi trong nhiều thập nên qua, dù phe bá đạo Việt cộng tạm thời đã và đang nắm chính quyền, vốn có nhiều ưu thế trong tương quan lực lượng Quốc- Cộng.
        Và cũng chính đường lối đấu tranh chính trị vương đạo của Quốc gia trong giai đoạn chống cộng hiện nay, để khẳng định chân lý, ai thắng ai, hay để giành chính quyền(đối với các chính đảng quốc gia, người quốc gia có mục tiêu này), sẽ tạo niềm tin trong nhân dân, chiêu hồi thêm nhiều đảng viên cộng sản phản tỉnh, do thể hiện được bản chất nhân bản, nhân đạo cùng đường lối, khả năng cai trị vương đạo mai này củaViệt quốc, khác hẳn đường lối cai trị bất nhân, bá đạo và tàn bạo bao lâu nay của Việt cộng
         Một đan cử khác về một hành vi tập thể mới đây của 36 nhà trí thức hải ngoại viết Thư ngỏ (không phải kiến nghị như một số phản ánh sai) ngày 21-8-2011 gửi cho  các nhà lãnh đạo hàng đầu cơ chế đảng và nhà nước Cộng sản Việt Nam hiện nay.
         Đọc danh sách 36 nhà trí thức ký tên dưới Thư Ngỏ, người ta thấy số đông là những nhà trí thức khoa bảng hàng đầu của Việt Nam Cộng Hoà trước đây, được nhiều người biết tiếng và kính nể.
      Nội dung Thư Ngỏ bầy tỏ sự tán đồng nội dung các kiến nghị của các nhà trí thức trong nước liên quan đến những vấn nạn nghiêm trọng của đất nước về đối ngoại (ý đồ của Tầu cộng và hành động xâm lược lãnh thổ, biển đảo của Việt Nam…)  đối nội (chế độ chính trị và chính sách cai trị của Việt cộng đối với nhân dân trong nước và chính sách thu hút trí thức hải ngoại…). Để giải quyết các vấn nạn này của đất nước, Thư ngỏ đề nghị đối sách 4 điểm(1- Đối với Trung Quốc; 2- Đối với ASEAN và các nước khác; 3. Đối với nhân dân trong nước; 4. Đối với cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài)
         Mặc dầu nội dung Thư Ngỏ đề cập đến những vấn đề nghiêm trọng của Đất nước, người Việt Nam nào trong nước cũng như hải ngoại còn quan tâm đến vận mạng dân tộc đều biết; Những điểm đề nghị với các lãnh đạo tập đoàn thống trị cộng sản Việt Nam cũng không có gì mới, cũng chẳng trái với lập trường, quan điểm chống cộng bao lâu nay của người Việt quốc gia chân chính, song đã bị công luận chống đối vì hình thức Thư ngỏ đã vi phạm lập trường, quan điểm chống cộng có tính nguyên tắc bất di bất dịch của Việt quốc, khi dùng hình thức Thư Ngỏ “Kính gửi” đến các nhà lãnh đạo hàng đầu cơ chế đảng và nhà nước Việt cộng (Tổng Bí Thư Cộng đảng, Chủ tịch Nước, Chủ tịch Quốc hội, Thủ Tướng Chính phủ, Chánh án Toà án nhân dân tối cao của nước “Cộng Hoà Xã hội Chủ Nghĩa Việt Nam”)
         Bởi vì lập trường, quan điểm có tính nguyên tắc bất di bất dịch của Việt quốc bao lâu nay vẫn là: không nhìn nhận chế độ chính trị và chính quyền Việt cộng là hợp pháp và chính đáng đối với Quốc dân Việt Nam (những công dân của Tổ quốc Việt Nam), dù được coi là hợp pháp theo Công pháp quốc tế (đối với quốc tế). Vì rằng, chế độ ấy đã do Cộng đảng Việt Nam áp đặt, trái với ý nguyện của nhân dân, với một chính quyền không phải của dân, do dân và vì dân, mà là một chính quyền của đảng, do đảng và vì đảng Cộng sản Việt Nam. Cuộc trường chinh chống cộng của người Việt quốc gia chính là để phủ định và lật đổ chế độ bất hợp pháp và không chính đáng này.
         Hình thức Thư ngỏ  của 36 nhà trí thức hải ngoại gửi cho các nhà lãnh đạo hàng đầu đảng và nhà nước Việt cộng bị coi là mặc nhiên thừa nhận tính hợp  pháp và chính danh của chế độ và chính quyền này, nên đã bị công luận tỏ sự bất bình, chống đối quyết liệt là điều dễ hiểu.(khác với các nhà trí thức trong nước chấp nhận làm thần dân của chế độ, họ có thể gửi kiến nghị hay Thư ngỏ, trí thức Việt quốc thì  không thể). Vả lại, ai cũng biết từ bao lâu nay tập đoàn thống trị độc quyền, độc tôn trong một chế độ độc tài toàn trị cộng sản áp đặt có bao giờ biết lắng nghe và làm theo những đề nghị ích quốc lợi dân của ai đâu. Chẳng lẽ 36 vị trí thức Việt quốc hàng đầu ở hải ngoại lại không biết đặc tính này của Cộng đảng Việt Nam để làm một việc vô ích, trái với lập trường chống cộng có tính nguyên tắc của Việt quốc? Nếu muốn nói lên sự thao thức,tâm nguyện của mình trước các vấn đề trọng đại của Đất nước và Dân tộc (như nội dung Thư Ngỏ), thiết tưởng 36 nhà trí thức hải ngoại chỉ nên dùng hình thức Tuyên Ngôn, Tuyên Cáo hay Bản Lên Tiếng để Quốc dân Việt Nam biết về tình trạng nghiêm trọng của Đất nước do đảng và nhà cầm quyền Việt cộng gây ra, có trách nhiệm phải giải quyết và chịu trách nhiệm trước lịch sự về mọi hậu quả đối với Đất nước và Dân tộc Việt. Đây chỉ là một việc làm cần thiết có ý nghĩa như là để trang trải với lịch sử, để mai này không đắc tội với lịch sử, với các thệ mai sau, rằng chúng tôi, những nhà trí thức Việt Nam ở hải ngoại, thế hệ cha anh đã không im lặng, thờ ơ trước những vấn nạn nghiêm trọng của Đất nước do những kẻ cầm quyền gây ra mà đã không giải quyết, dù đã được mọi giới trong nhân dân nhắc nhở.
       Thành ra, hình thức Thư Ngỏ của 36 nhà trí thức Việt quốc hải ngoại gửi những người lãnh đạo hàng đầu cơ chế đảng và nước Việt cộng đã bị công luận chống đối quyết liệt là điều tất nhiên. Thiết tưởng 36 nhà tri thức ký tên trong Thư ngỏ cần tự trọng, cầu thị nhận khuyêt điểm hay giữ im lặng như là thái độ bảo lưu cách làm của mình, thay vì biện luận quanh co để chấm dứt những cuộc tranh luận vô ích, bất lợi cho Việt quốc, chỉ có lợi cho Việt cộng.
         Tuy nhiên, qua một số email đọc được trên internet, bầy tỏ sự bất bình chống đối, chúng tôi nhận thấy có hai cung cách khác nhau: một nghiêm túc, nhận xét, phê bình có tính khách quan, tương kính; hai nhận xét phê bình nặng tính chủ quan, bất kính qua các ngôn từ xúc phạm nhân cách và nhân phẩm của 36 nhà trí thức Việt Nam hải ngoại.
        Bởi vì, việc làm của tập thể trí thức này, chỉ là sự sai sót về mặt bút pháp ( đúng ra nên dùng hình thức Tuyên Ngôn, Tuyên Cáo hay Bản Lên Tiếng). Nhưng sự sai sót này không làm mất lập trường chống cộng vì mục tiêu dân chủ hóa Đất nước, có làm mất nhân cách đôi chút, nhưng không làm mất nhân phẩm của một tập thể trí thức, trong đó hầu hết ( không phải là tất cả) là những trí thức khoa bảng hàng đầu khả kính thời Việt Nam Cộng Hoà (VNCH), từng có những đóng góp  ít nhiều trên nhiều lãnh vực cho chế độ dân chủ pháp trị VNCH. Họ là những người quốc gia chân chính. Nội dung thư ngỏ cho thấy, xuất phát từ lòng yêu nước, họ đã chỉ nói lên sự thao thức nằm trong mối lo âu chung của quốc dân Việt Nam về sự tồn vong, hưng thịnh của vận mạng quốc gia dân tộc. Họ cần lên tiếng và có bổn phận phải lên tiếng. Chỉ tiếc rằng cách lên tiếng của họ như thế là sai, là vi phạm nguyên tắc chống cộng bất di bất dịch của người Việt Quốc gia; nhưng không đến độ phải xử dụng thậm từ có tính lăng nhục, xúc phạm đến nhân cách và nhân phẩm của họ như thế. Đây là một cách thể hiện thái độ bất đồng không đúng bao lâu nay của một số người Việt Quốc gia có khuynh hướng bảo thủ và chống cộng cực đoan (theo nghĩa coi quan điểm và phương thức chống cộng của mình là duy nhất đúng, rồi chụp lên đầu những người chống cộng có quan điểm và phương thức chống cộng khác mình đủ thứ mũ: “hòa giải hòa hợp”, “việt gian, tay sai nằm vùng”…Chúng tôi đã có nhiều bài viết nhận định, phân tích về vấn đề này), rất dễ bị “Đặc tình truyền thông Việt cộng” lợi dụng, khai thác theo ý đồ của chúng.
         Để kết luận,xin trích một email điển hình thể hiện cách ứng xử khi có bất đồng trong nội bộ người Quốc gia chống cộng một cách nghiêm túc, với nhận xét, phê bình có tính khách quan, tương kính:
“ Kính thưa Quý Vị Quan Tâm :
Trước hết, chúng tôi xin tán thành nội dung chính làm thay đổi chế độ của bản Kiến Nghị và ghi nhận thiện chí của Quý Vị đã can đảm ký tên vào bản Kiến Nghị.
Tuy nhiên, chúng tôi hoàn toàn không tán thành việc dùng hai chữ "Kiến Nghị" và gởi cho "ngụy quyền" CS Hànội. Bởi lý do thật đơn giản :
1.- Đối với Quốc Dân VN, tập đoàn CS Hànội là một bọn "cướp nước", Việt gian phản quốc. Chúng không bao giờ được coi là một "chánh quyền hợp pháp" đại diện cho Quốc Dân Việt Nam. Chúng ta gởi kiến nghị cho chúng tức là gián tiếp "nhìn nhận" cái vai trò lãnh đạo bất hợp pháp của chúng !
Chúng ta dứt khoát không đi van xin hay lạy lục kẻ thù CS Hànội tay sai Tàu cộng ban phát ân huệ.
2.- Do đó, thay vì gởi "Kiến Nghị", có lẽ Quý Vị ấy nên ra một "Bản Nhận Định Về Hiện Tình Đất Nước Hiện Nay của giới Trí Thức Hải Ngoại.".. thì có lẽ Chính Danh hơn !!!
Trân trọng.
GÓP GIÓ 1-9-2011”
(Tác giả đã dùng từ ngữ “kiến nghị” không đúng với tiêu đề thực sự là “Thư ngỏ” của 36 nhà trí thức Việt Nam hải ngoại  )
Thiện Ý
Houston ngày 29-9-2011
(Viết theo ý từ Tài liệu: “VIỆT CỘNG ĐÃ XỬ DỤNG ĐẶC TÌNH TRUYỀN THÔNG ĐỂ LY GIÁN CÁC LỰC LƯỢNG CHỐNG CỘNG NHƯ THẾ NÀO VÀ HIỆU QUẢ RA SAO?”. Xin vào Blog: thieny-lienhuong.blogspot.com để đọc toàn bộ tài liệu này)

No comments:

Post a Comment

Note: Only a member of this blog may post a comment.