Những vấn đề của chúng ta:
VÌ SAO LINH MỤC NGUYỄN HỮU LỄ, MỘT NGƯỜI CÓ THÀNH TÍCH CHỐNG CỘNG VANG DỘI LẠI BỊ “ÐÁNH” NHƯ “ÐÒN THÙ? AI ÐÁNH, NHẰM LỢI ÍCH GÌ?
Thiện Ý
Như nhiều ngươì đã biết, Linh mục Nguyễn Hữu Lễ một cựu tù cải tạo của chế độ Việt cộng, sau khi ra hải ngoại đã lập được hai thành tích chống cộng vang dội:Một là phát động “phong trào đấu tranh đòi trả lại tên Thành phố Sài gòn” đã bị đổi tên là Thành phố Hồ Chí Minh sau khi Việt cộng cưỡng đoạt Miền Nam năm 1975. Hai là thực hiên bộ phim tài liệu “Lột trần huyền thoại Hồ Chí Minh” đã mê hoặc nhiều người.
Thế nhưng vì sao trong nhiều ngày qua đã rộ lên những bài viết với nội dung, ngôn từ phê phán, kết tội nặng nề Linh mục Nguyễn Hữu Lễ, mà từ ngữ bình dân tượng hình gọi là “đánh” Linh mục Nguyễn Hữu Lễ như “đòn thù”?- Một số bài viết có nội dung theo chiếu hướng ngược lại muốn bênh vực Linh mục Nguyễn Hữu Lễ thì cũng bị “đánh lây”.
Bài viết này chúng tôi muốn đưa ra một cái nhìn khách quan và công bình hơn đối với Linh Mục Nguyễn Hữu Lễ, để quần chúng chống cộng không nản lòng, mất niềm tin nơi các cá nhân tích cực trong hàng ngũ những người lãnh đạo chống cộng; nhất là không để “Ðặc tình truyền thông Việt cộng” lợi dụng khai thác nhằm ly gián và làm suy yếu các lực lượng chống cộng ở hải ngoại.
Chúng tôi sẽ lần lượt trình bầy:
I/- Vì sao Linh mục Nguyễn Hữu Lễ, một người có thành tích chống cộng vang dội lại bị đánh như “ đòn thù”?
II/- Ai đánh và đã đánh Linh mục Nguyễn Hữu Lễ như “Ðòn thù”, để thành đạt ý đồ hay lợi ích gì?
III/- Kết luận.
I/- VÌ SAO LINH MỤC NGUYỄN HỮU LỄ, MỘT NGƯỜI CÓ THÀNH TÍCH CHỐNG CỘNG VANG DỘI, LẠI BỊ “ÐÁNH” NHƯ “ÐÒN THÙ” ?
1.-Sơ lược nội vụ:
Như mọi người đã biết, Linh mục Nguyễn Hữu Lễ, sau 30-4-1975, đã bị đầy ải nhiều năm trong các trại tù “cải tạo” của Việt cộng. Trong một cuộc vượt ngục cùng một số đồng tù khác bất thành, bị Việt cộng bắt lại, trừng phạt cùm kẹp, biệt giam, bỏ đói khát, bị đối xử tàn tệ.
Bùi Ðình Thi, một cựu sĩ quan Quân lực Việt Nam Cộng Hoà đồng tù, được Việt cộng tuyển chọn làm trật tự trại giam, được xử dụng như công cụ thực hiện các biện pháp trừng phạt tàn bạo đối với Linh mục Lễ và các đồng tù vượt ngục khác bị bắt lại, trong đó có cựu Thiếu tá hải quân Đặng Văn Tiếp, cựu Dân biểu Việt Nam Cộng Hoà (VNCH) đã chết vì vượt quá sức chịu đựng. Mặc dầu chỉ là công cụ thừa sai, thực hiện chủ trương “dùng tù trị tù” của Việt cộng, song Bùi Ðình Thi vẫn phải chịu trách nhiệm cá nhân về pháp lý cũng như trước lương tâm con người do các hành vi hành hạ tàn ác những đồng tù, từng một thời là chiến hữu của mình, để lập công thủ lợi.
Sau khi Linh mục Nguyễn Hữu Lễ và cựu tù Bùi Ðình Thi được ra nước ngoài theo diện HO, Linh mục Lễ đã từ Tân Tây Lan qua Nam California Hoa Kỳ, gặp lại Bùi Ðình Thi và gia đình ở Nam California(1996), để nói lời tha thứ thể hiện đúng bản chất của một Linh mục Công Giáo có trách nhiệm rao giảng Lời Chúa và thực hiện giới răn quan trọng nhất “Kính thờ Thiên Chúa và yêu thương anh em (kể cả kẻ thù) như chính mình”. Nghĩa là Linh mục Nguyễn Hữu Lễ đã bỏ qua lời thề tâm nguyện lúc còn ở trong tù, khi bị Bùi Ðình Thi đánh đập, đối xử tàn tệ, đã được Ông ghi lại trong cuốn Hồi Ký “Tôi phải Sống”, đại ý rằng sau khi ra tù, dù Bùi Ðình Thi ở đâu, Ông cũng tìm gặp cho bằng được để báo thù, thể hiện phản ứng tự nhiên của con người bình thường, có khác với con người “Linh mục”.
Thế nhưng, sau khi đã tìm gặp không phải để báo thù mà nói lời tha thứ với Bùi Ðình Thi, Linh mục Nguyễn Hữu Lễ sau đó đã viết bài “Một vấn đề thuộc lương tâm” rồi xuất bản và phổ biến rộng rãi cuốn hồi ký “Tôi phải sống” ấn hành năm 2001 . Mục đích có lẽ, Linh mục Nguyễn Hữu Lễ chỉ muốn tố cáo chế độ nhà tù tàn bạo của Việt cộng, trong đó tất nhiên Ông phải nhắc lại sự việc một đồng tù Bùi Ðình Thi, được Việt cộng tin dùng làm Trật Tự trại giam, đã đối xử tàn tệ với Ông và những người đồng tù khác như thế nào (trong khoảng từ năm 1978 đến năm 1981 ở Trại tù Thanh Cầm), để làm một điển hình cho chính sách đối xử tàn bạo trong các nhà tù cải tạo Việt cộng. Chính bài viết và cuốn hồi ký này đã gây phẫn nộ cho ngươì đọc, trong đó có Tiến sĩ Nguyễn Ðình Thắng, một nhà hoạt động chính trị, xã hội nổi tiếng đã bất bình đưa vụ việc Bùi Ðình Thi ra trước Toà án Di Trú Hoa Kỳ vào năm 2003. Linh mục Nguyễn Hữu Lễ là một trong những nạn nhân được gọi ra làm nhân chứng trước Toà. Tất nhiên, Linh mục Lễ cũng như các nhân chứng khác, đều đã phải tuyên thệ nói đúng sự thật về các hành vi tội ác của Bùi Ðình Thi đối với các bạn đồng tù như Ông đã viết. Kết quả sau cùng Toà Di Trú Hoa Kỳ đã xác định các hành vi trong thời gian ở tù “cải tạo” của Bùi Ðình Thi đã hội đủ yếu tố cấu thành tội theo Luật Di Trú Hoa Kỳ phải bị trục xuất về Việt Nam vào cuối tháng 4, năm 2004. Việt cộng lúc đó không nhận,vì chưa có hiệp định giữa hai nước về vấn đề này (ký kết sau này vào ngày 22 tháng 1 năm 2008, và có hiệu lực 60 ngày sau), Bùi Ðình Thi đã bị trục xuất tới một quốc gia đệ tam chịu nhận (Nước Cộng Hòa Quần Ðảo Marshall - Republic of the Marshall Islands).
Mới đây, sau khi báo Người Việt ở Nam California có bài viết về vụ án Bùi Ðình Thi 7 năm trước, đã là nguyên nhân đưa đến những bài viết theo chiều hướng phê phán nặng nề, kết tội Linh mục Nguyễn Hữu Lễ và có ý cảm thông, bênh vực Bùi Ðình Thi, một kẻ đã bị Toà Án Di Trú Hoa Kỳ kết tội và bị trục xuất vì các hành động đối xử tàn ác đối với các đồng tù. (Xin coi chi tiết bài viết của Báo Người Việt gửi kèm)
2.- Vì sao Linh mục Nguyễn Hữu Lễ bị “đánh” như “đòn thù”?
Thật ra, việc phê phán, chỉ trích một nhân vật nổi tiếng như Linh mục nguyễn Hữu Lễ (một khuôn mặt của công chúng- public figures) là bình thường, thể hiện quyền tự do tư tưởng và ngôn luận của công dân trong một chế độ dân chủ pháp trị.
Tuy nhiên, việc phê phán chỉ trích một cá nhân trước hết cần xuất phát từ thiện ý, có tính xây dựng nhằm thành đạt lợi ích cho chính người bị chỉ trích, phê bình hay lợi ích lý tưởng chung cho con người, xã hội, dân tộc, đất nước hay tôn giáo. Việc phê bình chỉ trích phải căn cứ trên sự thật, không xuyên tạc, vu khống và cần xử dụng bút pháp nghiêm túc, ngôn ngữ có văn hoá, không dùng thậm từ để lăng nhục xúc phạm nặng nề đến nhân cách (linh mục trong trường hợp này…) và nhân phẩm con người nói chung.
Nhận định khách quan, hầu hết (không phải là tất cả) những bài viết phê bình chỉ trích Linh mục Nguyễn Hữu Lễ phổ biến rộng rãi trên mạng internet đã không hội đủ diều kiện cần và đủ của một bài phê bình chỉ trích nghiêm túc, đã trở thành những bài viết “đánh” Linh mục Lễ và đánh như “đòn thù” (đánh như để trả thù, do và vì một ý đồ, lợi ích nào đó).
Thực ra, điều người ta có thể phê bình chỉ trích Linh mục Nguyễn Hữu Lễ một cách nghiêm túc là các hành vi ứng xử đã không thể hiện được nhân cách và bản chất của một Linh mục Công giáo. Vì một khi đã từ Tân Tây Lan qua gặp Bùi Ðinh Thi và vợ con anh ta để nói lời tha thứ, Linh mục Lễ đúng ra không nên có những hành động tiếp theo sau đó là viết báo, viết sách hồi ký, trong đó tất nhiên không tránh khỏi việc phải kể lại những sự kiện và hành động đối xử tàn tệ của Bùi Ðình Thi với cá nhân Linh mục Lễ và các đồng tù khác; và như thế là gián tiếp tố cáo tội lỗi của Bùi Ðình Thi (mà Linh mục Lễ đã tha thứ) trước công luận, khiến Tiến sĩ Nguyễn Ðình Thắng bất bình đã đưa vụ việc ra Toà án Di Trú Hoa Kỳ. Hậu quả là Bùi Ðình Thi bị trục xuất, phá vỡ cuộc sống đoàn tụ, hạnh phúc của một gia đình (dù đó là hậu quả của chính các hành vi tội ác của đương sự, song đã được Lm. Lễ tha thứ)
Cách hành xử của Linh mục Nguyễn Hữu Lễ chúng tôi cho rằng “không phải là tội” về mặt pháp lý, mà “chỉ là cái lỗi” về mặt đạo đức và tôn giáo (lỗi đức bác ái, yêu thương, tha thứ). Sự thể này đặt Linh Mục Nguyễn Hữu Lễ trước một vấn đề lương tâm và tu đức (đạo đức của một nhà tu) của một Linh mục Công Giáo. Rằng nếu khi gặp lại vào năm 1996, Linh mục Lễ ngoài việc nói lời tha thứ, còn ban phép cáo giải cho các hành vi tàn ác của Bùi Đình Thi đã làm trong thời gian làm trật tự trong tù,Linh mục Lễ có thể đã vi phạm thêm “Bí tích giải tội” khi đem tội lỗi Bùi Đinh Thi đã xưng công bố trong bài viết và cuốn sách của mình.
Tất nhiên,vấn đề này sẽ không được đặt ra, nếu Linh mục Nguyễn Hữu Lễ là một người bình thường, khi bị một kẻ khác đối xử tàn tệ như thế, sẽ căm thù và nuôi ý định trả thù là lẽ thường. Nhưng Linh mục Công Giáo phải khác ngươì thường, dù trong thân phận con ngươì, cũng có những phút yếu lòng không kềm hãm được lòng căm thù và nuôi ý định trả thù, hay sa ngã phạm tội như ngườì thường, nhưng Linh mục phải hơn người thường, hơn giáo dân ở ý chí và nỗ lực tự chủ, tự giác, tự hành, tự cải hoá để hướng thượng theo hướng toàn thiện, toàn bích như Thiên Chúa theo niềm tin tôn giáo.
Người ta không hiểu và đã trách cứ rằng trước khi viết bài trên báo và phổ biến Hồi Ký “Tôi phải sống” Linh mục Nguyễn Hữu lễ có đắn đo suy nghĩ, đo lường hậu quả, để chọn lựa giữa “lợi ích trần thế” và “lợi ích siêu nhiên”?
Lợi ích trần thế, chẳng hạn như là sự nổi danh, kiếm được nhiều tiền bán sách, dù tiền ấy không dùng cho cá nhân mà để có phương tiện hoạt động chống cộng sau này như Linh mục Lễ nói và đã làm là lập Quỹ yểm trợ cho “Phong Trào Ðòi Trả Lại Tên Sàigòn” và thực hiện bộ phim “Lột Trần Huyền Thoại Hồ Chí Minh”. Phải chăng những hoạt đồng này ngoài lợi ích chống cộng, Linh mục Lễ cũng là muốn được nổi danh? Nếu không, thiết tưởng Linh mục Nguyễn Hữu Lễ có thể hành động khác hơn mà vẫn đạt được lợi ích chống cộng, lại không bị “đánh như đòn thù” như hiện nay (chúng tôi sẽ đề cập thêm ở phần sau)
Lợi ích siêu nhiên là một khi đã ban phép tha tội cho một người, cũng là tín đồ của mình, để cứu rỗi một linh hồn, làm đúng Thiên chức Linh mục của Chúa, thì không được phép công bố tội lỗi của họ cho người khác biết (Bí tích giải tội). Ðây là một lợi ích cao nhất mà Linh mục Nguyễn Hữu Lễ muốn mưu cầu khi tự chọn con đường tận hiến cho Chúa để phục vụ, dẫn dắt tha nhân đi vào Vinh Quang Nước Trời, dưới sự cai quản chỉ đạo của Giáo Hội thay mặt Chúa nơi trần thế.
Việc làm của Linh mục Lễ bị phê bình, chỉ trích, lên án gay gắt chính là vì đã đi ngược lại lợi ích siêu nhiên ban đầu đã chọn, không những là bội ước với Thiên Chúa mà còn vi phạm giáo luật “cấm các Linh mục làm chính trị”. Vì chính trị muôn mặt, là thủ đoạn là tranh danh, đoạt lợi ích trần thế, sẽ có kẻ thương, người ghét, thù hận. Linh mục của Chúa là tận hiến cả cuộc đời (áo đen tượng trưng cho ngươì đã chết cho tha nhân về mặt siêu nhiên) phục vụ tha nhân để được yêu thương tôn kính, cần tránh đừng làm điều gì làm cớ để bị xúc phạm (7 chức Thánh), không tạo ra kẻ thù và phải yêu thương mọi người kể cả kẻ thù.
Linh mục Nguyễn Hữu Lễ khi đi diễn thuyết khắp nơi để phát động phong trào “Ðòi trả tên sàigòn”, Ngài thường nói “Trước khi là Linh Mục, Tôi đã là người Việt Nam” phải chăng như để biện minh cho hoạt động chống cộng của mình là chính đáng, là làm nhiệm vụ ưu tiên của một người Việt Nam yêu nước trước Thiên chức Linh mục? Chẳng thế mà trong dịp Linh mục đến Houston làm cuộc ra mắt “Phong Trào đòi trả tên Sàigòn” có người hỏi:
- “Thưa Cha, khi Cha đi hoạt động đấu tranh chống cộng như thế này, xứ đạo của Cha ở Tân Tây Lan ai trông coi?”.
- “Tôi đã xin phép giao lại cho Ðức Giám Mục giáo phận để hoạt động cho Phong Trào một thời gian” Linh mục Lễ trả lời.
Thật ra câu nói “Tôi là ngươì Việt Nam trước khi là Linh mục” rất đúng về mặt con người, song thực tế đã gây phản ứng trái ngược. Một số đông những người chống cộng nhiệt liệt tán đồng, tung hô, vì là một câu nói rất đúng, hợp luận lý thông thường của một người thường. Thế nhưng, câu nói này cũng đã làm không ít người Việt Nam tham dự cau mày suy tư, nhất là những người Việt Nam Công Giáo khi nhìn hình ảnh Cha Lễ áo đen cổ trắng hùng hồn diễn thuyết tố cáo Việt cộng gây kích động căm thù (dù Việt cộng quả đã gây nhiều thù hận rất đáng căm thù). Họ thấy như có gì mâu thuẫn giữa tính người và tính Linh mục trong một con người Nguyễn Hữu Lễ, làm khuôn mặt của một Linh mục Công giáo như bị méo mó. Họ nghĩ rằng, dù là người Việt Nam trước khi là Linh mục, nhưng một khi đã tự nguyện chọn và lãnh nhận “Bí tích truyền chức Thánh” để làm Linh mục, đã là một giao ước và là một hành vi kết ước tự do sau cùng có hiệu lực thi hành ưu tiên. Việc thi hành giao ước này thực ra cũng không ngăn cản, không trái với bổn phận của một công dân yêu nước đối với đất nước. Linh mục có quyền biểu lộ lòng yêu nước dưới nhiều hình thức thích hợp, đến mức độ vừa phải mà không vi phạm giao ước sống đời Linh mục và không trái với vai trò và bản chất chất thánh thiện, đầy lòng vị tha, bác ái của một Linh mục.
Chẳng hạn, nếu như Linh mục Lễ vì lòng yêu nước, yêu chân lý, muốn góp phần đánh đổ một chế độ vô thần, độc tài tàn bạo, xây dưng một chế độ dân chủ hữu thần nhân ái, bằng việc tố cáo trước công luận quốc tế, người Việt hải ngoại cũng như trong nước về những sự thật của chế độ lao tù tàn ác của Việt cộng mà Ngài là một trong những nạn nhân, thay vì minh danh chính mình viết báo (Bài một vấn đề thuộc lương tâm…...) hay viết sách (Hồi ký “Tôi phải sống”), Linh mục Lễ có thể kể lại cho người khác nghe để viết lại sau này, tốt nhất là sau khi Bùi Ðình Thi qua đời mới công bố.(Vì những sự thật này nhiều ngươì đã biết, không có gì khẩn cấp phải nói ra ngay). Nếu làm như vậy,sẽ giúp Linh mục Lễ trọn vẹn đôi đàng, đã không vi phạm “phép tha tội” (nếu có giải tội cho Bùi Đình Thi một tín đồ), lỗi đức bác ái, không đánh mất bản chất Thiên chức Linh mục, không vi phạm lời hứa tha thứ, tránh được cảnh oán hận của một gia đình tín hữu vì bị phân ly, bị phá đổ hạnh phúc, có thể đã phá đổ cả niềm tin của họ và nhiều người… và không là cớ cho người đời lên án, xúc phạm, do hành động bất xứng của một Linh mục.
Mặt khác, nếu Linh mục Nguyễn Hữu Lễ chỉ làm nhiệm vụ của ngươì Việt Nam yêu nước qua các hoạt động diễn thuyết tố cáo tội ác thật sự trong chế độ lao tù Việt cộng như một nhân chứng, mà không thừa thắng xông lên, hình thành tổ chức, phát động và lãnh đạo “Phong Trào Ðòi Trả Tên Sàigòn”, Chủ động minh danh thực hiện bộ phim “Lột trần huyền thoại Hồ Chí Minh”…Theo thiển ý, Ngài đã không vi phạm giáo luật “Cấm các Linh mục làm chính trị”. Bởi vì Linh mục Lễ đã đi từ một “thái độ chính trị” (cần phải có, được phép làm của một người Việt Nam yêu nước trước khi là Linh mục) đối với tội ác, bất công của một xã hội, một chế độ,song đã quá đà qua các hoạt động “làm chính trị” (Chủ động, công khai, có tổ chức hoạt động toàn thời gian, tạm ngưng thực hiện Thiên chức Linh mục coi sóc xứ đạo, dù có thời hạn). Chính sự quá đà này mà một số Linh mục Công Giáo đã vi phạm các điều khoản của Giáo luật “Cấm Linh mục làm chính trị” (như một số Linh mục trong nước tích cực tham gia vào guồng máy công quyền của Việt cộng, cũng như một số linh mục chống cộng đã đứng ra thành lập tổ chức, chính đảng chống cộng…bê trễ, coi nhẹ nhiệm vụ chính yếu của một Linh mục chân chính).
Tóm lại, Linh mục Nguyễn Hữu Lễ có thể thành đạt các mục đích chính trị từ tất cả các hoạt động trên mà không bị thương tổn, bị “đánh” như “đòn thù”, nếu chọn cách hành động khác hơn, vừa làm tròn nhiệm vụ của một người Việt Nam chống cộng vì lòng yêu nước, vừa bảo tồn được bản chất, thanh danh vốn phải thể hiện của một Linh mục mà không vi phạm Giáo luật. Hành động khác hơn đó là:
- Không viết báo, nếu muốn viết hồi ký nên kể lại cho người khác viết như tài liệu sống kể tội ác trong nhà tù Việt cộng (Như Linh mục Cao Văn Luận đã kể lại cho Cao Vi Hoàng viết hồi ký cho ông), nhưng chỉ công bố sau khi Bùi Ðình Thi (người được Linh mục tha tội) đã chết.
- Việc tổ chức, “phát động Phong Trào Ðòi trả tên Sàigòn” và thực hiện bộ phim “Lột trần huyền thoại Hồ Chí Minh”, là việc làm hữu ích cho công cuộc chống cộng, song nên để ngươì khác lãnh đạo, tổ chức khác thực hiện, Linh muc Nguyễn Hữu Lễ chỉ nên đứng trong âm thầm, cố vấn ngầm , đưa sáng kiến cho người đời thực hiện
- Linh mục Nguyễn Hữu Lễ có thể đi diễn thuyết khắp nơi nói lên các sự thật tàn bạo, vi phạm nhân quyền trong nhà tù và xã hội Việt cộng mà Ông là một trong những nạn nhân, những nhân chứng sống. Cũng như hiện nay, Linh mục Nguyễn Văn Khải mới từ Việt Nam đến hải ngoại, đã đi diễn thuyết nhiều nơi để nói lên sự thật và chỉ nói lên sự thật về những vi phạm tự do tôn giáo, vi phạm nhân quyền của nhà cầm quyền Việt cộng.
Chúng tôi thiết tưởng, những việc làm này chỉ là một thái độ chính trị phải có của bất cứ ngươì Việt Nam yêu nước, yêu tự do, dân chủ, công bằng, có ý thức bảo vệ công lý và hoà bình, nhất là một Linh mục Công Giáo cần phải có,mà không vi phạm Giáo luật “Cấm các Linh mục làm chính trị”.
Tuy nhiên, khác với ngươì đời, các Linh mục cần diễn thuyết với thái độ và ngôn từ thể hiện bản chất nhân ái vị tha của một Linh mục, tránh kích động căm thù, dù kẻ thù ấy là Việt cộng đáng bị căm thù với ngươì đời, nhưng Linh mục thì không thể, vì sẽ làm méo mó khuôn mặt đích thực của Linh mục.(Khuôn mặt đích thực của Linh mục thể hiện điển hình được nhiều ngươì biết đến và ca ngợi là Cố Hồng Y Nguyễn Văn Thuận, dù bị Việt cộng đầy ải nhiều năm, nhưng sau này ngươì ta không thấy Ngài có lời nói, bài viết hay hành động nào tỏ ra căm thù Việt cộng. Phải chăng đó là một trong những yếu tố thể hiện niềm tin để nên Thánh và Ngài đã được Giáo Hội mở hồ sơ phong Thánh khởi đầu bằng việc phong Chân Phước theo Giáo luật?).
II/-AI ÐÁNH VÀ ÐÃ “ÐÁNH NHƯ ĐÒN THÙ” LINH MỤC NGUYỄN HỮU LỄ ÐỂ THÀNH ÐẠT Ý ÐỒ HAY LỢI ÍCH GÌ ?
Như trên đã trình bầy, các hành vi của Linh Mục Nguyễn Hữu Lễ không cấu thành “tội” về mặt pháp lý, mà chỉ là “lỗi” về mặt lương tâm đạo đức và tôn giáo. Đúng ra “lỗi” ấy, những người muốn “bắt lỗi” chỉ cần nêu lên, phân tích, phê bình đúng sai, phải trái, bằng bút pháp nghiêm túc và ngôn từ có văn hóa như chúng tôi trình bầy ở trên.
Thế nhưng thực tế đã có những bài viết kết tội Linh mục Nguyễn Hữu Lễ bằng cả một bản “cáo trạng” đưa ra bên cạnh một cáo trạng đối với Bùi Đình Thi. Điều này thật là phi lý, bất công khi đồng hóa nạn nhân bị bạo hành (LM Lễ) với kẻ bạo hành thủ ác (Bùi Đình Thi). Lại dùng ngôn ngữ bình dân có tính miệt thị, mạ lỵ nặng nề, xúc phạm đến nhân phẩm con người và nhân cách của một nhà tu mà các hành động của ông không đáng phải bị đối xử như vậy. Những hành động của Linh mục Lễ thực ra đã không là lý cớ để bị nhiều người bất bình và bị những kẻ có chủ đích kết án, lăng nhục nặng nề, nếu Ngài không là Linh mục, chỉ là một con người Việt Nam bình thường và nếu Ngài không có những thành tích chống cộng vang dội. Bằng chứng là Tiến sĩ Nguyễn Đình Thắng là người đã đưa Bùi Đình Thi ra Tòa án Di Trú khiến y bị trục xuất song không bị “đánh” vì là người thường, còn Lm. Nguyễn Hữu lễ chỉ được gọi ra làm nhân chứng trước Tòa thì bị “đánh” vì là Linh mục Công giáo.
Một cách công bình hơn, những người bất bình, nếu muốn bầy tỏ sự bất bình ấy thì chỉ ở mức độ viết bài nhận xét phê bình nghiêm túc, với thiện ý xây dựng và bằng những ngôn từ có văn hóa.Nhưng thực tế đã có những bài viết của những kẻ có chủ đích nhằm thành đạt một ý đồ hay lợi ích nào đó, vượt trên tính chất của một bài nhận xét phê bình nghiêm túc với ngôn từ có tính nhục mạ để “đánh” và đã “đánh đòn thù” đối với Linh mục Nguyễn Hữu Lễ . Những kẻ này là ai, “đánh” Linh mục Lễ nhằm thành đạt ý đồ và lợi ích gì?- Bởi vì không ai tốn thời giờ, tim óc ngồi viết bài “đánh như đòn thù” Linh mục Nguyễn Hữu Lễ mà không có chủ đích nhằm đạt ý đồ hay lợi ích gì?
-Những giáo dân Công Giáo ? - Chắc chắn trong trường hợp này sẽ “không đánh”, nêu có viết bài nhận xét, phê bình các việc làm của Linh Mục Lễ thì chỉ ở mức độ nghiêm túc, với các ngôn từ tỏ sự tôn kính. Phần đông, theo nhận định của chúng tôi, giáo dân nếu bất bình sẽ chọn lựa 3 cách ứng xử: Một là gặp trực tiếp Lm Lễ nếu có điều kiện tiếp xúc với Ngài hay viết thư gửi riêng đến Ngài để góp ý xây dựng . Hai là viết bài phổ biến công khai trên các phương tiện truyền thông với bút pháp nghiêm túc và ngôn từ có văn hóa để giữ sự tôn kính với vị chủ chăn, với mục đích góp ý xây dựng riêng với Lm Lễ và để các vị Linh mục khác biết mà rút kinh nghiệm chung. Ba là các tín hữu Công giáo sẽ giữ im lặng, âm thầm không đến tham dự các hoạt động chính trị của Lm Lễ.
- Những tín đồ chân chính của các tôn giáo khác ?- Chắc chắn những tín đồ chân chính của các tôn giáo khác,trong trường hợp này, nếu có bất bình cũng chỉ hành động như người Công giáo chân chính “phê bình nghiêm túc, với ngôn từ tỏ sự tôn kính”. Bởi vì, không có tôn giáo nào dậy họ “đánh một nhà tu” khác niềm tin với mình khi có bất đồng, theo kiểu “đòn thù” và thực sự họ cũng chẳng có thù oán và lợi ích gì đến độ phải “đánh” Linh mục Lễ như “Đòn thù”. Họa chăng chỉ có những kẻ “vô thần đội lốt tôn giáo” làm nhiệm vụ “Đặc tình truyền thông Việt cộng” mới giám “đánh” Linh mục Nguyên Hữu Lễ và các nhà tu hành như “đòn thù”?
- Thân nhân hay bạn bè của Bùi Đình Thi đã viết bài “đánh Linh mục Nguyễn Hữu Lễ như “đòn thù”?- Rất có thể, vì muốn trả thù cho Bùi Đình Thi và gia đình, họ đã nhân cơ hội báo Người Việt nhắc lại vụ án khiến Bùi Đình Thi bị trục xuất 7 năm trước đây đề viết bài “đánh” Linh mục Lễ để báo thù. Vì họ cho rằng nguồn gốc khiến Bùi Đình Thi phải ra Tòa là do Linh mục Lễ công bố tội lỗi của Bùi Đình Thi.
- Việt cộng ?- Có nhiều phần chắc Việt cộng đã lợi dụng cơ hội “đánh” Linh mục Nguyễn Hữu Lễ “như đòn thù”. Vì những thành tích chống cộng vang dội của Linh mục Lễ đã tác hại cho Việt cộng, gây thù oán với Việt cộng thì ngoài thân nhân bạn bè của Bùi Đình Thi, chỉ có Việt cộng mới có ý đồ và lợi ích để “đánh trả thù” Linh mục Lễ mỗi khi có dịp thuận lợi.
Việt cộng đã “đánh đòn thù” với Linh mục lễ bằng cách nào, nhằm ý đồ và lợi ích gì? _ - Bằng kỹ thuật “Đặc tình truyền thông Việt cộng” với ý đồ triệt hạ uy tín Linh mục Nguyễn Hữu Lễ (vì đã có hành động có hại cho VC) như đã từng triệt hạ hầu hết những người được coi là lãnh tụ chống cộng ở hải ngoại nổi bật, có sức thu hút, quy tụ các lực lượng chống cộng ở hải ngoại cũng như trong nước. Nghĩa là ngoài việc xử dụng kỹ thuật “truyền thông trắng” để công khai triệt hạ những “kẻ thù này” trên các phương tiện truyền thông đại chúng (phát thanh, truyền hình, internet…), Việt cộng đã và đang xử dụng các hình thức truyền thông “xám” và “đen” của “Đặc tình truyền thông” để dấu mặt. Bằng vỏ bọc “người quốc gia, người có tôn giáo “đánh” người quốc gia, người có tôn giáo”, nhân danh “lợi ích chống cộng và lợi ích tôn giáo” để thành đạt ý đồ phá nát các tổ chức chống cộng, bôi đen các lãnh tụ chống cộng, phá đổ niềm tin của quần chúng chống cộng đối với hàng ngũ lãnh đạo chống cộng và sự tất thắng của chính nghĩa quốc gia (Xin vào Blog: thieny-lienhuong.blogspot.com để đọc Tài liệu “Việt cộng đã dùng Đặc tình truyền thông để ly gián các lực lượng chống cộng như thế nào, hiệu quả ra sao?)
KẾT LUẬN:
Sự thể Linh mục Nguyễn Hữu Lễ, một người có thành tích chống cộng vang dội nên đã bị “đặc tình truyền thông Việt cộng” đánh “như đòn thù” là điều dễ hiểu và cũng đã từng xẩy ra trên không gian ảo mạng lưới internet toàn cầu.
Vì vậy, thiết tưởng những ai tự biết mình là người Việt quốc gia chân chính hay người Việt Nam hữu thần có tôn giáo, có chung mục tiêu chống cộng bằng động lực là lòng yêu nước (không phải vì hận thù) để thành đạt mục tiêu tối hậu: Dân chủ hóa Việt Nam và phát triển toàn diện Đất nước đến phú cường, văn minh tiến bộ theo kịp đà tiến hóa chung của nhân loại…Tất cả cần tự chế trong hành động phê phán chiến hữu Việt quốc, cảnh giác trước mọi âm mưu, thủ đoạn đánh phá của Việt cộng, để không mắc mưu, vô tình tiếp tay cho Việt cộng thành đạt ý đồ phá nát các tổ chức chống cộng, bôi đen các lãnh tụ chống cộng, phá đổ niềm tin của quần chúng chống cộng đối với hàng ngũ lãnh đạo chống cộng và niềm tin vào sự tất thắng của chính nghĩa quốc gia.
Thiện Ý
No comments:
Post a Comment
Note: Only a member of this blog may post a comment.