Bình luận:
THÀNH QUẢ CHUYẾN ĐI MỸ CỦA
CHỦ TỊCH NƯỚC VIỆT NAM
CỘNG SẢN TRƯƠNG TẤN SANG.
Thiện Ý
Muốn biết thành
quả chuyến đi Mỹ của Chủ tịch nước Việt Nam cộng sản Trương Tấn Sang, chúng ta cần căn cứ vào mục
đích và ý nghĩa của chuyến đi này được công bố trước chuyến đi, với những gì
đạt được sau chuyến đi qua bản Thông cáo chung được đăng tải trên trang web của Bạch
ốc ngày 25-7-2013, bản dịch của Thông tấn xã Việt Nam.
Về mục đích và ý nghĩa mặc dầu chuyến đi Mỹ này nghe nói là đã được phía Việt Nam vận động từ
cả năm nay, song việc Bạch Ốc loan báo lời mời Chủ tịch nước Trương Tấn Sang
đến Mỹ trong một thời gian ngắn, sau
chuyến đi Tầu của Ông Sang chỉ hơn một tháng (19-6 đến 24-7) và dường như sớm
hơn cuộc gặp thượng đỉnh đã được đôi bên dự trù vào tháng 9 năm nay, đã cho
thấy có một mục đích và ý nghĩa khác hơn mục đích và ý nghĩa chính thức được
công bố và đang được nhiều người nói tới.
- Về mục đích và ý nghĩa chính thức, theo thông báo của Bạch cung trước cuộc gặp
thượng đỉnh, tổng thống Barack Obama sẽ thảo luận với Chủ tịch nước Trương Tấn
Sang về phương cách củng cố hơn nữa quan hệ đối tác giữa hai nước trên các vấn
đề khu vực và tăng cường hợp tác với ASEAN. Đồng thời tổng thống Obama
nhân dịp này cũng sẽ thảo luận với nhà lãnh đạo hàng đầu Việt Nam về vấn đề
nhân quyền và những thách thức đang nổi lên như biến đổi khí hậu, và tầm quan
trọng của việc hoàn tất Hiệp Định Đối Tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP).
Qua Thông cáo chung thì dường như thành quả
tổng quát làm nền tảng trên đã đạt được hoàn
toàn trên nguyên tắc khi xác định: “Chủ
tịch nước Trương Tấn Sang và Tổng thống Obama quyết định xác lập quan hệ Đối
tác toàn diện Việt Nam - Hoa Kỳ nhằm xây dựng một khuôn khổ tổng thể để thúc
đẩy quan hệ…”; Rằng “Quan hệ Đối tác Toàn
diện mới sẽ tạo ra các cơ chế hợp tác trên nhiều lĩnh vực, trong đó có quan hệ
chính trị và ngoại giao, quan hệ thương mại và kinh tế, khoa học và công nghệ,
giáo dục và đào tạo, môi trường và y tế, giải quyết hậu quả chiến tranh, quốc phòng và an ninh, bảo vệ và thúc đẩy
quyền con người, văn hóa, thể thao và du lịch…”.
Thành quả nền tảng trên được triển khai để
đạt những thành quả khác của chuyến đi vẫn chỉ trên nguyên tắc có tính định
hướng trên các lãnh vực mà Thông cáo chung ghi nhận.
Chẳng hạn trên lãnh vực “Hợp
tác chính trị ngoại giao”, Thông cáo chung viết:
“Trong khuôn khổ quan hệ Đối tác Toàn diện Việt Nam - Hoa
Kỳ, hai bên nhất trí tăng cường trao đổi cấp cao, tiếp xúc ở tất cả các cấp và
ủng hộ việc tăng cường các cơ chế đối thoại và hợp tác. Tổng thống Obama khẳng
định Hoa Kỳ ủng hộ độc lập, chủ quyền, thịnh vượng và hội nhập quốc tế của Việt
Nam.
Chủ tịch Trương Tấn Sang hoan nghênh Hoa Kỳ tăng cường hợp tác tại khu vực châu
Á - Thái Bình Dương, đóng góp vào hòa bình, ổn định và thịnh vượng ở khu vực…”.
Rằng “Hai
nhà Lãnh đạo tái khẳng định ủng hộ giải quyết tranh chấp bằng các biện pháp hòa
bình, phù hợp với luật pháp quốc tế, trong đó có những quy định của Công ước
Luật Biển của Liên hợp quốc (UNCLOS).
Chủ tịch Trương Tấn Sang và Tổng thống
Obama đồng thời tái khẳng định ủng hộ nguyên tắc không sử dụng vũ lực hoặc đe
dọa sử dụng vũ lực để giải quyết tranh chấp trên biển và tranh chấp lãnh thổ.
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang và Tổng thống Obama nhấn mạnh giá trị của việc
tuân thủ đầy đủ Tuyên bố về ứng xử của các bên tại Biển Đông (DOC), và tầm quan
trọng của việc khởi động đàm phán để hoàn tất một bộ Quy tắc Ứng Xử (COC) có
hiệu quả…..”.
Về Quan hệ kinh tế và thương mại, Hợp
tác khoa học và công nghệ, Hợp tác giáo dục, Môi trường và Y tế, Các vấn đề hậu
quả chiến tranh, an ninh quốc phòng, Bảo vệ và thúc đẩy quyền con người…Tất
cả thành quả vẫn chỉ là ghi nhận sự nhất trí trên nguyên tắc và nỗ lực chung
thực hiện trên thực tế trong tương lai gần xa, không có kết quả cụ thể nào sau
chuyến đi Mỹ của Chủ tịch Sang , như 10 Hiệp ước trên nhiều lãnh vực tương tự
được ký kết với Tầu Cộng trong chuyến đi Bắc Kinh trước đó không lâu.
Chẳng hạn về
quan hệ kinh tế thương mai, Thông cáo chung ghi nhận thành quả chỉ
là những “cam kết” và “nhất trí tăng
cường hợp tác”, rằng:"Chủ tịch Trương Tấn Sang và Tổng
thống Obama tái khẳng định cam kết hoàn tất đàm phán về Hiệp định Đối tác xuyên
Thái Bình Dương (TPP) toàn diện và tiêu chuẩn cao vào thời điểm sớm nhất có thể
trong năm nay….."
……“ Hai nhà
Lãnh đạo nhất trí tăng cường hợp tác trong khuôn khổ Hội đồng Hiệp định khung
về Thương mại và Đầu tư (TIFA), cũng như theo sáng kiến Gắn kết Kinh tế Mở rộng
ASEAN và trong APEC nhằm tăng cường liên kết kinh tế và thương mại phù hợp với
Đối tác Toàn diện song phương và các mục tiêu chung trong Tổ chức Thương mại
Thế giới (WTO), APEC và các diễn đàn của ASEAN.”
“Hai nhà Lãnh đạo ghi nhận tầm quan trọng
của quan hệ thương mại ngày càng tăng giữa hai nền kinh tế và đặc biệt nhắc tới:
Bản ghi nhớ giữa Tập đoàn Dầu khí Việt Nam và Ngân hàng Xuất Nhập khẩu Hoa Kỳ
về hỗ trợ thương mại và đầu tư trong lĩnh vực dầu khí và năng lượng ở Việt Nam,
Thỏa thuận khung triển khai dự án phát triển mỏ Cá Voi Xanh ngoài khơi Việt Nam
giữa Tập đoàn Dầu khí Việt Nam và Công ty Exxon Mobil, Thỏa thuận hợp tác giữa
Tổng Công ty thăm dò, khai thác dầu khí (PVEP) và Công ty dầu khí Murphy, Bản
ghi nhớ giữa Công ty bảo hiểm Metropolitan Life (Metlife) và Ngân hàng Đầu tư
và Phát triển Việt Nam, chấp thuận của Bộ Tài chính Việt Nam về chủ trương
thành lập công ty quản lý quỹ của Công ty bảo hiểm ACE….”
Chẳng hạn về Quốc phòng và
An ninh, vẫn tránh né không đề cập
đến vấn đề tranh chấp Biển Đông, chỉ đưa ra những quan điểm chung ghi trong
phần thành quả tổng quát của Thông cáo chung đã dẫn ở trên, vẫn như từ trước về
giải quyết tranh chấp,không dùng võ lực,phương cách hòa bình, theo luật pháp
quốc tế…. Đây là thành quả được Thông cáo chung ghi nhận:
“Chủ tịch Trương Tấn Sang và Tổng thống Obama nhất trí rằng
việc tăng cường hợp tác giải quyết hậu quả chiến tranh làm sâu sắc sự tin cậy
lẫn nhau, cho phép hai nước phát triển mối quan hệ hướng tới tương lai.
Hai nhà Lãnh đạo nhất trí Việt Nam và
Hoa Kỳ sẽ tiếp tục hợp tác về quốc phòng và an ninh. Hai nhà Lãnh đạo bày tỏ sự
hài lòng đối với Bản ghi nhớ về thúc đẩy hợp tác quốc phòng song phương ký năm
2011 và tái khẳng định cam kết triển khai đầy đủ Bản ghi nhớ. Chủ tịch Trương
Tấn Sang và Tổng thống Obama nhất trí tiếp tục Đối thoại chính sách quốc phòng
Việt Nam - Hoa Kỳ và Đối thoại Chính trị - An ninh - Quốc phòng song phương
nhằm đánh giá quan hệ quốc phòng và an ninh và thảo luận về hợp tác trong tương
lai….”
Đặc biệt về tình trạng vi phạm nhân quyền tồi tệ ở Việt
Nam, được nhiều người trông đợi sẽ
được Tổng Thống Obama đặt ra như một điều kiện tiên quyết để tăng cường sự hợp tác
với Việt cộng trên lãnh vực kinh tế thương mại và đầu tư, cũng như các lãnh vực
khác, thì theo Thông cáo chung đã không ảnh hưởng gì tới mức độ, chiều hướng
phát triển sự hợp tác, trái lại còn được nâng lên thành “Đối
tác Toàn Diện giữa Hoa Kỳ và Việt Nam” với sự khẳng định, “cam kết, nhất trí” đôi bên thúc đẩy thực
hiện trên thực tế trong những ngày tháng tới, nhưng không có một cam kết cụ thể
nào về số phận các nhà bất đồng chính kiến đang bị cầm tù như Bloger Điếu Cầy
Nguyễn Văn Hải, Ls. Lê Quốc Quân, Ts. Cù Huy Hà Vũ, các sinh viên Phương Uyên
và Nguyên Khang….( Không biết có sự thỏa
thuận ngầm và cam kết sẽ thả những người này sau khi Chủ tịch Sang về nước như
có người dự đoán hay không ?)
Thông cáo chung viết về “Bảo vệ và thúc đẩy quyền con người” như sau:
"Hai bên tái khẳng định cam kết ủng hộ Hiến chương Liên hợp
quốc và Tuyên ngôn thế giới về quyền con người."
Chủ
tịch Trương Tấn Sang và Tổng thống Obama ghi nhận lợi ích của việc đối thoại
thẳng thắn và cởi mở nhằm tăng cường hiểu biết lẫn nhau, thu hẹp khác biệt về
quyền con người. Hai nhà Lãnh đạo nhấn mạnh tầm quan trọng của việc bảo vệ và
thúc đẩy quyền con người. Chủ tịch Trương Tấn Sang thông báo với Tổng thống
Obama những nỗ lực và thành tựu của Việt Nam trong việc thúc đẩy quyền con
người, nhà nước pháp quyền và bảo vệ quyền của các tín đồ tôn giáo.
Chủ tịch Trương Tấn Sang cũng khẳng định
Việt Nam sẵn sàng ký Công ước chống tra tấn của Liên hợp quốc vào cuối năm nay
và tuyên bố Việt Nam sẽ mời Báo cáo viên Đặc biệt về Tự do tôn giáo và tín
ngưỡng vào năm 2014. Hai bên tái khẳng định cam kết ủng hộ Hiến chương Liên hợp
quốc và Tuyên ngôn thế giới về quyền con người”.
Như vậy, có thể nói thành
quả chuyến đi Mỹ của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang gần đúng như chúng tôi đã
nhận định trong bài Bình luận ngày 17-7-2013 với tiêu đề “MỤC ĐÍCH VÀ Ý NGHĨA
CHUYẾN ĐI TẦU VÀ ĐI MỸ CỦA CHỦ
TỊCH NƯỚC TRƯƠNG TẤN SANG”. Sau khi đã lần lượt trình bầy mục đích và ý
nghĩa chính thức được công bố, cũng như mục đích khác hơn đó là gì, chúng tôi
nêu câu hỏi: Vậy kết quả chuyến đi Mỹ
vào ngày 25 – 7 tới đây là gì?
Câu
trả lời tiên liệu là: “ chúng ta có thể suy đoán từ kết quả chuyến đi Tầu hơn một tháng trước
qua Bản Thông Cáo chung Việt- Trung. Nghĩa là kết thúc chuyến đi Mỹ của Chủ
tịch nước Trương Tấn Sang cũng sẽ là một Bản Thông Cáo Chung Việt – Mỹ. Nội
dung cũng sẽ có một số nhận định, lập trường và quan điểm đôi bên đồng thuận
hay còn khác biệt về ba lãnh vực đã được công bố và được nhiều người nhắc tới về Thương mại
mậu dịch, về an ninh quốc phòng và nhân
quyền (không đề cập trong Thông cáo chung Việt –Trung vì cùng chủng loại độc
tài toàn trị nhân quyền, dân quyền bị bác đoạt hay hạn chế) .”
“ -Về thương mại mậu dịch cũng như
an ninh quốc phòng chắc chắn
trong thông cáo chung Việt – Mỹ sẽ nói
lên sự đồng thuận như đã được thể hiện trong những năm qua và tiếp tục đẩy mạnh , tăng cường các hoạt động hợp tác, phát triển trong những năm tới. Để
thể hiện sự đồng thuận này, một số hiệp ước song phương có thể sẽ được ký kết
về quân sự, an ninh, quốc phòng (ở mức độ không làm mích lòng Tầu cộng), về
trao đổi thương mại, mậu dịch, đầu tư, khai tác tài nguyên trên biển và các lãnh vực khác trên các lãnh vực tương
tự như các hiệp ước hợp tác đã ký với Tầu cộng, coi như thành quả cụ thể của
chuyến đi Mỹ, để thăng bằng thế “Đi giây giữa Mỹ và Tầu cộng”.
“Riêng vấn đề nhậy cảm là vụ tranh chấp Biển Đông, Thông cáo chung chắc
chắn sẽ không đề cập đến hành động xâm lăng trắng trợn của Tầu cộng đối với các
hải đảo và lãnh thổ Việt Nam như trong thông cáo chung Việt cộng – Tầu cộng đã
lờ đi; song có thể đưa ra quan điểm chung chung là vấn đề tranh chấp Biển Đông
các bên cần tự chế, tránh xung đột quân sự, cần giải quyết hoà bình theo luật
pháp quốc tế và thúc đẩy các bên sớm hoàn thành bộ nguyên tắc ứng xử Biển Đông
mà khối các nước ASEAN đang nỗ lực hướng tới, Tầu cộng thì cố sức diên trì.
Còn
vấn đề nhân quyền, Thông cáo chung
Việt – Mỹ chắc chắn sẽ ghi nhận sự khác biệt quan điểm và phàn nàn theo ngôn
ngữ ngoại giao về những hành động vi pham nhân quyền của nhà cầm quyền Việt
cộng. Thế nhưng sự thể này chỉ có tính chiếu lệ, vì mặc dù có đòi hỏi quyết
liệt của giới dân cử và công luận các giới tại Hoa Kỳ, song không ảnh hưởng gì
trên thực tế đối với các nỗ lực hợp tác ngày càng phát triển giữa Hoa Kỳ và
Việt cộng trên các lãnh vực đầu tư thương mại mậu dịch, an ninh, quốc phòng.
Chính vì vậy mà các nhóm vận động nhân quyền cho Việt Nam ở Mỹ đã từng chỉ trích Tổng Thống Obama đã chìa tay hợp tác với Hà Nội
cho dù chưa được bằng chứng cải thiện về nhân quyền và tự do tôn giáo.
Vì thực ra vấn đề nhân quyền bao lâu nay
chính phủ Hoa Kỳ chỉ xử dụng như một chiêu bài để có chính nghĩa can thiệp vào
nội tình các nước mà Hoa Kỳ có lợi ích, để thuyết phục, lối kéo sự ủng hộ của
nhân dân, quốc hội Hoa Kỳ và công luận quốc tế. Đồng thời chỉ dùng nhân quyền
như một vũ khí tấn công các chính quyền độc tài nói chung, độc tài toàn trị
Việt cộng nói riêng, tạo áp lực để thành
đạt lợi ích nào đó.
Chính vì vậy mà Việt cộng mới giám ngang
nhiên thách thức công luận qua các hành đồng gia tăng đàn áp nhân dân, bắt bớ,
giam cầm các nhà đấu tranh cho dân chủ trong nước, bất chấp sự tô cáo, kết án
của Hoa Kỳ và công luận quốc tế, như mọi người đã thấy. Dường như Việt cộng đã
cố tình làm điều này để có giá mà cả trao đổi với Hoa Kỳ khi “ bắt là có tội bị
kết án”, rồi “thả ra là có công được khen là có tiến bộ”.Việc hoãn xử Ls. Lê
Quốc Quân tạo thuận lợi cho chuyến đi Mỹ của Ông TrươngTấn Sang phải chăng cũng
nằm trong ý đồ này của Việt cộng?”.
KẾT LUẬN:
Nếu chuyến đi Tầu của Chủ tịch nước Việt
cộng Trương Tấn Sang vào cuối tháng 6 năm 2013, dù về hình thức đã được Tầu
cộng đón tiếp trang trọng dành cho một quốc khách hàng nguyên thủ quốc gia ,
song về nội dung đã là một ‘Cái nhục mất
nước” với “thành quả” là đã phải
ký kết “10 hiệp định bán nước” lợi
bất cập hại cho Việt Nam; thì chuyền đi Mỹ
của Chủ tịch Nước Việt Cộng vào cuối tháng 7-2013 đã là một “cái nhục quốc thể” vì đã bị Mỹ coi
thường,(đích thân Tổng Thống Mỹ Obama đã
không đón chào mà chỉ có Đại Sứ Mỹ tại Việt Nam và một viên chức lễ tân của
Bạch cung đón chào tại sân bay ,không có các nghi thức ngoại giao trang trọng
vốn giành cho một nguyên thủ quốc gia, không mở yến tiệc khoản đãi tại Bạch
cung mà để cho Bộ Trưởng Ngoại Giao đãi ăn trưa tại Bộ Ngoại Giao…),với thành
quả chuyến đi chỉ là những “cam kết,
nhất trí tăng cường hợp tác” trên nguyên tắc , thay vì phải đạt được những
thành quả cụ thể, toàn diện, có tác dụng “xây dựng, phát triển toàn diện đất nước đến phú cường,
thống nhất được toàn lực quốc gia” để cứu nước và bảo vệ trước hiểm họa ngoại xâm.
Với
cách đón tiếp của Mỹ như thế và thành quả chuyến đi Mỹ của Chủ tịch nước Trương
Tấn Sang như vậy, phải chăng Hoa Kỳ
muốn cảnh cáo Việt cộng nếu muốn được Mỹ giúp đừng nên qua mặt Mỹ “chơi trò đi giây” vụng về như thế (đi Tầu không cho Mỹ hay lại ký kết đủ mặt,
đủ điều…) và muốn Mỹ làm đối trọng đỡ lưng cho mà thoát hiểm họa Tầu xâm
lược, thì thực tế phải biết nghe và làm theo những gì Mỹ muốn nơi một “công cụ chiến lược” trong vùng trong
chiến lược “xoay trục về Châu Á” của Mỹ.
Có lẽ vì vậy mà thành quả chuyến đi Mỹ
của Chủ tịch Nước Trương Tấn Sang mới chỉ thấy trên giấy trắng mực đen với
những “cam kết, nhất trí hợp tác”
trong tương lai được ghi trong bản Thông Cáo Chung Việt –Mỹ ngày 25-7-2013 vừa
qua, mà không thấy thành quả cụ thể nào, tương tự như “hậu quả” sau chuyến đi Tầu của người đứng đầu nhà nước Việt cộng (với 10 hiệp Ước song phương Việt- Trung
được ký kết)./.
Thiện Ý
Houston, ngày 27 Tháng 7 Năm 2013
No comments:
Post a Comment
Note: Only a member of this blog may post a comment.