Nhận định:
VÌ SAO ĐỨC GIÁO HOÀNG PHANXICÔ
CÓ SỨC THU HÚT VÀ ĐƯỢC NHIỀU NGƯỜI MẾN MỘ ?
Thiện Ý
Như vậy là chuyến đi, hay nói theo ngôn từ
Công giáo là chuyến tông du (du hành làm mục
vụ tông đồ) của Đức Giáo Hoàng Phanxicô (Francisco) đến hai nước Cu Ba và
Hoa Kỳ đã diễn ra trong 10 ngày qua (từ 19 đến 28-9-2015) và đã kết thúc tốt
đẹp.
Đây là chuyến
tông du lần thứ 10 và cũng là chuyến đi ra khỏi thánh địa Roma dài nhất cho đến
lúc này, với một chương trình làm việc bận rộn nhất (thực hiện 26 bài diễn
văn chính thức,cử hành các nghi lễ tôn giáo, thăm viếng nhiều nơi…) của vị đứng đầu Giáo Hội Công Giáo hoàn vũ. Năm nay,
Giáo Hoàng 78 tuổi, hai năm trước được Hồng Y đoàn bầu chọn lên ngôi vị Giáo
Hoàng (2013-2915), sau khi vị tiền nhiệm là Giáo Hoàng Benedicto 16 từ nhiệm vì lý do sức
khỏe; khi đó Ngài đang là Hồng Y Jorge Mario Bergoglio(J.M.BERGOGLIO) Tổng Giám
Mục Tổng Giáo Phận Buenos Aires thủ đô nước Argentina, Nam Mỹ thuộc vùng Châu
Mỹ La tinh là một trong những vùng nghèo đói, chậm phát triển trên thế giới; và
cũng là nơi phát sinh những tư tưởng thần học cấp tiến thường gọi là “Thần học
giải phóng”, không được Giáo Hội Công Giáo thừa nhận vì không phù hợp với nền
thần học vốn có của Giáo Hội.
Trong chuyến tông du
dài ngày đầy ấn tượng và mang tính biểu
tượng nối kết (Cuba & Hoa kỳ sau
nhiều thập niên cắt đứt quan hệ, mà Giáo Hoàng là trung giai hòa giải), qua
hình ảnh, bài viết được phổ biến rộng rãi trên các phương tiện truyền thông (truyền hình, truyền thanh, báo chí,
internet…)cho thấy,Giáo Hoàng Phanxicô đã được sự đón tiếp nồng nhiệt của
các vị lãnh đạo hàng đầu hai nước Cuba (Anh
em Chủ tịch và cựu Chủ tịch nhà họ Castro…)
và Hoa Kỳ (Tổng Thống Barrack Obama, Phó
Tổng Thống Biden, Chủ tịch Thượng, Hạ viện và các Thượng nghị sĩ dân biểu Hoa
Kỳ…), với những nghi thức trang trọng đặc biệt hơn cả vốn dành cho các quốc trưởng từng đến thăm các quốc gia
này. Đồng thời, ở tất cả những nơi Giáo Hoàng Phanxicô đến đọc diễn văn (Nhà
Trắng vào ngày 23/09, Quốc Hội
lưỡng viện ngày 24/09, trước Đại Hội Đồng LHQ ngày 25/09 và bài cám
ơn dành cho các nhà tổ chức chuyến thăm ở Philadelphia vào ngày 27/09 nhân bế
mạc Đại Hội Gia Đình Thế giới lần thứ Tám… ), hay xuất hiện bất cứ nơi
công cộng nào, đều có sự tụ tập đồng người, có nơi lên tới hàng triệu người (27-9-2015 tại Đại Hội Gia Đình Công Giáo lần
thứ 8 tại Philadelphia) nồng nhiệt
chào đón và hô vang những lời vinh danh, tán tụng Ngài như là “vị Giáo Hoàng chưa bao giờ có”; trong
đó đông đảo nhất là các tín đồ Công Giáo đã đành, mà còn có cả không ít những
người khác tôn giáo.Tất cả những biểu hiện này cho thấy Giáo Hoàng Phanxicô đã có sức thu hút công
chúng, được nhiều người Công Giáo cũng như khác đạo quan tâm, mến mộ. Vì sao?
Theo nhận định của
chúng tôi và có lẽ cũng của nhiều người trong cũng như ngoài đạo Công Giáo, sở dĩ Giáo
Hoàng Phanxicô có sức thu hút và được nhiều người mến mộ vì qua nhân cách, đời
sống tu đức và những việc làm trước cũng như sau khi được bầu vào ngôi vị Giáo
Hoàng đã cho thấy, Ngài là một nhà cách mạng tôn giáo và cách mạng xã hội.Thêm
vào đó, còn là vì vị thế của Giáo Hội Công Giáo có tầm ảnh hưởng rộng lớn,
nhiều mặt trên thế giới, mà Giáo Hoàng
Phanxicô là người lãnh đạo tối cao.
1.- Giáo Hoàng Phanxicô là một nhà cách
mạng tôn giáo, vì kể từ khi được bầu chọn là người đứng đầu giáo hội Công Giáo,
Ngài đã lãnh đạo giáo hội theo chiều hướng canh tân nhiều mặt để diễn tả đúng
khuôn mặt của Đấng Cứu Thế và thể hiện
đúng sứ vụ Giáo Hội mà Ngài đã thiết lập trước khi về Trời cách nay hơn 2015
năm, là rao giảng Tin Mừng Ơn Cứu Độ cho
muôn dân, chứ không riêng cho khoảng 1.3 tỷ tín đồ Công Giáo hiện nay.
Sự canh tân giáo hội đã và đang tiếp tục
được Giáo Hoàng Phanxicô thực hiện trên bốn lãnh vực:
Một là canh tân về cơ cấu tổ chức và nhân sự điều hành
giáo hội trung ương và các giáo hội địa phương, Giáo Hoàng Phanxicô
đã không ngại loại bỏ các bộ phân thừa, thay thế nhân sự tiêu cực, thiệt lập cơ
quan mới, nhân sự mới tích cực, hiệu quả hơn (như trong lãnh vực tài chánh, ngân hàng của Giáo Hội từng gây nhiều tai
tiếng…); canh tân theo hướng thanh tẩy, tiết kiệm, không có tính phô
trương, theo hướng dồn của cải, nỗ lực phục vụ con người, nhất là những con
người nghèo khó, không riêng gì tín đồ.
Hai
là canh tân đời sống tu đức và cung cách làm mục vụ tông đồ của các tu sĩ thuộc
mọi phẩm trật hội thánh như Linh mục, Giám mục, Hồng Y và cả Giáo Hoàng, sao cho đúng phẩm chất và sứ vụ môn đồ của Chúa: sống đơn
sơ, khó nghèo, quên mình, tận hiến phục vụ tha nhân, nhất là những tha nhân nghèo
yếu, sa cơ thất thế trong xã hội, như xưa kia Chúa Cứu Thế từng quan tâm hàng
đầu đến thành phần này trong xã hội.
Như một mẫu mực làm gương, chính đời sống tu
đức và cung cách làm mục vụ tông đồ của Giáo Hoàng Phanxicô đã thể hiện phẩm
chất này ngay từ khi bước vào đời sống tu trì làm môn đồ của Chúa.Điển hình khi
làm Tổng Giám Mục Tổng Giáo Phận Buenos
Aires thủ đô nước Argentina, Hồng Y
J.M.BERGOGLIO đã không dọn vào ở và làm việc trong Tòa Giám Mục rộng rãi cao
sang, có người hầu cận, phục dịch, mà tiếp tục ở một căn hộ chung cư, tự phục
vụ, ngày ngày đón xe buýt đến làm việc tại Tòa Giám Mục và vẫn giữ thói quen
thăm viếng, sống gần gũi, chia xẻ với những người nghèo khó. Sau khi được bầu
chọn là Giáo Hoàng, Ngài chọn thánh hiệu Phanxicô như tiêu chí phục vụ trong
cương vị Giáo Hoàng, theo gương một vị đã nên thánh vì suốt đời phục vụ quên
mình cho tha nhân nghèo khó, bằng tình
yêu thương, bác ái, vị tha. Ngài cũng từ chối ở căn phòng dành cho Giáo Hoàng
sống và làm việc trền tấng cao nhất Biệt điện, để ở căn phòng lầu dưới dành cho
các Hồng Y làm việc trong các cơ quan của Tòa Thánh, rồi cùng đến ăn chung
trong nhà ăn tập thể với các chức sắc Tòa Thánh.Đồng thời Ngài vẫn thể hiện
phẩm chất tu đức, cung cách làm mục vụ qua một số việc làm, phẩm phục, lễ phục,
nghi thức khác với các vì Giáo Hoàng tiền nhiệm, vượt qua truyền thống nặng
tính vương quyền, sa hoa, xa cách của Giáo Hội. Một vài việc làm tiêu biểu như
tự mình đến khách sạn tá túc trước khi được bầu làm Giáo Hoàng để trực tiếp
thanh toán tiền phòng, lấy đồ dùng cá nhân và cảm ơn nhân viên phục vụ khách sạn; thăm viếng các tù nhân làm nghi thức rửa
chân trong nhà tù nhân lễ Phục sinh, hay dùng bữa ăn với người vô gia cư, thăm
viếng trại tù, tiếp xúc tự nhiên,thân mật ngoài dự liệu với quần chúng mỗi khi
có dịp, như trong chuyến đi Hoa Kỳ vừa qua.v.v…. Ngoài ra, còn nhiều việc làm
khác trong hai năm qua ở ngôi vị Giáo
Hoàng, Ngài đã thể hiện phẩm chất về mặt tu đức của
một tu sĩ,cung cách phục vụ và làm mục vụ của một Giáo Hoàng. Bởi vì Ngài muốn
nêu gương cho không ít các đấng bậc Hội Thánh bao lâu nay đã xa rời phẩm chất bình
dân, cởi mở này, cần được “Canh tân về nguồn”. Giáo Hoàng Phanxicô đã hơn một
lần nhắc nhở và nói thẳng với các vị tu sĩ, linh mục, giám mục có đời sống
vương giả, thừa tiện nghi, xử dụng những loại xe đắt tiền, rằng hãy nghĩ đến những
người anh em nghèo khó đói ăn, thiếu mặc, mà thay đổi cách sống sao cho đúng
phẩm chất môn đồ của Chúa, thức hiện Phúc Âm của Chúa, rằng “Ta đến thế gian để phục vụ, chứ không phải để được phục vụ”. Đối
với các tu sĩ Linh mục, Giám mục tha hóa Ngài đưa ra biện pháp chế tài dứt
khoát theo giáo luật, không bao che như đã từng được bao che trước đây (Như vấn đề ấu dâm, sống đời hai mặt vi phạm
luật độc thân của một số Linh mục, tu sĩ…).
Ba
là canh tân đời sống đức tin của các tín hữu trong cộng đồng dân Chúa,
bằng việc không ngừng kêu
gọi tín đồ vượt ra khỏi lối sống ích kỷ, chỉ giữ đạo (vụ lợi cho mình) chứ không hành đạo (thực hành Phúc Âm đem lại lợi ích cho tha nhân), hãy sống bác ái (sống
đạo vị tha), là yêu thương chia xẻ cơm áo, hạnh phúc với những người cùng
khổ, thực hành Phúc Âm của Chúa rằng hãy “thương
yêu anh em như chính mình”, không phải chỉ với những anh em đồng đạo, mà
thương yêu, chia xẻ với mọi người. Vì theo đức tin Công Giáo, mọi người đều là
anh em,đều là thụ tạo của Thượng Đế và Ngôi Hai Thiên Chúa giáng trần là để cứu
chuộc toàn thể nhân loại qua mọi thời đại, chứ không riêng gì cho những người
Công Giáo.
Bốn là canh tân về mặt tín lý, dù vẫn trung thành với các
tín điều bất khả ngộ của Giáo Hội. Chẳng hạn, theo sự hiểu biết của
chúng tôi, Giáo Hoàng Phanxicô đã đưa ra một cái nhìn cảm thông với những người
đồng tính sống chung, các trường hợp ly hôn, phá thai, dù vẫn giữ vững tín điều
chỉ công nhận hôn nhân lưỡng tính, vẫn coi việc ly hôn, phá thai là tội vi phạm
Thiên luật và Giáo luật. Sự cảm thông được thể hiện qua việc cho phép các Tòa
án giáo quyền và các Linh mục quyền rộng rãi giải quyết hậu quả đối với các tín
hữu vi phạm,theo hoàn cảnh với những điều kiện cần và đủ để mở ra chứ không
thắt lại, giúp cho những người lỡ phạm tội, muốn thoát ra với tâm tình ăn năn, ý
hướng không tái phạm, có cơ hội an tâm sống hạnh phúc trong đức tin, không bị
loại bỏ khỏi Giáo hội như trước đây.Nói cách khác, sự cảm thông của Giáo hội được thực hiện như một ơn đại xá tập thể cho các tín đồ nào
trong quá khứ, đã lỡ phạm các tội theo Giáo luật, bị tách ra khỏi đời sống đức
tin (vạ tuyệt thông), nay có cơ hội
trở lại cuộc sống đức tin bình thường; và trong tương lai, nếu tín hữu nào lỡ
vấp phạm loại tội phạm trên cũng sẽ được các thẩm quyền của Giáo hội xét định
tội, giải quyết từng trường hợp một cách cảm thông chứ không khắt khe, cứng
ngắc như trước đây.
2.- Mặt khác, Giáo Hoàng
Phanxicô còn là một nhà cách mạng xã hội, vì sau khi trở thành Giáo Hoàng, Ngài không ngừng đưa ra những thông
điệp cho thấy ý hướng đòi hỏi, không riêng gì cho các tín đồ và các phẩm trật
Hội thánh, mà cho mọi người, nhất là những người lãnh đạo các quốc gia trên thế
giới, tùy theo vị thế, khả năng hãy hành động góp phần kiến tạo một xã hội công
bình, bác ái, vị tha, bằng sự chia xẻ cơm áo và hạnh phúc của người giầu cho
người nghèo. Từ Roma hay trong những
chuyến tông du đến các nước, gần nhất là chuyến công du 10 ngày qua tại hai
nước Cuba (Một trong những nước nghèo
yếu, độc tài nhất thế giới) và Hoa Kỳ (một
trong những nước giầu mạnh, dân chủ nhất thế giới), đi đến đâu Giáo Hoàng
Phanxicô đều mạnh mẽ lên tiếng và tha thiết mời gọi mọi người, nhất là những
người lãnh đạo các quốc gia, những người giấu có, cùng hợp tác kiến tạo một xã
hội tốt đẹp và ngày càng tốt đẹp hơn cho mọi người sống chung, với sự quan tâm
đặc biệt đến số phận của những con người yếu thế, nghèo khó, kém may mắn trong
xã hội. Một đôi lần, Giáo Hoàng Phanxicô cũng đã lên tiếng phàn nàn về những
nhà tư bản quá ích kỷ, chỉ quan tâm đến lợi nhuận và bằng mọi cách thủ đắc nhiều lợi nhuận, lạnh
lùng trước đời sống cùng khổ của những người nghèo yếu, tạo ra một nền văn hóa
chết trong xã hội tư bản.
3.- Sau cùng Giáo Hoàng
Phanxicô có sức thu hút và được nhiều ngươi mến mộ, ngoài sự thôi thúc của niềm
tin tôn giáo (là sự sùng kính của tín đồ
đối với các vị đứng đầu Giáo Hội được tôn xưng là Đức Thánh Cha với ý nghĩa là
người cha thánh thiện, hoàn hảo, chứ không phải là thánh sống), sự hiếu kỳ của những
người khác tôn giáo, còn là vì vị thế của Giáo Hội Công Giáo có tầm ảnh hưởng rộng lớn, nhiều mặt trên
thế giới, mà Giáo Hoàng Phanxicô là
người lãnh đạo tối cao.
Thật vậy, Giáo Hội Công Giáo không phải là
quốc gia, nhưng có tổ chức và hoạt động đối nội, đối ngoại như một nhà nước tôn
giáo, nhà nước Vatican.
Bởi vì, Giáo Hội Công Giáo cũng có quốc kỳ, quốc ca riêng dù lãnh thổ thuộc
nước Ý, song Giáo Hội có quyền sở hữu và chủ quyền lãnh thổ chưa đầy 1 cây số
vuông, nằm phía Tây Bắc thủ đô Roma của nước Ý, dân cư khoảng một ngàn người,
số đông là những chức sắc và nhân viên đa quốc tịch làm việc trong các cơ quan
của Tòa Thánh dưới sự lãnh đạo tối cao của Giáo Hoàng chăm lo đời sống đức tin
cho khoảng 1.3 tỷ tín đồ trên khắp thế giới.Giáo Hội Công Giáo cũng có Quốc Vụ
Khanh đóng vai Thủ Tưởng với các Bộ
Trưởng, cơ quan hành chánh, chỉ không có quân đội riêng; có nhận đại sứ các
nước và cử sứ thần đại diện tòa thánh ở nhiều nước có quan hệ ngoại giao trên
thế giới. Từ vị thế và tính chất đặc biệt của “một quốc gia không phải là quốc
gia”, Giáo Hội Công Giáo đã có ảnh hưởng chính trị và tôn giáo nhiều nước trên
thế giới trong hiện tại cũng như trong qua khứ xa gần
Nói tóm lại, Giáo Hoàng Phanxicô có sức
thu hút quần chúng và được nhiều người mến mộ vì tính cấp tiến về mặt tôn giáo
cũng như xã hội nên có thể coi Ngài như là một nhà cách mạng tôn giáo và cách
mạng xã hội. Trên thực tế Ngài đã thể hiện tính cấp tiến và cách mạng đó qua
các việc làm theo chiều hướng canh tân Giáo Hội cũng như các hoạt động thúc
đẩy mọi người góp phần kiên tạo một xã
hội tự do, công bình, bác ái, đem lại ấm no, hạnh phúc cho mọi người giầu cũng
như nghèo sống chung. Chính những quan
đểm và hành động cấp tiến theo chiều hướng này mà Giáo Hoàng Phanxicô đã bị một
số kẻ gán cho là người chịu ảnh hưởng tư tưởng “Thần Học Giải Phóng” về mặt đức
tin tôn giáo và khuynh tả theo chủ nghĩa xã hội về mặt chính
trị, xã hội…
Chính
những quan điểm và các hoạt động theo chiều hướng cấp tiến mang tính cách mạng trên
đã không tránh khỏi đụng chạm đến những thành phần tu sĩ phẩm trật hội thánh
thủ cựu quen sống trong tháp ngà giáo đường, các giáo dân và những người giầu
có trong cũng như ngoài đạo, đang có cuộc sống ích kỷ và lối sống vụ lợi, ngược
chiều, không muốn thay đổi bất lợi cho họ, có thể trở thành nguy cơ cho Giáo
Hoàng cách mạng có hành động cải cách, nguy cơ từ nội bộ Giáo Hội và nguy cơ từ
bên ngoài Giáo Hội.
Chính vì những nguy cơ nội ngoại tiềm ẩn
này, mà những người có trách nhiệm bảo vệ Giáo Hoàng Phanxicô tại Vatican, cũng
như trong các chuyến Tông du đến các nước, chính quyền sở tại luôn đặt vấn đề
an ninh lên hàng đầu, dù phải tốn kém bao nhiêu (như chi khoảng 24 triệu dollas tại Hoa Kỳ cho chuyến đi đến Hoa Kỳ vừa
qua), đề bảo vệ an toàn mạng sống cho vị Giáo Hoàng thường có những hành
động thân dân bất ngờ trước những đám đông nồng nhiện chào đón Ngài. Thế nhưng,
dường như Giáo Hoàng Phanxicô đã không quan tâm đến những hiểm nguy đang chờ
Ngài, mà đã đặt hết niềm tin phó thác nơi Chúa Quan Phòng cho công việc canh
tân thanh tẩy Giáo Hội và thúc đẩy cho việc kiến tạo một xã hội công bình, bác
ái, vị tha và đầy yêu thương cho con người, không chỉ những người tin Chúa, với
cái nhìn nhân bản trong đức tin rằng mọi người đều là con cái Thượng Đế. Vì
vậy, trọng các chuyền tông du bên ngoài hay tiếp súc với công chúng tín hữu tại
nội địa Tòa Thánh Vatican, Giáo Hoàng thường thích đi xe mui trần hơn là có
kính chắn đạn, để tiện tiếp xúc với quần chúng là thế.
Cầu chúc Đức Giáo Hoàng Phanxicô thành
công trong sự vụ canh tân Giáo Hội Công Giáo ngày càng tốt đệp hơn và thành công trong nỗ lực góp phần kiến tạo một
xã hội công bình, bác ái, yêu thương, trong đó người giầu cũng như nghèo sống chung
hài hòa, biết chia xẻ cơm áo và hạnh phúc riêng cũng như chung cho nhau./.
Thiện Ý
Houston,
ngày 01-10-2015