THỰC CHẤT MỐI QUAN HỆ
TRUNG-TRIỀU TRÊN HỒ SƠ HẠT NHÂN BẮC TRIỀU TIÊN.
Thiện Ý
Tin tổng hợp giới
truyền thông quốc tế cho hay, ngày 1-6-2016 vừa qua, ông Ri Su-yong, vụ trưởng
phụ trách quan hệ quốc tế của đảng Lao Động Triều Tiên, ủy viên Bộ Chính Trị đã
đến thăm Bắc Kinh và được Chủ Tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tiếp kiến. Đây là lần đầu tiên kể từ tháng
05/2013, chủ tịch Trung Quốc tiếp một nhân vật cấp cao của Bắc Triều Tiên.
Mục đích chính
thức của sứ giả Bình Nhưỡng đến Bắc Kinh nói là để thông báo cho Chủ tịch Trung
Quốc về kết quả Đại hội đảng Lao Động Triều Tiên lần thứ bẩy, được tổ chức hồi
tháng Năm vừa qua, dù Trung Quốc đã không cử một quan chức cao cấp nào tới dự
đại hội này.
Theo
nhận định chung của giới truyền thông và các nhà quan sát quốc tế thì chuyến đi
này gọi là để xoa dịu “mối quan hệ lạnh
nhạt” giữa Trung-Triều bao lâu nay liên quan đến các cuộc thử nghiệp vũ khí hạt
nhân; mà sự kiện gần nhất gây thêm căng
thẳng là Trung Quốc đã tham gia các biện pháp trừng phạt gắt gao hơn của Liên Hiệp
Quốc đối với các hành động liên tiếp thử nghiệm hạt nhân lần thứ tư (tháng
1-2016) và phóng thử tên lửa đạn đạo tầm xa một tháng sau đó.
Thế
nhưng theo nhận định của chúng tôi, “mối quan hệ lạnh nhạt” hay sự “căng thẳng trong quan hệ Trung Triều” từ lâu này có tính giả tạo. Vì thực chất mối
quan hệ Trung-Triều không hẳn là như vậy. Vì từ lâu Trung Cộng trước sau gì chỉ
coi Hàn cộng như là một công cụ chiến lược để thực hiện đối sách hai mặt “Lá mặt, lá trái” của Bắc Kinh, nhằm
thủ lợi.
Lá
mặt là Trung Quốc bề ngoài cố tạo ra cho
chế độ Bắc Triều Tiên “bộ mặt độc lập tự
chủ” và mối quan hệ Trung-Triều là quan hệ bình đẳng giữa hai quốc gia có
chủ quyền. Do đó vẫn đã, đang và sẽ có thêm nhiều mâu thuẫn giả tạo trong quan
hệ giữa Bắc Kinh và Bình Nhưỡng; và để giải quyết những mâu thuẫn này đảng và
nhà cầm quyền Trung Quốc vẫn phải tỏ ra có nhiều khó khăn, cần nhiều nỗ lực thuyết
phục, áp lực theo đường lối ngoại giao thông thường hay đặc biệt, chứ không thể
ra lệnh, ép buộc đảng và nhà cầm quyền Bắc Triều Tiên như một công cụ. Nhưng
tất cả chỉ là những động tác giả nhằm che đậy “Lá trái”.
Lá
trái là thực chất mối quan hệ Trung -Triều là quan hệ bất bình đẳng và lệ thuộc
toàn diện. Từ quá khứ trong chiến tranh ý thức hệ, đến hiện tại trong chiến
lược toàn cầu mới, Bình Nhưỡng chỉ có
chủ quyền trên nguyên tắc,lệ thuộc toàn diện chính trị, kinh tế, quân sự quốc
phòng vào chế độ Bắc Kinh trên thực tế. Chính sự lệ thuộc này đã biến Bình Nhưỡng thành công cụ chiến lược một thời của Trung Quốc trong quá
khứ cũng như hiện tại.
Hiện
tại thực hiện đối sách “Lá mặt, lá trái” trên hồ sơ hạt nhân
của Bình Nhưỡng, Bắc Kinh bề ngoài bao lâu nay luôn tỏ ra không tán đồng, chống
đối gay gắt và tham gia có mức độ, lúc mạnh, lúc yếu,các biện pháp trừng phạt
của Liên Hiệp Quốc đối với các hành động thử nghiệm vũ khí hạt nhân và tên lửa đạn
đạo của Bình Nhương. Thế nhưng bên trong, từ lâu dường như chính Trung Quốc đã là
nước duy nhất bao che, hổ trợ hay làm thay
để Triều Tiên có được và trở thành nước có vũ khí hạt nhân với hai ý đồ:
-
Một là để Bình Nhưỡng dùng vũ khí hạt nhân hù dọa theo kiểu “Chén sành đổi chén
kiểu” để “tống tiền” Hoa Kỳ và các nước giầu có trong vùng như Nhật Bản, Hàn Quốc hay quốc tế nói chung (nhận
viện trợ để đổi lại việc ngưng các cuộc thử nghiệp hạt nhân…)
- Hai là để Bắc Kinh có điều kiện và cơ hội
được quốc tế phải cầu cạnh như một nước duy nhất ảnh hưởng được đối với Bình
Nhưỡng, để có thế làm cao giá mặc cả thủ lợi, khi được yêu cầu đứng ra làm
trung gian triệu tập các hội nghị đa phương với Bình Nhưỡng. Ví dụ các hội nghị
sáu bên (Liên Hiệp Quốc, Hoa Kỳ, Nhật Bản, Nam Hàn, Trung Quốc với Bắc Triều
Tiên) trong quá khứ để giải quyết vấn đề thử nghiệm hạt nhân của Bình Nhưỡng.
Thế nhưng sau vài lần vẫn chưa thành. Phải chăng vì vai trò trung gian vẫn còn
giá trị lợi dụng đối với Trung Quốc, hay chưa đến lúc đủ lợi cho phép công cụ
của mình chấp nhận bất cứ giải pháp nào liên quan đến thử nghiệm hạt nhân của
Bình Nhưỡng ?
Tất
cả những suy luận trên đây của chúng tôi đều dựa trên quan sát diễn biến các sự kiện thực
tế: rằng một chế độ độc tài toàn trị nhỏ yếu, tự cô lập trong nhiều thập niên
qua (1948-2016) với thế giới bên ngoài, kinh tế nghèo nàn và lạc hậu, đa số nhân
dân sống trong cảnh lầm than, chết đói, chết lạnh thường xuyên; tương phản với
đời sống sa hoa, no thừa của giai cấp thống trị và những thành phần dân chúng
được tuyển chọn để có hình ảnh khoa
trương lừa bịp với thế giới bên ngoài, thì làm sao có thể tự tồn trong nhiều
thập niên qua, lại có thể tự chế tạo ra được vũ khí hạt nhân, tên lửa tầm
trung, tâm xa, cũng như trang bị nhiều khí tài quân sự hiên đại phô trương sức
mạnh quân sự, quốc phòng của Bình Nhưỡng …nếu không có vai trò chủ yếu nuôi
sống, hổ trợ mọi mặt chế độ này của Trung Quốc. Vì vậy chúng tôi cho rằng chế
độ cộng sản Bắc Triều Tiên tồn tại được trong nhiều thập niên qua là dựa chủ
yếu vào Trung Quốc và việc chế độ Bình Nhưỡng có được vũ khí hạt nhân và các
tên lửa đạn đạo không phải do khả năng tự thân nghiên cứu, điều chế, tích lũy chất
liệu chế tạo vũ khí hạt nhân và các nguyên liệu chế tạo các tên lửa tầm trung
và tầm xa.
Thực
tế, theo suy đoán của chúng tôi, có thể là Trung Quốc từ lâu đã âm thầm huấn
luyện nhân sự, cung câp kỹ thuật, chất plutonium và các nguyên vật liệu (hoặc Trung
Quốc đã làm thay tất cả rồi bán lại hay viện trợ) để Bình Nhưỡng có được vũ khí
hạt nhân và các tên lửa đạn đạo. Trong giai đoạn đầu mọi sự chuẩn bị có thể đã được
thực hiện ngay trên đất Trung Quốc để tránh sự phát hiện của Hoa Kỳ, Liên Hiệp
Quốc và quốc tế. Sau đó, bước vào giai đoạn thử nghiệm, bắt đầu thiết lập cơ sở
chế tạo ở nội địa Bắc Triếu Tiên để vào thời điểm thích hợp bắt đầu cho thử nghiệm như chuyện đã rồi, cố ý
cho Hoa Kỳ và quốc tế biết, để khởi sự thực hiện ý đồ dùng vũ khí hạt nhân để hù dọa, “tống tiền” Hoa Kỳ
và quốc tế ( với Bình Nhưỡng) và thủ lợi
(với cả Bắc Kinh).
Thời
điểm thích hợp đó là vào đúng ngày Quốc Khánh Hoa Kỳ July 4Th năm
2006, Bắc Hàn đã phóng thử ít nhất là 6
hỏa tiễn trong đó có 5 hỏa tiễn tầm trung và một hỏa tiễn tầm xa Taepodong-2 mà
tầm bắn là 6000 Km, tức có thể phóng tới nhiều phần đất của Hoa Kỳ. Ba tháng
sau, vào ngày Mùng 9 tháng 10 năm 2006 Bắc Hàn
lại thực hiện một cuộc thử nghiệm bom nguyên tử đầu tiên tại
một địa điểm phía Bắc của tỉnh Hamkyon,
một vùng thuộc Miền Đông Bắc xa xôi của Bắc Hàn, cách biên giới Trung Quốc
khỏang 120Km.
Theo
thống tấn xã Bắc Hàn KCNA thì vụ nổ lúc đó được thực hiện ngầm dưới đất và đã thành công mà không có sự rò rỉ phóng
xạ. Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc đã họp, nhưng không đạt được thống nhất về một biện pháp chế tài
mạnh mẽ nào đối với Bắc Hàn vì có sự ngăn cản của Nga và Trung Quốc. Trung quốc
dù cũng lên án việc thử vũ khí nguyên tử, nhưng vẫn kêu gọi Bắc Hàn trở lại bàn
đàm phán và không chấp nhận biện pháp trừng phạt quân sự đối
với Bắc Hàn. Phát ngôn nhân Bộ Ngọai Giao Trung Quốc Lưu Kiến Siêu khi đó nói “ Chúng tôi kiên quyết
phản đối dùng quân sự để giải quyết việc trang bị vũ khí nguyên tử trên bán đảo
Triều Tiên. Đó là quan điểm trước sau như một của chúng tôi”. Mãi sau này,
khi Bình Nhưỡng gia tăng các cuộc thử nghiệm hạt nhân, Bắc Kinh mới miễn cưỡng
tham gia (lá mặt), song vẫn ngầm hổ trợ (lá trái)
Thế nên từ đó đến
nay Bắc Hàn đã tiếp tục tất cả bốn cuộc thử nghiệp hạt nhân, không kể các cuộc
thử nghiệm tên lửa đạn đạo tầm trung và tầm xa.Mặc dầu Liên Hiệp Quốc đã áp đặt
lệnh trừng phạt với mức độ ngày càng nặng nề hơn sau mổi lần thử nghiệm hạt
nhân, nhưng Bình Nhưỡng vẫn tỏ ra không nao nứng. Trái lại gần đây nhất, Bình
Nhưỡng còn thể hiện thách thức bằng sự khẳng
định trong nghị quyết đại hội 7 của đảng LĐTT và được ông Ri Su-yong sứ giả
Bình Nhưỡng nhắc lại khi đến Bắc Kinh gặp Tập Cận Bình, rằng Bắc Triều Tiên đã
quyết định « tiến hành đồng thời xây dựng kinh tế và lực lượng hạt nhân ».
Đồng thời, trên thực tế Cơ quan giám sát hạt nhân của Liên Hiệp Quốc mới đây
còn cho biết, Bắc Triều Tiên dường như đã mở cửa trở lại và tái tục hoạt động
tại một nhà máy ở Yongbyon để sản xuất plutonium từ nhiên liệu lò phản ứng hạt
nhân đã qua sử dụng. để tái xử lý plutonium, một dấu hiệu cho thấy nước cộng
sản này đang mở rộng nỗ lực sản xuất vũ khí hạt nhân của mình.Nghĩa là Bình
Nhưỡng vẫn tiến hành các vụ thử nghiệm vũ khí hạt nhân, bất chấp mọi biện pháp
trừng phạt của Liên Hiệp Quốc. Trong khi Bắc Kinh thì vẫn tiếp tục đối sách lập
lờ hai mặt “lá mặt lá trái”.
Theo Ông Shi
Yong-ming, thuộc Viện Nghiên Cứu Quốc Tế Trung Quốc, thì dường như nguyên thủ
Trung Quốc đã tỏ thái độ cứng rắn trong vấn đề hạt nhân (giả tạo). Thế nhưng dù
Bắc Kinh lên án việc phát triển vũ khí hạt nhân (giả tạo), nhưng đồng thời vẫn nói
với Bắc Triều Tiên là hai nước vẫn có thể có quan hệ tốt đẹp (thực chất).
Xã luận của Nhân
Dân nhật báo đã đưa ra một lập luận mới của Bắc Kinh, rằng Trung Quốc chống các
vụ thử tên lửa và hạt nhân của Bắc Triều Tiên vì là mối đe dọa tính mạng của
hàng triệu người Trung Quốc (giả tạo) ; song Bắc Triều Tiên chỉ tìm cách phục
vụ tối đa các lợi ích chiến lược của mình (thực chất).
Thành ra, chuyến thăm Bắc Kinh của sứ giả Bắc Triều
Tiên không phải là một sự hòa giải thực sự giữa hai nước .Vì thực tế Bình
Nhưỡng vẫn không từ bỏ chương trình hạt nhân và Trung Quốc chỉ lên án bề ngoài, ngầm hổ trợ thì có gì đâu phải hòa
giải.Đồng thời cũng không như nhận định
của giới chuyên gia Trung Quốc , rằng « sẽ không thỏa hiệp và mối quan hệ song
phương sẽ không tiến triển chừng nào Bắc Triều Tiên không thay đổi ý kiến
» về thử nghiệm hạt nhân.
Đến đây có lẽ ai cũng hiểu,vì sao chế độ Bắc
Triều Tiên giám ngoan cố và tiếp tục có hành động ngang ngược, thách thức quốc
tế như vậy, nếu không phải vì Bắc Kinh đã, đang và tiếp tục là chỗ dựa vững
chắc của Bình Nhưỡng.Và như thế mọi biểu hiện mâu thuẫn trong quan hệ giữa Bắc
Kinh và Bình Nhưỡng, nhất là trên hồ sơ hạt nhân của Bình Nhưỡng, đều mang tính
giả tạo. Vì nó không đúng với thực chất mối quan hệ bao lâu nay,giữa một cường
quốc đại Hán theo chủ nghĩa bá quyền (Trung Quốc) đất rộng (9.632.790 km2),
người đông, (khoảng 1 tỷ 300 triệu) đầy tham vọng bá quyền, với một tiểu nhược
quốc láng giềng có “sông liền sông, núi liền núi” (Bắc Triều Tiên), đất hẹp
(122.762 km2), ít người (khoảng 40 triệu) tự cô lập với thế giới, từ quá khứ
đến hiện tại luôn lệ thuộc mọi mặt và là công cụ của cường quốc này để sống
còn.
Thiện Ý
Houston, ngày 9 tháng 6 năm 2016
No comments:
Post a Comment
Note: Only a member of this blog may post a comment.