Tuesday, November 27, 2018

THÁNG 11 NGHĨ VỀ HIẾN PHÁP VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HÒA 1946.



THÁNG 11 NGHĨ VỀ HIẾN PHÁP VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HÒA 1946.

Thiện Ý

Trong bài trước, chúng tôi đã viết về nền cộng hoà được xác lập và thực hiện đầu tiên tại Việt Nam là bản Hiến Pháp Việt Nam Cộng Hoà ban hành ngày 26-10-1956 tại Miền Nam Việt Nam. Mặc dầu trước đó, tại Việt Nam đã có một bản Hiến pháp Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa được Quốc hội liên hiệp Quốc-Cộng thông qua ngày 9/ 11/ 1946, tuy có xây dựng trên nền tảng cộng hòa thật, theo đúng ý nghĩa chân chính của từ ngữ cộng hòa, nhưng chưa bao giờ được thực thi, nên chưa có giá trị pháp lý và thực tế, mà chỉ mang ý nghĩa lịch sử và chính trị. Vì sao?
Bài viết lần lượt trình bày:
-         Bối cảnh lịch sử và sự hình thành Hiến pháp Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa 1946.
-         Nội dung Hiến pháp Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa 1946
-         Nhận định và so sánh giá trị lập hiến của Hiến pháp 1946 với các bản Hiến pháp sau đó của đảng cộng sản Việt Nam.

I/- BỐI CẢNH LỊCH SỬ VÀ SỰ HÌNH THÀNH HIẾN PHÁP VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HÒA  1946.

1.- Bối cảnh lịch sử.
     Theo sử liệu tổng hợp, thì ngày 11-3-1945 tức ngày 27 tháng Giêng năm Bảo Đại thứ 20, Nhật đã trao trả độc lập cho vua Bảo Đại. Sau đó chính phủ quốc gia Trần Trọng Kim được thành lập.

Tháng 8 năm 1945, lợi dụng tình hình tranh tối tranh sáng, sự rụt rè của chính quyền quốc gia Trần Trọng Kim và sự phân tán của các chính đảng quốc gia,  đảng Cộng sản Việt Nam (CSVN)  nhờ tính tổ chức cao và kinh nghiệm đấu tranh lật đổ, đã cướp được chính quyền từ tay chính quyền chính thống quốc gia Trần Trọng Kim mới tiếp nhận độc lập từ tay Nhật chưa đầy 6 tháng, ép của Vua Bảo Đại thoái vị. Việt Minh cộng sản gọi cuộc cướp chính quyền không đổ máu này là “Cách mạng Tháng 8” như là cuộc “Cách mạng Tháng 10 Nga” của đảng cộng sản Bolsevick Nga lật đổ chế độ Nga Hoàng cướp chính quyền năm 1917, thành lập nước “Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Liên bang Xô-Viết” (gọi tắt là Liên Xô).

Nhưng vì thế lực của đảng CSVN vào thời khoảng này còn yếu kém so với các chính đảng quốc gia; và cũng vì quốc tế đang coi chủ nghĩa cộng sản là một hiểm họa toàn cầu của nhân loại cần ngăn chặn loại trừ;  nên lãnh tụ cộng đảng Việt Nam Hồ Chí Minh buộc lòng phải đứng ra thành lập một chính phủ liên hiệp Quốc-Cộng và sau đó đẻ ra một Quốc hội Liên hiệp Quốc-Cộng tiền định ngụy dân tộc,ngụy cộng hòa, ngụy dân chủ (1)
Sau khi cướp được chính quyền không đổ máu, bằng sức mạnh của quần chúng nhân dân biểu tình khắp nơi, ngày 02/ 09/ 1945, lãnh tụ Cộng đảng Việt Nam Hồ Chí Minh  đọc bản Tuyên ngôn Độc lập, khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Tại phiên họp đầu tiên của chính phủ liên hiệp Quốc-Cộng do Hồ Chí Minh làm Chủ tịch, đề ra 6 nhiệm vụ cấp bách trước mắt, một trong sáu nhiệm vụ đó là xây dựng hiến pháp.

2.- Sự hình thành Hiến Pháp 1946.

Ngày 20/ 9/ 1945, Chính phủ Lâm thời ra sắc lệnh thành lập Ban dự thảo Hiến pháp (2). Ngày 9/ 11/ 1946, sau 10 ngày làm việc, tại kỳ họp thứ 2 của Quốc hội liên hiệp Quốc-Cộng, khoá.1, Quốc hội đã thông qua bản dự thảo Hiến pháp. Ngày 19/ 12/ 1946 Việt Minh cộng sản phát động cuộc kháng chiến toàn quốc. Do hoàn cảnh chiến tranh hiến pháp 1946 không được công bố, việc tổ chức tổng tuyển cử bầu Nghị viện Nhân dân không có điều kiện thực hiện. Tuy nhiên, chính phủ và quốc hội liên hiệp Quốc-Cộng sau đó do Việt Minh (mặt nạ của đảng CSVN) độc chiếm, lũng đoạn, dưới sự chủ đạo kháng chiến chống Pháp của lãnh tụ cộng đảng Hồ Chí Minh và đảng CSVN.
Thế nhưng, Việt Minh cộng sản luôn dùng Hiến pháp 1946 để “ngụy dân chủ, ngụy cộng hòa” để che dấu bộ mặt cộng sản trước nhân dân (vốn sợ chủ nghĩa cộng sản tam vô: vô tổ quốc, vô gia đình, vô tôn giáo)) và trước thế giới (vốn coi chủ nghĩa cộng sản là hiểm họa toàn cầu). Thực tâm Ông Hồ và đảng CSVN không bao giờ muốn thực hiện bản Hiến pháp Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa 1946 tại Việt Nam. Điều họ muốn là phải thực hiện một bản Hiến pháp Xã hôi Chủ nghĩa rặp khuôn bản Hiến pháp Liên bang Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Xô-Viết 1936 của đảng cộng sản Liên-Xô. Điều muốn này của ông Hồ và đảng CSVN đã được thực hiện sau khi cướp được chính quyền trên một nửa nước Miền Bắc qua Hiệp định Genève 1954 chia đôi Việt Nam, với các bản hiến pháp 1959, 1980, 1992…
Qua nội dung các bản Hiến pháp này của đảng CSVN, dù hình thức Hiến pháp 1959 vẫn giữ bảng hiệu “Việt Nam Dân Chủ Cộng hòa” của Hiến pháp 1946, để che đây bộ mặt “ngụy dân tộc” để tiến hành cuộc chiến tranh cộng sản hóa Miền Nam dưới ngọn cờ chống ngoại xâm, giải phóng dân tộc.Thế nhưng sau khi cưỡng chiếm được Miền Nam bằng bạo lực quân sự, đã lộ nguyên hình là chế độ độc tài toàn trị cộng sản mệnh danh “Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa”, vẫn còn chút “ngụy cộng hòa” (chủ quyền quốc gia thuộc về toàn dân). Vì thực chất cũng như thực tế chế độ mệnh danh “Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam” từ quá khứ đến hiện tại chỉ là một “chế độ độc tài Đảng trị hay toàn trị cộng sản”, với chủ quyền tuyệt đối thuộc về đảng CSVN; độc lập, tự do, dân chủ, nhân quyền chỉ là bánh vẽ, biến thành ân huệ của nhà cầm quyền CSVN ban phát cho người dân nào chỉ biết phục tùng mệnh lệnh của “Đảng và Nhà nước ta” mà thôi ! Kẻ nào giám chống lại sẽ bị đàn áp dã man bởi các  công cụ “chuyên chính vô sản (cộng sản)” là mật vụ, công an, quân đội, tóa án, nhà tù, pháp trường…

II/- NỘI DUNG HIẾN PHÁP VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HÒA 1946

Hiến pháp nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa năm 1946 là một văn bản lập hiến tương đối ngắn, gọn, song khá đầy đủ những điều cơ bản hiến định. Nội dung Hiến pháp gồm có lời nói đầu và 7 chương, 70 điều.
Lời nói đầu khẳng định ba nguyên tắc cơ bản của bản Hiến pháp này:
   1.-"Đoàn kết toàn dân không phân biệt giống nòi, gái, trai, giai
        cấp, tôn giáo.”
   2.-"Bảo đảm các quyền tự do dân chủ”.\.
   3.-"Thực hiện chính quyền mạnh mẽ và sáng suốt của nhân dân."

Chương I quy định chính thể của Việt Nam là Dân chủ xây dựng trên nề tảng Cộng hòa (Chủ quyền quốc gia thuộc về toàn dân).
Chương II quy định nghĩa vụ và quyền lợi công dân, xác nhận sự bình đẳng về mọi phương diện của tất cả công dân Việt Nam trước pháp luật.
Chương III quy định về nghị viện nhân dân.(Quốc hội)
Chương IV quy định về chính phủ - cơ quan hành chính cao nhất của toàn quốc
Chương V quy định phương diện hành chính, bộ, tỉnh, huyện, xã; quy định về cơ quan hành chính (ủy ban hành chính và hội đồng nhân dân) các cấp.
Chương VI quy định về cơ quan tư pháp bao gồm toà án tối cao, các toà án phúc thẩm, các toà án đệ nhị cấp và sơ cấp.
Chương VII quy định về việc sửa đổi Hiến pháp, trong đó có quyền phúc quyết hiến pháp của dân.

III/- NHẬN ĐỊNH VỀ BẢN HIẾN PHÁP  1946
     
Nhận định tổng quát của chúng tôi: về hình thức và nội dung, Hiến pháp Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa 1946 mang tính tiến bộ, hiện tại vẫn còn phù hợp, nếu được thực thi tại Việt Nam sau khi tu chỉnh để hoàn chỉnh, thích dụng với trình độ dân trí và trào lưu dân chủ thời đại, đáp ứng được khát vọng tự do dân chủ bấy lâu nay của quốc dân Việt Nam trong cũng như ngoài nước. Bởi vì, đây đúng là một bản hiến pháp dân chủ xây dựng trên nền tảng cộng hòaChủ quyền quốc gia thuộc về toàn dân” và quy định tương đối đầy đủ ngắn gọn, các dân quyền cơ bản: dân chủ, dân sinh, nhân quyền ; với các cơ chế tổ chức guồng máy công quyền quốc gia theo nguyên tắc tam quyền phân lập (Lập pháp-Hành pháp-Tư pháp độc lập nhưng không biệt lập) bảo đảm được các quyền tự do dân chủ của người dân. Sở dĩ có được các ưu điểm này, có lẽ là nhờ trong Ban Dự thảo Hiến pháp có một số thành viên là các nhà luật học, trong đó chúng tôi thấy có tên của Tiến sĩ Nguyễn Cao Hách, sau năm 1954 đã là một trong các Giáo sư Khoa Trưởng Đại học Luật khoa Sài gòn, nay đã quá vãng.

Theo đánh giá của nhiều người thì đây là một văn bản Hiến pháp tiến bộ nhất so với các bản Hiến pháp sau đó cho đến Hiến pháp “Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam” hiện hành.
Tiến sĩ Nguyễn Sĩ Dũng ở trong nước cho rằng Hiến pháp 1946 phản ánh đúng tinh thần pháp quyền - "những nguyên tắc và phương thức tổ chức quyền lực sao cho lạm quyền không thể xảy ra và quyền tự do, dân chủ của nhân dân được bảo vệ". Điều đó, theo ông được thể hiện ở 5 điểm:
1.    Hiến pháp đã được đặt cao hơn nhà nước. Nghị viện nhân dân (tức Quốc hội) không thể tự mình sửa đổi Hiến pháp. Mọi sự sửa đổi, bổ sung đều phải đưa ra toàn dân phúc quyết (Điều 70 Hiến pháp 1946).
2.    Các quyền của người dân được Hiến pháp ghi nhận và bảo đảm thay vì được nhà nước ghi nhận và bảo đảm.
3.    Quyền năng giữa các cơ quan nhà nước được phân chia khá rõ và nhiều cơ chế kiểm tra và giám sát lẫn nhau đã được thiết kế.
4.    Quyền năng giữa chính quyền trung ương và chính quyền địa phương cũng được phân chia rất rõ.
5.    Vai trò độc lập xét xử của toà án được bảo đảm. Các cơ quan khác không có quyền can thiệp.
Ts. Dũng đánh giá "Hiến pháp 1946 là bản hiến pháp dân chủ, tiến bộ không kém bất kỳ bản hiến pháp nào trên thế giới".
Giáo sư Trần Ngọc Đường, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội CSVN (năm 2006), đã từng nhận xét đúng khi cho rằng các điểm nổi bật của Hiến pháp 1946 là:Tư tưởng quyền lực thuộc về nhân dân; Tư tưởng pháp quyền; Những quy định về quyền con người và đảm bảo quyền công dân; Cơ chế bảo hiến; Sửa đổi hiến pháp.v.v. Nhưng không đúng và chủ quan khi cho rằng Hiến pháp 1946 dựa trên Tư tưởng của Hồ Chí Minh về nền lập hiến Việt Nam.
Đúng ra phải như nhận xét của Tiến sĩ Nguyễn Minh Tuấn, Đại học Saarland, Cộng hòa Liên bang Đức quốc :Rằng đây là bản hiến pháp được soạn thảo theo tinh thần "tam quyền phân lập": lập pháp (Quốc hội), hành pháp (Chính phủ) và tư pháp (Tòa án) chịu ảnh hưởng của Hiến pháp Hoa Kỳ, Pháp, và hiến pháp của các nước cộng hòa khác. Điều 1 của Hiến pháp 1946 ghi rõ: "Nước Việt Nam là một nước Dân chủ Cộng hòa". Nó không hề có một điều khoản nào quy định là một đảng phái nào hay một ý thức hệ nào là độc tôn và độc quyền lãnh đạo đất nước như các bản hiến pháp sau này của Việt Nam Dân chủ Cộng Hoà 1959 hay Cộng Hoà Xã Hội Chủ nghĩa Việt Nam.(1980-1992-2013) . Ông cho rằng thực tế Hiến pháp 1946 đã có những yếu tố nhất định thể hiện cơ chế phân công quyền lực, kiểm soát và cân bằng quyền lực.
Giáo sư Phạm Duy Nghĩa, Đại học Quốc gia Hà Nội, thì cho rằng Hiến pháp năm 1946 là "bản hiến văn dân chủ vào loại bậc nhất Đông Nam châu Á lúc bấy giờ" và "đã có thể là một bản khế ước tốt để ràng buộc và khống chế công bộc với lợi ích của ông chủ nhân dân". Ông tỏ ý tiếc rằng sáu mươi năm sau Việt Nam "đã không có cơ hội đi xa hơn trong chủ nghĩa lập hiến." Theo ông, Hiến pháp 1946 vẫn phù hợp với hoàn cảnh hiện tại của Việt Nam và "vẫn còn nguyên giá trị cho một xã hội dân chủ pháp quyền ở Việt Nam".
IV/- KẾT LUẬN:

Hiến pháp Viết Nam Dân Chủ Cộng Hòa được hình thành trong một bối cảnh lịch sử đặc biệt, nên chưa được ban hành và thực thi, nên không có giá trị pháp lý cũng như thực tế, mà chỉ có ý nghĩa lịch sử và chính trị. Bản Hiến pháp này được các nhà lập hiến soạn thảo trên nền tảng cộng hòa đúng theo ý nghĩa chân chính của từ ngữ “cộng hòa”(chủ quyền quốc gia thuộc về toàn dân), với cơ cấu tổ chức chính quyền dân chủ được thiết định thể hiện và bảo đảm được các quyền tự do dân chủ của người dân buộc nhà cầm quyền phải tôn trọng, bảo vệ và hành xử (nguyên tắc tam quyền phân lập) .

Tiếc rằng cho đến nay bản Hiến pháp này chưa có cơ may được thực hiện. Vì trước cũng như sau khi cướp được chính quyền, trong nhiều thập niên qua, đảng Cộng sản Việt Nam chỉ “ngụy cộng hòa, ngụy dân chủ, ngụy dân tộc” để thực hiện một chế độ độc tài toàn trị cộng sản “Phản cộng hòa, phản dân chủ, phản dân tộc”. Hệ quả tàn hại nghiêm trọng, toàn diện, di hại lâu dài cho nhân dân, dân tộc và đất nước như thế nào không cần nói ra thì quốc dân Việt Nam từng là nạn nhân đều đã biết rõ qua thực tiễn.

Vì vậy, từ lâu đã có nhiều ý kiến, nhất là ý kiến của chínhnhững người cộng sản phản tỉnh”, đề nghị đảng và nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam tu chỉnh Hiến pháp hiện hành dựa trên Hiến pháp Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa 1946. Đây như là một thông điệp, rằng đã đến lúc, tuy có quá trễ, những chưa quá muộn, đảng CSVN cần “phản tỉnh tập thể”, được thể hiện qua “một quá trình tự diễn biến, tự chuyển hóa” chế độ độc tài toàn trị cộng sản hiện nay qua chế độ dân chủ pháp trị theo đúng ý nguyện của toàn dân, vì lợi ích quốc gia dân tộc và tương lai của các thế hệ dân Việt mai sau. Tổng bí thư đảng CSVN kiêm Chủ tịch nước “Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam” Nguyễn Phú Trọng và các đảng viên đảng Cộng sản Việt Nam nghĩ sao? – Bao giờ Việt Nam mới có một chế độ dân chủ pháp trị, với một bản Hiến pháp dân chủ xây dựng trên nền tảng cộng hòa từng được Hiến pháp Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa xác lập năm 1946, mà chưa thực hiện được?

Thiện Ý
Houston, ngày 9-11-2018

Chú thích:
 (1)- Theo tài liệu lịch sử, thành phần Quốc hội Liên hiệp Quốc-Cộng: cho thấy các chính đảng quốc gia được chia cho 70 đại biểu trên tổng số 403 còn lại là của đảng CSVN  và các tổ chức ngoại vi hay những cá nhân không đảng phái do đảng CSVN chọn lựa và khống chế.
Cụ thể tổng số đại biểu Quốc hội là 403, trong đó có 333 đại biểu được bầu (trá hình tiền định do đảng CSVN lựa chọn đưa vào) bao gồm Việt Minh 120 ghế, Đảng Dân chủ Việt Nam 46 ghế, Đảng Xã hội Việt Nam 24 ghế, không đảng phái 143 ghế. Số đại biểu không qua bầu cử là 70 người gồm 20 đại biểu thuộc Việt Nam Cách mệnh Đồng minh hội (Việt Cách) và 50 đại biểu thuộc Việt Nam Quốc dân Ðảng (Việt Quốc). Việc có các đại biểu đặc cách không qua bầu cử này là theo thoả thuận trước cuộc bầu cử đạt được ngày 24 tháng 12 năm 1945 giữa Việt Minh với Việt Cách và Việt Quốc. Việc này thể hiện chủ trương của Việt Minh về “hoà hợp dân tộc”, để che đậy bộ mặt cộng sản hầu tập trung được các lực lượng kháng chiến quốc gia chống thực dân Pháp.
(2).-Theo tài liệu lịch sử : Ban dự thảo Hiến pháp (Tiểu ban Hiến pháp) được Quốc hội bầu ra ngày 2 tháng 3 năm 1946 gồm có 11 thành viên: Tôn Quang Phiệt,Trần Duy Hưng, Nguyễn Thị Thục Viên, Đỗ Đức Dục (Dân chủ Đảng), Cù Huy Cận (Dân chủ Đảng), Nguyễn Đình Thi (Việt Minh), Huỳnh Bá Nhung, Trần Tấn Thọ, Nguyễn Cao Hách, Đào Hữu Dương, Phạm Gia Đỗ (4 vị thuộc Việt Nam Cách mệnh Đồng minh Hội và Việt Nam Quốc dân Đảng). Ban này tiếp tục nghiên cứu dự thảo hiến pháp. Đa số cũng thuộc đảng CSVN (6/5).
Bản hiến pháp được Quốc hội liên hiệp Quốc-Cộng thông qua vào ngày 9 tháng 11 năm 1946, tại kỳ họp thứ 2, với 240 phiếu tán thành trên tổng số 242 phiếu. Sau đó, Quốc hội ra nghị quyết giao nhiệm vụ cho Ban Thường trực Quốc hội "cùng với chính phủ ban bố và thi hành hiến pháp khi có điều kiện". Tuy nhiên, Kháng chiến chống Pháp bùng nổ vào ngày 19 tháng 12 năm 1946 đã làm việc tổ chức tổng tuyển cử bầu Nghị viện nhân dân (Quốc hội) không có điều kiện để thực hiện. Do tình hình chiến tranh, Hiến pháp 1946 chưa được chính thức công bố và chưa từng có hiệu lực về phương diện pháp lý.

No comments:

Post a Comment

Note: Only a member of this blog may post a comment.