Sunday, January 30, 2011

Bình luận: Tết và Mùa Xuân Dân Tộc

Bình luận:
TẾT VÀ MÙA XUÂN DÂN TỘC

Thiện Ý
     
        Như vậy là chỉ còn hơn một tuần lễ nữa là đến Tết Nguyên Đán năm Tân Mão 2011, một cái Tết đến sớm hơn mọi năm có lẽ vì năm nay không có năm nhuận, nghĩa là không có 13 tháng. Thế nhưng, do hoàn cảnh sống tha hương nơi đất khách quê người, bầu không khí Tết chỉ bàng bạc đâu đây, các gia đình người Việt nam chỉ âm thầm chuẩn bị đón Tết khác hẳn với những cái Tết được chuẩn bị chu đáo rộn ràng, nhộn nhịp những năm nào nơi Quê nhà.
        Tất nhiên, dù phải vui Xuân đón Tết trong âm thầm, lặng lẽ, gia đình nào cũng cố gắng chuẩn bị mua những đòn bánh chưng, bánh tét, dăm ba hộp bánh mứt thập cẩm, có đủ loại mứt gừng, mứt dừa, hạt sen và không thiếu hạt dưa đỏ mầu như xác pháo, một cặp dưa hấu và những chậu bông cúc vàng tươi trang hoàng trong những ngày Tết.
    Đối với nhiều gia đình còn Ông Bà Cha Mẹ và còn tha thiết bảo tồn những phong tục tập quán của ngày Tết cổ truyền, thì thường có những chuẩn bị chu đáo hơn, như dọn dẹp nhà cửa, trang hoàng bàn thờ đón rước tổ tiên về ăn Tết, cúng giao thừa, mua trước những bao mầu đỏ tươi đề lì xì lấy hên đầu năm cho con cháu xa gần tụ họp về ăn Tết. Những ngày xum họp gia đình vui xuân đón Tết , thường không đúng những này Tết mà phải xum họp vào những ngày cuối tuần gần những ngày Tết nhất. Bởi vì, trong những ngày Tết, nhiều người vẫn phải đi làm việc, không muốn nghỉ vì sợ ảnh hưởng đến công việc làm ăn sinh sống.
   Đối với Cộng Đồng, các đoàn thể xã hội, tôn giáo, hàng năm đều có tổ chức các Hội Chợ để gây quỹ thực hiện các chương trình phúc lợi cho Cộng Đồng hay đoàn thể, tôn giáo mình. Đồng thời cũng là dịp cho đồng hương tụ tập vui xuân đón Tết, qua đó bảo tồn một truyền thống văn hoa tốt đẹp của dân tộc.
    Thực ra, truyền thống ăn Tết của dân tộc ta xuất phát từ người Trung Hoa sau hàng ngàn năm đô hộ dân ta. Mặc dù ý đồ đồng hoá dân ta không thành, nhưng ít nhiều đã ảnh hưởng được về mặt văn hoá, với một số phong tục tập quán của người Trung Hoa đã thẩm nhập được vào đời sống Việt tộc. Như vậy truyền thống Tết không xuất phát từ dân tộc Việt, nên đã có ý kiến đề nghị hay là Việt Nam nên chuyển đổi ngày Tết theo Dương Lịch cho tiện dụng và phù hợp với thời đại toàn cầu hoá hiện nay. Chúng ta chỉ chuyển đổi thời gian, nhưng vẫn giữ lại những phong tục tập quán tốt đẹp của những ngày Tết cổ truyền y như những ngày Tết Nguyên Đán theo Âm Lịch. Nếu có sự chuyển đổi được những ngày Tết cổ truyền theo Dương Lịch, không những tiện lợi thích dụng về mặt thực tiễn, mà còn nói lên  ý nghĩa độc lập tự chủ của dân tộc ta trước họa xâm lăng thường trực và ý đồ muốn đồng hoá dân tộc ta của ngoại bang Phương Bắc, có biên giới lãnh thỗ cận kề.
          Hiểm hoạ xâm lược đất đai và ý đồ đồng hoá dân tộc ta không chỉ ở quá khứ lịch sử, mà hiện tại vẫn đã và đang trở thành một quốc nạn có nguy cơ trước tham vọng của nhà cầm quyền Bắc Kinh muốn thực hiện chủ nghĩa thực dân đại Hán. Nguy cơ này đã là sự thật khi Trung quốc ngang nhiên cưỡng chiếm hầu hết các hòn đảo thuộc quần đảo Hoàng sa và Trường sa của Việt Nam. Hành động xâm lược trắng trợn này nhà cầm quyền Bắ Kinh lại được tiếp tay hay chỉ phản ứng yếu ớt, chiếu lệ của nội thù là tập đoàn thống trị Cộng sản Việt Nam.
        Sự thật là trong quá khứ xa gần, Cộng đảng Việt nam đã có những hành vi cắt đất nhượng biển cho Trung Cộng như cái giá tìm sự bảo hộ của ngoại bang để củng cố quyền thống độc tôn, độc quyền và độc tài toàn trị. Nguy cơ này vẫn tồn tại và gia tăng sau khi đảng Cộng sản Việt Nam họp Đại Hội XI khẳng định  tiếp tục thống trị nhân dân y như quan thầy Trung cộng mà không dám đưa ra một kế sách nào gián chỉ sự xâm lăng của Trung cộng. Nghĩa là về chủ trương, chính sách cai trị căn bản vẫn bắt chước Tàu cộng, là “Tiếp tục đi lên chủ nghĩa xã hội” bằng con đường làm ăn “kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa”.Đảng Cộng sản Việt Nam vẫn tiếp tục nắm giữ độc quyền thống trị, không chấp nhận dân chủ đa nguyên, đa đảng… Chủ trương chính sách cai trị này vẫn học từ quan thầy Trung Quốc, dù trái với ý nguyện của nhân dân, và là tai hoạ cho đất nước trong nhiều thập niên qua, để lại di hại nghiêm trọng, toàn diện, lâu dài cho đất nước và dân tộc mai hậu.
           Chính vì vậy mà đã 35 mùa xuân qua, người Việt hải ngoại cũng như đồng bào trong nước đã không có sự chọn lựa nào khác, là phải kiên trì đấu tranh dưới mọi hình thức, bằng mọi phương cách, trong mọi điều kiện khó khăn cách mấy, nhằm tiêu diệt nội thù cộng sản Việt Nam, để giành quyền dân chủ và độc lập tư chủ cho dân tộc, hầu tạo dựng những mùa xuân trọn vẹn cho quốc dân Việt Nam trong cũng như ngoài nước.
          Bởi vì, ngày nào đảng Cộng sản Việt Nam còn nắm độc quyền thống trị, cấu kết với ngoại bang, ngày đó chưa có Mùa Xuân Dân Tộc, hiểm hoạ xâm lăng đất nứơc và đồng hoá dân tộc Việt của kẻ ngoại thù Phương Bắc vẫn còn là nguy cơ; Nhân dân Việt Nam không thể có tự do, ấm no, hạnh phúc và không có điều kiện để vui xuân đón Tết trọn vẹn như thực tế hiện nay tại Quê Mẹ Việt Nam đang phải sống dưới ách độc tài toàn trị, độc quyền áp bức bóc lột của một thiểu số 3.6 triệu cán bộ đảng viên cộng sản trên hơn 80 triệu nhân dân Việt Nam.

       
Thiện Ý
Houston, ngày 24 tháng 1 năm 2011
    

No comments:

Post a Comment

Note: Only a member of this blog may post a comment.