Friday, September 9, 2011

Binh luan: Trung cong xam luo cva doi sach cua Viet Nam

Bình luận:
TRUNG CỘNG XÂM LƯỢC VÀ ĐỐI SÁCH CỦA VIỆT CỘNG?

Thiện Ý

         Như quý độc giả đã biết, vào cuối tháng 5 và đầu tháng 6-2011, tầu Bình Minh -2 và sau đó một tuần là tàu Viking 2 thuộc Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam (PVN) đang tiến hành thăm dò địa chấn trong khu vực thềm lục địa Việt Nam thì bị  tàu hải giám Trung Quốc tấn công. Vấn đề đặt ra là sau hai sự kiện này  nhà cầm quyền Việt cộng đã có phản ứng và đối sách ra sao?
          Một cách tổng quát, trước hết Việt cộng thực hiện một phép thử để thăm dò phản ứng của Trung cộng, giải toả phần nào sự phẫn nộ của quần chúng nhân dân và đo lường mức độ hậu thuẫn của Hoa Kỳ, sau đó thực hiện chính sách hoà hoãn với Trung cộng, đi giây giữa Hoa Kỳ và Trung cộng để thoát hiểm và tồn tại.        
       
         Thật vậy, đối với Trung cộng, lúc đầu Bộ Ngoại Giao Việt cộng đã ra tuyên bố với cường độ cứng rắn hơn về chủ quyền của Việt Nam trên các vùng biển và hải đảo ở Biển Đông và tố cáo những hành động mới nhất của Trung cộng vi phạm chủ quyền Việt Nam qua việc cắt cáp hai tầu thăm dò dầu khí trong thềm lục địa của Việt Nam. Đồng thời, các nhà lãnh đạo hàng đầu nhà nước như Thủ Tướng Nguyễn Tấn Dũng, Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết, đã đưa ra những lời tuyên bố cứng rắn khác thường, làm như đã đến lúc phải bầy tỏ  quyết tâm đương đầu và sẵn sàng có hành động thích ứng bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, lãnh hải của Việt Nam theo đòi hỏi của nhân dân, trước hành động ngày càng lấn lướt thô bạo của Trung cộng.
         Cùng lúc Việt công công bố một cuộc tập trận bắn đạn thật trong vùng Biển Đông thuộc lãnh hải Việt Nam; báo chí nhà nước loan tải tin mua khí tài quân sự của nước ngoài để tăng cường sức mạnh phòng thủ; ra lệnh tổng động viên để ra vẻ chiến tranh vệ quốc đã gần kề ; gửi người tham gia Hội thảo về An ninh ở Biển Đông diễn ra tại Washington ngày 20 và 21 tháng 6 năm 2011, như để phô trương thế liên kết, làm như đã có được hậu thuẫn của Hoa Kỳ, nhằm giải quyết đa phương tranh chấp tại Biển Đông, chống lại chủ trương của Trung cộng dựa vào ưu thế muốn giải quyết song phương, rất bất lợi cho thế yếu của Việt Nam và các nước đang có tranh chấp chủ quyền với Trung cộng  tại Biển Đông.
         Tuy nhiên,bên cạnh thái độ có vẻ cứng rắn này, ngoài ý đồ làm phép thử đo lường phản ứng của Trung cộng và mức độ hậu thuẫn của Hoa Kỳ, Việt cộng còn tìm cách giải toả cường độ phẫn nộ của quần chúng nhân dân dưới biên độ “tức nước vỡ bờ”, bằng cách lúc đầu đã để cho các cuộc biểu tình tự phát của nhân dân trong nước nổ ra ở hai thành phố lớn Hà Nội và Sài gòn từ hôm Chủ nhật 5.6.2011, rồi sau đó tìm cách trấn áp làm giảm dần cường độ và mức độ lan rộng trên cả nước các cuộc biểu tình chống Trung cộng cho đến hôm nay.
        Dường như Cộng đảng Việt Nam đã có dự trù con đường thối lui trong phép thử, nên cùng lùc bầy tỏ thái độ và hành động cứng rắn khác thường, đã để cho Thứ trưởng Quốc phòng Nguyễn Chí Vịnh, khi trả lời phỏng vấn của báo Tuổi Trẻ đã đưa ra quan điểm giải quyết song phương hữu nghị tranh chấp chủ quyền Biển Đông với Trung cộng, phù hợp với chủ trương của Trung cộng, nhưng trái ngược hoàn toàn với quan điểm của các ông Nguyễn Tấn Dũng và  Nguyễn Minh Triết, muốn giải quyết đa phương dựa vào hậu thuẫn của Hoa Kỳ và khối ASEAN.
     Qua các động thái  trên, rõ ràng là Việt cộng đã chỉ làm những động tác giả để thăm dò phản ứng của Trung cộng đến mức nào, để tùy cơ ứng biến. Vì kết quả phép thử này cho thấy, Trung cộng đã có phản ứng khá quyết liệt và cứng rắn, vừa tái khẳng định chủ quyền lãnh hải, hải đảo ở Biển Đông của Trung quốc không thể tranh cãi, vừa công khai, mạnh mẽ lưu ý Hoa Kỳ không nên can thiệp vào vấn đề tranh chấp Biển Đông sẽ làm cho tình hình Biển Đông xấu hơn và nguy hiểm hơn, không có lợi cho quan hệ Mỹ -Trung và hoà bình trong vùng. Đồng thời, Trung cộng cũng lên tiếng cảnh cáo Việt cộng không nên dựa vào Mỹ chống lại họ, và đe doạ sẵn sàng dậy cho Việt Nam một bài học như đã từng hành động vào năm 1979, khi xua quân tấn công,chiếm đóng khoảng một tháng, rồi tàn sát, phá hủy gần như hoàn toàn 6 tỉnh Phía Bắc của Việt Nam.
        Vào thời điểm này Việt cộng chọn Liên Xô làm Tổ Quốc Xã Hội Chủ Nghĩa của mình đã làm phật ý Trung cộng, nhưng Liên Xô đã không dám làm gì để cứu Việt cộng, và dù cả Việt Nam, Trung cộng lúc đó đã là những quốc gia hội viên, nhưng Liên Hiệp Quốc đã im lặng trước cuộc xâm lăng trắng trợn của một nước hội viên ỷ thế lớn mạnh,đối với một nước hội viên nhỏ yếu khác. Rồi đến sự kiện năm 1988, hải quân Trung cộng đã tiêu diệt hoàn toàn một lực lượng hải quân Việt Nam có nhiệm vụ bảo vệ hải phận và hải đảo Việt Nam, Việt cộng vẫn ngậm miệng không giám đưa vụ việc ra trước Liên Hiệp Quốc để nhờ phân xử. Và sau đó, Trung cộng nhiều lần có hành động tấn công bắn giết, tịch thâu tầu bè ngư cụ của ngư dân Việt Nam đang đánh bắt cả trong vùng biển Việt nam, xâm phạm thô bạo chủ quyền lãnh thổ, lãnh hải Việt Nam, một cách có hệ thống  kéo dài cho đến hôm nay, Việt cộng vẫn phải “ngậm bồ hòn làm ngọt”, vẫn âm thầm chịu đựng và chỉ giám có phản ứng yếu ớt, tránh né.
      Nay mới thử có động thái cứng rắn khác thường, đã nhận chịu ngay phản ứng quyết liệt và cứng rắn của Trung cộng, trong khi đánh giá sự hậu thuẫn của Hoà Kỳ vẫn mờ nhạt, chỉ có tính nguyên tắc, thực tế không có gì bảo đảm, Việt cộng đã vội xuống nước, cử Thứ Trưởng Ngoại Giao Hồ Xuân Sơn qua Trung Quốc hội đàm với cấp ngoại giao tương đương vào ngày 25-6-2011. Cuộc mật đàm mau chóng đưa đến kết quả là một bản Thông cáo chung với nội dung duy trì nguyên trạng trước khi có xung đột gây căng thẳng. Nghĩa là Trung cộng vẫn như từ trước đến nay, khẳng định chủ quyền không thể tranh cãi trên các vùng biển và hải đảo trong Biển Đông, với chủ trương giải quyết song phương các tranh chấp về chủ quyền thông qua đàm phán và hiệp thương hữu nghị, củng cố tình hữu nghị Việt – Trung theo đúng phương châm 16 chữ vàng  láng giềng hữu nghị, hợp tác toàn diện, ổn định lâu dài, hướng tới tương lai” và tinh thần 4 tốt “láng giềng tốt, bạn bè tốt, đồng chí tốt, đối tác tốt” dù thực tế hoàn toàn trái ngược.
       Vì sao Việt cộng phải xuống nước như vậy và xuống nước đến mức độ nào? Mọi tầng lớp nhân dân trong nước cũng như quốc dân Việt Nam ở hải ngoại đang rất lo ngại đã có những sự nhượng bộ bất lợi cho Việt Nam, nên đã đòi nhà cầm quyền Việt cộng phải bạch hoá nội dung mật đàm giữa phái đoàn Thứ trưởng Ngoại Giao Hồ Xuân Sơn với phái đoàn Trung cộng cấp tương đương tại Bắc Kinh ngày 25-6-2011.
        Tất nhiên nhà cầm quyền Việt cộng không thể và không gíám đáp ứng đòi hỏi chính đáng của quốc dân Việt Nam trong cũng như ngoài nước, những người chủ thực sự Đất Nước và là thừa kế chính danh mọi di sản của Tiền Nhân.
         Sở dĩ Việt cộng không giám đáp ứng đòi hỏi của Quốc dân Việt Nam, vẫn phải bưng bít, tìm cách che dấu sự thật trong quan hệ giữa Trung cộng và Việt cộng liên quan đến lãnh thổ, lãnh hải, những sự thật từ trước đến nay, trong chiến tranh cũng như sau chiến tranh, không phải có lẽ mà chắc chắn là vì Việt cộng đã có những hành động bán đất, nhượng biển và hải đảo cách nào đó cho Trung cộng để có thế và lực giành chiến thắng trong chiến tranh thôn tính Miền Nam trước đây và thế dựa lưng để củng cố quyền thống trị độc tôn, độc quyền của Cộng đảng Việt nam, trong một chế độ độc tài toàn trị cộng sản trên cả nước sau này.
         Một dấu hiệu bán nước của tập đoàn thống trị cộng sản Việt Nam lộ ra là vào năm 1958, khi đất nước còn chia đôi, Phạm Văn Đồng, Thủ Tướng chính phủ Việt Nam Dân Chủ Cộng Hoà ở nửa nước Miền Bắc đã gửi công hàm cho Thủ tướng Trung cộng Chu Ấn Lai, tán đồng bản tuyên bố đơn phương về chủ quyền trên hải phận và hải đảo của Trung Quốc tại Biển Đông.Mặc dầu công hàm này không có giá trị pháp lý theo công pháp quốc tế, vì lúc đó các hải đảo (Hoàng Sa và Trường Sa) ở Biển Đông thụộc chủ quyền Việt Nam Cộng Hoà, một quốc gia ở Miền Nam Việt Nam.Thế nhưng Trung cộng vẫn vin vào công hàm này để bắt bí Việt cộng về mặt pháp lý.
       Có lẽ vì hành vi công khai thừa nhận cùng với nhiều cam kết bí mật khác nào đó với Trung cộng liên quan đến chủ quyền lãnh thổ, lãnh hải và các hải đảo ở Biển Đông, nên dù đã phải nhượng bộ xuống nước như vậy, nhưng trên thực tế cho đến lúc này, Trung cộng vẫn tiếp tục các hành động lấn chiếm biển và hải đảo thuộc chủ quyền của Việt Nam như đã làm bao lâu nay.
        Qua mật đàm cấp Thứ Trưởng Ngoại Giao giữa Trung cộng và Việt cộng ngày 26-6-2011, có lẽ những thừa nhận công khai cũng như những cam kết bí mật của Việt cộng liên quan đến lãnh thổ, lãnh hải và các hải đảo đã được Trung cộng nhắc lại. Điều mà Trung cộng có thể cho phép trong lúc này là Việt cộng vẫn được tiếp tục lên tiếng xác nhận chủ quyền không tranh cãi các vùng biển đảo của Việt Nam và tiếp tục các hành động bên ngoài như để củng cố quan hệ an ninh, quốc phòng với Hoa Kỳ, cụ thể như tham dự cuộc tập trận trên Biển Đông với hải quân Hoa Kỳ một tuần khởi sự vào ngày 15-7-2011. Đây chỉ là động tác giả mà Việt cộng được phép làm, với sự ngầm cho phép của Trung cộng, để xoa dịp tình hình, để Mỹ không có cớ can thiệp mạnh và sâu hơn nữa vào cuộc tranh chấp Biển Đông, nhân danh quyền lợi quốc gia Hoa Kỳ từng được Hoa Kỳ khẳng định nhiều lần, gần nhất là ngay trong ngày 10-7-2011 mới đây, ngày đầu tiên công du Trung Quốc bốn ngày, tham mưu trưởng quân đội Mỹ Đô Đốc Mike Mullen khẳng định, Hoa Kỳ kiên quyết duy trì sự hiện diện của mình tại Biển Đông. Mặc dù nhấn mạnh đến mong muốn của Hoa Kỳ về một giải pháp hòa bình để giải quyết các tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông, đô đốc Mike Mullen vẫn khẳng định :
“Mỹ sẽ không rời khỏi khu vực. Sự hiện diện lâu dài của chúng tôi trong khu vực đã rất quan trọng với các đồng minh của chúng tôi trong nhiều thập kỷ qua, và sẽ tiếp tục đóng vai trò như vậy".

        Sự thể này cho thấy nội bộ Cộng đảng Việt Nam đã có sự phân hoá là thật, song không có sự lựa chọn nào khác giữa hai khuynh hướng thân Mỹ và thân Tầu cộng, buộc họ phải thoả hiệp về một chính sách đi dây giữa Hoa Kỳ và Trung cộng.
         Nghĩa là Việt cộng tiếp tục chính sách hoà hoãn hữu nghị với Trung cộng, song song với chính sách liên kết tìm hậu thuẫn của Hoa Kỳ, ít ra bề ngoài như một đối trọng gián chỉ phần nào tham vọng bành trướng lãnh thổ lãnh hải củaTrung cộng. Việt cộng có lẽ cũng biết rằng: Một mình không đủ sức đương đầu với Trung cộng về quân sự do tương quan lực lượng không cân sức. Nhưng vẫn không giám mạnh bạo dựa hẳn vào Mỹ để đối đầu với Tầu, nên phải chấp nhận hoà hoãn với Tầu với chính sách đi giây giữa Mỹ và Tầu.Vì đánh giá khi hữu sự như nổ ra xung đột,chiến tranh cục bộ với Trung cộng, cho dù sau này có đạt được một hiệp ước an ninh hổ tương như  giữa Mỹ và Philippine năm 1951 đi chăng nữa, vẫn không có gì bảo đảm rằng  Hoa Kỳ sẽ can thiệp, một khi quyền lợi của Mỹ đối với Việt Nam không thể so sánh với quyền lợi của Mỹ đối với Trung Quốc.
        Bởi hơn ai hết, Việt cộng phải biết đến bài học quá khứ này:Chính sách đối ngoại của Hoa Kỳ luôn dựa trên quyền lợi quốc gia Hoa Kỳ. Vì quyền lợi lớn hơn có được với Trung cộng, Hoa Kỳ đã bỏ rơi Đài Loan và Nam Việt Nam trong thập niên 70, dù trước đó đã có những hiệp ước song phương cũng như đa phương  cam kết, bảo đảm thực thi. Và rằng, thực tế trước sau gì thì Việt Nam và các nước nghèo yếu trong vùng vẫn chỉ được Hoa Kỳ xử dụng như những con chủ bài để mà cả với Trung cộng về quyền lợi của Hoa kỳ tại Biển Đông nói riêng, vùng Đông Nam Á nói chung. Nếu quyền lợi này được Trung cộng thoả mãn, điều gì sẽ xẩy cho Việt Nam nói riêng và các quốc gia đang có tranh chấp Biển Đông với Trung cộng nói chung, thì chắc ai cũng có thể đoán được.
      Điều gì sẽ xẩy ra cho Việt Nam nói riêng, chính là mối lo âu của Quốc Dân Việt Nam, gồm hơn 85 triệu nhân dân Việt Nam trong nước và khoảng 4 triệu người Việt hải ngoại,  hoàn toàn khác với mối lo âu của đảng và nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam. Vì từ quá khứ đến hiện tại và cả tương lai nữa, điều mà Cộng đảng Việt Nam lo âu là làm thế nào và bằng mọi giá bảo vệ cho được sự trường tồn sinh mạng chính trị , để lưu truyền ưu quyền đặc lợi lâu dài cho nhiều thế hệ cha truyền con nối của một tập đoàn thống trị độc tôn, độc quyền áp bức bóc lột và toàn quyền buôn dân bán nước.
     Vì vậy, cùng với mối lo âu chung về điều gì sẽ xẩy ra cho Việt Nam, Quốc Dân Việt  Nam cần tập trung trí tuệ và lực lượng, đoàn kết một lòng để có một đối sách hữu hiệu bảo vệ Tổ Quốc Việt Nam trước  tham vọng xâm lăng của Trung cộng, khác với đối sách bán nước của Việt cộng tay sai ngoại bang.
Thiện Ý
Houston, ngày 11-7-2011

No comments:

Post a Comment

Note: Only a member of this blog may post a comment.