Friday, September 9, 2011

Binh luan: Y nghia ton giao va xa hoi nhan ban cua Le Vu Lan bao hieu

Bình luận:
Ý NGHĨA TÔN GIÁO VÀ Xà HỘI NHÂN BẢN CỦA LỄ VU LAN BÁO HIẾU

Thiện Ý
       
         Theo lịch sinh hoạt Phật sự, Mùa Lễ Vu Lan  hàng năm là vào trung tuần Tháng 7 Âm lịch hay khoảng thượng tuần Tháng 8 Dương lịch. Trong tháng này, các Chùa Chiền Việt Nam ở Houston nói riêng, tại hải ngoại nói chung thường long trọng tổ chức Lễ Vu Lan vào các ngày thích hợp, thường là những ngày cuối tuần, để các Phật tử, thiện nam tín nữ có điều kiện thuận lợi đến tham dự các nghi thức cầu siêu và tưởng nhớ công ơn Cha Mẹ đã khuất. Có lẽ vì vậy mà về mặt ngôn ngữ, đã thêm vào các từ “báo hiếu” sau “Lễ Vu Lan” thành cụm từ chúng ta quen gọi là “Lễ Vu Lan Báo Hiếu” để nói lên cả hai ý nghĩa tôn giáo và ý nghĩa xã hội nhân bản?
           Về ý nghĩa tôn giáo, Lễ Vu Lan là dịp cho con cháu cầu nguyên theo niềm tin tôn giáo cho cha mẹ ông bà đã khuất được siêu sinh tịnh độ nơi cõi Niết Bàn cực lạc. Đồng thời, cũng là dịp hàng năm con cháu qua các nghi thức tôn giáo, tưởng nhớ đến công ơn sinh thành dưỡng dục của Cha Mẹ, Ông Bà cho ta khôn lớn thành người. Đây chính là ý nghĩa xã hội nhân bản, khác với xã hội loài vật sống theo bản năng thú tính. Từ đó,  ý nghĩa tôn  giáo của Lể Vu Lan còn cho thấy sự khác biệt căn bản giữa con người hữu thần và vô thần trong tương quan giữa đời sống và sự chết, và ý nghĩa xã hội nhân bản cho thấy sự khác biệt giữa con người và cầm thú trong tương quan giữa Cha Mẹ và con cái.
      Thật vậy, theo ý nghĩa tôn giáo hữu thần, có mối tương quan mật thiết giữ đời sống con người trên trần thế với một đời sống khác tồn tại cách nào đó sau cái chết. Sự tồn tại cách nào đó sau cái chết thì tùy thuộc vào tính thiện ác, tốt xấu của các hành vi con người thể hiện trong suốt cuộc đời được kết tụ cho đến lúc chết.
      Theo thuyết nhân quả của Nhà Phật, nhân nào thì ra quả ấy. Người tu thân tích đức trong suốt cuộc đời để thành chánh quả, như điều kiện cần và đủ để được vào cõi Niết Bản cực lạc. Trái lại một kẻ suốt đời làm nhiều điều gian ác thì phải nhận lãnh hậu quả sau cái chết tiếp tục bị đầy ải trong kiếp luân hồi trầm luân, tùy theo mức độ tội trạng mà hoá kiếp.
        Một trong những tín điều trọng yếu của Thiên Chúa Giáo cũng xác tín có một cuộc sống vĩnh cửu sau cái chết là đời sống cực lạc nơi Thiên Đường và cực khổ nơi hoả ngục cho mỗi con người, hoàn toàn tùy thuộc vào công phúc hay tội lỗi được tính sổ vào lúc con người nhắm mắt lìa đời.
       Chính nhờ sự xác tín chung của tôn giáo hữu thần, con người qua nhiều thời đại đã luôn cố gắng hành động hướng thiện, làm lành tránh dữ, để có đời sống tốt đẹp sau cái chết và vẫn giữ được mối liên hệ giữa người sống và người chết, thể hiện qua các nghi lễ theo niềm tin tôn giáo, như các lễ nghi trong Mùa Vu Lan báo hiếu của Phât giáo hay Tháng Các linh hồn của Thiên Chúa Giáo vào Tháng 11 Dương lịch hàng năm.
      Trong khi đó, những kẻ vô thần tiểu biểu của thời đại ngày nay là những người cộng sản, dùng  duy vật sử quan và duy vật biện chứng làm cơ sở lý luận, đã phủ nhận hoàn toàn các tín điều của tôn giáo về một cuốc sống đời sau.Theo họ, chết là hết, không có gì tồn tại sau cái chết. Chính vì vậy mà những người cộng sản vô thần đã qui tụ thành các tập đoàn Cộng đảng tại một số nước sẵn sàng thực hiện mọi hành vi tàn ác, mọi thủ đoạn gian manh và mọi biện pháp giã man phi nhân để làm cái gọi là “cuộc cách mạng vô sản”, để xây dựng một xã hội không tưởng “vô giai cấp, không người bóc lột người”, tiến tới một xã hội viên mãn, một “Thiên đường cộng sản” ngay trên trần thế này.
     Nhưng may mắn thay, thực tế đã không chiều theo ý chí chủ quan của những tập đoàn vô thần Cộng sản, trong đó có Cộng đảng Việt Nam. Chẳng cần nói thì mọi người cũng đã biết cả hệ thống vô thần cộng sản quốc tế, trong đó đứng đầu là cộng sản Liên Xô và các nước cộng sản Đông Âu, đã sụp đổ tan tành như thế nào. Tiếc rằng, vì hệ thống cộng sản vô thần này tồn tại khá lâu, đến trên 70 năm (1917-1990), nên đã gây nhiều tội ác và đau khố cho nhiều dân tộc, tàn phá toàn diện và để lại nhiều hậu quả nghiệm trọng, lâu dài trên nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam.
         Tiếc rằng, điều không may đối với đất nước, đã làm quốc dân Việt Nam phẫn nộ, là cho đến giờ này, tập đoàn thống trị cộng đảng Việt Nam vẫn ngoan cố tiếp tục bám lấy  cái vỏ chủ nghĩa Cộng sản vô thần, chống lại tôn giáo, tín ngưỡng. Mặc dầu chính tập đoàn thống trị này trong thâm tâm cũng biết và không còn tin vào sự hiện thực chủ nghĩa cộng sản, song thực tế vẫn cố bám lấy những phương cách cai trị, kỹ thuật trấn áp nhân dân để bảo vệ quyền thống trị độc tôn, độc quyền trong một chế độ độc tài toàn trị, vì những ưu quyền đặc lợi của một giai cấp thống trị mới, giai cấp cán bộ đảng viên cộng sản.
         Tựu chung, ý nghĩa tôn  giáo của Lể Vu Lan cho thấy sự khác biệt căn bản giữa con người hữu thần và vô thần trong tương quan giữa  người sống và người chết, và ý nghĩa xã hội nhân bản cho thấy sự khác biệt giữa con người và cầm thú trong tương quan giữa Cha Mẹ và con cái.
        Trong những  ý nghĩa  ấy, Lễ Vu Lan là dịp cho con cháu đến Chùa cầu nguyên cho cha mẹ ông bà đã khuất được siêu sinh tịnh độ nơi cõi Niết Bàn cực lạc là điều phải lẽ.Đồng thời, cũng là dịp hàng năm con cháu qua các nghi thức tôn giáo, tưởng nhớ đến công ơn sinh thành dưỡng dục của Cha Mẹ, Ông Bà, cũng là để thực hành Đạo Hiếu của con người nói chung, không chỉ khi Cha Mẹ, Ông Bà còn sống, mà cả sau khi các Ngài đã qua đời. Đúng như lời thuyết pháp của một vị Thượng Toạ khả kính  trong Lễ Vu Lan tổ chức mới đây tại một ngôi Chùa ở Houston, đại ý rằng: sẽ không là một phật tử thuần thành, một người chồng, người vợ, người con tốt và người công dân tốt, nếu như người ấy không giữ được Đạo Hiếu với Cha Mẹ, Ông Bà, Tổ Tiên, những người đã khuất.

Thiện Ý
Houston, ngày 15 tháng 8 năm 2011

No comments:

Post a Comment

Note: Only a member of this blog may post a comment.