HỆ THỐNG TƯ PHÁP VIỆT NAM ĐANG ĐƯỢC “CẢI TIẾN” HAY “CẢI
LÙI” ?
Thiện Ý
Kỳ
họp thứ 3, Quốc hội khoá 14 đang xem xét sửa đổi, bổ sung Bộ luật Hình sự 2015.Trong
một phiên họp của Quốc hội, Đại biểu Bắc Kạn Nguyễn Thị Thủy đề nghị đưa vào Bộ
luật Hình sự 2015 nghĩa vụ của luật sư phải tố giác thân chủ mình khi phạm một
số tội nghiêm trọng, đặc biệt là tội xâm phạm an ninh quốc gia. Lý do người đề
xuất áp dụng trách nhiệm hình sự đối với luật sư không tố giác thân chủ phạm
tội là vì nhân dân, vì sự bình yên của nhân dân. Nhiều người cho rằng đây là
một đề xuất khá bất thường, đáng lo ngại. Vì những đề xuất bất thường này xem
ra lại được sự ủng hộ của không ít đại biểu Quốc hội. Bằng chứng là đề nghị này
đã được giữ lại trong dự thảo sửa đổi, bổ sung nơi Điều 19, Khoản 3 Bộ luật
Hình sự 2015, dẫn đến một phản ứng mạnh mẽ của nhân dân trong nước, nhất là giới luật sư và luật gia.
Một
câu hỏi được đặt ra: Quốc hội Việt Nam
đang cải tiến hay cải lùi hệ thống tư pháp và pháp luật nói chung, luật pháp liên
quan đến nghề luật sư tại Việt Nam
nói riêng ?
Trong
văn thư của Đoàn Luật sư Thành phố Hồ Chí Minh đề ngày 12-6-2017 “Về
việc góp ý đối với Khoản 3 Điều 19 của Bộ luật Hình sự 2015”, sau khi
đưa ra ba căn cứ lập luận khá vững chắc, đã đi đến kết luận rằng “Việc giữ lại Khoản 3 Điều 19 Bộ luật Hình sự
2015 là một bước lùi trong pháp luật hình sự; tạo sự xung đột pháp luật với các quy định có liên quan; hạ thấp vai
trò, chức năng xã hội của luật sư; làm “vẩn đục” đạo đức nghề nghiệp luật sư,
đi ngược lại thông lệ của nghề luật sư trên thế giới. Và như thế là không phù
hợp với Chiến lược cải cách tư pháp của Bộ Chính Trị và chiến lược phát triển
nghề luật sư Việt Nam đến năm 2020 của Thủ tướng Chính phủ…”
Tranh luận xung quanh việc
luật sư có nghĩa vụ tố giác thân chủ, trong một bài viết trên báo điện tử Người Đưa Tin,GS.TS Lê
Hồng Hạnh - Viện trưởng viện Pháp luật và Kinh tế ASEAN, Tổng Biên tập tạp chí Pháp luật và Phát triển, đã đưa
ra 8 căn cứ lập luận để đi đến “kiến
nghị loại bỏ luật sư ra khỏi chủ thể phải tố giác tội phạm…”.
Ông viết “Loại bỏ luật sư ra khỏi các chủ thể phải tố
giác tội phạm theo Điều 19, Dự thảo luật Sửa đổi, bổ sung BLHS 2015. Đó là phương án tối ưu để
đảm bảo cho hệ thống pháp luật Việt Nam không mâu thuẫn với các công ước quốc
tế đã ký và đặc biệt là đảm bảo phù hợp với các quy định của Hiến pháp năm
2013, với chủ trương của Đảng Cộng sản Việt Nam về xây dựng Nhà nước pháp quyền
XHCN, về thúc đẩy và phát triển dân chủ. Phương án này cũng cho thấy giá trị
đạo đức và nhân văn của pháp luật hình sự Việt Nam….”.
Chúng
tôi hoàn toàn đồng ý với các căn cứ và lập luận của đoàn Luật sư Thành phố Hồ
Chí Minh và của Giáo sư Tiến sĩ Lê Hồng Hạnh. Chúng tôi cho rằng nếu quốc hội
đương nhiệm giữ lại và thông qua Khoản 3
Điều 19 trong luật bổ sung Bộ luật Hình sự 2015, là đã “cải lùi” chứ không “cải
tiến” hệ thống tư pháp nói chung và luật pháp liên quan đến nghề luật sư
nói riêng. Điều này trái với tinh thần Nghị quyết 49-NQ/TW của Bộ Chính Trị và
kế hoạch 5-KH/CCTP ngày 22-2-2006 của Ban Chỉ đạo Cải cách Tư pháp Trung ương;
trái với Chiến lược phát triển nghề luật sư đến năm 2020 ban hành kèm theo
Quyết định số 1072/QĐ-TTg ngày 5-7-1011 của Thủ tướng Chính phủ. Tất cả đều
theo chiếu hướng cải cách là để đáp ứng với đòi hỏi thực tế, phù hợp với thời
kỳ “mở cửa” hội nhập với thế giới
bên ngoài (sau 1995); sau khi công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội hoàn toàn
thất bại(1975-1985), không thể cứu vãn dù đã cố gắng thực hiện chủ trương chính
sách “Đổi mới” (1985-1995).
Hiệu
quả chủ trương chính sách “Mở cửa” để cứu nguy chế độ sau hơn 20 năm từ 1995
đến nayViệt Nam đã thay da đổi thịt như thế nào, bộ mặt phồn vinh ra sao; nhân
dân Việt Nam đã có được một đời sống tốt đẹp hơn so với 20 năm xây dựng xã hội
chủ nghĩa (1975-1995) không cần nói ra thì mọi người ai cũng thấy. Đó là nhờ sự
chuyển đổi kính tế qua con đường làm ăn “Kinh
tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa” như đảng và nhà nước nói để
tuyên truyền lừa mị; song thực chất cũng như thực tế “Kinh tế thị trường” đã và đang theo định hướng “tư bản chủ nghĩa” đã là tất yếu.Nhưng
cũng chính sự chuyển đổi kinh tế theo chiều hướng này đã đưa đến chuyển biến về mặt chính trị theo chiều hướng dân
chủ hóa từng bước nên thực tế các quyền dân chủ, dân sinh, nhân quyền người dân
ngày càng được tôn trọng và hành xử ra sao so với hơn 20 năm trước đây ai cũng
biết. Do đó, hệ thống tư pháp và pháp
luật Việt Nam
cần “cải tiến” cho phù hợp cũng là một “tất yếu”. Trình độ chuyên môn, năng lực
nghiệp vụ của luật sư Việt Nam
cũng cần được nâng cao ngang tầm cao của một luật sư quốc tế là điều cần yếu.
Vì vậy, quy chế pháp lý, qui định pháp luật cho cá nhân cũng như đoàn thể luật
sư Việt Nam
cũng không thể khác với các luật sư và luật sư đoàn quốc tế. Nghĩa là luật sư
phải được luật pháp bảo vệ các quyền hành nghề như các luật sư khác trên thế
giới, trong đó có quyền độc lập, an toàn cá nhân, quyền giữ bí mật nghề nghiệp,
không thể quy kết trách nhiệm hình sự chỉ vì luật sư đã không khai báo những gì
mà thân chủ tin cậy đã cho mình biết trong các vụ án mà mình nhiệm cách. Vả
lại, khi nhiệm cách cho một thân chủ, các hành vi phạm pháp đã xẩy ra hay chưa kịp
xẩy ra bị can đã bị bắt giữ; việc điều tra, tìm bằng chứng kết tội là nhiệm vụ
của các cơ quan điều tra (công an, viện
kiểm sát…); trong khi luật sự chỉ làm nhiệm vụ gỡ tội, minh oan cho thân
chủ (nếu thực sự họ vô tội), hay tìm
cách làm giảm nhẹ hình phạt (nếu thân chủ
có đủ chứng cớ phạm tội thật mà có những tình tiết giảm bớt hình phạt).Đây
là một nguyên tắc quốc tế bất di bất dịch thể hiện sự quân bình và công bình
trong việc xét xử và kết án những nghi can trước tòa án: Công tố buộc tội, luật
sư gỡ tội, chánh án hay hội đồng xét xử nghe lý lẽ, bằng chứng đôi bên để kết
tội hay tha bổng.
Nay
nếu quốc hội thông qua điều luật buộc luật sư phải tố cáo tội trạng của thân
chủ mình, là “cải lùi” về thời kỳ “bào
chữa viên nhân dân” với “Đoàn bào
chữa viên nhân dân” là những cá nhân công nhân viên (một trong những điều kiện..) trong một đoàn thể công quyền như công
tố đoàn và thẩm phán đoàn đều có ăn lương nhà nước, chung nhiệm vụ xét xử tội
phạm theo các nghị quyết của đảng (về chủ
trương, chính sách được thể chế hóa thành pháp luật ). Pháp lệnh ngày
18-12-1987 của Hội đồng Nhà nước về tổ chức luật sư và nghị định số 15/HĐBT
ngày 21-2-1989 của Hội đồng Bộ trưởng ban hành Quy chê Đoàn luật sư. Căn cứ
trên những văn kiện pháp lý hành chánh này, các Đoàn luật sư được thành lập
thay thế cho các đoàn bào chữa viên nhân dân trên cả nước. Ủy ban Nhân dân
Thành phố Hồ Chí Minh, ban hành quyết định số 635/QĐ-UB ngày 24-10-1989 V/V
Thành lập Đoàn Luật sư Thành phố Hồ Chí Minh, nơi “Điều 3: Đoàn Luật sư thành phố được chính thức hoạt động và đoàn bào
chữa viên nhân dân thành phố chấm dứt hoạt động kể từ ngày ban hành quyết định
này”.
Nhớ
lại vào năm 1989 khi thành lập Đoàn luật sư Thành phố Hồ Chí Minh, theo yêu cầu
góp ý với Đại Hội 8 đảng CSVN của Hội Luật Gia Thành phố Hồ Chí Minh, lúc đó
còn ở trong nước, tôi đã viết bài tham luận “Vai trò của luật sư trong nền dân chủ pháp trị xã hội chủ nghĩa”.
Hai năm sau, một nhân viên báo Sàigòn Giải phóng có đến gặp tôi nói là để đưa
tiền nhuận bút 30 đồng lúc đó cho bài tham luận vừa nêu được báo đăng tải và
chuyển đạt lời mời cộng tác viết bài cho
báo của lãnh đạo. Tôi ngạc nhiên nói là bài tham luận này tôi đã viết cách nay
hai năm mà. Nhân viên này cho hay là vì lúc đó “Đảng chưa có quan điểm về dân chủ pháp trị” nên không dám đăng mà
giữ lại vì thấy có giá trị.Như thế phải chăng bắt đầu từ sau năm 1989 đảng và
nhà nước CSVN mới có quan điểm về “Dân chủ pháp trị”? Thế nhưng cho đến nay
việc thực hiện quan điểm này có tiến bộ đôi chút, nhưng vẫn không thoát được
vòng Kim cô “Xã hội chủ nghĩa” nên các quyền dân sinh, dân chủ và nhân quyền
vẫn chưa thực hiện đầy đủ, vẫn bị bóp nghẹt. Công cuộc cải cách hệ thống tư
pháp và luật pháp trong đó có luật liên quan đến nghề nghiệp luật sư vẫn nửa
nạc nửa mỡ?
Thực
ra khi chúng tôi đưa ra tiêu đề tham luận “Vai
trò của luật sư trong nền dân chủ pháp trị xã hội chủ nghĩa” vào thời điểm
năm 1989 là có tính gượng ép cho phù hợp thời thế. Vì “Dân chủ pháp trị” (cai trị
bằng pháp luật) không thể có trong “chế
độ xã hội chủ nghĩa” (độc tài toàn
trị, cai trị bằng nghị quyết của đảng CS độc quyền thống trị). Do đó trong
bài tham luận mới đây về luật hóa buộc luật sư phải tố cáo tội lỗi thân chủ của
mình, Gs.Ts Lê Hồng Hạnh có lẽ cũng đã
gượng ép theo kiểu viết và lách, rào trước đón sau khi mở đầu bài viết “Tôi mong Bộ luật Hình sự sau khi được ban
hành sẽ không một lần nữa trở thành đề tài phê phán của xã hội, đồng thời để nền dân chủ và hệ thống tư
pháp hình sự của đất nước không phải trải nghiệm những bước lùi được báo
trước. Bài viết này trao đổi một số vấn đề về hình sự hóa việc luật sư không tố
giác thân chủ phạm tội…”
Chúng
tôi thành tâm ước mong quốc hội hiện nay trong thời kỳ “Mở cửa”(hội nhập vào nền văn minh thế giới) phải
là quốc hội của dân, khác với quốc hội trong thời kỳ “Đóng cửa” (xây dựng xã hội chủ nghĩa khép kín đã thất
bại hoàn toàn) là quốc hội của đảng CSVN. Sự khác biệt cần được thể hiện
qua nhiệm vụ lập pháp theo chiều hướng cải tiến hệ thống tư pháp và pháp luật,
trong đó có pháp luật liên quan đến nghề nghiệp luật sư, đóng vai trò cần yếu
trong “nền dân chủ pháp trị” thay vì cố duy trì hệ thống tư pháp và pháp luật
xã hội chủ nghĩa lỗi thời.
Thiện Ý
Houston, ngày
30-6-2017 (VOA)
No comments:
Post a Comment
Note: Only a member of this blog may post a comment.