Friday, April 12, 2019

HỘI CHỨNG CĂM THÙ TỪ VÀ SAU CUỘC CHIẾN VIỆT NAM.



HỘI CHỨNG CĂM THÙ TỪ VÀ SAU CUỘC CHIẾN VIỆT NAM.

Thiện Ý.

     Nhân sắp đến ngày 30-4-2019 đánh dấu cuộc chiến tranh Việt Nam chấm dứt 44 năm, trong hai tháng 1 và 2 vừa qua, người viết có nhận lời mời tham dự liên tục 6 cuộc đối luận với một luật sư thế hệ trẻ Việt Nam (1) trên hai đài truyền hình tại Houston. Mỗi cuộc đối luận thời lượng 50 phút. Vị chi tổng cộng là 300 phút tức 5 giờ đồng hồ.

     Chủ đề đối luận trên Đài truyền hình thứ nhất liên quan đến lý do,mục tiêu và phương cách chống cộng thế nào để thắng cộng,được thực hiện trong hai cuộc đối luận trình chiếu liên tiếp trong 100 phút. Chủ đề đối luận trên Đài truyền hình thứ hai liên quan đến vấn đề độc đảng, đa đảng nói chung và vận dụng vào Việt Nam nói riêng; được thực hiện trong bốn cuộc đối luận trình chiếu trong 4 tuần liên tiếp tổng cộng 200 phút.

     Hình thức đối luận mang tính “Phản biện”. Vị luật sư trẻ đứng trên lập trường, quan điểm của Việt cộng (Đảng và nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam ) nêu các câu hỏi. Người viết đứng trên lập trường, quan điểm của Việt quốc (người Việt quốc gia) trả lời biện luận và vị luật sư trẻ dùng những biện luận của Việt cộng để phản bác.

    Sau khi trình chiếu trước sau cả sáu cuộc đối luận trên, chúng tôi ghi nhận những phản hồi (comments)) trái chiều nhau của khán giả trong và ngoài nước.

1.- Đối với chủ đề trình chiếu trên Đài truyền hình thứ nhất đưa lên youtub, số người phản hồi tán đồng ca ngợi tôi cũng nhiều. Nhưng số người phản hồi bài bác, chống đối vị luật sư trẻ còn nhiều và mãnh liệt hơn, thể hiện qua ngôn từ đôi khi có tính nhục mạ thậm từ hay truy chụp là “Việt gian, tay sai cộng sản” cho thấy một cường độ “căm thù cộng sản” như trút lên đầu vị luật sư trẻ này.

2.-Đối với chủ đề trình chiếu trên Đài truyền hình thứ hai đưa lên youtub, số người phản hồi tán đồng,ca ngợi vị luật sư trẻ hết lời, với số lượng lên đến hàng chục ngàn người; so với số lượng chỉ hàng ngàn người tán đồng, ca ngợi tôi trên youtup ở Đài truyền hình thứ nhất.Trong khi số người bài bác, miệt thị, chê bai tôi còn nhiều hơn cũng lên đến cả chục ngàn phản hồi.

     Điều không bình thường là đọc liên tục nhiều ý kiến phản hồi chỉ thấy tán đồng, ca ngợi vị luật sư trẻ, tôi không đọc được ý kiến phản hồi nào tán đồng ca ngợi tôi cả. Tôi có hỏi người điều hành Đài truyền hình thứ hai cũng là bạn của chúng tôi về sự không bình thường này. Sau khi coi lại anh cũng thấy như vậy và hứa sẽ kiểm tra lại trả lời tôi sau. Đến nay chúng tôi vẫn chưa nhận được câu trả lời về sự không bình thường này.

     Nhưng tôi có thể tìm được câu trả lời ngắn gọn là vì mặc dầu thâu hình ở một  đài truyền hình ở Houston, nhưng lại được chiếu trên một đài truyền hình ở nơi khác có chủ đích và khuynh hướng “thân công” như nhiều người cho tôi biết, nên đài này chỉ gữ lại những phản hồi có lợi theo chủ đích. Vì vậy mới có  số lượng tham gia đông đảo của hàng chục ngàn “dư luận viên” (chúng tôi gọi là “Đặc tình truyền thông”), Hệ quả tất nhiên hầu hết phải ca ngợi vị luật sư trẻ vì đã thay họ nói lên những quan điểm, lập luận của “Đảng và nhà nước ta”. Đồng thời cắt bỏ những phản hồi bất lợi và chỉ giữ lại những phản hồi có lợi cho “chế độ ta” mà thôi.

3.-Qua những ý kiến phản hồi sau 6 cuộc đối luận trên cho thấy thực tế đã có một “hội chứng căm thù” xuất phát từ cuộc chiến và sau cuộc chiến Việt Nam trong cả hai bên nội thù tham chiến (Việt quốc và Việt cộng), được thể hiện qua cung cách, ngôn từ, thái độ,cường độ đối đáp nhau. Mặc dầu cuộc chiến chấm dứt đã 44 năm rồi (1975-2019), cường độ căm thù có giảm, nhưng vẫn tồn tại “hội chứng căm thù” trong lòng một số người ở cả hai bên “Thắng cuộc” (Việt cộng) cũng như “thua cuộc” (Việt quốc). Nhưng theo nhận định của chúng tôi, sự thể hiện “hội chứng căm thù” này có sự khác biệt giữa hai bên Việt quốc và Việt cộng. Vì sự hình thành “hội chứng căm thù” ở mỗi bên trong cuộc chiến và sau cuộc chiến có khác nhau.

 4.- Sự hình thành “Hội chứng căm thù từ cuộc chiến đối với bên Việt cộng, trước hết là do nhà cầm quyền cộng sản Bắc Việt khi phát động chiến tranh cướp chính quyền quốc gia Nam Việt, đã thực hiện chủ trương chính sách giáo dục tuyên truyền trong cán bộ đảng viên về lòng căm thù giai cấp theo chủ nghĩa cộng sản. Đồng thời giáo dục tuyên truyền trong nhân dân về lòng căm thù giặc ngoại xâm (Đế quốc Mỹ) bằng chủ nghĩa yêu nước. Tất cả nhằm trang bị lòng “căm thù giặc sâu sắc” làm động lực tiến hành cuộc chiến tranh “giải phóng Miền Nam” thống nhất đất nước, xây dựng chủ nghĩa xã hội. Chính động lực này đã nâng cao tình thần chiến đấu và các hành động kiên quyết tiêu diệt quân thù,dù bạo tàn cách mấy (theo phương châm cộng sản “cứu cánh biện minh cho hành động”).

     Vì vậy, trong chiến tranh bên Việt cộng đã tung ra các hoạt động khủng bố như đặt chất nổ ở nhiều nơi, pháo kích hàng đêm vào các thành phố Miền nam,giết hại nhiều người dân vô tội, gây ra biết bao tội ác chiến tranh, mà đỉnh cao là cuộc tàn sát hàng ngàn người dân vô tội chôn trong những ngôi mộ tập thể ở Huế trong cuộc tấn công đồng loạt vào các thành phố Miền Nam Tết Mậu Thân 1968.

5.- Đối với bên Việt quốc, trong chiến tranh, “hội chứng căm thù” hình thành do chính những hành động tàn ác của bên Việt cộng như vừa nêu. Chứ không phải như ông Nguyễn Đình Bin, nguyên Thứ trưởng Thường trực Bộ Ngoại giao, nguyên Chủ nhiệm Ủy ban về người Việt Nam ở nước ngoài mới đây phát biểu nhân kỷ niệm 15 năm thực hiện Nghị quyết 36 củ đảng CSVN. Rằng “Vì sao, cuộc chiến ác liệt nhất đã kết thúc và đất nước đã thu về một mối hơn 4 thập kỷ mà dân tộc ta, nói cho cùng đều là nạn nhân của sự đô hộ và xâm lược của nước ngoài nói trên, vẫn chưa hòa giải được với nhau? Cũng chính sự đô hộ và xâm lược của nước ngoài đã chia ly bao gia đình Việt và cả dân tộc Việt, gây ra cảnh huynh đệ tương tàn trên đất nước ta. Thế mà ta đã hòa giải được với họ, còn chúng ta, anh em một nhà “nhiễu điều phủ lấy giá gương, người trong một nước phải thương nhau cùng”, thì lại chưa hòa giải được với nhau?” .

     Nhưng dẫu sao, “Hội chứng căm thù” chỉ là động lực phụ. Vì động lực chính để chiến đấu của bên Việt quốc không phải là lòng căm thù, mà là lý tưởng tự do dân chủ và trách nhiệm với tiền nhân, phải bảo vệ phần đất còn lại của quốc gia Việt Nam. Đó là nội dung “Chính nghĩa quốc gia” cần chiến đấu chống lại cuộc chiến tranh thôn tính của cộng sản Bắc Việt. Một cuộc chiến được phát động và tiến hành hành với mục đích đưa toàn cõi Việt Nam vào vòng cương tỏa của cộng sản quốc tế; biến cả nước trở thành  một thuộc địa kiểu mới của hai tân đế quốc cộng sản Nga-Tàu.

     Thế nhưng vì bên Việt quốc quá yếu kém về lãnh đạo chính quyền, không làm sáng tỏ được “chính nghĩa quốc gia, dân tộc, dân chủ” đã bị ngoại bang lũng đoạn, mất chủ quyền quốc gia, tạo điều kiện thuận lợi cho bên Việt cộng “lộng giả thành chân” (ngụy dân tộc), giật mất chính nghĩa quốc gia dân tộc của chính quyền chính thống quốc gia VNCH ở Miến Nam Việt Nam. Hệ quả là Việt quốc ở thế bị động, bị buộc là “Bên thua cuộc” khi các cường quốc có nhu cầu cần chấm dứt chiến tranh Việt Nam nói riêng và các cuộc chiến tranh cục bộ khác ở các nước nghèo đói nói chung, để đi  vào một thế chiến lược quốc tế mới (Chiến lược toàn cầu mới) hậu “Chiến tranh lạnh” hay “Chiến tranh ý thức hệ toàn cầu” giữa cộng sản chủ nghĩa và tư bản chủ nghĩa.

6.- Chính vì bị buộc làm “Bên thua cuộc” khi cuộc chiến kết thúc không bình thường, phi lý, bất công khiến bên Việt quốc phẫn nộ làm gia tăng cường đô “Hội chứng căm thù” sau chiến tranh. Cường độ còn gia tăng hơn nữa do các chủ trương chính sách khắc nghiệt của “Bên thắng cuộc” đối với “Bên thua cuộc”. Như bắt hàng trăm ngàn sĩ quan và lãnh đạo chính quyền các cấp đi tù cải tạo nhiều năm, gây khốn đốn cho vợ con gia đình họ. Đồng thời, các biện pháp an ninh kìm kẹp và việc thực hiện những chủ trương chính sách kinh tế mới hà khắc đã gây khổ lụy cho người dân Miền nam vốn  từng sống ổn định, ấm no dưới chế độ cũ. Những người chống đối chế độ bị “Bên thắng cuộc” trấn áp khốc liệt bằng nhà tù, pháp trường…

     Tất cả đã đưa cường độ “Hội chứng căm thù” đạt tới đỉnh cao trở thành mãn tính trong một số người Việt quốc gia đến nỗi mỗi khi có mâu thuẫn bất đồng về phương thức, quan điểm chống cộng, người ta đã chút “căm thù Việt cộng” lên đầu nhau. Chính “Hội chứng căm thù” này đã gây tác hại nhiều mặt cho công cuộc chống cộng vì dân chủ của người Việt quốc gia. Đồng thời “Hội chứng căm thù” ở cả hai bên Quốc-Cộng đã tác hại  trên con người, xã hội và tình tự dân tộc Việt Nam, đã lý giải cho điều mà Ông Nguyễn Đình Bin tự hỏi “Vì sao, cuộc chiến ác liệt nhất đã kết thúc và đất nước đã thu về một mối hơn 4 thập kỷ mà dân tộc ta..., anh em một nhà “nhiễu điều phủ lấy giá gương, người trong một nước phải thương nhau cùng”, thì lại chưa hòa giải được với nhau?”.

Tựu chung, cuộc chiến Việt Nam đã kết thúc 44 năm rồi. “Hội chứng căm thù” hình thành từ và sau cuộc chiến vẫn tồn tại, dủ cường độ có giảm dần theo thời gian. Câu hỏi được đặt ra là “Hội chứng căm thù” thể hiện giữa hai bên và trong nội bộ mỗi “Bên Thắng cuộc” (Việt cộng) cũng như “Bên thua cuộc” (Việt quốc) bao giờ mới chấm dứt đây? Câu trả lời xin dành cho mọi người Việt Nam ở cả hai “Bến thắng cuộc” cũng như “ Bên thua cuộc” trong cuộc chiến tranh “cốt nhục tương tàn” hôm qua. Nhưng chủ yếu và chủ động vẫn là bên Việt cộng, biết phải làm gì, cần làm gì để hóa giải “Hội chứng căm thù” này. Đó là, tự giác, chủ động dân chủ hóa đất nước.
    
    Vì ngày nào còn tồn tại “hội chứng căm thù” này trong lòng dân tộc, không thể đoàn kết thống nhất được toàn lực quốc gia để xây dựng phát triển toàn diện đất nước mau đến giầu mạnh và văn minh tiến bộ ngang tầm cao thời đại; tạo thế lực bảo vệ vững chắc giang sơn gấm vóc Việt Nam do tiền nhân tạo dựng và sẵn sàng đập tan mọi tham vọng xâm lược bất cứ từ đâu tới, trước mắt là kẻ thù Phương Bắc cận kề.

Thiện Ý
Houston, ngày 5-4-2019

No comments:

Post a Comment

Note: Only a member of this blog may post a comment.