ĐI TÌM MỘT NỀN TẢNG TRIẾT LÝ, CHÍNH TRỊ CHO HIẾN PHÁP DÂN CHỦ VIỆT NAM HẬU CỘNG SẢN.
Thiện Ý
Trong chương trình thứ 89 vừa qua , chúng tôi đã trình bày chủ đề “Chính trị và đạo đức chính trị trong chế độ dân chủ pháp trị có khác chế độ độc tài toàn trị”. Trong chương trình phát hình lần thứ 90 vào ngày Thứ tư 26-8-2020 hôm nay, chúng tôi sẽ trình bày chủ đề “Đi tìm một nền tảng triết lý, chính trị cho Hiến pháp Việt Nam dân chủ hậu độc tài cộng sản”.Chúng tôi lần lượt trình bày:
-Vì sao cần đi tìm một nền tảng triết lý, chính trị cho Hiến pháp dân chủ Việt Nam hậu độc tài cộng sản”.
-Việt Nam từ quá khứ đến hiện tại, chúng ta đã rút được bài học kinh ngiệm gì về lập hiến?
I/-Vì sao cần đi tìm một nền tảng triết lý, chính trị cho Hiến pháp dân chủ Việt Nam hậu cộng sản”?
Theo nhận thức của chúng tôi, câu trả lời căn cứ trên hai bình diện pháp lý (hay lý luận) và nhu cầu thực tế của Việt Nam.
1.- Trên bình diện pháp lý.
Trên bình diện pháp lý, Hiến pháp là văn kiện pháp lý căn bản làm nền tảng thiết định chế độ chính trị của một quốc gia.Trong tiến trình hình thành các tổ chức xã hội loài người, cho đến lúc này, quốc gia là hình thái tổ chức xã hội sau cùng.Mỗi quốc gia đều có một bản hiến pháp thành văn hay bất thành văn (hiến pháp tập quán hay tục lệ). Hiến pháp nào cũng được hình thành trên nền tảng triết lý nào đó (Duy tâm hay duy vật), với chủ thuyết hay chủ nghĩa chính trị thoát thai từ nền tảng triết lý được các nhà lập hiến lựa chọn.
Chẳng hạn, Hiến pháp hiện hành Việt Nam (2013) hình thành trên nền tảng triết lý duy vật biện chứng (Dialectic materialism) và chủ nghĩa cộng sản (communism) hay chủ nghĩa xã hội (socialism) là giai đọạn đầu của chủ nghĩa cộng sản.Đó là một Hiến pháp của chế độ độc tài toàn trị, độc đảng. Trong quá khứ thời chiến tranh quốc-cộng tại Miền Nam Việt Nam (1954-1975), có hai bản Hiến pháp Đệ I và Đệ II Việt Nam Cộng Hòa, đều xây dựng trên nền tảng triết học duy tâm, với chủ thuyết (hay chủ nghĩa) chính trị tự do dân chủ hữu thần, đối kháng chủ thuyết (hay chủ nghĩa) cộng sản vô thần ở Miền Bắc.
Trong tương lai, Việt Nam đang trên quá trình chuyển thể qua chế độ dân chủ pháp trị, đa đảng. Hiến pháp chế độ chính trị tương lai này, chắc chắn phải thiết định trên nền tảng triết lý, chính trị khác với nền tảng triết lý (duy vật) chính trị (chủ nghĩa xã hội hay cộng sản vô thần) hiện nay. Vì vậy các nhà lập hiến Việt Nam tương lai cần đi tìm và lựa chọn một nền tảng triết lý, chính trị nào thích dụng với thực tiễn Việt Nam, đáp ứng ý nguyện của toàn thể quốc dân Việt Nam, để soạn thảo Hiến pháp Việt Nam dân chủ, hậu độc tài toàn trị CS.
2.- Trên bình diện thực tế.
Việt Nam có nhu cầu thực tế, trong tương lai sớm muộn phải hình thành một bản Hiến pháp chế độ dân chủ pháp trị, đa đảng, thay thế cho Hiến pháp chế độ độc tài toàn trị, độc đảng hiện nay.Vì đó là chiều hướng phát triển tất yếu của lịch sử và thực tiễn Việt nam; phù hợp với xu thế thời đại toàn cầu hóa hay là chiến lược toàn cầu mới hậu Chiến tranh lạnh của các cường quốc cực; với hai nội dung chủ yếu: Thị trường tự do hóa tòan cầu về kinh tế, dân chủ hóa toàn cầu các kiểu chế độ độc tài về chính trị, trong đó có kiểu độc tài CS tại Việt Nam.
Thật vậy, qua diễn biến tình hình quốc tế và Việt Nam, thực tế đã cho mọi người thấy rằng:
(1)- Sau khi chế độ Cộng Sản Liên Xô sụp đổ và tự chuyển thể, kéo theo sự tự chuyển thể của các nước Cộng Sản Ðông Âu, cuộc chiến tranh ý thức hệ toàn cầu gay gắt giữa cộng sản chủ nghĩa và tư bản chủ nghĩa diễn ra trong nhiều thập niên trước đó (1945-1991), dưới hai hình thái Chiến Tranh Lạnh giữa các nước giàu và Chiến Tranh Nóng nơi các nước nghèo, đến nay coi như chấm dứt đã 29 năm rồi (1991-2020). Lịch sử thế giới đã sang trang, bước vào thời kỳ hợp tác và cạnh tranh trên thị trường trong hoà bình, giữa các nước giàu với nhau, giữa các nước nghèo với nhau và giữa các nước giàu với các nước nghèo. Tất cả quan hệ đa phương cũng như song này, dựa trên căn bản các bên đều cùng có lợi ít nhiều, theo chiều hướng giúp nhau cùng hưởng lợi và tiến bộ.
Tất cả các nước giàu và nghèo, tựa hồ như đã và đang có nỗ lực chung thiết lập một nền ‘Trật tự kinh tế quốc tế mới’ hay là một ‘Hệ thống kinh tế thế giới mới’ mang tính toàn cầu, đa phương và đa diện. Nền trật tự quốc tế mới mang tính toàn cầu và đa phương, đa diện ấy (Chủ yếu là diện kinh tế và, chính trị đang được toàn cầu hoá...) được thiết lập trên một nền tảng chung nhân bản, trong đó tự do, dân chủ và nhân quyền được thừa nhận như là yếu tính của một Hiến Pháp Quốc Tế bất thành văn; mặc nhiên có tính cưỡng hành trên mọi quốc gia và có thể bị chế tài với bất cứ nhà cầm quyền nào, cá nhân cũng như tập đoàn thống trị nào có hành động vi phạm.
2)- Việt Nam, một quốc gia thành viên của cộng đồng quốc tế, với những biến chuyển tình hình quốc tế và trong nước nhiều thập niên qua, kể từ sau khi cuộc chiến tranh Việt Nam kết thúc không bình thường vào ngày 30-4-1975; đã cho thấy cuộc chiến giữa hai phe (XHCN và TBCN) với bốn bên (2 bên ngoại và 2 bên nội chiến) kết thúc như thế không phải là thắng lợi của phe này với phe kia, mà chỉ là vì nhu cầu thay đổi thế chiến lược toàn cầu mới hậu Chiến tranh Lạnh (The Cold War) của cá cường quốc cực mà thôi.Và vì vậy, Việt Nam dù muốn dù không cũng đã và đang đi vào nền trật tự kính tế quốc tế mới hay thế Chiến lược toàn cầu mới này.
Hiện nay, một thiểu số những người lãnh đạo đảng CSVN đang nắm quyền, dù ngoan cố cách mấy cũng không thể cưỡng lại chiều hướng mới của thế giới không thể đảo ngược. Vì đó là xu thế thời đại, là chiều hướng phát triển tất yếu của lịch sử và thực tiễn Việt Nam, trong Thiên Niên Kỷ mới, đáp ứng đúng ý nguyện của tuyệt đại đa số quốc dân Việt Nam (công dân của Tổ quốc Việt nam) trong cũng như ngoài nước.
Vì vậy vấn đề đặt ra cho chúng ta, những quốc dân Việt Nam không trong cũng như ngoài nước, cần làm gì để góp phần kiến tạo một tương lai tươi sáng cho con người và đất nước Việt Nam, trong nền ‘Trật tự kinh tế quốc tế mới” hay ‘Chiến lược toàn cầu mới’ vốn có nhiều thuận lợì. Theo thiển ý chúng tôi, mỗi người Việt Nam, tùy khả năng, hoàn cảnh, đều có thể đóng góp ít nhiều vào công cuộc chuẩn bị mọi mặt cho việc hội nhập vào nền Trật Tự Thế Giới Mới này. Một nền trật tự mà chúng tôi tin một cách có cơ sở, rằng có nhiều thuận lợi cho các dân tộc và các quốc gia nghèo yếu như Việt Nam hiện nay.
Thiện Ý
Houston, ngày 26-8-2020
** Xin mời Bạn đọc lên YouTub, search: “Diễn đàn Thiện Ý” hay lên Facebook search “Thiện Ý Nguyễn” để nghe nhìn tác giả trình bày.
No comments:
Post a Comment
Note: Only a member of this blog may post a comment.