THỬ ĐỀ NGHỊ MỘT NỀN TẢNG TRIẾT LÝ CHÍNH TRỊ CHO BẢN HIẾN PHÁP VIỆT NAM DÂN CHỦ TƯƠNG LAI?
Thiện Ý.
Trong các chương trình trước, chúng tôi trình có tính hệ thống các chủ đề:
(1)- Đi tìm một nền tảng triết lý, chính trị cho chế độ dân chủ Việt nam tương lai hậu độc tài cộng sản.
(2)- Những kinh nghiệm lập hiến qua các bản hiến pháp tại Việt Nam từ 1945- nay
(3) Lược trình những triết lý, chính trị đã là nền tảng cho hiến pháp trong lịch sử nhân loại.
Trong chương trình số 92 hôm nay, Thứ Hai 31-8-2020, chúng tôi thử đề nghị một nền tảng triết lý chính trị cho bản Hiến pháp dân chủ pháp trị Việt Nam tương lai, hậu độc tài cộng sản.
Thưa quý khán thính giả, chúng tôi lần lượt trình bày:
I/- Căn cứ dẫn đến đề nghị là gì?
II/- Nền tảng triết lý, chính trị chúng tôi đề nghị là gì?
I/- Căn cứ dẫn đến đề nghị là gì?
Đó là căn cứ lịch sử,pháp lý và thực tếsau đây:
1.- Thực tế tại Việt Nam nói riêng và nhân loại nói chung, trong quá khứ đã từng là nạn nhân khốn khổ của sự lựa chọn độc tôn một hệ tư tưởng triết lý, chính trị, trên đó hình thành một thể chế chính trị và một mô hình xã hội. Cụ thể là chế độ cộng sản “CHXHCNVN” tại Việt Nam và mốt số nước XHCN khác trên thế giới thời chiến tranh ý thức hệ toàn cầu (1945-1991) hay còn rơi rớt lại cho đến hôm nay.
2.- Trong lịch sử phát triển nhân loại, nhiều cuộc chiến tranh chủng tộc, tôn giáo và gần nhất là cuộc Chiến Tranh Ý Thức Hệ vừa qua giữa Cộng sản Chủ nghĩa và Tư bản Chủ nghĩa (Mà Việt Nam là một nạn nhân điển hình bi thảm) đều là hậu quả của sự chọn lựa hệ tư tưởng triết lý, chính trị độc tôn.
3.- Một khi chúng ta đã rút kinh nghiệm lập hiến từ về pháp lý cũng như thực tiễn, để hướng tới tương lai, chúng ta tự hỏi, rồi đây, giả định trong vòng 5-10 năm nữa, tiến trình dân chủ hóa Việt nam kết thúc, chế độ hiện hữu tại Việt Nam phải chuyển thể cách này cách khác, cùng lúc bản hiến pháp hiện hành bị hụy bỏ hay tu chỉnh thành bản Hiến pháp dân chủ pháp trị đa đảng, các nhà lập hiến Việt Nam tương lai khi soạn thảo hiến pháp mới sẽ chọn nền tảng tư tưởng triết lý, chính trị nào?
II/- Nền tảng triết lý, chính trị chúng tôi đề nghị là gì?
1.- Đề nghị tổng quát.
Ðể trả lời câu hỏi này, theo thiển ý xin đề nghị với các nhà lập hiến Việt Nam tương lai, rằng chúng ta không nên chọn một hệ tư tưởng triết lý, chính trị độc tôn nào để làm nền tảng tư tưởng cho Dự Thảo Hiến Pháp Việt Nam dân chủ Tương Lai.
Vì vậy, hướng tới tương lai, chúng tôi đề nghị, Việt Nam sẽ không chọn một hệ tư tưởng triết lý, chính trị độc tôn, duy nhất nào, mà nên chọn một nền tảng tư tưởng triết lý tổng hợp cho dự thảo Hiến pháp Việt Nam tương lai (đa nguyên). Nghĩa là, chúng ta sẽ chọn lựa ưu điểm các hệ tư tưởng triết lý, chính trị của nhân loại, những giá trị nhân bản hữu ích và thích dụng cho con người và thực tại đất nước Việt Nam, để hình thành một chủ thuyết chính trị (hay chủ nghĩa chính trị) thích dụng cho một thể chế và mô hình xã hội Việt Nam tương lai, có tính khả thi, tính thuyết phục, thể hiện được ý nguyện của tuyệt đại đa số quốc dânViệt Nam, vốn là những công dân của Tổ Quốc Việt Nam, là chủ đất nước, ở trong nước cũng như hải ngoại, luôn thiết tha với tiền đồ dân tộc.
2.- Căn cứ lý luận và thực tiễn:
(1)-Vì suy cho cùng, hệ tư tưởng triết lý, chính trị nào thì cũng xuất phát từ con người (nguồn gốc) do con người (Chủ thể tư duy) vì con người (lý do tư duy) và cho con người (mục đích tư duy). Ðó là những sản phẩm tri thức chung của nhân loại, hình thành từ những tư duy và nhận thức cá nhân, song ít nhiều được ngưỡng mộ của các tập thể con người thuộc các chủng tộc khác nhau, nên vừa có giá trị tuyệt đối của một chân lý tuyệt đối về mặt chủ quan (Ðối với triết gia, các nhà lập thuyết và nhóm người ngưỡng mộ), vừa có giá trị tương đối của một chân lý tương đối về mặt khách quan (Ðối với những người khác nhận thức, quan điểm). Thành ra, trong bối cảnh xã hội loài người, gồm nhiều cá nhân bất đồng về nhiều phương diện nhưng có nhu cầu phải sống chung để mưu cầu hạnh phúc riêng cũng như chung, con người phải chấp nhận và thừa nhận những bất đồng trong đó có bất đồng tư tưởng.
(2) Do đó, vấn đề cần yếu chỉ còn là phải biết lựa chọn trong các hệ thống triết lý đang có (Duy Thần, Duy Tâm, Duy Vật, …) những quan niệm có giá trị nhân bản, phù hợp với thực tiễn, kết hợp tư duy sáng tạo, kinh nghiệm sống, đúc kết, tổng hợp và hệ thống hoá thành một chủ thuyết hay chủ nghĩa chính trị mang tính tổng hợp, thích dụng cho đất nước và con người Việt Nam, trong một hình thái chế độ chính trị đặc thù Việt Nam.
Chúng tôi đã nghĩ đến nền tảng tư tưởng có tính tổng hợp như vậy, chúng tôi tạm gọi là ‘‘Triết Lý Duy Nhân”(Personnism),tất cả vì con người, trên đó chúng ta hình thành một “Chủ nghĩa Dân bản” (Peopleism), để xây dựng một mô hình “Xã hội nhân bản chủ nghĩa” (Peopleist Society), hay “Xã hội công dân”(Citizen Society)”, lấy dân làm gốc. Dự thảo Hiến pháp Việt Nam dân chủ tương lai được soạn thảo trên nền tảng triết học tổng hợp (Duy nhân), chủ nghĩa chính trị “dân bản chủ nghĩa”(lấy dân làm gốc). Chính trên nền tảng triết lý, chính trị này sẽ định tính, định hình, định vị và định hướng cho sự hình thành thể chế chính trị và mô hình tổ chức xã hội Việt Nam tương lai phù hợp với ý nguyện chung của quốc dân Việt Nam.
Sở dĩ chúng tôi đề nghị một nền tảng tư tưởng triết lý tổng hợp Duy Nhân (Coi con người là trung tâm), là vì nó phù hơp với thực trạng con người và xã hội Viêt Nam nói riêng, cộng dồng nhân loại nói chung. Ðối với Việt Nam, thực trạng là, con người Việt Nam có nhiều trình độ hiểu biết và nhận thức khác nhau, xã hội Việt Nam có nhiều thành phần dân tộc (đa sắc tộc), khác biệt về tư tưởng triết lý (Duy Thần, Duy Tâm, Duy Vật cùng hiện hữu…), về chính kiến (Cộng hoà, dân chủ, xã hội…), về tín ngưỡng (đa tôn giáo, tín ngưỡng…). Nhưng tất cả những con người khác biệt nhiều mặt ấy, đều là con người (nhân bản)có nhu cầu phải sống chung trên đất nước Việt Nam, để cùng mưu cầu hạnh phúc riêng cũng như chung. Muốn vậy mọi người phải tương nhượng chấp nhận lẫn nhau và thừa nhận những bất đồng tư tưởng của nhau.
Riêng lãnh vực tư tưởng,một nền tảng triết lý tổng hợp (Duy Nhân) , sẽ giúp giải quyết được mọi bất đồng, cá biệt, hoá giải được những xung đột ý thức hệ từ quá khứ đến hiện tại và cả tương lai nữa. Ðiều này cũng phù hợp lý tưởng Tự do, dân chủ, nhân quyền ( Mọi người có quyền tự do tin theo một hệ tư tưởng, hay tôn giáo tín ngưỡng …), phù hợp với chế độ dân chủ đa nguyên, đa đảng mà tuyệt đại đa số qu1o6c dân Việt nam đang muốn thiết lập (Mọi khuynh hướng chính trị đều được thừa nhận và tôn trọng, dù chỉ là của một cá nhân hay thiểu số), phù hợp với nguyên tắc sinh hoạt dân chủ (đa số thắng thiểu số, thiểu số phải phục tùng quyết nghi của đa số, nhưng thiểu số vẫn có quyền bảo lưu ý kiến mà đa số cũng phải tôn trọng…).
Ðối với cộng đồng nhân loại cũng thế, con người trong một quốc gia và giữa các quốc gia cũng có nhiều khác nhau về trình độ kiến thức và khả năng nhận thức, sáng tạo, khuynh huớng chính trị, tín ngưỡng và tôn giáo, sắc tộc. Vì vậy, một nền tảng triết lý tổng hợp (Duy Nhân) sẽ giúp cho mọi con người sống trên hành tinh này có cái nhìn chung ‘‘Nhân bản”, biết thừa nhận những giá trị nhân bản của mọi sản phẩm tri thức của con người và luôn luôn cư xử với nhau trên nền tảng chung ‘‘Con Người với con Người”. Và như thế có thể loại trừ được những nguy cơ chiến tranh Ý Thức Hệ (Do chọn ý thức hệ độc tôn), chiến tranh Tôn giáo (Do chủ nghĩa Tôn giáo cực đoan), Chiến tranh Chủng tộc (Do chú nghĩa Dân tộc cực đoan), chiến tranh xâm lược (Do chủ nghĩa đế quốc, bá quyền và quốc gia cực đoan…).
Ðồng thời chỉ có như thế mới có một căn bản pháp lý quốc tế vững chắc để hành xử quyền tài phán quốc tế, với một hệ thống Toà Án Quốc Tế có thẩm quyền trên mọi quốc gia, để có thể chế tài mọi cá nhân, tập đoàn nắm quyền bính quốc gia hay không, mà vi phạm tội ác chống nhân loại.
Vì một khi lấy con người làm gốc (Nhân bản), các luật pháp quốc tế bảo vệ con người gọi chung gọi là “Nhân luật” mới có hiệu lực bao trùm lên mọi chủ quyền và luật pháp quốc gia. Ðiều này cũng phù hợp với chiều hướng phát triển hiện nay của thế giới : Toàn cầu hoá nhiều lãnh vực, như kinh tế, pháp lý, chính trị quốc tế…Theo đó, nhân danh con người, vì con người, các nước Giầu-Nghèo đang có nỗ lực hợp tác để cùng nhau thiết lập một nền ‘‘Trật Tự kinh tế quốc tế mới Giới” hay là “Một Hệ Thống Kinh Tế thế giới mới Mới”,hay “Chiến lược toàn cầu mới của các cường quốc cực”; trong đó mọi con người, thuộc mọi sắc tộc, quốc gia, có điều kiện thuận lợi để mưu cầu hạnh phúc phúc và được sống xứng đáng với nhân phẩm và cương vị của một con người; giảm thiểu đói nghèo, khổ đau cho toàn nhân loại trên hành tinh này trong hiện tại cũng như cùng hướng về tương lai ngày càng tốt đẹp.
IV.- KẾT LUẬN:
Ðể kết thúc chủ đề thuyết trình hôm nay, chúng tôi xin dùng biểu đồ ba cái tháp tượng trưng cho ba loại thể chế chính trị dựa trêm ba nền tảng triết lý khác nhau: Tháp Duy Tâm, nghiêng về phía hữu (hữu khuynh). Tháp Duy Vật, nghiêng phía Tả (Tả khuynh). Tháp Duy Nhân, đứng thẳng, luôn luôn cân bằng vì xây dưng trên nền tảng “duy nhân”. Tất cả là vì con người, cho con Người (Chủ thể của mọi tư duy và là đối tương phục vụ của mọi sản phẩm tri thức, của mọi chủ thuyết chính trị, chủ thể xã hội và là đối tượng phục vụ của mọi hình thái tổ chức xã hội loài người)
Chính trên nền tảng triết lý tổng hợp này, chúng ta có thể hình thành một chủ thuyết chính trị thích dụng, trên đó các nhà lập hiến Việt Nam có thể soạn thảo ra một Hiến pháp Dân chủ đa nguyên, đa đảng, đáp ứng đúng nguyện vọng của Quốc dân Việt Nam trong cũng như ngoài nước và phù hợp với xu thế thời đại, với chiều hướng phát triển tất yếu của thực tiễn và lịch sử Việt Nam.
Thiện Ý
** Xin mời Bạn đọc lên YouTube, search: “Diễn đàn Thien Ý” hay lên Facebook search “Thiện Ý Nguyễn” để nghe nhìn tác giả trình bày.
No comments:
Post a Comment
Note: Only a member of this blog may post a comment.