Wednesday, September 23, 2020

TRUYỀN THÔNG VÀ ĐẶC TÌNH TRUYỀN THÔNG LÀ GÌ?

 

TRUYỀN THÔNG VÀ ĐẶC TÌNH TRUYỀN THÔNG LÀ GÌ?

 

Thiên Ý.

 

    Trong cuộc nội chiến ý thức hệ Quốc- Cộng tại Việt Nam, giai đoạn chiến tranh chống cộng để diệt cộng trước đây (1954-1975), các bên CSBV và VNCH đều khai thác triệt để các hình thức, kỹ thuật truyền thông để chống phá lẫn nhau và biện minh, tranh thủ sự hậu thuẫn của quần chúng và quốc tế cho lý tưởng, mục tiêu theo đuổi chiến tranh xâm lược (Việt cộng) hay chiến tranh vệ quốc (Việt quốc) của mình.

     Trong giai đoạn đấu tranh chống cộng để dân chủ hóa đất nước của Việt quốc hiện nay, Việt cộng cũng đã và đang khai thác triệt để các hình thức, kỹ thuật truyền thông, trong đó có “Đặc tình truyền thông” để ly gián các lực lượng chống cộng, các tổ chức đấu tranh cho tự do, dân chủ và nhân quyền ở hải ngoại cũng như trong nước.

     Chủ đề bài viết và thuyết trình hôm  nay Thứ Tư, 16-9-2020, là “ Truyền thông và đặc tình truyền thông là gì?” Chúng tôi sẽ lần lượt trình bầy:

1.- Ý nghĩa từ ngữ:

     Theo sự hiểu biết của chúng tôi, truyền thông là từ ngữ ghép của “tuyên truyền” (Propaganda, propagandize) và thông tin (inform, information, communicate, communication).

     Thông tin mang tính khách quan, truyền đạt các tin tức, sự kiện xẩy ra thế nào thì truyền đạt thế ấy. Tuyên truyền mang tính chủ quan khi truyền đạt tin tức, các sự kiện có thật và cả không có thật để thuyết phục, lôi kéo các đối tượng tiếp thụ (quần chúng) nhằm thành đạt ý đồ và lợi ích chủ quan của mình bằng các phương tiện, hình thức và  kỹ thuật truyền thông. Tính chủ quan hay khách quan ít nhiều là tùy thuộc ý đồ của chủ thể cá nhân hay các cơ quan truyền thông. Chính tính chủ quan hay khách quan nhiều ít cho thấy sự khác biệt giữa ba hình hình thức truyền thông “Trắng”, truyền thông “xám” và truyền thông “Đen”.

     Ý nghĩa truyền thông mà chúng tôi muốn đề cập trong bài viết hôm nay là thông tin tuyên truyền, nặng về tính tuyên truyền chủ quan, trong bối cảnh cuộc đấu tranh chống cộng vì mục tiêu dân chủ hoá đất nước hiện nay của  người Việt quốc gia hay là người Việt Nam không cộng sản, để rút kinh nghiệm và thử đề ra phương cách làm vô hiệu hoá tác hại của “đặc tình truyền thông Việt cộng” như thế nào.

 

2.- Các phương tiện, hình thức và kỹ thuật truyền thông.

     a) Các phương tiện truyền thông:

     Thông tin và tuyên truyền được thực hiện qua các phuơng tiện truyền thông đại chúng như báo chí, truyền thanh, truyền hình, internet. Ngoài ra, các truyền đơn, truyền khẩu, thuyết trình, hội luận, điện thoại…với mục đích truyền đạt thông tin, tuyên truyền cũng có thể coi là những phương tiện truyền thông khác nhau.

     b) Các hình thức và kỹ thuật truyền thông:

     Theo nhận định của chúng tôi, có 3 hình thức truyền thông: trắng, xám và đen.

     - Truyền thông “trắng” là qua các phương tiện truyền thông minh danh, nói rõ lập trường, quan điểm, lập luận để thuyết phục nhằm thành đạt mục đích và lợi ích thực sự, một cách chủ quan không che giấu của chủ thể muốn thành đạt nơi các đối tượng tiếp thụ qua các phương tiện truyền thông.

     Kỹ thuật truyền thông “trắng” là căn cứ trên các sự kiện, tài liệu, tin tức, biến cố có thật cũng như giả tạo để dùng ngôn từ lập luận, biện minh hầu thuyết phục, hướng dẫn, lôi kéo quần chúng tin tưởng đó là chính nghĩa, là sự thật, rồi ủng hộ, làm theo, giúp chủ thể truyền thông thành đạt mục đích và lợi ích thực sự của mình.

     - Truyền thông “xám” là qua các phương tiện truyền thông, minh danh, không nói rõ lập trường (ai muốn hiểu sao thì hiểu) , quan điểm, mục đích và lợi ích nửa thực nửa hư, lập luận làm ra vẻ khách quan để che giấu lập trường, quan điểm, mục đích và lợi ích thực sự của mình (mà nếu dùng truyền thông “trắng” sẽ không hay khó thành đạt).

     Kỹ thuật truyền thống “Xám” tương tự như truyền thông “trắng”, chỉ khác là cách lập luận, biện minh trên các sự kiện, tài liệu, tin tức, biến cố có thật cũng như giả, sao cho quần chúng thấy tính khách quan hai chiều (khác với tính chủ quan, một chiều của truyền thông “trắng”), để dễ tin tưởng đó là chính nghĩa, là sự thật, rồi ủng hộ và làm theo.

     - Truyền thông “đen” là qua các phương tiện truyền thông giả danh đối phương, đứng trên lập trường, quan điểm, mục đích và lợi ích của đối phương, rồi cũng căn cứ trên các sự kiện, tài liệu, tin tức, biến cố có thật cũng như giả tạo để dùng ngôn từ lập luận, biện minh hầu thuyết phục, hướng dẫn, lôi kéo quần chúng tin tưởng đó mới là chính nghĩa, là sự thật, rồi ủng hộ, làm theo, giúp chủ thể truyền thông “đen” thành đạt mục đích và lợi ích  thực sự của mình mà nếu dùng truyền thông “trắng” khó hay không thể đạt được, hay chỉ đạt được phần nào qua truyền thông “xám”.

     Kỹ thuật truyền thông “đen” cũng tương tự như truyền thông “trắng”, chỉ khác ý đồ của chủ thể truyền thông “đen” là dùng ngay lập trường, sử dụng  ngôn từ, cú pháp, quan điểm, cách lập luận, biện minh, trên các sự kiện, tài liệu, tin tức, biến cố có thật cũng như giả để “đánh phá đối phương” theo kiểu “gậy ông đập lưng ông”, sao cho quần chúng “hoài nghi, chống lại đối phương”, và quay ra tin tưởng, ủng hộ và làm theo ý đồ của chủ thể truyền thông “đen” (mà truyền thông trắng và xám không thể đạt được).

     Tựu chung ba hình thức truyền thông trên có thể giống nhau đôi chút về kỹ thuật truyền thông, chỉ khác nhau về ý đồ muốn thành đạt của các chủ thể truyền thông (cá nhân hay cơ quan truyền thông).

     Để dễ hình dung sự khác biệt này, chúng tôi xin đưa  ra biểu tượng: Truyền thông “trắng” như một ly nước trong không vẩn đục; truyền thông “xám” như một ly cà phê sữa và truyền thông “đen” như ly cà phê đen. Ly nuớc trong (truyền thông “trắng”) khó hay không thể đầu độc một đối tượng bằng một độc chất có mầu. Ly cà phê sữa (Truyền thông “xám”) tùy theo ý đồ của người pha chế (chủ thể truyền thông “xám”) cho nhiều sữa để có mầu lạt hay nhiều cà phê ít sữa để có mầu đậm, để dễ đầu độc một đối tượng bằng một độc chất có mầu. Ly cà phê đen (truyền thông “đen”) chủ thể truyền thông muốn triệt hạ đối phương chỉ cần “một giọt độc chất” là có thể đạt ý đồ, đối tượng khó nhận ra vì độc chất đã bị mầu đen cà phê che lấp.

     Trong giai đoạn chiến tranh Quốc- Cộng vừa qua (1954-1975), cộng sản Bắc Việt đã sử dụng hệ thống truyền thông “trắng” là các đài phát thanh từ Trung ương Hà Nội đến các tỉnh thành và các trạm, các tổ thông tin làng xã để thông tin tuyên truyền công khai lừa mị, thuyết phục, động viên, kết hợp với các biện pháp kềm kẹp, khủng bố tinh thần nhân dân Miền Bắc, để tự nguyện hay ép buộc nhân dân tham gia vào cái gọi là “Cuộc chiến tranh chống Mỹ, cứu nước, giải phóng Miền Nam, thống nhất đất nước ” mà thực chất là để xâm lược Miền Nam Việt Nam, làm nhiệm vụ quốc tế cộng sản để mở mang bờ cõi cho các tân đế quốc Đỏ Liên Xô và Tầu cộng. Đồng thời, công cụ xâm lược của Cộng sản Bắc Việt là Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam ra đời tháng 12-1960 và cái chính phủ cách mạng lâm thời Cộng Hoà Miền Nam Việt Nam thành lập sau đó cũng có “Đài Phát Thanh Giải Phóng” làm nhiệm vụ truyền thông “trắng”...v.v.

     Trong khi đó, tại Miền Nam, vùng đất tự do của nhân dân Miền Nam, chính quyền chính thống quốc gia Việt Nam Cộng Hoà (VNCH) cũng đã sử dụng một hệ thống truyền thông “trắng” là các đài phát thanh, truyền hình từ trung ương Thủ đô Sàigòn đến các tỉnh thành và các trạm thông tin phát thanh khắp các quận huyện làng xã để thông tin, tuyên truyền cho chính nghĩa quốc gia, vạch trần và tố cáo trước nhân dân và công luận thế giới ý đồ xâm lược Miền Nam bằng bạo lực chiến tranh,vi phạm Hiệp Định Geneve 1954, hầu huy động sức mạnh toàn dân và hậu thuẫn quốc tế  để tiến hành chiến tranh tự vệ, đánh bại cuộc xâm lăng của CSBV, vốn là  công cụ bành trướng của cộng sản quốc tế thời bấy giờ.

     Tất nhiên, truyền thông “trắng” của cả hai bên chỉ có tác dụng giới hạn trong nội bộ và quần chúng trong vùng ảnh hưởng mỗi bên. Vì vậy, ngoài hệ thống truyền thông “trắng” là các đài phát thanh dân sự, quân sự, trạm thông tin, chính quyền quốc gia Việt Nam Cộng Hoà ở Miền Nam còn sử dụng rất sớm hình thức truyền thông “đen”, rồi truyền thông “xám” trên mặt trận truyền thông. Các chương trình truyền thông “xám” và “đen” này đã do khối Tình Báo Tâm Lý Chiến thuộc Nha Tâm Lý Chiến thời Đệ Nhất VNCH và Tổng Cục Chiến Tranh Chính Trị thời Đệ Nhị VNCH thực hiện. Vì vậy chúng tôi tạm gọi là những hình thức của “Đặc tình truyền thông Việt quốc” để dễ đối chiếu  và thấy tác hại của “Đặc tình truyền thông Việt cộng” hiện nay.

     Nguyên lý của truyền thông “xám” và “đen” là giả danh có mức độ (xám) hay giả danh hoàn toàn (đen) đối phương để đánh phá đối phương bằng chính lập trường, quan điểm và lập luận của đối phương, làm cho đối phương lầm tưởng là “của ta” mà dễ tin tưởng và chấp nhận ý đồ “của địch”, nhằm phân hoá nội bộ đối phương, tạo ra hay khoét sâu mâu thuẫn nội bộ, làm cho đối phương không còn tin nhau, chống phá lẫn nhau trong tổ chức, phá đổ sự đoàn kết thống nhất, gây hoang mang, giao động tâm lý dẫn đến băng hoại niềm tin vào lý tưởng, mất tinh thần chiến đấu của quân đội  và quần chúng vốn ủng hộ đối phương.

     Nguyên lý “đặc tình truyền thông” trên đã được chính quyền quốc gia VNCH vận dụng trong giai đoạn chiến tranh Quốc-Cộng vừa qua,với đài phát thanh “đen” đầu tiên là đài “Gươm Thiêng Ái Quốc”, thực hiện các chương trình phát thanh “đen” mỗi ngày vào các giờ nhất định.

     Để thực hiện chương trình phát thanh “đen” này, các bài viết, văn từ, lập luận y như các đài phát thanh “trắng” của Việt cộng với lập trường cộng sản kiên định, quan điểm không chống Đảng Cộng Sản, chỉ chống bè lũ Lê Duẩn, Trường Chinh đi sai đường lối “cách mạng vô sản” của Đảng, vẫn tôn vinh thần tượng Hồ Chí Minh và tố cáo bè lũ này đã tìm cách cô lập, áp chế “Bác Hồ”, lũng đoạn, gây phân hoá làm suy yếu sức mạnh đoàn kết của “Đảng và nhà nước ta”… Và các xuớng ngôn viên nam, nữ đều nói tiếng Bắc, giọng chuẩn Hà Nội (nếu ai trước đây ở Việt Nam từng nghe đài đen GTAQ cũng biết và có thể xác định).

     Theo chỗ chúng tôi được biết, để hổ trợ tăng cường tác dụng cho “Chương trình phát thanh đen” này, một chiến khu giả được tạo dựng trên một đảo nhỏ thuộc quần đảo Hoàng Sa ở Miền Trung, trang trí cờ đỏ sao vàng và hình lãnh tụ cộng sản Hồ Chí Minh, với các “kháng chiến quân” ăn mặc như cán bộ, bộ đội CS BV trang bị vũ khí nhãn hiệu khối CS như  súng AK, nón cối, nón tai bèo và dép râu như những cán binh cộng sản thứ thiệt. Biệt kích Việt Nam Cộng Hoà đột nhập và bắt cóc một số cư dân vùng ven biển thuộc các địa phương phía Bắc vĩ tuyến 17, bịt mắt đưa về chiến khu cho học tập một vài tuần chủ trương, đường lối kháng chiến của “Mặt Trận Gươm Thiêng Ái Quốc”, rồi lại bịt mắt đưa thả trở lại địa phương, trở thành những cái “loa tuyên truyền sống”cho “Mặt Trận Gươm Thiêng Ái Quốc”. Đồng thời, những chiếc Radio nhỏ khi mở ra chỉ nghe được đài “Gươm Thiêng Ái Quốc” cũng được máy bay của biệt kích VNCH thả xuống Miền Bắc, nhất là các tỉnh vùng ven biển Miền Trung bắc vĩ tuyến 17, lằn ranh chia đôi đất nước theo Hiệp Định Geneve 1954.

     Sau khi nhóm tướng tá quân lực Việt Nam Cộng Hoà, với sự ngầm cho phép và hổ trợ của Hoa Kỳ, đã thành công trong việc lật đổ và sát hại Tổng Thống Ngô Đình Diệm và bào đệ là Cố vấn Ngô Đình Nhu, Đệ nhất Việt Nam Cộng Hoà cáo chung. Sau đó Hoa Kỳ đã đưa quân vào Việt Nam trực tiếp tham chiến. Vì sự hiện diện của quân đội Mỹ, Việt cộng đã phất cao ngọn cờ “chống ngoại xâm”, với khẩu hiệu “chống Mỹ cứu nước giải phóng dân tộc”, đẩy mạnh chiến tranh, đưa cường độ chiến tranh ngày một lên cao.

     Để đáp ứng tình hình mới, trên lãnh vực quân sự, QLVNCH cũng được tăng cường về số lượng, trang bị vũ khí và trên mặt trận truyền thông “trắng” cũng được phát triển, thêm nhiều đài phát thanh, truyền hình đến các tỉnh thành và tối tân hoá các phương tiện truyền thông.

     Riêng về truyền thông “đen”, ngoài đài “Gươm Thiêng Ái Quốc”, đã có thêm một số đài  “đen” khác như “Đài Cờ Đỏ” đứng trên lập trường, quan điểm của phái cộng sản Việt Nam thân Mạc Tư Khoa  chống phái thân Tầu cộng Bắc Kinh, để khoét sâu mâu thuẫn Nga-Hoa trong nội bộ Cộng Đảng Việt Nam. “Đài Tiếng nói Kháng Chiến Nam Bộ” đánh vào mâu thuẫn giữa nhóm kháng chiến chống Pháp và nhóm kháng chiến chống Mỹ , rằng có sự khác biệt về ý nghĩa  giữa cuộc kháng chiến chống Pháp và cuộc kháng chiến chống Mỹ. “Đài Giải Phóng” (giả) gây phân hoá và hoang mang giao động tinh thần chiến đấu của cán binh cộng sản đang chiến đấu tại Miền Nam, khai thác mâu thuẫn giữa bộ đội chính quy Cộng sản Bắc Việt với quân chủ lực Miền Nam…

     Cũng trong thời kỳ cường độ chiến tranh lên cao, một đài truyền thông “Xám” được hình thành duới tên là “Đài Tiếng Nói Tự Do”, gọi tắt là VOF (Voice Of Freedom). Đến giai đoạn gần kết thúc chiến tranh, một đài truyền thông “xám” khác ra đời, đó là “Đài Mẹ Việt Nam”, đánh vào tình tự dân tộc, ngầm cổ vũ cho tinh thần “Hoà giải và hoà hợp dân tộc” theo tinh thần bản Hiệp Định Paris ngày 27-1-1973, về chấm dứt chiến tranh, lập lại hoà bình cho Việt Nam.

     Ngoài hình thức truyền thông “trắng” dân sự thuộc Bộ Thông Tin, truyền thông “trắng” quân sự và hai hình thức truyền thông “Xám” và truyền thông “Đen”được đặt duới sự quản trị và thực hiện của “Khối Tình Báo Tâm Lý Chiến” thuộc Tổng Cục Chiến Tranh Chính Trị QLVNCH. Vì vậy chúng tôi tạm gọi hai hình thức sau này là “Đặc tình truyền thông”. Nghĩa là một dạng “Tình báo đặc biệt trên lãnh vực truyền thông”.

Thiện Ý

Houston, ngày 16-9-2020

No comments:

Post a Comment

Note: Only a member of this blog may post a comment.