MỤC ĐÍCH VÀ Ý NGHĨA CHUYẾN THĂM VIỆT NAM CỦA TỔNG THỐNG HOA KỲ BARACK
OBAMA .
Thiện Ý
Dường như sau một lần hoãn vào đầu tháng
11-2015 vừa qua, lần này hầu như chắc chắn Tổng Thống Hoa Kỳ Barack Obam sẽ đến
thăm Việt Nam.
Vì trong cuộc họp báo sáng 10/5 , phát ngôn viên Tòa Bạch Ốc đã công bố chính
thức, từ ngày 21 đến 28/5-2016 Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama sẽ đi thăm Việt
Nam trước, sau đó ông sẽ đến Nhật Bản tham gia Hội nghị Thượng đỉnh G7 ở
Ise-Shima. Nhân dịp này Ông cũng ghé thăm Thành phố Heroshima, một trong hai
nơi đã bị hai trái bom nguyên tử của Mỹ ném xuống dẫn đến cuộc đầu hàng vô điều
kiện của chính quyền quân phiệt Nhật, đưa Đệ Nhị Thế Chiến kết thúc; nhờ đó
tiết kiệm được rất nhiều xương máu binh sĩ của cả hai phe tham chiến (Đồng Minh
và Phe Trục) cũng như nhiều thường dân vô tội phải chết oan.
Như vậy là trong suốt hai nhiệm kỳ 8 năm sẽ
kết thúc vào cuối năm nay, đây là lần thứ 10 Tổng Thống Obama đã công du vùng
Châu Á Thái Bình Dương và lần đầu tiên đến Việt Nam. Trước Ông, trong vòng 20
năm sau khi Hoa Kỳ bãi bỏ cấm vận, thiết lập quan hệ ngoại giao bình thường với
Việt Nam(1995-2015) và sau 20 năm kết thúc chiến tranh Việt Nam (1975-1995)
cũng đã có hai vị Tổng Thống tiền nhiệm
là Bill Clinton (đảng Dân Chủ) và George W. Bush (đảng Cộng Hòa) từng đến thăm
Việt Nam lần lượt trong các năm 2000 và 2006.
Vậy chuyến thăm Việt Nam lần này của Tổng Thống Hoa kỳ
Barack Obama có mục đích và ý nghĩa gì?
Nhiều người cho rằng chuyến đi thăm Việt
Nam chỉ ít tháng trước khi hết nhiệm kỳ cuối cùng của một vị Tổng Thống Hoa Kỳ
chỉ như là người “cưỡi ngựa xem hoa”, thường mang ý nghĩa ngoại giao hơn là giá trị thực tiễn. Thế
nhưng, theo nhận định của chúng tôi và có lẽ cũng của nhiều người thì chuyến đi
Việt Nam lần này của Tổng Thống Hoa Kỳ Obama có ý nghĩa đặc biệt quan trọng và phải
có giá trị thực tiễn, dựa trên hai yếu tính sau đây:
Một là tính thống nhất trong mục tiêu và
chính sách đối ngoại của hai đảng Cộng Hòa và Dân Chủ thay nhau nắm quyền tại
Hoa Kỳ. Theo truyền thống và kinh nghiệm thực tế, thường hai đảng này chỉ khác
biệt nhiều trong chính sách đối nội, nhất quán trong chính sách đối ngoại trên
nền tảng quyền lợi quốc gia; có khác chăng là phương cách, biện pháp thực hiện
chính sách đối ngoại của mỗi đảng sao cho thành đạt được lợi ích quốc gia cao
nhất.
Hai là Chính sách đối ngoại của Hoa Kỳ trong
vùng Châu Á Thái Bình Dương nói chung và Việt Nam nói riêng vẫn chưa đủ thời gian
thành đạt mục tiêu, vẫn phải tiếp tục dù chính đảng nào nắm quyền. Đó là chính
sách xoay trục chiến lược về Châu Á của
Hoa Kỳ, nhằm gián chỉ tham vọng bành trướng, lấn áp các nước nhỏ yếu trong vùng
của đại cường Trung Quốc, đe dọa quyền lợi và an ninh của quốc gia Hoa kỳ.
Vì vậy chuyến đến Nhật tham dự Hội Nghị
G.7 của Tổng Thống Obama sau khi thăm Việt Nam sắp tới, chắc chắn sẽ nêu bật
cam kết không ngừng của Hoa Kỳ với chiến lược tái cân bằng của Mỹ sang châu Á
và Thái Bình Dương. Đây là chiến lược nhằm tăng cường can dự của Hoa Kỳ về
ngoại giao, kinh tế và an ninh quốc phòng với các nước và nhân dân trong khu
vực này, vì an ninh và quyền lợi thiết thân của Hoa Kỳ.
Chẳng thế mà, khi đến Việt Nam làm nhiệm vụ chuẩn bị
cho chuyến đi của Tổng Thống Hoa Kỳ Barack Obama, Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ Daniel
Russel đặc trách Đông Á-Thái Bình Dương sự vụ, trong cuộc họp báo tại Hà Nội
ngày 10-5 vừa qua đã cho rằng,tình hình Biển Đông là mối quan tâm lớn không
chỉ đối với Hoa Kỳ mà của tất cả các nước; không chỉ đối với các
nước có tuyên bố chủ quyền trong vùng biển này như Việt Nam, Philippines hay
Malaysia mà còn là mối quan tâm của các nước khác trong khu vực và cộng đồng
quốc tế. Ông Russel nhấn mạnh, rằng nhiều
quốc gia đã bày tỏ quan ngại về các hành động của Trung Quốc trong việc cải tạo
các đảo, xây dựng cơ sở vật chất quy mô lớn và quân sự hóa các tiền đồn ở Biển
Đông.Đồng thời, Ông nhắc lại lập trường Mỹ không đứng về phía nước nào trong số
các nước tuyên bố chủ quyền, Mỹ chỉ đứng về
phía luật pháp quốc tế. Ông khẳng
định các chuyến tuần tra tự do hàng hải của Hải quân Mỹ được thực hiện theo
luật pháp quốc tế, coi đây là quyền không chỉ đối với Hoa Kỳ, mà còn là của tất
cả các nước khác. Ông nói“Mỹ không có tuyên bố chủ quyền, cũng như không có ý định
chiếm đảo của ai cả, mà chỉ muốn làm 2 điều: đó là đảm bảo quyền tự do đi lại
cho tất cả các bên liên quan, và đảm bảo quyền và luật pháp quốc tế không bị
xâm phạm”.
Theo chiều
hướng chung này, mục đích tổng quát của chuyền thăm Việt Nam của Tổng Thống
Barack Obama, được cho biết sẽ là dịp gặp giới lãnh đạo Việt Nam bàn thảo các vấn đề hai bên cùng quan tâm và
cùng có lợi, như Quan hệ Đối tác Toàn diện, nhằm thúc đẩy hợp tác trên nhiều lĩnh vực,
bao gồm kinh tế, quan hệ giữa nhân dân hai nước, an ninh, nhân quyền, và các
vấn đề toàn cầu cũng như khu vực.
Chính vì mục đích và ý nghĩa quan trọng của
chuyến thăm Việt Nam lần này của Tổng Thống Mỹ Barack Obama mà cả hai phía
chính quyềnViệt Mỹ đã có nhiều nỗ lực chuẩn bị chu đáo mọi mặt cho chuyến đi.
Đồng thời đã được sự quan tâm đặc biệt của chính giới lập pháp, hành pháp đương
nhiệm hay đã nghỉ hưu tại Hoa Kỳ và công luận quốc tế; cũng như được giới lãnh
đạo đảng và nhà nước CSVN đặt nhiều kỳ vọng
vào chuyến đi này, trong thời điểm mà áp lực lấn áp của Trung Quốc đối
với Việt Nam vẫn không ngừng gia tăng, nhất là vấn đề Biển Đông.
Trong chuyến đi này,ngưới ta thấy cò hai vấn
đề trọng yếu chắc sẽ được đề cập giữa Tổng Thống Obama với giới lãnh đạo Việt
Nam, là việc phê chuẩn Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương
(TPP) và xem xét dỡ bỏ hoàn toàn lệnh cấm bán vũ khí sát thương đối với Việt
nam.
Về Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương
như là một liên minh kinh tế phát triển vùng, dường như cũng có ý cạnh tranh,
bao vây kinh tế đối với Trung quốc, thì Hoa Kỳ đã để cho Việt Nam gia nhập, nay
chỉ còn chờ Quốc Hội phê chuẩn để có giá trị thực thi. Nếu Việt Nam được tham
dự vào Hiệp Ước kinh tế này, sẽ có cơ may vượt thoát được ảnh hưởng chính trị,
lệ thuộc kinh tế nặng nề của Trung Quốc.
Về dỡ bỏ hoàn toàn lệnh cấm bán vũ khí sát
thương đối với Việt nam, là ước muốn bao
lâu nay của chính quyền Việt Nam nhằm tăng cường khả năng phòng vệ trước áp lực
quân sự ngày càng gia tăng của nước láng giềng Phương Bắc. Trong một cuộc hội
thảo về Chiến tranh Việt Nam tại Austin, Texas vào cuối tháng 4-2016 vừa qua,
Đại sứ Việt Nam tại Mỹ Phạm Quang Vinh đã phát biểu: “Việt Nam kêu gọi Hoa Kỳ dỡ bỏ hoàn toàn
lệnh cấm vận vũ khí sát thương, và tin rằng rào cản của quá khứ này nên được dỡ
bỏ nhằm chứng tỏ sự bình thường hóa quan hệ toàn diện giữa hai nước bắt đầu hai
thập kỷ trước, và mối quan hệ đối tác toàn diện diện nay”.
Về vấn đề này, Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ
Daniel Russel cũng trong cuộc họp báo tại Hà Nội ngày 10-5 vừa qua đã nhắc lại,
lệnh cấm vốn đã được áp đặt trong nhiều thập niên qua vẫn được xem xét định kỳ.
Ông Russel nói đến việc Mỹ đã dỡ bỏ một phần lệnh cấm này đối với Việt Nam
trong năm 2014 để Việt Nam mua một số mặt hàng quốc phòng giúp bảo vệ vùng ven
biển và mặt biển. Ông nhận xét rằng, việc dỡ bỏ một phần thể hiện quan hệ an
ninh-quốc phòng chiến lược đang tăng lên giữa hai nước. Nhưng Ông nhấn mạnh, rằng Mỹ đã nói
rõ hồi năm 2014 và hiện nay vẫn duy trì quan điểm là quyết định giải tỏa lệnh
cấm bán vũ khí vẫn được xem xét dựa trên các tiến bộ Việt Nam đạt được
trên các vấn đề căn bản về quyền con người. Trợ lý Ngoại Trưởng Mỹ nói: “Chúng
tôi đã nói rõ ở thời điểm đó và điều đó vẫn đúng ở thời điểm này, đó là một
trong những yếu tố quan trọng có thể dẫn đến dỡ bỏ lệnh cấm, là tiếp tục đà
tiến trong việc Việt Nam đạt các tiêu chuẩn nhân quyền phổ quát cũng như đạt
tiến bộ trong các cải cách tư pháp quan trọng. Với sự phát triển của Quan hệ
Đối tác Chiến lược, chúng tôi sẽ xem xét vấn đề này một cách nghiêm túc”.
Thực ra việc dỡ bỏ hoàn toàn lệnh cấm bán
vũ khí sát thương cho Việt Nam nếu xẩy ra chỉ có giá trị như một thông điệp gửi
đến Trung Quốc, là Việt Nam đã đến gấn Mỹ hơn, để cảnh cáo rằng đứng lấn áp
Việt Nam thêm nữa, đứng đẩy chúng tôi đến phải chọn lựa dứt khoát là đồng minh
của Mỹ để được bảo vệ. Vì rằng, không có chỗ dựa đồng minh, dù Việt Nam có
trang bị vũ khí đủ loại tối tân đến đâu, cũng không thể một mình đương đầu, dù
chỉ là tự vệ với Trung Quốc, trừ khi Hoa Kỳ bán cho Việt Nam vũ khí nguyên tử
để tự vệ..
Vậy thì, mục đích chuyến đi Việt Nam dự trù từ 21 đến 25
tháng 5 tới đây của Tổng Thống Hoa Kỳ Barack Obama, chỉ là dịp để Hoa
Kỳ và Việt Nam duyệt lại và tái cam kết tiếp tục thực hiện những gì đã thủa
thuận công khai hay bí mật đạt được trong chuyến đi Mỹ của phái đoàn do Tổng Bí
Thư đảng CSVN dẫn đầu vào đầu tháng 7 năm 2015, về chính trị, ngoại
giao kinh tế, an ninh quốc phòng…nằm trong quan hệ song phương, đối tác toàn
diện đã đạt được; cho dù nay mai sau cuộc bầu cử Tổng Thống tháng 11 tới đây, người
đứng đầu hành pháp Hoa Kỳ thuộc đảng Dân Chủ hay Cộng Hòa.
Qua thực tế, dường như Hoa Kỳ đã nhìn thấy
vị thế khó khăn của một Việt Nam nhỏ yếu bên cạnh một Trung quốc to mạnh và đầy tham vọng đất đai, biển đảo và bá
quyền. Do đó đã
luôn mềm dẻo trong đối sách với đảng và nhà cầm quyền CSVN và tỏ ra cảm
thông với đối sách “Đi giây” giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc của Việt Nam. Mặc dầu Hoa Kỳ mong
muốn Việt Nam trở thành một đồng minh của Hoa Kỳ nằm trong vòng đai bao vây,
gián chỉ tham vọng bành trướng của Trung Quốc, nhưng không thúc ép mà chỉ tạo áp
lực nhẹ nhàng khi cần, để Việt Nam chủ động trong đối sách hai mặt với Trung
Quốc để thoát hiểm. Mặc dầu Hoa Kỳ cũng mong muốn về đối nội, Việt Nam sớm có
chế độ dân chủ pháp trị, đa đảng và nền kinh tế thị trường tự do, như tiền đề
để phát triển toàn diện đất nước theo định hướng của chiến lược toàn cầu, nhưng
từ lâu đã không yểm trợ cho một cuộc lật
đổ bằng bạo lực để thay thế, mà đã kiên trì thực hiện chính sách “Cải tạo chế độc độc tài
toàn trị, độc đảng” thành chế độ “Dân chủ pháp trị, đa đảng” để chuyển đổi một
cách hòa bình trong môi trường “Mật ngọt kinh tế thị trường”. Quá
trình chuyển đổi này đã được khởi sự từ hơn 20 năm qua, kể từ khi Hoa Kỳ thiết
lập quan hệ ngoại giao với Việt Nam
(1995) và Việt Nam cũng đã khởi sự chính sách “Mở Cửa”.
Đến đây có thể kết luận rằng, nếu Tổng Thống
Hoa Kỳ Bill Clinton của đảng Dân Chủ là người khởi động đối sách với Việt Nam
hậu chiến tranh Việt Nam, đã đến thăm Việt Nam năm 2000, sau 5 năm
Việt Nam “Mở cửa” có ý nghĩa như là sự khuyến khích Việt Nam hãy mạnh dạn trên
con đường “chuyển đổi”; thì chuyến thăm Việt Nam năm 2016 lần này của Tổng Thống Barack
Obama cũng thuộc đảng Dân Chủ, sẽ có ý nghĩa như là sự hậu thuẫn mạnh mẽ Việt
Nam, đã đến lúc đảng CSVN cần thực hiện quyết tâm “chuyển đổi chế độ
độc tài qua dân chủ”. Vì quá trình “chuyển đổi” tịnh tiến sau 20 năm
(1995-2015) đã hội đủ “Các điều kiện cần”. Đó
là Việt Nam nay đã có nền kinh tế thị trường mà chính phủ Việt Nam rất mong muốn nhân chuyến
thăm Việt Nam của Tổng Thống Obama, sẽ được Mỹ xem xét việc công nhận Việt Nam hội
đủ các yếu tính của nền kinh tế thị trường, bên cạnh mong muốn được dỡ bỏ hoàn
toàn lệnh cấm bán vũ khí sát thương cho Việt Nam. Trong môi trường “Mật ngọt
kinh tế thị trường” này, cán bộ, đảng viên cộng sản gốc “vô sản” nay đã được tư
sản hóa và tư bản hóa (tư bản Đỏ); nhà nước “chuyên chính vô sản” nay đã được
“Tư bản hóa” qua việc cải tổ bộ máy và chính sách cai trị theo hướng dân chủ và
giải tư hầu hết các công ty nhà máy, nông trường quốc doanh thành tư doanh trên
lãnh vực kinh tế; nhất là nhân dân ngày nay đã được dân chủ hóa đến mức được
thực thi nhiều quyền dân chủ, dân sinh, nhân quyền…so với hơn 20 năm trước đây.
Bây giờ chỉ cần “Đảng
và Nhà nước ta” thực hiện “Điều kiện đủ” là chủ động kết
thúc giai đoạn cuối cùng của quá trình chuyển đổi trong vòng 5 năm tới (2016-2021)là
Việt Nam hoàn tất tiến trình chuyển đổi toàn diện cả kinh tế lẫn chính trị; để
Việt Nam có cơ hội trở thành một nước dân chủ với nền kinh tế thị trường tự do,
hội nhập hoàn toàn với thế giới văn minh, đưa Việt Nam phát triển toàn diện đất
nước đến phú cường, tạo thế lực thừa đủ bảo vệ được chủ quyền và sự toàn vẹn
lãnh thổ, biền đảo của Tổ Quốc.
Tổng Bí Thư Nguyễn Phú Trọng và các lãnh
đạo hàng đầu đảng CSVN và nhà cầm quyền trong chế độ độc tài toàn trị “Đỏ vỏ xanh lòng” hiện nay tại Việt Nam nghĩ sao? Nhân
dân đang chờ hành động thực tiễn như câu
trả lời của Quý vị.
Thiện Ý
Houston,
18 tháng 3 năm 2016
*Ghi chú: Bài
này chúng tôi đã gửi cho Đài VOA đăng tải sau khi cắt bỏ một số chi tiết cho
phù hợp với quy định.
No comments:
Post a Comment
Note: Only a member of this blog may post a comment.