Nhà cầm quyền CSVN trấn áp ngư dân Hà Tĩnh đấu tranh đòi quyền sống
25.10.2016
Ngày 2 Tháng 10 năm
2016 hơn 10.000 ngư dân đã xuống đường biểu tình ôn hòa bên ngoài nhà máy thép
Formosa ở Hà Tĩnh. Họ mang theo các biểu ngữ như “Đừng vì Formosa mà phản bội
nhân dân”, hay “Chúng tôi cần biển, cần tôm, cần cá, không cần sắt thép”,
“Formosa cút đi”… Người biểu tình đã vượt qua rào cản của cảnh sát cơ động và
bộ đội để tiến vào địa điểm tập trung trước cổng nhà máy Formosa và
không bị đàn áp nên không gây hậu quả đáng kể nào. Cuộc biểu tình kéo dài nhiều
giờ và sau đó người biểu tình đã tự giải tán trong trật tự.
Vì sao cuộc biểu
tình của hàng ngàn người đã không bị công an, bộ đội đàn áp như thường thấy
trước đây? Trái lại, qua hình ảnh trên Internet người ta nhìn thấy cảnh sát và
bộ đội đã tháo chạy trước làn sóng người biểu tình. Trong một bài viết được phổ
biến vài ngày sau khi xảy ra cuộc biểu tình mà không bị đàn áp, chúng tôi đã
nhận định đây chỉ là sự tính toán lợi hại của đảng và nhà cầm quyền CSVN, chứ
chẳng tử tế gì.
1. Có thể là vì
cuộc biểu tình qui mô lớn, bất ngờ, với hơn 10.000 người dân tham dự mà phần
đông là các tín đồ Công giáo, đã buộc đảng và chính quyền CSVN phải thận trọng,
tránh gây đổ máu và tạo ra “tình thế cách mạng chín muồi” có thể đe dọa sự sống
còn của đảng và chế độ CSVN.
2. Phản ứng này
cũng có thể chỉ là sự “tương kế tựu kế” của đảng CSVN để chứng tỏ với công luận
trong nước và quốc tế rằng nhà cầm quyền Việt Nam tôn trọng quyền biểu tình của
người dân.
3. Sau cùng, không
đàn áp biểu tình có thể chỉ là chiến thuật nhất thời “lùi một bước, tiến hai
bước” của đảng CSVN để thoát hiểm,chờ cho tình hình lắng dịu rồi sau đó tìm
cách triệt hạ những người cầm đầu tổ chức biểu tình hay có ảnh hưởng.
Đường dẫn trực tiếp
Giờ đây, sau khi
tình hình đã lắng dịu, phải chăng đảng và nhà cầm quyền CSVN đang bắt đầu thực
hiện chiến thuật “Đập đầu, diệt rắn” như hai sự kiện sau đây cho thấy:
1. Nhà hoạt động
dân chủ trẻ tuổi nổi tiếng là Nguyễn Ngọc Như Quỳnh, tức blogger Mẹ Nấm, vừa bị
bắt khẩn cấp hôm 10/10 tại nhà riêng ở Nha Trang do những hoạt động ôn hòa kêu
gọi bảo vệ môi trường và xử lý minh bạch vụ Formosa gây thảm họa môi trường
miền Trung. Nguyễn Ngọc Như Quỳnh bị bắt khởi tố về cái gọi là tội ‘tuyên
truyền chống nhà nước’ theo điều 88 Bộ luật hình sự VN. Hành động này lập tức
bị cả Hoa Kỳ, Liên hiệp châu Âu và nhiều tổ chức quốc tế theo dõi và bảo vệ
nhân quyền phản đối mạnh mẽ và đòi nhà cầm quyền CSVN phải trả tự do tức khắc,
vô điều kiện cho Nguyễn Ngọc Như Quỳnh.
2. Ngày 14/10
nhiều nhà hoạt động dân chủ ở Việt Nam đăng trên mạng xã hội bản sao của một
công văn đề ngày 7/10 do Ủy ban Nhân dân tỉnh Nghệ An gửi đến những vị đứng đầu
giáo phận Vinh. Công văn đề nghị Giám mục Nguyễn Thái Hợp, người cai quản Giáo
phận Vinh, hạn chế hoạt động của Linh mục Đặng Hữu Nam, người gần đây đã dẫn đầu hàng
trăm người đi nộp đơn kiện liên quan đến một thảm họa môi trường. Nhiều người
cho rằng công văn của UBND tỉnh Nghệ An là một bước đi của chính quyền tỉnh
nhằm “trục xuất” Linh mục Nam
ra khỏi tỉnh. Nhưng Giám mục Nguyễn Thái Hợp cho biết: “Chúng tôi cũng đã suy
nghĩ và cũng đã nói với Cha Nam.
Cho đến hôm nay chúng tôi sẽ suy nghĩ thêm và chưa có trả lời chính thức cho
họ”.
Đường dẫn trực tiếp
Trong khi đó,
nhiều giáo dân đã nói rằng việc Linh mục Nam dẫn đầu các cuộc biểu tình và
khiếu kiện nhà máy của Formosa là “hoàn toàn chính đáng” và họ “cần có Cha
Antôn Đặng Hữu Nam”. Họ coi đề nghị nêu trong công văn của tỉnh Nghệ An là một
hành động “vi phạm quyền tự do tôn giáo” và đang kêu gọi cùng nhau lên án đề
nghị này, đồng thời đoàn kết để bảo vệ Linh mục Nam.
Đây là một thông
điệp mạnh mẽ gửi đến đảng và nhà cầm quyền CSVN để cảnh cáo rằng họ cần giải
quyết ổn thỏa những yêu cầu hợp pháp, chính đáng của ngư dân. Nếu đảng và nhà
cầm quyền CSVN tiếp tục thực hiện chủ trương chính sách trấn áp quần chúng thì
tức là họ muốn đẩy quần chúng đến chỗ “tức nước vỡ bờ”. Hậu quả như thế nào,
thiết tưởng đảng và nhà cầm quyền CSVN phải biết rõ hơn ai hết.
* Các bài viết
được đăng tải với sự đồng ý của Ðài VOA nhưng không phản ánh quan điểm hay lập
trường của Chính phủ Hoa Kỳ.
Thiện Ý
Thiện
Ý nguyên luật sư tại Sài Gòn trước 1975, hiện là Chủ tịch Câu Lạc bộ Luật khoa
Việt Nam ở Houston.
No comments:
Post a Comment
Note: Only a member of this blog may post a comment.