Sunday, December 4, 2016

VÌ SAO BẮC TRIỀU TIÊN VẪN TIẾP TỤC THỬ NGHIỆM HẠT NHÂN, BẤT CHẤP CÁC BIỆN PHÁP CHẾ TÀI CỦA LIÊN HIỆP QUỐC?



VÌ SAO BẮC TRIỀU TIÊN  VẪN  TIẾP TỤC THỬ NGHIỆM HẠT NHÂN, BẤT CHẤP CÁC BIỆN PHÁP CHẾ TÀI CỦA LIÊN HIỆP QUỐC?

Thiện Ý

Thứ sáu 9-9-2016, Bắc Triều Tiên đã cho thử nghiệp vũ khí hạt nhân lần thứ năm và được coi là lớn nhất kể từ cuộc thử nghiệm đầu tiên vào năm 2006. Bình Nhưỡng nói cuộc thử nghiệm lần này là một "đầu đạn hạt nhân đã được chuẩn hóa để có thể gắn trên các hỏa tiễn đạn đạo chiến lược". Cuộc thử nghiệm này diễn ra trong khi Liên Hiệp Quốc vẫn đang áp dụng các biện pháp trừng phạt đối với Bắc Triều Tiên và cấm quốc gia này thử nghiệm bất kỳ công nghệ hạt nhân hay hỏa tiễn nào.

Phản ứng quốc tế nói chung, Liên Hiệp Quốc và các cường quốc nói riệng, trước vụ thử nghiệm hạt nhân được coi là lớn nhất từ trước tới này được coi là rất quyết liệt. Cộng đồng quốc tế đang cân nhắc phản ứng và chế tài trừng phạt.Hoa Kỳ nói đang xem xét biện pháp trừng phạt riêng, ngoài những lệnh trừng phạt mà Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc áp đặt.Bình Nhưỡng đáp lại vào hôm Chủ Nhật 11-9-2016 bằng cách gọi các lời đe dọa về "lệnh trừng phạt là vô nghĩa... hết sức nực cười".

Trước thực tế  trên người ta tự hỏi, vì sao Bắc Triều Tiên vẫn tiếp tục thử nghiệp hạt nhân, với thái độ ngạo mạn đầy thách thức, dù Liên Hiệp Quốc đã  áp đặt nhiều biện pháp chế tài với mức độ và cường độ ngày một gia tăng?

Câu trả lời tổng quát theo nhận định của chúng tôi là vì các biện pháp chế tài  dù mức độ và cường độ có gia tăng, nhưng vẫn trong khuôn khổ cấm vận nhằm cắt đứt mọi nguồn cung ứng kinh tế, quân sự để chế độ Bình Nhưỡng không còn khả năng tiếp tục chương trình thử nghiệm hạt nhân và phi đạn. Thế nhưng tác dụng này đã không xẩy ra, Bình Nhưỡng vẫn ngày một hung hăng tiếp tục các cuộc thư nghiệm ngày một hiệu quả, là vì nguồn tiếp máu cho chế độ này vẫn chưa bị cắt đứt được. Vậy nguồn tiếp máu ấy từ đâu mà vẫn chưa bị cắt đứt?

Theo suy đoán của chúng tôi nguồn máu nuôi sống chế độ Bình Nhưỡng bao lâu nay, trước cũng như sau các biện pháp chế tài của Liên Hiệp Quốc chỉ có thể là Trung Quốc. Có thể là vì Bắc Kinh đã khéo che đậy khi thực hiện đối sách “Lá mặt, lá trái” nên quốc tế khó nhận ra thực chất mối quan hệ Trung- Triều trên hồ sơ hạt nhân Bắc Triều Tiên chăng?

Lá mặt là Trung Quốc  bề ngoài cố tạo ra cho chế độ Bắc Triều Tiên “bộ mặt độc lập tự chủ” và mối quan hệ Trung-Triều là quan hệ bình đẳng giữa hai quốc gia độc lập có chủ quyền. Do đó, riêng về vấn đề thử nghiệm vũ khí hạt nhân, vẫn đã, đang và sẽ có thêm nhiều mâu thuẫn giả tạo trong quan hệ giữa Bắc Kinh và Bình Nhưỡng; và để giải quyết những mâu thuẫn này trên hồ sơ hạt nhân của Bình Nhưỡng, Trung Quốc vẫn phải tỏ ra có nhiều khó khăn, cần nhiều nỗ lực thuyết phục, áp lực theo đường lối ngoại giao thông thường hay đặc biệt, chứ không thể ra lệnh, ép buộc đảng và nhà cầm quyền Bắc Triều Tiên như một công cụ. Nhưng tất cả chỉ là những động tác giả nhằm che đậy “Lá trái”.

Lá trái là thực chất mối quan hệ Trung -Triều là quan hệ bất bình đẳng và lệ thuộc toàn diện. Từ quá khứ trong chiến tranh ý thức hệ, đến hiện tại trong chiến lược toàn cầu mới, Bình Nhưỡng  chỉ có chủ quyền trên nguyên tắc,lệ thuộc toàn diện chính trị, kinh tế, quân sự quốc phòng vào chế độ Bắc Kinh trên thực tế. Chính sự lệ thuộc này  đã biến Bình Nhưỡng thành công cụ  chiến lược một thời trong vùng của Trung Quốc trong quá khứ cũng như hiện tại.
  
Hiện tại thực hiện  đối sách “Lá mặt, lá trái” trên hồ sơ hạt nhân của Bình Nhưỡng, Bắc Kinh bề ngoài bao lâu nay luôn tỏ ra không tán đồng, đôi lúc chống đối gay gắt và tham gia có mức độ, lúc mạnh, lúc yếu,các biện pháp trừng phạt của Liên Hiệp Quốc đối với các hành động thử nghiệm vũ khí hạt nhân và tên lửa đạn đạo của Bình Nhương. Thế nhưng bên trong, từ lâu dường như chính Trung Quốc đã là nước duy nhất bao che, hổ trợ hay làm thay  để Triều Tiên có được và trở thành nước có vũ khí hạt nhân với hai ý đồ:

- Một là để Bình Nhưỡng dùng vũ khí hạt nhân hù dọa theo kiểu “Chén sành đổi chén kiểu” để “tống tiền” Hoa Kỳ và các nước giầu có trong vùng  như Nhật Bản, Hàn Quốc hay quốc tế nói chung (nhận viện trợ để đổi lại việc ngưng các cuộc thử nghiệp hạt nhân…)

 - Hai là để Bắc Kinh có điều kiện và cơ hội được quốc tế phải cầu cạnh như một nước duy nhất ảnh hưởng được đối với Bình Nhưỡng, để có thế làm cao giá mặc cả thủ lợi, khi được yêu cầu đứng ra làm trung gian triệu tập các hội nghị đa phương với Bình Nhưỡng để tìm ra giải pháp. Ví dụ các hội nghị sáu bên gồm Liên Hiệp Quốc, Hoa Kỳ, Nhật Bản, Nam Hàn, Trung Quốc với Bắc Triều Tiên trong quá khứ để giải quyết vấn đề thử nghiệm hạt nhân của Bình Nhưỡng. Thế nhưng sau vài lần vẫn chưa thành. Phải chăng vì vai trò trung gian vẫn còn giá trị lợi dụng đối với Trung Quốc, hay chưa đến lúc đủ lợi cho phép công cụ của mình chấp nhận bất cứ giải pháp nào liên quan đến thử nghiệm hạt nhân của Bình Nhưỡng ?
     
Tất cả những suy luận trên đây của chúng tôi đều  dựa trên quan sát diễn biến các sự kiện thực tế: rằng một chế độ độc tài toàn trị nhỏ yếu, tự cô lập trong nhiều thập niên qua (1948-2016) với thế giới bên ngoài, kinh tế nghèo nàn và lạc hậu, đa số nhân dân sống trong cảnh lầm than, chết đói, chết lạnh thường xuyên; tương phản với đời sống sa hoa, no thừa của giai cấp thống trị thuộc đảng Lao Động Triều Tiên và những thành phần dân chúng được tuyển chọn để trang bị cho có bộ mặt cuộc sống phồn hoa để khoa trương tuyên truyền lừa bịp với thế giới bên ngoài, thì làm sao có thể tự tồn trong nhiều thập niên qua, lại có thể tự chế tạo ra được vũ khí hạt nhân, tên lửa tầm trung, tâm xa, cũng như trang bị nhiều khí tài quân sự hiên đại phô trương sức mạnh quân sự, quốc phòng của Bình Nhưỡng …nếu không có vai trò chủ yếu bao che, nuôi sống vỗ béo giai cấp thống trị, hổ trợ mọi mặt chế độ này của Trung Quốc.

Một trong những biểu hiện dễ thấy gần nhất của đối sách “Lá mặt là trái” của Trung Quốc trên hồ sơ hạt nhân là phản ứng của Trung Quốc trong hai vụ thử tên lửa đạn đạo và thử hạt nhân mới nhất của Bắc Triều Tiên mới đây . Trong vụ thử tên lửa đạn đạo ngày 24-8 , khi Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe gọi cuộc thử nghiệm mới nhất này của Bắc Triều Tiên là hành động khiêu khích “không thể tha thứ” và “rõ ràng đã thách thức các nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc”;  và Nam Hàn cũng như  quốc tế lên án mạnh mẽ những hành động của Bình Nhưỡng, thì Bộ trưởng Ngoại giao Vương Nghị của Bắc Kinh lại tập trung vào việc thúc đẩy hợp tác rộng hơn và có nỗ lực ngăn cản Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc khi 15 nước thành viên họp để bàn biện pháp trừng phạt mới tiếp theo các biện pháp trước đây.

Trong vụ thử hạt nhân ngày 9-9-2016 mới đây, Tổng Thư Ký Liên Hiệp Quốc Ban Ki-Moon ra một tuyên bố mạnh mẽ, “lên án” vụ thử nghiệm hạt nhân dưới lòng đất của Bắc Triều Tiên. Ông Ban nói: “Hành động không thể chấp nhận này đe dọa hòa bình và an ninh trong khu vực và là một lời nhắc nhở hùng hồn nữa về nhu cầu cấp thiết phải tăng cường quy chế cấm thử nghiệm hạt nhân toàn cầu”. Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama cũng lên án vụ thử hạt nhân của Bắc Triều Tiên là một “mối đe dọa nghiêm trọng đối với an ninh khu vực và hòa bình, ổn định quốc tế”. Trong khi đó, Trung Quốc cũng lên tiếng phản đối chiếu lệ một cách yếu ớt,  rằng các cuộc thử nghiệm" không có lợi cho hòa bình và ổn định của bán đảo Triều Tiên". Và rằng "Trung Quốc thúc giục Bắc Triều Tiên không thực hiện thêm bất kỳ hành động nào có thể làm trầm trọng thêm căng thẳng, và quay trở lại càng sớm càng tốt với hướng đi đúng đắn về phi hạt nhân hóa". Nhưng đồng thời Bắc Kinh còn tìm cách biện hộ cho Bình Nhưỡng khi cho rằng sự leo thang các cuộc thử nghiệp tên lửa đạn đạo và hạt nhân của Bắc Triều Tiên là do việc Nam Hàn và Hoa Kỳ triển khai hệ thống tên lửa THAAD tại Hàn Quốc.

Như vậy là thế giới đã và đang cùng lúc phải đối phó với hai hiểm họa ISIS và hiểm họa hạt nhân Bắc Triều Tiên. Cả hai hiểm họa này đều có chung  bản chất khủng bố để đạt các ý đồ khác nhau. Hiểm họa khủng bố ISIS thì đã xẩy ra qua các cuộc đánh bom tự sát gây thảm sát thương vong cho nhiều người. Còn hiểm họa hạt nhân Bắc Triều Tiên đang còn là mối đe dọa cho hoà bình thế giới và an ninh khu vực. Nhưng tương lai nếu không nhăn chặn kịp thời để hiểm họa biến thành tai hoa thực sự thì hậu quả còn tàn khốc hơn nhiều.

Muốn ngăn chặn kịp thời, thiết tưởng không thể dùng biện pháp mạnh như Nam Hàn vừa đưa ra, rằng từng phần của Bình Nhưỡng "sẽ bị phá hủy hoàn toàn bởi các hỏa tiễn đạn đạo và hỏa lực với sức nổ lớn". Và rằng rằng các quận, huyện được cho là những nơi ẩn lánh của lãnh đạo chế độ Bắc Triều Tiên ở Bình Nhưỡng sẽ là mục tiêu đặc biệt trong bất kỳ cuộc tấn công nào. Vì biện pháp này vừa nguy hiểm lại không hiệu quả do Trung Quốc sẽ không đứng nhìn mà sẽ can thiệp theo kiều “Chí nguyện quân” tham dự cuộc chiến 1950-1953, hậu quả thật khó lường trong điều kiện chiến tranh mới với nhiều vũ khí hiện đại.

Hiện tại, Liên Hợp quốc vẫn đang áp dụng các lệnh trừng phạt đối với Bắc Hàn và cấm quốc gia này thử nghiệm bất kỳ công nghệ hạt nhân hay hỏa tiễn nào. Hoa Kỳ nói đang xem xét biện pháp trừng phạt riêng, ngoài những lệnh trừng phạt mà Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc áp đặt. Thế nhưng với bất cứ biện pháp nào mà chỉ nhắm vào Bắc Triều Tiên không thôi,thiết tưởng sẽ không giải quyết hay chỉ giải quyết ngọn của vấn đề. Gốc của vấn đề là cần biết Trung Quốc muốn đạt điều gì  qua đối sách “Lá mặt lá trái” trên hồ sơ hạt nhân Bắc Triều Tiên, thì mới giải quyết dứt điểm được vấn đề  hạt nhân Bắc Triều Tiên.

           Thiện Ý
Houston, ngày 12-9-2016




No comments:

Post a Comment

Note: Only a member of this blog may post a comment.