Sunday, December 4, 2016

TỪ CUỘC BIỂU TÌNH CỦA NGƯ DÂN NGHỆ TĨNH, NGHĨ ĐẾN SỰ KIỆN XÔ-VIẾT NGHỆ TĨNH 1930 CỦA ĐẢNG CSVN



TỪ CUỘC  BIỂU TÌNH CỦA NGƯ DÂN NGHỆ TĨNH, NGHĨ ĐẾN SỰ KIỆN XÔ-VIẾT NGHỆ TĨNH 1930 CỦA ĐẢNG CSVN

Thiện Ý.

Tin từ Việt Nam cho hay, vào Chủ nhật Mùng 2 Tháng 10 năm 2016 vừa qua ước lượng có khoảng hơn mười ngàn ngư dân Nghệ Tĩnh đã xuống đường biểu tình ôn hòa bên ngoài nhà máy thép Formosa ở Hà Tĩnh.Họ mang theo các biểu ngữ như “Đừng vì Formosa mà phản bội nhân dân”, hay “Chúng tôi cần biển, cần tôm, cần cá, không cần sắt thép”, “Formosa cút đi”… Ngư dân tham dự  biểu tình  đã vượt qua rào cản của cảnh sát cơ động và quân đội để tiến vào địa điểm tập trung trước cổng nhà máy Formosa và không bị đàn áp nên không gây hậu quả đáng kể nào. Cuộc biều tình kéo dài nhiều giờ và sau đó người biểu tình tự giải tán trong trật tự.

 Cuộc biểu tình lớn này nổ ra chỉ ít ngày sau khi hàng trăm người dân Nghệ Tĩnh đã nộp hơn kiện (26-9-2016) tại một Tòa án ở địa phương để đòi bồi thường thiệt hại do nhà máy Formosa đã xả thải độc chất gây ra cá chết hàng loạt, làm tê liệt hoạt động ngư nghiệp và du lịch của 4 tỉnh miền Trung Việt Nam mấy tháng qua vẫn chưa dứt. Mặc dù Formosa đã thừa nhận trách nhiệm và đồng ý đền bù 11.500 tỷ đồng VN, tương đương 500 triệu US đôla, nhưng các ngư dân bị thiệt hại  muốn Formosa  phải “đóng cửa vĩnh viễn”.để tránh tác hại lâu dài, bảo vệ môi trường biển trong sạch cho hàng ngàn gia đình ngư dân chuyên sống bằng nghề đánh bắt cá nói riêng, cho nhân dân Việt Nam trong vùng  và cả nước nói chung.

Cuộc biểu tình “vô tiền” (chưa hề có) nhưng chưa phải là “khoáng hậu” này (có thể còn nhiều cuộc biểu tình lớn hơn nếu…) đã khiến chúng tôi nghĩ tới sự kiện lịch sử Xô-Viết Nghệ Tĩnh năm 1930 của đảng CSVN trong hai ý nghĩa đối nghịch.

Theo lịch sử tự biên tự diễn của  đảng CSVN thì ngày 18-11-1930 nhân dân Nghệ Tĩnh, dưới sự lãnh đạo của đảng Cộng Sản Đông Dương (tức đảng CSVN sau này), đã nổi dậy cướp chính quyền và thành lập “chính quyền Xô-Viết” (kiểu Liên Xô nên biến cố được gọi là Xô-Viết Nghệ Tĩnh) ở địa phương, tồn tại ít ngày thì bị Pháp đàn áp đẫm máu. Sự kiện này xẩy ra chỉ hơn 9 tháng sau ngày thành lập đảng CSVN (3-2-1930) và coi biến cố Xô-Viết Nghệ Tĩnh là đỉnh cao của phong trào cách mạng quần chúng, có ý nghĩa như là cuộc tổng diễn tập đầu tiên phương pháp dùng bạo lực cách mạng của quần chúng nhân dân để cướp chính quyền nhằm thực hiện mục tiêu sau cùng là xây dựng chủ nghĩa xã hội dưới sự lãnh đạo của  cộng sản quốc tế Nga-Hoa.

Thế nhưng, sau 86 năm (1930-2016) kể từ lần đầu tiên dùng sức mạnh quần chúng nhân dân cướp được chính quyền ngắn ngủi ở Nghệ Tĩnh, nay đã cướp được chính quyền và độc quyền thống trị trên cả nước 41 năm qua (1975-2016) đảng và chính quyền CSVN, tự nhận là chính quyền của nhân dân (Cái gì cũng nhân dân: Quân đội nhân dân, công an nhân dân, Tòa án nhân dân, Hội đồng nhân dân,Ủy Ban Nhân Dân…) đã làm gì để giờ đây hàng ngàn nhân dân Nghệ Tĩnh đã phẫn nộ xuống đường biểu tình đòi quyền sống, quyền lao động trong môi trường đất và biển sạch, không bị ô nhiễm, ở chính  nơi mà đảng CSVN lần đầu tiên đem sinh mạng nhân dân thử nghiệm phương pháp đấu tranh giành chính quyền bằng “bạo lực cách mạng của quần chúng nhân dân” ?

Nhân dân Việt Nam quan tâm ai cũng có thể trả lời câu hỏi trên không khó khi nhìn lại quá khứ và thực tế từ khi đảng CSVN xuất hiện trên chính trường Việt Nam, nhất là sau khi giành được chính quyền nhờ sức mạnh và xương máu của nhân dân. Một khi trả lời được câu hỏi này  sẽ làm rõ ý nghĩa đối nghịch của chủ đề bài viết này.

Đối nghịch ở chỗ từ một nơi 86 năm trước là Nghệ Tĩnh, đảng CSVN đã  thử nghiệm lần đầu tiên phương pháp đấu tranh dùng “bạo lực cách mạng của quần chúng nhân dân” để cướp chính quyền, nói là để giành độc lập dân tộc, mà thực ra là giành thuộc địa kiểu mới cho quốc tế cộng sản, đứng đầu là hai tân đế quốc đỏ  Nga-Hoa.Vì sau khi thành lập ngày 3-2-1930, đảng  CSVN đã lãnh đạo nhân dân lao vào cao trào đấu tranh cách mạng trên cả nước như “cuộc bãi công của 5000 công nhân ở đồn điền Phú Riềng Nam Bộ(3-2-1930),của 4000 công nhân nhà máy sợi Nam Định ở Bắc Bộ (25-3-1930), của 400 công nhân nhà may diêm và nhà máy cưa Bến Thủy ở Trung Bộ (19-4-1930…”(1). Chính nhờ sự tuyên truyền dối trá lừa mị, đảng CSVN đã huy động được sức dân lao vào các cuộc đấu tranh này, nên khoảng hơn một năm sau, vào tháng 4-1930 “Đảng được công nhận là một chi bộ của Quốc tế cộng sản…” (2).

Thế nhưng, sau khi dùng của cải và xương máu của nhân dân giành được chính quyền rồi,”độc lập dân tộc” đã không có, mà “tự do-hạnh phúc” của nhân dân vẫn còn là ước mơ.Bởi đảng CSVN chỉ dùng chính quyền như công cụ “Chuyên chính vô sản” hay là chính quyền dộc tài của giai cấp vô sản (giả) mà thực chất cũng như thực tế chỉ là sự tiếm danh giai cấp vô sản của một tập đoàn đảng viên cộng sản tự coi mình là “Đội tiền phong của giai cấp công nhân” (hay vô sản);áp đặt chế độ độc tài đảng trị hay toàn trị trên nhân dân, bác đoạt mọi quyền tự do, dân chủ, nhân quyền; bắt mọi tầng lớp nhân dân (gọi chung là giai cấp bị trị) phải sống và làm việc phục vụ cho quyền và lợi ích trước hết và trên hết cho tập đoàn thống trị là các cán bộ, đảng viên CSVN. Bất cứ người dân thuộc giai cấp bị trị nào giám chống lại quyền lãnh đạo tối cao và tuyệt đối của đảng CSVN sẽ bị trấn áp, trừng phạt, sát hại bằng những công cụ chuyên chính vô sản như quân đội, công an, tòa án, nhà tù…

Vậy tại sao cuộc biểu tình ôn hòa nhưng đầy khí thế của hàng ngàn ngư dân Nghệ Tĩnh ngày 2-10 vừa qua, những công cụ chuyên chính là công an, quân đội ấy, lại không đàn áp như thường thấy trước đây. Trái lại, qua hình ảnh phát tán trên internet người ta nhìn thấy cảnh sát cơ động và bộ đội tháo chậy trước làn sóng người biểu tình tràn lên như thác đổ, vượt qua rào cản, tiến đến tập trung đông đảo trước cổng nhà máy Formosa.Theo suy đoán cùa chúng tôi:

1.- Có thể là vì cuộc biểu tình qui mô lớn, bất ngờ, với hơn 10 ngàn người dân tham dự mà phần đông là các tín đồ Công giáo, đã  buộc đảng và chính quyền CSVN  trung ương phải thận trọng, đã chỉ đạo đảng bộ và chính quyền địa phương tránh va chạm dẫn đến xung đột đổ máu, có thể châm ngòi nổ lan rộng các cuộc biểu tình trên cả nước, tạo ra “Tình thế cách mạng chín muồi” theo lý luận về quy luật đấu tranh giai cấp Marxist-Leninnist, dẫn đến nguy cơ sống còn cho đảng và chế độ CSVN.

2.-Sự chỉ đạo này cũng có thể xuất phát từ sự liên tưởng đến sức mạnh của quần chúng nhân dân trong cao trào cách mạng do đảng CSVN lãnh đạo, mà đỉnh cao là “Xô-Viết Nghệ Tĩnh” nổ ra ngày 18-11-1030, ở cái nơi khởi nghiệp của đảng CSVN, cũng là quê hương lãnh tụ CS Hồ Chí Minh, nên đã không cho lệnh đàn áp triệt để(như Cụ Hồ đã trực tiếp cho lệnh tàn sát tiêu diệt dã man cuộc nổi dậy của nhân dân Ba Làng, Quỳnh Lưu cũng tại Nghệ Tĩnh vào năm 1956) để tránh dẫn tới sự cáo chung sự nghiệp cách mạng của đảng CSVN, khởi đi từ cái nôi khởi nghiệp CS là Nghệ Tĩnh chăng?

3.- Sự chỉ đạo này cũng có thể chỉ là sự toan tính lợi hại của lãnh đạo đảng CSVN, khi cứ để cho  cuộc biểu tình xẩy ra như vũ bão mà không đàn áp, để có tác dụng tốt đối với công luận trong nước và quốc tế là nhà cầm quyền Việt Nam đã tôn trọng quyền biểu tình của người dân; lại có cớ tạo áp lực thương lượng đòi Formosa phải bồi thường thêm hay chấp nhận ngưng hoạt động vĩnh viễn mà không phải bồi thường, để đáp ứng được nguyện vọng chính đáng của nhân dân chăng ?

4.-Sau cùng không đàn áp biểu tình chỉ là thủ thuật “lùi một bước, tiến hai bước” của đảng CSVN hầu đối phó nhất thời để thoát hiểm, đợi tình hình lắng dịu sẽ tìm cách “Đập đầu bắt rắn”. Nghĩa là sau đó tìm cách triệt hạ những người cầm đầu tổ chức biểu tình để trấn áp cách này hay cách khác. Thí dụ như đưa ra tòa án (của đảng) xét xử theo luật pháp (của đảng) về tội sách động quần chúng nhân dân gây rối loạn trật tự an ninh công cộng, phá hoại hoạt động sản xuất,lợi dụng quyền dân chủ (đảng ban cho), âm mưu lật đổ chính quyền (của đảng CSVN) hay một tội danh nào đó mà đảng cho là thích hợp. Đồng thời, trong âm thầm,”Đảng ta” cũng có thể cùng lúc dùng băng đảng tội phạm lâu nay được công an xử dụng như những công cụ khủng bố theo kiểu xã hội đen, đối với bất cứ ai có hành động bất lợi cho đảng và chế độ, kể cả luật sư những người phụ tá công lý, bảo vệ thân chủ  từng bị những kẻ mặc thường phục hành hung, đánh đập gây thương tích trầm trọng khi thi hành nghiêp vụ, như trong các vụ nạn nhân chết người “bất đắc kỳ tử” khi đang bị công an giam giữ tại các nhà tù.

Tất cả suy đoán trên, cái nào nghiệm đúng sẽ được thực tế khẳng định trong những ngày tới. Nhân đây chỉ xin nhắc đảng CSVN về vai trò và sức mạnh của quần chúng nhân dân, nếu đã từng giúp cho đảng nắm được chính quyền, thì sức mạnh ấy cũng có thể đòi lại chính quyền về tay nhân dân.Bởi vì, hơn ai hết, đảng CSVN phải biết những quy luật về đấu tranh giai cấp Marxist-Leninnist, rằng “ở đâu có áp bức, ở đó có đấu tranh”; rằng “Cách mạnh là sự nghiệp của quần chúng”; và rằng. khi mâu thuẫn giữa giai cấp thống trị và các giai cấp bị trị không còn điều hòa được nữa sẽ trở thành mâu thuẫn đối kháng (một mất một còn), cũng là lúc “Tình thế cách mạng chín nuồi”, cuộc cách mạng của quần chúng nhân dân nổ ra nhất định thắng lợi.Hiệu quả của những quy luật này, hơn ai hết, đảng CSVN chắc hẳn có nhiều kinh nghiệm thực tiễn?

                 Thiện Ý
Houston, ngày 9 tháng 10 năm 2016

Chú thích: (1) và (2) Trích từ “40 năm hoạt động của đảng Lao Động Việt Nam (tức đảng CSVN)” Nhà xuất Bản Sự thật-Hà Nội-1975

No comments:

Post a Comment

Note: Only a member of this blog may post a comment.