Nhân Mother's Day, vinh danh hai người mẹ Việt Nam
07/05/2021
Hình
minh họa.
Thiện Ý
Theo truyền thống văn hóa Hoa Kỳ, hàng năm vào ngày Chủ nhật thứ hai của Tháng Năm là ngày lễ “Mother's
Day” (Ngày của Mẹ). Năm
nay, “Ngày của Mẹ” rơi vào ngày 9-5-2021. Trong ngày
này, người chồng và các con thường có thói quen gửi thiệp chúc mừng, tặng hoa, mua sắm quà tặng cho người Mẹ, tổ chức những bữa ăn ở nhà hay nhà hàng để bày tỏ lòng biết ơn người Mẹ có công sinh thành dưỡng dục (đối với các
con) hay chia sẻ mọi nỗi trong cuộc sống lứa đôi (đối với người chồng, cha của những đứa con).
Trong quan hệ xã hội, vào ngày “Mother’
s Day”, câu chúc trên cửa miệng của người Hoa Kỳ là “Happy Mother’s Day” khi
gặp các bà đã làm mẹ hay phụ nữ sẽ làm mẹ.
Tục ngữ Việt Nam có
câu “Nhập gia tùy tục, đáo sông tùy khúc”. Vì thế, nhân dịp “Mother’s
Day” năm nay, ngoài Thiệp chúc mừng kèm một bó hoa hồng tươi tặng hiền thê như hàng năm, tôi muốn viết bài này để vinh danh hai người Mẹ Việt Nam. Đó là Mẹ tôi (đã khuất) và Mẹ của các con tôi, là hiền thê của tôi.
Vinh danh Mẹ tôi, người Mẹ đã khuất ở tuổi 90 (1913-2003)
mà gần cả cuộc đời đã sống cô đơn, vất vả một mình dưỡng nuôi tôi ăn học, khôn lớn thành người.
“Chốn ngục tù canh khuya thao thức,
Nhớ Mẹ hiền ngăn cách
đôi nơi,
Con thương Mẹ lắm, Mẹ ơi!
Vì đời Mẹ đã ít vui khổ nhiều…”
Thật vậy, nghe Mẹ tôi kể, khi tôi còn trong bụng mẹ, Cha tôi đã đưa bà từ quê nội về quê ngoại để sinh tôi, rồi ông ra đi biệt tăm biệt tích. Khi đó là vào khoảng những tháng đầu năm 1945,
Mẹ tôi mới ngoài 30 tuổi. Khoảng một tháng sau Mẹ sinh tôi ra
không có Cha bên cạnh. Mẹ tôi đã sống và nuôi tôi dưới sự bao bọc của bà ngoại và tình thương của chị em, con cháu bên
ngoại.
“Mẹ ơi, con còn nhớ đôi lần Mẹ nhắc,
Chuyện Cha con bỏ mặc con thơ,
Và mình Mẹ bơ vơ về quê ngoại,
Con đã sống những ngày thơ dại,
Bằng tình thương bên ngoại ban cho,
Con đã sống những ngày no đủ,
Bằng tình thương ấp ủ Mẹ hiền,
Và ngày tháng triền miên trong lòng
Bà Ngoại…”
Mãi đến năm lên bốn tuổi (1945-1949) tôi mới được gặp một người mà “U tôi” nói
với tôi “Thày
mày đấy”. Tôi
rụt rè, e ngại, nắm áo Mẹ, lấm lét nhìn người đàn ông xa lạ mặc âu phục, veston, cà vạt… Tương phản với Mẹ tôi ăn mặc quê mùa, áo
cánh, quần đen, đầu vấn khăn độn chít khăn nhung
mỏ quả. Tôi nhớ lần đầu tiên gọi Cha tôi là “Thày” là
khi ngồi trên xe
hàng (xe chở khách) từ Phủ Lý, thủ phủ của Tỉnh Hà Nam, theo
Cha tôi về Nam Định, dọc đường xe ngừng lại. Tôi thấy người ta bán kem (cà-rem) và quà bánh dưới đường, thì xin Mẹ “U!
con muốn ăn kem”. Mẹ tôi chỉ cha tôi ngồi ghế băng trước, vì bà mới ở nhà quê lên tỉnh đâu có tiền. Tôi rụt rè vỗ nhẹ vai Cha tôi “Thày! Con muốn ăn kem”. Ông
lẳng lặng móc ví đưa cho tôi mấy xu và nói nhỏ với tôi câu này “gọi là cậu, đứng gọi là thày”. Sau
này tôi mới biết dân tỉnh thành ở Miền Bắc thời đó gọi cha mẹ bằng “Cậu, Mợ”. Từ đó tôi gọi Cha tôi là “cậu”, song vẫn gọi Mẹ tôi là “U”. Mãi
sau này tôi mới biết là, năm đó Cha tôi đã đưa Mẹ tôi về quê ngoại sinh tôi rồi đi biệt tích vì ông lên Hà Nội tham gia “Cướp chính quyền tháng 8 năm 1945” do Việt Minh (một tổ chức trá hình của Việt cộng) thực hiện. Sau đó, khi Nhật trong phe trục (Đức-Ý-Nhật) bại trận phải đầu hàng phe đồng minh (Mỹ-Anh-Pháp…) trong
Thế Chiến II; rồi Pháp trở lại, Việt Minh phát động và chủ đạo cuộc kháng chiến chống Pháp 8 năm cuối cùng (1946-1954). Có lẽ do Cha tôi là người thông thạo nói và viết tiếng Pháp (gốc nhà tu xuất tu khi gặp Mẹ tôi ở một xứ đạo mà ông là Thày giúp xứ), nên Việt Minh đã cài được Cha tôi vào làm việc trong Sở mật thám của Pháp (Deuxième
Bureau: Phòng Nhì) ở Nam Định.
Thế rồi, Mẹ con tôi chỉ sống chung với Cha tôi khoảng hai năm (1949-1951), dường như bị lộ do Pháp nghi ngờ gì đó... Thế là Mẹ tôi lại phải đem tôi và đứa em trai mới sinh chưa đầy năm về lại quê ngoại ở “vùng tự do” (Do
Việt Minh kiểm soát, tương tự như “vùng giải phóng” do Việt cộng kiểm soát sau này),
khác “Vùng tề” (Do
Pháp cai trị, tương tự như vùng quốc gia do chính phủ quốc gia VNCH sau này kiểm soát). Còn
Cha tôi được “Tổ chức” điều vào
Miền Nam làm công
nhân cạo mũ, rồi phơi mũ trong nhà máy tại Đồn điền cao xu đất đỏ Hớn Quản, Quản lợi (Bình
Long, An Lộc sau này) để hoạt động trong phong
trào công nhân.
Sau Hiệp Định Genève 1954 chia đôi đất nước, Mẹ tôi đem tôi di cư vào Miền Nam tìm gặp lại Cha tôi. Có lẽ, bằng những kinh nghiệm sống trong “vùng tự do” của Việt Minh cộng sản, Mẹ tôi đã thuyết phục được Cha tôi từ bỏ ý định “tập kết” trở về Miền Bắc; cùng Mẹ con tôi đến sống tại Trại di cư Bàu Trai thuộc Tỉnh Long An. Tại đây, một lần có một người Cha tôi gọi là chú Hựu (hay Xứng) từ Đồn điền cao su đến thăm, khuyến dụ Cha tôi rằng “Anh trở lại với chúng em. Vì chúng em rất cần anh…” Sau
đó dường như muốn tránh sự lôi kéo trở lại hoạt động thời “chống Mỹ cứu nước” sau này của Việt Cộng, Cha tôi tìm
cách đưa gia đình lên sống ở một dinh điền tân lập trên Banmêthuột (Trại Chi Lăng) để làm ruộng rẫy. Vì “ăn phải bả tuyên truyền của Việt Minh” như Mẹ tôi nói, nên có lẽ Cha tôi đã coi chính quyền quốc gia chỉ là công cụ của ngoại bang, thực dân Pháp trước, “đế quốc Mỹ” sau. Vì thế Cha tôi đã không đem sở học và kinh nghiệm nghề nghiệp (tình báo, dạy học..) ra
cộng tác với chính quyền quốc gia, mà đưa gia đình làm ruộng, làm rẫy. Với tướng học trò, như Mẹ tôi nói, không quen với lao động nặng nhọc, ăn uống kham khổ, Cha tôi chết vì lao lực vào năm 1960 ở tuổi 53 (1907-1960) tại nhà thương công thành phố Banmêthuột. Thế nên…
“Từ những đêm mưa tuôn Đồn điền Đất Đỏ,
Đến những ngày nắng gió Đất đỏ Cao Nguyên,
Gia đình ta đang sống bình yên,
Cha vội bỏ về miền thiên cổ,
Khi luống đất trồng khoai còn bỏ dở,
Mẹ lại một mình đói khổ nuôi con!”...
Như vậy là cả đời Mẹ tôi chỉ sống chung với Cha tôi trước sau chưa đầy mười năm. Năm 1960
Cha tôi mất, khi đó tôi mới 15 tuổi. Mẹ con phải làm ruộng làm rẫy và gói bánh bán nuôi
thân.
“Mẹ ơi!
Mẹ có nhớ những chiều nắng Hạ,
Ta vào rừng tìm hái lá
dong,
Đem về ta gói bánh chưng,
Con đem đội bán khắp vùng Chi Lăng
on tủi phận nên càng gắng học,
Mẹ thương con nào quản nhọc nhằn,
Mong sao con sớm thành nhân,
Để Mẹ bớt phần nặng gánh lo toan”…
Mặc dầu Mẹ tôi quê mùa ít học, chỉ biết đọc, biết viết, nhưng đầu óc rất tiến bộ. Mẹ tôi lúc sinh thời, mỗi khi có ai nói “Bà chỉ có một mẹ một con, sao không cưới vợ sớm cho cậu ấy để có cháu bế bồng…” Mẹ tôi luôn trả lời rằng “Tôi
không có của cải gì để lại cho con, nhưng sẽ để chữ nghĩa cho nó. Nếu ngày nào nó còn muốn học, tôi sẽ nuôi nó ăn học. Vì ngày xưa lúc cha mẹ tôi thuê thày về nhà dạy học cho tôi và cậu em trai, tôi đã tìm cớ trốn học nên mới thất học như hôm nay…” Quả thực tôi được học hành đến nơi đến chốn, chính là nhờ Mẹ tôi đã để tôi được tự do học hành, chọn vợ, lấy vợ…
Vì vậy tôi đã chọn vợ và cưới vợ năm 28 tuổi (1945-1973), khi
công đã thành, dù danh chưa toại do thời thế đổi thay. Vợ tôi sinh tại Hà Nội, Cha là công chức chính phủ quốc gia, khi di cư vào Nam năm
1954, còn bế ngửa trên tay. Chúng tôi gặp nhau năm 1972, yêu nhau, rồi cưới nhau một năm sau đó. Hiền thê của tôi, chính là người Mẹ thứ hai của bốn đứa con sau này mà
tôi muốn vinh danh trong
bài viết này.
Vinh danh vì hiền thê đã sinh cho tôi bốn đứa con, ba gái, một trai, hoàn hảo về thể chất và tinh thần; và cùng tôi nuôi dạy các con khôn lớn thành người hữu dụng cho bản thân, gia đình và xã hội. Con gái đầu lòng sinh ngày 7-4-1975, đúng 23
ngày trước biến cố đổi đời 30-4-1975. Khi đến Hoa Kỳ năm 1992 cháu 16 tuổi, đã tốt nghiệp Tiến sĩ Dược khoa. Đứa con út đến Mỹ mới 3 tuổi cũng đã tốt nghiệp Tiến sĩ y khoa. Còn hai đứa giữa, con gái 44 tuổi làm y tá, con trai 42 tuổi đang làm chuyên viên kỹ thuật thuộc Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ.
Nhưng điều đáng vinh danh hơn nữa, là trong thời gian ba năm tôi bị cầm tù vì tham gia thành lập và hoạt động trong Mặt Trận Nhân Quyền Việt Nam, Hiền thê của tôi đã vất vả trăm bề, làm đủ mọi nghề lương thiện để phụng dưỡng Mẹ tôi, nuôi dạy các con tôi và chắt chiu từng đồng mỗi tháng để có đủ tiền mua đồ thăm nuôi tôi trong những tháng năm tù đày (1978-1981). Hiền thê cũng là Mẹ của bốn đứa con tôi, đã phải đi bán dạo vé số, bán quần áo cũ, buôn (lậu) hàng chuyến, bán thuốc Tây chợ trời…. Tất cả được ghi nhận, vinh danh qua
bài thơ “Nhớ Vợ hiền” cảm tác từ nhà tù số 4 Phan Đăng Lưu vào năm 1980:
“Chốn ngục tù canh khuya thao thức,
Nhớ vợ hiền ngăn cách đôi nơi,
Anh thương Mình lắm, Mình ơi?
Vì đâu em phải cảnh đời đắng cay?
Nghe Em kể những ngày gian khổ,
Theo chị em làm đủ mọi nghề,
Từ những chuyến xuôi về Miền Tây chạy gạo,
Đến những ngày bán áo buôn quần,
Đó đây lăn lộn một thân,
Bây giờ lại bán thuốc Tây chợ trời,
Trải bao ngày rộng, tháng dài,
Còn đâu vóc liễu, thân mai ngày
nào?
Suy đi càng thấy xuyến xao,
Nghĩ lại dạt dào cảm xúc yêu thương,
Yêu thương càng thấy tơ vương,
Như cảnh trời buồn vì áng mây che…”
Xin được kết thúc bài “Vinh
danh hai người Mẹ Việt Nam”
nhân Mother’s Day (Ngày của Mẹ) năm nay 2021, bằng những câu kết của hai bài thơ cảm tác từ trong nhà tù Việt Cộng số 4 Phan Đăng Lưu năm 1980:
“Nhớ Mẹ hiền”, rằng:
“Thôi
Mẹ ạ! Con xin minh xác,
Với Mẹ rằng con sắp thành nhân,
Mai đây khi được sống gần,
Sẽ làm cho Mẹ có phần sướng vui,
Bên đàn cháu nhỏ thương yêu,
Là niềm an ủi xế chiều Mẹ ơi!”
“Nhớ Vợ hiền”, rằng:
“Bao giờ gió cuốn mây đi,
Là lúc anh được trở về bên Em.
Đôi ta vui sống bình yên,
Nuôi con, dưỡng Mẹ một niềm thủy chung”.
Thiện Ý
Houston, Mother Day 2021.
Chú thích:
Những câu thơ trong bài viết đều là trích đoạn từ hai bài thơ “Nhớ Mẹ hiền” và “Nhớ Vợ hiền” mà chúng tôi cảm tác năm 1980 tại nhà tù số 4 Phan Đăng Lưu gần Chợ Bà Chiểu và Lăng Ông (Lê Văn Duyệt) Gia định.
No comments:
Post a Comment
Note: Only a member of this blog may post a comment.