Saturday, April 4, 2020

45 năm Việt quốc ở hải ngoại chống cộng ra sao?



45 năm Việt quốc ở hải ngoại chống cộng ra sao?
   
Thiện Ý
     Nếu Việt quốc coi công cuộc chống cộng ở trong nước như tiền tuyến, thì công cuộc chống cộng ở hải ngoại như hậu phương, có nhiệm vụ hổ trợ trên hai mặt trận đấu tranh chính trị và ngoại giao để tấn công chế độ Việt cộng và vận dụng hậu thuẫn quốc tế cho công cuộc đấu tranh trong nước. Vậy 45 năm qua Việt quốc ở hải ngoại đã chống cộng thế nào?
     Để độc giả dễ hình dung và so sánh với các hoạt động chống cộng của Việt quốc trong nước, chúng tôi cũng phân ra ba thời khoảng tương tự như trong nước.

1/- Thời khoảng 1975-1985:
     Trong thời khoảng này, tại hải ngoại, sau ngày 30-4-1975 hầu hết những người kịp di tản và sau đó vượt biên bằng mọi phương tiện, hầu hết là những Việt quốc chống cộng, bao gồm các nhà lãnh đạo chính trị, quân, dân, cán chính các cấp, các ngành cùng gia đình và thường dân Việt Nam Cộng Hòa ở Nam Việt Nam.
     Những tháng năm đầu, do phải lo ổn định cuộc sống, nên các hoạt động chống cộng có khởi động chậm hơn trong nước. Trong thời khoảng này, vào 5 năm cuối thập niên 70, chỉ có những hoạt động chống cộng lẻ tẻ của một số cá nhân hay tập thể trên các phương tiện truyền thông, chưa có những cuộc hội thảo hay biểu tình qui mô lớn. Bước qua 5 năm đầu thập niên 80, các hoạt động chống cộng khởi sắc, các chính đảng quốc gia có trước năm 1975 như Việt Nam Quốc Dân Đảng, Đại Việt Cách Mạng Đảng, Nhân Xã Đảng… bắt đầu chỉnh đốn tổ chức và đi vào các hoạt động chống cộng.
     Một vài tổ chức chống cộng mới hình thành, tiêu biểu tại Hoa Kỳ như Liên Minh Dân Chủ Việt Nam (1981) với lãnh tụ là Gs. Nguyễn Ngọc Huy mà  đa số thành viên gốc tân Đại Việt. Mặt Trận Quốc Gia Thống Nhất Giải Phóng Việt Nam (MTQGTNGPVN) với người đứng đầu là Phó Đề Đốc Hoàng Cơ Minh.  Liên Minh Quang Phục Việt Nam của Đại tá Võ Đại Tôn thành lập ở Úc. Tổ chức chống cộng của các ông Lê Quốc Túy, Mai Văn Hạnh, Trần Văn Bá thành lập ở Pháp… Tất cả các chính đảng và các tổ chức chống cộng cũ mới đã có những hoạt động khơi dậy mạnh mẽ tinh thần chống cộng của Việt quốc hải ngoại thành các cao trào đấu tranh chống cộng ngày một phát triển sau này.
     Riêng tổ chức MTQGTNGPVN thời gian đầu sau khi thành lập, đã được nhiều người tham gia và đồng hương hỗ trợ tài chánh dồi dào cho các hoạt động chống cộng. Bởi vì sự ra đời của một tổ chức chống cộng có vẻ bề thế đã đáp ứng đúng yêu cầu cần thiết phải có tổ chức mạnh để tiếp tục chống cộng của khối người Việt quốc gia tỵ nạn CS ở hải ngoại. Nhưng sau này, do những sai lầm trong hàng ngũ lãnh đạo, nghi ngờ có sự bất minh trong sử dụng tài chánh đóng góp của quần chúng hải ngoại, đã làm mất dần sức hậu thuẫn, thậm chí còn bị chống đối của các cá nhân cũng như các tổ chức đoàn thể chống cộng Việt quốc ở hải ngoại.
     Trên thực tế, về mặt tích cực, Mặt trận này đã có những hoạt động chống cộng cụ thể như lập chiến khu ở biên giới Thái-Lào, huấn luyện đưa người xâm nhập Việt Nam bằng hai cuộc Đông Tiến I và II. Nhưng đã bị Việt cộng chặn đánh trên đường xâm nhập. Chủ tịch Mặt Trận là Phó Đề Đốc Hoàng Cơ Minh bị tử thương cùng nhiều chiến hữu khác. Số còn lại thì bị Việt Cộng bắt đem ra xét xử công khai vào khoảng các năm đầu thập niên 80, trong các phiên tòa của cái gọi là “Tòa án Nhân Dân” kéo dài nhiều ngày tại Nhà hát lớn thanh phố HCM (Trụ Sở Quốc hội Việt Nam Cộng Hòa trước đây). Việt cộng đã kết thúc các phiên tòa này bằng những bản án nặng nề từ 5 năm đến chung thân hay tử hình các chiến hữu của Mặt Trận.
     Về tổ chức chống cộng được thành lập ở Pháp trong thời khoảng này với người đứng đầu là ông Lê Quốc Túy (chúng tôi không còn nhớ tên tổ chức) đã đưa các ông Mai Văn Hạnh, Trần Văn Bá và dường như cả ông Lê Quốc Túy xâm nhập Việt Nam. Việt cộng đã chặn bắt tại biên giới các tỉnh Miền Tây Nam Phần Việt Nam hai ông Mai Văn Hạnh và Trần Văn Bá, còn ông Lê Quốc Túy thì thoát được do xâm nhập trễ hay thay đổi kế hoạch vào phút chót thì phải? Việt cộng sau đó đã đem ra xử và kết án ông Mai Văn Hạnh chung thân. Nhưng sau đó ông được chính phủ Pháp can thiệp vì là công dân Pháp, cựu viên chức tình báo  Pháp nên được trở về Pháp sum họp gia đình sau ít năm ngồi tù. Còn ông Trần Văn Bá, Chủ Tịch Tổng Hội Sinh Viên Việt Nam tại Pháp, một thanh niên giầu lòng yêu nước, không có thế dựa ngoại bang nào can thiệp, kể cả Pháp quốc mà ông mang quốc tịch; quốc tế thì làm ngơ nên đã bị Việt cộng tuyên án tử hình và đem xử bắn (1985) chỉ vì hành động anh hùng biểu lộ lòng yêu nước của mình. Việt cộng phải hoàn toàn chịu trách nhiệm trước lịch sử dân tộc về những hành vi sát hại những người yêu nước như Trần Văn Bá, là những người anh hùng dân tộc, những con yêu của Tổ Quốc Việt Nam, vì muốn góp phần đấu tranh cho mục tiêu dân chủ hóa Việt Nam.

2/- Thời khoảng 1985-1995
        Sau 10 năm ổn định cuộc sống, Việt quốc di tản bắt đầu qui tụ thành các tổ chức Cộng Đồng, các chính đảng quốc gia cũ bắt đầu phục hoạt hay các chính đảng và tổ chức đấu tranh chống cộng mới được hình thành. Tất cả mặc nhiên đóng vai trò của bộ phận lãnh đạo quần chúng chống cộng. Kể từ đó, các hoạt động chống cộng thường được khởi phát từ tổ chức Cộng Đồng, hay do một đảng phái chính trị, một tổ chức đấu tranh độc lập hay kết hợp.
     Các hoạt động chống cộng thường diễn ra sôi nổi dưới các hình thức hội thảo, biểu tình, ra tuyên ngôn, tuyên cáo, lập kháng thư tố cáo trước công luận tội ác quá khứ cũng như các chủ trương, chính sách và hành động đàn áp nhân dân, vi phạm nhân quyền và dân quyền trong hiện tại của nhà cầm quyền Việt cộng. Các hoạt động chống cộng này thường diễn ra sôi nổi mỗi khi có những biến cố trong nước liên quan đến những vụ bắt bớ, giam cầm những người bất đồng chính kiến, những hành vi đàn áp tôn giáo, vi phạm nhân quyền và các quyền dân chủ, dân sinh của nhà cầm quyền Việt cộng…
     Dường như lúc đầu Việt quốc tại hải ngoại, cũng như Việt quốc trong nước, cũng có chủ trương giải phóng Việt Nam bằng bạo lực quân sự kết hợp với bạo lực chính trị là sự nổi dậy của quần chúng nhân dân trong nước, nên mới có sự ra đời của một tổ chức chính trị tiêu biểu là “Mặt Trận Quốc Gia Thống Nhất Giải Phóng Việt Nam” (gọi tắt là MT). Lãnh tụ là Phó Đề Đốc Hải Quân VNCH Hoàng Cơ Minh, với “Việt Nam Canh Tân Cách Mạng Đảng” (gọi tắt là Đảng Việt Tân) lãnh đạo Mặt Trận tương tự theo kiểu “Đảng Cộng Sản Việt Nam” lãnh đạo “Mặt Trận Việt Minh” trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp (1945-1954) hay “Mặt trận Dân tộc Giải phóng Miền Nam” thời chiến tranh Quốc-Cộng (1954-1975)…
     Nhưng có lẽ vì chủ trương dùng bạo lực chống cộng không thích dụng và trái chiều với “Chiến Lược Toàn cầu  Mới của Các Cường Quốc Cực”, nhất là chính sách mới của Hoa Kỳ với Việt cộng hậu chiến tranh Việt Nam; nên cả hai cuộc Đông Tiến I và Đông Tiến II, đưa người xâm nhập Việt Nam của Mặt Trận này đã thất bại, với lãnh tụ Mặt Trận Hoàng Cơ Minh và nhiều chiến hữu khác đã phải hy sinh trên đường xâm nhập và một số khác bị bắt cầm tù nhiều năm sau đó.
     Có lẽ lãnh đạo của tổ chức này đã nhìn ra được vấn đề, nên đã thay đổi sách lược chống cộng vào thời khoảng sau này. Nhưng chính sự thay đổi sách lược này đã đưa đến phân hóa nội bộ tổ chức giữa hai khuynh hướng chống cộng bảo thủ và cấp tiến. Và cũng có lẽ vì vậy mà hầu hết các tổ chức chống cộng trong nước có chủ trương dùng bạo lực tiêu diệt cộng sản đã lần lượt bị phá vỡ và cũng đã thay đổi sách lược trong thời khoảng sau này, như nhiều người đã biết.
     Sau có lẽ nhận thấy chủ trương dùng bạo lực quân sự để lật đổ Việt cộng không thích dụng và không hiệu quả, chưa đúng thời cơ, các tổ chức chống cộng trong cũng như ngoài nước dường như đã thống nhất nhận định: Không thể dùng bạo lực quân sự để lật đổ Việt cộng (vì tương quan lực lượng không cân sức, vì không phù hợp với chiều hướng chiến lược toàn cầu mới…) mà phải bằng phương cách khác hơn mang tính tổng hợp, nặng về chính trị, ngoại giao, thông tin tuyên truyền để hữu hiệu hơn.
     Phương cách khác hữu hiệu hơn đó cụ thể là gì? Vẫn chưa có câu trả lời thống nhất của toàn khối Việt quốc chống cộng trong cũng như ngoài nước. Hệ quả thực tế đã đưa đến xung khắc trong nội bô Việt quốc giữa hai khuynh hướng chống cộng bảo thủ và chống cộng cấp tiến.
     Khuynh hướng chống cộng bảo thủ chủ trương vẫn duy trì những phương cách chống cộng như từ trước đến nay để thành đạt mục tiêu tối hậu tiêu diệt hoàn toàn Việt cộng, để thiết lập chế độ tự do dân chủ hoàn toàn không có Việt cộng. Nghĩa là giữa Việt quốc và việt cộng phải một mất (Việt cộng) một còn (Việt quốc). Vì vậy khuynh hướng này kiên đinh không chấp nhận “Hòa giải hòa hợp với Việt cộng” và quyết liệt chống lại khuynh hướng chống cộng cấp tiến bằng mọi cách và mọi giá như thực tế đã và đang tiếp tục xẩy ra nhiều nơi, nhiều năm qua ở hải ngoại.
     Khuynh hướng chống cộng cấp tiến thì chủ trương duyệt xét lại toàn bộ phương thức chống cộng thực hiện nhiều thập niên qua, loại bỏ những phương cách lỗi thời, không hiệu quả hay phản tác dụng, tiếp tục những phương cách chống cộng còn hợp thời và có hiệu quả. Đồng thời sáng tạo thêm những phương cách chống cộng phù hợp với biến chuyển tình hình thực tiễn trong nước và quốc tế để sao cho có hiệu quả.
     Phương cách sáng tạo của khuynh hướng này là, trực tiếp đối đầu, đối thoại, đấu tranh trực diện với Việt cộng từ trong nước ra hải ngoại, trên mọi lãnh vực chủ yếu (chính trị: dân chủ, dân sinh, dân quyền, nhân quyền. Kinh tế: tự do. Xã hội: công bằng. Đời sống nhân dân: ấm no, hạnh phúc…) để nêu cao chính nghĩa, thuyết phục, tranh thủ sức hậu thuẫn của nhân dân trong nước (Nội lực chủ yếu triệt tiêu chế độ độc tài toàn trị Việt cộng) và tham gia yểm trợ tích cực của đồng bào hải ngoại; cũng như sức hậu thuẫn quốc tế (là ngoại lực chủ yếu có tác dụng đẩy đưa chế độ độc tài toàn trị Việt cộng đi vào quỹ đạo chiến lược toàn cấu mới: Thị trường tự do hóa về kinh tế và dân chủ hóa các chế độ độc tài toàn cầu, trong đó có chế độc độc tài toàn trị Việt cộng).
     Thế nhưng sự khác biệt căn bản giữa hai khuynh hướng chống cộng là: Cấp tiến chấp nhận sự tồn tại của Việt cộng trong nền dân chủ đa nguyên hình thành sau khi tiêu diệt chế độ độc tài toàn trị Việt cộng (như Liên Xô và các nước cộng sản Đông Âu hậu cộng sản). Khuynh hướng bảo thủ thì không. Nghĩa là một mất, một còn, trong chế độ dân chủ hậu cộng sản, không đa nguyên mà nhất nguyên quốc gia chủ nghĩa, đảng cộng sản không có chỗ đứng, đảng viên phải từ bỏ chủ nghĩa cộng sản nếu muốn tồn tại, tham gia vào nền dân chủ nhất nguyên này.
     Chính những khác biệt căn bản trên đã dẫn đến xung khắc nội bộ Việt quốc. Trong nước thì âm thầm không có điều kiện bộc phát xung khắc như ở hải ngoại, nên không thấy, mà chỉ thấy xung khắc khốc liệt nội bộ Việt quốc chống cộng ở hải ngoại. Hiện tượng này được thể hiện qua các cuộc xung đột gây bất ổn triền miên trong các cộng đồng Việt quốc chống cộng hải ngoại trong thời khoảng này, gia tăng mức độ và cường độ  cho đến hiện nay tuy có giảm cường độ song vẫn tồn tại.
      Ai cũng thấy hậu quả tai hại cho phe Việt quốc chống cộng, do cách ứng xử không lành mạnh của hai khuynh hướng này, đã làm phân hóa nội bộ các tổ chức và suy yếu sức mạnh toàn khối Việt quốc chống cộng. Thế nhưng, thực tế vẫn chưa tìm được sự đồng thuận giữa hai khuynh hướng chống cộng về phương cách chống cộng để thành đạt mục tiêu chung: diệt độc tài toàn trị cộng sản, xây dựng tự do dân chủ đa nguyên cho Quê Mẹ Việt Nam.
     Vì vậy trong thời khoảng này, một tổ chức chúng tôi cho là tiêu biểu cho một sách lược chống cộng thức thời, cấp tiến có viễn kiến ngay từ khi thành lập trong thời khoảng đầu (1975-1985) nhưng chưa dám bộc lộ rõ rệt, chỉ manh nha, có lẽ vì không muốn bị khuynh hướng chống cộng bảo thủ còn chiếm số đông tấn công. Đó  là Liên Minh Dân Chủ Việt Nam (LMDCVN).
     Liên minh này chủ trương dùng đấu tranh chính trị và ngoại giao, với vũ khí nhân quyền làm mũi nhọn tấn công Việt cộng. Chủ trương này đã đưa đến việc LMDCVN vận động để hình thành vào năm 1986 ở hải ngoại một Ủy Ban Quốc Tế Yểm Trợ Việt Nam Tự do, với các thành viên là các nghị sĩ dân biểu Quốc hội Hoa Kỳ, Canada, quốc hội Châu âu và Úc châu để tìm hậu thuẫn quốc tế cho công cuộc chống cộng vì tự do dân chủ cho Việt Nam. Năm 1992, LMDCVN thành lập trong nước Phong Trào Thống Nhất Dân Tộc và Xây Dựng Dân Chủ với người đứng đầu là Giáo sư Nguyễn Đình Huy (một đảng viên Tân Đại Việt kỳ cựu)
     Theo Tuyên ngôn thành lập Phong trào này vào ngày 16-7-1992 thì: “Cuộc tranh đấu ngày nay giữa người Việt Nam không còn là cuộc tranh đấu để phân biệt chính với tà nữa. Không còn lý do để nhất định tiêu diệt lẫn nhau nữa. Cuộc đấu tranh hiện nay là cuộc đấu tranh ôn hòa giữa cái đúng và cái sai… Nó mang tính chất vừa tranh đấu, vừa hợp tác…”.
     Điều đáng lưu ý là, từ một văn phòng thuộc Hạ viện Quốc hội Hoa Kỳ, Dân biểu Dornan và Gs. Stephen Young đã nhân danh Ủy Ban Quốc Tế Yểm Trợ Việt Nam Tự Do, công bố sự hiện hữu của Phong Trào TNDTXDDC trong nước và tuyên bố ủng hộ tổ chức này.
     Sự kiện này tất nhiên đã gặp sự chống đối mạnh mẽ của khuynh hướng chống cộng bảo thủ, cực đoan và làm phân hóa ngay nội bộ LMDCVN. Một nhóm lãnh đạo hàng đầu tách ra thành Liên Minh Dân Chủ Việt Nam Kiên Định lập trường đã tố cáo Phong trào TNDTXDDC như là công cụ của chế độ cộng sản Việt Nam và là con bài của ngoại bang “phục vụ cho quyền lợi của giới tài phiệt ngoại bang và Hà nội” (Bạch Thư của Lực Lượng Dân Quân Yểm Trợ Phục Quốc Việt Nam. Ấn bản hải ngoại 1991, trang 37).
     Mặc dầu LMDCVN do sự kiện này có sự phân hóa, song cả hai cánh ủng hộ PTTNDTXDDC cũng như chống đối đều khẳng định vẫn trung thành với lập trường quan điểm chống cộng của Cố Gs. Nguyễn Học Huy (qua đời năm 1990). Rằng “Ngày nào đảng Cộng sản Việt Nam còn nắm độc quyền ưu thế hay chính trị, ngày nào bộ máy công an cảnh sát của CSVN còn tồn tại, ngày nào CSVN chưa trả hết các quyền tự do cho nhân dân Việt Nam, ngày đó LMDCVN và cá nhân tôi vẫn xem họ là thù địch, và dĩ nhiên không thể có sự hợp tác, vì hợp tác với kẻ thù là phản bội nhân dân VN…” (Trích Di cảo của Gs Nguyễn Ngọc Huy, lãnh tụ sáng lập LMDCVN).
     Trong khi đó, các thành viên khác của LMDCVN ủng hộ PTTNDTXDDC chấp nhận mọi búa rìu chống đối, vẫn tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động chống cộng theo chủ trương, phương cách họ chọn, như muốn dùng thực tế  với thời gian để khẳng định cho lập trường, quan điểm và phương thức chống cộng của mình là đúng đắn.

3/- Thời khoảng 1995-2020:
     Trong thời khoảng này, khởi đi từ sau khi Hoa Kỳ thiết lập quan hệ ngoại giao với Việt cộng, thực hiện một chiến lược quốc tế mới nói chung, với Việt Nam nói riêng,Việt quốc chống cộng ở hải ngoại cũng như trong nước đều triệt để khai thác nguy cơ “Diễn biến hòa bình” đối với Việt cộng.
     Dường như hai khuynh hướng chống cộng bảo thủ và cấp tiến có chung quan điểm không thể và cũng không có sức mạnh quân sự đối trọng nào của Việt quốc để có thể “Diệt cộng”. Tuy nhiên, hai khuynh hướng này vẫn bất đồng sâu xa về phương thức chống cộng không dùng bạo lực để thắng Việt Cộng thì dùng những phương cách gì đây? Hiện tượng tiêu cực này là, tại Cộng Đồng Người Việt Quốc Gia Houston và Vùng Phụ cận, Tiểu bang Texas, nói riêng, các Cộng đồng Việt quốc tại Hoa Kỳ và hài ngoại nói chung, vào thời khoảng này cũng vì bất đồng quan điểm và phương thức chống cộng giữa hai khuynh hướng chống cộng bảo thủ và chống cộng cấp tiến, đã gây xung đột, đánh phá lẫn nhau nhiều lần nghiêm trọng, gây bất ổn các Cộng Đồng, phương hại đến sức mạnh đoàn kết thống nhất cộng đồng.
     Dẫu sao về mặt tích cực, những hoạt động chống cộng của Việt quốc khắp nơi tại hải ngoại trong thời khoảng này vẫn được đẩy mạnh, liên tục, đều khắp qua các cao trào chống cộng, mỗi khi có sự kiện, biến cố gì trong nước có thể làm duyên cớ tấn công Việt Cộng.
     Việt quốc đã tấn công Việt cộng bằng nhiều hình thức đa dạng được các thành phần lãnh đạo công cuộc chống cộng ở hải ngoại triển khai, phát động tiến hành trong các địa bàn căn bản là các Cộng Đồng Người Việt Quốc Gia Tỵ nạn cộng sản nơi các quốc gia họ định cư. Mặc nhiên coi các Tổ Chức Cộng Đồng là thành trì chống cộng, là hậu phương hỗ trợ cho tiền tuyến chống cộng của nhân dân trong nước.
     Qua thực tế, hình thức chống cộng đồng bộ thông thường vẫn như các thời khoảng trước, tuy có gia tăng mức độ và cường độ đấu tranh theo thời gian. Đó  là các cuộc hội họp, hội thảo, biểu tình, tuyệt thực, ra tuyên ngôn, tuyên cáo, kháng thư, vận động hành lang quốc hội, chính phủ các nước sở tại để tìm hậu thuẫn quốc tế yểm trợ… Những hình thức hoạt động chống cộng này, Việt quốc muốn bầy tỏ thái độ và tố cáo trước công luận bản xứ hay công luận quốc tế những chủ trương, chính sách, hành động sai trái về đối nội cũng như đối ngoại của Việt cộng, gây hậu quả nghiêm trọng trước mắt cũng như lâu dài đối với nhân dân, dân tộc và đất nước Việt Nam. Tất cả đều nhằm tác dụng làm suy yếu từng bước chế độ Việt cộng.
     Việt quốc tố cáo trước công luận quốc tế để tìm sức hậu thuẫn, và chuyển đạt đến các chính phủ dân chủ có ảnh hưởng, Liên Hiệp Quốc, các tổ chức bảo vệ nhân quyền, các Tòa án quốc tế những vi phạm nhân quyền và luật pháp quốc tế của Việt cộng, để qua đó yêu cầu can thiệp, có biện pháp chế tài, trừng phạt, thúc ép Việt cộng phải từ bỏ hay thay đổi chính sách, đường lối cai trị theo hướng dân chủ đa nguyên, tôn trọng tự do, dân chủ, nhân quyền…
     Về đối nội thường là nhắm vào các hành động vi phạm các quyền tự do dân chủ, nhân quyền, nhân sinh của nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam, đối với các cá nhân hay tập thể công dân, các tín đồ, các nhà lãnh đạo các Giáo hội.
     Về đối ngoại nhắm vào các chủ trương, chính sách và việc làm của đảng và nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam cấu kết với ngoại bang phương hại đến quyền lợi trước mắt cũng như lâu dài với đất nước, dân tộc và Tổ quốc Việt Nam…
     Đáng lưu ý, trong giai đoạn này, bên cạnh những hình thức chống cộng truyền thống bao năm qua ở hải ngoại, với những hoạt động “chống cộng từ xa” nhằm thành đạt hiệu quả gián tiếp qua áp lực quốc tế đối với Việt cộng, một số chính đảng đã thức thời điều chỉnh sách lược chống cộng với các hoạt động “chống cộng trực diện” với Việt cộng ngay trong nước. Các chính đảng này đã phát triển tổ chức, xây dựng cơ sở, kết nạp đảng viên, tung ra các hoạt động chống cộng hợp pháp, bán hợp pháp hay bất hợp pháp ngay trong lòng chế độ Việt cộng. Dường như các chính đảng cấp tiến này, qua các hoạt động thực tiễn đã và đang muốn tham gia vào giai đoạn mà chúng tôi gọi là “thử nghiệm và thực tập dân chủ”, để tạo thế và lực bước vào sân chơi “dân chủ đa nguyên” sớm muộn sẽ phải có ở Việt Nam trong tương lai?
     Vì tại sân chơi này, đảng nào mạnh về tổ chức, đưa ra được quốc kế dân sinh thuyết phục được đa số nhân dân, sẽ thắng bằng lá phiếu của họ. Nhiều đảng viên của các chính đảng này do các hoạt động đấu tranh trong nước, đã bị Việt cộng đàn áp, bắt bớ, kết án, cầm tù, song vẫn bị khuynh hướng chống cộng bảo thủ, kết tội là “Đón gió trở cờ”, là theo con đường “Hòa giải hòa hợp” với Việt Cộng,  “Chống cộng cuội”, “chống cộng nằm vùng”,“Cánh tay nối dài của Việt Cộng”,... dù không đưa ra được những bằng cớ xác thực, khả tín có tính thuyết phục nào.
     Điển hình Đảng Việt Tân (Lãnh đạo Mặt Trận QGTNGPVN và các tổ chức ngoại vi như Liên Minh Việt Nam Thư Do, Hội Chuyên Gia, Đoàn Thanh Niên Phan Bội Châu…), sau khi điều chỉnh lại sách lược chống cộng theo khuynh hướng cấp tiến, một thành phần thiểu số lãnh đạo hàng đầu có khuynh hướng bảo thủ đã tách ra, số đông còn lại củng cố lại tổ chức, lãnh đạo các hoạt động chống cộng công khai tại hải ngoại và bí mật trong nước. Mặc dầu bị khuynh hướng chống cộng bảo thủ chống đối quyết liệt, chụp mũ, nhục mạ thậm từ, song Đảng này vẫn tiếp tục chống cộng theo sách lược chống cộng mới có tính cấp tiến của mình.
     Đây là sự xung khắc tất nhiên do sự khác biệt về quan điểm và phương sách chống cộng giữa khuynh hướng chống cộng bảo thủ và khuynh hướng chống cộng cấp tiến. Sự xung khắc này không chỉ diễn ra bên ngoài mà ngay bên trong các chính đảng, đưa đến sự phân hóa nội bộ một số chính đảng nói riêng, toàn khối Việt quốc chống cộng nói chung. Dù sự phân hóa này có tai hại, song phải chấp nhận là một thực tế diễn ra như một quy luật phát triển xã hội vốn có nhiều mâu thuẫn. Chính thực tế sẽ giải quyết mâu thuẫn này: bảo thủ-cấp tiến chống cộng, ai đúng ai sai, cách chống cộng nào phù hợp với thực tiễn và có hiệu quả hơn.

     Bài tới chúng tôi sẽ trình bàyThành quả 45 năm Việt quốc  chống cộng vì tự do dân chủ cho Việt Nam đến đâu rồi?”

Thiện Ý
Houston ngày 15-3-2020

No comments:

Post a Comment

Note: Only a member of this blog may post a comment.