Saturday, April 4, 2020

Nhận định về vụ cưỡng chế đất đai của nông dân Đồng Tâm



Nhận định về vụ cưỡng chế đất đai của nông dân Đồng Tâm

22/01/2020

Một thanh niên Hà Nội cầm trên tay tấm hình ông Lê Đình Kình trong buổi lễ ngày 12 tháng Giêng. (Photo courtesy of Facebook user Pham Doan Trang)
Một thanh niên Hà Nội cầm trên tay tấm hình ông Lê Đình Kình trong buổi lễ ngày 12 tháng Giêng. (Photo courtesy of Facebook user Pham Doan Trang)
Thiện Ý
Việc nhà cầm quyền Việt Nam thực hiện cưỡng chế đất đai trưng dụng của nông dân xã Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức, ngoại vi Hà Nội đêm Mùng 9-1-2020, đã và đang là sự kiện thời sự nóng được sự quan tâm theo dõi của công luận quốc tế và quốc dân Việt Nam trong và ngoài nước. Vì sao?
Để trả lời phần nào câu hỏi trên, bài viết này lần lượt trình bày:
- Diễn tiến vụ việc
- Nhận định: Nguyên nhân và hậu quả, trấn áp hay đàn áp,biện pháp khác giải pháp.
I - Diễn tiến vụ việc
Diễn tiến vụ việc cưỡng chế đất đai ở xã Đồng Tâm ngày 9-1-2020 do Bộ công an Việt Nam độc quyền đưa ra có những chi tiết được điều chỉnh theo thời gian mâu thuẫn nhau, khác với thực tế được nhân dân xã Đồng Tâm phản ánh, được các cơ quan truyền thông quốc tế và giới truyền thông tự do, ngoài luồng trong nước ghi nhận và phổ biến trên các phương tiện truyền thông đại chúng. Sự mâu thuẫn và khác biệt này, dường như cơ quan có trách nhiệm cưỡng chế đã bị động, lung túng trong việc hoàn chỉnh một kịch bản biện minh cho cuộc cưỡng chế gây nhiều phản ứng bất bình trong nhân dân và công luận quốc tế. Tổng hợp cả hai luồng tin khác biệt trên, chúng tôi cố gắng tóm lược diễn tiến các sự kiện một cách khách quan, hợp lý hơn.
Theo đó, từ mấy ngày trước khi xẩy ra vụ việc (9-1-2020) công an đã chuyển lực lượng cưỡng chế bao vây làng Hoành, xã Đồng Tâm, với lực lượng cảnh sát cơ động (CSCĐ) lên đến khoảng 3000. Cuộc cưỡng chiếm khởi sự vào rạng sáng ngày 9-1-2020, khoảng 2 giờ sáng, lực lượng cưỡng chế đã xâm nhập làng Hoành, Xã Đồng Tâm. Vụ đụng độ được nói là diễn ra vào lúc 4 giờ sáng. Một thông cáo của Bộ Công an cho biết vụ đụng độ chết người xảy ra khi lực lượng chức năng tiến hành xây dựng tường rào bảo vệ Sân bay Miếu Môn bị tấn công bởi những người dân chống đối ‘sử dụng lựu đạn, bom xăng, dao phóng’. Thông tin này công luận cho là giả tạo, phi lý. Vì không lẽ ‘lực lượng chức năng tiến hành xây dựng tường rào bảo vệ Sân bay Miếu Môn’ vào lúc 4 giờ sáng lại bị tấn công khi dân làng Hoành, xã Đồng Tâm còn ngủ.
Trong khi có nhận định cho rằng dường như có sự rút kinh nghiệm từ vụ cưỡng chế năm 2017, lực lượng cưỡng chế lần này thuộc Bộ Công an đã lên kế hoạch cưỡng chế quy mô như một cuộc hành quân thần tốc, bất ngờ, ban đêm và sử dụng lực lượng cưỡng chế có tính áp đảo để người dân không kịp phản ứng và không thể huy động đông đảo lên đến 6000 người dân như trước đây để bắt giữ người thi hành cưỡng chế làm con tin?
Do đó, để thực hiện kế hoạch cưỡng chế quy mô này, trước hết là bao vây cô lập Đồng Tâm, nội bất xuất, ngoại bất nhập trên thực địa và cắt đứt mọi liên lạc điện thoại, internet khu vực Đồng Tâm với bên ngoài.Các mục tiêu ưu tiên mà lực lượng cưỡng chế tấn công là các đối tượng bao lâu nay bị coi là cầm đầu cuộc đấu tranh giữ đất bị trưng dụng, theo chủ trương “đập đầu, bắt rắn”. Do đó nhà cha con ông Lê Đình Kình, 84 tuổi đời, 57 tuổi đảng, được coi là người lãnh đạo tinh thần của cuộc đấu tranh giữ đất bị trưng dụng của nông dân xã Đồng Tâm đã là một trong các mục tiêu tấn công hàng đầu. Sự đụng độ này đã gây tử thương cho ông Kình, một vài người con trai của ông Kình và một số người khác đã bị thương. Ba sĩ quan công an đã thiệt mạng vì bị té “giếng nước kỹ thuật (giếng nước ngoài trời) trên đường tiến quân vào nhà ông Kình. Những cái chết của ông Kình và ba sĩ quan cộng an này cũng đang gây nhiều nghi vấn của công luận về nguyên nhân dẫn đến cái chết. Ông Kình có thật sự cầm lựu đạn trong tay chống cự công an nên bị bắt chết? Ba sĩ quan công an té giếng sâu 4 mét cùng lúc, chấn thương chết hay bị người dân ném xuống giếng rồi đổ xăng đốt cháy…?
Theo lời cư dân Đồng Tâm kể lại, thì tiếng kẻng tiếng mâm, tiếng phẫn xoong đập vào nhau của dân làng vang khắp mọi con ngõ nhỏ như dấu hiệu ‘khi mà thấy có quân tiến về Đồng Tâm thì đánh kẻng báo động, để tập hợp người dân. Trong khi lực lượng cưỡng chế tiến vào đến làng thì nổ súng trấn áp người dân. Đồng thời bắn nhiều hơi cay, đạn cao su các thứ. khói mù mịt. Các nhà gần đường bị khói bay vào làm trẻ con bị ngạt. Tất cả họ đều xông vào như thế’... Tuy nhiên, dân làng không di chuyển được, do đã bị các nút chặn khắp ngõ, khắp nhà của công an cơ động chặn lại, hô lớn qua loa phóng thanh ‘Tất cả vào nhà ngay’ kèm theo lựu đạn cay đẩy mọi người vào nhà. Thành ra đã không xẩy ra các cuộc đụng độ lớn giữa lực lượng cưỡng chế và dân làng. Tình hình xã Đồng Tâm qua đêm, sau đó trở lại yên tĩnh trong bầu không khí tang tóc u buồn vì có một số người chết, bị thương và bị bắt đem đi. Ít ngày sau đó, chợ búa tạm ngưng họp, trường học tạm đóng cửa…
Hậu quả sau cùng, theo truyền thông trong nước đưa tin vào ngày thứ Bảy 11-1-2020, được biết ba viên chức công an tử vong trong vụ đụng độ ở xã Đồng Tâm được truy tặng Huân chương Chiến công hạng nhất của Chủ tịch Nước và cơ quan công an các cấp cũng đã ký quyết định thăng cấp bậc hàm cho họ. Trong khi thi thể của ông Lê Đình Kình, thường dân duy nhất được chính thức xác nhận thiệt mạng, cũng được trả về cho gia đình mai táng. Những cái chết này đánh dấu một kết cục bi thảm giữa căng thẳng và phẫn nộ sục sôi liên quan đến một trong những vụ tranh chấp đất đai thu hút nhiều sự chú ý nhất giữa người dân và chính quyền trong những năm qua ở Việt Nam.
Chiều 13-1, trang báo Thanh Niên dẫn lời một lãnh đạo Công an thành phố Hà Nội cho biết, Cơ quan CSĐT Công an thành phố Hà Nội đã ra quyết định khởi tố bị can đối với 22 đối tượng trong vụ án đặc biệt nghiêm trọng xảy ra tại xã Đồng Tâm vào ngày 9/1, với các tội danh “giết người” và “chống người thi hành công vụ.” Sự khởi tố này có nhận định cho rằng quá nóng vội, có tinh áp đặt một chiều. cần có thêm thời gian điều tra xem những hành vi của của những người này có hội đủ yếu tố cấu thành tội phạm, các hành vi của phía công an cơ động cưỡng chế có hợp pháp và chính đáng không.
II -Nhận định
1 - Cưỡng chế Đồng Tâm: Nguyên nhân pháp lý và thực tế
Nguyên nhân pháp lý đưa đến cưỡng chế gây xung đột đổ máu giữa lực lượng công an thi hành cưỡng chế ở xã Đồng Tâm, cũng là nguyên nhân chung của các vụ cưỡng chế trước đây và cả sau này, nếu Luật Đất đai hiện hành vẫn được duy trì. Bởi vì Luật Đất đai này chỉ thích dụng, khả thi trong nền kinh tế xã hội chủ nghĩa, không còn thích dụng và khả thi trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ( giả tạo, gượng ép, duy ý chí, nửa nạc nửa mỡ..) hiện nay. Nhất là với Điều khoản quy định ‘Đất đai thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước đại diện chủ sở hữu’ (Điều 5, khoản 1 của Luật Đất Đai hiện hành).
Điều khoản này của Luật Đất Đai chỉ phù hợp và khả thi trong nền kinh tế xã hội chủ nghĩa vì là nền kinh tế hoạch định cứng rắn với vai trò chủ đạo duy nhất của kinh tế quốc doanh do nhà nước thống nhất quản lý, không có quyền tư hữu, công nhân không được quyền có đất lập cơ sở sản xuất kinh doanh riêng, nông dân không có đất canh tác cá thể, đất thổ cư cũng được tiêu chuẩn hóa khi cấp đất sử dụng cho người dân…Thế nhưng thực tế, công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội sau khi thống nhất cả nước (sau 1975) đã thất bại dù cố gắng “Đổi mới” theo gương Liên Xô(1985-1995) vẫn không cứu vãn được sự thất bại hoàn toàn và vĩnh viễn sau 20 năm (1975 -1995), phải “mở cửa” làm ăn với thế giới bên ngoài bằng con đường ‘Kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa’ (chỉ là giả tạo, ngụy biện, duy ý chí, không phù hợp với thực tế khách qua…) trong khi thực tế sau 25 năm ‘Mở cửa’ (1995-2020) Việt Nam đã đang thực hiện “kinh tế thị trường định hướng tư bản chủ nghĩa”. Từ đó và nhờ đó Việt Nam mới có bộ mặt phát triển toàn diện, đời sống nhân dân được cải thiện và ngày một nâng cao mọi mặt như hiện nay.
Nguyên nhân thực tế:Chính trong ‘môi trường mật ngọt kinh tế thị trường’, định hướng xã hội chủ nghĩa’(ngụy tạo, ngụy biện) mà vẫn duy trì Điều khoản coi “đất đai thuộc quyền sở hữu toàn dân do nhà nước đại diện chủ sở hữu’ đã là căn bản pháp lý cho một thực tế, là các quan chức nhà nước lớn bé và các nhóm lợi ích lợi dụng quyền ‘nhà nước đại diện chủ sở hữu” để thủ lợi. Tệ tham nhũng, cửa quyền, mắc ngoặc làm giầu bất chính bằng quy hoạch, trưng dụng đất đai người dân đang sử dụng đã là một thực tế phổ biến dẫn đến các vụ khiếu kiện dân oan như mọi người đã thấy, bế tắc, không giải quyết được. Đồng Tâm chỉ là trong nhiều khiếu kiện đất đai của người dân, dẫn đến hệ lụy bi thảm như thế đó.
2 - Hậu quả của cưỡng chế Đồng Tâm
Vụ cưỡng chế đất đai Đồng Tâm đã gây tổn hại nghiêm trọng cho cả chính quyền và nhân dân.
- Tổn hại về phía chính quyền: Hao tổn vật chất, chi phí nhiều tiền bạc, huy động nhiều nhân lực thực hiện như một cuộc hành quân quy mô lớn chống lại nhân dân. Một số nhân viên công lực đã hy sinh mạng sống một cách không cần thiết, hệ lụy tang thương đến những người thân yêu trong gia đình, dòng tộc khi năm hết, những ngày Tết cổ truyền sắp đến. Đồng thời ảnh hưởng xấu đối với tình cảm, niềm tin, uy tín của chính quyền đối với nhân dân trong nước và quốc dân Việt Nam ở hải ngoại – cũng như công luận quốc tế về nhiều mặt (chính trị, ngoại giao, kinh tế quốc tế…)
- Tổn hại về phía người dân Đồng Tâm: cưỡng chế quy mô lớn vào thời điểm những ngày giáp Tết, không chỉ gây tang tóc, đau thương cho những gia đình có người chết, bị thương, mà còn gây khổ lụy cho những gia đình có người bị bắt bớ tù đầy vì bị chính quyền truy tố về các tội “giết người, tàng trữ, sử dụng vũ khí trái phép và chống người thi hành công vụ” phát sinh từ vụ cưỡng chế đất đai của nông dân Đồng Tâm.
3 - Cưỡng chế Đồng Tâm: Trấn áp hay đàn áp?
Nhà cầm quyền Việt Nam nói họ đã sử dụng biện pháp ‘trấn áp’ chứ không phải ‘đàn áp’ trong vụ đụng độ làm ít nhất 4 người chết hôm 09/01/2020. Dường như đứng trước sự quan tâm, bất bình và phẫn nộ của người dân trong nước cũng như người Việt ở nước ngoài và lên án của công luận quốc tế; trước những cái chết thương tâm của vài người dân cũng như quân, nhà cầm quyền Việt Nam đã muốn dùng từ ngữ ‘Trấn áp’ thay vì ‘đàn áp’ (mà các thông tin ngoài luồng trong nước và truyền thông quốc tế thường dùng), là muốn làm giảm bớt cường độ bạo lực và tính tàn bạo đối với người dân Đồng Tâm khi sử dụng lực lượng lớn, trang bị khí tài dầy đủ thực hiện cưỡng chế như một cuộc hành quân vào đêm Mùng 9-1-2020 vừa qua. Vì ‘trấn áp’ có nghĩa qua hình ảnh “đè một nạn nhân xuống, còng tay, khống chế bắt đi” chứ không ‘đàn áp’‘tấn công, đáng đập, bắn giết’. Để công an có thể giải thích cái chết của ông Lê Đình Kình, người bị coi là cầm đầu, là vì tay cầm vũ khí (lựu đạn) chống cự nên mới bị bắn chết thôi…
Mặt khác, có sự bất nhất trong thông tin độc quyền của Bộ công an, cơ quan chức năng thi hành lệnh cưỡng chế, có lẽ cũng là vì muốn biện minh cho tính hợp pháp, chính đáng, làm giảm nhẹ tính nghiêm trọng và cường độ cưỡng chế thái quá, gây cái chết cho người dân vượt quá quyền tự vệ chính đáng theo luật.
4 - Nhà cầm quyền Việt Nam cưỡng chế đúng hay sai?
Trên nguyên tắc về mặt pháp lý, không kể chế độ dân chủ pháp trị như Hoa Kỳ, mà cả chế độ độc tài đảng trị CHXHCN hiện nay tại Việt Nam, đều có quyền trưng dụng đất đai của các tư nhân có quyền sở hữu (như tại Hoa Kỳ) hay quyền sử dụng đất (tại Việt Nam) vì lợi ích quốc gia, quốc phòng hay công ích.
Tuy nhiên việc trưng dụng vì lợi ích quốc gia hay công ích phải chính đáng và hợp pháp. Việc trưng thu phải tiến hành theo đúng trình tự của pháp luật, với tiền bồi thường thỏa đáng, công bằng thương lượng theo thời giá, chứ không chỉ là quyết định đơn phương của chính quyền sở tại (Điều 5, khoảng 2 (d) Luật Đất Đai hiện hành năm 2013). Biện pháp cưỡng chế chỉ được thi hành khi sở hữu chủ không chịu giao đất, sau khi đã tiến hành đầy đủ tiến trình trên và tránh dùng bạo lực thái quá, không gây hậu quả nghiêm trọng về của và người cho cả đôi bên.
Vấn đề cưỡng chế Đồng Tâm có thể đúng về mặt nguyên tắc pháp lý. Nhưng có thể đã sai về mặt thực tế khi chưa làm đủ các điều kiện và tiến trình pháp lý đòi hỏi. Ngay cả trường hợp đã làm đầy đủ đòi hỏi của tiến trình pháp lý, việc cưỡng hành thái quá khi sử dụng quy mô bào cường độ bạo lực trấn áp người dân vượt quá mức độ cần thiết. Vụ cưỡng chế Đồng Tâm có thể đã vi phạm tính chất này. Đúng ra, việc giải quyết khiếu kiện đất đai bị trưng dụng chỉ có thể giải quyết ôn hòa theo trình tự pháp lý hành chánh, không cần thiết sử dụng bạo lực cưỡng chế quy mô, mạnh bạo và tàn bạo gây hậu quả nhiều mặt, nhất là mặt sinh mạng và nhân tâm. Cuộc cưỡng chế theo kiều “đánh úp”, tấn công bất ngờ thường dùng trong trận chiến với quân thù áp dụng với người dân, thực hiện trong những ngày giáp Tết cổ truyền đã là sai lầm lớn của nhà cầm quyền mà họ phải gánh chịu mọi trách nhiệm về hậu quả nghiêm trọng do cưỡng chế Đồng Tâm gây ra.Người dân có vi phạm pháp luật là do nhà cấm quyền đã không giải quyết những nguyện vọng chính đáng và hợp pháp của họ, dồn họ vào chân tường. ‘Thượng bất chính, hạ tắc loạn’ mà. Vì thông thường, người dân ở thế yếu không bao giờ giám làm loạn chống lại chính quyền, với trang bị thì chỉ vũ khi thô sơ như giáo mác, gạch đá, bom xăng làm sao giám chống lại lực lượng cưỡng chế đông đảo, trang bị đầy đủ vũ khí trấn áp.
5 - Cưỡng chế Đồng Tâm chỉ là biện pháp, không phải là giải pháp
Theo nhận định của chúng tôi, cưỡng chế Đồng Tâm cũng như nhiều vụ cưỡng chế trước đây, gần nhất là vụ cưỡng chế Vườn Rau Lộc Hưng ở Miền Nam, tất cả chỉ là biện pháp, không phải là giải pháp. Vì cưỡng chế chỉ là cách đối phó tạm thời để giải quyết tạm thời một vấn đề vẫn tồn tại bao lâu nay là nhiều vụ khiếu kiện của người dân bị chính quyền các cấp trưng dụng đất đai, vẫn chưa được giải quyết. Vậy cần tìm ra nguyên nhân cơ bản để để có một giải pháp dứt điểm vấn đề khiếu kiện đất đai của người dân. Nguyên nhân cơ bản đó là gì và giải quyết cách nào có hiệu quả thực tế?
Như trên đã trình bày, qua vụ cưỡng chế Đồng Tâm cũng như các vụ cưỡng chế khác, có hai nguyên nhân pháp lý và thực tiễn. Nguyên nhân pháp lý là Luật pháp và nguyên nhân thực tế là sự lợi dụng, lạm dụng của các viên chức nhà nước khi vận dụng Luật Đất Đai để thủ lợi cho cá nhân và nhóm lợi ích.Vậy thì, giải pháp riêng cho vụ khiếu kiện đất đai xã Đồng Tâm liên quan đến trưng dụng đất đai vì lợi ích quốc phòng; cũng là giải pháp chung cho các vụ khiếu kiện đất đai trên cả nước liên quan đến trưng dụng đất đai vì lợi ích quốc gia, quốc phòng hay công ích. Để có được giải pháp này, theo thiển ý:
(1) - Điều tiên quyết là sửa đổi các Điều khoản liên quan đến quyền sở hữu đất đai của Hiến pháp và Luật đất đai hiện hành cho phù hợp thực tếKinh tế thị trường tư bản chủ nghĩa(không phải định hướng XHCN như ‘Đảng ta’ nói đâu). Nếu Việt Nam muốn hội đủ các nhân tố để được quốc tế công nhân đạt tiêu chuẩn là một nền kinh tế thị trường tự do hoàn chỉnh như trước đây đã từng có lần yêu câu. Điều quan trọng nhất cần sửa đổi 53 và 54 của Hiến pháp (*)Điều 5 và các Điều khoản khác liên quan đến quyền sở hữu đất đai mà Nhà nước đại diện chủ sở hữu’(**); cẩn trả lại cho người dân quyền sở hữu đất đai như hầu hết người dân tại các nước dân chủ, kinh tế thị trường tư bản chủ nghĩa, phát triển văn minh trên thế giới ngày nay.
(2) Thực tế cả nhà cầm quyền và người dân phải chấp hành nghiêm túc luật đất đai đã được sửa đổi phù hợp với thực tiễn.Vì chỉ có như thế, mới tránh tình trạng như nông dân Đồng Tâm bị đẩy đến cảnh phạm pháp do “thượng bất chính, hạ tắc loạn”. Thực sự người dân Đồng Tâm vì bị ức chế nên mới có hành động chống lại sự cưỡng chế. Vậy cần xem xét ức chế đó là gì có thực tế, chính đáng không để giải quyết. Thực tế ức chế ấy có phải là vì sự trưng dụng đất đai của nông dân Đồng Tâm giống như nhận định sau đây của nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên Môi trường, Giáo sư Tiến sĩ Đặng Hùng Võ, bày tỏ quan điểm trong một cuộc tọa đàm về các chính sách và luật đất đai diễn ra tại Hà Nội ngày 20/4/2017, rằng “"Không thể có chuyện dùng đất quốc phòng để kinh doanh mà gọi đó là đất quốc phòng. Đất quốc phòng chỉ được sử dụng cho mục đích quốc phòng, bảo vệ tổ quốc. Không thể đem ra kinh doanh.".
Thiện Ý
(*) Điều 53 & 54 Hiến Pháp Việt Nam hiện hành (2013)
Điều 53
Đất đai, tài nguyên nước, tài nguyên khoáng sản, nguồn lợi ở vùng biển, vùng trời, tài nguyên thiên nhiên khác và các tài sản do Nhà nước đầu tư, quản lý là tài sản công thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý.
Điều 54
1. Đất đai là tài nguyên đặc biệt của quốc gia, nguồn lực quan trọng phát triển đất nước, được quản lý theo pháp luật.
2. Tổ chức, cá nhân được Nhà nước giao đất, cho thuê đất, công nhận quyền sử dụng đất. Người sử dụng đất được chuyển quyền sử dụng đất, thực hiện các quyền và nghĩa vụ theo quy định của luật. Quyền sử dụng đất được pháp luật bảo hộ.
3. Nhà nước thu hồi đất do tổ chức, cá nhân đang sử dụng trong trường hợp thật cần thiết do luật định vì mục đích quốc phòng, an ninh; phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng. Việc thu hồi đất phải công khai, minh bạch và được bồi thường theo quy định của pháp luật.
4. Nhà nước trưng dụng đất trong trường hợp thật cần thiết do luật định để thực hiện nhiệm vụ quốc phòng, an ninh hoặc trong tình trạng chiến tranh, tình trạng khẩn cấp, phòng, chống thiên tai.
Điều 5 Luật Đất Đai Việt Nam hiện hành (2013)
Điều 5. Sở hữu đất đai
1. Đất đai thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước đại diện chủ sở hữu.
2. Nhà nước thực hiện quyền định đoạt đối với đất đai như sau:
a) Quyết định mục đích sử dụng đất thông qua việc quyết định, xét duyệt quy hoạch sử dụng đất, kế hoạch sử dụng đất (sau đây gọi chung là quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất);
b) Quy định về hạn mức giao đất và thời hạn sử dụng đất;
c) Quyết định giao đất, cho thuê đất, thu hồi đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất;
d) Định giá đất.
3. Nhà nước thực hiện quyền điều tiết các nguồn lợi từ đất đai thông qua các chính sách tài chính về đất đai như sau:
a) Thu tiền sử dụng đất, tiền thuê đất;
b) Thu thuế sử dụng đất, thuế thu nhập từ chuyển quyền sử dụng đất;
c) Điều tiết phần giá trị tăng thêm từ đất mà không do đầu tư của người sử dụng đất mang lại.
4. Nhà nước trao quyền sử dụng đất cho người sử dụng đất thông qua hình thức giao đất, cho thuê đất, công nhận quyền sử dụng đất đối với người đang sử dụng đất ổn định; quy định quyền và nghĩa vụ của người sử dụng đất.

No comments:

Post a Comment

Note: Only a member of this blog may post a comment.