Việt Nam công bố ‘sách trắng quốc phòng’ để làm gì?
04/12/2019
Chia sẻ
Thiện Ý
Thông thường, “sách trắng” hay còn gọi theo từ ngữ Hán-Việt là “Bạch thư” (White Paper) là thuật ngữ chính trị đặt tên cho một tài liệu, một cuốn sách có nội dung bạch hóa hay công khai hóa một vấn đề, một sự kiện quan trọng về đối ngoại cũng như đối nội, cho mọi người biết rõ những sự thật nhất định, nhằm phục vụ cho một mục đích hay ý đồ nào đó có lợi cho chủ thể của sách trắng.
Vậy Việt Nam công bố “Sách
Trắng Quốc Phòng” với nội dung ra sao, có mục đích và ý nghĩa gì? Đó
là nội dung bài viết này.
I - NỘI
DUNG “SÁCH TRẮNG QUỐC PHÒNG” NÓI GÌ?
Cho đến lúc này,
chúng tôi chưa có cơ hội được đọc toàn văn nội dung “Sách trắng Quốc
phòng” được Thượng tướng, Thứ Trưởng Quốc Phòng Việt Nam Nguyễn Chí
Vinh đưa ra trong buổi lễ công bố ngày 25-11-2019 tại Hà Nội. Vì thế chỉ biết
những điểm chính yếu của nội dung “Sách trắng Quốc phòng” qua
ghi nhận của các cơ quan truyền thông Việt Nam cũng như quốc tế.
Theo đó, nội dung
“Sách trắng Quốc phòng” dường như có các phần chủ yếu sau đây:
1 - Về
nguyên tắc, “Sách trắng Quốc phòng” đưa ra chủ trương chính sách quốc phòng “4 không”: “Việt Nam chủ trương
không tham gia liên minh quân sự; không liên kết với nước này để chống nước
kia; không cho nước ngoài đặt căn cứ quân sự hoặc sử dụng lãnh thổ Việt Nam để
chống lại nước khác; không sử dụng vũ lực hoặc đe doạ sử dụng vũ lực trong quan
hệ quốc tế”. Thứ trưởng Nguyễn Chí Vịnh đã nói như thế tại lễ công bố Sách
trắng, theo trích dẫn trên Quân Đội Nhân Dân, VNExpress và một số cơ quan báo
chí khác ở trong nước.
2 - Về
thực tế, nguyên tắc quốc phòng “4 không” được thể hiện và thực hiện qua một số
trọng điểm sau:
- Khẳng
định quyết tâm thực hiện chính sách quốc phòng của Việt Nam là kiên quyết, kiên trì đấu tranh giải quyết mọi
tranh chấp, bất đồng “bằng biện pháp hoà bình”, trên cơ sở
luật pháp quốc tế, thực hiện phương châm “bảo vệ tổ quốc từ sớm, từ xa, sẵn
sàng chống chiến tranh xâm lược”.
- Khẳng
định thực hiện uyển chuyển, tùy cơ ứng biến: “Tùy diễn biến tình hình và trong những điều
kiện cụ thể, Việt Nam sẽ cân nhắc phát triển các mối quan hệ quốc phòng, quân
sự cần thiết với mức độ thích hợp trên cơ sở tôn trọng độc lập, chủ quyền,
thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của nhau”.
- Xác định
tiềm năng hay sức mạnh quốc phòng: Tin truyền thông cho hay, một
phần khác của Sách trắng giới thiệu trang bị vũ khí của Quân đội Nhân dân Việt
Nam, được Thứ trưởng quốc phòng Việt Nam nói với báo giới rằng vũ khí
của Việt Nam có tính chung chung là “vừa đủ mạnh để bảo vệ tổ quốc và
không phương hại đến quốc gia nào".
Ông Vịnh cũng được
trích lời khẳng định rằng “tỷ lệ trang bị vũ khí do Việt Nam tự sản xuất hiện nay đã nhiều hơn trước,
chứng tỏ sự tự lực của Việt Nam
trong vũ khí những năm qua”. Và rằng “tỷ lệ trang bị vũ khí do Việt Nam tự sản xuất hiện nay đã nhiều hơn trước,
chứng tỏ sự tự lực của Việt Nam
trong vũ khí những năm qua”.
Vị Thượng tướng
thứ trưởng quốc phòng cho biết thêm, Sách trắng còn đưa ra thông tin cho thấy
nền quốc phòng Việt Nam
“được đầu tư phù hợp với tốc độ phát triển kinh tế của đất nước, nhưng
không chạy đua vũ trang”.
Vẫn theo tin
truyền thông, Sách trắng cho hay ngân sách quốc phòng Việt Nam năm 2010 chiếm
2,23% GDP, 2011 là 2,82%, 2012 là 2,88%... 2017 là 2,51% và 2018 là 2,36%.
Tất cả những khẳng
định trên của Thứ trưởng Quốc phòng Nguyễn Chí Vịnh, được báo chí trong nước
dẫn lời nói tại lễ công bố Sách trắng hôm 25-11- 2019 vừa qua, sẽ được thể hiện
và thực hiện bằng hành động thực tế thế nào, mọi người hãy chờ xem.
3 - Bối
cảnh dẫn đến việc soạn thảo và công bố “Sách trắng Quốc Phòng” của Việt Nam
Theo tiến sĩ Hà
Hoàng Hợp, một nhà nghiên cứu thuộc viện ISEAS Yusof Ishak có trụ sở đặt ở
Singapore, nhận xét với VOA, rằng diều đáng chú ý của Sách trắng lần này so với
bản công bố cách đây 10 năm là nó nói đến những diễn biến trên Biển Đông và
cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn, hàm ý nói đến Mỹ và Trung Quốc. Tất
nhiên, dù không nói ra, ai cũng hiểu đây cũng là bối cảnh đã dẫn đến việc công
bố Sách trắng quốc phòng của Việt Nam. Đó là tình hình tranh
chấp chủ quyền biển đảo với Trung Quốc ở Biển Đông ngày một căng thẳng có thể
dẫn đến nguy cơ xung đột quân sự.
II - CÔNG
BỐ VỚI MỤC ĐÍCH VÀ Ý NGHĨA GÌ?
1 - Mục
đích gì?
Nếu căn cứ vào lời
của Thư Trưởng Quốc phòng Việt Nam Nguyễn Chí Vịnh được các bản tin trong nước
ghi nhận thì Sách trắng Quốc phòng được công bố “nhằm minh bạch hóa” chính
sách quốc phòng và “xây dựng lòng tin” với các quốc gia trên
thế giới.
2 - Ý
nghĩa gì?
Như vậy mục đích
Việt Nam công bố “Sách Trắng quốc phòng” của Việt Nam có hai mục tiêu với hai ý
nghĩa (1) Nhằm “minh bạch hóa chính sách quốc phòng” bằng chủ
trương “4 không” (2) và “Xây dựng lòng tin”
với các quốcgia trên thế giới.
III - NHẬN
ĐỊNH
Theo nhận định
tổng quát của chúng tôi và có lẽ cũng của nhiều người thì mục đích và ý nghĩa
trên đều có tính nguyên tắc phản ánh một phần sự thật (tất nhiên vì thuộc
bí mật an ninh quốc gia) , Ví vậy, khác với ý đồ và ý nghĩa thực sự của
việc công bố “Sách Trắng quốc Phòng” của Việt Nam trong bối
cảnh tranh chấp chủ quyền biển đảo ở Biển Đông với Trung Quốc với mức độ, cường
độ căng thẳng ngày một gia tăng có thể dẫn đến xung đột quân sự bất cứ lúc nào,
trong tương quan lực lượng không cân sức giữa Việt Nam và Trung Quốc.
Nếu so sánh với
loại “Sách trắng tố cáo Trung Quốc xâm lăng Việt Nam năm 1979”
thì loại này sẽ mang nhiều thực chất, có thể đạt mức độ sự thật tối đa 100%.
Trong khi “Sách trắng Quốc phòng Việt Nam” được đánh giá như là “một
nửa sự thật, chưa hẳn là tất cả sự thật”. Vì không dại gì Việt Nam nói rõ mục
đích, tiềm năng trang bị vũ khí, thực lực quốc phòng của mình. Và cũng vì mục
đích của các loại “Sách Trắng” đều là nhằm lợi ích tối đa cho
chủ thể công bố “Sách Trắng”.
Vậy mục đích và ý
nghĩa thực sự của việc công bố “Sách Trắng quốc phòng” của
Việt Nam
là gì? Theo nhận định của chúng tôi:
1 - Mục
đích thứ nhất được công bố “nhằm minh bạch hóa” chính sách quốc phòng bằng chủ
trương chính sách quốc phòng “4 không” như đã dẫn thượng.
Mục đích và ý
nghĩa thực sự Việt Nam muốn nói lên một sự thật cho cộng đồng thế giới biết
Việt Nam đã và đang thực hiện một chính sách quốc phòng tự vệ ( như Thứ
trưởng quốc phòng Việt Nam nói với báo giới rằng vũ khí của Việt Nam chỉ “vừa
đủ mạnh để bảo vệ tổ quốc và không phương hại đến quốc gia nào").
Dù không nói ra, nhưng ai cũng hiểu, là để đương đầu với tham vọng và hành động
của Trung Quốc xâm chiếm biển đảo của Việt Nam
bằng sức mạnh quân sự gấp nhiều lần hơn Việt Nam. Vì vậy Việt Nam thêm vào chính
sách quốc phòng một không thứ bốn “không sử dụng vũ lực hoặc đe doạ sử
dụng vũ lực trong quan hệ quốc tế”.Tất nhiên vì ở thế
yếu không thể và không dại gì khởi động chiến tranh với Trung Quốc để bảo vệ chủ
quyền biển đảo. Do đó Thứ Trưởng Ngoại Giao Tướng Nguyễn Chí Vịnh trong Lễ công
bố “Sách trắng Quốc phòng” đã khẳng định chính sách quốc phòng
của Việt Nam là kiên quyết, kiên trì đấu tranh giải quyết mọi tranh chấp, bất
đồng “bằng biện pháp hoà bình”, trên cơ sở luật pháp
quốc tế, thực hiện phương châm “bảo vệ tổ quốc từ sớm, từ xa,
sẵn sàng chống chiến tranh xâm lược”.
2 - Mục
đích thứ hai được công bố là nhằm “xây dựng lòng tin” với các quốc gia trên thế
giới nói chung (Tất nhiên
trong đó có Trung Quốc đối tượng chính cũng là nguyên nhân chính đưa đến công
bố “Sách Trắng Quốc Phòng” của Việt Nam để làm gì?
- Để các
quốc gia trên thế giới biết Việt Nam một nước nhỏ yếu đang đang bị một nước lớn có tham vọng bành trướng bá
quyền là Trung Quốc xâm lấn biển đảo và tin rằng Việt Nam đã và đang là nạn
nhân bị Trung Quốc ỷ thế mạnh “bắt nạt Việt Nam”. Để trong
tương lai, nếu Trung Quốc khởi động chiến tranh xâm lược biển đảo Việt Nam, cần
được cộng đồng các quốc gia trên thế giới yểm trợ cách này cách khác và
Việt Nam có quyền thay đổi chính sách quốc phòng “4 không” một cách phù hợp.
- Thế cho
nên Thứ trưởng Quốc phòng Nguyễn
Chí Vịnh được báo chí trong nước dẫn lời nói tại lễ công bố Sách trắng rằng
“tùy diễn biến tình hình và trong những điều kiện cụ thể, Việt
Nam sẽ cân nhắc phát triển các mối quan hệ quốc phòng, quân sự cần thiết với
mức độ thích hợp trên cơ sở tôn trọng độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn
vẹn lãnh thổ của nhau”.
3 - Mục
đích và ý nghĩa thứ ba được hiểu ngầm là Việt Nam đã và đang thực hiện “Đối
sách hai mặt” để đương đầu với đối sách “Lá mặt lá trái” bấy lâu nay của Trung
Quốc với Việt Nam
Như chúng tôi đã
trình bày nhiều lần, chính sách “lá mặt lá trái” của Trung
Quốc đối với Việt Nam, là ngoại mặt thì “hữu hảo” hành động
thì “bất hảo”. Trung quốc lúc nào cũng nêu cao khẩu hiệu “4
Tốt” và “16 chữ vàng” được các lãnh tụ tối cao hai
đảng hai nhà nước Việt Trung là Mao-Hồ thiết định từ thời chiến tranh, được coi
là định thức như chiếc thòng lọng hay như “Vòng Kim-Cô Đỏ” cột
chặt Việt Nam vào Trung Quốc. Chẳng thế mà lãnh tụ tối cao Trung Quốc đương
thời họ Tập nhiều lần nhắc nhở đảng và nhà nước cộng sản Việt Nam mỗi khi có dịp, rằng “Việt Nam và Trung
Quốc ùng chung vận mệnh” từ quá khứ đến hiện tại và cả tương lai.
Thế nhưng hành
động thực tế từ quá khứ đến hiện tại Trung Quốc luôn “bắt nạt Việt Nam” vì vận mệnh tương lai tươi sáng
cho đại Hán Trung Quốc, khác vận mệnh tương lai đen tối cho Việt Nam. Điển hình
cụ thể là hành động xâm lăng trắng trợn biển đảo thuộc chủ quyền Việt Nam, bất
chấp luật pháp quốc tế, luôn thực hiện quan hệ Hữu nghị “lá mặt lá trái”
đối với Việt Nam.
Vì thế cho nên, “dĩ
độc trị độc”, dường như Việt Nam cũng đã và đang thực hiện “Đối
sách hai mặt” để đương đầu với “Đối sách lá mặt lá trái” của
Trung Quốc.Theo đó trên nguyên tắc Việt Nam vẫn giữ mối quan hệ hữu nghị, luôn
nêu cao và thực hiện trong chừng mực nào đó phương châm “4 Tốt”
và “16 chữ vàng”. Nhưng trên thực tế vừa thực hiện chính sách
“4 không” một cách uyển chuyển. Đồng thời không ngừng củng cố
mối quan hệ song phương có thực chất với một số nước theo kiểu “Đối tác
toàn diện” trong đó đặc biệt củng cố quan hệ an ninh, quốc phòng với
một số nước cần yếu cho an ninh quốc phòng Việt Nam. Trong số này đứng đầu là mối
quan hệ song phương về an ninh quốc phòng với cường quốc Hoa Kỳ, một cường quốc
duy nhất có thế lực đối trọng và khả năng ngăn chặn tham vọng xâm lấn và bá
quyền của Trung Quốc. Nhất là Hoa Kỳ và Việt Nam
đang có lợi ích hổ tương: Hoa Kỳ cần Việt Nam để củng cố thế liên minh thực
hiện chiến lược gián chỉ tham vọng bá quyền Trung Quốc. Việt Nam cũng cần Hoa Kỳ để cứu nguy khi bị bị Trung
Quốc dùng bạo lực xâm lấn Việt Nam
trong tương lai. Thực tế ai cũng thấy mối quan hệ song phương quốc phòng đặc
biệt này giữa Hoa Kỳ và việt Nam
gia tăng tịnh tiến, nửa kín nửa hở, theo thời gian. Dường như Hoa Kỳ cũng tỏ ra
thông cảm với thế kẹt của Việt Nam nên đã chấp nhận để Việt Nam thực hiện chính
sách đi dây giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ trong “Đối sách hai mặt”
được Việt Nam mới thể hiện gần nhất qua công bố “Sách Trắng Quốc phòng” của
Việt Nam hôm 25-11-2019 vừa qua. Hoa Kỳ cũng không dấu diếm quyết tâm bảo vệ
Việt Nam và các quốc gia nhỏ yếu trong vùng, nếu bị Trung Quốc ỷ mạnh, hiếp
yếu, bắt nạt…
IV - KẾT
LUẬN
Thay vì ra “Sách
Trắng tố cáo Trung Quốc vi phạm chủ quyền biển đảo” tuyên chiến với
Trung Quốc, dựa hẳn vào Hoa Kỳ, Việt Nam đã công bố “Sách trắng Quốc
phòng” là để thế giới biết và tin rằng Trung Quốc hành động từng bước
xâm chiếm biển đảo của Việt Nam, nằm trong tham vọng bá quyền, muốn biến Biển
Đông thành “ao nhà” của mình là sự thật.Một hiểm họa không riêng với Việt
Nam,cho nhiều nước khác trong vùng, mà cho quyền tự do hàng hải của cả thế giới
theo luật pháp quốc tế.
Qua công bố “Sách
trắng Quốc phòng” Việt Nam bạch hóa có mức độ tiềm năng quốc phòng của
một nước nhỏ yếu với một chính sách hiện tại mang tính tự vệ, không thể đương
đầu và không có khả năng khởi động tấn công ngăn chặn đẩy lùi và tương lai nếu
bị tấn công không thể một mình chống cự nổi với Trung Quốc. Vì thế trong hiện
tại đã khẳng định chính sách quốc phòng hòa bình
“4 không” có tính nguyên tắc trong hiện trạng, mang
tính uyển chuyển,“tùy cơ ứng biến” trong tương lai,
nếu thực tế bị Trung Quốc ỷ mạnh hiếp yếu tấn công. Khi đó, Việt Nam ở thế tự
vệ không thể tự mình đương đầu phải cầu viện đến các quốc gia khác trên thế
giới, đứng đầu là cường quốc Hoa Kỳ. Chính sách quốc phòng “4 không” của
Việt Nam có thể chuyển đổi thích dụng. Do đó, việc công bố “Sách trắng
Quốc phòng” trong hiện tại cũng đã thể hiện “Đối sách hai mặt”
của Việt Nam để đương đầu với “Đối sách lá mặt lá trái” của
Trung Quốc, như sự chuẩn bị “những điều kiện cần và đủ” cho
tương lai phải thay đổi chính sách này một cách phù hợp, hiệu quả khi tình thế
bắt buộc. Cung cách hành xử uyển chuyển, tùy cơ ứng biến này của Việt Nam được
nhiều người đánh giá là khôn ngoan, có hiệu quả như tác dụng “nhu thắng cương,
nhược thắng cường” của các thế đánh của phái võ “Nhu đạo” (Judo).
No comments:
Post a Comment
Note: Only a member of this blog may post a comment.