Sunday, April 8, 2018

Chuyến đi của ông Trump thành hay bại?



Chuyến đi của ông Trump thành hay bại?

16/11/2017

Tổng thống Hoa Kỳ, Donald Trump.
Tổng thống Hoa Kỳ, Donald Trump.
Chia sẻ
Thiện Ý

Như mọi người đã biết Tổng Thống Hoa Kỳ Donald Trump đã đến Hà Nội chính thức thăm Việt Nam diễn ra từ chiều ngày 11 đến 12 tháng 11 năm 2017 vừa qua, sau khi tham dự Hội nghị thượng đỉnh APEC tại Đà Nẵng, một thành phố biển thuộc Trung phần Việt Nam. Cuộc thăm này nằm trong chuyến đi dài ngày đầu tiên sau 11 tháng đắc cử của Tổng Thống Trump đến các nước vùng Chấu Á Thái Bình Dương như Nhật Bản, Nam Hàn, Trung Quốc, Việt Nam và sau cùng là Philippine để dự Hội Nghị Thượng Đỉnh ASEAN.
Sau đây là một số nhận định của chúng tôi về chuyến đi Việt nam này của Tổng Thống Hoa Kỳ Donald Trump.
1 - Một chuyến đi được coi là thành công tốt đẹp cho cả đôi bên. Vì mục đích chuyến đi của Tổng Thống Trump và sự trông đợi từ chuyến đi này của phía Việt Nam dường như đôi bên đều đã thành đạt trên nguyên tắc được ghi nhận trong Thông Cáo Chung.
Thật vậy, những gì mà đôi bên Mỹ-Việt muốn đạt được nằm trong khuôn khổ quan hệ “đối tác toàn diện” giữa hai nước từng được ghi nhận qua thông cáo chung sau chuyến thăm của Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc tới Mỹ cuối tháng 5 vừa qua. Vì vậy thành quả chuyến đi lần này cũng chỉ là tái khẳng định những gì đã đạt được trước đây trong quan hệ Mỹ-Việt được nhắc lại trong thông cáo chung lần này. Một cách tổng quát hai bên đã ghi nhận và ca ngợi những thành quả đã đạt được và cam kết tiếp tục mở rộng, củng cố và thực hiện để thắt chặt hơn nữa quan hệ đối tác giữa hai nước, được cụ thể hóa qua một số hiệp ước song phương đựợc ký kết nhân chuyến đi này trên các lãnh vực kinh tế, quân sự quốc phòng, an ninh khu vực…
Trên lãnh vực kinh tế, theo thông cáo, đôi bên sẽ cam kết tăng cường các cuộc thảo luận hướng tới mở rộng thương mại, trao đổi mậu dịch-đầu tư giữa hai nước để đạt được các thỏa thuận thương mại nhiều tỷ đô la, trên nguyên tắc có thể lên tới 12 tỷ đô la trên cơ sở đôi bên cùng có lợi…
Trên lãnh vực an ninh, quốc phòng song phương, Thông Cáo Chung cũng cho thấy sẽ có hợp đồng mua một số vũ khí phòng vệ của Hoa Kỳ như Thủ Tướng Nguyễn Xuân Phúc hứa hẹn khi gặp Tổng Thống Trump trong chuyến đi Mỹ trước đây, trên nguyên tắc có thể lên đến hàng chục tỷ dollar. Đây là sự đáp trả lời mời chào hàng của vị Tổng thống Hoa Kỳ gốc doanh nhân, khi trực tiếp nói với các lãnh đạo Việt Nam, rằng hãy mua thiết bị quân sự của Mỹ, nhất là máy bay và tên lửa. Ông Donald Trump từng nói với Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc hôm 12/11, rằng “Chúng tôi mong muốn nước ngài mua thiết bị từ Hoa Kỳ. Chúng tôi sản xuất thiết bị tốt nhất. Chúng tôi sản xuất máy bay và thiết bị quân sự tốt nhất. Các tên lửa thì thuộc loại không ai có thể cạnh tranh nổi…”. Còn trong cuộc gặp với Chủ tịch Trần Đại Quang, Tổng thống Trump nói rằng “quan hệ quốc phòng của chúng ta thật tuyệt vời”.Ông nói: “Chúng tôi có nhiều giao dịch với nước ngài liên quan tới mua vật liệu và mua một số lượng đáng kể thiết bị quân sự. Và chúng tôi trân trọng điều đó. Nó tạo công ăn việc làm cho nước Mỹ, và nước ngài có được thiết bị tốt nhất thế giới”. Tổng thống Mỹ nói tiếp rằng “vì thế, chúng tôi muốn Việt Nam mua của chúng tôi, và chúng ta phải xóa bỏ việc mất cân bằng thương mại”, mà ông Trump nói là lên tới 32 tỷ đôla trên nguyên tắc.
Thông Cáo Chung cũng cho biết đôi bên Việt-Mỹ sẽ chung quyết kế hoạch hành động 3 năm về hợp tác quốc phòng giúp tăng cường các hoạt động hải quân giữa hai nước; Mỹ sẽ chính thức chuyển giao tàu tuần tra của Lực lượng tuần duyên Mỹ cho hải quân Việt Nam giúp củng cố an ninh hàng hải Việt Nam…
Trên lãnh vực an ninh khu vực, đôi bên cũng bầy tỏ sự thống nhất chủ trương phi hạt nhân hóa trên bán đảo Trều Tiên và trong khu vực, cũng như tích cực thực hiện các nghị quyết của Liên Hiệp Quốc trong chiến dịch áp lực tối đa buộc Triều Tiên trở lại lộ trình phi hạt nhân hóa. Mặc dầu không trực tiếp nói đến vấn đề tranh chấp chủ quyền Biển Đông (sợ đụng chạm với Trung Quốc làm mất thành quả đạt được trong chuyến thăm Trung Quốc trước Hội nghị APEC?), nhưng trong Thông Cáo Chung các nhà lãnh đạo Mỹ-Việt đã tái khẳng định tầm quan trọng của tự do hàng hải, hàng không, thương mại không bị cản trở ở Biển Đông và cùng ủng hộ phương thức giải quyết tranh chấp một cách hòa bình, đa phương với vai trò trung tâm là tổ chức phát triển vùng ASIAN, dựa trên luật lệ quốc tế như Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển 1982 và mong bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông sớm được hoàn thành và đi vào thực hiện để giải quyết tranh chấp hàng hải cũng như biển đảo, chống quân sự hóa ở Biển Đông... Trong trao đổi riêng với các nhà lãnh đạo Việt Nam Tổng Thống Trump đã bày tỏ sự sẵn sàng làm trung gian để giải quyết tranh chấp chủ quyền biển đảo giữa Trung Quốc và Việt Nam…nhưng dường như phía Việt Nam đáp ứng ý tưởng này một cách dè dặt và hoài nghi (Vì có người lo sợ chính quyền Trump có thể dùng vấn đề Biển Đông để thương lượng hầu tìm thuận lợi trong quan hệ hai chiều với Trung Quốc…)
Trong diễn văn đọc trước Hội nghị APEC trước đó, Tổng Thống Trump dương như có chủ ý làm đẹp lòng nước chủ nhà, khi nhắc lại tinh thần chống ngoại xâm bảo vệ độc lập chủ quyền đất nước của Hai Bà Trưng chống quân xâm lược Phương Bắc. Ông nói “Đó là tinh thần cháy bỏng trong lòng người yêu nước ở mọi quốc gia. Nước chủ nhà Việt Nam không chỉ có tinh thần đó trong 200 năm mà là trong gần 2000 năm. Vào khoảng năm 40 sau Công nguyên, Hai Bà Trưng đã đánh thức tinh thần của người dân vùng đất này. Đó là lần đầu tiên người dân Việt Nam đứng lên đấu tranh cho sự độc lập và niềm tự hào của các bạn.Phải chăng đây là hành động gián tiếp nói lên quan điểm tôn trọng độc lập chủ quyền của Hoa Kỳ và sự ủng hộ quan điểm, thái độ và hành động ứng xử của Việt Nam nói riêng và các quốc gia trong vùng trong việc đối phó với tham vọng lấn chiếm các biển đảo của Trung Quốc dựa trên sức mạnh.
2 - Chuyến đi đã thể hiện chủ nghĩa thực dụng triệt để trong chính sách đối ngoại của chính quyền Donald Trump.
Theo đó, chính quyền của Tổng Thống Trump thực hiện triệt để và công khai mọi phương cách, biện pháp để đem lại lợi ich cao nhất cho Hoa Kỳ, thực hiện chủ trương “quyền lợi quốc gia Hoa Kỳ là tối thượng”, để đạt điều mà Tổng Thống Trump hứa hẹn với cử tri khi tranh cử là làm cho “Hoa Kỳ vĩ lại trở lại”.
Để thành đạt chủ trương và mục tiêu tối hậu này,Tổng Thống Trump đã và đang đẩy mạnh mũi nhọn: bảo vệ mậu dịch song phương, ưu tiên phát triển kinh tế quốc nội phục vụ quốc kế dân sinh – chấm dứt hay hạn chế tối đa vài trò cảnh sát quốc tế và Hoa Kỳ chỉ đóng vai hổ trợ, giao lại gánh nặng an ninh quốc phòng cho các nước tự bảo vệ và cùng chia xẻ trách nhiệm quốc tế một cách công bằng, hợp lý (chứ không phải như bao lâu nay Hoa Kỳ phải bao sân quá nhiều..).
Vì vậy, qua Thống Cáo Chung sau chuyến đi thăm Việt Nam vừa qua cũng như những lời tuyên bố khi đến các nước trong vùng như Nhật Bản, Nam Hàn, Trung Quốc và cả trên diễn đài Hội nghị thượng đỉnh APEC…chủ nghĩa thực dụng đã được Tổng Thống Trump thể hiện triết để, không che dấu. Nhất là trong chuyến đi thăm Trung Quốc, Tổng Thống Donald Trump đã có thái độ hòa dịu và những lời tuyên bố trái với những gì trước đây nói về quan hệ mậu dịch song phương thủ lợi của Trung Quốc, bất công và có hại cho quyền lợi của Hoa Kỳ. Trong diễn văn đọc trên diễn đàn APEC, Tổng Thống Trump cũng đã nói, rằng “Từ hôm nay trở đi, chúng ta sẽ cạnh tranh một cách công bằng và bình đẳng. Chúng tôi sẽ không để nước Mỹ bị lợi dụng thêm nữa. Tôi sẽ luôn đặt nước Mỹ lên hàng đầu, như cách mà tôi mong muốn tất cả các bạn trong hội trường này đưa tổ quốc mình lên trên hết. Mỹ sẵn sàng phối hợp với từng lãnh đạo trong hội trường này hôm nay để đạt được thương mại cùng có lợi mang lại lợi ích cho cả nước bạn lẫn nước tôi. Đó là thông điệp mà tôi muốn truyền tải ở đây.…..”. Đồng thời trong các lời tuyên bố đó đây trong chuyền thăm Việt Nam, cũng được thể hiện trong Thống Cáo Chung về chuyến đi Việt nam mà chúng tôi trích dẫn đôi điều trong bài viết này.
3.- Vì chủ nghĩa thực dụng, Tổng Thống Donald Trump không coi trọng vấn đề vi phạm nhân quyền và khác biệt chế độ chính trị như là rào cản trong chính sách đối ngoại với Việt nam nói riêng và các nước khác nói chung.
Vì vậy, trong Thông Cáo Chung, chỉ để cập một cách chung chung đến vấn đề nhân quyền vỏn vẹn trong một câu ngắn gọn, đúng 11 chữ, rằng hai nhà lãnh đạo “ghi nhận tầm quan trọng và thúc đẩy quyền con người…” . Còn lại hầu hết nội dung Thông Cáo Chung đề cập đến các thành quả đã đạt được trên thực tế và sự hợp tác trong tương lai về các vấn đề hai bên cùng quan tâm và cùng có lợi. Tỷ như ghi nhận thiện chí và và ca ngợi những đóng góp của Hoa Kỳ trong việc tẩy xóa chất độc màu da cam, hợp tác tiếp tục tìm kiếm di cốt chiến binh hai bên trong cuộc chiến, mở Đại học Fulbright, hoạt động của tổ chức chí nguyện hòa bình…và nhiều lợi ích song phương khác trên các lãnh vực chính tri, kinh tế, văn hóa, giáo dục, khoa học, kỹ thuật giữa hai nước…
Theo nhận định của nhiều người, do chính sách thực dụng triệt để trên của Tổng Thống Trump khác với các Tổng thống Hoa Kỳ tiền nhiệm, nên nhà cầm quyền Việt Nam đã tỏ ra coi thường mọi lên án của công luận, mạnh tay đàn áp, bắt bớ nhiều nhà bất đồng chính kiến, kết án nặng nề ngay trước ngày Tổng Thống Hoa Kỳ Donald Trump chính thức thăm Việt Nam. Đồng thời từ đây các nhà bất đồng chính kiến, các nhà đấu tranh cho dân chủ tại Việt Nam sẽ gặp nhiều khó khăn hơn, cường độ và mức đô đàn áp của nhà cầm quyền sẽ gia tăng, số phận các tù nhân lương tâm trong các nhà tù không còn được Hoa kỳ quan tâm, can thiệp như bao lâu nay nữa…
Điển hình gần nhất là vụ bắt giam và kết án nặng nề Bloger Mẹ Nấm Nguyễn Ngọc Như Quỳnh, 38 tuổi, một người vào tháng Sáu vừa qua đã bị tòa án ở Khánh Hòa kết án 10 năm tù với tội danh “tuyên truyền chống nhà nước”, theo điều 88 Bộ luật Hình sự Việt Nam; chỉ vì những bài viết trên các trang bloge Mẹ Nấm, phản ánh những sự thật của đất nước và sự bất đồng chính kiến với nhà cầm quyền của tác giả, thể hiện quyền tự do tư tưởng cá nhân.Trong đầu năm nay một phụ nữ khác là bà Trần Thị Nga cũng đã bị công an tỉnh Hà Nam bắt giam và bị kết án 9 năm tù cùng tôi danh với Bloger Mẹ Nấm. Bà là một thành viên của Hội Phụ nữ Việt vì Nhân quyền và thường xuyên lên tiếng bênh vực cho những dân oan bị nhà nước chiếm đất.
Có thể vì những sự bắt bớ giam cầm, kết án nặng nề này đã vi phạm nhân quyền trắng trợn của nhà cầm quyền Việt Nam, mà có lời đồn đoán cho rằng Đệ nhất phu nhân Hoa Kỳ Melania đã không cùng đến thăm Việt Nam với Tổng Thống Trump, dù trước đó đã đi cùng trong chuyến đi đến Nhật Bản, Nam Hàn và Trung Quốc. Nhất là, một trong hai tù nhân lương tâm trên là Bloger Mẹ Nấm Nguyễn Ngọc Như Quỳnh, người mà Đệ nhất phu nhân Melania đã công khai ca ngợi việc Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ vinh danh là “Người Phụ Nữ can đảm nhất thế giới”.
4 - Một vài sự kiện có ý nghĩa trong chuyến đi thăm Việt Nam của Tổng Thống Hoa Kỳ Donald Trump.
Một là sự kiện đón tiếp long trọng và những lời ca tụng Tổng Thống Donald Trump và cảm ơn Hoa Kỳ của các lãnh đạo nhà nước Viêt Nam và qua nội dung Thông Cáo Chung, về những thành quả trong quan hệ song phương đã và sẽ đem lại lợi ích cho Việt Nam, nâng quan hệ “Đối tác toàn diện Hoa Kỳ và Việt Nam” lên một tầng cao mới … Dường như nhà cầm quyền Việt Nam muốn thành đạt ý đồ tạo thế đối trọng để quân bình trong chính sách đối ngoại đi dây giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc hầu giảm áp lực lấn lướt ngày một gia tăng của Trung Quốc; để ít ra cũng duy trì được cách ứng xử phù hợp, hiệu quả ít nhiều với đối sách “lá mặt, lá trái” của Trung Quốc bao lâu nay trong quan hệ Việt-Trung trên hồ sơ chủ quyền Biển đảo.(miệng nói hữu hảo, thực thế lấn chiếm biển đảo, áp chế Việt nam đủ điều…)
Vì vậy có nhận định cho rằng Việt Nam đã thành đạt ý đồ trên bằng thủ thuật ngoại giao khôn khéo, có hiệu quả, vì đáp ứng đúng thị hiếu của khách hàng là Tổng Thống Trump từng là một nhà kinh doanh thành công lớn trước khi trở thành Tổng thống Hoa Kỳ. Với nghi thức đón tiếp long trọng và những lời ca tụng qua cửa miệng các lãnh đạo Việt Nam đã đánh đúng thị hiếu thuộc cá tính của một Tổng Thống vốn ưa thích được người ta ca tụng, tung hô và phản ứng nhanh, quyết liệt, không khoan nhượng với những lời chỉ trích phê bình trái ý của bất cứ ai.Đồng thời đáp ứng “ lời chào hàng” của một Tổng Thống gốc doanh nhân vốn có chủ trương “lợi ích kinh tế trước hết, lợi ích quốc gia trên hết”, Việt Nam đã làm “vui lòng khách đến, vừa lòng khách đi”. Nghĩa là, Tổng Thống Donald Trump cảm thấy vui, phấn khởi tự hào là chuyến đi thăm Việt Nam thành công lớn như đã thành công tại Trung Quốc trên đường đến Việt nam( bán được hàng tỷ đollar hàng hóa, quân bình cán cân mậu dịch song phương, củng cố được quan hệ ngoại với một đối tác có vị trí chiến lược quan trọng trong vùng rất hữu ích cho Hoa Kỳ… ). Trong khi nhà cầm quyền Việt Nam thì tin rằng, với thủ thuật ngoại giao khôn khéo của mình đã gặt hái được một thành quả theo đúng ý đồ.
Tuy nhiên, dù muốn thành đạt ý đồ trên, nhưng nhà cầm quyền Việt Nam vẫn sợ phản ứng bất lợi từ phía Trung Quốc khi họ cảm thấy Việt Nam đã coi trọng mối quan hệ với Hoa Kỳ hơn Trung Quốc hay ngả theo Mỹ. Do đó, bề ngoài đảng và nhà cầm quyền Việt Nam luôn tìm cách chứng tỏ lúc nào cũng coi trọng và cam chịu khuất phục trước “Đồng chí Trung Quốc” hơn là “Đối tác Hoa Kỳ” .Vì vậy, trong những chuyến đi Hoa Kỳ trước đây của các lãnh tụ hàng đầu như Nguyễn Phú Trọng, thường là phải ghé qua Trung Quốc trước, trên đường đến Hoa Kỳ. Gần nhất, trong bài viết của Tập Cận Bình trước chuyến thăm Việt Nam đăng trên báo Nhân Dân cơ quan ngôn luận của đảng Cộng sản Việt Nam,Ông ta đã nhắc lại điệp ngữ “Việt Nam-Trung Quốc có sông liền sông, núi liện núi…” và từng nói Việt-Trung có cùng vận mệnh(nhân dân Việt Nam vốn đang rất lo sợ Tập Cận Bình đi đến kết luận rằng “sông có thể cạn, núi có thể mòn, song chân lý ấy không bao giờ thay đổi!”).
Có lẽ vì mối lo sợ trên mà trong nghi thức đón tiếp Chủ tịch Trung Quốc, kiêm Tổng Bí Thư đảng CS Trung Quốc vừa qua, người ta thấy một vài chi tiết nhỏ có ý nghĩa, như nghi thức đón tiếp Tập Cận Bình phải long trọng hơn đón Donald Trump, với 21 phát đại bác chào mừng họ Tập, mà Tổng Thống Trump thì không. Hay Tập thì được tứ trụ triều đình của chế độ là Tổng Bí thư Trọng, Chủ tịch nước Quang, Chủ tịch Quốc hội Ngân và Thủ tướng Phúc đón tiếp nống hậu, “thắm tình đồng chí anh em”. Trong khi Tổng Thống Hoa Kỳ Trump chỉ được Chủ tịch nước Trần Đại Quang tiếp đón và chỉ ghé thăm xã giao Tổng bí thư đảng cầm quyền Nguyễn Phú Trọng, như muốn chứng tỏ dù đón tiếp Donald Trump long trọng thế nào cũng không thể hơn được sự đón tiếp “người đồng chí anh em” Tập Cận Bình đâu.
Hai là có sự trái ngược lý trí và tình cảm giữa nhân dân và các lãnh đạo đảng và nhà nước biểu lộ trong việc đón tiếp Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump và Tổng Bí Thư kiêm Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cân Bình.
Qua hình ảnh phát tán trên hệ thống internet toàn cầu, người ta thấy đông đảo nhân dân Việt Nam tự nguyện tự giác kéo ra hai bên đường nồng nhiệt đón chào Tổng Thống Hoa Kỳ ở những nơi phái đoàn đi qua (tương tự như nồng nhiệt đón chào các Tổng thống Hoa Kỳ tiền nhiệm Barrack Obama, George W. Bush, Bill Clinton…). Trong khi Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình thì ngoài các thành phần dân chúng được nhà cầm quyền tổ chức sắp xếp đón chào, số người tự nguyện tự giác hay hiếu kỳ đã không xuất hiện nhiều ở những nơi phái đoàn đi qua.
Sự trái ngược này có ý nghĩa gì không cần nói ra thì ai cũng biết nhân dân Việt Nam yêu ghét ai, mong chờ ai đến, ai là bạn, ai là thù, ai đã giúp Việt Nam có bộ mặt phôn vinh như hôm nay và sẽ đưa Việt Nam hội nhập hoàn toàn vào thế giới văn minh tiến bộ ngày nay …Và như thế “lòng dân, ý đảng có là một” như “Đảng Ta” thường tự hào hay không?

Thiện Ý
Houston, ngày 14 tháng 11 năm 2017

No comments:

Post a Comment

Note: Only a member of this blog may post a comment.