Sunday, April 8, 2018

GIẢI PHÁP NÀO CHO HỒ SƠ HẠT NHÂN BẮC TRIỀU TIÊN?



GIẢI PHÁP NÀO CHO HỒ SƠ HẠT NHÂN BẮC TRIỀU TIÊN?

Thiện Ý

Bắc Triều Tiên cho hay họ đã thử thành công tên lửa đạn đạo xuyên lục địa mới cực mạnh (ICBM) vào hôm thứ Tư 29/11, bất chấp các lệnh trừng phạt của quốc tế . Tên lửa này mang tên Hwasong-15, được thiết kế để mang một "đầu đạn siêu nặng và lớn.".Tầm bắn của tên lửa mới này đã đạt hơn 13.000 km (8.100 dặm) – thừa sức vươn tới thủ đô Washington DC hay bất cứ nơi nào trên đại lục Hoa Kỳ.

Hành động trên của Bắc Triều tiên đã bị Liên Hiệp Quốc, Hoa Kỳ và các quốc gia trong vùng có liên quan như Nam Hàn, Nhật Bản lên án mạnh mẽ kèm theo những biện pháp đáp trả tức thời và gia tăng các biện pháp trừng phạt theo các nghị quyết của Hội Đồng Bảo An Liên Quốc. Tình trạng đối đầu trở nên căng thẳng gần đến biên độ có thể nổ ra chiến tranh bất cứ lúc nào trên bán đảo Triều Tiên.

Vấn đề được nhiều người đặt ra là liệu sự đối đầu cao độ hiện nay có dẫn đến chiến tranh và giải pháp nào khả thi để tránh chiến tranh giữa Hoa Kỳ và đồng minh với Bắc Triều Tiên không?

I/- LIỆU CÓ NỔ RA CHIẾN TRANH?

Theo nhận định của chúng tôi và có lẽ cũng của nhiều người, chiến tranh sẽ không xẩy ra là vì:

1/- Nếu chiến tranh xẩy ra thì đã xẩy ra lâu rồi, rất sớm khi Bắc Triều Tiên khởi sự hay trong tiến trình thử nghiệm vũ khí hạt nhân. Vì khi đó vẫn trong khuôn khổ chiến tranh quy ước, với ưu thế tuyệt đối về quân sự  Hoa Kỳ có thể đánh bại hay hủy diệt Bắc Triều Tiên quá dễ dàng. Nhưng chiến tranh đã không xẩy ra, cho dù lúc đó Triều Tiên chưa hoàn chỉnh vũ khí hạt nhân, có lẽ vì Hoa Kỳ và đồng minh cũng hiểu rằng Trung Quốc chắc chắn sẽ không đứng nhìn chế độ Bình Nhưỡng bị hủy diệt. Vì chế độ này vốn là con đẻ của Bắc Kinh, được nuôi dưỡng mọi mặt để sống còn và chương trình thử nghiệm hạt nhân của Bắc Triều Tiên không phải tự thân nó làm được, chắc chắn Trung Quốc phải đóng một vai trò quan trọng, nếu không nói là chính yếu để Bình Nhưỡng có được vũ khí hạt nhân trong tay. Bởi vì, chương trình này có được chính yếu là nằm trong ý đồ chiến lược của Trung Quốc trong việc biến chế độ Bình Nhưỡng như con cờ hay chủ bài để thành đạt những lợi ích chính trị, kinh tế, quân sự nào đó trên bàn cờ chính trị quốc tế hay trong vùng.

2.-Nay Bình Nhưỡng đã có vũ khí hạt nhân như lời khoe khoang ăn mừng thì chiến tranh lại càng không thể xẩy ra. Vì nếu xẩy ra chiến tranh, Bắc Kinh không đứng ngoài đã đành, mà nguy cơ một cuộc chiến tranh nguyên tử tác hại khủng khiếp cho các bên tham chiến về của về người không phải là nhỏ. Đất nước và nhân dân Hoa Kỳ ở xa và được bảo vệ của các khí tài quân sự tân tiến có thể không hề hấn gì, nhưng chính phủ và nhân dân các nước đồng minh như Nam Hàn và Nhật Bản sẽ gánh chịu thảm họa, dù sau đó có hủy diệt được Bắc Triều Tiên giành thắng lợi sau cùng.

Vả lại, cho dù đã có vũ khí hạt nhân trong tay, nhưng chắc chắn Bắc Hàn không dại gì khởi động chiến tranh bằng cuộc tấn công nguyên tử Hoa Kỳ trước; mà như Bình Nhưỡng nhiều lần khẳng định cũng như mới đây sau khi thử nghiệm thành công tên lửa đạn đạo tầm xa, rằng tên lửa này là một "sức mạnh hạt nhân có trách nhiệm", và nói rằng Triều Tiên phát triển vũ khí chiến lược này để tự vệ “trước mối đe dọa hạt nhân và chính sách bức hiếp bằng hạt nhân của đế quốc Mỹ.”

Về phía Hoa Kỳ và các đồng mình, chúng tôi cho rằng sẽ không khởi động chiến tranh để có một chiến thắng với cái giá thảm họa khủng khiếp trong hiện tại để tránh một thảm họa khủng khiếp trong tương lai, khi nó chưa có gì chắc chắn là Bắc Triều Tiên sẽ dùng vũ khí hạt nhân khởi động tấn công Hoa Kỳ và đồng minh.

Vậy thì những lời tuyên bố mạnh miệng của các nhân vật lãnh đạo hay giới chức có thẩm quyền của Liên Hiệp Quốc, của Hoa Kỳ và đồng minh,  kèm theo các hành động tập trận quân sự có tính bao vây áp sát Bắc Triều Tiên ở mức độ quy mô, với các khí tài quân sự tiên tiến nhất được phô trương, như trong cuộc tập trận giữa liên quân Hoa Kỳ và Nam Hàn diễn ra từ ngày 4 đến 8 tháng 12 năm 2017…Tất cả chúng tôi cho rằng cũng chỉ là những động tác tạo sức ép đi đến một giải pháp khác hơn cho hồ sơ hạt nhân Bắc Triều Tiên, chứ không phải sẽ nổ ra chiến tranh như có sự lo ngại.

II/-GIẢI PHÁP NÀO CHO HỒ SƠ HẠT NHÂN BẮC TRIỀU TIÊN?

Theo nhận định của chúng tôi, mọi giải pháp phải đặt vào vị thế của bàn cờ chính trị quốc tế hay khu vực trong khung cảnh chiến lược toàn cầu mới hậu Chiến Tranh Lạnh. Trong phạm vị một bài viết ngắn, chúng tôi chỉ có thể dự đoán hai giải pháp mà sự thành đạt tùy thuộc vào ý đồ của lãnh đạo các nước đóng vai trò người chơi cờ hơn là lãnh đạo những nước chỉ là quân cờ.
Một cách cụ thể trong bàn cờ chính trị khu vực để giải quyết hồ sơ hạt nhân Bắc Triều Tiên, Hoa Kỳ và Trung Quốc là người chơi cờ. Bắc Triều Tiên là quân cờ của Trung Quốc, Nam Hàn và Nhật Bản là quân cờ của Hoa Kỳ. Vây có thể có hai giải pháp cho hồ sơ hạt nhân Bắc Triều Tiên đại để như sau:

1.- Giải pháp thương lượng song phương hay đa phương.

Theo chúng tôi, thương lượng song phương giữa Hoa Kỳ và Bắc Triều Tiên khó xẩy ra. Vì Bình Nhưỡng chỉ là quân cờ của Bắc Kinh. Song phương giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc càng không thể xẩy ra, vì cho đến lúc này Trung Quốc chỉ thực hiện vai trò đánh cờ theo kiểu “ném đá dấu tay”.

Vây chỉ còn một giải pháp thương lượng đa phương như đã từng có hội nghị sáu nước là Hoa Kỳ, Nam Hàn, Nhật Bản, Trung Quốc, Nga và Bắc Triều Tiên. Một hội nghị sáu nước mà hai phe với số nước bằng nhau, kết cuộc đã tan vở mà không đi đến kết quả nào. Vì người chơi cờ Trung Quốc, với sự phụ họa của Nga họp bàn không phải để “ép” con cờ Bình Nhưỡng chấp nhận “từ bỏ chương trình thử nghiệm hạt nhân và vũ khí đạn đạo, để đổi lại viện trợ của quốc tế, Hoa Kỳ và Nam Hàn” mà chỉ muốn có cơ hội làm cho quốc tế, Hoa Kỳ và đồng minh thấy vị thế quyết định của mình trong việc giải quyết hồ sơ Bắc Triều Tiên, tạo lợi thế trong các cuộc thương lượng lợi ích song phương với Hoa Kỳ. Vì thế, Trung Quốc đã làm ra vẻ Bắc Triều Tiên không phải con cờ của mình, mà có “độc lập tự chủ” nên hội nghị không thành, vừa để làm cao giá với Hoa Kỳ, vừa để kéo dài thời gian cho Bình Nhưỡng hoàn tất chương trình chế tạo vũ khí hạt nhân. Thời gian ấy đã đủ để Bắc Triều Tiên có vũ khí hạt nhân và tên lữa đạn đạo có khả năng bay đến bất cứ vùng đất nào của Hoa Kỳ.

Vậy thì hội nghị đa phương bây giờ chỉ có thể là do Liên Hiệp Quốc đứng ra triệu tập. Mục đích hội nghị này không như hội nghị 6 nước trước đây do Bình Nhưỡng. Vì Bình Nhưỡng nay tự coi mình đã là một cường quốc nguyên tử. Nếu Bình Nhưỡng chấp nhận ngồi vào bàn hội nghị, tức là tranh được chiến tranh. Nhưng sự thành đạt hay không của Hội nghị đa phương này tùy thuộc vào sự ngầm cho phép của Trung Quốc để Bình Nhưỡng chấp nhận hay không những yêu cầu của Liên Hiệp Quốc đặt ra.

Một dấu hiệu hé mở cho giải pháp này có thể là chuyến đi của Ông Jeffrey Feltman, Phó Tổng Thư ký LHQ phụ trách các vấn đề chính trị, hôm thứ Ba 5/12 đã khởi hành đến Bình Nhưỡng sau khi dừng chân ở Bắc Kinh ngày hôm trước. Người phát ngôn của LHQ Stephane Dujarric hôm 4/12 cho biết ông Feltman sẽ thảo luận về "những vấn đề cùng quan tâm và lo ngại" với Ngoại trưởng Ri Yong Ho và Phó Ngoại trưởng Pak Myong Guk của Bắc Hàn trong chuyến thăm dự kiến kết thúc vào thứ Sáu 8/12. Chuyến công du của ông Feltman chỉ diễn ra chưa đầy một tuần sau khi Bình Nhưỡng loan báo phóng thử thành công một loại tên lửa đạn đạo xuyên lục địa mới có thể phóng tới lục địa Hoa Kỳ Việc phóng tên lửa mới nhất này đã làm tăng căng thẳng giữa Triều Tiên và Hoa Kỳ. Nếu Liên Hiệp Quốc triểu tập một Hội Nghị để giải quyết vấn đề hạt nhân Bắc Triều Tiên mà không thành thì sao?

2.- Giải pháp thả nổi, tiếp tục cấm vận và gia tăng các biện pháp cấm vận lâu dài cho đến khi Bình Nhưỡng phải thi hành Nghị quyết 1718  năm 1968 có hiệu lực thi hành từ 1970.

Giải pháp này có thể có hiệu quả, tránh được chiến tranh. Vì một khi cả thế giới bao vây cô lập, chế độ Bình Nhưỡng tồn tại được bao lâu là tùy thuộc vào vú mẹ Trung Quốc, trở thành một gánh nặng cho Bắc Kinh khi phải nuôi dưỡng lâu dài một chế độ công cụ của mình. Chưa kể những tác hại nhiều mặt đối với Trung Quốc trong các quan hệ song phương cũng như đa phương trên trường quốc tế do sự bao che một chế độ tội phạm. Giải pháp này có thể không phải thực hiện nếu Trung Quốc thấy được sự tai hại quá lớn cho chính mình, để trả giá cho con cờ Bình Nhưỡng không còn tác dụng cho ý đồ của mình.

Những giải pháp trên chỉ là sự suy đoán của người viết. Thực tế có nghiệm đúng hay không, chúng ta hãy chờ xem. Có điều, chúng tôi vẫn tin rằng, một cuộc chiến tranh nguyên tử sẽ không thể xẩy ra dựa trên cơ sở thực tế và lý luận đã trình bày.
              Thiện Ý
Houston, ngày 6-12-2017


No comments:

Post a Comment

Note: Only a member of this blog may post a comment.