Monday, April 16, 2018

Kịch bản ‘đả hổ diệt ruồi’ Việt Nam sẽ đi về đâu?



Kịch bản ‘đả hổ diệt ruồi’ Việt Nam sẽ đi về đâu?

17/01/2018


Thiện Ý

Kịch bản “đã hổ, diệt ruồi” nguyên tác của ông Tập Cận Bình người đứng đầu đảng Cộng sản Trung Quốc đã được ông Nguyễn Phú Trọng người đứng đầu đảng Cộng sản Việt Nam sao y bản chính và đang đạo diễn cho các cơ quan chức năng nhà nước thực hiện, với sự cố vấn, cam kết hổ trợ của đảng và nhà nước Trung Quốc. Nhiều người đã nhận xét như vậy để cho rằng chính cơ sở này mà Tổng bí thư Nguyễn Phú trọng và nhóm lợi ích đang ở thế mạnh của ông mới dám chống tham nhũng một cách mạnh mẽ, quyết liệt như hiện nay mà không sợ “bứt dây động rừng”, sự phản kháng khó lường của các đối tượng tham nhũng trong các nhóm lợi ích khác.
Khi chúng tôi viết bài này thì vụ đại án chống tham nhũng đã diễn ra một tuần và dự kiến kéo dài khoảng hai tuần. Đây là một đại án chống tham nhũng vì là vụ án lớn “điển hình” cho kịch bản chống tham nhũng “Đả hổ, diệt ruồi” do Tổng bí thư đảng CSVN Nguyễn Phú Trọng lãnh đạo thực hiện. Vụ đại án liên quan đến 22 viên chức cán bộ đảng viên cộng sản từng nắm những chức vụ lãnh đạo cấp cao trong chính quyền, điều hành các cơ sở kinh tế, hoạt động sản xuất kinh doanh vốn lớn, tiền nhiều, đầy cám dỗ. Trong số các bi can này, cao cấp nhất là nguyên Ủy viên Bộ Chính Trị, Bí thư thành ủy, Đại biểu Quốc hội và Bộ trưởng Giao thông Đinh La Thăng đã bị tước hết binh quyền trước khi bị bắt giam hôm 8-12-2017 và truy tố ra tòa cùng với Trinh XuânThanh và khoảng 20 người khác thuộc hạng không hổ thì cũng là cọp beo; mà có đồn đoán là thuộc nhóm lợi ích của cựu Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng. Tất cả đều bị truy tố một hay cả hai tội danh “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” quy định tại Khoản 3 Điều 165, và tội “Tham ô tài sản” quy định nơi khoản 4, Điều 278, Bộ luật Hình sự năm 1999, không phải Bộ Hình sự 2015 có hiệu lực từ tháng 1 năm 2018. Vì các tội phạm xẩy ra trong thời gian ông Nguyễn Tấn Dũng làm Thủ tướng khi Bộ luật hình sự 1999 đang có hiệu lực pháp luật.
Đối với con hổ Đinh La Thăng (tương tự như con hổ Bạc Lai Hy, Ủy viên Bộ Chính Trị, Bí thư Thành ủy Thượng hải và vợ ở Trung Quốc) thì bị truy tố một tội “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” quy định tại Khoản 3 Điều 165, Bộ luật Hình sự năm 1999.
Theo cáo trạng, ông Thăng có sai phạm trong việc chỉ đạo thực hiện dự án nhà máy nhiệt điện Thái Bình 2 với tư cách là người đứng đầu. Ông Thăng bị cho là đã chỉ định công ty dầu khí Việt Nam PVN thực hiện gói thầu EPC, chỉ đạo công ty con PV Power ký hợp đồng với PVC ‘trái quy định’. Sau đó ông Thăng chỉ đạo cấp dưới tại PVN và BQL dự án căn cứ hợp đồng này tạm ứng hơn 6,6 triệu đôla và hơn 1.312 tỉ đồng cho PVC để ông Trịnh Xuân Thanh và đồng phạm sử dụng hơn 1.115 tỉ đồng sai mục đích.
Như vậy là Ông Thăng chỉ bị truy tố một tội “cố ý làm trái quy định…” nên mức án tối đa chỉ còn 20 năm tù. Vì Khoản 3 Điều 165, Bộ luật Hình sự năm 1999 quy địmh: “Phạm tội gây thiệt hại từ một tỷ đồng trở lên hoặc gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng khác, thì bị phạt tù từ mười năm đến 20 năm”. Vì vậy sau một tuần xét xử, tin truyền thông cho hay hôm 13-1-2018 đại diện Viện Kiểm sát nhân dân đã xác nhận bị can Đinh La Thăng có tội vì đã đủ yếu tố cấu thành tội “cố ý làm trái…”, dù bị can không nhận tội, nhưng vẫn đề nghị với Hội Đồng xét xử mức án từ 14 đến 15 năm tù cho bị can Đinh La Thăng là mức trung bình giữa mức án tối đa và tối thiểu của khung hình phạt về tội danh này.
Đúng như dự đoán trong một bài viết trước phiên xử, chúng tôi cho rằng dù là một vụ án điển hình “đả hổ”, nhưng con hổ Đinh La Thăng có thể được nhận một bản án khoan hồng ở mức thấp nhất của khung hình phạt là 10 năm tù hay mức trung bình 15 năm tù về mặt pháp lý dù kháng cáo hay không kháng cáo. Sự suy đoán này dựa trên các dấu hiệu báo trước một mức án vừa phải đủ đạt yêu cầu, không quá nặng nề sẽ dành cho Ông Thăng như:
(1) Truy tố một tội “Cố ý làm trái quy định…” bỏ cho tội “tham ô tài sản” là đảng đã “chiếu cố” mở đường “cho hổ chạy”, khỏi bị án tử hình hay chung thân, tránh “bức xúc xã hội”, giảm sức phản kháng của các nhóm lợi ích đối nghịch.
(2) Trong thời gian “làm việc” (điều tra xét hỏi) bị can đảng viên cấp cao Đinh La Thăng đã được đánh giá là cộng tác, thành khẩn khai báo sự thật giúp cơ quan điều tra kết thúc hồ sơ vụ án nhanh theo lệnh của Tổng bí thư Trọng và giúp tóa án xét xử “đúng người, đúng tội”. Đây là một tình tiết được xét giảm tội theo luật.
(3) Qua tiết lộ của luật sư Nguyễn Huy Thiệp, một trong bốn luật sư của ông Thăng nói với báo Pháp Luật trước ngày xử án và nói trước tòa về quan điểm của ông Đinh La Thăng là “sai đến đâu, ông sẽ nhận trách nhiệm đến đấy, cái gì không sai thì cần xem xét cho ông ấy.”. Tiết lộ này cho thấy người ta muốn tỏ lộ nhân cách của đảng viên cộng sản Đinh La Thăng được thể hiện trọng nhà tù với tinh thần “tự kiểm, tự phê, nhận trách nhiệm”, rằng ““sai đến đâu, ông sẽ nhận trách nhiệm đến đấy” để xin khoan hồng “cái gì không sai thì cần xem xét cho ông ấy”. Đồng thời tỏ ra là môt đảng viên có khí phách, dám nhận trách nhiệm về mình như luật sư Thiệp nói ông Thăng xin tha tội cho những người đã thực hiện lệnh của ông, mà lệnh đó là “sai,” nhưng dứt khoát không xin tha cho những ai “chiếm đoạt, dù chỉ một đồng.” Điều này có ý nghĩa gián tiếp xác nhận phẩm chất trong sáng không hề tư túi “dù chỉ một đồng” của bản thân bị can đảng viên cấp cao Đinh La Thăng và như thế đã phạm tội là không có động lực vụ lợi cá nhân. Sự sai phạm của bị can như thế là không cố ý làm trái quy định về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng…”, chẳng qua là vì quá“nhiệt tình cộng với ngu dốt thành phá hoại” như câu nói dân gian truyền khẩu sau ngày 30-4-1975 ám chỉ những cán bộ đảng viên cộng sản “giỏi trong chiến đấu, dở trong làm kinh tế”; và những kẻ quần chúng gọi là “cách mạng 30” muốn lập công lập cán với chế độ mới sau ngày 30-4-1975, đã có những hành động “độc tài hơn cả Đảng ta” khiến dân oán ghét là phá hoại chế độ. Bị can Đinh La Thăng có thể vì quá nhiệt tình mà thiếu hiểu biết về điều hành kinh tế nên đã vấp nhiều sai phạm gây hậu quả nghiêm trọng, thì thế nào cũng được “tòa án của đảng ta”chiếu cố xét giảm tội.
(4) Công trạng, thành tích công tác kinh qua các chức vụ trong bộ máy đảng và nhà nước của bị can cựu Ủy Viên Bộ Chính Trị Đinh La Thăng cũng được chiếu cố để giảm nhẹ hình phạt. Điều này phù hợp với lời dạy cán bộ đảng viên của “Bác Hồ” lúc sinh tiền , rằng “mọi tội đều có thể tha được, trừ tội phản đảng” ! Mà bị can Thăng thì không phản đảng, dù không thể tha, phải chịu một án điển hình, nhưng thế nào cũng được giảm tội đến mức tối thiểu của khung hình phạt về tội “cố ý làm trái quy định về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng…” Trước Tòa bị can Thăng trong những lời nói sau cùng gây xúc động lòng người cùng đã mạnh mẽ tuyên xưng đức tin cộng sản, rằng vẫn tuyệt đối trung thành, tin tưởng vào sự lãnh đạo của đảng, với ước mong không phải chết trong tù để được làm “ma tự do”! (duy tâm hữu thần hay duy vật vô thần?)
2/- Đối với tội trạng của “Cọp” nếu không cũng là “beo” Trịnh Xuân Thanh, trong quá trình thực hiện dự án Nhiệt điện Thái Bình 2, ông Thanh giữ vai trò là Chủ tịch HĐQT PVC, đã chỉ đạo cấp dưới chi cho PVC hơn 6,6 triệu đôla và hơn 1.312 tỉ đồng, đồng thời gây thiệt hại cho nhà nước số tiền hơn 119 tỉ đồng.
Theo cáo trạng, khác với hổ Đinh La Thăng, bị can Trịnh Xuân Thanh phạm cả hai tội: “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” quy định theo khoản 3 Điều 165 và “ Tham ô tài sản” quy định nơi khoản 4, Điều 278, Bộ luật Hình sự năm 1999 như sau:
“4. Phạm tội thuôc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù hai mươi năm, tù chung thân hay tử hình:
a.      Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ năm trăm triệu đồng trở lên;
b.     Gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng khác.".
Theo cáo trạng thì trong quá trình điều tra, ông Thanh “khai báo không thành khẩn, quanh co, chối tội”, và sau khi phạm tội “đã bỏ trốn gây khó khăn, cản trở điều tra” và đó là những tình tiết cần xem xét “để áp dụng mức hình phạt nghiêm khắc”. Điều này cho người ta cảm tưởng là bị can Thanh sẽ bị kết án tối đa là tử hình cần có cho một vụ đại án điển hình để làm gương. Nay trước Tòa, đại diện Viện Kiểm sát nhân dân đã xác nhận đủ yếu tố cấu thành tội phạm theo luật về hai tội “cố ý làm trái…” và “Tham ô…” dù bị can không nhận tội, là mất đi tình tiết giảm tội, nhưng vẫn chỉ để nghị hình phạt chung thân. Đúng như chúng tôi đã nhận xét bị can Thanh sẽ không bị lãnh hình phạt tối đa của khung hình phạt là tử hình.
Nếu án sơ thẩm có tuyên án tù chung thân cho Trịnh Xuân Thanh, thì phúc thẩm cũng có thể sẽ được giảm xuống mức tù thấp nhất 20 năm hay cao hơn có thời hạn để bị can có cơ hội được chết trở thành “ma tự do” như ước mơ của thượng cấp Đinh La Thăng mà bị can đã xúc động ngỏ lời xin lỗi khi nói lời cuối cùng trước Tòa vì mình làm sai mà bị khổ lụy.
Thực tế bị can Trịnh Xuân Thanh cũng có thể được hưởng mức án nhẹ hơn tù chung thân, nếu đó là mệnh lệnh của Tổng bí thư Trọng, người đã ra lệnh bắt cóc Trịnh Xuân Thanh bằng mọi giá để phục vụ cho việc phá đại án tham nhũng mà Thanh là một đầu mối quan trọng không thể thiếu; nay muốn làm theo yêu cầu của chính phủ Đức để tái lập quan hệ đối tác toàn diện với Đức quốc bị gián đoạn sau khi tình báo Việt Nam tổ chức bắt cóc Trịnh Xuân Thanh đang xin tỵ nạn tại nước này, vi phạm luật bang giao quốc tế. Tất nhiên bề ngoài Tòa án xét xử Trịnh Xuân Thanh vẫn phải lấy căn cứ là “Trịnh Xuân Thanh đã tự nguyện tự giác về Việt Nam đầu thú” cho đúng bài bản chối tội “bắt cóc” của đảng và nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam. Do đó các luật sư biện hộ cho bị can Trịnh Xuân Thanh có thể nương theo chiều hướng trên kèm theo hành động của Thanh sẵn sàng nhả ra một số lớn tiền đã tham nhũng trả lại cho công quỹ, để thỉnh cấu Tòa án của đảng chiếu cố đến thành tích, công trạng phục vụ “đảngvà nhà nước ta” trong quá khứ và những yếu tố có lợi khác cho bị can để có thêm căn cứ giảm tội cho Trịnh Xuân Thanh một cách “logic” theo duy vật biện chứng!
Mặc dù hai mức án dành cho bị can Đinh La Thăng và bị can Trịnh Xuân Thanh mới chỉ là những đề nghị của đại diện Viện Kiểm sát nhân dân, nhưng nhiều người cho rằng Hội Đồng Xét Xử rồi đây cũng sẽ ra bản án không cách biệt là bao. Vì kinh nghiệm thực tế ai cũng biết Tòa án trong chế độ độc tài đảng trị không tôn trọng nguyên tắc phân quyền tam lập, các vụ án chính trị thường được tiền định do sự thống nhất trước giữa đại diện Viện Kiểm sát và Hội đồng xét xử theo sự chỉ đạo của các cấp bộ đảng. Đại án chống tham nhũng mang tính điển hình ắt là phải được sự chỉ đạo từ Trung Ương là Tổng Bí thư và Bộ Chính trị.
Như phần mở đầu bài viết chúng tôi đã nêu ra, rằng kịch bản chống tham nhũng “đã hổ diệt ruồi” đang được Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và nhóm lợi ích của ông thực hiện chỉ là bản sao kịch bản chống tham nhũng của người đứng đầu đảng và nhà nước cộng sản Trung Quốc. Mục tiêu tối hậu của kịch bản này theo nhận xét của nhiều người là Tổng bí thư kiêm Chủ tích nước Tập Cận Bình muốn dùng chiêu bài chống tham nhũng để thanh trừng các nhóm lợi ích khác hầu thâu tóm quyền lực vào tay mình và nhóm lợi ích đang ở thế mạnh của ông ta. Một câu hỏi được những người quan tâm đặt ra là liệu người đứng đầu đảng CSVN Nguyễn Phú Trọng và nhóm lợi ích đang ở thế mạnh của ông ta có thành đạt mục tiêu tối hậu như Ông Tập khi vận dụng kịch bản “đả hổ diệt ruối” của Trung quốc vào công cuộc chống tham nhũng tại Việt Nam không? Thực tế sẽ có câu trả lời. Chúng ta hãy chờ xem.
Thiện Ý

No comments:

Post a Comment

Note: Only a member of this blog may post a comment.