PHẢI CHĂNG NHÀ ĐƯƠNG QUYỀN VIỆT NAM ĐANG CÓ Ý
HƯỚNG TRẢ LẠI NHỮNG SỰ THẬT LỊCH SỬ ?
Thiện Ý
Tin truyền thông
trong và ngoài Việt Nam cho hay là vào ngày 9-3-2018 vừa qua, chính quyền CS Việt
Nam lần đầu tiên mở trưng bày sử liệu về biến cố cuộc đời ông Ngô Đình Diệm,
Tổng thống đầu tiên của Việt Nam Cộng Hòa, tại khuôn viên dinh Thống Nhất (tức dinh Độc Lập dưới chế độ cũ ở Sài Gòn).
Ban tổ chức đã dành một gian riêng ở tầng hai của một tòa nhà trong khuôn viên
dinh Thống Nhất, để giới thiệu diễn biến của cuộc đời Tổng thống Việt Nam Cộng
Hòa Ngô Đình Diệm, từ ngày ông làm quan nhà Nguyễn thời vua Bảo Đại rồi trở
thành tổng thống đầu tiên của Việt Nam Cộng Hòa.
Chúng tôi hơi ngạc
nhiên sau khi đọc được chi tiết của bản tin trên và có ý chờ đợi xem chính quyền
trung ương Việt Nam có lên tiếng chính thức hay bán chính thức về sự kiện này
hay không.Bởi vì cuộc triển lãm này do chính quyền địa phương thành phố Hồ Chí
Minh tổ chức và việc trưng bày hình ảnh sự nghiệp của vị Tổng thống đầu tiên
của nền Đệ nhất Việt Nam Cộng hòa ở Nam Việt Nam, có vẻ trái với chủ trương, lập
trường, quan điểm bao lâu nay của nhà đương quyền Việt Nam. Vì trong quá khứ,
nhất là trong thời chiến tranh, cơ quan tuyên truyền của “Đảng và nhà nước ta” từng coi ông Diệm là Tổng thống bù nhìn của
một chính quyền tay sai “Đế quốc Mỹ” và giáo dục nhân dân gọi Tổng Thống Diệm
và các nhà lãnh đạo hàng đầu chế độ VNCH ở Nam Việt nam một cách miệt thị là
“Thằng” (Thằng Diệm, Thằng Nhu, Thằng
Thiệu…).
Sự thể này tương
tự như sự kiện ngày 18-8-2017 năm vừa qua, khi phát hành Bộ sách Lịch sử Việt
Nam, Tổng Chủ biên là Ts.Trần Đức Cường đã nói với báo Tuổi Trẻ, rằng “Chính
quyền Việt Nam cộng hoà là một thực thể ở miền Nam Việt Nam… Trước đây, khi
nhắc đến chính quyền Việt Nam Cộng hoà, mọi người vẫn hay gọi là ngụy quân,
ngụy quyền. Nhưng chúng tôi từ bỏ không gọi theo cách đó mà gọi là chính quyền
Sài Gòn, quân đội Sài Gòn. Lịch sử phải khách quan, phải viết thế nào để mọi
người chấp nhận”. Thế nhưng ngay sau đó ông Cường khẳng định bản chất của
chính quyền và quân đội Saigon vẫn không thay
đổi. Theo Ông Cường chính quyền ấy (Việt Nam Cộng Hòa)
thực chất cũng như thực tế vẫn là một chính quyền công cụ tay sai do Mỹ
dựng lên và nuôi dưỡng; và quân đội ấy (Quân đội VNCH) được
Mỹ trang bị vũ khí và nuôi sống cũng chỉ là một quân đội đánh thuê…” !?! Và trước đó,
trên trang VNTB.org xuất hiện bài viết được cho là của Trung tướng Nguyễn Thanh
Tuấn, nguyên Cục Trưởng Cục Tuyên huấn, Bộ Quốc phòng, không chấp nhận
việc công nhận chính quyền Sài gòn, tác giả cho rằng công nhận chế độ
VNCH là “đánh tráo lịch sử”(!?!) và “yêu cầu Đảng, Nhà nước
phải kiểm tra xử lý kiên quyết thu hồi, đính chính trở lại tập sử và làm rõ
trách nhiệm những người gây nên hậu quả sai trái.”. Đồng thời, tháng
6/2017, báo Quân đội Nhân dân, trong một bài ca ngợi Trung tướng Nguyễn Thanh
Tuấn như là “người truyền lửa cho cộng đồng người Việt trong và ngoài nước”,
vẫn tố cáo “tội ác của chế độ Mỹ-Ngụy”. Bài báo nói ông Tuấn từng được
phân công để “lên lớp chính trị cho gần một vạn binh lính, nhân viên ngụy
quân, ngụy quyền.”sau ngày “Giải phóng”(30-4-1975).
Đó là phản ứng
chúng tôi cho là bán chính thức có tính thăm dò liên quan đến cách nhìn và đánh
giá chế độ, quân đội Miền Nam phù hợp với tính khách quan của lịch sử, trái với
cách nhìn và đánh giá chủ quan phục vụ cho lợi ích chính trị trong thời nội
chiến Quốc-Cộng (1954-1975). Nhưng cho đến khi chúng tôi viết bài này, thì sự
kiện triển lãm hình ảnh sự nghiệp của cá nhân Tổng Thống Diệm, người đứng đầu
chế độ Việt Nam Cộng Hòa ở Miền Nam vẫn chưa
thấy phản ứng gì từ chính quyền trung ương Hà Nội. Vậy có thể còn quá
sớm để có câu trả lời chính xác cho câu hỏi “Phải chăng nhà đương quyền Việt
Nam đang có ý hướng trả lại những sự thật lịch sử” mà bao lâu nay vì
lợi ích chính trị trong cuộc chiến mà đảng CSVN đã chủ trương tuyên truyền bóp
méo lịch sử?
Chẳng hạn, đúng ra
lịch sử phải ghi nhận thực chất của cuộc chiến tranh “cốt nhục tương tàn” vừa qua là một cuộc nội chiến ý thức hệ
Quốc-Cộng giữa những người Việt Nam theo ý thức hệ cộng sản (communist
Vietname) và những người Việt Nam theo ý thức hệ quốc gia (Nationalist
Vietnamese), trong bối cảnh cuộc chiến tranh ý thức hệ toàn cầu (Globle War of
Ideology) hình thành sau Thế Chiến II, giữa các cường quốc cộng sản đứng đầu là
Liên Xô và các cường quốc tư bản đứng đầu là Hoa Kỳ. Cuộc chiến tranh ý thức hệ
toàn cầu này diễn ra dưới hai hình thái “Chiến
tranh Lạnh” (Cold War) giữa các
nước giầu và “Chiến tranh Nóng” (Hot War) cục bô nơi các nước nghèo.Việt
Nam có số phận không may đã rơi vào hình thái chiến tranh nóng cục bộ của cuộc
chiến tranh ý thức hệ toàn cầu này.
Sau Hiệp Định
Genève1954 chia đôi đất nước, (nhưng
“nước Việt Nam, dân tộc Việt Nam vẫn là một…” như lời Hồ Chí Minh nói),
Miền Bắc Việt Nam vẫn giữ tên chế độ từ thời kháng chiến chống Pháp (1946) là
Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa, nhưng thực tế đã là chế độ xã hội chủ nghĩa và mặc
nhiên trở thành một công cụ “tiến công
cách mạng (Đỏ)” để cộng sản hóa
Miền Nam. Do đó, Miền Bắc được xưng tụng là “Tiền đồn phe xã hội chủ nghĩa” được Liên Xô , Trung Quốc viện trợ
toàn diện vũ khí, lương thực để “Bộ đội
ăn nó đánh thắng…”. Trong khi Miền Nam dù muốn dù không đã trở thành “Tiền đồn Thế giới tự do” phải làm công
cụ “bảo vệ Miền Nam tư do”, được Hoa
Kỳ và đồng minh viện trợ toàn diện vũ khí, kinh tế dồi dào để như nuôi cả Miền
Nam thực hiện cuốc chiến tranh tự vệ chống lại cuộc chiến tranh thôn tính Miền
Nam của CSBV, ngăn chặn, đẩy lùi tham vọng cộng sản hóa tòan cầu của cộng sản
quốc tế (theo chủ thuyết Domino của Hoa
Kỳ).
Nhưng vì chủ nghĩa
cộng sản còn xa lạ với nhân dân Việt Nam, lý tưởng cao đẹp mà không tưởng của
chủ nghĩa cộng sản (xây dựng một xã hội
công bằng,ấm nó hạnh phúc, không gai cấp, không còn cảnh người bóc lột người…)
chưa có hấp lực lôi kéo nhân dân Việt Nam lao vào cuộc chiến tranh giúp Việt
cộng cướp chính quyền quốc gia ở Nam Việt Nam.Lại bị phe quốc gia tuyên truyền
về chủ nghĩa cộng sản như là một thứ chủ nghĩa “Tam vô” (vô gia đình, vô tôn
giáo và vô tổ quốc) và Việt cộng
luôn hành động tàn ác vì là kẻ vô thần, nên nhiều người dân sợ hãi còn tìm cách
xa lánh, trốn chạy cộng sản.Do đó, đảng CSVN phải tiếp tục dùng “Chủ nghĩa ngụy dân tộc” từ thời kháng
chiến chống pháp để ngụy trang cho cuộc “chiến
tranh cách mạng vô sản” dưới chiêu bài chống ngoại xâm, giải phóng dân
tộc.Thực tế, đảng CSVN đã vận dụng kịch bản “ngụy dân tộc” này có hiệu quả, khi dương cao ngọn cờ “Chống đế quốc Mỹ xâm lược, giải phóng Miền
Nam, thống nhất đất nước” đã khơi dạy được lòng yêu nước, tinh thần chống
ngọai âm của nhân dân, góp của cải, máu xương giúp đảng CSVN cướp được chính
quyền Việt Nam Cộng Hòa ở Nam Việt Nam, đưa cả nước tiến lên xã hội chủ nghĩa.
Nhưng nay thì đã thất bại hoàn toàn và đang tìm cách thích dụng hóa bằng con
đường lý luận ngụy biện “kinh tế thị
trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa” (giả) để che đậy thực tế “kinh tế thị trường tất yếu đã và đang theo
định hướng tư bản chủ nghĩa” (là thật).
Nếu chính quyền
Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa ở Bắc Việt Nam đã là công cụ cho phe xã hội chủ nghĩa
đứng đầu là Liên Xô (với sự cạnh tranh
ngôi vị bá chủ của Trung Quốc) thì chế độ Việt Nam Cộng Hòa ở Nam Việt Nam
cũng đã là công cụ cho phe tư bản chủ nghĩa đứng đầu là Hoa Kỳ. Khách quan mà
nói, chỉ có sự khác biệt này: chế độ
Miền Bắc đã là công cụ tri tình cho cộng sản quốc tế do có sự tự nguyện, tự
giác, chủ động thực hiện nghĩa vụ công cụ (nghĩa
vụ quốc tế cộng sản) của đảng CSVN. Cố lãnh tụ Cộng đảng Việt Nam Hồ Chí
Minh lúc sinh tiền đã từng khẳng định “Đối với cách mạng Việt Nam và dân tộc Việt
Nam, chủ nghĩa Mác Lê không những là một cẩm nang thần kỳ mà còn là mặt trời
soi sáng con đường thẳng tới thắng lợi cuối cùng, tới chủ nghĩa xã hội, chủ
nghĩa cộng sản. Còn cố Tổng Bí
Thư Lê Duẩn sau chiến tranh khi bị Trung Quốc bức bách đã phải nói thẳng ra
rằng “Ta đánh Mỹ đây là đánh cho Liên Xô,
đánh cho Trung Quốc…”.
Trong khi chế độ
quốc gia VNCH ở Miền Nam chỉ là công cụ ngay tình, do tình thế bắt buộc phải
làm công cụ “Tiền đồn Thế giới tự do””
cho phe tư bản chủ nghĩa…Thực tình những người lãnh đạo hàng đầu chính quyền
VNCH phần đông không ai muốn làm công cụ tay sai cho ngoại bang. Cố Tổng thống
VNCH Ngô Đình Diệm là một trong những nhà lãnh đạo đó và cái chết của Ông
nguyên nhân chủ yếu là vì không muốn làm công cụ cho Hoa Kỳ, muốn bảo vệ chủ
quyền quốc gia, độc lập dân tộc, muốn hành xử ngôi vị Tổng thống như một quốc
gia độc lập, có chủ quyền. Và vì vậy Ông Diệm đã bị các tướng lãnh quân đội
VNCH, những kẻ chấp nhận làm công cụ để được Hoa Kỳ hổ trợ lật đổ và sát hại
tàn bạo một người yêu nước theo chủ nghĩa dân tộc như thế vào ngày 2-11-1963.
Những hình ảnh và tư liệu về sự nghiệp của cố Tổng thống VNCH Ngô Đình Diệm trưng
bày trong cuộc triển lãm tại Hội Trường Thống Nhất hay dinh Độc Lập dưới chế độ
cũ ở Saigon, tương đốikhách quan và dường như
đã thể hiện phần nào sự thật lịch sử này.
Nhận định về sự
kiện chưa từng xảy ra tại Việt Nam kể từ ngày chính quyền Việt Nam Cộng hòa bị
sụp đổ vào năm 1975, tiến sĩ sử gia Nguyễn Nhã ở thành phố Hồ Chí Minh cho là
cuộc triển lãm này phản ánh một phần của lịch sử Việt Nam và có một ý nghĩa
nhất định. Tiến sĩ Nguyễn Nhã nói rằng “Độc lập” là điều mà cựu tổng thống họ
Ngô đã đề cập ngay từ khi lên nắm quyền. Ông nói “Tôi là một trong những nhân chứng
sống trong thời của ông Ngô Đình Diệm, tôi thấy ông đã đề cập đến vấn đề độc
lập dân tộc. Ông luôn sử dụng quốc phục – áo dài – trong các buổi lễ. Tôi nghĩ
ông là một trong những người đứng đầu của một chính phủ đã thể hiện tinh thần
bản sắc Việt.”
Báo VNexpress nói
cuộc triển lãm là kết quả ba năm nghiên cứu và thực hiện do Hội trường Thống
Nhất với sự cố vấn từ các chuyên gia sử học, bảo tàng như Tiến Sĩ Nguyễn Văn
Huy, Tiến sĩ Lê Thị Minh Lý, và Giáo sư sử học người Mỹ Edward Miller.Vẫn heo
báo này, giáo sư sử học Edward Miller - tác giả cuốn sách "Liên minh sai lầm, Mỹ, Ngô Đình Diệm và số phận Nam Việt
Nam" – là người đóng góp nhiều hình ảnh và tư liệu quý cho trưng bày
gia đình Ngô Đình Diệm. Nguồn sử liệu của ông được thu thập ở nhiều trung tâm
lưu trữ tại Việt Nam,
Mỹ và Pháp.
Truyền thông Việt
Nam trích lời bà Trần Thị Ngọc Diệp, Giám đốc Hội trường Thống Nhất nói: "Cuộc trưng bày lần này được tập hợp từ hàng
trăm tài liệu, hình ảnh, được xem là quy mô nhất từ trước đến nay về lịch sử
Dinh Độc Lập, đặc biệt trong giai đoạn 1868 đến 1966 vốn ít người biết đến.”
Dù
cho đến lúc này chưa thấy chính quyền trung ương Hà Nội lên tiếng phản bác gì
về cuộc triển lãm có nhan đề là “Từ dinh
Norodom đến dinh Độc Lập 1868-1966”, trong đó Ban tổ chức thuộc chính quyền
đia phương ở Saigon đã trang trọng dành một gian riêng ở tầng hai của một tòa
nhà trong khuôn viên dinh Thống Nhất, để giới thiệu diễn biến cuộc đời và sự
nghiệp của cố Tổng thống Việt Nam Cộng hòa Ngô Đình Diệm tương đối khách quan;
cùng với việc chuẩn bị công phu nhiều năm sưu tầm hình ảnh, tài liệu và sự quảng
bá rộng rãi của giới truyền thông “lề phải”, chúng tôi hy vọng thực tế câu trả
lời đã có ngay trong câu hỏi “phải chăng
nhà đương quyền Việt Nam đang có ý hướng trả lại những sự thật lịch sử” mà
bao lâu nay bị bóp mép, xuyên tạc để phục vụ cho những lợi ích tuyên truyền có
tính giai đoạn.
Nếu
được như thế, sẽ là điều tốt cho đất nước, góp phần vào yêu cầu đoàn kết dân
tộc, thống nhất toàn lực quốc gia, để xây dựng, phát triển toàn diện đất nước
đến phú cường, tạo thế lực vững chắc đập tan cuồng vòng xâm lăng bất cứ từ đâu
tới, bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ của Tổ Quốc Việt Nam; và để mọi tầng lớp nhân dân
Việt Nam được sống trong “Độc lập-Tự
do-Hạnh phúc” thực sự chứ không còn là khẩu hiệu tuyên truyền bánh vẽ.
Thiện Ý
Houston, ngày
12-3-2018
No comments:
Post a Comment
Note: Only a member of this blog may post a comment.