Tuesday, December 31, 2013

Nhận định: NGUYÊN NHÂN VÀ HỆ QUẢ CỦA CUỘC KHỦNG HOẢNG NGÂN SÁCH TẠI HOA KỲ.



Nhận định:
NGUYÊN NHÂN VÀ HỆ QUẢ CỦA CUỘC KHỦNG HOẢNG NGÂN SÁCH  TẠI HOA KỲ.

Thiện Ý

       Như vậy là cuộc khủng hoảng ngân sách tài khóa 2014 của quốc gia Liên Bang Hoa kỳ đã chấm dứt sau 16 ngày kể từ ngày 1-10-2013, sau khi Dự luật ngân sách ngắn hạn do Thương viện đề xuất, được lưỡng viên Quốc hội Liên Bang Hoa Kỳ thông qua và đã được Tổng Thống Barack Obama ký ban hành thành đạo luật vào ngày 16-10-2013, chỉ một ngày trước hạn kỳ chót  để tránh nguy cơ vỡ nợ do mất khả năng chi trả tài chánh của chính phủ Hoa Kỳ.
    Đạo luật ngân sách tài chánh 2014 vừa được Tổng Thống Barack  Obama  ban hành đã có hiệu lực tức thì cho phép nâng mức trần nợ công và các công sở chính quyền Liên bang mở cửa trở lại ngay lập tức. Tuy nhiên, đạo luật này chỉ có hiệu lực thi hành trong ngắn hạn, cho phép giới hạn nâng mức trần nợ công đến 16,7 nghìn tỷ USD cho tới ngày 7/2/2014 và cấp tiền cho chính phủ hoạt động tới ngày 15/1/2014.Bởi vì theo đạo luật này, một tiểu ban sẽ được thành lập để soạn thảo một ngân sách cho thời gian còn lại của năm 2014.
    Nguyên nhân nào đã đưa đến cuộc khủng hoảng ngân sách và đã để lại hệ quả gì sau 16 ngày bị khủng hoảng ngân sách?

I/-NGUYÊN NHÂN KHỦNG HOẢNG NGÂN SÁCH.
     Nguyên nhân là vì Dự luật ngân sách chi thu tài khóa 2014 do chính phủ thuộc đảng Dân Chủ đệ trình đã không được Hạ Viện Hoa Kỳ thông qua trước ngày 1-10-2013 chấm dứt tài khóa 2013. Bởi vì tại Hạ Viện, phe Dân chủ chiếm thiếu số nên không vượt được nỗ lực ngăn cản Dự luật của phe Công Hòa chiếm đa số. Nỗ lực  ngăn cản dự luật ngân sách của đảng Cộng Hòa dựa trên lý do chính phủ chi tiêu quá nhiều làm thâm thủng ngân sách quốc gia, cần phải giảm chi, trong đó có việc cắt bỏ chi tiêu cho việc thực hiện Luật Cải Tổ Y Tế thường gọi là Obamacare, bằng cách lui lại một năm thực hiện Đạo luật này. Đảng Cộng Hòa coi việc cắt bỏ này như điều kiện tiên quyết để Dự thảo Luật Ngân Sách Tài Khóa 2014 được thông qua. Thế nhưng Tổng Thống Obama và Đảng Dân Chủ thì kiên quyết không chấp nhận điều kiện này, mà quyết tâm thực hiện cho kỳ được một chính sách xã hội lớn tốn nhiều công sức mới thành đạt của mình. Đôi bên Công Hòa và Dân Chủ đã cố thủ bằng mọi giá trong 16 ngày qua, bất kể mọi hệ quả cho nhân dân, đất nước và cho thế giới.Nhưng cuối cùng chẳng đặng đừng, Đảng Cộng Hòa đã nhận chịu sự thất bại tạm thời, chấp nhận thông qua Dự luật Ngân Sách ngắn hạn, tạm thời chấm dứt cuộc khủng hoảng như mọi người đã biết.

II/- HỆ QUẢ KHỦNG HOẢNG NGÂN SÁCH.
      Hệ quả tức thời ngay trong ngày đầu của cuộc khủng hoảng 16 ngày là một phần các cơ quan chính phủ Liên bang bị đóng cửa đưa đến tình trạng hàng trăm ngàn công chức Liên bang phải nghỉ việc không lương. Hệ quả đầu tiên này đã ảnh hưởng giây chuyền gây ra những hệ quả kinh tế, tài chánh, xã hội khác không chỉ trong phạm vi Hoa Kỳ mà gây mối quan tâm lo ngại trên toàn thế giới, kéo dài trong suốt 16 ngày sau đó.
      Theo Moody’s, một cơ quan thẩm định tài chánh quốc tế cò uy tín, thì thỏa thuận giữa hai đảng Cộng Hòa và Dân Chủ đã giúp tránh được một  “thảm họa », song chính quyền Mỹ còn nhiều vấn đề phải giải quyết, đặc biệt là từ nay đến giữa tháng 12/2013, cần phải đạt được thỏa thuận về ngân sách trong dài hạn.Hệ quả không tránh khỏi là sau 16 ngày khủng hoảng chính trị và ngân sách đã làm mức tăng trưởng của Hoa Kỳ sẽ bị mất đi 0,5 điểm trong quý bốn 2013, song chỉ gây ra những thiệt hại ở mức độ hạn chế đối với nền kinh tế Hoa Kỳ. Trong cuộc khủng hoảng ngân sách thời kỳ 1995 – 1996, tổng thời gian đóng cửa của các công sở chính quyền Liên bang lên tới 21 ngày và tăng trưởng của Mỹ đã bị mất đi 2,6% trong giai đoạn từ quý ba năm 1995 đến quý một năm 1996. Thế nhưng, sang đến quý hai năm 1996, tăng trưởng đã tăng vọt 7,2%.
      Một cơ quan thẩm định tài chính quốc tế khác là  Standard & Poor’s,thì nhận định cuộc khủng hoảng 16 ngày đưa đến sự thiệt hại lên đến 24 tỷ đô la, còn thỏa thuận đạt được tại Quốc hội lưỡng viện mới chỉ là định ra khuôn khổ cho các cuộc thương lượng trong những tuần tới cho một ngân sách dài hạn.
   Trong khi đó, Ngân hàng Dự trữ Liên bang Hoa Kỳ thì cho rằng cuộc khủng hoảng do các cuộc tranh cãi ở Quốc Hội đã làm cho tình hình kinh tế xã hội trở nên bất ổn, ngăn cản tuyển dụng việc làm, trong lúc tỷ lệ thất nghiệp tại Mỹ vẫn ở mức cao là 7,3% trong tháng Tám vừa qua.Về tài chánh, lãi suất của công trái ngắn hạn Mỹ sẽ tăng, làm cho dịch vụ nợ của chính phủ Hoa Kỳ trở nên nặng nề hơn.
     Mặt khác, cuộc khủng hoảng chính trị và ngân sách tại Hoa Kỳ trong 16 ngày qua, dù chưa gây tác hại thực tế cho nên kinh tế tài chánh toàn cầu, nhưng cũng đã gây lo ngại cho nhiều quốc gia. Bởi vì nếu cuộc khủng hoảng không kết thúc kịp thời, cái  giá phải trả về mặt kinh tế, rất khó định lượng do ảnh hưởng của vai trò lãnh đạo kinh tế toàn cầu của nước Mỹ. Điều xem ra có vẻ nghịch lý là nước Mỹ được coi là giầu có nhất thế giới nhưng cũng là con nợ đã đạt mức trần nợ cao nhât thế giới, nhưng thực tế lại đóng vai trò lãnh đạo kinh tế toàn cầu. Vì sao?
      Theo các nhà kinh tế lý giải, tính đến Tháng 9 năm 2013, thì đồng Mỹ kim được dùng làm phương tiện giao dịch ngoại tệ chiếm 87% luồng giao dịch toàn cầu.Trên phương diện mậu dịch, cán cân thương mại Mỹ càng bị thâm hụt thì đồng dollar Mỹ càng là khí cụ giao hoán phổ biến cho thế giới. Đồng thời, nhờ chiều kích sâu rộng, ổn định của thị trường tài chánh Mỹ, đồng dollar Mỹ trở thành ngoại tệ dự trữ được sử dụng nhiều nhất.Việc vay nợ chỉ là cách mượn vốn làm ăn của Hoa Kỳ theo kiểu “mượn đầu heo nấu cháo”.Nợ là nợ quốc gia (công trái),nhưng công việc kinh doanh của cá nhan các nhà tư bản và các tập đoàn tư bản thì vẫn phát đạt, đem về nhiều lợi nhuận. Nợ thì nợ nhưng nhiều nước chủ nợ vẫn sẵn sàng cho vay thêm nữa vì biết chắc Mỹ có khả năng chi trả trong ngắn hạn cũng như dài hạn. Do đó, bất cứ sự biến động nào trong nền tài chánh Hoa Kỳ đều có ảnh hưởng đến kinh tế tài chánh toàn cầu khiến người ta phải lo ngại.
      Chính vì vậy mà hai nước chủ nợ lớn nhất của Hoa Kỳ hiện nay là Trung Quốc (với số nợ gần 1 ngàn tỷ 300 triệ) )và Nhật Bản (với số nợ hơn 1 ngàn tỷ 100 triệu) đã tỏ ra vui mừng khi thấy Hoa Kỳ thoát khỏi cuộc khủng hoảng ngân sách tài chánh vừa qua .Bắc Kinh là "chủ nợ" lớn nhất của Mỹ  nên sau khi Tổng thống Mỹ Barack Obama ký ban hành Luật Ngân Sách,chấm dứt tình trạng một phần các cơ quan chính phủ Liên bang bị "đóng cửa" và nâng cao mức trần nợ của Hoa Kỳ, Bộ Ngoại giao Trung Quốc hôm 17/10/2013 đã tuyên bố hoan nghênh, cho rằng sự kiện đó sẽ góp phần ổn định kinh tế toàn cầu. 
       Tựu chung, ngoài những hệ quả trước mắt cũng như lâu dài, tính được bằng những con số, công luận cho rằng có một hậu quả trừu tượng quan trọng không tính được là niềm tin của nhân dân Hoa Kỳ  đối với các vị dân cử thuộc cả hai đảng Cộng Hòa và Dân Chủ trong Quốc Hội Liên Bang Hoa Kỳ. Qua cuộc khủng hoảng này  người ta thấy những người đại diện cho họ trong cơ chế lập pháp Quốc hội Hoa Kỳ đã coi nhẹ lợi ích nhân dân, đất nước trên lợi ích phe đảng. Vì lợi ích này các vị dân cử đã hành động bất chấp mọi hệ quả cho dân cho nước.Trong hiện vụ, sự oán giận, mất niềm tin của nhân dân có lẽ đã trút lên đầu các vị dân cử thuộc đảng Cộng Hòa. Vì họ đã sử dụng cơ chế dân chủ của nước Mỹ như một trò chơi dân chủ đầy tốn kém mà mọi hậu quả sau cùng đổ lên đầu đa số những người dân phải đóng thuế để trang trải, ít ra là trang trải 24 tỷ dollar thiệt hại do cuộc khủng hoảng ngân sách kéo dài 16 ngày qua. Sự mất niềm tin và oán giận của nhân dân có lẽ sẽ được thể hiện phần nào trong kết quả các cuộc bầu cử người đại diện vào Quốc hội cũng như các cơ quan dân cử Liên Bang và Tiểu bang trong những năm tháng tới đây./.
Thiện Ý
Houston, ngày 18 Tháng 10 năm 2013
   

No comments:

Post a Comment

Note: Only a member of this blog may post a comment.