Tuesday, December 31, 2013

THƯ NHẮC LẠI ĐỀ NGHỊ ĐỐI LUẬN CÔNG KHAI VỚI ÔNG PHAN TRUNG LÝ , CHỦ NHIỆM ỦY BAN PHÁP LUẬT QUỐC HỘI ĐƯƠNG THỜI TẠI VIỆT NAM



                                            THƯ NHẮC LẠI
ĐỀ NGHỊ ĐỐI LUẬN CÔNG KHAI VỚI ÔNG PHAN TRUNG LÝ , CHỦ NHIỆM ỦY BAN PHÁP LUẬT QUỐC HỘI ĐƯƠNG THỜI TẠI VIỆT NAM    

Kính thưa Ông Phan Trung Lý, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Luật, Cao cấp lý luận
                 chính trị , Chủ nhiệm Ủy Ban Pháp Luật Quốc Hội
      
   Tôi đã gửi Thư ngỏ đề nghị này đến địa chỉ email và mail của Ông  cùng lúc phổ biến rộng rãi trên mang internet toàn cầu, tính đến hôm nay đã là 21 ngày (21-6 đến 11-7-2013). Tuy nhiên vẫn chưa nhận được thư hồi âm của Ông.
     Vì vậy, một lần nữa tôi mạn phép gửi Thư ngỏ đề nghị này đến Ông lần thứ hai qua địa chỉ email và mail của văn phòng Quốc hội chế độ đương thời tại Việt Nam nơi Ông đang làm việc, với hy vọng Ông sẽ nhận được và có thư trả lời càng sớm càng tốt.
  Nếu Ông thấy bất tiện và ngại tốn kém tiền bạc hay không có khả năng tài chánh với số lương hạn hẹp của một Đại biểu Quốc hội, tôi đề nghị chúng ta có thể thực hiện một cuộc đối luận công khai trực tuyến trên mang (theo sáng kiến của Tiến sĩ Đỗ Kim Thêm đề nghị với chúng tôi), thay vì một cuộc đối luận công khai tại Việt Nam hay Hoa Kỳ như tôi đề nghị tại điểm (4)   trong Thư ngỏ đã gửi đến Ông ngày 21-6-2013.
   Chúng tôi ước mong sớm nhận được Thư hồi  đáp của Ông.
   Kính chúc Ông và gia đình sức khỏe và mọi điều tốt lành và riêng cá nhân ông có sứ khỏe tốt, tinh thần sáng suốt và nghị lực kiên cường để phục vụ nhân dân và Tổ quốc Việt Nam trong cương vị người Đại biểu của nhân dân.
Trân trọng,
Houston, ngày 11 Tháng 7 Năm 2013

Thiện Ý Nguyễn Văn Thắng

THƯ NGỎ
ĐỀ NGHỊ  MỘT CUỘC ĐỐI LUẬN CÔNG KHAI VỚI CÁ NHÂN ÔNG PHAN TRUNG LÝ, CHỦ NHIỆM ỦY BAN PHÁP LUẬT  CỦA QUỐC HỘI CHẾ ĐỘ ĐƯƠNG THỜI TẠI VIỆT NAM.

Kính gửi: - Ông Phan Trung Lý, Chủ nhiệm Ủy Ban Pháp Luật
                 Quốc hội của chế độ đương thời tại Việt Nam.

Kính thưa Ông,
        Qua truyền thông chúng tôi được biết: Trong phiên khai mạc kỳ họp của quốc hội chế độ đương quyền tại Việt Nam hôm 20-5-2013,  với tư cách Đại biểu Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, Ông đã thay mặt Ủy Ban kiến nghị rằng: Việt Nam sẽ không đổi tên nước thành Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, giữ nguyên điều 4 trong Hiến pháp và không ban hành luật về đảng, với lập luận rằng:
   - Việc giữ nguyên tên nước “Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam” nhằm tiếp tục khẳng định mục tiêu, con đường xây dựng và phát triển đất nước lên chủ nghĩa xã hội, bảo đảm tính ổn định.
    - Về điều 4 của hiến pháp quy định quyền lãnh đạo tuyệt đối của Đảng Cộng Sản Việt Nam, Ông cũng cho rằng giữ nguyên điều này để khẳng định tính lịch sử, tất yếu khách quan sự lãnh đạo của đảng đối với cách mạng, xây dựng và bảo vệ tổ quốc.

        Sau khi được biết kiến nghị với những lập luận như trên của Ông, chúng tôi nhận thấy cá nhân Ông và các đại biểu trong Ủy Ban Pháp Luật của Quốc Hội đã quá coi thường trình độ hiểu biết của nhân dân, không phản ánh đúng quan điểm và ý nguyện của nhân dân về sửa đổi Hiến pháp. Nhưng nhân dân chắc chắn cũng đều biết rằng quý Đại biểu trong Ủy Ban Pháp Luật cũng như hầu hết đại biểu Quốc hội chỉ là công cụ của Đảng Cộng Sản nên phải làm theo “ý Đảng” dù trái với “lòng dân”.
      Chính vì vậy trong đầu chúng tôi đã nẩy sinh ý nghĩ gửi thư ngỏ này đến Ông,đề nghị một cuộc đối luận công khai với cá nhân chúng tôi là Thiện Ý Nguyễn Văn Thắng, một quốc dân Việt Nam (với ý nghĩa là công dân của Tổ Quốc Việt Nam) đang sống lưu vong ở Hoa kỳ, nhưng tâm tư luôn hướng về đất nước, với ước mong góp phần nhỏ bé của mình vào công cuộc xây dựng một chế độ tự do dân chủ đích thực, khả thi, phù hợp với thực trạng Đất nước, tạo tiền đề phát triền toàn diện cho Quê hương đến giầu mạnh và văn minh tiến bộ theo kịp đà tiến hóa chung của nhân loại, nhất là tạo được thế và lực để bảo vệ sự toàn vẹn lãnh thổ của Tổ Quốc trước họa ngoại xâm, bất cứ từ đâu tới.
       Một cách cụ thể, chúng tôi đề nghị  6 điểm để thực hiện một cuộc đối luận như sau:
    1.-Hình thức, tư cách và tính chất đối luận:
       Là một cuộc đối luận công khai giữa hai cá nhân:Ông Phan Trung Lý, Chủ nhiệm Ủy Ban Pháp Luật Quốc Hội và chúng tôi Thiện Ý Nguyễn Văn Thắng, Chủ tịch Câu Lạc Bộ Luật Khoa Việt Nam, nhưng cả hai đều đối luận với tư cách cá nhân.
   2.- Chủ đích đối luận:
      - Là muốn công khai làm sáng tỏ trước công luận quốc dân Việt Nam và quốc tế một trong những vấn đề căn bản của Đất nước mà bao lâu nay bị che lấp, ngụy biện, tuyên truyền một chiều của đảng cầm quyền độc tôn trong chế độ độc tài toàn trị tại Việt Nam. Qua đó như một đóng góp của các cá nhân Phan Trung Lý (là công dân, đại biểu nhân dân trong Quốc hội chế độ CHXHCNVN) và Thiện Ý Nguyễn Văn Thắng (là quốc dân, công dân của Tổ Quốc Việt Nam đang sống lưu vong ở Hoa Kỳ) để cảnh giác những người lãnh đạo có trách nhiệm của Đảng và Nhà cầm quyền hiện nay tại Việt Nam, biết điều gì cần làm và nên làm theo đúng ý nguyên của toàn thể quốc dân Việt Nam trong cũng như ngoài nước, có lợi cho Dân, cho Nước và cho chính đảng cầm quyền.
    3.- Đề tài đối luận:
        Liên quan đến một trong những vấn đề căn bản của đất nước cụ thể là:
   * Đề tài : Đâu là chế độ chính trị khả thi, thích dụng với thực trạng Việt Nam và tính hình quốc tế,phù hợp với ý nguyên của nhân dân, đem lại lợi ích thiết thực cao nhất, toàn diện cho đất nước và dân tộc?
   * Đối luận:
     - Cá nhân Ông Phan Trung Lý bằng lý luận và thực tiễn chứng minh rằng: Mặc dù Liên Xô và hầu hết các nước đi theo con đường xây dựng chế độ độc đảng, độc tài toàn trị xã hội chủ nghĩa đã thất bại,phải chuyển đổi qua chế độ đa đảng, dân chủ pháp trị tư bản chủ nghĩa, song đảng cầm quyền hiện nay (có tên là đảng Cộng Sản Việt Nam) vẫn có khả năng xây dựng thành công chế độ xã hội chủ nghĩa tại Việt Nam.
    - Cá nhân Thiện Ý Nguyễn Văn Thắng, bằng lý luận và thực tiễn:
   * Phản bác rằng đảng Cộng sản Việt Nam đã thất bại và chắc chắn sẽ không bao giờ có thể xây dựng thành công chế độ xã hội chủ nghĩa tại Việt Nam.
   * Đưa ra một mô hình chế độ chính trị và chứng minh tính khả thi, phù hợp với thực trạng đất nước và tình hình quốc tế, đáp ứng đúng ý nguyên của nhân dân, đem lại lợi ích cao nhất và toàn diện cho đất nước và dân tộc?
    4.-Địa điểm, thời gian và hình thức tổ chức đối luận công khai:
   *Các cuộc đối luận giữa hai cá nhân có thể tổ chức tại Việt Nam hay ở Hoa Kỳ trong một hội trường được các cơ quan truyền thông Việt Nam và quốc tế trực tiếp truyền thanh, truyền hình, có hoặc không có quần chúng tham dự.(Tùy sự thỏa thuận đôi bên)
   * Điều hợp các cuộc đối luận giữa hai cá nhân:
    - Nếu tổ chức ở trong nước, người điều hợp đối luận sẽ do Thiện
      Ý Nguyễn Văn Thắng cử ra.
    - Nếu đối luân tổ chức ở hải ngoại, người điều hợp đối luận sẽ do Phan Trung Lý cử ra.
    * Thời lượng và chi tiết cách thức đối luận sẽ được hai bên đồng thuận để cùng thực hiện.
5.- Chi phí cho việc thực hiện đối luận:
   - Chi phí di chuyển, ăn ở trong thới gian đối luận do cá nhân tự đại thọ.
   - Những chi phí thuê Hội Trường và mọi chi phi khác cho việc tổ chức đối luận dù ở trong nước hay ở hải ngoại đều chia đôi.

6.Thời gian thực hiện đối luận giữa hai cá nhân: Đề nghị tổ chức vào ngày giờ trước Tháng 9 năm 2013, khi Quốc Hội chế độ đương thời tại Việt Nam thảo luận và chung quyết Dự thảo sửa đổi Hiến Pháp hiện hành.

      Thư ngỏ đề nghị này được phổ biến rộng rãi trên các phương tiện truyền thông đại chúng và gửi đến Ông Phan Trung Lý, qua địa chỉ email và mail chúng tôi có được.
    Chúng tôi hy vọng và ước mong sẽ nhận được sự hồi đáp càng sớm càng tốt của cá nhân công dân Phan Trung Lý, để kịp chuẩn bị thực hiện các cuộc đối luận, hầu thành đạt mục đích của cuộc đối luận đã nêu tại điểm (1) ở trên.

            Houston, ngày 21 Tháng 6 Năm 2013
 Người viết thư ngỏ đề nghị đối luận công khai xây dựng.

    Thiện Ý Nguyễn Văn Thắng

* Điện thoại: 281-397-8564 (H) or 832-275-6436
*Mail: 4607 Dove Springs Dr
            Houston, Texas 77066

* Xin kinh nhờ mọi quốc dân Việt Nam trong và ngoài nước giúp phổ biến rộng rãi Thư Ngỏ đề nghị đối luận này đến nhiều người để biết và yểm trợ thực hiện.

No comments:

Post a Comment

Note: Only a member of this blog may post a comment.